WGPSG
-- Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống nhắc nhớ việc Chúa Thánh Thần được ban
cho các tín hữu sơ khai, và cũng là biến cố được xem như ngày khai sinh Giáo
hội. Các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay còn trình bày cho chúng ta ý nghĩa quan
trọng và căn bản hơn của biến cố Hiện Xuống: sự liên kết giữa Chúa Giêsu phục
sinh và Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Giêsu phục sinh là Đấng ban Thánh Thần cho
các môn đệ, sai họ ra đi để qui tụ muôn dân qua lời loan báo Tin Mừng phục
sinh.
"Các vị được tràn đầy Chúa Thánh Thần và
bắt đầu lên tiếng nói".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các môn đệ
đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi
đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa
xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy
Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ
nói.
Khi ấy, cư ngụ tại Giêrusalem, có những người
Do-thái đạo đức từ khắp các nước dưới gầm trời tụ về. Nghe tiếng ấy phát ra thì
đoàn lũ tuôn đến, tâm trí bỡ ngỡ, vì mỗi người đều nghe các môn đệ nói tiếng
thổ âm của mình. Mọi người đều sửng sốt và bỡ ngỡ nói rằng: "Nào tất cả
những người đang nói đây không phải là người Galilê ư? Nhưng tại sao mỗi người
chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: Chúng tôi là người
Parthi, Mêđi, Êlam, Mêsopotamia, Giuđêa, Cappađôcia, Pôntô, Tiểu Á, Phrygia,
Pamphylia, Ai-cập, Lybia, cận Cyrênê, và người Rôma cư ngụ ở đây, là Do-thái và
tòng giáo, là người Crêta và Á-rập, chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng
tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa!"
[Mọi người đều sửng sốt bỡ ngỡ nói với nhau
rằng: "Thế này nghĩa là gì?" Nhưng lại có người khác nhạo báng rằng:
"Họ đầy rượu rồi".] Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 103, 1ab và 24ac. 29bc-30. 31 và 34
Đáp: Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và
xin canh tân bộ mặt trái đất (c. 30).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, Ngài quá ư vĩ đại! Lạy Chúa, thực nhiều thay
công cuộc của Ngài! Địa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài. - Đáp.
2) Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay
và chúng trở về chỗ tro bụi của mình. Nếu Ngài gởi hơi thở tới, chúng được tạo
thành, và Ngài canh tân bộ mặt trái đất. - Đáp.
3) Nguyện vinh quang Chúa còn tới muôn đời,
nguyện cho Chúa hân hoan vì công cuộc của Chúa. Ước chi tiếng nói của con làm
cho Chúa được vui; phần con, con sẽ hân hoan trong Chúa. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 12, 3b-7. 12-13
"Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta
được thanh tẩy để làm nên một thân thể".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ
gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, không ai có thể nói "Đức
Giêsu là Chúa" mà lại không do Thánh Thần. Vậy có nhiều thứ ân sủng, nhưng
chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều
thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, là Đấng làm mọi sự trong mọi người.
Sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho từng người, tuỳ theo lợi ích.
Cũng như chỉ có một thân thể nhưng có nhiều
chi thể, mà các chi thể tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng
vậy. Vì chưng trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên
một thân thể, cho dù là Do-thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta
đã uống trong một Thánh Thần. Đó là lời Chúa.
CA TIẾP LIÊN
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,
và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra!
Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến;
Đấng ban ân huệ, Đấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!
Lạy Đấng an ủi tuyệt vời,
là khách trọ hiền lương của tâm hồn,
là Đấng uỷ lạo dịu dàng.
Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,
là niềm an ủi trong lúc lệ rơi.
Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc,
xin chiếu soi tràn ngập tâm hồn tín hữu của Ngài.
Nếu không có Chúa trợ phù,
trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội.
Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,
và chữa cho lành nơi thương tích.
Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,
chỉnh đốn lại chỗ trật đường.
Xin Chúa ban cho các tín hữu,
là những người tin cậy Chúa, được ơn bảy nguồn.
Xin ban cho họ được huân nghiệp nhân đức,
được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời.
(Amen. Alleluia.)
ALLELUIA:
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa Thánh Thần, xin
xuống tràn ngập tâm hồn các tín hữu Chúa, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong
lòng họ. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 20, 19-23
"Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các
con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những
cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến,
đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều
đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng
vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các
con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi
hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội
cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm
lại". Đó là lời Chúa.
LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN
Chúa Giêsu về trời, cho Chúa Thánh Thần xuống
ở với chúng ta. Chúng ta vui mừng cảm tạ Chúa và khẩn khoản cầu xin.
1. Chúa lên trời đã trao sứ mạng loan báo Tin
Mừng cho Hội Thánh. Xin Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn, nâng đỡ mọi thành phần
Hội Thánh trong sứ vụ cao cả nầy.
Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
2. Nhiều người ngày nay sống lầm lạc trong tội
lỗi. Xin Chúa Thánh Thần thương hoán cải tâm hồn họ, để họ được hưởng nhờ ơn
cứu rỗi của Chúa.
Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
3. Hiện bạo lực hận thù làm cho nhiều người
sầu khổ. Xin Chúa Thánh Thần biến đổi lòng mọi người, cho họ biết yêu thương,
tha thứ, thông cảm nhau.
Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
4. Chúa Thánh Thần cho mỗi người một đặc sủng
vì lợi ích chung. Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta biết tận dụng ơn
Chúa Thánh Thần ban, để lo cho phần rỗi chính mình và người khác.
Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu phục sinh, Chúa đã ban
Thánh Thần cho các tông đồ. Xin cũng thương ban Thánh Thần cho chúng con, sửa
lại mọi sự trong ngoài chúng con, giúp chúng con can đảm làm chứng cho Chúa.
Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống Ga 20,19-23
Sống trong Thánh Thần
“Anh em hãy nhận lấy Thánh
Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người
ấy bị cầm giữ.”(Ga
20,22-23)
Suy niệm: Các môn đệ đóng kín cửa vì
sợ người Do-thái. Chúa Giêsu không muốn để các môn đệ sống trong nỗi lo âu sợ
hãi. Người ban Thánh Thần để các ông có thêm sức mạnh làm chứng cho Chúa. Như
Người nói: “Thầy đi thì có
lợi cho anh em”, “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một đấng Bảo
Trợ khác, đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16). Thật vậy, Thánh
Thần đã hiện diện trong Hội Thánh và nâng đỡ Hội Thánh vượt qua những khó khăn
thử thách. Thánh Thần còn soi sáng để Giáo Hội nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu
Thế:“Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm
chứng về Thầy” (Ga 15,26), “Người
sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,14), “Người sẽ dẫn anh em tới sự thật vẹn
toàn” (Ga 16,13).
Mời Bạn: Mỗi lần bạn hít vào, bạn nhớ
đến Chúa Thánh Thần - Đấng đã ghi dấu ấn trên bạn, để bạn cảm nhận được sự bình
an sâu thẳm của Ngài trong tâm hồn bạn. Mỗi lần bạn thở ra, bạn toả lan tình
yêu tha thứ quảng đại bằng chính tình yêu quảng đại mà bạn đã tiếp nhận từ
Thánh Thần.
Chia sẻ:“Hướng đi của Thần Khí là sự sống và
bình an” (Rm 8,6). Bạn có cảm nghiệm được điều đó không?
Sống Lời Chúa: Sống theo“hoa
quả của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm,
hiền hòa, trung tín, tiết độ”(Gl
5,22).
Cầu nguyện:Xin Chúa Thánh Thần cầu thay
nguyện giúp cho con bằng những tiếng rên siết khôn tả của Ngài, để con luôn làm
chứng cho Chúa trong tư tưởng, lời nói và việc làm của con.
Vào năm 596, một nhóm đan sĩ 30 người khởi hành từ Rôma đi truyền giáo cho người Anglo-Saxon ở Anh. Dẫn đầu là Augustine, bề trên đan viện Thánh Anrê ở Rôma. Nhưng khi đến Gaul (Pháp) họ nghe những câu chuyện dã man về người Anglo-Saxon cũng như sự nguy hiểm của các luồng nước ở eo biển, họ quay trở về Rôma và gặp vị giáo hoàng đã sai họ đi -- Thánh Grêgôriô Cả -- và đức giáo hoàng cho biết sự lo sợ của họ thì vô căn cứ.
Một lần nữa Augustine lại ra đi, và lần này cả nhóm đã vượt qua eo biển và cập bến đất Kent thuộc về Vua Ethelbert, là người ngoại giáo kết hôn với một Kitô Hữu, bà Bertha, công chúa nước Pháp. Vua Ethelbert tiếp đón họ nồng hậu, thiết lập cho họ nơi cư trú ở Canterbury và trong năm ấy, vào Chúa Nhật Hiện Xuống năm 597, chính nhà vua đã được rửa tội.
Sau khi được tấn phong làm giám mục ở Pháp, Ðức Augustine trở lại Canterbury, là nơi ngài thiết lập giáo phận và khởi công xây dựng vương cung thánh đường. Khi số tín hữu ngày càng gia tăng, các giáo phận khác được ngài mở thêm ở Luân Ðôn và Rochester.
Cuộc đời Ðức Augustine cũng gặp nhiều thất bại. Những cố gắng hòa giải giữa Kitô Hữu Anglo-Saxon và Kitô Hữu Briton bản xứ đã kết thúc trong thất bại đau buồn. Ðức Augustine cũng không thuyết phục được người Briton từ bỏ một số phong tục khác biệt với Rôma và quên đi những cay đắng để giúp ngài phúc âm hóa người Anglo-Saxon, là kẻ xâm lăng đã dồn người Briton về miền tây.
Sau những thất bại, Ðức Augustine đã khôn ngoan hơn để ý đến các nguyên tắc truyền giáo -- đối với thời bấy giờ thật sáng suốt mà Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả đề nghị: Hãy thanh tẩy thay vì tàn phá các đền thờ và các phong tục ngoại giáo; hãy du nhập các nghi thức và ngày lễ của người ngoại giáo vào ngày lễ Kitô Giáo; duy trì các truyền thống địa phương càng nhiều càng tốt.
Sau tám năm đến Anh, sự thành công của Ðức Augustine tuy hạn hẹp nhưng sau này đã đem lại kết quả tốt đẹp là cả nước Anh đã tòng giáo. Quả thật, Thánh Augustine đáng được gọi là "Tông Ðồ của Anh Quốc". ,
Lời Trích
Trong một lá thư gửi cho Thánh Augustine, Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả viết: "Ai muốn trèo ngọn núi cao thì phải đi từng bước, chứ đừng có nhảy."
Khi chúng tôi đến Rôma, Phaolô được phép ở nhà riêng với người lính canh. Sau ba hôm, ngài mời các đầu mục người Do-thái đến. Khi họ đến, ngài nói với họ: "Thưa anh em, dầu tôi đây không làm điều gì phạm đến dân tộc hay tục lệ tổ tiên, mà tôi đã bị bắt tại Giêrusa-lem và bị nộp trong tay người Rôma. Khi đã điều tra, họ muốn thả tôi vì tôi không có tội gì đáng chết. Nhưng người Do-thái chống lại, nên tôi buộc lòng phải nại đến hoàng đế, nhưng không phải là tôi có gì kiện cáo dân tôi. Do đó tôi đã xin gặp anh em và nói chuyện: Chính vì niềm hy vọng của Israel mà tôi phải mang xiềng xích này".
Suốt hai năm, ngài trú tại ngôi nhà đã thuê, tiếp nhận tất cả những ai đến gặp ngài, ngài rao giảng nước Thiên Chúa và dạy dỗ những điều về Chúa Giêsu Kitô một cách dạn dĩ, không có ai ngăn cấm. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 10, 5. 6 và 8
Đáp: Lạy Chúa, người chính trực sẽ nhìn thấy tôn nhan Chúa (c. 8b).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Chúa kiểm soát người hiền đức, kẻ ác nhân, ai chuộng điều ác, thì linh hồn Người ghét bỏ. - Đáp.
2) Trên lũ tội nhân Người làm mưa than đỏ diêm sinh, và phần chén của chúng là luồng gió lửa. Bởi Chúa công minh, nên Người thích chuyện công minh, người chính trực sẽ nhìn thấy thiên nhan. - Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 16
Alleluia, alleluia! - Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 21, 20-25
"Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Phêrô quay lại, thấy môn đệ Chúa Giêsu yêu mến theo sau, cũng là người nằm sát ngực Chúa trong bữa ăn tối và hỏi "Thưa Thầy, ai là người sẽ nộp Thầy?" Vậy khi thấy môn đệ đó, Phêrô hỏi Chúa Giêsu rằng: "Còn người này thì sao?" Chúa Giêsu đáp: "Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con? Phần con, cứ theo Thầy". Vì thế, có tiếng đồn trong anh em là môn đệ này sẽ không chết. Nhưng Chúa Giêsu không nói với Phêrô: "Nó sẽ không chết", mà Người chỉ nói: "Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con".
Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra, và chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thật. Còn nhiều việc khác Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra. Đó là lời Chúa.
Th. Philípphê Nêri, linh mục
Ga 21,20-25
Cả thế giới không chứa nổi “lời”
“Còn nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.”(Ga 21,25)
Suy niệm:Câu cuối cùng trong Tin Mừng Gioan trên đây phải chăng là một lối thậm xưng quá đáng? Cuộc đời 33 năm của Chúa Giêsu ở trần gian có gì là dài so với các bậc vĩ nhân khác? Ấy là chưa kể suốt 30 năm đầu của đời Ngài, người ta chẳng biết gì ngoài một vài sự kiện nho nhỏ! Thế nhưng bạn có biết không, bộ Thánh Kinh, bộ sách nói về Ngài, và cách riêng bốn cuốn Phúc Âm, là bộ sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất và có nhiều ấn bản nhất trên thế giới. Bạn sẽ còn kinh ngạc hơn khi bước vào đại thư viện của các trường đại học, các học viện tôn giáo. Ở đó bạn sẽ thấy không biết cơ man nào là sách viết về Ngài; không biết bao nhiêu tác giả suy tư, quảng bá giáo huấn của Ngài. Nói“cả thế giới không chứa nổi”các sách viết về Ngài, thiết tưởng không có gì là quá đáng; trái lại, Tin Mừng đã nói tiên tri về điều mà ngày nay vẫn đang tiếp tục được thể hiện.
Mời Bạn:Đức Giêsu Kitô chính là Lời hằng sống, có từ nguyên thuỷ nơi Chúa Cha (x. Ga 1,1) và vẫn nói trong thế gian này cho đến tận thế nơi những người tin Ngài, những chứng nhân của Ngài. Bạn hãy là một trong những người làm cho “LỜI” được tiếp tục vang lên trong thế giới này.
Sống Lời Chúa:Mời bạn lắng nghe và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày để bồi dưỡng kiến thức đức tin và làm chứng cho LỜI bằng chính cuộc sống của bạn.
Cầu nguyện:Lạy Chúa, xin cho con biết say mê Lời Chúa để LỜI đó biến đổi cuộc sống của con và biến đổi cả nhân loại. Amen.
Thánh Philíp Nêri, vị "Tông Ðồ của Rôma", là một trong những khuôn mặt lớn của cuộc Cải Cách Công Giáo. Một trong những điều đáng kể của thánh nhân là ảnh hưởng của ngài, dù ngài không viết một cuốn sách, không đề nghị một học thuyết gì mới mẻ, và cũng không khởi xướng một phong trào linh đạo nào. Nhưng tinh thần vui tươi và thánh thiện của ngài đã làm sống dậy tinh thần đạo đức ở Rôma vào thời ấy.
Thánh Nêri sinh ở Florence, nước Ý năm 1515. Ngay từ khi còn trẻ, ngài đã khước từ cơ hội để trở thành một doanh gia và lên Rôma với ý định tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Trong vài năm, ngài sống thật đơn giản, ngoài thời giờ học hỏi, ngài còn đi dạy thêm để đủ sống. Ðây là quãng thời gian cầu nguyện và chuẩn bị cho một ơn gọi mà ngài chưa biết rõ.
Thành phố Rôma thời bấy giờ trong tình trạng thối nát về tâm linh và đạo đức. Các giáo hoàng thời Phục Hưng thường nổi tiếng về mưu đồ và tài năng chính trị hơn là đời sống gương mẫu. Việc tấn phong các hồng y nếu không được quyết định bởi lý do chính trị thì cũng vì lý do phe cánh. Cả thành phố đắm chìm trong tình trạng hoài nghi yếm thế đối với sứ điệp Kitô Giáo. Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh này, Philíp Nêri đã nhận ra ơn gọi của mình, đó là tái-phúc-âm-hoá Rôma.
Quả thật là một công việc táo bạo, nhưng với nhiệt huyết, Nêri đã khởi sự ngay ở các đường phố qua các cuộc đối thoại về tôn giáo với bất cứ ai ngài gặp, bất cứ đâu có cơ hội. Không bao lâu, những người quen biết ngài ngày càng đông và họ cảm mến sự thẳng thắn cũng như khả năng thấu suốt linh hồn của họ mà Chúa đã ban cho ngài.
Vào năm 1550, khi ngài ba mươi lăm tuổi, qua sự khuyến khích của cha giải tội, ngài chịu chức linh mục. Ngay sau đó, ngài trở thành cha giải tội nổi tiếng và ngài thường tổ chức các buổi học hỏi, nói chuyện ngay trong khuôn viên các đền thánh ở Rôma.
Ngay trên căn gác của ngài sinh sống, thường có các buổi hội thảo về đời sống tâm linh của những người theo ngài, gồm các giáo sĩ cũng như giáo dân. Ðây là khởi sự của Tu Hội Oratory mà đặc điểm là cầu nguyện và hát thánh vịnh bằng tiếng bản xứ cũng như mỗi ngày đều có bốn cuộc hội thảo bán chính thức.
Hình thức sinh hoạt "mới lạ" này đã bị Tòa Thẩm Tra nghi ngờ. Có phải Nêri toan tính một loại sinh hoạt thiên về Tin Lành ngay trong thủ đô Rôma hay chăng? Sau giai đoạn đau khổ vì bị cáo buộc là tụ tập những kẻ lạc giáo, mà trong đó giáo dân có thể giảng và hát thánh vịnh bằng tiếng bản xứ, cuối cùng Tu Hội Oratory đã được chấp thuận. Hiến pháp của tu hội phải ảnh tinh thần của Thánh Philíp Nêri, chú trọng vào ý chí cá nhân hơn là thẩm quyền pháp lý. Các linh mục không có lời khấn. Họ tự ràng buộc chính mình, vì như Cha Philíp Nêri đã nói, "Nếu bạn muốn vâng phục, thì không cần đến mệnh lệnh".
Ngay khi ngài còn sống, đã có nhiều phép lạ xảy ra nhờ lời cầu nguyện của ngài. Vào ngày lễ Hiện Xuống năm 1544, ngài được một cảm nghiệm siêu nhiên về tình yêu Thiên Chúa mà sau đó, mỗi khi dâng Thánh Lễ, khuôn mặt ngài tỏa sáng lạ thường. Dân chúng đều coi ngài là thánh, nhưng chính ngài lại giả điên giả khùng với khuôn mặt chỉ cạo râu có một nửa để khỏi bị dân chúng tôn sùng.
Vào những năm cuối đời, thánh nhân là tâm điểm đời sống tâm linh của Rôma trong nhiều phương cách. Không chỉ có các linh mục trong tu hội, mà cả các giám mục và hồng y đã tìm đến căn phòng nhỏ bé của ngài để xin hướng dẫn linh đạo. Người dân Rôma, ai ai cũng biết đến công việc bác ái của thánh nhân, đặc biệt là việc cung cấp linh mục tuyên uý cho các nhà thương thành phố. Sau cùng, vào ngày 25 tháng Năm 1595, sau khi nghe xưng tội và tiếp khách, trước khi về phòng nghỉ, ngài tuyên bố, "Rốt cục, chúng ta đều phải chết." Quả thật, đêm ấy ngài đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 80 tuổi.
Lời Trích
Khi được hỏi ngài cầu nguyện thế nào, Thánh Philíp Nêri trả lời: "Hãy khiêm tốn và phó thác, và Chúa Thánh Thần sẽ dạy bạn cầu nguyện."
Trích từ NguoiTinHuu.com
Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012
BAN TÁN TRỢ TRUYỀN THÔNG TỔNG GIÁO SÀI GÒN HỌP MẶT 2012
Ban Mục vụ Gia Đình: Chương trình Ngày Của Cha
2012
Chương Trình Ngày Của
Cha 2012
Nếu con nợ mẹ một trái tim dịu dàng đong đầy yêu
thương; thì con cũng nợ cha đôi bàn tay gân guốc đỡ nâng, một tấm thân vững
chãi chở che, đôi vai rắn chắc để con tựa nương và can đảm đương đầu với những
thử thách trong cuộc đời. Cha đã cho con niềm tin vào một tình yêu thương âm
thầm và bao dung.
Nếu con cài lên áo đóa hồng để ngưỡng vọng tình
mẹ, thì con cũng xin kết vòng nguyệt quế bằng nhành bạch huệ để kính dâng cha.
Cảm ơn cha đã cho con hình hài và ở bên con
trong cuộc đời này!…
Trong tinh thần tôn vinh và tri ân các bậc hiền
phụ - những người đã hy sinh rất nhiều cho thế hệ kế tiếp - Ban tổ chức Chuyên
Trình Chuyên Đề Giáo Dục kính mời quý vị và các bạn đến tham dự chương trình
Mừng Ngày Của Cha, với chủ đề:
ĐIỂM TỰA ĐỜI CON
Chương trình Mừng Ngày
Của Cha 2012 đặc biệt có bài chia sẻ tâm huyết của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn
Khảm, Sư cô Thích nữ Hương Nhũ, cùng sự đóng góp của Đội trống Võ Thành Trang,
nhóm múa Rồng Việt, các Ca sĩ Công giáo nổi tiếng: Tam Ca - Cha Cha Cha, Nguyễn
Phi Hùng, Diệu Hiền…
Vì số lượng tham dự giới hạn, xin mời quý vị mua
vé sớm.
· Thời
gian: Sáng thứ Bảy, ngày16.06.2012 (Từ 7g30 – 11g15)
· Địa
điểm: Hội trường GB. Phạm Minh Mẫn (lầu 1) Trung tâm Mục vụ Tổng GP.
TP. HCM, 6 bis Tôn Đức Thắng, Q.1, TP. HCM
· Giá
vé(bao gồm quà tặng và ăn nhẹ):
* Loại 1:
85.000VND
* Loại 2:
65.000VND
· Vé
có bán tại:
o Phòng Mục Vụ Tư Vấn và văn phòng Ban Mục Vụ
Gia Đình, Trung Tâm Mục Vụ Tổng GP. TP. HCM, 6 bis Tôn Đức Thắng, Q.1
§ Thời gian: Từ thứ Ba đến thứ Bảy
(giờ hành chánh)