Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

THỨ BẢY 3/11/2012 TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN, I. CÓ LUYỆN NGỤC KHÔNG?( tiếp theo)

TÌM HIỂU LUYỆN NGỤC


   I. CÓ LUYỆN NGỤC KHÔNG?( tiếp theo)

     3. Giáo hội Công giáo xác định: Có Luyện ngục

Tin đạo nào thì theo Giáo lý đạo nấy. Là người theo đạo Chúa, ta tin và thực hành các điều Hội thánh Công giáo dạy.
Theo thời gian,  các Công đồng (các cuộc họp chung cao cấp) của Giáo hội Công giáo đã xác định giáo lý về Luyện ngục như sau:  
3.1. Công đồng Lyon (1245 và 1247), Công đồng Florence (1438-1445), và nhất là Công đồng Trentô (1545-1563) trong khóa 6, số 22 và 25  dạy rằng: "Ai dám quả quyết sau khi được ơn thánh sủng, tội lỗi được tha và hình phạt đời đời được xóa bỏ cho các hối nhân, và không có hình phạt tạm bởi tội ở đời này cũng như trong Luyện ngục trước khi cửa Thiên đàng được mở, thì kẻ ấy phải vạ tuyệt thông". 
3.2. Công đồng Trentô khóa 25, ngày 4 tháng 12 năm 1563 tuyên ngôn thêm: "Giáo hội Công Giáo được Chúa Thánh Thần dạy, theo các văn kiện và truyền thống xa xưa của các Giáo phụ, và mới đây trong Công đồng này dạy rằng: Có Luyện ngục, và các linh hồn bị thanh tẩy tại đó, được giúp đỡ nhờ những lời cầu nguyện của các tín hữu, và nhất là bởi công nghiệp Thánh lễ Misa".  
3.3. Công đồng Vaticanô 2 (năm 1962-65) trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội đã tuyên ngôn:  "Cho tới khi Chúa ngự đến trong uy nghi, có tất cả các thiên thần theo Người, và khi sự chết bị hủy diệt, mọi vật đều qui phục Người, thì trong số các môn đệ Chúa, có những kẻ còn tiếp tục cuộc hành trình nơi dương thế, có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống này và đang được tinh luyện, và có những kẻ được hiển vinh đang chiêm ngưỡng rõ ràng chính Thiên Chúa duy nhất trong Ba ngôi như Ngài hằng có" (GH 49) 
3.4. Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo (Đức GH Gioan Phaolô 2 ban hành năm 1992) xác định: 
Tiết III.
LUYỆN NGỤC, SỰ THANH TẨY SAU CÙNG
*Số 1030 viết: (mục đích)
Những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng.
*Số 1031 viết tiếp: (mục đích và hiện hữu)
Giáo Hội gọi là  luyện ngục là sự thanh luyện sau cùng này của các người được chọn, hoàn toàn khác với hình phạt của những kẻ bị án phạt.
Giáo Hội đã trình bày giáo lý của đức tin về Luyện ngục, nhất là tại các Công đồng Florentia ( xem DS 1304) và Trentô ( xem DS 1820; 1580). Dựa vào một số bản văn của Thánh Kinh ( Chẳng hạn 1 Cr 3,15; 1 Pr 1,7), Truyền thống của Giáo Hội nói đến một thứ lửa thanh luyện:
"Đối với một số những lỗi lầm nhẹ, ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy trước ngày Phán xét, theo như những gì mà Đấng là Chân lý đã dạy khi Ngài nói rằng nếu ai nói lời phạm thánh chống lại Chúa Thánh Thần, thì sẽ không được tha cả đời này lẫn ở đời sau"  (Mt 12,31). Theo lời quyết đoán này, chúng ta có thể hiểu rằng một số lỗi lầm có thể được tha ở đời này, nhưng một số lỗi khác thì được tha ở đời sau"  ( Th. Gregoriô Cả, Dial. 4,39).

*Số 1032 viết thêm: (Phương thế cứu giúp)
Giáo huấn này cũng dựa vào cách cầu nguyện cho kẻ chết, như được nói đến trong Thánh Kinh: "Đó là lý do tại sao ông Giuđa Macabê đã truyền phải dâng hy lễ đền tội này cho các người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi của mình"  (2 Mcb 12,46). Ngay từ những thời gian đầu, Giáo Hội đã tôn kính việc tưởng niệm các người đã qua đời, và dâng kinh nguyện để cầu cho họ, nhất là dâng Thánh lễ ( xem DS 856), để họ được thanh tẩy và tiến vào nơi chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Giáo Hội cũng khuyên làm việc bố thí, hưởng các ân xá và thi hành những việc đền tạ để giúp các người đã qua đời:
Chúng ta hãy cứu giúp họ và hãy tưởng nhớ họ. Nếu các con ông Gióp đã được thanh tẩy nhờ lễ hy sinh của cha họ ( xem G 1,5), tại sao chúng ta lại có thể hoài nghi rằng những của lễ của chúng ta dâng cầu cho người chết sẽ không mang lại ủi an cho họ? Vậy chúng ta đừng ngần ngại cứu giúp những người đã ra đi, và dâng những kinh nguyện cầu cho họ  (Th. Gioan Kim khẩu, Giảng về 1 Cr 41,5).
     (còn tiếp)





TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ BẢY 3/11/2012"Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".

Thứ Bảy Tuần XXX Mùa Thường Niên Năm chẵn

 

BÀI ĐỌC I: Pl 1, 18b-26
"Đối với tôi, sống là Đức Kitô, còn chết là một mối lợi".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, miễn là Đức Kitô vẫn được rao giảng, đó là điều làm tôi vui mừng, và tôi sẽ còn vui mừng mãi. Vì chưng tôi biết rằng nhờ lời cầu nguyện của anh em, và nhờ ơn Thánh Thần của Đức Giêsu Kitô giúp sức, điều đó sẽ đưa tôi đến ơn cứu độ, theo sự tôi chờ đợi và hy vọng, tôi sẽ không hổ thẹn chút nào, trái lại tôi vẫn hoàn toàn tin tưởng như mọi khi, và giờ đây, dù tôi sống hay tôi chết, Đức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi.

Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, còn chết là một mối lợi. Nhưng nếu sống trong xác thịt này đem lại cho tôi kết quả trong việc làm, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Tôi đang lúng túng trong hai điều này: là ước ao chết để được ở với Đức Kitô thì tốt hơn bội phần, nhưng cứ ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em.

Một khi tin tưởng điều đó, tôi biết rằng tôi sẽ còn ở lại và sẽ lưu lại với tất cả anh em, để anh em được tấn tới và được hân hoan trong niềm tin, ngõ hầu anh em vì tôi mà được tràn đầy hiên ngang trong Đức Kitô, bởi tôi trở lại với anh em một lần nữa. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 41, 2. 3. 5bcd
Đáp: Hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống (c. 3a).

Xướng: 1) Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, ôi Chúa trời con! - Đáp.

2) Hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào tôi được tìm về ra mắt Chúa Trời? - Đáp.

3) Tôi nhớ lúc xưa đi giữa muôn người, tôi đứng đầu đưa dân tiến vào nhà Đức Chúa Trời, giữa muôn tiếng reo mừng, ca ngợi.- Đáp.

ALLELUIA: Tv 147, 12a và 15a
Alleluia, alleluia! - Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa, Đấng đã sai Lời Người xuống cõi trần ai. - Alleluia.



PHÚC ÂM: Lc 14, 1. 7-11
"Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:

"Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: 'Xin ông nhường chỗ cho người này', bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến nói với ngươi rằng: 'Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên', bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc.

"Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên". Đó là lời Chúa.


Th. Máctin Porét, tu sĩ     Lc 14,1.7-14

KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤ

“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 14,11)

Suy niệm: Chỗ ngồi danh dự trong một bữa tiệc không nhiều. Nhưng ai cũng thích và muốn ngồi vào chỗ ưu tiên ấy. Đây cũng là thái độ háo danh của những người Pharisêu mà Chúa Giêsu kịch liệt lên án. Người cho biết làm lớn không hệ tại ở chỗ ngồi, cũng chẳng phải ở quyền lực nhưng là thái độ phục vụ đối với tha nhân. Một cái nhìn hoàn toàn ngược lại với quan điểm của họ.

Mời Bạn: Tham vọng quyền lực luôn ám ảnh con người mọi thời trên mọi bình diện: gia đình, tổ chức xã hội đến quốc gia quốc tế. Ngay cả trong Giáo Hội cũng không nằm ngoài vòng kiềm toả ấy. Thế nhưng, đó không phải là con đường Chúa đã đi, cũng không phải là cách Chúa Giêsu đã dạy: những ai muốn làm lớn trong Vương quốc của Người phải là người phục vụ. Cung cách đó chính là qui luật để vào được Nước Trời: Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.

Sống Lời Chúa: Trong gia đình, cộng đoàn của bạn, bạn có nhận thấy việc phục vụ âm thầm nào đang cần bạn giúp một tay không? Bạn có nhận con người nhỏ bé nào đang cần sự quan tâm giúp đỡ không? Bạn tập nhanh nhạy nhận ra những trường hợp đó và mau mắn phục vụ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy con biết phục vụ âm thầm. Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy con biết yêu thương tự hiến. Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm. Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy con biết coi mọi người như anh em. Amen.


THỨ BẢY 3/11/2012 TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN, Thánh Martin Người Nghèo (1579-1639)

Thánh Martin Người Nghèo
(1579-1639)

   Hàng chữ thật lạnh lùng "không có cha" được ghi trong hồ sơ rửa tội, và danh từ "con lai" hay "vết tích cuộc chiến" là cái tên ác nghiệt mà những người "thuần chủng" gán cho những người mang hai dòng máu. Như bao người khác, Martin đã có thể trở nên một người cay đắng, nhưng ngược lại, ngay từ còn nhỏ Martin đã có lòng thương người đặc biệt, nhất là những người nghèo và bị xã hội khinh miệt.

Ngài là đứa con bất hợp pháp của một nhà quý tộc Tây Ban Nha ở Lima, Peru và một phụ nữ Panama. Thánh Martin giống mẹ nên có nước da ngăm đen, và điều này làm cha ngài khó chịu, do đó mãi tám năm sau ông mới chịu nhận Martin là con. Sau khi sinh đứa thứ hai, ông bỏ rơi gia đình. Martin lớn lên trong cảnh nghèo nàn, thuộc giai cấp bần cùng của xã hội Lima.

Lúc 12 tuổi, mẹ ngài cho theo học nghề cắt tóc và giải phẫu, nên ngoài việc cắt tóc, ngài còn biết cách lấy máu (sự chữa trị rất phổ thông thời ấy), biết chăm sóc vết thương và biết chích thuốc.

Sau vài năm hành nghề, Martin xin vào dòng Ða Minh làm "người giúp việc," vì ngài cảm thấy không xứng đáng để làm thầy dòng. Sau chín năm, gương mẫu đời sống cầu nguyện và hãm mình, bác ái và khiêm nhường của ngài khiến cộng đoàn phải yêu cầu ngài khấn trọn. Ngài cầu nguyện hằng đêm và sống khắc khổ; công việc hàng ngày của ngài là chăm sóc bệnh nhân và người nghèo. Ngài coi mọi người như nhau, bất kể mầu da, sắc tộc hay địa vị xã hội. Ngài là cột trụ trong việc thành lập cô nhi viện, chăm sóc người nô lệ từ Phi Châu và trông coi việc bố thí của nhà dòng. Ngài trở nên nổi tiếng trong nhà dòng cũng như ngoài thành phố, dù đó là vấn đề "chăn màn, quần áo, đèn nến, bánh kẹo, phép lạ hay lời cầu nguyện!" Khi nhà dòng bị nợ quá nhiều, ngài nói với cha bề trên, "Con chỉ là một đứa con lai nghèo hèn. Cha hãy bán con đi. Con là sở hữu của nhà dòng. Hãy bán con đi để trả nợ."

Ngoài những công việc hàng ngày như nấu ăn, giặt giũ và chăm sóc bệnh nhân, Thiên Chúa còn ban cho ngài những ơn sủng đặc biệt: được xuất thần bay bổng trên không, căn phòng rực sáng khi ngài cầu nguyện, ơn lưỡng tại (ở hai nơi cùng một lúc), ơn hiểu biết cách lạ lùng, ơn chữa bệnh và chế ngự các thú vật cách tài tình. Lòng bác ái của ngài còn nới rộng đến các thú vật ở ngoài đồng hay chó mèo trong phố và ngay cả chuột bọ trong bếp.

Nhiều tu sĩ thời ấy coi ngài như vị linh hướng, nhưng ngài vẫn tự coi mình là "người nô lệ nghèo hèn." Ngài còn là bạn của Thánh Rosa ở Lima. Ngài từ trần ngày 3-11-1639.

Lời Bàn

Kỳ thị chủng tộc là cái tội mà hầu như không ai muốn thú nhận. Cũng như sự ô nhiễm, đó là "cái tội của thế giới", là trách nhiệm của mọi người nhưng không ai muốn nhận lỗi. Không ai xứng đáng là quan thầy của sự tha thứ và sự công bằng Kitô Giáo cho bằng Thánh Martin của Người Nghèo.

Lời Trích

Trong buổi lễ phong thánh (6-5-1962), Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã có lời nhận xét về Thánh Martin như sau: "Ngài đã tha thứ lỗi lầm của người khác. Ngài đã quên đi những xúc phạm thật cay đắng, vì cho rằng ngài đáng phải phạt vì những tội lỗi của chính mình. Ngài cố gắng hết sức để đền bù các lỗi lầm ấy; ngài an ủi bệnh nhân một cách trìu mến; ngài cung cấp thực phẩm, quần áo và thuốc men cho người nghèo; ngài giúp đỡ các nông dân và người da đen, cũng như những người mang hai dòng máu mà thời ấy thường coi là nô lệ: do đó ngài xứng đáng với cái tên mà người ta thường gọi là 'Martin Nhân Hậu.'"


Trích từ NguoiTinHuu.com

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

THỨ SÁU 2/11/2012 TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN,

TÌM HIỂU:
I. CÓ LUYỆN NGỤC KHÔNG?
 *KINH THÁNH NÓI CÓ LUYỆN NGỤC
           (tiếp theo)


    Những người chỉ căn cứ vào Kinh thánh và giải nghĩa Kinh thánh theo ý mình, sẽ không tìm thấy Kinh thánh nói gì về Luyện ngục. Vì không thấy nói có Luyện ngục, nên nhiều người không để ý tránh, cũng không cứu giúp ai trong đó.
Thực ra Kinh thánh không dùng danh từ Luyện ngục" (Purgatory), nhưng Kinh thánh có nói tới Luyện ngục. 
2*Kinh Thánh Tân Ước nói về Luyện ngục cách gián tiếp như sau:
2.1. Phúc âm theo thánh Matthêu Chương 5 câu 25-26 Chúa Giêsu phán:
"Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan tòa, quan tòa lại trao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi nơi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng".
Theo lý luận của các nhà giải nghĩa Kinh Thánh: "Ra khỏi nơi đó" không thể hiểu là ra khỏi Thiên đàng, vì Thiên đàng không phải là nơi ngục tù. Ai đã được vào Thiên đàng thì không bao giờ phải loại ra.
"Ra khỏi đó" cũng không thể hiểu là ra khỏi Hỏa ngục, vì đã vào Hỏa ngục thì đời đời không được ra nữa. Vậy "ra khỏi nơi đó" chỉ có thể hiểu là ra khỏi Luyện ngục, nơi linh hồn đã đền tội xong.

2.2. Cũng Phúc âm theo thánh Matthêu chương 12 câu 32 Chúa Giêsu phán:
 "Bất cứ ai nói phạm đến Con Người sẽ được tha thứ, nhưng bất cứ ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ không được tha, dù đời này dù đời sau".
Các Thánh Tiến sĩ như Augustinô, Gregoriô Cả, Benađô, Bêđa, đều cắt nghĩa rằng lời Chúa phán "không được tha dù đời sau" không thể hiểu về Thiên đàng, nơi đó không cần sự tha thứ; cũng không thể hiểu về Hỏa ngục, nơi đó không có sự tha thứ. Vậy "được tha thứ đời sau" chỉ có thể hiểu về Luyện ngục.

2.3. Thư Thánh Phaolô gửi dân thành Corinhtô nói đến lửa thử các việc làm của con người, đoạn sau đây cũng thường được cắt nghĩa về Luyện ngục:
 "Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô. Người ta có thể dùng vàng, bạc, đá quí, gỗ cỏ, rơm mà xây trên nền đó. Nhưng công việc của mọi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng.
Thật thế, ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì ngày ấy tỏ rạng trong lửa, chính lửa này sẽ thử nghiệm các giá trị công việc của mọi người. Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu hủy, thì người ấy sẽ bị thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa" (1 Cr 3,11-15).
Các Thánh Giáo phụ giải nghĩa "vàng, bạc, đá quí" là những việc lành. "gỗ, cỏ, rơm" là những tội nhẹ, những khuyết điểm. 
Như vậy Kinh thánh cả Cựu và Tân ước đều gián tiếp nói tới Luyện ngục.
Người tin vào Kinh thánh không nên phủ nhận bừa bãi.  
Tốt hơn, họ  nên tìm cách để đừng phải vào đó, và nên cứu giúp những ai ở trong đó, nhất là các bậc sinh thành, dưỡng dục họ, những người thân yêu và ân nhân của họ... 
Ai là người không có những vết nhơ tội lỗi cần phải được thanh luyện trước khi vào Thiên đàng với Chúa thánh thiện vô cùng, thanh sạch vô cùng. Không thanh luyện ở đời này bằng lửa mến Chúa, yêu người, thì sẽ thanh luyện ở đời sau bằng lửa Luyện ngục nóng rát vậy.  
  (còn tiếp)


TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ SÁU 2/11/2012 TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN, “Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6,51)

Thứ Sáu Mùa Thường Niên Năm chẵn
Các Linh Hồn

 

LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN

BÀI ĐỌC I: Kn 3, 1-9
"Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu".
Trích sách Khôn Ngoan.

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Đối với con mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài đã chịu khổ hình, lòng cậy trông của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao: vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu tỏ ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét xử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
A+B=Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 5).

A=Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng..

B=Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. - Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con.

A=Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.

B=Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

BÀI ĐỌC II: Rm 5, 5-11
"Chúng ta đã nên công chính trong Máu của Người, và nhờ Người chúng ta được cứu khỏi cơn thịnh nộ".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần đã ban cho chúng ta. Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, hoạ chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.

Vậy phương chi bây giờ, chúng ta đã nên công chính trong máu của Người, và nhờ Người chúng ta sẽ được cứu khỏi cơn thịnh nộ. Bởi chưng nếu khi chúng ta còn là thù nghịch, mà chúng ta đã được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, thì huống chi khi đã được giao hoà, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của chính Chúa Kitô. Và không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người mà bây giờ chúng ta được lãnh ơn giao hoà. Đó là lời Chúa.

Hay đọc bài này:
BÀI ĐỌC I:   Rm 6, 3-9
"Chúng ta phải sống đời sống mới".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Đức Giêsu Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi được thanh tẩy trong sự chết của Người, để như Đức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế. Vì nếu chúng ta được liên kết với Người trong cùng một cái chết, giống như cái chết của Người, thì chúng ta cũng được hợp nhất với Người, trong sự sống lại giống như vậy.
Nên biết điều này: con người cũ của chúng ta đã cùng chịu đóng đinh khổ giá, để xác thịt tội lỗi bị huỷ đi, hầu cho chúng ta không còn làm nô lệ tội lỗi nữa, vì con người đã chết, tức là được giải thoát khỏi tội lỗi. Mà nếu chúng ta đã chết với Đức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Đức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 11, 25-26
-Chúa phán: "Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ". - Alleluia.

PHÚC ÂM:  Ga 6:37-40
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với đám đông rằng: Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài,38 vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi.39 Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.40 Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết." Đó là lời Chúa.

Hay bài này:
PHÚC ÂM:  Ga 17, 24-26
"Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, (Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng:) "Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa".  Đó là lời Chúa.
Các Đẳng Linh Hồn      Ga 6,51-59

BÁNH BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI

“Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6,51)

Suy niệm: Nhằm “tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt, toát hơi may lạnh buốt xương khô,” thi hào Nguyễn Du chạnh lòng làm bài “Văn tế thập loại chúng sinh” khóc thương cho mọi hạng người giàu nghèo sang hèn phải chết vì đủ loại cảnh ngộ thương tâm. Cũng tin tưởng vào một sự sống ở kiếp sau nhưng thương thay, đó lại là những kiếp sống cô đơn, vất vưởng, oan khuất, thê lương:

Kẻ thân thích vắng sau vắng trước
Biết lấy ai bát nước nén nhang?
Cô hồn thất thểu dọc ngang
Nặng oan khôn lẽ tìm đường hoá sinh?

Chúa Giêsu đến giải thoát nhân loại khỏi cảnh trầm luân bằng cách tự hiến chính thân mình Ngài thành bánh hằng sống cho chúng ta, để ai ăn bánh đó, sẽ được vào cõi sống hạnh phúc vĩnh hằng. Điều Chúa nói thật khó tin, người Do Thái nghe mà cứ xầm xì! Chả thế mà trong một đoạn ngắn Chúa đã phải nhắc đi nhắc lại tới ba lần: “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời.”

Mời Bạn: Phần bạn, là kitô hữu, hẳn bạn đã tin vào lời Chúa nói. Nhưng làm thế nào để chia sẻ niềm tin ấy cho người chưa tin? Giáo Hội dành cả tháng 11 để cầu nguyện cho các đẳng linh hồn. Họ là những người thân của bạn đã qua đời và cả các cô hồn, tức là các linh hồn mồ côi. Việc bạn ân cần tưởng nhớ, sốt sắng cầu nguyện, nhất là cử hành bí tích Thánh Thể để cầu cho họ là cách trợ giúp thiết thực và hiệu quả cho các linh hồn và là lời chứng hùng hồn cho niềm tin đó.

Sống Lời Chúa: Sửa sang lại bàn thờ tổ tiên và đọc kinh chung gia đình để cầu cho các vị tiên nhân của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi. Amen.