Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

NGHI THỨC RỬA CHÂN TRONG THÁNH LỄ TIỆC LY THỨ NĂM TUẦN THÁNH


NGHI THỨC RỬA CHÂN
TRONG THÁNH LỄ TIỆC LY
THỨ NĂM TUẦN THÁNH



Đức ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả

Trong Thánh lễ Tiệc ly chiều thứ năm Tuần Thánh, có nghi lễ rửa chân, tùy hoàn cảnh có thể cử hành. Thường thì linh mục rửa chân cho 12 cụ chức sắc trong họ đạo, hay 12 thanh niên. Tại Nhà thờ Thánh Giaon Latêranô, Đức Giáo Hoàng rửa chân cho 12 Kinh sĩ của Vương Cung thánh đường này. Chúng ta sẽ tìm hiểu về một số điểm liên hệ tới nghi lễ này.

I. TRUYỀN THỐNG PHỤNG VỤ

Về lịch sử và truyền thống phụng vụ của nghi thức rửa chân, có những điểm sau đây cần được ghi nhận.
Trước tiên nghi lễ này được gợi hứng từ đoạn 13 Phúc âm theo thánh Gioan, câu 1 đến câu 18, tường thuật việc Chúa Giêsu rửa chân cho các tông đồ tại nhà tiệc ly, trước khi Ngài chịu nạn. Gioan tường thuật sự việc này với ý hướng nhấn mạnh gương khiêm nhường và bác ái của Chúa Kitô, để mọi người noi theo.
Về sau việc rửa chân này đã được diễn lại tại một số nơi, nhưng theo những lối giải thích khác nhau.
Có người cho rằng vào thế kỷ đầu, vào khoảng giữa thế kỷ thứ II, tại các giáo đoàn theo truyền thống của thánh Gioan, và theo quan điểm Chúa Kitô chịu hiến tế trên thập giá vào đúng ngày 14 tháng Nisan, ngày cử hành lễ chiên vượt qua của người Do thái, thì đã có nghi thức rửa chân, được coi như là một nghi thức rửa tội. Truyền thống này dựa vào việc phân tích bản văn của Gioan và một vài chứng từ khác của các giáo phụ, như Irênê. Truyền thống này được nhận ra tại vùng Tiểu Á và Gallia, nhưng rồi biến mất cùng với nhóm người chủ trương mừng lễ Vượt qua vào ngày 14 tháng Nisan. Đó là truyền thống bên Đông phương về nghi thức rửa chân và lối giải thích theo chiều hướng rửa tội vào mấy thế kỷ đầu.
Bên Tây phương, về khía cạnh lịch sử, chúng ta có bài giảng thứ XV của giáo phụ Cromazio ở Aquileia, Italia (388-407) đã giải thích đoạn Phúc âm thánh Gioan 13, về việc Chúa Giêsu rửa chân cho các tông đồ ở nhà tiệc ly. Giáo phụ chú giải sự kiện này như một bài học khiêm nhường, nhưng còn có một ý nghĩa khác, nằm trong công việc cứu rỗi của Thiên Chúa, đó là việc rửa sạch tội lỗi nhân loại. Giáo phụ Cromazio gợi ý tới việc Abramo rửa chân cho khách, như là cử chỉ tiên báo cho hành vi của Chúa Kitô trong nhà tiệc ly rửa chân cho các tông đồ để thanh luyện và thánh hóa các ông, điều Ngài sẽ thực hiện trên thập giá. Nghi thức khai tâm kitô giáo ở vùng Aquileia gồm có việc rửa chân, việc dìm ứng viên xuống nước và việc đặt tay trên tân tòng. Việc rửa chân cho ứng viên dự tòng là để chuẩn bị họ lãnh nhận việc thánh luyện cứu rỗi bằng nước rửa tội.
Vào thế kỷ thứ tư, hai nguồn văn bản, tức là các bài giáo lý của thánh Cirillo thành Giêrusalem, vào thế kỷ thứ tư (khoảng năm 348), và cuốn nhậ ký hành hương của bà quý phái Egeria, cũng vào thế kỷ thứ tư (khoảng năm 384), tại Giêrusalem. Trong hai tài liệu này, chúng ta không thấy có dấu vết về nghi thức rửa chân.
Vào cuối thế kỷ thư tư, tại Tây Ban Nha, có nghi thức rửa chân cho các tân tòng trong nghi thức rửa tội. Nhưng sau đó bị Công đồng Elvira bên Tây Ban Nha, vào cuối thế kỷ thứ tư, cấm cử hành trong nghi thức khai tâm kitô giáo, có lẽ để hòa hợp với phụng vụ tại các nơi khác chăng (Concilio di Elveria, canon 48). Đây là văn bản thứ nhất bên Tây nói về việc rửa chân. Vào thế kỷ thứ 8 thì việc rửa chân trong nghi thức rửa tội hoàn toàn bị bãi bỏ trong phụng vụ, để hòa hợp với phụng vụ của Rôma.

II. NGHI LỄ RỬA CHÂN ĐƯỢC THÀNH HÌNH

Nghi lễ rửa chân trong phụng vụ thứ năm tuần thánh được thành hình như thế nào? Chúng ta sẽ bàn tới sau đây.
Về việc rửa chân vào nghi thức phụng vụ Thứ năm Tuần thánh, văn bản đầu tiên nói về nghi lễ rửa chân trong phụng vụ Thứ năm Tuần thánh là Sách Kanonarion vùng Giorgia, vào khoảng thế kỷ thứ VII hoặc thứ VIII. Nhưng người ta có thể nói là nghi lễ rửa chân trong phụng vu thứ năm tuần thánh đã có từ cuối thế kỷ thứ V. Nghi lễ tiếp theo viêc đọc đoạn phúc âm theo thánh Gioan 13,3-30, với việc hát các thánh ca và đọc các kinh.
Người ta có thể hiểu dễ dàng lý do tại sao có việc rửa chân trong phụng vụ ngày thứ năm tuần thánh. Đó là việc mừng lại theo diễn tiến lịch sử các biến cố trong cuộc đời Chúa Kitô, nhất là trong những ngày cuối cùng của Ngài ở trần gian, để rồi từ việc cử hành phụng vụ, những bài học tu đức được nêu ra cho đời sống tín hữu. Điều này chúng ta nhận ra rõ ràng trong các tập tục của các đan viện tại Giêrusalem.
Từ Giêrusalem, nghi lễ rửa chân này lan tới phụng vụ tại Bisanzio và đi vào phụng vụ Bizantina, vào những năm cuối của thế kỷ thứ VIII.
Còn Bên tây, chứng cớ đầu tiên về sự hiện diện của việc rửa chân trong phụng vụ thứ năm tuần thánh, được nhận ra trong khoản luật thứ 3 của công đồng họp tại Toledo, vào năm 694, truyền cho các giám mục phải rửa chân cho các linh mục của mình vào thứ năm tuần thánh. Vị nào không tuân lệnh sẽ bị rút phép thông công hai tháng. Sở dĩ có hình phạt rút phép thông công, vì Công đồng biết trước phản ứng của nhiều nơi không muốn đem việc rửa chân này vào trong phụng vụ thứ năm tuần thánh. Nghi thức diễn ra như sau : dân chúng ra khỏi nhà thờ, rồi giám mục rửa chân cho hàng giáo sĩ, vị linh mục niên trưởng đi lau chân cho các ngài.
Cũng vào thời đó, thánh Isidoro thành Seviglia đã đem vào trong luật của ngài, tục rửa chân cho khách đến nhà dòng, nhất là khách đó là các đan sĩ.
Tại Rôma, nghi lễ rửa chân do Đức Giáo hoàng vào thứ năm tuần thánh, có lẽ được đưa vào Rôma từ thế kỷ thứ VII hoặc thứ VIII, do Đức Giáo Hoàng Sergio thứ I. Trong nghi lễ này, Đức Giáo hoàng rửa chân cho 12 thày phụ phó tế, trong khi đó hát bài thánh ca : Mandatum novum, và phân phát quà tặng cho các giáo sĩ. Các linh mục cũng lặp lại việc rửa chân với tín hữu tại các nhà thờ ở ngoại ô Rôma.

III. NỘI DUNG THẦN HỌC TU ĐỨC CỦA NGHI LỄ RỬA CHÂN

Về ý nghĩa của nghi lễ rửa chân, chúng ta đã nhận ra qua phần trình bày trên đây, đi từ Phúc âm thánh Gioan, với bài học khiêm nhường và bác ái ; rồi về sau, với lối giải thích cử chỉ này như là hành vi thanh luyện và tha tội. Nhưng dần ý nghĩa nguyên thủy của Phúc âm Gioan đã được chấp nhận từ thế kỷ thứ V trở đi, ở bên Đông cũng như bên Tây.
Như vậy nghi lễ và cử chỉ này có một ý nghĩa rõ ràng ngay trong phúc âm và trong truyền thống phụng vụ. Và để nhận ra ý nghĩa này, người ta cần cử hành đúng nghi lễ như trong phúc âm và trong phụng vụ. Những thay đổi khác, sẽ làm mất, hay giảm ý nghĩa thần học và tu đức đã đi liền với cử chỉ, nghi lễ tư xa xưa.
Đi từ việc tìm hiểu nghi lễ rửa chân trong phụng vụ thứ năm tuần thánh, chúng ta nhận thấy rằng những thay đổi tự do trong phụng vụ, không do quyền bính của Giáo hội, sẽ chỉ là những hành vi theo trí tưởng tượng, thiếu hiểu biết sâu xa về lịch sử và nội dung thần học.

IV. MỘT CÁCH THỨC MỚI VỀ NGHI LỄ “RỬA TAY” THAY VÌ “RỬA CHÂN”

Tại một số nơi bên Âu Châu một cách thức mới về ễ nghi này được thành hình như sau : cha sở của một cộng đoàn người địa phương, cùng với các cha đồng tế chia nhau đi xuống dọc theo hai hàng đầu ghế, rửa tay cho giáo hữu, bất luận đàn ông hay đàn bà, trẻ con hay người lớn. Làm như vậy, cha có ý tránh sự phân biệt người đàn ông được chọn rửa, và rồi không chỉ mười hai người được rửa, nhưng làm như vậy thì nhiều người được rửa tay hơn và bất kỳ ai.
Để trả lời cho câu hỏi, là làm như vừa ghi lại trên đây có được không, chúng ta ghi lại điểm chữ đỏ trong Sách lễ Rôma như sau : “Bài giảng sẽ đề cập tới các mầu nhiệm được tưởng niệm trong thánh lễ : tức là việc lập Bí tích Thánh Thể, chức tư tế và điều răn của Chúa về tình bác ái huynh đệ. Sau bài giảng, sẽ cử hành nghi thức rửa chân, nếu lý do mục vụ khuyên nên làm.
“Các người giúp lễ sẽ hướng dẫn các người đàn ông đã được tuyển chọn đến ghế dọn sẵn. Sau đó linh mục (cởi áo lễ nếu cần), với các người giúp lễ, đi đến từng người, đổ nước trên chân họ và lau”.
Đó là luật phụng vụ liên hệ tới nghi lễ rửa chân. Luật này áp dụng cho tất cả các nơi và không ai được quyền thay đổi vì lý do gì, như Công đồng chung Vaticanô đã xác định trong Hiến chế về phụng vụ, số 22, 3 như sau : “1. Việc điều hành phụng vụ thánh chỉ tùy thuộc thẩm quyền của Giáo Hội : nghĩa là thuộc quyền Tông Tòa và chiếu theo qui tắc luật pháp, cũng thuộc quyền giám mục… 2 Vì vậy tuyệt đối không một ai khác, dầu là linh mục, được tự quyền thêm hay bớt hay thay đổi một điều gì trong Phụng vụ”.
Đàng khác, trong luật chữ đỏ của Sách lễ Rôma vừa ghi trên đây, nếu vì lý do nào đó, mà linh mục thấy không cần cử hành nghi lễ rửa chân, thì có thể bỏ nghi lễ này, và tiếp tục cử hành thánh lễ. Như vậy nghi lễ này không có tính cách bắt buộc. Nhưng khi đã cử hành thì phải cử hành trọn vẹn, theo đúng như được ghi trong Sách Lễ Rôma.
Sau cùng, khi cử hành nghi lễ rửa chân, thì linh mục, cũng như mọi người phải nhận ra lịch sử của nó, cũng như ý nghĩa thần học tư đức của nó trong truyền thống phụng vụ, cũng như trong truyền thống giáo phụ. Trong công cuộc canh tân Nghi thức Tuần thánh do Đức Giáo hoàng Piô XII thực hiện vào năm 1954, cũng đã lấy lại nghi lễ này và làm theo truyền thống phụng vụ của Giáo hội latinh. Làm khác đi là đi ngược lại truyền thống đã có sẵn về nghi lễ này.

Mục Lục Giới Thiệu Năm Phụng Vụ: Mùa Chay Thánh

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Thứ Năm Mùa Chay Năm A Tuần Thánh

Thứ Năm Mùa Chay Năm A

Tuần Thánh




Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh

LỄ LÀM PHÉP DẦU

BÀI ĐỌC I: Is 61, 1-3a. 6a. 8b-9
"Chúa đã xức dầu cho tôi, Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, và cho họ dầu hoan lạc".
Trích sách Tiên tri Isaia.

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: Vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương; báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân; công bố năm hồng ân của Thiên Chúa, và ngày báo oán của Thiên Chúa chúng ta; an ủi mọi kẻ ưu phiền, đem cho các kẻ buồn phiền ở Sion triều thiên thay tro bụi, dầu vui mừng thay tang chế, áo hân hoan thay tâm hồn sầu muộn.

Còn các ngươi, các ngươi sẽ được gọi là tư tế của Chúa, là thừa tác viên của Thiên Chúa chúng ta. Ta sẽ trung thành thưởng công cho chúng, sẽ thiết lập với chúng một giao ước vĩnh cửu. Dòng dõi chúng sẽ được nổi danh giữa các dân tộc, miêu duệ chúng sẽ được biết đến giữa chư dân. Tất cả những ai thấy họ, đều nhận biết họ là dòng dõi được Chúa chúc phúc. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 88, 21-22. 25 và 27


Đáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời (c. 2a).
1) Ta đã gặp Đavit, tôi tớ của Ta, Ta đã xức dầu thánh của Ta cho người, để tay Ta bang trợ người luôn mãi, và cánh tay Ta củng cố thân danh Người. - Đáp.
2) Thành tín và ân sủng của Ta, hằng ở với người, và nhân danh Ta, sức mạnh người tăng thêm mãi. Chính người sẽ thưa cùng Ta: "Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và là Đá Tảng cứu độ của con". - Đáp.


BÀI ĐỌC II: Kh 1, 5-8
"Người đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của người".
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Chúa Giêsu Kitô, là chứng tá trung thành, là trưởng tử kẻ chết, là thủ lãnh các vua trần thế, là Đấng đã yêu thương chúng ta, Người đã dùng máu Người mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của Người. Nguyện chúc Người được vinh quang và quyền lực muôn đời. Amen.
Kià, Người đến trong đám mây, mọi con mắt sẽ nhìn thấy Người, và cả những kẻ đã đâm Người cũng nhìn thấy Người, các chủng tộc trên địa cầu sẽ than khóc Người. Thật như vậy. Amen.
Chúa là Thiên Chúa, Đấng đang có, đã có, và sẽ đến, là Đấng Toàn Năng phán: "Ta là Alpha và Ômêga, là nguyên thuỷ và là cứu cánh". Đó là lời Chúa.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Is 61, 1
Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó.
PHÚC ÂM: Lc 4, 16-21
"Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày Sabbat, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng. Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe". Đó là lời Chúa.

THÁNH LỄ
TƯỞNG NIỆM BỮA TIỆC LY CỦA CHÚA

BÀI ĐỌC I: Xh 12, 1-8. 11-14
"Những chỉ thị về bữa Tiệc Vượt qua".
Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê và Aaron ở đất Ai-cập rằng: Tháng này các ngươi phải kể là tháng đầu năm, tháng thứ nhất. Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel rằng: "Mùng mười tháng này, ai nấy phải bắt một chiên con, mỗi gia đình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con chiên, thì phải mời người láng giềng đến nhà cho đủ số người để ăn một con chiên. Chiên đó không được có tật gì, phải là chiên đực, được một năm. Có bắt dê con cũng phải làm như thế. Vậy phải để dành cho đến ngày mười bốn tháng này, rồi vào lúc chập tối, toàn thể cộng đồng con cái Israel sẽ giết nó, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Đêm ấy sẽ ăn thịt nướng với bánh không men và rau đắng. Phải ăn như thế này: Phải thắt lưng, chân đi dép, tay cầm gậy và ăn vội vã: vì đó là ngày Vượt Qua của Chúa. Đêm ấy Ta sẽ đi qua xứ Ai-cập, sẽ giết các con đầu lòng trong xứ Ai-cập, từ loài người cho đến súc vật, và Ta sẽ trừng phạt chư thần xứ Ai-cập: vì Ta là Chúa. Máu bôi trên nhà các ngươi ở, sẽ là dấu hiệu; và khi thấy máu, Ta sẽ đi qua mà tha cho các ngươi, và các ngươi sẽ không bị tai ương tác hại khi Ta giáng hoạ trên xứ Ai-cập. Các ngươi hãy ghi nhớ ngày ấy, làm lễ tưởng niệm, và phải mừng ngày đó trọng thể kính Thiên Chúa. Các ngươi sẽ lập lễ này để mừng vĩnh viễn muôn đời". Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 115, 12-13. 15-16bc. 17-18
Đáp: Chén chúc tụng là sự thông hiệp Máu Chúa Kitô (x. 1 Cr 10, 16).
1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. - Đáp.
2) Trước mặt Chúa, thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẽ gãy xiềng xích cho con. - Đáp.
3) Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 11, 23-26
"Mỗi khi anh em ăn và uống, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: "Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, và phán: "Chén này là Tân ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến". Đó là lời Chúa.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 13, 34
Chúa phán: "Thầy ban cho các con một giới răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con".
Thứ Năm Mùa Chay Năm A
Tuần Thánh



PHÚC ÂM: Ga 13, 1-15
"Ngài yêu thương họ đến cùng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?" Chúa Giêsu đáp: "Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu". Phêrô thưa lại: "Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con". Chúa Giêsu bảo: "Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy". Phêrô liền thưa: "Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa". Chúa Giêsu nói: "Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu". Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: "Không phải tất cả các con đều sạch đâu".
Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: "Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con". Đó là lời Chúa.