Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

GIÁO XỨ TÂN VIỆT BẾ MẠC THÁNG HOA 2012

         Bế mạc tháng hoa

  Mẹ ơi! Thắm thoát mà tháng hoa đã qua và hôm nay ngày 31/5/2012, giáo xứ Tân Việt tổ chức ngày bế mạc tháng  hoa vào lúc 17h30 một cách long trọng , sốt xắng.Và hôm nay cũng là ngày lễ kính đức trinh nữ Maria thăm viếng bà thánh Isave, trong việc cung nghinh kiệu mẹ là để tỏ lòng tôn kính, yêu mến mẹ. Mẹ đã ban cho mỗi người chúng con được biết bao nhiêu ơn lành.
      Đầu tiên cha chủ sự (cha GiuSe Ngô Vũ Anh Tuấn ) sông hương kiệu đức Mẹ. Hôm nay là ngày thứ năm, thánh lễ dành riêng cho các em thiếu nhi  nên trong đoàn rước cũng rất đông các em thiếu nhi.Bên cạnh đó cũng không thể thiếu các bậc cha mẹ của các em và người lớn trong giáo xứ.
      Nối tiếp bình hương, thánh giá nến cao là các em thiếu nhi tiếp sau là các em thiếu nhi dâng hoa của sáu giáo họ, tiếp đến là kiệu đức mẹ, nối tiếp Mẹ là lễ sinh, cha chủ sự, sau cùng là cộng đoàn dân Chúa  giáo xứ.
       Trong tâm tình, hiệp thông của mỗi người trong thánh lễ hôm nay. Cùng các em thiếu nhi hướng về Mẹ tham gia đoàn rước, những bông hoa tươi thắm nhiều màu sắc, những nén nhang trầm toả ngát hương thơm, những ngọn nến lung linh toả sáng, và hơn hết là những tấm lòng thơ ngây, trong sáng của các em đã toả ngát hương bay lên trước tôn nhan Mẹ.    
       Mong sao những hình ảnh tốt đẹp đó nhắc nhở mỗi người chúng ta siêng năng đếm cùng Mẹ, và qua lời cầu bầu của Mẹ để mỗi người được đến với Chúa, Để rồi mỗi người có được niềm vui, từ niềm vui đó mỗi người mở rộng vòng tay đến với tha nhân, với mọi người trong giáo xứ để cùng nhau xây dựng giáo xứ, giáo hội lớn mạnh hơn,
        Lạy mẹ Maria, cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Tân Việt chúng con kính yêu Mẹ, cho dù tháng hoa có đi qua cộng đoàn giáo xứ chúng con luôn mãi là cánh hoa lòng đẹp nhất dâng lên Mẹ kính yêu.
                                                                          GiuSe thanhtam k2  

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ BẢY 2/6/2012 TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN, "Ông lấy quyền nào làm sự đó?"

Thứ Bảy Tuần VIII Mùa Thường Niên Năm B
 
BÀI ĐỌC I: Gđ 17, 20b-25

"Thiên Chúa có quyền năng bảo tồn anh em vô tội và đặt anh em tinh toàn trước thiên nhan sáng láng của Người".
Trích thư của Thánh Giuđa Tông đồ.

Anh em thân mến, anh em hãy nhớ lại những điều do các tông đồ đã loan tin trước về Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Anh em tự xây dựng trên đức tin rất thánh thiện của anh em và nguyện cầu bởi ơn Thánh Thần, anh em hãy tự kiên trì trong tình yêu Thiên Chúa, hầu mong đợi lòng thương xót của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho được sống đời đời. Anh em hãy thuyết phục những người này, họ là kẻ hay phân vân. Hãy cứu vớt những người kia, lôi kéo họ ra khỏi lửa. Còn như đối với hạng người khác nữa, anh em hãy tỏ lòng thương, đồng thời cũng phải lo sợ, gớm ghét cả đến tấm áo dài đã bị xác thịt làm nhơ bẩn.

Nguyện cho Đấng có quyền năng / bảo tồn anh em vô tội và đặt anh em tinh toàn trước thiên nhan sáng láng của Người một cách hân hoan, trong ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta trở lại; nguyện cho Thiên Chúa duy nhất là Đấng cứu độ chúng ta nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, được vinh quang, oai nghiêm, dũng lực và quyền năng, từ trước muôn thuở, bây giờ và cho đến muôn đời. Amen.  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 62, 2. 3-4. 5-6
A+B=Lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, linh hồn con khao khát Chúa (c. 2b).

A) Ôi lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, con thao thức chạy kiếm Ngài. Linh hồn con khát khao, thể xác con mong đợi Chúa con, như đất héo khô, khát mong mà không gặp nước.
B)Con cũng mong được chiêm ngưỡng thiên nhan ở thánh đài, để nhìn thấy quyền năng và vinh quang của Chúa. Vì ân tình của Ngài đáng chuộng hơn mạng sống, miệng con sẽ xướng ca ngợi khen Ngài.
A)Con sẽ chúc tụng Ngài như thế trọn đời con, con sẽ giơ tay kêu cầu danh Chúa. Hồn con được no thoả dường như bởi mỹ vị cao lương, và miệng con ca ngợi Chúa với cặp môi hoan hỉ.
A+B=Lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, linh hồn con khao khát Chúa (c. 2b).
ALLELUIA:  Gc 1, 18
-Do ý định của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng ta nên như của đầu mùa các tạo vật. - Alleluia.

PHÚC ÂM:  Mc 11, 27-33

"Ông lấy quyền nào làm sự đó?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ lại đến Giêrusalem. Và trong khi Chúa Giêsu đi lại trong đền thờ, thì những trưởng tế, luật sĩ và kỳ lão đến hỏi Người: "Ông lấy quyền nào mà làm sự đó? Và ai đã ban quyền cho ông để làm như vậy?" Chúa Giêsu đáp: "Tôi sẽ hỏi các ông một câu thôi, hãy trả lời cho Tôi thì Tôi sẽ bảo cho các ông hay Tôi lấy quyền nào mà làm việc đó: Phép rửa của Gioan bởi trời hay bởi người ta? Hãy trả lời Tôi đi". Họ liền bàn riêng với nhau rằng: "Nếu chúng ta trả lời 'Bởi trời', ông ấy sẽ nói: 'Vậy sao các ông không tin Người?' Nhưng nếu chúng ta nói 'Bởi người ta', chúng ta sợ dân chúng, vì mọi người đều coi Gioan thật là một tiên tri. Vậy họ thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Chúng tôi không biết". Và Chúa Giêsu bảo họ: "Vậy thì tôi cũng không nói cho các ông biết bởi quyền phép nào Tôi làm sự đó".  Đó là lời Chúa.

Th. Mácxenlinô và Phêrô, tử đạo
Mc 11,27-33

TINH THẦN ĐỐI THOẠI

Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?” (Mc 11,27-28)

Suy niệm: Thiên Chúa Cha muốn nói  với con người qua Chúa Con trong quyền năng Chúa Thánh Thần. Chính vì thế, Con Thiên Chúa đã làm người, chia sẻ cuộc sống con người, để truyền đạt sứ điệp cứu độ cho con người. Những tâm hồn nhỏ bé đơn sơ tìm đến với Ngài với tâm hồn thành khẩn, họ được soi sáng và cứu độ. Nhưng cũng có những con người dửng dưng thậm chí khước từ. Cuộc gặp gỡ giữa những thượng tế, kinh sư, kỳ mục Do Thái và Chúa Giê-su có thể là cuộc trao đổi để tìm hiểu về nguồn gốc uy quyền của Chúa Giê-su như bao nhiêu cuộc mạn đàm về giáo lý ở tại đền thờ thánh thiện này. Nhưng họ đã đến với ý hướng tìm cách bắt bẻ, gài bẫy Chúa. Nghe họ tính toán hơn thiệt với nhau và nghe câu họ trả lời cho Chúa Giê-su: “Chúng tôi không biết”, ta thấy rõ chân tướng “đối chọi” hẹp hòi của họ.

Mời Bạn: Thư Chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010 mời gọi các tín hữu đối thoại để loan báo Tin Mừng:“Giáo Hội cần đối thoại với các tôn giáo, với người nghèo, với những anh chị em không tôn giáo. Đây là cuộc đối thoại từ trái tim đến trái tim nhằm xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau và phục vụ hạnh phúc đích thực của con người. Đó cũng là cuộc đối thoại phục vụ ơn cứu độ” (39).

Chia sẻ: Chúng ta đã có thể nhận ra chân lý từ những người khác lập trường với mình chưa?

Sống Lời Chúa: Tập lắng nghe và chia sẻ trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau.


Cầu nguyện: Lạy Chúa, để con có thể nói về Chúa cho anh em xin cho con biết lắng nghe, và thật lòng tôn trọng họ nhất là những ai khác biệt với con.



THỨ BẢY 2/6/2012 TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN, Thánh Marcellinus và Phêrô (c. 304)

Thánh Marcellinus và Phêrô
    (c. 304)

    Mặc dù chúng không biết gì nhiều về hai vị tử đạo dưới thời Diocletian này, nhưng chắc chắn rằng giáo hội thời tiên khởi đã sùng kính hai vị. Chứng cớ của sự tôn kính ấy là đền thờ mà hoàng đế Constantine đã cho xây trên mộ của các ngài, và tên của các ngài được nhắc đến trong Lời Nguyện Thánh Thể I.

    Thánh Giáo Hoàng Damasus nói rằng ngài nghe biết câu chuyện về hai vị tử đạo từ người đao phủ mà sau đó người này đã trở lại Kitô Giáo.

    Marcellinus là một linh mục, còn Phêrô là người trừ tà, cả hai từ trần năm 304. Theo truyền thuyết về sự tử đạo của các ngài, cả hai là người Rôma và coi sự tù đầy như một cơ hội để rao giảng và hoán cải những lính canh tù và gia đình của họ. Truyền thuyết cũng nói rằng cả hai bị chặt đầu ở trong rừng để người Kitô không có cơ hội chôn cất và tôn kính thi thể của các ngài. Tuy nhiên, hai phụ nữ đã tìm thấy các thi thể ấy và họ đã chôn cất tử tế.


    Lời Bàn

    Tại sao các vị này được nhắc đến trong lời nguyện Thánh Thể và có ngày lễ tôn kính riêng, dù rằng hầu như chúng ta không biết gì về họ? Có lẽ vì Giáo Hội tôn trọng ký ức còn ghi nhận được trong lịch sử. Và đã một lần, các ngài là động lực khuyến khích toàn thể Giáo Hội. Họ đã thể hiện một bước đức tin tột bực.


    Lời Trích

    Giáo Hội luôn tin rằng các tông đồ, và các vị tử đạo của Ðức Kitô là những người đã đem lại bằng chứng đức tin và đức ái cao cả qua việc đổ máu của họ, thực sự kết hợp chặt chẽ với chúng ta trong Ðức Kitô" (Hiến Chương về Giáo Hội, 50).
    

    Trích từ NguoiTinHuu.com



TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ SÁU 1/6/2012 TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN ,"Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc. Các ngươi hãy tin vào Thiên Chúa".

Thứ Sáu Tuần VIII Mùa Thường Niên Năm chẵn

 
BÀI ĐỌC I:    1 Pr 4, 7-13

"Anh em hãy nên những kẻ phân phát những ơn Chúa".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, ngày cùng tận của vạn vật đã gần rồi. Vậy anh em hãy khôn ngoan và tỉnh thức cầu nguyện. Tiên vàn, anh em hãy luôn luôn yêu thương nhau, vì tình thương che lấp muôn vàn tội lỗi. Anh em hãy đón tiếp khách trọ và đừng kêu ca. Tuỳ theo ơn đã lãnh nhận, mỗi người hãy phục vụ lẫn nhau như những người phân phát ân sủng muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa. Nếu ai rao giảng, thì hãy kể đó là lời của Thiên Chúa; nếu ai phục vụ, thì hãy kể đó là do sức mạnh Thiên Chúa ban cho, ngõ hầu Thiên Chúa được tôn vinh nơi vạn vật nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng vinh hiển và uy quyền đến muôn đời. Amen.

Anh em thân mến, chớ có kinh dị, vì ngọn lửa đã bốc lên nơi anh em để thử luyện anh em, như thể một việc mới lạ xảy đến cho anh em. Nhưng được thông phần vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô, anh em hãy vui mừng, để khi vinh quang của Người được tỏ hiện, anh em sẽ được vui mừng hoan hỉ.  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 95, 10. 11-12. 13
Đáp: Chúa ngự tới cai quản địa cầu (c. 13ab).

1)  Hãy công bố giữa chư dân rằng: Thiên Chúa ngự trị. Người dựng vững địa cầu cho nó khỏi lung lay, Người cai quản chư dân theo đường đoan chính.    -  Đáp.

2)  Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan, biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên, đồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui. Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở.    -  Đáp.

3)  Trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành.    -  Đáp.

ALLELUIA:  Dt 4, 12
Alleluia, alleluia! - Lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, phơi bày tư tưởng và ý muốn của tâm hồn. - Alleluia.

PHÚC ÂM:  Mc 11, 11-26
"Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc.  Các ngươi hãy tin vào Thiên Chúa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

(Khi nghe dân chúng hoan hô), Chúa Giêsu vào thành Giê-rusalem, lên đền thờ và sau khi đã đưa mắt quan sát mọi sự, và lúc trời đã xế chiều, Người ra về Bêtania cùng với nhóm mười hai. Hôm sau, khi thầy trò rời bỏ Bêtania, Người thấy đói. Và khi thấy ở đàng xa có một cây vả nhiều lá, Người đến xem coi có trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người chỉ thấy có lá thôi, vì không phải là mùa có trái. Người phán bảo cây vả rằng: "Cho đến muôn đời sẽ không còn ai ăn trái của mi nữa". Và các môn đệ đã nghe Người nói.

Các ngài đến Giêrusalem. Và khi vào đền thờ, Chúa liền đuổi những người mua bán ở đó. Người xô đổ bàn của những người đổi tiền và ghế của những người bán chim câu. Người không để cho ai mang đồ vật đi ngang qua đền thờ. Người dạy bảo họ: "Nào chẳng có lời chép rằng: "Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dận tộc ư? Thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp". Điều đó đến tai các trưởng tế và luật sĩ, họ liền tìm cách giết Người, vì họ sợ Người, bởi tất cả dân chúng say mê giáo lý của Người. Chiều đến, Người ra khỏi thành.

Sáng hôm sau, khi đi ngang qua, các ngài trông thấy cây vả đã chết khô tận rễ. Phêrô nhớ lại và thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, hãy coi, cây vả Thầy nguyền rủa đã chết khô rồi". Chúa Giêsu đáp: "Hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật các con, nếu ai bảo núi kia: 'Hãy dời đi và gieo mình xuống biển', mà trong lòng không hồ nghi, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì người ấy sẽ được như ý. Vì vậy Thầy bảo các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được điều đó. Và khi các con đang đứng cầu nguyện, nếu các con có điều gì bất thuận với ai, hãy tha thứ để Cha các con trên trời cũng tha cho các con. Nếu các con không tha thứ, thì Cha các con trên trời cũng không tha tội cho các con".  Đó là lời Chúa.

Th. Giúttinô, tử đạo
Mc 11,11-26

SINH HOA TRÁI CHO NƯỚC TRỜI

Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Chúa Giêsu đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả. Người lên tiếng bảo cây vả: “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!” (Mc 11,12-14)

Suy niệm: Có người bảo Chúa Giêsu thật là “chướng,” không phải mùa vả mà đòi cây vả phải có trái! Đã thế còn nguyền rủa cho nó phải héo khô! Hẳn là Chúa cũng biết cây vả không thể đi ngược với qui luật tự nhiên Chúa đã thiết định mà muôn loài muôn vật đều tuân thủ. Thế nhưng, Chúa làm một việc có vẻ bất thường, nghịch lý để nhấn mạnh đến điều Ngài muốn dạy bảo. Nếu như các loài thảo mộc sinh trái đúng mùa theo luật tự nhiên, thì trái lại, việc sinh sản hoa trái thiêng liêng không chỉ diễn ra theo thời vụ mà phải là tình trạng thường xuyên của “người ở lại trong Chúa và Chúa ở lại trong người ấy” như dòng nước phát xuất từ đền thờ, chảy tới đâu thì sự sống sinh sôi nảy nở ở đó, cây mọc hai bên bờ, lá cây không tàn, kết trái quanh năm (x. Ed 47,9-12).

Mời Bạn: Lắm khi chúng ta sống đạo theo “mùa”: vào mùa Chay thì rồng rắn xếp hàng “xưng tội”, đến khi “ra chay” thì lại trở lại nếp sống cũ, chỉ cố “giữ đạo” ở mức tối thiểu theo luật buộc chứ không triển nở và trổ sinh hoa trái cho Nước Chúa bằng việc đem chất Tin Mừng thấm vào từng công việc, từng con người mà mình tiếp xúc hằng ngày.

Sống Lời Chúa: Để sinh hoa trái cho Nước Chúa, mời bạn vun đắp mối thân tình với Chúa Kitô bằng việc cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ở lại trong con và con ở trong Chúa để con sinh nhiều hoa trái cho Nước Chúa.

THỨ SÁU 1/6/2012 TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN , Thánh Justin Tử Ðạo (c. 165)

Thánh Justin Tử Ðạo
(c. 165)
 Thánh Justin là một giáo dân và triết gia Kitô Giáo đầu tiên đã có những sáng tác vĩ đại bảo vệ đức tin Kitô Giáo. Nhờ các văn bản ấy, chúng ta biết về cuộc đời ngài.
  Thánh Justin sinh ở Flavia Neapolis, Samaria khoảng năm 100, cha mẹ ngài là người ngoại giáo, gốc Hy Lạp. Ngài được giáo dục kỹ lưỡng và đặc biệt yêu thích khoa hùng biện, thi ca và sử học. Khi còn trai trẻ, ngài bị thu hút bởi triết thuyết Plato. Tuy nhiên, ngài nhận thấy chỉ có Kitô Giáo mới trả lời được những thắc mắc lớn lao về đời sống và sự hiện hữu.
  Qua những tài liệu Kitô Giáo cũng như việc quan sát các gương anh hùng tử đạo, Thánh Justin đã trở lại Kitô Giáo khi ngài 30 tuổi. Ngài tiếp tục mặc áo choàng của các triết gia thời bấy giờ, và trở nên triết gia Kitô Giáo đầu tiên. Ngài tổng hợp Kitô Giáo với các yếu tính đặc sắc nhất trong triết lý Hy lạp. Theo quan điểm của ngài, triết lý là một nhà mô phạm của Ðức Kitô, một nhà giáo dục dẫn đưa người ta đến với Ðức Kitô.
   Thánh Justin nổi tiếng là một người biện giáo thời bấy giờ. Ngài đi đây đó và tranh luận với các người ngoại giáo, lạc giáo và Do Thái Giáo. Khi người Kitô tiếp tục bị bách hại bởi nhà cầm quyền, ngài đã công khai bảo vệ Kitô Giáo qua lời giảng dạy cũng như văn bản. Trong các sáng tác của ngài, hiện nay chúng ta vẫn còn giữ được hai bản văn gửi cho hoàng đế Rôma và cho Thượng Viện.
Sau cùng ngài bị bắt và bị đưa ra trước quan tổng trấn Rôma là Rusticus. Khi được yêu cầu thờ cúng tà thần, Thánh Justin trả lời, "Người có suy nghĩ đúng đắn không vì sự giả trá mà chối bỏ sự thật."
Thánh Justin bị chém đầu ở Rôma năm 165.
Lời Bàn
Là quan thầy các triết gia, Thánh Justin khích động chúng ta hãy dùng các sức mạnh tự nhiên (nhất là sức mạnh của sự hiểu biết) để phục vụ Ðức Kitô, và để hình thành đời sống Kitô Giáo trong nội tâm chúng ta. Vì con người dễ bị sai lầm, nhất là đối với các vấn đề sâu xa của đời sống và sự hiện hữu, chúng ta cũng phải sẵn sàng sửa đổi và kiểm soát lại tư duy chúng ta trong sự soi dẫn của chân lý Kitô Giáo. Do đó, chúng ta mới có thể nói như các thánh nhân uyên bác của Giáo Hội: Tôi tin để có thể hiểu, và tôi hiểu để có thể tin.
Lời Trích
"Triết lý là sự am tường những gì hiện hữu, và là sự hiểu biết rõ ràng về chân lý; và hạnh phúc là phần thưởng của sự am tường và sự hiểu biết đó" (Thánh Justin, Ðối Thoại Với Trypho, 3)


Trích từ NguoiTinHuu.com

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

"Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?"

CHÚA NHẬT 3/6/2012 LỄ CHÚA BA NGÔI, Làm Dấu, Lễ Chúa Ba Ngôi



Làm Dấu, Lễ Chúa Ba Ngôi
Làm Dấu, LỄ CHÚA BA NGÔI
Thiếu nhi trong Giáo xứ Kim ngọc chúng tôi thuộc lòng ca khúc “Làm Dấu”, ngày Chúa Nhật nào các em cũng hát trước khi học giáo lý.
1.
Con đặt tay lên trán tôn vinh Chúa Cha toàn năng.
Con đưa tay xuống ngực chúc tụng Chúa Con tình yêu.
Đưa tay sang trái phải, vinh danh Chúa Thánh Thần nguồn ơn thánh thiên hồng phúc đời con.
Mỗi lần làm dấu thánh xin ngự đến trong tâm hồn con, mỗi khi con cầu nguyện xin hãy biến đổi tâm hồn con, xin cho con giống Ngài trong lời nói việc làm, ước mong đời con nên dấu chỉ yêu thương của Ngài giữa đời.
ĐK: Con làm dấu hằng ngày. Con làm dấu một đời, khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu nhắc nhở con luôn hướng lòng lên Chúa.
Con làm dấu hằng ngày. Con làm dấu một đời, khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu Chúa mãi ở trong con con ở trong Chúa.
2.
Bao lần con quên Chúa khi vô ý hay khi thờ ơ.
Bao phen con ngại ngần lúc làm dấu tuyên xưng niềm tin.
Đã có lúc yếu hèn, không làm dấu giữa đời, Ngài ơi giúp con bừng cháy niềm tin.
   Giữa hiểm nguy khốn khó con làm dấu xin ơn bình an, trong an vui ngập tràn con làm dấu hân hoan tạ ơn. Khi cô đơn thất vọng, khi mệt mỏi chán chường, Chúa ơi ở bên con nhé vì con đây luôn cần tới Ngài.





    Làm dấu Thánh Giá là lời tuyên xưng đức tin, tôn vinh Chúa Ba Ngôi của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác.
Mùa Phục Sinh kết thúc với đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Giáo hội nhìn lại chương trình cứu độ được Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử nhân loại và nhận ra rằng: nguồn ơn cứu độ chính là Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Vì thế, chúng ta hiểu tại sao ngày Chúa nhật mùa Thường niên tiếp ngay sau lễ Hiện Xuống, luôn luôn được Giáo hội mừng kính và suy niệm về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
    Giáo Hội là công trình của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ Ngài, Giáo Hội sinh ra; nhờ Ngài, Giáo Hội hoạt động; và hướng tới Ngài, Giáo Hội dấn bước. Chỉ một mình Thiên Chúa mới nắn đúc nên Giáo Hội theo lòng Ngài mong ước. (Thư Chung 2011, Số 19).
    Giáo hội được Chúa Cha tập hợp chung quanh Chúa Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Là dân tộc lữ hành, Giáo hội phát xuất từ Chúa Cha, sẽ trở về với Chúa Cha, nhờ trung gian của Chúa Kitô, dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần. Chính từ mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo hội được sinh ra và cũng từ Thiên Chúa mà Giáo hội lãnh nhận sứ mạng để tất cả nhân loại làm thành một Dân Thiên Chúa, tập họp thành Thân Thể Chúa Kitô, được xây dựng thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Giáo hội như là hình ảnh của mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thần Linh và Giáo hội là dấu chỉ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại (x.GH1; GLCG số 772). Ba Ngôi là cội nguồn và là cùng đích của Giáo hội. Giáo hội là công trình của Ba Ngôi. Giáo hội nuôi sống con cái mình bằng thần lương Ba Ngôi ban tặng qua các bí tích.
1. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo.
   Đây là một mầu nhiệm thâm sâu nhất, cao cả nhất mà lý trí con người, ngay cả óc tưởng tượng của con người, cũng không thể nào thấu hiểu hay hình dung được. Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn đề, càng không phải là một vấn đề toán học. Mầu nhiệm không phải là vấn đề hay bài toán : 3 là 3; 1 là 1. Không tính với bài toán nào mà 1 là 3 hay 3 thành 1 được. Thiên Chúa không phải là những con số. Không thể làm trò ảo thuật hay lý luận đưa ngón tay ba đốt hay hình tam giác mà ví von được.
   Vậy ai đã cho chúng ta biết mầu nhiệm này? Chính Chúa Giêsu Kitô. Nếu Chúa không dạy bảo thì loài người không thể nào biết được. Cho tới trước khi Chúa Kitô đến, loài người không có một ý niệm nào. Dân Do thái, dân riêng của Chúa, cũng không biết gì về mầu nhiệm Ba Ngôi. Cựu Ước chỉ nói tới một Thiên Chúa duy nhất, tạo dựng và làm chủ vũ trụ. Chính Chúa Giêsu, trong đời sống công khai giảng dạy đã mạc khải dần dần. Ngài đã từng bước vén lên bức màn của mầu nhiệm Ba Ngôi.
    Ngài cho biết : Chúa Cha là Thiên Chúa, còn Ngài là Con Một của Chúa Cha. Ngài và Chúa Cha là một. Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài, cùng bản tính với Chúa Cha. Ngài cũng là Thiên Chúa. Ngài với Chúa Cha là một Thiên Chúa.
    Ngài cũng cho biết : Chúa Thánh Thần là Đấng mà Chúa Cha sai đến, cũng là Thiên Chúa. Như vậy, chỉ là một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi riêng biệt nhau chứ không phải là ba Chúa.
2.  Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm Tình Yêu.
   Tại sao Chúa Giêsu lại mạc khải cho chúng ta một mầu nhiệm quá cao siêu như thế? Chắc chắn không phải là để thử thách thiện chí của con người, hoặc để xây lên bức tường chặn đứng suy luận và óc tưởng tượng của con người. Nhưng vì Chúa muốn chúng ta hiểu biết đời sống nội tại của Thiên Chúa, đó là tình yêu. Thiên Chúa là Tình yêu. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nói lên điều đó.
     Thiên Chúa là Tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là một công thức khác để nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Vì tình yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, ban cho con người được hạnh phúc như Chúa. Nhưng con người đã phạm tội phản nghịch đánh mất hạnh phúc. Thiên Chúa không từ bỏ con người. Ngài đã quyết định ban Con Một yêu dấu để cứu chuộc. Và vì yêu thương con người, Đức Kitô đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian thực hiện sứ mệnh yêu thương đó. Và khi hoàn tất, Ngài về trời. Chúa Thánh Thần đến để tiếp tục công việc của Ngài, công việc yêu thương. Nhờ Chúa Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa tiếp tục được bày tỏ mãi cho tới chúng ta hôm nay và mãi về sau nữa.
     Vì thế, khi mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội không chỉ nhắc nhở chúng ta xác tín lại tín điều quan trọng này, nhưng còn mời gọi chúng ta hãy sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, là sống yêu thương và hiệp nhất. Như tình yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa đã trào tràn trên mọi thụ tạo, thì tình yêu thương của người Kitô hữu cũng vậy, phải mở ra cho hết mọi người. Sống yêu thương là cách diễn tả đúng và đầy đủ ý nghĩa cuộc sống làm người và làm con Chúa; đồng thời cũng diễn tả cuộc sống của Chúa Ba Ngôi : yêu thương và hiệp nhất.
3. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm gần gũi nhất trong đời sống đạo. 
    Trước khi dùng cơm, phần lớn trong chúng ta đều làm dấu thánh giá và đọc nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Khi đọc kinh trong nhà thờ hay tại nhà, chúng ta đều bắt đầu bằng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Có những người có thói quen tốt là trước khi làm bất cứ việc gì, họ đều làm dấu thánh giá. Qua đài truyền hình, thỉnh thoảng chúng ta thấy, có những cầu thủ bóng đá quốc tế làm dấu thánh giá sau khi đá lọt lưới đối phương, hoặc trước khi đá phạt đền.
Làm dấu trên trán, chúng ta tuyên xưng Chúa Cha là Đấng tạo dựng trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Làm dấu trên ngực, chúng ta tuyên Chúa Con là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã từ trời xuống thế nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người. Làm dấu trên hai vai chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Chúa và Đấng ban sự sống, Người bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Dấu chữ thập mà chúng ta làm chỉ thánh giá của Chúa Giêsu, nơi mạc khải trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đối với nhân loại.
    Dấu thánh giá là lời tuyên xưng đức tin vắn tắt nhất của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác. Lời kinh nhân danh Cha và Con và Thánh Thần tóm tắt đức tin mà chúng ta đã nhận lãnh khi chịu phép rửa tội, mà nội dung là ba điều khoản lớn của đức tin công giáo, điều khoản thứ nhất tuyên xưng Chúa Cha, điều khoản thứ hai tuyên xưng Chúa Con, điều khoản thứ ba tuyên xưng Chúa Thánh Thần và Hội thánh. Như vậy cách thực tế và đơn giản nhất để tôn vinh Chúa Ba Ngôi là chúng ta hãy làm dấu thánh giá cách sốt sắng và ý thức, với tất cả lòng yêu mến và kính trọng.
   Đi sâu hơn chút nữa, chúng ta càng thấy mầu nhiệm Ba Ngôi thật gần gũi và thật là cao cả. Thánh Augustinô đã nói: “Nếu bạn thấy tình yêu, bạn sẽ thấy Chúa Ba Ngôi”.
Chúng ta có thấy tình yêu không, và thấy như thế nào? Tình yêu được nhìn thấy qua những hành vi yêu thương.
    Yêu thương là ban tặng: khi yêu người ta trái tim của mình cho người yêu. Yêu thương sâu đậm là cho đi điều quý báu nhất cho người mình yêu, như trường hợp của Chúa Cha mà Chúa Giêsu nói tới trong Tin mừng Gioan: “ Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian” ( Ga 3, 16 ). Hay chính trường hợp của Chúa Giêsu: “ Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người dám thí mạng sống vì bạn hữu” ( Ga 15, 13 ). Yêu thương là cho đi chính mình, là tự hiến chính mình. Vợ chồng yêu thương nhau, dâng hiến bản thân cho nhau, kể cả thân xác mà không chút e dè, trái lại còn hạnh phúc nữa. Cha mẹ và con cái yêu thương nhau có thể hy sinh mạng sống mình cho nhau.
   Yêu thương là chia sẻ: yêu nhiều, người ta chia sẻ cho nhau nhiều, yêu nhau hết mức thì người ta chia sẻ cho nhau tất cả. Vợ chồng yêu nhau chia sẻ cho nhau tất cả, từ của cải vật chất đến gia sản tinh thần, đến cả tình gia đình. Ông bà cha mẹ của chồng trở thành ông bà cha mẹ của vợ và ngược lại. Trong Thiên Chúa cũng thế, Ba Ngôi Thiên Chúa chia sẻ cùng một sự sống thần linh. Và chính sự sống thần linh duy nhất làm cho Ba Ngôi là một. Chúa Cha đã sai Chúa Con mang sự sống thần linh ấy xuống trần gian chia sẻ cho nhân loại. Sự sống ấy là Bánh bởi trời mà chúng ta nhận lãnh trong bí tích Thánh Thể.
    Yêu nhau là đón nhận nhau. Đón nhận tình yêu và ý muốn của người mình yêu, đón nhận tất cả, đón nhận chính bản thân của người yêu. Người được yêu có vị trí quan trọng trong trái tim của người yêu. Suy nghĩ về tình yêu giữa Chúa Con và Chúa Cha, chúng ta sẽ thấy ở trần gian này, không có sự đón nhận nào trọn vẹn như thế. Chúa Con đón nhận tất cả từ Chúa Cha: giáo lý, ý muốn, lời nói, hành động. Chúa Con đón nhận chính bản thân Chúa Cha làm bản thân của mình, vì vậy mà đồng bản thể với Chúa Cha.
    Yêu nhau còn là gắn bó với nhau. Càng yêu nhau càng gắn bó mật thiết đến nỗi là một với nhau. Hai vợ chồng yêu nhau ở mức độ cao nhất thì trở nên một: một xương thịt, một thân mình. Bấy giờ tình yêu vợ chồng không những là dấu chỉ hữu hình của tình yêu Chúa Giêsu đối với Giáo Hội, mà còn là dấu chỉ của tình yêu Ba Ngôi. Ba Ngôi gắn bó với nhau đến nỗi là Một với nhau. Và chỉ có một Thiên Chúa mà thôi, Thiên Chúa là Tình Yêu nguồn suối, mẫu mực cho mọi tình yêu của con người (ĐGM Bùi Văn Đọc).
   Hôm nay chúng ta mừng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Gọi là mầu nhiệm vì đó là điều vượt quá trí hiểu của loài người. Tuy chúng ta không thể hiểu thấu mầu nhiệm đó, nhưng may thay qua Chúa Giêsu, chúng ta thấy được biểu hiện của mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm của tình yêu.
Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng tội lỗi làm cho chúng ta xa lìa tình yêu của Chúa. Sự ghen ghét hận thù làm cho khuôn mặt chúng ta lem luốc méo mó, không còn giống khuôn mặt Thiên Chúa.
    Hôm nay ta hãy biết sống theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi. Biết sống hiệp nhất với nhau. Biết dâng hiến bản thân mình, biết cho đi, biết chia sẻ, biết sống chan hoà tình bác ái. Để thực hiện những điều ấy, ta phải biết bỏ mình, bỏ sở thích riêng, bỏ của cải và nhất là phải biết bỏ ý riêng, hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Khi biết bỏ mình như thế, ta sẽ nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Khi hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu ta sẽ được kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là hạnh phúc thiên đàng. Đó chính là đích điểm của đời chúng ta.
    Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, xin cho chúng con ngày càng trở nên giống hình ảnh của Chúa. Amen.


Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 







TIN MỪNG HẰNG NGÀY 31/5/2012 TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN, "Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?"

Thứ Năm Mùa Thường Niên Năm B
Mẹ Đi Viếng


 
BÀI ĐỌC I: Xp 3, 14-18a

"Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi".

Trích sách Tiên tri Xôphônia.

Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và hãy nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi, và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa.

Trong ngày đó, ở Giêrusalem thiên hạ sẽ nói rằng: "Hỡi Sion, đừng sợ! Tay đừng bủn rủn! Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Đấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi. Người hân hoan vui mừng vì ngươi. Với ngươi, Người làm mới lại tình yêu của Người. Vì ngươi, Người nhảy mừng trong tiếng reo vui, như thuở tao phùng". Đó là lời Chúa.

Hoặc đọc: Rm 12, 9-16

" Hãy giúp đỡ các thánh khi họ thiếu thốn, và ân cần tiếp khách đỗ nhà".

Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, đức ái không được giả hình: Hãy chê ghét điều ác và trìu mến điều lành. Hãy thương yêu nhau trong tình bác ái huynh đệ. Hãy nhân nhượng tôn kính nhau. Hãy siêng năng, chớ biếng nhác: Hãy sốt mến trong tâm hồn và phụng sự Chúa. Hãy hân hoan trong niềm cậy trông, nhẫn nại trong gian truân và kiên tâm cầu nguyện. Hãy giúp đỡ các thánh khi họ thiếu thốn, và ân cần tiếp khách đỗ nhà.

Hãy chúc phúc cho những kẻ bắt bớ anh em: Hãy chúc phúc, chứ đừng chúc dữ. Hãy vui mừng với kẻ vui mừng, và khóc lóc với kẻ khóc lóc. Hãy đồng tâm hiệp ý với nhau: đừng tự cao tự đại, một hãy ưa thích những sự hèn kém. Đừng tự đắc cho mình là khôn. Đó là lời Chúa.
 
ĐÁP CA: Is 12, 2-3. 4bcd. 5-6

Đáp: Đấng Thánh cao cả của Israel ở giữa ngươi (c. 6b).

Xướng: 1) Này là Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi, tôi sẽ tin tưởng hành động và không sợ hãi: vì Chúa là sức mạnh và là sự ngợi khen của tôi, và Người đã đem lại cho tôi ơn cứu độ. - Đáp.

2) Hãy tuyên xưng Chúa và kêu cầu thánh danh Người; hãy làm cho các dân tộc biết việc Chúa sáng tạo; hãy nhớ rằng danh Người thật cao sang. - Đáp.

3) Hãy ca mừng Chúa, vì người đã làm những việc trọng đại; hãy công bố việc đó trong khắp hoàn cầu. Hỡi dân thành Sion, hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì Đấng Thánh cao cả của Israel ở giữa ngươi. - Đáp.

ALLELUIA: Lc 1, 45

Alleluia, alleluia! - Hỡi Trinh Nữ Maria, phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 1, 39-56
"Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Elisabeth. Và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:

"Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện".

Và Maria nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen rằng tôi có phước, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa.

"Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa đã săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời".

Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình. Đó là lời Chúa.

Đức Mẹ đi viếng bà Thánh Isave
Lc 1,39-56

Cả hai đều có phúc

Bà Maria lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Gia-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét… Bà Maria ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà. (Lc 1,39-40.56)

Suy niệm: Cả bà Êlisabét và Đức Maria đều được Thiên Chúa chúc phúc, được mời tham gia vào chương trình cứu độ của Ngài:

·         Êlisabét cưu mang và sinh ra Gioan, là vị Tiền hô của Đấng Cứu Thế.
·         Maria, cưu mang sinh hạ Đấng Cứu Thế cứu chuộc loài người.

Với lời “Xin Vâng”, Maria không quản ngại đường sá xa xôi, đến với người chị họ để giúp đỡ, chăm sóc trong thời gian sắp sinh nở. Sự hiện diện của Mẹ và Đấng Mẹ cưu mang là Giêsu đã làm cho Êlisabét và thai nhi trong lòng đầy sự vui mừng.

Mời Bạn: Bạn có thể đóng vai trò của Êlisabét bằng đời sống chứng tá để loan báo về hồng ân Thiên Chúa ban cho bạn, cho chính những người mà bạn đang tiếp xúc.

Và bạn cũng có thể đóng vai trò của Mẹ Maria, sẵn sàng vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh: bác ái bằng việc phục vụ cụ thể cho chính những người thân.

Chia sẻ: Bạn có thể đem tinh thần của cuộc thăm viếng này vào các mối quan hệ giao tiếp của bạn không?

Sống Lời Chúa: Bạn làm một việc bác ái để đem niềm vui của Chúa cho một người nào đó mà trong công việc hằng ngày bạn vẫn thường xuyên gặp gỡ.


Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, nhờ sức mạnh của tình yêu Giêsu, Mẹ không quản ngại đường xá xa xôi, đến giúp đỡ người chị họ. Xin Mẹ dạy con biết quan tâm đến người khác và sẵn sàng đem Chúa đến cho mọi người, dầu có đòi hỏi con phải hy sinh nhiều.