Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ TƯ 10/10/2012 TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN,"Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện".

Thứ Tư Tuần XXVII Mùa Thường Niên Năm chẵn


BÀI ĐỌC I: Gl 2, 1-2. 7-14
"Các đấng đã nhận biết ơn đã ban cho tôi".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, mười bốn năm sau, tôi lại lên Giêrusalem cùng với Barnaba và có đem Titô theo. Tôi đã theo ơn mạc khải mà lên đó, và tôi đã trình bày với các đấng đó về Tin Mừng mà tôi rao giảng nơi các dân ngoại, tôi bàn hỏi riêng với những bậc vị vọng, vì e rằng mình đang bôn tẩu hoặc đã bôn tẩu luống công chăng.

Trái lại, khi các đấng ấy thấy rằng tôi được uỷ nhiệm rao giảng Tin Mừng cho người không chịu cắt bì, cũng như đã uỷ nhiệm cho Phêrô rao giảng cho những người đã chịu cắt bì, (vì Đấng đã ban cho Phêrô làm Tông đồ cho những người đã chịu cắt bì, cũng đã ban cho tôi làm Tông đồ lo cho các dân ngoại), và khi đã nhận biết ơn đã ban cho tôi, thì Giacôbê, Kêpha và Gioan, là những vị được kể như cột trụ, đã bắt tay tôi và Barnaba, tỏ tình thông hảo. Thế là chúng tôi đi sang các dân ngoại, còn các đấng thì đi đến với những người đã chịu cắt bì. Bấy giờ chúng tôi chỉ còn phải nhớ đến những người nghèo khổ, và đó là chính điều tôi đã định tâm thi hành.

Nhưng khi Kêpha đến Antiôkia, tôi đã phản đối ông ngay trước mặt, vì ông làm điều không phải. Vì chưng trước khi mấy người bên Giacôbê đến, thì ông vẫn dùng bữa với những người dân ngoại, nhưng khi những người ấy đến, thì ông lẩn lút và tự lánh mặt đi, bởi sợ những người thuộc giới cắt bì. Những người Do-thái khác đều giả hình như ông, thậm chí cả Barnaba cũng bị lôi cuốn theo sự giả hình của họ. Nhưng khi thấy họ không thẳng thắn sống theo chân lý Tin Mừng, tôi đã nói với Kêpha trước mặt mọi người rằng: "Nếu ông là Do-thái, mà còn sống theo thói người dân ngoại, chứ không theo thói người Do-thái, thì lẽ nào ông bắt ép người dân ngoại phải theo thói người Do-thái sao? Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 116, 1. 2
Đáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).

Xướng: 1) Toàn thể chư dân, hãy khen ngợi Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người! - Đáp.

2) Vì tình thương Chúa dành cho chúng ta thực là mãnh liệt, và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời. - Đáp.

ALLELUIA: Mt 4, 4b
Alleluia, alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 11, 1-4
"Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông". Người nói với các ông: "Khi các con cầu nguyện, hãy nói:
"'Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ' ". Đó là lời Chúa.

Lc 11,1-4

THƯA THẦY, XIN DẠY CHÚNG CON CẦU NGUYỆN

“Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy các môn đệ của ông.”(Lc 11,1)

Suy niệm: Cầu nguyện là một nhu cầu không thể thiếu của đời sống tâm linh đối với những ai muốn sống thân mật với Thiên Chúa. Nhưng cầu nguyện thế nào nhiều khi chúng ta cảm thấy lúng túng. Có không ít người cứ tưởng rằng phải đọc kinh này, phải hát bài kia mới là cầu nguyện. Phải đọc và hát nhiều nhiều mới gọi là cầu nguyện sốt sắng. Thực ra, cầu nguyện đâu có phức tạp đến thế. Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa như nói với người cha của mình. Kinh “Lạy Cha” mà Chúa Giêsu dạy chúng ta gồm những lời cầu đơn sơ như những lời của đứa con nhỏ nói với cha mình. Mỗi ngày đọc kinh “Lạy Cha” với tâm tình trẻ thơ ấy là cầu nguyện rồi. Gẫm đi gẫm lại từng lời trong kinh này sẽ đưa chúng ta đi sâu vào việc gặp gỡ Cha mình và cảm nghiệm thế nào là cầu nguyện.

Mời Bạn: Kinh “Lạy Cha” nằm trên cửa miệng người Kitô hữu, và mỗi người chúng ta cũng đã nhiều lần đọc kinh ấy. Nhưng đọc kinh “Lạy Cha” với tâm tình nào chính là yếu tố xác định cho biết mình đã cầu nguyện thế nào. Nội dung kinh “Lạy Cha” đặt chúng ta trong tương quan với Chúa và với tha nhân đó bạn. Khi cầu nguyện với kinh “Lạy Cha” cũng là lúc chúng ta thực hiện những điều chúng ta xin trong kinh ấy.

Chia sẻ: Bạn có kinh nghiệm thế nào khi cầu nguyện với Chúa bằng kinh “Lạy Cha”? Mời bạn chia sẻ.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày nhớ đọc kinh Lạy Cha một cách chậm rãi với tâm tình của một người con thưa chuyện với cha mình.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét