Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

THỨ BẢY 11/2/2012 TUẦN V THƯỜNG NIÊN B CHÚA ĐANG GỌI BẠN.


CHÚA ĐANG GỌI BẠN
   Tôi muốn chào đón các em học sinh mẫu giáo từ các lớp giáo lý, các thầy cô và phụ huynh của các em. Tôi muốn nói với các học sinh, và các em cần để ý lắng nghe bởi vì tôi sẽ có những câu hỏi để hỏi các em.
Pháp Luật và Lương Tâm
    Nhiều lần khi tôi bật truyền hình lên để xem tin tức hoặc là lúc tôi đọc báo, một ý tưởng hiện ra, “Cái gì đang làm cho thế giới không ổn? Dường như là mỗi ngày một trở nên tệ hơn.” Có đủ thứ tội phạm – qúi vị biết là tôi đang nói về cái gì - đủ loại sa đọa, không phải chỉ ở Mỹ, nhưng mà là mọi nơi trên thế giới: giết người, chiến tranh, người ta giết hại nhau chỉ vì mầu da hay vì họ không thuộc về cùng một bộ lạc, hoặc họ không cùng một niềm tin tôn giáo.
     Trong đất nước này chúng ta thấy luân lý đang đi xuống. Dường như người ta đã đè bẹp lương tâm của họ. Họ không muốn biết cái gì đúng cái gì sai; người ta chỉ muốn làm cái họ thích. Nếu lương tâm bắt đầu cắn rứt họ về một điều nào đó, họ muốn làm một luật khác thay đổi cái luật đó đi.
     Ai cũng biết phá thai là tội lỗi, là một tội ác, nhưng Tối Cao Pháp Viện phán quyết cho phép phá thai, và làm việc phá thai là hợp pháp. Bởi đó “lương tâm của tôi không cắn rứt nữa. “Nó hợp pháp mà!” Ai cũng biết là hôn nhân đồng phái tính là xấu và vô luân, nhưng nếu tòa án nói là được, thì được. “Lương tâm của tôi không cần phải cắn rứt nữa.” Chúng ta đang sống trong thời đại buông thả và chính phú nói, “cái đó không phải là hình ảnh khiêu dâm, nó có thể được chiếu trên truyền hình,” thì nó thành hợp pháp, và được chấp nhận. Nhiều người cảm thấy là nếu chúng ta hợp pháp hóa tất cả mọi cái xấu trên thế gian này thì chúng sẽ được chấp nhận là đúng. “Nó không còn làm cho lương tâm tôi bị cắn cứt nữa.”
Lệch Lạc Lương Tâm
     Thiên Chúa làm sáng tỏ và Đức Thánh Cha đã tuyên bố rằng bất cứ luật dân sự nào đi ngược lại với luật của Thiên Chúa thì không buộc phải tuân hành. Chỉ nguyên là hợp pháp không có nghĩa là nó có thể bỏ qua luật của Thiên Chúa. Chúng ta vẫn phải duy trì Thiên Luật cho dù dân luật có cho phép; nhưng như thế sẽ làm phiền lương tâm của một số người. Bởi thế họ tẩy chay tôn giáo. Nếu họ tẩy chay tôn giáo, thì sẽ không còn ai chung quanh để lên tiếng nói cho chúng ta biết cái gì đúng cái gì sai, cái gì tốt cái gì xấu. Loại bỏ giáo dục đạo đức tôn giáo ra khỏi trường học bởi vì nó đối nghịch với luật pháp. Lý do chúng ta có những lớp giáo lý tại giáo xứ Thánh Micae là để con em của chúng ta có được sự giáo dục tôn giáo, cho dù các em không là học sinh trường Công Giáo của nhà thờ.
     Qúi vị nghe những cách nói ngày nay như, “cái đó thuộc về tôn giáo khuynh hữu qúa khích, do đó nó không đúng.” “Tôn giáo khuynh hữu qúa mức” chỉ đơn giản nỗ lực công bố lề luật của Thiên Chúa, làm sáng tỏ cái gì đúng luân lý cái gì trái luân lý. Nhưng người ta đè bẹp đi bởi vì nó cắn rứt lương tâm họ. Lương tâm của tôi nói là hành động này hoàn toàn đúng.” Thật là điều ngỡ ngàng đối với tôi khi thấy nhiều cặp trẻ đến để chuẩn bị hôn nhân đã chung sống với nhau hai, ba, bốn, năm năm. Tôi nói, “Các bạn biết điều đó là sai.” Họ trả lời, “Chúng con đâu có biết đó là sai.” Họ đã đè bẹp lương tâm của họ. Ngày nay cái gì hợp pháp thì cái đó cũng đúng luân lý. Các bạn và tôi biết nó không đúng là như thế.
      Khi nghe bài đọc thứ nhất trong Thánh Lễ hôm nay từ sách Jonah, đó là một dụ ngôn hơn là một biến cố lịch sử; tôi suy nghĩ, “Tại sao Thiên Chúa không sai một người nào đó giống như Jonah đến nước Mỹ và nói với dân chúng “hãy cải sửa các hành vi của họ và làm cho ngay thẳng lại. Hãy loại bỏ tất cả các sự xấu xa trên thế giới và sửa đổi lại.” Thiên Chúa không làm như thế. Thiên Chúa đã sai người Con duy nhất của Ngài, Chúa Giêsu Kitô, đến sống ở trần gian, chịu đóng đinh, chết ở trần gian, và mở đường cứu rỗi cho chúng ta. Khi Ngài còn ở trần gian, ngài đã làm sáng tỏ, như trong bài Tin Mừng hôm nay, “Đây là con đường cứu rỗi.” Chúa Giêsu công bố Tin Mừng. “Đây là thời viên mãn, nước Thiên Chúa đến gần. Hãy ăn năn thống hối và tin vào Tin Mừng.” Đó là bản tin cho chúng ta. Nước Thiên Chúa đã đến gần, hãy ăn năn thống hối và sửa mình! Nếu các bạn không làm như thế thì sẽ không thuộc thành phần trong nước của Thiên Chúa. Thiên Chúa nói với chúng ta, đúng, chúng ta có Đấng Cứu Thế Đấng đã đến trần gian để dạy chúng ta cái gì đúng cái gì sai, cái gì tốt cái gì xấu, dạy chúng ta cái gì cần cho ơn cứu rỗi của chúng ta.
     Nhưng chúng ta thấy có những người Công Giáo không muốn tin như vậy. Có những nhóm bất đồng ở trong Giáo Hội mà lương tâm của họ đang ray rứt họ  về vài sự lạc giáo mà họ đang ấp ủ, hay vài vấn đề đòi họ sửa mình thì họ lại bất đồng với giáo hội; thay vì sửa mình thì họ lại nỗ lực tranh đấu để giáo hội sửa đổi giáo huấn của Giáo Hội.  Họ  cho là  “Giáo Hội không hiểu!” Nếu họ có thể làm cho Giáo Hội sửa đổi giáo huấn, thì lương tâm của họ không còn ray rứt họ nữa và họ sẽ cảm thấy thoải mái. Đó là đường lối sai lầm, và các bạn biết là như vậy. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người, có thể là một số người đang ngồi ở đây có chủ trương là , “Thời thế đã thay đổi. Ngày nay phải theo luật mới, luân lý mới. Do đó bao lâu có những luật mới này thì bấy lâu lương tâm tôi sẽ không ray rứt nữa.” Họ muốn Giáo Hội thích nghi theo lối sống của họ thay vì họ phải thích nghi theo các giáo huấn của Giáo Hội.
Hoán Cải Sửa Mình
      Chúng ta biết Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta và mỗi người chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi riêng để sống đời sống viên mãn và tràn đầy ơn cứu độ. Chúa Giêsu đã không sai một đoàn các tiên ti đi vào thế giới, ngài mời gọi bạn, bạn và bạn, mỗi người riêng biệt. Ngài mời gọi bạn sửa mình, ăn năn hối cải, đón nhận Nước Thiên Chúa trong đời sống của mình, giống như ngài đã làm trong bài Tin Mừng hôm nay với Phêrô, Giacôbê, Gioan và Andrê. Ngài đã kêu gọi họ, “Ngươi đến, ngươi đến và ta sẽ làm cho các người trở nên kẻ chài lưới người. Ta sẽ làm cho các ngươi trở nên cá khí cụ bình an của Thiên Chúa trong thế giới.” Trừ khi bạn, bạn và tôi làm như thế, bằng không thì chúng ta sẽ không hoán cải thế giới được, chúng ta sẽ không thể hoán cải xã hội được. Nếu chúng ta không thay đổi, xã hội sẽ không thay đổi. Chúng ta được kêu gọi sống đời sống viên mãn của Thiên Chúa. Chúng ta cần phải lắng nghe tiếng kêu gọi đó.
    Thánh Phaolô nói rằng những cái thuộc về thế gian này chẳng là gì cả. Thế giới mà chúng ta đang thấy sẽ qua đi. Như vậy có nghĩa là gì nếu bạn có rất là nhiều tiền nhiều của, nhiều thú vui và bất cứ cái gì khác? Tất cả đều qua đi. Và bạn sẽ còn lại chỉ có một cái, ơn thánh của Chúa cho ơn cứu độ đời đời. Tôi muốn đề nghị với riêng từng người là hãy sửa đổi đời sống. Nếu các bạn đang sống theo lối sống thế gian, suy nghĩ những tư tưởng lạc giáo, chấp nhận những thực hành vô luân lý, ít nhất là trong trí khôn, thì hãy thay đổi, hoán cải, để nhờ đó các bạn có thể là dụng cụ cho ơn thánh của Chúa trong đời sống của chính mình, cho gia đình mình, cho những người liên hệ quen thân, và bạn có thể đem sự hoán cải vào thế giới.” Xin Thiên Chúa chúc lành cho các bạn.

Msgr. Edward Peter Browne
L. M. Gioan Trần Khả chuyển dịch



THỨ BẢY 11/2 2012 TUẦN V THƯỜNG NIÊN B THÁNG GIÊNG LÀ THÁNG ĂN CHƠI .


Tháng giêng là tháng ăn chơi
Đăng lúc: Thứ ba - 24/01/2012 08:06 - Người đăng bài viết: tinvui@dmin
“Tháng giêng là tháng ăn chơi”
“Tháng giêng là tháng ăn chơi”Bạn thân mến Tết Tân Mão vừa qua, gia đình bạn nghỉ mát ở xứ thông Đà Lạt, thật thú vị nhỉ! Quên đi những tất bật lo toan thường nhật 365 ngày, để đơn độc, hòa lẫn trong cỏ hoa khoe sắc, đắm chìm giữa thiên nhiên bao la vừa nghiêm nghị vừa lơ đễnh để hướng về Chúa rồi ngẫm lại mình, thật là một thời khắc tốt đẹp phải không bạn?

Người ta thường châm biếm: Người già chỉ biết ôm lấy những quá khứ. Bạn thế nào tôi không biết, nhưng riêng tôi, tôi không thể quên được những mảng quá khứ đẹp. Tại sao? - Vì trong hiện tại chúng không tồn tại và những thế hệ con cháu chúng ta sẽ không bao giờ tìm gặp được. Rất nhiều và rất nhiều. Thí dụ: “Tháng giêng là tháng ăn chơi” giờ đây chỉ có trong văn học dân gian. Thời buổi này, bà con nông dân phải quần quật với ba mùa lúa trong năm, chưa kể còn “nuôi trồng thủy sản” cả ngày lẫn đêm, thế mà vẫn bị cái đói rình rập. Còn đâu nữa cái thời chỉ gieo xạ một mùa lúa, không cần phân hóa học, kho lẫm vẫn đầy ắp. Con đàn, cháu đống vẫn no vui. Xứ mũi Cà Mau  “muỗi bay như xát trấu, đỉa lội như bánh canh” nhưng cá tôm cũng nhiều vô số. “Anh Hai Lúa” thích nhậu thì có sẵn đủ loại cá dưới đìa cạnh nhà, mặc sức cho anh chọn lựa. Anh chưa bao giờ nghe đến cụm từ nuôi trồng thủy sản.
Chồng làm công chức thời trước chỉ có chút lương còm nhưng vẫn đủ nuôi vợ, nuôi con. Người phụ nữ ngày ấy chỉ biết nuôi và dạy con tốt và còn có dư thời giờ để nâng khăn sửa túi cho chồng. Người vợ không phải vất con vào nhà trẻ để chạy đôn chạy đáo đến xí nghiệp. Vì thế, người phụ nữ thời ấy sinh năm đẻ bảy là chuyện bình thường. Ngày nay, để có tiền lo cho con ăn và học người ta phải làm hai “gióp”. Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm. Vợ chồng suốt tuần không giáp mặt nhau. Con cái phải học bán trú hoặc nội trú. Cuối tuần, gia đình mới có được bữa cơm sum họp. Sống trong sức ép “chạy gạo từng bữa, toát mồ hôi” ấy, người ta thường ngoan ngoãn  tự động hạn chế sinh sản.
Từ khi người mẹ rời bỏ thiên chức làm mẹ nơi gia đình để vào kiếp “thân cò lặn lội bờ sông” chia sẻ gánh nặng tài chánh với người đàn ông, thì hình như giềng mối gia đình bắt đầu bị phân hủy. Nhiều chợ trời, chợ người và nhiều nghề mới đã phát sinh như xe đạp ôm, hông đa ôm thu hút được một con số thất nghiệp đáng kể, và còn rất nhiều khu chế xuất và khu công nghiệp mọc lên như nấm sau cơn mưa đầu mùa.
Nhưng gần đây, nhiều nhà xã hội học cũng phải cám cảnh khi nhìn thấy giới mày râu phải lăn xả vào khu vực nghề nghiệp mà trước đây chỉ dành cho giới phụ nữ: bán cá, bán rau… Ngược lại “chị em ta” phải bán thân nuôi miệng! Các chị cũng đã chen chân vào những ngành nghề nặng nề, chỉ dành cho cánh đàn ông như chạy xe ôm, ba gác, khuân vác… Giáo chức thì nhẹ nhàng hơn, nhưng một hiệu trưởng Mầm Non đã chia sẻ: Các cô giáo trong ngành chúng tôi phải quay cuồng với các cháu bé từ 06 giờ sáng đến 06 giờ chiều, không có thời giờ hẹn hò với “ai kia”. Vì thế, họ thường lập gia đình rất trễ, chưa kể có cô phải sống độc thân vì đã để thời gian lỡ trôi!…
Nhà nhà, người người, ai ai cũng lo toan tất bật cho cuộc sống như vậy đấy. Riêng bạn, trong ngày mùng ba tết, khi dự thánh lễ Thánh hóa công việc làm ăn, bạn nghĩ gì khi Giáo hội suy tôn Lời Chúa: “Hãy xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho…Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng, ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy”(Mt 6, 25-34). Đầu năm mới đến Nhà Chúa, ai ai cũng khấn xin cho có thật nhiều công ăn việc làm thuận lợi, ký được nhiều hợp đồng tốt đẹp trong năm mới. Tiền vô như nước. Đến nỗi vợ ở nhà đếm tiền mỏi tay cả bảy ngày trong tuần. Ngày Chúa nhật, chồng phải nâng cốc với quá nhiều đối tác, nên quên cả Thánh lễ. Điều đó có tốt đẹp không?
Thực ra, Giáo hội muốn dâng lời nguyện xin Chúa cho chúng ta biết thánh hóa công ăn việc làm. Để trong năm, việc làm có lúc gặp khó khăn ta vẫn chịu khó vươn lên, chứ không than Chúa trách Mẹ. Để thương trường của doanh nhân Công giáo chúng ta không là chiến trường, nhưng là cánh đồng nho truyền giáo trĩu quả. Mỗi người chúng ta đều là những ông chủ vườn nho nhân hậu, biết sử dụng đồng tiền như Lời Chúa dạy (x. Mt 20, 1-16). Công nhân Công giáo nêu gương liêm chính giữa công ty (x. Lc 16, 9-13). Họ quý mến chủ mình và không kỳ thị giai cấp, không đấu tranh giai cấp (x.Cl 3, 22). Nhưng không vì nỗi ám ảnh thất nghiệp mà coi chủ như là thượng đế. Lòng Thương Xót Chúa luôn quan phòng và nuôi dưỡng mọi giai cấp chủ thợ. Nhờ Ngài, chủ có hợp đồng, thợ có việc làm…
Từ khi Chúa phục sinh, công việc lao động không còn bị chúc dữ nữa (x. St 3, 17-19). Ngược lại Chúa Kitô Phục sinh thánh hóa, nâng lên một tầm cao mới, ban cho chúng những giá trị thánh hóa. Lao động là vinh quang. Không chỉ để nuôi thân mà còn cộng tác với Thiên Chúa sáng tạo. Sáng tạo không ngừng. Lao động là tạo ra của cải vật chất và của cải tinh thần. Còn phải cố gắng bảo tồn những công trình muôn màu muôn vẻ của Thiên Chúa. Đừng hủy hoại nó. Sáng tạo ra của cải để nâng cao cuộc sống là điều tốt lành. Đó là sứ mạng trần thế của Kitô hữu chúng ta.
Nhưng sản xuất vô lối đến độ tầng Ozon bị phá thủng. Nhiều dòng sông đã chết. Sản xuất vì lợi nhuận trên hết, thiếu “Safety first”, để mọi độc tố MCDP3, FORMOL, HÀN THE, MELAMINE… lang thang khắp nơi trong thực phẩm để đầu độc đồng bào, đồng loại… thì lao động có còn là vinh quang nữa không? Vì cuộc sống bắt buộc, người ta phải lao động, sản xuất theo cung cách vậy sao?  Người ta phải bươn chải tận Sài Gòn, Hà Nội, tận Âu - Mỹ, tận các vương quốc Ả Rập để kiếm miếng cơm manh áo, bỏ mặc tình vợ chồng, tình mẫu tử. Ngày 19.11.2008, đài VTV3 đã trình làng một thống kê, khiến những người có lương tri phải giật thót tim: “Trung bình người phụ nữ Việt Nam phá thai hai lần rưỡi trong đời”. Chối từ sứ mạng truyền sinh, sứ mạng sáng tạo cao cả tuyệt vời này, thì thế hệ này sẽ đi về đâu? Hàng năm đã có hàng triệu con trẻ bị tước quyền sống, bị sát hại trước khi chào đời. Ước gì quý người cha đáng kính, quý người mẹ đáng yêu biết đối chứng hành động của mình với hành động diệt chủng của Hitler, Pônpốt…
Như từ đầu, tôi muốn chia sẻ với bạn nhân thánh lễ mùng ba tết: lao động phải có nghỉ ngơi. Tháng giêng là tháng ăn chơi. Đây là truyền thống tốt đẹp của tiền nhân, nhắc chúng mình nhớ giữ luật ngày Sabat. Mình rất mong cuối tuần được nghỉ mát Đà Lạt như bạn thì thích quá. Lúc còn bé, thời chiến tranh, mình không biết du lịch là gì. Nhưng, mình còn nhớ, ngày Chúa nhật, cha mình thường dẫn mình đi câu cá và cả nhà mình không ai làm việc xác. Hiện nay, tôi cũng thường nhắc các con tôi nên từ chối tăng ca trong ngày Chúa nhật, cần dành một ngày trọn vẹn cho Thiên Chúa, cho bản thân và gia đình. Chắc chắn bạn và tôi luôn xác tín điều này là rất nhân bản như Chúa Cha đã làm gương cho chúng mình từ thời tạo thiên lập địa! Tôi luôn cầu xin Thiên Chúa cho các con tôi và các con của bạn, hiểu được và thực hành được điều này.
– Thân mến chào bạn nhé!


Tác giả bài viết: Minh Tâm



THỨ BẢY 11/2/2012 TUẦN V THƯỜNG NIÊN B ƯỚC MUỐN .

Ước muốn

(Chúa nhật VI Thường niên, năm B)

Người Pháp có câu: "Vouloir, c’est pouvoir" (muốn là có thể được). Còn với Thiên Chúa, tất cả đều nhờ đức tin (x. Mt 9,22; Mc 5,34; Lc 8,48; Lc 17,18; Lc 18,42).

Trong ca khúc “Tôi Muốn”, cố NS Lê Hựu Hà có những ước muốn rất “khác người”, nhưng lại rất gần với Công giáo: “Tôi muốn mình tìm đến thiên nhiên, tôi muốn sống như loài hoa hiền. Tôi muốn làm một thứ cỏ cây, vui trong gió và không ưu phiền. Tôi muốn mọi người biết thương nhau, không oán ghét không gây hận sầu. Tôi muốn đời hết nghĩa thương đau, tôi muốn thấy tình yêu ban đầu. Em có thấy hoa kia mới nở, trong giây phút nhưng đẹp tuyệt vời, như hạnh phúc thoáng qua mất rồi, giờ đâu còn tìm được nét vui…”. Ước muốn luôn quan trọng. Có ước muốn thì mới có thể quyết định hành động.
NẾU MUỐN SẠCH…
Vì không có, vì thiếu cái gì đó nên người ta mới ước muốn. Ai cũng có ước muốn, dù ước muốn đó nhỏ hay lớn. Rõ ràng nhất là những bệnh nhân, họ chỉ muốn được khỏi bệnh. Ngày nay người ta sợ chứng ung thư, ngày xưa người ta “ngán” phong (cùi). Đức Chúa nói với ông Môsê và ông Aharon:“Khi trên da thịt người nào phát ra nhọt, lác hoặc đốm, và cái đó trở thành vết thương phong hủi, thì người ta sẽ đưa người ấy đến với tư tế Aharon hoặc với một trong các tư tế, con của Aharon” (Lv 13,1-2). Theo sách Lêvi, người hói đầu hoặc sói trán là người thanh sạch (Lv 13,40-41). Nhưng nếu chỗ hói đầu hoặc sói trán có vết thương trắng đỏ nhạt, thì đó là phong hủi loang ra ở chỗ sói đầu hoặc sói trán (Lv 13,42).
Các bệnh nhân phong bị người ta xa lánh, khi tư tế khám, nếu nhọt ở vết thương có màu trắng đỏ nhạt ở chỗ sói đầu hoặc sói trán, trông giống như phong hủi da thịt, thì người ấy bị phong hủi và bị coi là ô uế. Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: “Ô uế! Ô uế!” (Lv 13,45). Theo luật xưa, “bao lâu còn mắc bệnh thì còn ô uế, người đó phải ở riêng ra, chỗ ở của họ là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13,46).
Khắt khe và bất nhân quá! Ngày xưa đã đành vậy, vì là thời Cựu ước; ngày nay cũng chẳng hơn gì, dù là thời Tân ước, dù chúng ta mệnh danh là những người theo Đạo Yêu Thương. Thánh Gioan Vianney nói: “Lý do chúng ta không có cách giải quyết tốt là vì chúng ta coi trọng mình quá nhiều”.
Bệnh phong là bệnh ghê gớm, ngày xưa là nan y. Ngày nay nan y là ung thư hoặc HIV/AIDS. Nhưng đó là bệnh thể lý. Loại phong cùi, ung thư hoặc HIV ghê gớm hơn chính là tội lỗi, thế nhưng người ta lại… không sợ!
Các tù nhân, ngày được phóng thích đối với họ như thoát khỏi địa ngục. Các bệnh nhân được khỏi bệnh như được tái sinh. Các tội nhân được tha thứ như được vào thiên đàng. Niềm hạnh phúc khác nhau nhưng có thể nói là họ có chung “đỉnh điểm” của niềm hạnh phúc, khó có thể diễn tả bằng ngôn ngữ loài người. Thật vậy, “hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung, người Chúa không hạch tội, và lòng trí chẳng chút gian tà” (Tv 32,1-2). Muốn chứng tỏ mình hết phong cùi thì phải trình diện tư tế. Muốn chứng tỏ mình sạch tội thì phải xưng thú tội lỗi. Tuy nhiên, khi “xưng tội ra với Chúa thì không được giấu giếm lầm lỗi của mình” (x. Tv 32,5). Chúa không hề chấp tội chúng ta (2 Cr 5,19). Chắc chắn vậy, vì chính Ngài đã hứa: “Tội các người dù có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is 1,18). Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được!
Thánh Augustinô phân tích: “Chúa dựng nên con thì Chúa không cần con, nhưng Chúa cứu độ con thì Chúa cần con”. Tại sao? Bạn sa xuống hố mà chỉ kêu cứu, cứ thụ động mà không chịu hợp tác thì ai có thể cứu? Ít ra bạn cũng phải đưa tay ra cho người ta kéo lên chứ! Chúa muốn mà chúng ta không muốn thì Chúa cũng “bó tay”. “Bó tay” ở đây không có nghĩa là Chúa “bất lực”, không làm gì được, nhưng Chúa không ép ai, Ngài hoàn toàn để chúng ta tự do chọn lựa và quyết định số phận đời mình. Đó mới là điều chúng ta đáng quan ngại!
Ai cũng có tội: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51,7). Vì thế, không ai hơn ai trước mặt Thiên Chúa, chỉ hơn nhau ở chỗ “biết sám hối hay không”. Ngài luôn chờ chúng ta ăn năn sám hối. Hãy tự nhủ: “Nào ta đi thú tội với Chúa” (Tv 32,5), và chính Ngài sẽ tha thứ tội vạ cho chúng ta, chứ không ai có quyền tha tội. Được tha tội và tin mình sạch tội sẽ trở nên công chính, vì chỉ “nhờ đức tin mà người ta nên công chính” (Rm 3,21; Rm 5,1; Rm 9,30; Rm 9,32; Rm 10,6; Gl 3,24; Dt 11,7). Và vì thế: “Hỡi những người công chính, hãy vui lên trong Chúa, hãy nhảy mừng. Mọi tâm hồn ngay thẳng, nào cất tiếng hò reo” (Tv 32,11). Các vị thánh lớn đều là những “tội nhân thánh thiện”: Thánh vương Đavít, thánh GH tiên khởi Phêrô, thánh Mađalêna, thánh Phaolô,… và “độc đáo” nhất là “thánh trộm cướp khét tiếng” cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu trên đồi Canvê. Điều đó cho thấy rằng nếu muốn thì chúng ta sẽ được sạch, nếu xin lỗi Chúa thì Ngài sẽ tha ngay!
Thiết tưởng, chúng ta cũng nên lưu ý 2 trạng thái “liên lụy tội lỗi”:
1. Đừng gây nguy hiểm cho linh hồn mình bằng cách can dự vào tội lỗi của người khác.
2. Đừng gây nguy hiểm cho linh hồn người khác bằng cách lôi kéo họ vào tội lỗi của mình.
…SẼ ĐƯỢC SẠCH
Khi ước muốn, người ta sẽ chú tâm hành động, như thánh Phaolô dạy: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh chị em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31). Vâng, làm để tôn vinh Thiên Chúa chứ không vì lý do gì khác, và “đừng làm gương xấu cho bất cứ ai” (1 Cr 10,32), dù người đó cùng đạo hay khác đạo với mình, thậm chí có vẻ không liên quan tới mình. Ai cũng phải “cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm ích lợi cho riêng tôi, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ” (1 Cr 10,33). Thật khó, không hề đơn giản, nhưng ai cũng phải làm. Nếu thấy khó thì hãy theo lời nhắn nhủ của thánh Phaolô: “Anh chị em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô (1 Cr 11,1).
Paul Claudel (*) có cách nhận định thật tuyệt vời: “Chúa xuống thế không để diệt trừ khổ đau, cũng không giải nghĩa khổ đau, mà để chia sớt khổ đau”. Đó là một triết lý mang tính giáo lý cao cấp.
Bệnh là khổ – dù bệnh thể lý hay “bệnh” tinh thần. Bệnh nhân phong rất khổ sở, không chỉ khổ vì đau đớn thể lý mà còn đau khổ vì tinh thần vì bị người ta xa lánh. Bệnh nhân phong rất đau đớn vào những mùa trăng, thế nên Hàn Mặc Tử đã “rao bán” trăng: “Ai mua trăng, tôi bán trăng cho”. Thấy Chúa Giêsu là một “dị nhân”, chắc chắn với lòng tin mạnh mẽ nên bệnh nhân phong đã đến gặp Người và quỳ xuống van xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mc 1,40). Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” (Mc 1,41). Và phép lạ đã xảy ra: Chứng phong hủi biến khỏi anh ngay lập tức. Nhưng Ngài nghiêm giọng: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết” (Mc 1,44).
Chúa Giêsu không hề làm ảo thuật mà làm phép lạ thật, Ngài cũng không muốn chứng tỏ “đẳng cấp” mà vì yêu thương, Ngài luôn tôn trọng luật pháp xã hội thời đó, Ngài muốn làm gương cho người khác về đức vâng lời. Vả lại, Ngài biết những người “tai to mặt lớn” sẽ tìm cách hại Ngài vì lòng ghen ghét. Gà tức nhau tiếng gáy, thấy người khác hơn mình thì mình “không ưa”, đó là tình trạng tệ hại của con người. Đúng như một danh nhân nhận xét: “Chỉ có người giỏi mới chân nhận tài năng của người khác”.
Hương thơm lan tỏa. Tiếng lành đồn xa. Thế nên, vừa ra khỏi đó, bệnh nhân phong được chữa lành kia “bắt đầu rao truyền và tung tin khắp nơi, đến nỗi Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành, và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Ngài” (Mc 1,45). Chúa Giêsu đúng là một “siêu sao” kỳ diệu!
Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con, xin thanh tẩy và thánh hóa chúng con vì chúng con thật lòng ước muốn được sạch. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.
------------------------------------------------------------------
(*) Paul Louis Charles Marie Claudel (người Pháp6/8/1868 – 23/2/1955). Ông là nhà ngoại giao, nhà vănnhà thơ, và từng được đăng hình trên bìa báo Time. Ông sinh ở Villeneuve-sur-Fère, trong gia đình một công chức tỉnh lẻ. Chị của ông là nhà điêu khắc Camille Claudel. Năm 1893, ông làm ở Bộ Ngoại giao Pháp, từng làm lãnh sự và đại sứ ở nhiều nước Âu châu, Á châu, Mỹ châu. Ông được tặng thưởng huân chương Đại thập tự, và năm 1946 được bầu làm viện sĩ Viện hàn lâm Pháp. Ông được coi là nhà thơ cuối cùng của phái ấn tượng, có khuynh hướng hoài cổ và tôn giáo. Chính ông cho biết rằng cuốn sách gối giường của ông là Kinh Thánh, và tất cả sáng tác của ông làm thành một cuốn Kinh Thánh mới. Ông không quan tâm “người nào là ai” mà “người đó là người nào”. Ông thể hiện nhịp điệu tự nhiên của trái tim và hơi thở con người. Nhiều vở kịch của ông được dựng thành phim cũng nổi tiếng.

Trầm Thiên Thu




THỨ BẢY 11/2/2012 TUẦN V THƯỜNG NIÊN B ĐỨC MẸ LÔ ĐỨC .

    Ðức Mẹ Lộ Ðức

    Vào ngày 8 tháng Mười Hai 1854, Ðức Giáo Hoàng Piô IX tuyên bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội trong Hiến Chế Ineffabilis Deus. Khoảng hơn ba năm sau, vào ngày 11 tháng Hai 1858, một trinh nữ đã hiện ra với Bernadette Soubirous, mở đầu cho một chuỗi thị khải. Trong lần hiện ra ngày 24 tháng Ba, trinh nữ này tự xưng là: "Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội."
    Bernadette là một thiếu nữ yếu ớt, con của hai ông bà người nghèo và không có tham vọng. Việc sống đạo của họ cũng không có gì đáng nói. Bernadette chỉ biết đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng và kinh Tin Kính. Cô còn biết đọc kinh cầu Linh Ảnh(*): "Ôi Ðức Maria được thụ thai mà không mắc tội."
    Trong những lần phỏng vấn, Bernadette cho biết những gì cô được nhìn thấy. Cô cho biết "cái gì đó mầu trắng trong hình dạng một thiếu nữ." Cô dùng chữ "Aquero," tiếng địa phương có nghĩa "cái này." Ðó là "một thiếu nữ xinh đẹp với chuỗi tràng hạt trên tay." Áo choàng trắng của ngài có viền xanh. Ngài đội khăn trắng. Trên mỗi bàn chân đều có hoa hồng màu vàng. Bernadette cũng ngạc nhiên ở sự kiện là trinh nữ này không gọi cô với danh xưng bình dân "tu", nhưng với ngôn từ rất lịch thiệp "vous". Người trinh nữ khiêm tốn ấy hiện ra với một cô gái bình dân và đã đối xử với cô như một người có phẩm giá.
    Thanh Bernadette Soubiroux Qua một cô gái bình dân, Ðức Maria đã làm hồi sinh và tiếp tục làm sống dậy đức tin của hàng triệu người. Dân chúng bắt đầu đổ về Lộ Ðức từ khắp nơi trong nước Pháp cũng như toàn thế giới. Vào năm 1862, giới thẩm quyền Giáo Hội công nhận tính cách xác thực của những lần hiện ra và cho phép sùng kính Ðức Mẹ Lộ Ðức. Năm 1907, lễ Ðức Mẹ Lộ Ðức được cử mừng khắp hoàn vũ.

    Lời Bàn

    Lộ Ðức đã trở nên trung tâm hành hương và chữa lành, nhưng nhất là đức tin. Giới thẩm quyền của Giáo Hội công nhận 64 phép lạ chữa lành, mặc dù trên thực tế có lẽ nhiều hơn thế. Ðối với những người có đức tin thì không có gì ngạc nhiên. Ðó là sứ vụ chữa lành của Chúa Giêsu được tiếp tục thể hiện qua sự can thiệp của mẹ Người.
    Nhiều người cho rằng các phép lạ lớn lao hơn thì rất bàng bạc. Nhiều người đến Lộ Ðức và trở về với một đức tin được đổi mới, sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa trong các nhu cầu của tha nhân. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người nghi ngờ việc hiện ra ở Lộ Ðức. Ðể nói với họ, có lẽ tốt hơn là dùng những lời mở đầu của cuốn phim "Song of Bernadette": "Với những ai tin vào Chúa thì không cần giải thích. Với những người không tin, thì chẳng sự giải thích nào đầy đủ."


    Trích từ NguoiTinHuu.com
 


TIN MỪNG HẰNG NGÀYTHỨ BẢY 11/2/2012 TUẦN V THƯỜNG NIÊN B

Thứ Bảy Tuần V TN2
Bài đọcGen 3:9-24; I Kgs 12:26-32; Mk 8:1-10.

1/ Bài đọc I (năm lẻ):
9 Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: "Ngươi ở đâu?"
10 Con người thưa: "Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn." 11 Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi: "Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?"12 Con người thưa: "Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn." 13 Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: "Ngươi đã làm gì thế?" Người đàn bà thưa: "Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn."
14 Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn: "Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. 15 Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó."
16 Với người đàn bà, Chúa phán: "Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi."
17 Với con người, Chúa phán: "Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: "Ngươi đừng ăn nó", nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. 18 Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. 19 Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất." 20 Con người đặt tên cho vợ là E-và, vì bà là mẹ của chúng sinh.
21 Đức Chúa là Thiên Chúa làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ. 22 Đức Chúa là Thiên Chúa nói: "Này con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác. Bây giờ, đừng để nó giơ tay hái cả trái cây trường sinh mà ăn và được sống mãi." 23 Đức Chúa là Thiên Chúa đuổi con người ra khỏi vườn Ê-đen để cày cấy đất đai, từ đó con người đã được lấy ra. 24 Người trục xuất con người, và ở phía đông vườn Ê-đen, Người đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng loé, để canh giữ đường đến cây trường sinh.

2/ Bài đọc I (năm chẵn):
26 Vua Gia-róp-am nghĩ bụng rằng: "Rồi vương quốc lại trở về nhà Đa-vít mất thôi! 27 Nếu dân này cứ lên tế lễ tại Đền Thờ Đức Chúa ở Giê-ru-sa-lem, thì lòng họ lại quay về với chủ mình là Rơ-kháp-am vua Giu-đa, và họ sẽ giết ta để trở về với Rơ-kháp-am vua Giu-đa." 28 Sau khi quyết định, vua làm hai con bò mộng bằng vàng, rồi nói với dân: "Các ngươi lên Giê-ru-sa-lem như thế là đủ rồi! Này, Ít-ra-en, Thiên Chúa của ngươi đây, Đấng đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập." 29 Vua đặt một tượng ở Bết Ên, còn tượng kia ở Đan.
30 Đó là nguyên cớ gây ra tội, vì dân đi tới mãi tận Đan để thờ một trong hai tượng đó.
31 Vua thiết lập những nơi cao và đặt các tư tế lấy từ đám thường dân, không thuộc hàng con cháu Lê-vi. 32 Vua Gia-róp-am còn lập một lễ vào ngày mười lăm tháng tám, giống như lễ vẫn mừng ở Giu-đa, và vua tiến lên bàn thờ. Vua đã làm như thế tại Bết Ên mà dâng lễ tế cho các con bò mộng vua đã làm ra. Vua đặt ở Bết Ên các tư tế để phục vụ tại các nơi cao mà vua đã thiết lập.

3/ Phúc Âm:
1 Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông, và họ không có gì ăn, nên Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: 2 "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! 3 Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến."
4 Các môn đệ thưa Người: "Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?"
5 Người hỏi các ông: "Anh em có mấy chiếc bánh? " Các ông đáp: "Thưa có bảy chiếc."
6 Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông.
7 Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn cả cá ra.
8 Đám đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa: bảy giỏ!
9 Mà đám đông có khoảng bốn ngàn người. Người giải tán họ.
10 Lập tức, Đức Giê-su xuống thuyền với các môn đệ và đến miền Đan-ma-nu-tha.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Lợi ích và tai hại của thức ăn
Có những thức ăn nuôi dưỡng và làm cho con người được sống khỏe; có những thức ăn gây bệnh (cao đường, cao máu, cao mỡ) và làm con người phải chết. Một con người bình dân sẽ không biết những hậu quả của thức ăn, nếu không được những nhà chuyên môn cho biết hậu quả của nó. Để sống khỏe, con người cần tuân theo sự chỉ dẫn của các nhà chuyên môn. Nếu ngoan cố ăn bậy theo ý mình, con người sẽ phải lãnh hậu quả tai hại của nó.
Các Bài Đọc hôm nay liên quan đến những lợi ích và tai hại của thức ăn. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, cả ma quỉ và tổ tiên con người phải lãnh nhận các hậu quả trầm trọng, vì đã bất tuân sự chỉ dẫn của Thiên Chúa để ăn trái của Cây Biết Thiện Ác.
Trong Bài Đọc I, năm chẵn, vua Jeroboam không chịu nghe lời Thiên Chúa để được chúc lành thịnh vượng, nhà vua có kế hoạch riêng của mình để được phồn thịnh cho dù phải phản bội Thiên Chúa.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu làm phép lạ cho 4,000 người ăn no nê. Vì của ăn này, tất cả dân chúng trở nên mạnh khỏe và không bị ngất xỉu dọc đường.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I (năm lẻ)Hình phạt của tội lỗi
1.1/ Sự thật được tiết lộ: Mọi hành động của con người đều cho hậu quả tốt hoặc xấu. Hậu quả của việc bất tuân Thiên Chúa qua việc ăn trái cấm làm con người sợ hãi, xấu hổ, và trốn tránh sự thật. Sớm hay muộn, con người cũng phải đối diện với sự phán xét của Thiên Chúa.
Khi được hỏi vì lý do tại sao phạm tội, con người không dám nhận trách nhiệm, nhưng đổ lỗi vòng quanh cho người khác: Ông Adong đổ lỗi cho Bà Evà, và còn ám chỉ phần lỗi của Thiên Chúa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con.” Bà Evà đổ lỗi cho con rắn "Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn." Nếu Bà vâng lời Thiên Chúa, con rắn đâu cám dỗ được. Con người có tự do hành động; và vì thế, con người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.
1.2/ Thiên Chúa ra hình phạt cho tất cả:
(1) Hình phạt của Con Rắn: Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn: "Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó."” Mối thù giữa ma quỉ và con người, giữa dòng giống ma quỉ và dòng giống con người. Mối thù này được chiến thắng bởi Đức Mẹ và Chúa Giêsu.
(2) Hình phạt của Bà Evà: Với người đàn bà, Chúa phán: "Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi." Điều truyền này nói lên vai trò gia trưởng trong gia đình của người đàn ông.
(3) Hình phạt của Ông Adong: Đất đai bị nguyền rủa vì ngươi và sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi. Con người phải làm việc vất vả mọi ngày trong đời mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra; vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ đuổi con người ra khỏi vườn Eden. Hình phạt nặng nhất là sự chết: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.”
1.3/ Con người bị ngăn cản không cho đụng đến Cây Trường Sinh: Trình thuật hôm nay củng cố sự kiện có 2 cây Thiên Chúa đặt chính giữa vườn: Cây Trường Sinh và Cây Biết Thiện Ác. Vì con người đã ăn trái cây của Cây Biết Thiện Ác, nên họ biết điều thiện và điều ác. Nhiều người giả sử nếu Ông Bà ăn quả của Cây Trường Sinh, con người sẽ được sống mãi. Để ngăn cản không cho con người ăn trái cây này, Thiên Chúa phán: "Này con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác. Bây giờ, đừng để nó giơ tay hái cả trái Cây Trường Sinh mà ăn và được sống mãi. Người trục xuất con người, và ở phía Đông vườn Eden, Người đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng loé, để canh giữ đường đến Cây Trường Sinh.”

2/ Bài đọc I (năm chẵn)Nếu dân này cứ lên tế lễ tại Đền Thờ Đức Chúa ở Jerusalem, thì lòng họ lại quay về với chủ mình là Rehoboam vua Judah mất thôi.
2.1/ Lý do chính trị: Khi con người được sống trong danh vọng quyền bính, họ không bao giờ thỏa mãn với những gì đang sở hữu; nhưng luôn có tham vọng bành trướng thế lực. Jeroboam đã quên hẳn lý do nhà vua được cai trị vương quốc của mình là Thiên Chúa đã giật 10 chi tộc miền Bắc ra khỏi tay của vua Solomon và trao quyền điều khiển vào tay nhà vua, khi ông vẫn còn là một thợ xây cất của Solomon. Thiên Chúa cũng đã giao ước với ông: "Nếu ngươi vâng nghe tất cả những điều Ta truyền cho ngươi và bước đi theo đường lối của Ta, thi hành điều chính trực trước nhan Ta mà tuân giữ các giới răn và mệnh lệnh của Ta như David tôi tớ Ta đã làm, thì Ta sẽ ở với ngươi và xây cho ngươi một ngôi nhà bền vững như Ta đã xây cho David, và Ta sẽ trao Israel cho ngươi."
(1) Mối lo sợ của nhà vua: Khi thấy dân chúng của mình cứ tuôn về Jerusalem mỗi ngày lễ để thờ phượng Thiên Chúa và đóng góp ngân quĩ cho Đền Thờ theo như Lề Luật truyền, vua Jeroboam nghĩ bụng rằng: "Rồi vương quốc lại trở về nhà David mất thôi! Nếu dân này cứ lên tế lễ tại Đền Thờ Đức Chúa ở Jerusalem, thì lòng họ lại quay về với chủ mình là Rehoboam vua Judah, và họ sẽ giết ta để trở về với Rehoboam vua Judah."
(2) Quyết định chính trị điên rồ của nhà vua: Để giải quyết mối lo sợ hão huyền, vua quyết định cho làm hai con bò mộng bằng vàng, rồi nói với dân: "Các ngươi lên Jerusalem như thế là đủ rồi! Này, Israel, Thiên Chúa của ngươi đây, Đấng đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập." Nhà vua cho đặt hai tượng bò vàng: một ở đàng đầu tại Dan, giáp ranh giới với Syria miền Bắc, một ở đàng chân tại Bethel giáp ranh giới với vương quốc Judah miền Nam.
2.2/ Thay đổi tôn giáo: Vua biết không thể tiêu diệt tôn giáo, nên hướng lòng dân vào tà thần. Sở dĩ dân chúng tin tưởng những gì vua nói, vì truyền thống Do-thái tin Thiên Chúa luôn nói với họ qua các nhà lãnh đạo của dân chúng. Bên cạnh việc đúc hai thần bò vàng, vua Jeroboam còn: "đặt các tư tế lấy từ đám thường dân, không thuộc hàng con cháu Lêvi... lập một lễ vào ngày mười lăm tháng tám, giống như lễ vẫn mừng ở Judah, và vua tiến lên bàn thờ. Vua đã làm như thế tại Bethel mà dâng lễ tế cho các con bò mộng vua đã làm ra. Vua đặt ở Bethel các tư tế để phục vụ tại các nơi cao mà vua đã thiết lập." Mục đích của những hành động này là vua muốn triệt hạ tận gốc những thói quen thờ phượng của dân chúng, để tiện bề cho việc điều khiển.
Nhưng gieo gió sẽ gặt bão, sóng gió sẽ xảy tới dồn dập cho triều đại của nhà vua và các người kế vị sau này; không những thế, dân chúng cũng chịu thiệt hại vì những quyết định điên rồ của nhà vua.
    
3/ Phúc ÂmChúa làm phép lạ cho 4,000 người ăn no nê.
3.1/ Phản ứng của Chúa Giêsu và của các môn đệ:
(1) Chúa Giêsu biết mọi nhu cầu của con người: phần hồn cũng như phần xác. Những chi tiết của trình thuật nói lên sự quan tâm và lòng thương xót của Ngài: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến."
(2) Phản ứng của các tông-đồ rất thực tế: Trong nơi hoang vắng này, làm sao tìm được bánh cho bằng ấy người? Lấy tiền đâu mà mua nhiều bánh như vậy? Đó là trách nhiệm của họ, đâu phải là của chúng ta! Rất nhiều người lãnh đạo phần hồn dựa vào những lý do như thế để từ chối giúp đỡ giáo dân về phần xác; nhưng bổn phận bác ái là cho hết mọi người, đâu trừ những nhà rao giảng. Hơn nữa, nhiều người tin vào Chúa không do những lời giảng cao siêu, nhưng do tấm lòng thương xót của người rao giảng.
3.2/ Phép lạ hóa bánh ra nhiều: Cần lưu ý có hai phép lạ hóa bánh ra nhiều trong Tin Mừng của Marcô:
(1) Phép lạ hóa bánh ra nhiều từ 5 chiếc bánh và 2 con cá để nuôi 5,000 người (Mk 6): Tất cả 4 Thánh-ký đều tường thuật phép lạ này (Mt 14:15-21, Mk 6:34-44, Lk 9:12-17, Jn 6:1-14).
(2) Phép lạ hóa bánh ra nhiều từ 7 chiếc bánh và vài con cá để nuôi 4,000 người: Chỉ có trong Marcô trong trình thuật hôm nay, và được nhắc lại trong Mt 16:10.
- Những điều giống nhau trong 2 phép lạ: Công thức chúc lành như khi lập BT Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly: “Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông.” Lời thắc mắc của các tông-đồ: "Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?"
- Những điều khác nhau trong 2 phép lạ: Số người hiện diện, số bánh, và số cá. Số bánh còn dư lại: 7 giỏ cho 4,000 và 12 giỏ cho 5,000. Địa điểm phép lạ xảy ra: gần Capernaum, vùng của Do-thái, cho 5,000; và vùng Decapolis, lãnh thổ của Dân Ngoại, cho 4,000.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần tuân theo sự chỉ dẫn của Thiên Chúa và các nhà chuyên môn, vì có rất nhiều điều chúng ta không biết, hay vượt quá sự hiểu biết của con người chúng ta.
- Vâng lời những lệnh truyền của Thiên Chúa không hạn chế sự tự do của chúng ta; nhưng giúp chúng ta đạt những hậu quả tốt, và vượt qua những cám dỗ của ma quỉ và thế gian.
- Thiên Chúa là Đấng Tốt Lành và thấu suốt mọi sự. Chúng ta cần tin tưởng tuyệt đối và tuân giữ những gì Ngài truyền. Vì không một ai trên đời này khôn ngoan hơn Thiên Chúa, chúng ta phải tuân theo những Lời Ngài dạy hơn là những lời của người đời hay của chúng ta.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP