Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ SÁU 19/4/2013 TUẦN III MÙA PHỤC SINH C,"Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống".


Thứ Sáu Tuần III Mùa Phục Sinh Năm C 


Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh

BÀI ĐỌC I: Cv 9, 1-20
"Người này là lợi khí Ta chọn, để mang danh Ta đến trước mặt các dân tộc".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Saolô còn mải say mê hăm doạ giết các môn đồ Chúa, ông đến thượng tế, xin chứng minh thư gởi đến hội đường ở Đamas, để nếu gặp ai theo đạo ấy bất luận nam nữ, ông trói đem về Giêrusalem. Đang khi đi đường lúc đến gần Đamas, bỗng nhiên một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông, ông ngã xuống đất và nghe tiếng phán rằng: "Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?" Ông thưa: "Lạy Ngài, Ngài là ai?" Chúa đáp: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ; giơ chân đạp mũi nhọn thì khổ cho ngươi". Saolô run sợ và kinh hoàng hỏi rằng: "Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?" Chúa phán: "Hãy chỗi dậy, vào thành, và ở đó người ta sẽ nói cho ngươi phải làm gì". Những kẻ đồng hành với ông đứng lại, hoảng hốt; họ nghe rõ tiếng mà không thấy ai. Saolô chỗi dậy khỏi đất, mắt ông vẫn mở, mà không trông thấy gì. Người ta cầm tay dẫn ông vào thành Đamas; ông ở lại đấy ba ngày mà không thấy, không ăn, cũng không uống.
Bấy giờ ở Đamas, có một môn đồ tên là Anania; trong một thị kiến, Chúa gọi ông rằng: "Anania". Ông thưa: "Lạy Chúa, này con đây". Chúa phán: "Hãy chỗi dậy và đến phố kia gọi là phố "Thẳng", và tìm tại nhà Giuđa một người tên là Saolô, quê ở Tarsê; ông ta đang cầu nguyện". (Saolô cũng thấy một người tên Anania bước vào, và đặt tay trên ông để ông được sáng mắt). Anania thưa: "Lạy Chúa, con đã nghe nhiều người nói về người này rằng: ông đã gây nhiều tai ác cho các thánh của Chúa tại Giêrusalem; tại đây, ông đã được các vị thượng tế cho phép bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa". Nhưng Chúa phán: "Cứ đi, vì người này là lợi khí Ta đã chọn, để mang danh Ta đến trước dân ngoại, vua quan và con cái Israel. Ta sẽ tỏ cho nó biết phải chịu nhiều đau khổ vì danh Ta". Anania ra đi, bước vào nhà, và đặt tay trên Saolô mà nói: "Anh Saolô, Chúa Giêsu, Đấng hiện ra với anh trên đường đi đến đây, sai tôi đến cùng anh, để anh được thấy và được tràn đầy Thánh Thần". Tức thì có thứ gì như những cái vảy rơi khỏi mắt ông, và ông được sáng mắt; ông chỗi dậy chịu phép rửa, và sau khi ăn uống, ông được lại sức. Ông ở lại ít ngày cùng với các môn đồ thành Đamas. Và lập tức ông rao giảng trong các hội đường rằng: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 116, 1. 2
Đáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).
Hoặc đọc: Alleluia.
1) Toàn thể chư dân, hãy khen ngợi Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người. - Đáp.
2) Vì tình thương Chúa dành cho chúng tôi thực là mãnh liệt, và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời. - Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 16
Alleluia, alleluia! - Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để ở cùng các con luôn mãi. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 6, 53-60 (Hl 52-59)
"Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, những người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn được?"
Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời".
Người giảng dạy những điều này tại Hội đường Caphar-naum. Đó là lời Chúa.

THỨ SÁU TUẦN 3 PS
Ga 6,52-59
“CHÚA LÀ MỤC TỬ TÔI”

“…không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6,58)
Suy niệm: Ngày này năm 2005 Đức Bênêđitô XVI được bầu làm Giáo Hoàng. Chúng ta nhắc lại để cảm phục sự can đảm, để tỏ lòng yêu mến và cầu nguyện cho ngài. Ngài đã quyết định từ nhiệm vì lý do tuổi cao, một quyết định làm nhiều người ngỡ ngàng. Đức Giáo Hoàng và các vị mục tử trong Hội Thánh ý thức nhiệm vụ của mình là hướng dẫn con người đến với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ, Đấng ban sự sống đời đời cho con người: “Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” Bánh mà Chúa Giêsu muốn nói ở đây chính là Thân Thể Ngài, Thân Xác vinh hiển của một Đấng Phục Sinh. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng Vĩnh cửu mới có thể ban sự sống muôn đời cho con người mà thôi.
Mời Bạn: Đôi khi bạn không tha thiết với Thánh Thể vì bạn thấy khó tin quá. Nhà toán học triết gia Blaise Pascal chia sẻ rằng: “Hãy xem họ đã khởi đầu như thế nào mà noi theo. Cứ làm mọi sự như thể mình đã có niềm tin: tham dự thánh lễ, sử dụng nước phép… điều đó sẽ khiến bạn trở thành “ngây thơ” và đưa bạn đến với đức tin” (Đức Tin Kitô Giáo hôm qua và hôm nay, tr. 183). Tôi và bạn sẽ thực hành, để xem kết quả thế nào nhé!
Sống Lời Chúa: Được làm con Chúa, được Thánh Thể Chúa nuôi sống, tôi sẽ luôn ca ngợi: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì” (Tv 22,1).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con ghi nhớ và tạ ơn Chúa đã ban Bánh Trường Sinh là Thịt Máu Chúa cho chúng con. Xin cho chúng con sốt sắng mỗi khi tham dự thánh lễ hay chầu Thánh Thể, để đáp lại sự dâng hiến Chúa dành cho chúng con. Amen.







THỨ SÁU 19/4/2013 TUẦN III PHỤC SINH C, Chân Phước Luchesio và Buonadonna (c. 1260)


Chân Phước Luchesio và Buonadonna
(c. 1260)

Ông Luchesio và bà Buonadonna là hai vợ chồng muốn sống theo gương Thánh Phanxicô. Do đó họ đã gia nhập Dòng Ba Phanxicô.
Hai ông bà sống ở Poggibonzi, nơi họ hành nghề thương mãi và là con buôn tham lam. Nhưng sau khi gặp Thánh Phanxicô -- có lẽ năm 1213 -- họ đã thay đổi đời sống. Ông Luchesio bắt đầu thi hành nhiều việc bác ái.
Lúc đầu, bà Buonadonna không nhiệt tình sống bác ái như ông Luchesio, và thường than phiền chồng là đã bố thí quá nhiều của cải cho các người lạ. Một ngày kia, khi có người gõ cửa xin được giúp đỡ, và ông Luchesio nhờ vợ lấy cho họ ít bánh mì. Bà nhăn mặt khó chịu nhưng cũng đi vào bếp, và lạ lùng thay, bà nhận thấy số bánh mì đang có thì nhiều hơn khi trước. Không bao lâu, bà cũng trở nên hăng say sống đời khó nghèo và thanh bạch như ông chồng. Cả hai bán cả tiệm buôn, chỉ giữ lại ít đất để cầy cấy trồng trọt đủ cho nhu cầu và phân phối đất đai còn lại cho các người nghèo.
Vào thế kỷ thứ 13, với sự ưng thuận và sự cho phép của Giáo Hội, một số vợ chồng sống ly thân để người chồng vào dòng tu nam và người vợ vào dòng tu nữ. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu họ son sẻ hoặc con cái đã trưởng thành. Ông bà Luchesio lại muốn kiểu khác, họ muốn sống đời tu trì, nhưng bên ngoài tu viện.
Ðể đáp ứng nhu cầu này, Thánh Phanxicô đã lập Dòng Phanxicô Thế Tục. Ðầu tiên, thánh nhân viết một Quy Luật đơn giản cho Dòng Ba (Phanxicô Thế Tục), sau đó Ðức Giáo Hoàng Honorius III đã chấp thuận một quy luật chính thức vào năm 1221.
Công việc bác ái của hai ông bà Luchesio đã thu hút người nghèo đến với họ, và cũng như các vị thánh khác, dường như hai ông bà không bao giờ thiếu của cải để giúp đỡ tha nhân.
Một ngày kia, khi ông Luchesio đang cõng một người tàn tật mà ông bắt gặp bên vệ đường thì có một thanh niên đến hỏi ông, "Cái tên quỷ quái nào mà ông đang cõng trên lưng đó?" Ông Luchesio trả lời, "Tôi đang cõng Ðức Giêsu Kitô." Ngay lập tức người thanh niên ấy đã phải xin lỗi ông.
Hai ông bà Luchesio và Buonadonna đều từ trần vào ngày 28 tháng Tư 1260. Ông được phong chân phước năm 1273. Truyền thống địa phương cũng gọi bà Buonadonna là "chân phước" dù rằng Tòa Thánh chưa chính thức công bố.
Lời Bàn
Thật dễ để chế nhạo người nghèo, và chà đạp phẩm giá con người mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Mẹ Têrêsa Calcutta thường đề cập đến sự nghèo túng như "sự đau khổ tiềm ẩn" của Ðức Kitô. Chúng ta dễ khiến người khác cảm thấy là họ vô ích -- người nghèo, người bệnh hoạn, người tật nguyền thể xác cũng như tâm thần, người lớn tuổi, người thất nghiệp -- do đó, chống lại sự cám dỗ ấy đòi hỏi một mức độ đại lượng trong cuộc sống chúng ta. Nếu ai nấy cũng đều nhìn thấy Ðức Kitô trong người nghèo như hai ông bà Luchesio, họ sẽ phong phú hóa Giáo Hội và giữ được sự trung tín với Thiên Chúa.
Lời Trích
Thánh Phanxicô thường nói, "Bất cứ ai nguyền rủa người nghèo là tổn thương đến Ðức Kitô, vì họ đang mang hình ảnh của Người, hình ảnh của Ðấng đã trở nên nghèo hèn vì chúng ta" (1 Celano, #76).
Trích từ NguoiTinHuu.com



Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

THỨ BA 16/4/2013 TUẦN III MÙA PHỤC SINH NĂM C, Thánh Bernadette Soubirous (1844 - 1879)


Thánh Bernadette Soubirous 
(1844 - 1879) 

Thánh Bernadette Soubirous tên thật là Mary Bernard, con của một gia đình thật nghèo làm nghề xay bột ở Lộ Ðức, thuộc miền nam nước Pháp. Ngay từ khi còn nhỏ, cô bị bệnh suyễn thật nặng nên sức khỏe rất yếu kém.
Vào ngày 11 tháng Hai 1858, cô được Ðức Trinh Nữ Maria hiện ra với cô trong một cái hang nằm trên con đê của sông Gave, gần Lộ Ðức. Cô được thị kiến Ðức Trinh Nữ tất cả 18 lần, lần sau cùng vào ngày lễ Ðức Mẹ Núi Carmel, 16 tháng Bảy. Khi kể lại lần thị kiến đầu tiên, cô đã tự đặt mình vào tình trạng nguy hiểm đối với nhà chức trách. Nhưng Ðức Trinh Nữ hiện ra với cô hàng ngày đã khiến đám đông tuốn đến hang ngày càng đông. Nhà chức trách tìm cách đe dọa để cô công khai rút lui, nhưng cô vẫn trung thành với những gì được thấy.
Vào ngày 25 tháng Hai, một suối nước chảy ra từ hang mà cô Bernadette đã dùng tay đào xới khi vâng theo lời Ðức Trinh Nữ. Nước suối ấy đã chữa được nhiều người khỏi bệnh kể cả người tàn tật.
Vào ngày 25 tháng Ba, Bernadette cho biết trinh nữ hiện ra với cô tự xưng là Ðức Vô Nhiễm Nguyên Tội, và ngài muốn xây một nhà thờ ở đây. Nhiều giới chức dân sự tìm cách đóng suối nước lại và trì hoãn công việc xây cất nhà thờ, nhưng ảnh hưởng và tiếng vang đã thấu đến tai Hoàng Hậu Eugenie nước Pháp, vợ của Napoleon III, do đó việc xây cất được tiến hành tốt đẹp. Ðám đông lại quy tụ về Lộ Ðức, không bị phiền hà bởi các giới chức chống đối tôn giáo và hàng giáo sĩ.
Vào năm 1866, Bernadett được gửi vào dòng Nữ Tu Ðức Bà ở Nevers. Ở đây, sơ trở nên một phần tử của cộng đoàn, và bị sơ giám đốc đệ tử đối xử rất tệ hại. Sự bất nhẫn ấy chỉ chấm dứt khi họ khám phá rằng sơ Bernadette đang chịu đau khổ vì một căn bệnh bất trị. Sơ từ trần ở Nevers vào ngày 15 tháng Tư 1879, khi mới 35 tuổi.
Lộ Ðức đã trở nên trung tâm hành hương lớn nhất thế giới, và suối nước nhỏ bé ấy hàng ngày vẫn cung cấp nước cho khách thập phương từ khắp nơi trên thế giới.
Sơ Bernadette được phong chân phước năm 1925, và được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh năm 1933.

Trích từ NguoiTinHuu.com

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ BA 16/4/2013 TUẦN III PHỤC SINH NĂM C, "Không phải Môsê, mà chính Cha Ta mới ban bánh bởi trời đích thực".


Thứ Ba Tuần III Mùa Phục Sinh Năm C 


Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh

BÀI ĐỌC I: Cv 7, 51-59 (Hl 7, 51 - 8, 1)

"Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn con".

Trích sách Tông đồ Công vụ.


Khi ấy, Têphanô nói với dân chúng, các kỳ lão và luật sĩ rằng: "Hỡi những tên cứng cổ, lòng và tai chẳng cắt bì kia, các ngươi luôn luôn chống đối Thánh Thần; cha ông các ngươi làm sao, các ngươi cũng vậy. Có tiên tri nào mà cha ông các ngươi lại không bắt bớ? Họ đã giết những người tiên báo về việc Đấng Công chính sẽ đến, Đấng mà ngày nay các ngươi đã nộp và giết chết; các ngươi đã lãnh nhận lề luật do thiên thần truyền cho, nhưng đã không tuân giữ".
Nghe ông nói, họ phát điên lên trong lòng, và họ nghiến răng phản đối ông. Nhưng Têphanô đầy Thánh Thần, nhìn lên trời, đã xem thấy vinh quang của Thiên Chúa, và Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông đã nói rằng: "Kìa, tôi xem thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa". Bấy giờ họ lớn tiếng kêu la và bịt tai lại, và họ nhất tề xông vào ông. Khi lôi ông ra ngoài thành, họ ném đá ông. Và các nhân chứng đã để áo của họ dưới chân một người thanh niên tên là Saolô. Rồi họ ném đá Têphanô, đang lúc ông cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn con". Thế rồi ông quỳ xuống, lớn tiếng kêu lên rằng: "Lạy Chúa, xin đừng trách cứ họ về tội lỗi này". Nói xong câu đó, ông đã an giấc trong Chúa. Còn Saolô thì đã tán thành việc giết ông (Têphanô). Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 30, 3cd-4. 6ab và 7b và 8a. 17 và 21ab

Đáp: Lạy Chúa, con phó thác tâm hồn trong tay Chúa (c. 6a).

Hoặc đọc: Alleluia.

1) Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn, thành chiến luỹ kiên cố để cứu độ con, bởi Chúa là Tảng đá, là chiến luỹ của con; vì uy danh Ngài, Ngài sẽ dìu dắt và hướng dẫn con. - Đáp.

2) Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa, lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con. Còn phần con, con tin cậy ở Chúa, con sẽ hân hoan mừng rỡ vì đức từ bi của Chúa. - Đáp.

3) Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa. Chúa che chở họ dưới bóng long nhan Ngài, cho khỏi người ta âm mưu làm hại. - Đáp.

ALLELUIA: Ga 16, 7 và 13

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy sẽ sai Thần Chân Lý đến cùng các con; Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật". - Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 6, 30-35

"Không phải Môsê, mà chính Cha Ta mới ban bánh bởi trời đích thực".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, đám đông thưa Chúa Giêsu: "Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: "Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời". Chúa Giêsu đáp: "Thật Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian". Họ liền thưa với Ngài rằng: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi". Chúa Giêsu nói: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ". Đó là lời Chúa.

Ga 6,30-35 

ĐỨC KITÔ, BÁNH HÔM NAY 

“Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ.” (Ga 6,35)
Suy niệm: Nhiều người nhận định xã hội hôm nay là một xã hội bất an: bất an về tính mạng bởi mất dần sự an toàn che chở của người thân và của người chung quanh, ví dụ nạn phá thai, nạn đâm chém, hàng độc hại; bất an về tài sản do nạn buôn gian, bán lận, tham nhũng, hối lộ, trộm cướp… Những bất an ấy khiến ngày càng đông người tìm đến cầu cúng mê tín ở những lễ hội, thể hiện cơn đói khát bình an, hạnh phúc. Ai có thể đem lại bình an và hạnh phúc cho họ? Con người ngày nay đang trong cơn khủng hoảng, chẳng biết nương tựa vào đâu! Trong bối cảnh này, việc loan báo Chúa Giêsu Kitô Cứu Độ là một đòi hỏi khẩn thiết hơn lúc nào hết. Ngài là Đấng nói với mọi người: “Bình an cho các con,” và chính Ngài là sự bình an ấy. Ngài là Đấng làm thỏa mãn cơn đói khát công chính. Điều còn lại, ai là người ngày hôm nay công bố Tin Mừng đó cho anh chị em mình?
Mời Bạn: Bạn được chọn gọi làm Kitô hữu, tức được sai đi công bố Tin Mừng cho thế giới hôm nay. Bạn làm gì để đáp ứng sứ mạng khẩn thiết đó? 
Chia sẻ: Làm gì để đáp ứng nhu cầu tâm linh cho các bạn đồng trang lứa hôm nay?
Sống Lời Chúa: Nắn nót viết một câu Lời Chúa và gởi đến cho những bạn bè đang cần được bình an và hạnh phúc.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy dùng con cho công trình cứu độ của Chúa hôm nay, để môi miệng con loan báo cho mọi người biết Chúa là Đấng Cứu Độ, và để toàn thân con làm chứng những điều con loan báo. Xin thương nâng đỡ con trong mọi hoàn cảnh, nhất là những lúc thử thách, gian nan.






Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ HAI 15/4/2013 TUẦN III MÙA PHỤC SINH C, "Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời".


Thứ Hai Tuần III Mùa Phục Sinh Năm C 


Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh

BÀI ĐỌC I: Cv 6, 8-15
"Họ không thể đương đầu với sự khôn ngoan và Thánh Thần vẫn giúp cho ông nói".
Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Têphanô đầy ân sủng và sức mạnh, làm nên những điều kỳ diệu và những phép lạ cả thể trong dân. Bấy giờ có nhóm người kia thuộc hội đường mệnh danh là "của những người Tự Do, người Xirênê và Alexandria", và những người khác từ xứ Cilicia và Tiểu Á, đã nổi dậy. Họ tranh luận với Têphanô, nhưng họ không thể đương đầu với sự khôn ngoan và Thánh Thần vẫn giúp cho ông nói. Họ xúi giục một số người nói lên rằng: "Chúng ta đã nghe nó nói những lời lộng ngôn phạm đến Môsê và Thiên Chúa". Họ xách động dân chúng, các kỳ lão và luật sĩ; rồi họ tuôn đến bắt Têphanô điệu tới công nghị. Họ đưa ra những người làm chứng gian nói rằng: "Tên này không ngớt nói những lời xúc phạm đến nơi thánh và lề luật, vì chúng tôi nghe nó nói rằng: 'Ông Giêsu Nadarét sẽ phá nơi này, và thay đổi các tập tục Môsê truyền lại cho chúng ta'". Toàn thể cử toạ trong công nghị chăm chú nhìn Têphanô, thấy mặt người giống như mặt thiên thần. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 118, 23-24. 26-27. 29-30
Đáp: Phúc cho ai theo đường lối tinh toàn (c. 1a).
Hoặc đọc: Alleluia.

1) Dầu vua chúa hội lại và buông lời đả kích, tôi tớ Ngài
vẫn suy gẫm về thánh chỉ Ngài. Vì các lời nghiêm huấn của Ngài là điều con ưa thích, các thánh chỉ Ngài là những bậc cố vấn của con. - Đáp.

2) Con đã trình bày đường lối của con và Chúa nghe con, xin dạy bảo con các thánh chỉ của Ngài. Xin cho con am hiểu đường lối huấn lệnh của Chúa, để con suy gẫm các điều kỳ diệu của Ngài. - Đáp. 

3) Xin đưa con xa cách con đường gian dối, và rộng tay ban luật pháp của Ngài cho con. Con đã chọn con đường chân lý, con quyết tâm theo các thánh chỉ của Ngài. - Đáp.

ALLELUIA: Ga 16, 28
Alleluia, alleluia! - Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, rồi bây giờ Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha. - Alleluia. 



PHÚC ÂM: Ga 6, 22-29
"Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát,
nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Hôm sau, đám người còn ở lại bên kia biển thấy rằng không có thuyền nào khác, duy chỉ có một chiếc, mà Chúa Giêsu không lên thuyền đó với các môn đệ, chỉ có các môn đệ ra đi mà thôi. Nhưng có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh †sau khi Chúa dâng lời tạ ơn‡. Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu.
Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?" Chúa Giêsu đáp: "Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu". Họ liền thưa lại rằng: "Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?" Chúa Giêsu đáp: "Đây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến". Đó là lời Chúa.

THỨ HAI TUẦN 3 PS

Ga 6,22-29

LƯƠNG THỰC TRƯỜNG SINH

“Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Ngài đã sai đến.” (Ga 7,28)
Suy niệm: Khát vọng sâu xa và mãnh liệt nhất của con người là được trường sinh. Con người đã tìm đủ mọi cách để đạt được khát vọng đó, nào là: chế tạo những biệt dược cải lão hoàn đồng, nào là thể dục dưỡng sinh…; nhưng chưa một ai thành công trong việc thoát khỏi quy luật sinh tử của tạo hóa. Sống mãi trong chính con người của mình không được, thôi thì tìm cách sống mãi qua con cháu, danh tiếng, sự nghiệp... vậy! Thế nhưng cả những cách đó cũng không giúp con người đạt được khát vọng. Con người chỉ có thể trường tồn nhờ hiệp thông với Thiên Chúa hằng sống. Và để đi vào hiệp thông với Thiên Chúa, con người phải đi qua “cửa đức tin”: “Việc Thiên Chúa muốn các ông phải làm là tin vào Đấng Ngài sai đến.”
Mời Bạn: Tin là cửa dẫn vào đời sống hiệp thông với Thiên Chúa. Để tăng cường đức tin, trong tông thư “Cửa Đức Tin” ĐTC Bênêđictô đề ra nhiều phương thế: 1. Đừng ai trong chúng ta trở nên lười biếng trong đức tin. 2. Tái khám phá hành trình đức tin. 3. Trình bày sức mạnh và vẻ đẹp của đức tin. 4. Tái ý thức chính xác về đức tin của mình. 5. Học giáo lý. 6. Hoán cải đời sống. 7. Gia tăng suy tư về đức tin. 8. Tăng trưởng đức tin bằng cảm nghiệm tình yêu. 9. Cử hành đức tin trong phụng vụ. 10. Hiểu biết nội dung đức tin và tuyên xưng đức tin. 11. Duyệt lại lịch sử đức tin. 12. Tăng cường chứng tá đức mến. Bạn chọn phương cách nào để sống năm đức tin này?
Sống Lời Chúa: Tín thác vào Chúa là việc đầu tiên tôi làm khi bắt đầu một ngày sống.
Cầu nguyện: Đọc kinh Tin.





THỨ HAI TUẦN III MÙA PHỤC SINH NĂM C, Chân Phước Caesar de Bus (1544-1607)


Chân Phước Caesar de Bus
(1544-1607)
 
Như nhiều người trong chúng ta, Caesar de Bus cũng phải vất vả lắm mới tìm thấy ơn gọi đích thực của mình. Sau khi tốt nghiệp ở trường dòng Tên, ngài gặp khó khăn khi phải quyết định giữa sự nghiệp của một quân nhân và một văn gia. Ngài có sáng tác một vài kịch bản nhưng sau cùng an phận trong quân đội và toà án.
Cũng có lúc cuộc đời thật êm xuôi cho một người lính thủy tài giỏi. Ngài tin đó là một chọn lựa đúng. Cho đến khi ngài chứng kiến thực tế của một cuộc chiến, kể cả cuộc thảm sát của người Tin Lành Pháp vào ngày Thánh Batôlômêo năm 1572.
Ngài lâm bệnh nặng và bỗng dưng nhìn lại những tiên quyết trong đời, kể cả đời sống tâm linh. Khi bình phục Caesar quyết tâm trở thành một linh mục. Sau khi được chịu chức vào năm 1582, ngài đảm nhận công việc mục vụ đặc biệt là dạy giáo lý cho người dân sống trong tình trạng bị quên lãng ở nông thôn, hoặc các nơi hẻo lánh. Nỗ lực của ngài quả thật cần thiết và được đón nhận cách nồng hậu.
Cùng với người bà con, Cha Caesar thiết lập một chương trình giáo lý cho gia đình. Mục đích là để chống với sự lạc giáo của người dân, và mục tiêu này được sự chấp thuận của đức giám mục địa phương. Từ những nỗ lực này phát sinh một tu hội mới: các Cha của Giáo Thuyết Kitô Giáo.
Một trong những công trình của Cha Caesar là Huấn Thị Các Gia Ðình về Giáo Lý Công Giáo, được ấn hành vào 60 năm sau khi ngài từ trần.
Ngài được phong chân phước năm 1975. 

Trích từ NguoiTinHuu.com




Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

TIN MỪNG HẰNG NGÀY CHÚA NHẬT 14/4/2013 TUẦN III PHỤC SINH C, "Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn".


Chúa Nhật Mùa Phục Sinh Năm C 
3 Phục Sinh 


Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh

Chúa Nhật 3 Phục Sinh Năm C

BÀI ĐỌC I: Cv 5, 27b-32. 40b-41

"Chúng tôi là chứng nhân các lời đó cùng với Thánh Thần".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, thầy thượng tế hỏi các tông đồ rằng: "Ta đã ra lệnh cấm các ngươi nhân danh ấy mà giảng dạy. Thế mà các ngươi đã giảng dạy giáo lý các ngươi khắp cả Giêrusalem; các ngươi còn muốn làm cho máu người đó lại đổ trên chúng tôi ư?" Phêrô và các tông đồ trả lời rằng: "Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta. Thiên Chúa cha ông chúng ta đã cho Đức Giêsu sống lại, Đấng mà các ông đã giết khi treo Người trên thập giá. Thiên Chúa đã dùng quyền năng tôn Ngài làm thủ lãnh và làm Đấng Cứu Độ, để ban cho Israel được ăn năn sám hối và được ơn tha tội. Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho mọi kẻ vâng lời Người!" Họ ra lệnh đánh đòn các tông đồ và tuyệt đối cấm không được nhân danh Đức Giêsu mà giảng dạy nữa, đoạn tha các ngài về. Vậy các ngài ra khỏi công nghị, lòng hân hoan vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Đức Giêsu. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 29, 2 và 4. 5 và 6. 11 và 12a và 13b

Đáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (c. 2a).
Hoặc đọc: Alleluia.

1) Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Ngài đã đưa linh hồn con thoát xa Âm phủ, Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ. - Đáp.

2) Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Chúa, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. Chiều hôm có gặp cảnh lệ rơi, nhưng sáng mai lại được mừng vui hoan hỉ.- Đáp.
3) Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con, lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con; lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: Kh 5, 11-14
"Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng... vinh quang và lời chúc tụng".
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan, đã thấy và nghe tiếng các thiên thần đông đảo vòng quanh ngai vàng, tiếng các sinh vật và các vị kỳ lão; số họ đông hằng ngàn hằng vạn, họ lớn tiếng tung hô rằng: "Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, phú quý, khôn ngoan, sức mạnh, danh dự, vinh quang và lời chúc tụng". Tôi lại nghe mọi thọ tạo trên trời, trên đất, dưới đất, trên biển và dưới biển, tung hô rằng: "Chúc Đấng ngự trên ngai và chúc Chiên Con được ca tụng, danh dự, vinh quang, quyền năng đến muôn đời". Bốn sinh vật thưa: "Amen", và hai mươi bốn vị kỳ lão sấp mặt xuống và thờ lạy Đấng hằng sống muôn đời. Đó là lời Chúa. 

ALLELUIA: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 21, 1-14 hoặc 1-19
"Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: "Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Điđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: "Tôi đi đánh cá đây". Các ông kia nói rằng: "Chúng tôi cùng đi với ông". Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: "Này các con, có gì ăn không?" Họ đồng thanh đáp: "Thưa không". Chúa Giêsu bảo: "Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được". Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: "Chính Chúa đó". Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.
Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: "Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây". Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: "Các con hãy lại ăn". Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi "Ông là ai?", vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Đây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.
ŒVậy khi các Ngài đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy". Người lại hỏi: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy". Người hỏi ông lần thứ ba: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: "Con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến". Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: "Con hãy theo Thầy". Đó là lời Chúa.

CHÚA NHẬT TUẦN 3 PS – C
Ga 21,1-19 

“CHÚA ĐÓ!”


Người môn đệ được Chúa Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó !” Vừa nghe nói: “Chúa đó!”, ông Simon Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. (Ga 21,7)
Suy niệm: Các môn đệ gặp một chuyến làm ăn thất thu thảm hại: suốt đêm lao động cực nhọc mà kết quả vẫn là “trắng tay.” Thế rồi nhờ một lời “mách nước” có vẻ vu vơ: thả lưới bên mạn hữu thuyền. Và kìa, phép lạ nhãn tiền đã xảy ra: lưới đầy những cá, không sao kéo lên nổi. Có khác nào năm xưa, sau khi vất vả suốt đêm mà không được gì, nhưng vâng lời Thầy, Phêrô đã thả lưới và kéo được mẻ cá lạ lùng (x. Lc 5,4-7). “Người mách nước” hôm nay chỉ có thể là Thầy thôi! Người môn đệ Chúa yêu đã nhận ra Thầy trước hết: “Chúa đó!” Một lần nữa, học trò lại nhận ra Thầy, lần này Thầy chính là Đấng Phục Sinh.
Mời Bạn: Các môn đệ không thể làm gì nếu không có sự hiện diện của Chúa, không có lời nói của Ngài. Đây là minh hoạ sống động cho sứ vụ của các môn đệ và của chúng ta. Đức Kitô đã sống lại, là niềm vui, niềm hân hoan và niềm hy vọng cho cuộc đời của chúng ta. Cũng như người môn đệ Chúa yêu đã nhận ra Thầy, bạn phải thấm nhuần cung cách hành động của Đức Kitô thì mới có thể cảm nhận được sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời mình để thấy mình luôn tràn đầy niềm vui và hy vọng.
Chia sẻ: Có bao giờ bạn cảm nhận sự hiện diện của Chúa trong những lúc thành công? thất bại? giữa cuộc sống?
Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm Chúa qua việc suy niệm Phúc Âm để có thể nhận ra Ngài hiện diện trong cuộc sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, trong Năm Đức Tin này, xin ban cho con ơn đức tin để con thấy Chúa trong mỗi bước đi trên nẻo đường lữ hành của con. Amen





CHÚA NHẬT 14/4/2013 TUẦN III PHỤC SINH C, Thánh Gemma Galgani (1878 - 1903)


Thánh Gemma Galgani 
(1878 - 1903) 

Thánh Gemma Galgani sinh ở Camigliano, nước Ý, và là thứ tư trong gia đình có tám người con. Cô là một người thông minh, thân thiện, hăng hái và dễ mến, nhưng tinh thần cầu nguyện và sự thâm trầm của cô thì không một người trẻ nào sánh được.
Mẹ của Gemma bị mắc bệnh lao và bà từ trần khi Gemma mới bảy tuổi. Mặc dù rất đau khổ khi phải mồ côi mẹ, Gemma đã biết an ủi các anh chị em mình rằng: "Mẹ chúng ta đã về trời, mẹ đã đau khổ nhiều -- nhưng bây giờ mẹ không còn đau khổ nữa."
Cha của Gemma là một dược sĩ và thường rất khá giả, nhưng bệnh tình lâu ngày trong gia đình đã làm kiệt quệ tài chánh. Dần dà, họ trở nên nghèo nàn. Thêm vào đó, cha của Gemma lại mắc bệnh ung thư cổ và cô phải chăm sóc ông cho đến khi ông từ trần lúc Gemma 19 tuổi. Như thế, trước khi hai mươi tuổi, Gemma đã được chứng kiến sự đau khổ của cha mẹ mình và đã thi hành tất cả những gì có thể để khuây khoả và an ủi các ngài.
Sau khi từ chối lời cầu hôn của hai thanh niên, Gemma ao ước đi tu, nhưng vì lý do sức khoẻ và vì nghèo nên cô bị từ chối. Cô chấp nhận sự thất vọng này như một hy sinh dâng lên cho Chúa. Trong thời gian ấy, Gemma tiên đoán rằng các tu sĩ dòng Thương Khó sẽ thành lập một tu viện ở Lucca, và điều này đã xảy ra sau khi cô từ trần được hai năm.
Vào năm 21 tuổi, một tiếng nói bên trong cho Gemma biết là cô sẽ được ơn lạ thường. Sau đó cô cảm thấy đau nhói ở chân tay và ngực, và có máu tiết ra ở những nơi ấy. Ðó là những thương tích như trên thân thể Chúa Giêsu xưa. Vào mỗi tối thứ Năm, Gemma rơi vào trạng thái ngây ngất và các dấu thánh bắt đầu xuất hiện. Mãi cho đến chiều thứ Sáu, các dấu thánh mới tan biến và đến sáng thứ Bảy thì máu mới ngưng chảy, các vết thương như đóng lại, chỉ còn một vệt trắng mờ trên da. Các dấu thánh tiếp tục xuất hiện cho đến khi cha giải tội cấm cô không được chấp nhận các dấu ấy. Qua lời cầu nguyện của cô, hiện tượng này chấm dứt, nhưng các vết sẹo trắng vẫn còn thấy ở trên da.
Vào tháng Giêng 1903, bác sĩ cho biết Gemma bị lao phổi, và ba tháng sau đó, vào ngày thứ Bảy Tuần Thánh, với sự chứng kiến của cha sở, cô từ giã cõi đời khi mới hai mươi lăm tuổi. Cha sở kể lại: "Cô ấy chết với nụ cười vẫn còn nở trên môi, nên tôi không tin là cô ấy thực sự đã chết."
Cô Gemma được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong chân phước năm 1933 và được Ðức Giáo Hoàng Piô XII phong thánh vào ngày 2 tháng Năm 1940, chỉ có ba mươi bảy năm sau khi từ trần.

Trích từ NguoiTinHuu.com