Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ BẢY 10/8/2013 TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN C "Ai phụng sự Ta thì Cha Ta sẽ tôn vinh nó".


Thứ Bảy Mùa Thường Niên Năm C
Thánh Lôrensô

PHÚC ÂM: Ga 12, 24-26


Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh

Lễ Thánh Lôrenxô, Phó Tế, Tử Đạo

PHÚC ÂM: Ga 12, 24-26

"Ai phụng sự Ta thì Cha Ta sẽ tôn vinh nó".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thật, Ta nói thật với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó". Đó là lời Chúa.


THỨ SÁU 9/8/2013 TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN C: Thánh Edith Stein (1891-1942)


Thánh Edith Stein

(1891-1942)



Edith Stein, một nữ tu Camêlô thánh thiện, một triết gia uyên thâm và một văn sĩ sáng giá, không những ngài có ảnh hưởng lớn ở thời ấy mà ngày nay, ảnh hưởng ấy đang lan tràn trong giới triết gia và trí thức ở Ðức cũng như trên toàn thế giới. Ngài là nguồn cảm hứng cho tất cả những ai coi Thánh Giá là di sản, và cuộc đời ngài được dâng hiến cho sự đau khổ và bách hại của dân tộc Do Thái.
Sinh ngày 12 tháng Mười 1891 trong một gia đình Do Thái ở Breslau, nước Ðức, ngay từ nhỏ Edith Stein đã chứng tỏ năng lực học hỏi lạ thường, và vào lúc bắt đầu Thế Chiến I, ngài đã học xong triết và ngữ văn tại đại học Breslau và Goettingen.
Sau cuộc chiến, ngài tiếp tục cao học tại Ðại Học Freiburg và lấy bằng tiến sĩ ưu hạng về triết. Sau đó ngài là giáo sư phụ tá và là cộng tác viên của Giáo Sư Husserl, cha đẻ của hiện tượng học và cũng là người có ảnh hưởng lớn đến tư duy của thánh nữ.
Trong tất cả các ngành học hỏi, Edith Stein không chỉ tìm kiếm chân lý mà còn đi tìm chính Chân Lý và ngài đã tìm thấy ở Giáo Hội Công Giáo sau khi đọc tự truyện của Thánh Têrêsa Avila. Edith Stein được rửa tội vào ngày đầu năm 1922.
Sau khi trở lại đạo, Edith dùng toàn thời giờ để dạy học, diễn thuyết, viết lách và dịch sách, và không bao lâu ngài trở nên một triết gia và tác giả nổi tiếng, nhưng điều ngài khao khát là cuộc sống cô độc và tịnh niệm của dòng Camêlô, là nơi ngài tận hiến cho Thiên Chúa và người dân của ngài. Trước khi Ðức Quốc Xã bách hại người Do Thái khiến ngài phải ngưng mọi hoạt động thì cha linh hướng đã đồng ý để ngài gia nhập dòng Camêlô Hèn Mọn ở Cologne-Lindenthal vào tháng Mười năm 1933. Vào tháng Tư năm kế tiếp, ngài được mặc áo dòng và lấy tên là "Têrêsa Bênêđícta của Thánh Giá." Vào Chúa Nhật Phục Sinh năm 1935, ngài khấn trọn.
Khi sự bách hại người Do Thái gia tăng mãnh liệt và điên cuồng, Sơ Têrêsa Bênêđícta nhận thấy sự nguy hiểm khi có mặt tại nhà dòng Camêlô ở Cologne, và ngài đã xin phép bề trên để di chuyển đến một tu viện ở ngoại quốc. Vào đêm 31 tháng Mười Hai 1938, ngài bí mật vượt biên giới đến Hòa Lan là nơi ngài được tiếp đón một cách nồng nhiệt vào dòng Camêlô ở Echt. Ở đây ngài sáng tác văn bản sau cùng là Thánh Giá Học.
Chính Thánh Giá của ngài thì ngay ở trước mặt, vì lúc ấy Ðức Quốc Xã đã xâm lăng Hòa Lan, và khi các giám mục Hòa Lan công bố lá thư mục vụ phản đối việc trục xuất người Do Thái và đuổi các học sinh Do Thái ra khỏi trường Công Giáo, thì Ðức Quốc Xã ra lệnh bắt giữ mọi người Công Giáo thuộc gốc Do Thái ở Hòa Lan. Sơ Têrêsa Bênêđícta bị bắt vào ngày 2 tháng Tám 1942, và được chở đến trại tử thần Auschwitz. Ngài chết trong phòng hơi ngạt ở Auschwitz ngày 9 tháng Tám 1942.
Vào ngày 1 tháng Năm 1987, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước cho Sơ Têrêsa Bênêđícta, và sau cùng sơ được phong thánh ngày 11 tháng Mười 1998.

Lời Bàn

Các sáng tác của Sơ Têrêsa Bênêđícta có đến 17 tập, phần lớn đã được dịch sang Anh ngữ. Là một phụ nữ chính trực, ngài theo đuổi chân lý mà bất cứ đâu chân lý đưa đẩy đến. Sơ Josephine Koeppel, O.C.D., người đã dịch vài cuốn sách của Sơ Têrêsa Bênêđícta, nhận xét tổng quát về vị thánh này như sau, ngài "học biết cách sống trong bàn tay Thiên Chúa."

Lời trích

Trong bài giảng lễ phong thánh, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "Vì Edith Stein là người Do Thái nên cùng với người chị là Rosa và những người Công Giáo cũng như Do Thái khác bị đưa từ Hòa Lan đến trại tập trung Auschwitz, là nơi ngài chết vì hơi ngạt. Ngày nay, chúng ta tưởng nhớ ngài với lòng tôn trọng sâu xa. Một vài ngày trước khi bị trục xuất, người phụ nữ đạo đức này đã gạt bỏ vấn đề được cứu nguy: 'Ðừng làm như vậy! Tại sao tôi phải được miễn trừ? Không đúng sao khi tôi chẳng được ích gì từ bí tích Rửa Tội? Nếu tôi không thể chia sẻ số phận với anh chị em của tôi, đời sống của tôi chắc chắn bị tiêu diệt'."
Với những người trẻ có mặt trong buổi lễ, đức giáo hoàng nói: "Cuộc đời các con không phải là một chuỗi không cùng của những cánh cửa mở! Hãy lắng nghe tâm hồn mình! Ðừng dừng ở ngoài mặt nhưng đi sâu vào tâm điểm của mọi sự! Và khi đến giờ, hãy có can đảm quyết định! Thiên Chúa chờ đợi các con phó thác sự tự do của mình trong bàn tay nhân ái của Người."

Trích từ NguoiTinHuu.com

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ SÁU 9/8/2013 TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN C:"Người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình".

Thứ Sáu Tuần XVIII Mùa Thường Niên Năm lẻ



Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh


BÀI ĐỌC I: Đnl 4, 32-40

"Người đã yêu thương cha ông các ngươi và sau đó đã tuyển chọn con cháu các ông ấy".
Trích sách Đệ Nhị Luật.
Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: "Các ngươi hãy tìm hiểu những thời xa xưa trước kia, từ khi Thiên Chúa tác thành con người trên mặt đất, từ chân trời này đến chân trời nọ, có bao giờ xảy ra một việc vĩ đại như thế này chăng? Có bao giờ người ta đã nghe thấy những việc lạ lùng như vậy chăng? Có bao giờ một dân tộc đã nghe lời Thiên Chúa từ trong lửa phán ra như các ngươi đã nghe mà còn sống chăng? Có bao giờ Chúa đã dùng sự thử thách, dấu chỉ, điềm lạ, chiến tranh, cánh tay quyền năng mạnh mẽ và những thị kiến khủng khiếp, để chọn lấy cho mình một dân tộc giữa các dân tộc khác, như Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã làm tất cả các điều đó trước mặt các ngươi trong đất Ai-cập chăng? Tất cả những điều đó, Người chỉ cho các ngươi xem thấy, để các ngươi biết rằng Chúa là Thiên Chúa thật, và ngoài Người, không có chúa nào khác. Từ trên trời, Người cho các ngươi nghe tiếng Người; ở dưới đất, Người cho các ngươi thấy đám lửa to lớn của Người; và từ giữa đám lửa ấy, các ngươi đã nghe lời Người, vì Người đã yêu thương cha ông các ngươi và sau đó đã tuyển chọn con cháu các ông ấy. Người đã dẫn các ngươi ra khỏi Ai-cập khi Người dùng quyền năng cao cả mà đi trước mặt các ngươi, để tiêu diệt trước mặt các ngươi những dân tộc lớn mạnh hơn các ngươi, và đem các ngươi vào trong xứ của họ và ban đất của họ cho các ngươi làm gia nghiệp, như các ngươi vẫn thấy hiện nay. Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chứ không có Chúa nào khác. Hãy tuân giữ các lề luật và giới răn mà hôm nay chính ta truyền dạy cho các ngươi, hầu cho các ngươi và con cháu mai sau được hạnh phúc, và tồn tại trên phần đất mà Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho các ngươi". Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 76, 12-13. 14-15. 16 và 21

Đáp: Tôi hồi tưởng lại những việc làm của Chúa (c. 12a).

1) Tôi hồi tưởng lại những việc làm của Chúa; tôi cũng nhớ những điều kỳ diệu thuở trước của Ngài. Tôi nghiền ngẫm về mọi việc làm của Chúa, và tôi suy tư về những đại sự của Ngài. - Đáp.
2) Ôi Thiên Chúa, đường lối của Ngài thánh thiện; có thần minh nào vĩ đại như Thiên Chúa chúng tôi? Ngài là Thiên Chúa làm nên những điều kỳ diệu, làm sáng tỏ quyền năng ở giữa chư dân. - Đáp.
3) Ngài đã ra tay thục mạng dân Ngài, thục mạng con cháu của Giacóp và Giuse. Nhờ tay Môi-sen và Aaron, Chúa chăn dắt dân Ngài như thể đoàn chiên. - Đáp.

ALLELUIA: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.





PHÚC ÂM: Mt 16, 24-28
"Người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?
"Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm. Thật, Thầy bảo các con: trong những kẻ đang đứng đây, có người sẽ không nếm sự chết trước khi xem thấy Con Người đến trong Nước Người". Đó là lời Chúa.

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

THỨ NĂM 8/8/2013 TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN C : Thánh Ða Minh (1170-1221)


Thánh Ða Minh
(1170-1221)


Sinh trong một gia đình quyền quý và đạo hạnh ở Tây Ban Nha, ngay từ nhỏ Thánh Ða Minh đã có chí hướng đi tu. Ngài theo học ở Palencia, và có lẽ được thụ phong linh mục trong khi còn đi học, và được bổ nhiệm là kinh sĩ ở Osma năm 1199. Ở đây ngài làm bề trên của một tu nghị, nổi tiếng là theo sát quy luật của Thánh Bênêđíctô.
Năm 1203, ngài tháp tùng Ðức Giám Mục của Osma đến Languedoc, là nơi Thánh Ða Minh rao giảng chống với lạc thuyết Albigensian, và giúp cải tổ dòng Xitô. Thánh Ða Minh thành lập một tổ chức dành cho phụ nữ ở Prouille trong thuộc địa của phe Albigensian và giao cho một vài nữ tu trông coi với quy luật do chính ngài viết ra.
Khi vị đại diện đức giáo hoàng bị bè phái Albigensian sát hại năm 1208, Ðức Giáo Hoàng Innôxentê III đã phát động một cuộc thập tự chinh do Bá Tước Simon IV cầm đầu để chống với bè rối này. Thánh Ða Minh đi theo đạo quân để rao giảng cho những người lạc giáo, nhưng không thành công lắm. Vào năm 1214, Bá Tước Simon tặng cho Thánh Ða Minh một lâu đài ở Casseneuil, và cùng với sáu môn đệ, thánh nhân đã thành lập một tu hội tận tụy cho việc hoán cải người lạc giáo Albigensian.
Trong Công Ðồng Latêranô lần thứ tư năm 1215, Thánh Ða Minh thất bại trong việc xin phê chuẩn tu hội, nhưng được Ðức Giáo Hoàng Honorius III chuẩn y vào năm tiếp đó, và Dòng Thuyết Giảng (các tu sĩ dòng Ða Minh) được thành lập.
Thánh Ða Minh dùng quãng đời còn lại để tổ chức dòng, đi khắp nước Ý, Tây Ban Nha và Pháp để rao giảng và thu hút các thành viên mới, cũng như thiết lập các trung tâm của dòng. Dòng Thánh Ða Minh thành công trong việc hoán cải khi áp dụng quan niệm của thánh nhân là hài hòa giữa đời sống trí thức với nhu cầu của quần chúng.
Ngài triệu tập hội đồng chung trong dòng vào năm 1220 ở Bologna và từ trần ở đây vào năm tiếp đó, sau khi bị lâm bệnh và buộc phải trở về trong chuyến rao giảng ở Hung Gia Lợi.
Ngài được phong thánh năm 1234.
* Thuyết Albigensian dựa trên thuyết nhị nguyên về hai nguyên tắc đối nghịch nhau, sự thiện và sự dữ, mà mọi vật chất được coi là xấu xa và người tạo nên thế giới vật chất được coi là ma quỷ. Do đó, học thuyết Nhập Thể bị khước từ, và Cựu Ước cũng như các Bí Tích bị tẩy chay. Ðể trở nên tuyệt hảo hay "tinh tuyền", người theo thuyết này phải tránh tình dục và cực kỳ kiêng cữ ăn uống. Nhịn đói đến chết được coi là một hành động cao quý. Với hình thức thái quá này, thuyết Albigensian được coi là nguy hiểm cho xã hội.

Trích từ NguoiTinHuu.com

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ NĂM 8/8/2013 TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN C:"Con là Đá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời".

Thứ Năm Tuần XVIII Mùa Thường Niên Năm lẻ


Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh


BÀI ĐỌC I: Ds 20, 1-13

"Xin Chúa mở kho tàng châu báu của Chúa là mạch nước hằng sống".

Trích sách Dân Số.

Trong những ngày ấy, vào tháng Giêng, con cái Israel và toàn thể cộng đồng đến rừng Sim. Dân chúng định cư ở Cađê. Tại đây bà Maria đã qua đời và được chôn cất.
Và khi dân chúng thiếu nước, họ toa rập nhau chống đối Môsê và Aaron. Họ công kích Môsê rằng: "Phải chi chúng tôi chết đi như anh em chúng tôi đã chết trước mặt Chúa. Tại sao các ông dẫn cộng đoàn của Chúa vào rừng vắng này, để chúng tôi lẫn súc vật chúng tôi phải chết? Tại sao bắt chúng tôi bỏ Ai-cập mà dẫn lên chỗ rất xấu xa này, chẳng cày cấy được, chẳng sinh quả vả, nho lựu, hơn nữa không có nước mà uống".
Môsê và Aaron lánh mặt khỏi dân chúng và vào nhà xếp giao ước. Hai ông sấp mình xuống đất, kêu van cùng Chúa rằng: "Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin nghe tiếng dân này kêu van, và xin mở cho họ kho tàng châu báu của Chúa là mạch nước hằng sống, để họ uống no đầy mà hết kêu trách".
Sự vinh quang của Chúa hiện ra trên họ. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: "Hãy cầm lấy gậy và tập họp dân chúng lại, ngươi và Aaron khiến hòn đá, trước mắt họ, và đá liền chảy nước. Khi ngươi làm cho nước từ hòn đá này chảy ra, thì toàn dân và súc vật sẽ được uống".
Môsê cầm lấy cây gậy để trước mặt Thiên Chúa như Chúa đã truyền dạy ông. Khi tập họp cộng đồng đến trước hòn đá, ông bảo họ rằng: "Hỡi bọn người phản loạn và cứng lòng, hãy nghe đây. Chúng tôi có thể làm cho nước từ hòn đá này chảy ra cho các ngươi được không?" Môsê giơ tay cầm gậy đánh vào hòn đá hai lần: nước chảy ra tràn trề. Dân chúng và súc vật được uống.
Bấy giờ Chúa phán cùng Môsê và Aaron rằng: "Vì các ngươi không tin Ta mà tuyên xưng thánh danh Ta trước mặt con cái Israel, thì các ngươi không được đem dân này vào Đất Ta sẽ ban cho chúng nó".
Đây là nước mâu thuẫn nơi con cái Israel trách Chúa, và Người dùng nước để tỏ ra thánh danh Người. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9

Đáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các ngươi đừng cứng lòng (c. 8a).
1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Đá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. - Đáp.
2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Đấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. - Đáp.
3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Đừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa, trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử thách Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta". - Đáp.

ALLELUIA: Tv 144, 13cd

Alleluia, alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 16, 13-23

"Con là Đá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người là ai?" Các ông thưa: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở". Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Đức Kitô.
Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: "Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu". Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy: con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người". Đó là lời Chúa.


Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

THỨ BA 6/8/2013 TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN C Lễ Hiển Dung


Lễ Hiển Dung


Cả ba Phúc Âm Nhất Lãm đều đề cập đến biến cố Hiển Dung (Mátthêu 17:1-8; Máccô 9:2-9; Luca 9:28-36). Với một sự tương đồng đáng chú ý, cả ba đều kể lại biến cố này sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Thế và sau lần đầu tiên Ðức Giêsu nói về sự thống khổ và cái chết của Người. Sự hăng hái của Phêrô trong việc dựng lều nơi hiển dung đưa ra giả sử rằng, biến cố đó xảy ra trong dịp Lễ Lều kéo dài một tuần lễ trong mùa thu.
Mặc dù cả ba văn bản đều rất giống nhau, theo các học giả Kinh Thánh, thật khó để diễn lại cảm nghiệm của các tông đồ, vì các Phúc Âm dựa rất nhiều vào Cựu Ước trong đoạn diễn tả cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa ở núi Sinai và những điều tiên tri về Con Người. Chắc chắn là Phêrô, Giacôbê và Gioan đã thoáng được nhìn thấy thiên tính của Ðức Giêsu, nhưng ấn tượng ấy đủ mạnh để tạo nên sự sợ hãi in sâu trong tâm hồn họ. Một cảm nghiệm như vậy không thể nào diễn tả được, do đó các ngài dùng cách diễn đạt thông thường trong kinh sách để diễn tả. Và tất nhiên, Ðức Giêsu đã cảnh cáo cho họ biết, sự vinh hiển và sự thống khổ của Người liên hệ với nhau một cách chặt chẽ -- đó là chủ đề mà Gioan lập đi lập lại trong Phúc Âm của ngài.
Truyền thống coi núi Tabor là nơi hiển dung. Ðầu tiên, trong thế kỷ thứ tư một nhà thờ được dựng nên ở nơi đây để cung hiến cho biến cố này vào ngày 6 tháng Tám. Một ngày lễ để tôn kính sự Hiển Dung được Giáo Hội Ðông Phương cử mừng bắt đầu từ khoảng thời gian đó. Sự mừng kính của một vài giáo hội Tây Phương bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ tám.
Vào ngày 22 tháng Bảy 1456, Thập Tự quân đánh bại quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Belgrade. Tin tức về cuộc chiến thắng được đưa về Rôma vào ngày 6 tháng Tám, và vào năm sau, Ðức Giáo Hoàng Callistus III đã đưa ngày lễ này vào niên lịch phụng vụ của Rôma.

Lời Bàn

Một trong những tường thuật về sự Hiển Dung được đọc vào Chúa Nhật II Mùa Chay hàng năm, để tuyên xưng thiên tính của Ðức Kitô cho các người dự tòng. Phúc Âm của Chúa Nhật I Mùa Chay, ngược lại, là câu chuyện Ðức Giêsu bị cám dỗ trong sa mạc -- xác nhận nhân tính của Ðức Kitô. Hai bản tính khác biệt nhưng không thể tách rời của Chúa Giêsu là một chủ đề gây nhiều tranh luận trong lịch sử Giáo Hội thời tiên khởi; ngày nay chủ đề ấy vẫn còn khó cho nhiều người thấu hiểu.

Lời Trích

Trong biến cố Hiển Dung, Ðức Kitô cho các môn đệ thấy sự huy hoàng mỹ miều của Người, mà qua đó Người sẽ uốn nắn và tô điểm những ai thuộc về Người: "Người sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người" (Philípphê 3:21) (Thánh Tôma Aquinas, Tổng Luận Thần Học).

Trích từ NguoiTinHuu.com

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ BA 6/8/2013 TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN C "Đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường".

Thứ Ba Mùa Thường Niên Năm C

Chúa Biến Hình




Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh

Lễ Chúa Giêsu Hiển Dung Năm C

BÀI ĐỌC I: Đn 7, 9-10. 13-14

"Áo Người trắng như tuyết".

Trích sách Tiên tri Đaniel.

Tôi ngắm nhìn cho đến khi đặt ngai toà xong, và một vị Bô Lão ngự trên ngai: áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người như những ngọn lửa, các bánh xe như lửa cháy. Một con sông lửa chảy lan tràn trước mặt Người. Hằng ngàn kẻ phụng sự Người, và muôn vàn kẻ chầu chực Người. Người ngự toà xét xử, và các quyển sách đều mở ra.
Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời. Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: Tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài: quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất: vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 96, 1-2. 5-6. 9

Đáp: Chúa hiển trị, Chúa là Đấng tối cao trên toàn cõi đất (c. 1a và 9a).
1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan; hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói và sương mù bao toả chung quanh; công minh chính trực là nền kê ngai báu. - Đáp.
2) Núi non vỡ lở như mẩu sáp ong trước thiên nhan, trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi trái đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. - Đáp.
3) Lạy Chúa, vì Ngài là Đấng tối cao trên toàn cõi đất, Ngài rất đỗi siêu phàm giữa muôn chúa tể. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: 2 Pr 1, 16-19

"Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống".

Trích thư thứ hai của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, chúng tôi không theo những truyện bày đặt khôn khéo, để tỏ ra cho anh em biết quyền năng và sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta; nhưng chúng tôi đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Người. Người đã được Chúa Cha ban cho vinh dự và vinh quang, khi có lời từ sự vinh quang cao cả xuống phán về Người rằng: "Này là Con Ta yêu dấu, Người đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người". Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống, lúc chúng tôi ở với Người trên núi thánh. Và chúng tôi có lời nói chắc chắn hơn nữa là lời nói tiên tri: anh em nên nghe theo lời đó, nó như ngọn đèn sáng soi trong nơi u tối, cho đến khi rạng đông và sao mai mọc lên trong lòng anh em. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Mt 17, 5c

Alleluia, alleluia! - Này là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người. - Alleluia.



PHÚC ÂM: Lc 9, 28b-36

"Đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người. Đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem.
Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các Ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu.
Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến. Đó là lời Chúa.