HÌNH ẢNH HAI CHA ĐI XƯNG TỘI,SỨC DẦU, RƯỚC LỄ NHỮNG NGƯỜI GIA ĐAU YẾU.MÙA CHAY 2012 GIÁO XỨ TÂN VIỆT.
Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012
Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012
THỨ BẢY 14/4/2012 TUẦN I MÙA PHỤC SINH B Thánh Gemma Galgani
Thánh Gemma Galgani
(1878 - 1903)
Thánh Gemma Galgani sinh ở Camigliano, nước Ý, và là thứ tư trong gia đình có tám người con. Cô là một người thông minh, thân thiện, hăng hái và dễ mến, nhưng tinh thần cầu nguyện và sự thâm trầm của cô thì không một người trẻ nào sánh được.
Mẹ của Gemma bị mắc bệnh lao và bà từ trần khi Gemma mới bảy tuổi. Mặc dù rất đau khổ khi phải mồ côi mẹ, Gemma đã biết an ủi các anh chị em mình rằng: "Mẹ chúng ta đã về trời, mẹ đã đau khổ nhiều -- nhưng bây giờ mẹ không còn đau khổ nữa."
Cha của Gemma là một dược sĩ và thường rất khá giả, nhưng bệnh tình lâu ngày trong gia đình đã làm kiệt quệ tài chánh. Dần dà, họ trở nên nghèo nàn. Thêm vào đó, cha của Gemma lại mắc bệnh ung thư cổ và cô phải chăm sóc ông cho đến khi ông từ trần lúc Gemma 19 tuổi. Như thế, trước khi hai mươi tuổi, Gemma đã được chứng kiến sự đau khổ của cha mẹ mình và đã thi hành tất cả những gì có thể để khuây khoả và an ủi các ngài.
Sau khi từ chối lời cầu hôn của hai thanh niên, Gemma ao ước đi tu, nhưng vì lý do sức khoẻ và vì nghèo nên cô bị từ chối. Cô chấp nhận sự thất vọng này như một hy sinh dâng lên cho Chúa. Trong thời gian ấy, Gemma tiên đoán rằng các tu sĩ dòng Thương Khó sẽ thành lập một tu viện ở Lucca, và điều này đã xảy ra sau khi cô từ trần được hai năm.
Vào năm 21 tuổi, một tiếng nói bên trong cho Gemma biết là cô sẽ được ơn lạ thường. Sau đó cô cảm thấy đau nhói ở chân tay và ngực, và có máu tiết ra ở những nơi ấy. Ðó là những thương tích như trên thân thể Chúa Giêsu xưa. Vào mỗi tối thứ Năm, Gemma rơi vào trạng thái ngây ngất và các dấu thánh bắt đầu xuất hiện. Mãi cho đến chiều thứ Sáu, các dấu thánh mới tan biến và đến sáng thứ Bảy thì máu mới ngưng chảy, các vết thương như đóng lại, chỉ còn một vệt trắng mờ trên da. Các dấu thánh tiếp tục xuất hiện cho đến khi cha giải tội cấm cô không được chấp nhận các dấu ấy. Qua lời cầu nguyện của cô, hiện tượng này chấm dứt, nhưng các vết sẹo trắng vẫn còn thấy ở trên da.
Vào tháng Giêng 1903, bác sĩ cho biết Gemma bị lao phổi, và ba tháng sau đó, vào ngày thứ Bảy Tuần Thánh, với sự chứng kiến của cha sở, cô từ giã cõi đời khi mới hai mươi lăm tuổi. Cha sở kể lại: "Cô ấy chết với nụ cười vẫn còn nở trên môi, nên tôi không tin là cô ấy thực sự đã chết."
Cô Gemma được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong chân phước năm 1933 và được Ðức Giáo Hoàng Piô XII phong thánh vào ngày 2 tháng Năm 1940, chỉ có ba mươi bảy năm sau khi từ trần.
Trích từ NguoiTinHuu.com
TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ BẢY 14/4/2012 TUẦN I MÙA PHỤC SINH B Con người không thể trốn tránh sự thật mãi.
Thứ Bảy Tuần I BNPS
Bài đọc: Acts
4:13-21; Mk 16:9-15.
1/ Bài đọc I:
13 Họ ngạc nhiên khi thấy ông Phê-rô và ông Gio-an mạnh dạn, và
biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân.
Họ nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức Giê-su;
14 đồng thời họ lại thấy người đã được chữa lành đứng đó với
hai ông, nên họ không biết đối đáp thế nào.
15 Họ mới truyền cho hai ông ra khỏi Thượng Hội Đồng, và bàn
tính với nhau.
16 Họ nói: "Ta phải xử làm sao với những người này? Họ đã
làm một dấu lạ rành rành: điều đó hiển nhiên đối với mọi người cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem,
và ta không thể chối được.
17 Nhưng để cho việc đó khỏi lan rộng thêm trong dân, ta hãy
ngăm đe, nghiêm cấm họ từ nay không được nói đến danh ấy với ai nữa."
18 Họ cho gọi hai ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được
lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giê-su nữa.
19 Hai ông Phê-rô và Gio-an đáp lại: "Nghe lời các ông hơn
là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ
không? Các ông thử xét xem!
20 Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi
không thể không nói ra."
21 Sau khi ngăm đe lần nữa, họ thả hai ông về, vì không tìm
được cách trừng trị hai ông. Lý do là vì họ sợ dân: ai nấy đều tôn vinh Thiên
Chúa vì việc đã xảy ra.
2/ Phúc Âm:
9 Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần,
Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ
cho khỏi bảy quỷ.
10 Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay
đang buồn bã khóc lóc.
11 Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn
không tin.
12 Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai
người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê.
13 Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng
không tin hai người này.
14 Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi
các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các
ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy.
15 Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương
thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo."
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Con người không thể trốn
tránh sự thật mãi.
Có một người hay có tính “thêu dệt” và “thêm mắm
thêm muối” mỗi khi nói chuyện với người khác về quá khứ huy hoàng của mình. Các
bạn anh muốn dạy anh một bài học, nên mỗi lần anh nói, họ ghi chép cẩn thận
những gì anh nói. Sau khi kể một hồi, các bạn anh bắt đầu thắc mắc về thời gian
và nơi chốn của những việc xảy ra, và chỉ cho anh thấy sự không hợp lý của
những gì anh kể. Từ đó, anh bắt đầu nói năng cẩn thận hơn; vì chỉ có nói thật,
anh mới có thể tránh được những mâu thuẫn của các sự việc.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc con người
không thể trốn tránh mãi sự thật. Trong Bài Đọc I, những người trong Thượng Hội
Đồng Do-thái nghĩ khi họ đóng đinh Chúa Giêsu trên Thập Giá là từ nay dân chúng
sẽ nghe theo họ; nhưng họ lại phải đương đầu với các môn đệ của Ngài và hàng
ngàn dân chúng đã tin vào Chúa Giêsu. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã hiện ra
nhiều lần với các môn đệ sau khi chết. Ngài khiển trách họ đã quá cứng lòng
không chịu tin vào lời các nhân chứng thuật lại trong trình thuật hôm nay.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nghe
lời các ông hay là nghe lời Thiên Chúa?
1.1/ Phản ứng của những người trong Thượng Hội
Đồng: Trước tiên, họ ngạc nhiên khi thấy ông Phêrô và ông Gioan mạnh dạn. Họ
nghĩ không có một hay hai cá nhân nào dám đứng ra đương đầu với quyền lực của
Thượng Hội Đồng; vì nếu làm như vậy, chắc chắn sẽ lãnh thiệt hại vào thân. Thứ
đến, họ khám phá ra hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới
bình dân. Họ nhận xét đúng, cả hai, Phêrô và Gioan, đều làm nghề đánh cá; làm
sao có cơ hội để học hỏi và biết chữ nghĩa và Lề Luật như họ được. Cả hai nhận
xét của họ đều đúng, và câu hỏi họ đặt ra cho hai ông hôm qua rất chí lý: “Nhờ
quyền lực nào và nhân danh ai mà các ông làm chuyện đó.”
Câu trả lời của Phêrô giúp họ tìm ra những gì họ
muốn biết: chúng tôi chỉ lấy sức mạnh và quyền lực của Đức Kitô, Đấng mà các
ông đã đóng đinh vào Thập Giá. Họ cũng nhận ra hai ông là những người đã từng
theo Đức Giêsu; đồng thời họ lại thấy người đã được chữa lành đứng đó với hai
ông, nên họ không biết đối đáp thế nào. Họ mới truyền cho hai ông ra khỏi
Thượng Hội Đồng, để bàn tính với nhau. Họ chỉ có hai con đường phải chọn:
(1) Phục thiện và tin vào Chúa Giêsu: Đứng
trước một phép lạ quá rõ ràng, đứng trước 3 nhân chứng, và đứng trước đông đảo
dân chúng; họ phải tin vào Chúa Giêsu là Người đến từ Thiên Chúa, đã chết và
sống lại. Chính họ đã nói với nhau về hai ông: “Họ đã làm một dấu lạ rành rành:
điều đó hiển nhiên đối với mọi người cư ngụ tại Jerusalem, và ta không thể chối
được.”
(2) Dùng bạo lực để bưng bít sự thật: Có nhiều
lý do để họ từ chối không tin: sợ mất thế giá, sợ mất lợi lộc vật chất, sợ phải
thay đổi niềm tin …
Sau khi bàn luận, họ quyết định bưng bít sự thật
bằng bạo lực. Họ quyết định: “Nhưng để cho việc đó khỏi lan rộng thêm trong
dân, ta hãy ngăm đe, nghiêm cấm họ từ nay không được nói đến danh ấy với ai
nữa. Họ cho gọi hai ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay
giảng dạy về danh Đức Giêsu nữa."
1.2/ Phản ứng của Phêrô và Gioan: Hai ông Phêrô
và Gioan đáp lại: "Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi:
trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Các ông thử xét xem! Phần chúng
tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra."
Thượng Hội Đồng là những người có kiến thức và
biết Lề Luật của Thiên Chúa. Họ phải công nhận điều Phêrô nói là phải tuân hành
những gì Thiên Chúa nói hơn con người; nhưng vì quá ngoan cố trong việc tìm
hiểu sự thật nên họ tiếp tục ở trong bóng tối tội lỗi. Trình thuật kể thái độ
cứng lòng của họ như sau: “Sau khi ngăm đe lần nữa, họ thả hai ông về, vì không
tìm được cách trừng trị hai ông. Lý do là vì họ sợ dân: ai nấy đều tôn vinh
Thiên Chúa vì việc đã xảy ra.”
2/ Phúc Âm: Các
lần hiện ra của Chúa Giêsu theo thánh-sử Marcô
Không phải chỉ có những người trong Thượng Hội
Đồng cứng lòng, các môn đệ của Chúa Giêsu cũng mắc phải lỗi lầm đó. Hơn những
người trong Thượng Hội Đồng, các tông đồ đã từng được nghe Chúa Giêsu giảng
dạy, biến hình, và báo trước cuộc tử nạn và sống lại sẽ xảy ra. Chúa Giêsu
không chỉ hiện ra một lần để có cớ cho các tông đồ nói đó chỉ là ảo ảnh hay
bóng ma; nhưng Ngài hiện ra nhiều lần với các nhân chứng khác nhau. Chúa Giêsu
phải trách thái độ cứng lòng của các ông vì đã chối từ sự thật đến không phải
từ hai như Lề Luật đòi, nhưng nhiều nhân chứng khác nhau. Thánh Marcô liệt kê
ba lần Chúa hiện ra:
(1) Với một mình Mary Magdala: “Sau khi
sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước
tiên với bà Mary Magdala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo
tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà
nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.”
(2) Với hai môn đệ trên đường về quê, Emmaus:
“Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các
ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác,
nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.”
(3) Với Nhóm Mười Một: “Sau cùng, Người tỏ mình
ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông
không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy
Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp
tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.””
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải luôn học để biết sự thật, vì chỉ
có sự thật mới giải thoát chúng ta khỏi mọi gian trá.
- Không chỉ học biết sự thật, chúng ta còn phải
có can đảm để nói sự thật, sống theo sự thật, và làm chứng cho sự thật.
- Khi có sự xung đột giữa điều Thiên Chúa nói và
điều người phàm nói; chúng ta phải luôn luôn vâng lời Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
HINH ẢNH THÁNH LỄ VỌNG PHỤC SINH, THIẾU NHI GIÁO XỨ TÂN VIỆT 2012
HINH ẢNH THÁNH LỄ VỌNG PHỤC SINH, THIẾU NHI GIÁO XỨ TÂN VIỆT 2012
THỨ SÁU 12/4/2012 TUẦN I MÙA PHỤC SINH Thánh Giáo Hoàng Martin
Thánh Giáo Hoàng Martin
(c. 655)
(c. 655)
Khi Ðức Martin I làm giáo hoàng năm 649, Constantinople là thủ đô của Ðế Quốc Byzantine và Ðức Thượng Phụ Constantinople là vị lãnh đạo Giáo Hội có thế lực nhất của Kitô Hữu Ðông Phương. Những tranh chấp hiện có trong Giáo Hội hoàn vũ thời bấy giờ lại càng thêm quyết liệt bởi sự cộng tác chặt chẽ giữa hoàng đế và đức thượng phụ.
Một giáo huấn được Giáo Hội Ðông Phương quyết liệt bảo vệ là cho rằng Ðức Kitô không có ý chí của loài người (*). Ðã hai lần, các hoàng đế chính thức lên tiếng bảo vệ lập trường này, lần đầu Hoàng Ðế Heraclius cho công bố bản tuyên xưng đức tin, và sau đó Hoàng Ðế Constant II ra lệnh bác bỏ vấn đề Ðức Kitô có một hoặc hai ý chí.
Trước khi được chọn làm giáo hoàng, Ðức Martin từng là người đọc sách và là phó tế. Và sau khi nhậm chức không lâu, Ðức Martin đã tổ chức một công đồng ở Latêranô mà trong đó các sắc lệnh của vua bị kiểm duyệt, và đức thượng phụ của Constantinople cũng như hai vị tiền nhiệm đều bị lên án là sai lạc. Ðể đối phó, Hoàng Ðế Constant II cố vận động các giám mục và dân chúng chống đối đức giáo hoàng.
Sau khi thất bại trong mưu toan này, hoàng đế sai Olympius, quan tổng trấn Ravenna, bắt đức giáo hoàng đưa về Constantinople xét xử. Nhưng Olympius thất bại, và đến năm 653, quan tổng trấn mới là Theodore Collipas đã xâm chiếm Rôma và bắt giam đức giáo hoàng ở Naxos trong một năm trời. Sau khi điệu về Constantinople, Ðức Martin bị kết tội phản loạn và bị tử hình. Mặc dù các tra tấn đã được thi hành, Ðức Martin được thoát án tử nhờ sự can thiệp của Ðức Phaolô II, vị thượng phụ của Constantinope, là người đã ăn năn sám hối về hành động của mình. Bản án tử hình được đổi thành khổ sai chung thân.
Vì hậu quả của các cuộc tra tấn và cực hình, Ðức Martin đã từ trần sau đó không lâu. Ngài là vị giáo hoàng sau cùng chịu tử đạo.
Lời Bàn
Ý nghĩa thực sự của chữ tử đạo không phải là sự chết, mà là sự làm chứng. Vị tử đạo sẵn sàng hy sinh mọi sự, quý giá nhất là sinh mạng của họ, và đặt đức tin lên trên hết. Tử đạo, chết vì đức tin, là một cao độ bất ngờ mà một số người phải trải qua để thể hiện đức tin của mình nơi Ðức Kitô. Một đức tin sống động, một cuộc đời theo gương Ðức Kitô bất kể những khó khăn, đó là sự đòi hỏi của tất cả Kitô Hữu.
(*) Lạc thuyết độc chí (monothelitism) cho rằng Ðức Kitô chỉ có một ý chí độc nhất là ý chí Thiên Chúa.
Trích từ NguoiTinHuu.com
TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ SÁU 13/4/2012 TUÀN I MÙA PHỤC SINH B Chúa Giêsu vẫn đang hoạt động với các tông đồ.
Thứ Sáu Tuần I BNPS
Bài đọc: Acts
4:1-12; Jn 21:1-14.
1/ Bài đọc I:
1 Hai ông còn đang nói với dân, thì có các tư tế, viên lãnh
binh Đền Thờ, và các người thuộc nhóm Xa-đốc kéo đến. 2 Họ
bực tức vì các ông giảng dạy cho dân và dựa vào trường hợp Đức Giê-su mà loan
báo kẻ chết sẽ sống lại. 3 Họ bắt hai ông và tống ngục cho
đến ngày hôm sau, vì trời đã về chiều. 4 Nhưng trong đám
người nghe lời giảng, có nhiều kẻ đã tin theo, chỉ riêng số đàn ông đã lên đến
chừng năm ngàn.
5 Hôm sau, các thủ lãnh Do-thái, các kỳ mục và kinh sư họp
nhau tại Giê-ru-sa-lem. 6 Có cả thượng tế Kha-nan, các ông
Cai-pha, Gio-an, A-lê-xan-đê và mọi người trong dòng họ thượng tế.
7 Họ cho điệu hai Tông Đồ ra giữa hội đồng và tra hỏi:
"Nhờ quyền năng nào hay nhân danh ai mà các ông làm điều ấy?"
8 Bấy giờ, ông Phê-rô được đầy Thánh Thần, liền nói với họ:
"Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục, 9 hôm
nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật,
về cách thức người ấy đã được cứu chữa.
10 Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng:
nhân danh chính Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh
vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy
mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị.
11 Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng
đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường.
12 Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời
này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ
vào danh đó mà được cứu độ."
2/ Phúc Âm:
1 Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ
Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. 2 Ông Si-môn
Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê,
các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau.
3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: "Tôi đi đánh cá
đây." Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh." Rồi mọi người ra
đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các
môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. 5 Người nói
với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư? " Các ông trả lời:
"Thưa không." 6 Người bảo các ông: "Cứ thả
lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới
xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.
7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô:
"Chúa đó! " Vừa nghe nói "Chúa đó! ", ông Si-môn Phê-rô vội
khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.
8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì
các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước. 9 Bước
lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh
nữa. 10 Đức Giê-su bảo các ông: "Đem ít cá mới bắt
được tới đây! "
11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy
những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không
bị rách. 12 Đức Giê-su nói: "Anh em đến mà ăn!"
Không ai trong các môn đệ dám hỏi "Ông là ai? ", vì các ông biết rằng
đó là Chúa. 13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các
ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.14 Đó là lần thứ ba Đức
Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Chúa Giêsu vẫn đang hoạt động với các tông đồ.
Chúa chết chưa hết truyện, mà là bắt đầu một kỷ
nguyên mới; một kỷ nguyên mà từ nay, Ngài họat động từ trong và với các tông
đồ.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng việc Chúa Giêsu
vẫn sống và làm việc với các tông đồ. Trong Bài Đọc I, những người trong Thượng
Hội Đồng rất ngạc nhiên khi thấy hai ông Phêrô và Gioan có thể chữa lành một
người què từ lúc mới sinh. Họ chất vấn hai ông nhờ quyền năng nào và nhân danh
ai làm chuyện đó. Ông Phêrô được đầy quyền năng Thánh Thần đã mạnh dạn tuyên
xưng: chúng tôi nhân danh Chúa Giêsu Nazareth, Người đã bị các ông đóng đinh
vào Thập Giá. Ngài vẫn đang sống và họat động trong chúng tôi; và không ai có
thể được cứu độ nếu không tin vào Danh Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu vẫn hằng
theo dõi cuộc sống của các tông đồ. Khi thấy các ông vất vả suốt đêm mà không
bắt được con cá nào, Người hướng dẫn các ông cách bắt nhiều cá. Khi thấy các
ông mệt mỏi và đói khát, Ngài chuẩn bị đồ ăn thức uống để các ông được tăng
sinh lực.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bổn
cũ tái diễn, Thượng Hội Đồng cho bắt Phêrô và Gioan.
1.1/ Phêrô và Gioan đụng độ với Thượng Hội Đồng:
Như Chúa Giêsu, hai ông biết sẽ phải ra trước Thượng Hội Đồng, nếu tiếp tục
những gì Chúa đã từng làm; nhưng hai ông không sợ và bỏ chạy như trong Cuộc
Thương Khó của Chúa Giêsu. Niềm tin vào Chúa Phục Sinh đã làm cho hai ông can
đảm làm chứng cho Chúa mà không sợ bị bắt bớ, roi vọt, tù đày.
Khi hai ông còn đang nói với dân, thì có các tư
tế, viên lãnh binh Đền Thờ, và các người thuộc nhóm Sadducees kéo đến. Lý do họ
bắt các ông: “Họ bực tức vì các ông giảng dạy cho dân và dựa vào trường hợp Đức
Giêsu mà loan báo kẻ chết sẽ sống lại.” Nhóm Sadducees không tin có sự sống
lại, và càng bực tức với các tông đồ, vì đã đụng chạm đến niềm tin của họ. Họ
dùng bạo lực, bắt hai ông và tống ngục cho đến ngày hôm sau, vì trời đã về
chiều.
Nhưng làm sao họ có thể đàn áp mãi sự thật? Vì
ngày hôm đó, trong đám người nghe lời giảng, có nhiều kẻ đã tin theo hai ông.
Điều họ sợ toàn dân sẽ bỏ họ và theo Chúa Giêsu đã thành sự thật, chỉ riêng số
đàn ông đã lên đến chừng năm ngàn. Họ lo sợ nhưng không làm gì
được. Họ chỉ có thể dùng sức mạnh để đàn áp cá nhân; nhưng không thể áp đảo dân
chúng.
1.2/ Phêrô và Gioan làm chứng cho Chúa Giêsu:
Hôm sau, các thủ lãnh Do-thái, các kỳ mục và kinh sư họp nhau tại Jerusalem. Có
cả thượng tế Hannah, các ông Caiaphas, Gioan, Alexandre và mọi người trong dòng
họ thượng tế. Họ cho điệu hai Tông Đồ ra giữa hội đồng và tra hỏi:
(1) Câu hỏi quan trọng họ đặt ra cho Phêrô và
Gioan: "Nhờ quyền năng nào hay nhân danh ai mà các ông làm điều ấy?"
Điều mà họ ám chỉ đây là việc chữa lành người què từ lúc mới sinh.
(2) Câu trả lời của Phêrô: Bấy giờ, ông Phêrô
được đầy Thánh Thần, liền nói với họ và toàn dân Israel: “Chúng tôi nhân danh
chính Đức Giêsu Kitô, người Nazareth, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào Thập Giá,
và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này
được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị. Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ
xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường.” Lời tuyên xưng
của Phêrô cũng là lời tố cáo tội lỗi họ đã xúc phạm đến Con Thiên Chúa.
Ông Phêrô còn đi xa hơn khi tuyên xưng: “Ngoài
Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một Danh
nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào Danh đó mà được
cứu độ."
2/ Phúc Âm: "Cứ
thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá."
“Sau đó, Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các
môn đệ ở Biển Hồ Tiberia. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Simon Phêrô, ông
Tôma gọi là Điđymô, ông Nathanael người Cana miền Galilee, các người con ông
Zebedee và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Simon Phêrô nói với
các ông: "Tôi đi đánh cá đây." Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi
với anh." Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được
gì cả.”
Có nhiều giả thuyết về ý nghĩa của trình thuật
này: Có người cho rằng vì các tông đồ chán nản không biết làm gì sau khi Chúa
chết, nên quay về nghề đánh cá cũ để sinh sống. Người khác cho đây chỉ là biểu
tượng nói về việc các tông đồ phải biết trông cậy vào Chúa thì mới có kết quả
trong việc “đánh cá người.” Dù theo giả thuyết nào đi nữa, chúng ta cũng phải
tìm ra ý nghĩa của trình thuật.
2.1/ Chúa Giêsu chỉ dẫn cho các tông đồ bắt cá:
Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra
đó chính là Đức Giêsu. Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn
ư?" Các ông trả lời: "Thưa không."
- Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên
phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng
không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.
- Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với
ông Phêrô: "Chúa đó!" Vừa nghe nói "Chúa đó!" ông Simon
Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.
Các ông vất vả suốt đêm và không bắt được con cá
nào. Nhưng với sự chỉ dẫn, dù chỉ một lời của Chúa, các ông đã bắt được một mẻ
cá lớn. Con người có thể chọn làm theo ý mình, nhưng sẽ không có kết quả bằng
chịu vâng lời và làm theo sự chỉ dẫn của Chúa.
2.2/ Chúa Giêsu dọn bữa ăn cho các tông đồ: Bước
lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh
nữa. Đức Giêsu bảo các ông: "Đem ít cá mới bắt được tới đây!" Ông
Simôn Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được
một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.
Chúa Giêsu bẻ bánh với các ông: Đức Giêsu nói:
"Anh em đến mà ăn!" Không ai trong các môn đệ dám hỏi "Ông là
ai?" vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho
các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa Giêsu vẫn sống và đang hoạt động trong
thế giới, trong Giáo Hội, trong gia đình, và trong mỗi người chúng ta. Chúng ta
có cảm nhận được sự hiện diện của Ngài không?
- Hãy năng tham dự Thánh Lễ, vì qua đó, chúng ta
vẫn đang được chỉ dạy khi thất bại, và được tăng sinh lực qua chính Mình và Máu
Chúa, sau những giây phút mệt mỏi, chán chường.
- Chúng ta có nhiệm vụ làm chứng cho Chúa Phục
Sinh bằng cách luôn lắng nghe và làm theo những gì Ngài dạy bảo, cho dẫu phải
đương đầu với quyền lực của thế gian và ma quỉ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012
THỨ NĂM NGÀY 12/4/2012 TUẦN I MÙA CHAY B, Ra Ði Là Chết Trong Lòng Một Ít
Ra Ði Là Chết Trong Lòng Một Ít
Phật giáo Trung Hoa rất nhớ ơn và hãnh diện
vì có thiền sư là Ðường Tam Tạng. Ông là người đã có công vượt núi trèo non để
đi Tây Trúc thỉnh Kinh đem về phổ biến cho dân gian.
Truyện Tây Du Ký đã ghi lại cuộc ra đi đầy
gian nan của thầy Tam Tạng. Nhưng những gian nan thử thách xảy đến cho thiền sư
họ Ðường không phải chỉ là gai góc hiểm trở của đoạn đường dài, mà chính là
những tật xấu mà ba người môn đệ thân tín nhất của thầy là hiện thân. Tôn ngộ
Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng, ba cái tên này chính là ba nết xấu mà thiền sư
họ Ðường cũng như bao người khác phải vượt qua để đạt chính quả. Ba nết xấu đó
là: lòng kiêu căng, lòng ham vật dục và tính lười biếng.
Ra đi là chết trong lòng một ít... Thiền sư
họ Ðường có lẽ đã phải chiến đấu và hao mòn vì những tham sân si trong lòng
thầy.
Tin Mừng cũng nhắc đến một cuộc ra đi: đó là
cuộc ra đi của Chúa Giêsu. Ngài rời bỏ quê hương để đi Galilêa. Galilêa chỉ cách
Nagiarét vài chục cây số... Nhưng với Chúa Giêsu cuộc trẩy đi này bao hàm một
cuộc lột xác và từ bỏ trọn vẹn. Ngài từ bỏ tất cả để vào sa mạc.
Ra đi có nghĩa là ra khỏi chính mình và không
quay nhìn lại phía sau. Ra đi tức là chấp nhận chết đi trong lòng một ít.
Thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu, mặc dù chưa
một lần ra khỏi bốn bức tường của tu viện, đã được Giáo Hội chọn làm quan thầy
các xứ truyền giáo.
Một lúc nào đó, có lẽ chúng ta cũng khao khát
được mang Tin Mừng của Chúa đến một nơi xa lạ... Ước mơ ấy có thể làm cho chúng
ta quên đi thực tại của không biết bao nhiêu người thiếu thốn lương thực cho
thể xác cũng như tinh thần.
Ra đi loan báo Tin Mừng, trước tiên chính là
ra lhỏi con người của chúng ta. Ra khỏi con người của thiển cận, ích kỷ của
chúng ta để mặc lấy một cái nhìn nhậy cảm hơn trước sự hiện diện của tha nhân.
Trích sách Lẽ Sống
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)