Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

CHUA1 NHẬT 22/4/2012 TUẦN I I I PHỤC SINH B, Chân Phước Giles ở Assisi




Chân Phước Giles ở Assisi 
(1190 -- 1262)


    Chân Phước Giles, một trong các môn đệ của Thánh Phanxicô, là người đơn giản và siêng năng cầu nguyện.

    Vào ngày 23 tháng Tư, 1208, một người tá điền tên Giles đã phân phát tài sản cho người nghèo và đi theo Thánh Phanxicô. Trong phần giới thiệu ông Giles, Thánh Phanxicô nói: "Ðây là một người anh em tốt lành mà Thiên Chúa đã gửi đến cho chúng ta! Hãy ngồi vào bàn và ăn mừng."

    Trong thời gian đầu sau khi là một tu sĩ dòng Phanxicô, Thầy Giles tháp tùng Thánh Phanxicô trong nhiều công tác truyền giáo ở chung quanh Assisi, cũng như hành hương đến Rôma, Ðất Thánh v

TIN MỪNG HẰNG NGÀY CHÚA NHẬT 22/4/2012 TUẦN III PHỤC SINH B, Đức Kitô sống lại nằm trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa.

Chủ Nhật III Phục Sinh, Năm B
Bài đọcActs 3:13-15, 17-19; I Jn 2:1-5; Lk 24:35-48.

1/ Bài đọc I:
13 Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giê-su, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét là phải tha.14 Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. 15 Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng.17 "Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. 18 Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Ki-tô của Người phải chịu khổ hình. 19 Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em.

2/ Bài đọc II:
1 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính.2 Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi,
nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa.3 Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người.4 Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy.5 Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo. Căn cứ vào đó, chúng ta biết được mình đang ở trong Thiên Chúa. 
2-y-jcnzapstlsus47a
3/ Phúc Âm:
35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. 36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em!" 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.38 Nhưng Người nói: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?" 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không?" 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. 44 Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm." 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này. 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ
 Đức Kitô sống lại nằm trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa.
             Đức Giêsu Kitô có sống lại thật không? Câu trả lời cho câu hỏi này rất quan trọng, vì nó sẽ xác định niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa và vào cuộc sống đời sau. Thánh Phaolô xác quyết: Nếu Đức Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta sẽ ra vô ích. Làm sao để biết Đức Kitô có sống lại thật không? Sự kiện tìm thấy ngôi mộ trống với các khăn niệm để lại không đủ bằng chứng để một người tin Chúa đã sống lại, vì người khác có thể đánh cắp xác Chúa và phao tin đồn thất thiệt như người Do-thái và ngay cả các môn đệ của Chúa Giêsu đã nghi ngờ. Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta 3 bằng chứng hùng hồn về việc Chúa sống lại.
            (1) Trong Phúc Âm, thánh-sử Lucas tường thuật việc Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ với lời mời gọi hãy rờ vào thi thể của Ngài, và với việc ăn khúc cá nướng trước mắt các ông, để chứng tỏ Ngài đã sống lại thật. Bên cạnh lần hiện ra hôm nay, các thánh-sử đã tường thuật việc  Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ nhiều lần: với Mary Magdala, với các phụ nữ trên đường về từ mộ, với hai môn đệ trên đường Emmaus, với 10 Tông-đồ không có Thomas, với 11 Tông-đồ có cả Thomas, với các Tông-đồ đi đánh cá; tổng cộng tất cả có ít nhất là 7 lần Chúa đã hiện ra.
            (2) Trong Bài Đọc I cũng như trong Phúc Âm, các Tông-đồ cũng như Chúa Giêsu nhắc nhở cho độc giả biết: hãy đọc lại những lời Kinh Thánh và những gì Ngài đã dạy dỗ và báo trước, để biết chính Kinh Thánh đã làm chứng cho Chúa; chẳng hạn: Đấng Thiên Sai sinh ra từ giòng dõi David, tại Bethlehem (Mic 5:4). Thánh Thần Chúa xức dầu tấn phong và sai Ngài đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, chữa lành những người bệnh, phóng thích kẻ bị giam cầm (Isa 61:1). Đấng Thiên Sai phải chịu nhiều đau khổ để gánh tội cho con người (4 Bài ca về Người Tôi Trung của Isaiah). Đấng Thiên Sai sẽ phải chịu chết và ngày thứ ba Người sẽ sống lại (Hos 6:2). Thiên Chúa không “đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ” (Psa 16:10).
             (3) Trong Bài Đọc I và II, các Tông-đồ và các tín hữu đã can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh. Các ngài đã nhân danh Đức Kitô rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh, cuộc sống huynh đệ bỏ mọi sự làm của chung của các cộng đoàn tiên khởi, sự phát triển và vững bền của Giáo Hội hơn 2,000 năm qua với hàng triệu thánh nhân đã làm chứng cho Chúa, mỗi năm cả hàng trăm ngàn các anh chị em tân tòng gia nhập đạo.
            Với 3 bằng chứng tổng quát và hàng triệu các nhân chứng, việc Chúa sống lại là điều chắc chắn đã xảy ra, và niềm tin của chúng ta sẽ được cùng sống lại với Ngài được đặt trên một nền tảng vững vàng, chắc chắn hơn xây nhà trên đá. 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức Kitô đã chết và sống lại nằm trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa.

            1.1/ Lầm lỡ của kiếp người: Đã là con người, không ai không phán đoán sai lầm và làm những điều tội lỗi. Thánh Phêrô nhắc lại tội của những người trong Thượng Hội Đồng và của toàn dân Do-thái đã làm trong Cuộc Thương Khó của Đức Kitô: “Thiên Chúa của các tổ phụ Abraham, Isaac và Jacob, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giêsu, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Philatô, dù quan ấy xét là phải tha. Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng.”
            1.2/ Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Theo Kế Hoạch này, Đức Kitô phải chịu đau khổ (Isa 52:13-53:12), chết, và sống lại (Hos 6:1-2); để gánh tội cho con người (Jn 1:29) và bảo đảm cho họ sẽ được sống đời đời (Isa 49:6, Jn 6:39-40). Vì thế, thánh Phêrô quả quyết việc người Do-thái lầm lỗi kết tội Con Thiên Chúa nằm trong Kế Hoạch của Thiên Chúa: "Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Kitô của Người phải chịu khổ hình.” Điều quan trọng không hệ tại ở chỗ lầm lỡ kết tội; nhưng ở chỗ biết nhận ra tội của mình, như Phêrô kêu gọi dân chúng: “Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em.”

2/ Bài đọc IIĐức Kitô đã chết và sống lại để xóa bỏ tội lỗi và làm cho con người khỏi chết.
            2.1/ Đức Kitô là của lễ đền bù tội của nhân loại: Tiếp tục ý tưởng của thánh Phêrô trong Bài Đọc I, thánh Gioan cũng khuyên các môn đệ của Ngài về sự hiện hữu của tội, và nhu cầu cần phải ăn năn sám hối mỗi khi lầm lỡ để được tha tội: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính.
Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa.” Vì có Đức Kitô sẵn sàng tha thứ tội, con người không còn làm nô lệ cho tội và cho sự chết nữa; nếu họ biết ăn năn thú tội mỗi khi lầm lỡ.
            2.2/ Yêu mến Thiên Chúa là giữ cẩn thận các giới răn của Ngài: Theo thánh Gioan, yêu Thiên Chúa không phải chỉ bằng lời nói, nhưng phải biểu tỏ qua hành động như Chúa Giêsu cũng đã từng dạy dỗ các môn đệ của Ngài: “Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo. Căn cứ vào đó, chúng ta biết được mình đang ở trong Thiên Chúa.” Dĩ nhiên, thánh Gioan không phủ nhận sự yếu đuối và sa ngã của con người; tuy nhiên, con người phải cố gắng sống những gì Chúa dạy. Nếu con người sa ngã vì yếu đuối, Chúa Giêsu sẵn sàng tha tội cho họ qua Bí-tích Giải Tội.


3/ Phúc ÂmChúa thân hành hiện ra và Kinh Thánh là hai bằng chứng của Mầu Nhiệm PS.
            3.1/ Chúa Giêsu hiện ra với các Tông-đồ: Thánh-sử Lucas chú trọng đến những chi tiết về thi thể của Chúa Giêsu Phục Sinh trong trình thuật hôm nay.
            (1) Chúa Phục Sinh có hình dạng để con người nhận ra: Khi một người nhìn thấy người chết hiện về, cảm tưởng của họ chắc cũng giống như các môn đệ trong trình thuật hôm nay: Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Tuy nhiên, như trong trình thuật của 2 môn đệ trên đường Emmaus, Chúa Giêsu phải có một hình dạng con người để các môn đệ có thể nhận ra và có tay để bẻ bánh.
            (2) Chúa Phục Sinh có thân xác để mọi người có thể sờ vào: Thấy các ông còn nghi ngờ Người là ma, Người mời gọi các ông sờ vào Người: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ sờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?" Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.
            (3) Chúa Phục Sinh có thể ăn uống như một con người: Thấy các ông còn đang ngỡ ngàng, Người quyết định tiến xa hơn: "Ở đây anh em có gì ăn không?" Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. Ma quỉ không thể ăn như Chúa Giêsu ăn trước mắt các môn đệ, vì chúng không có thi thể của con người.
            3.2/ Giải thích Lời Kinh Thánh cho các Tông-đồ: Rồi Người bảo các ông: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Moses, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm." Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Theo truyền thống Do-thái, Kinh Thánh bao gồm cả 3 phần: Sách Luật, Sách Ngôn-sứ, và các Thánh Vịnh. Cả ba đều làm chứng Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa.
            (1) Lời Kinh Thánh được ứng nghiệm: Trong 4 Tin Mừng cũng như Sách CVTĐ, rất nhiều lần nói tới việc: “như lời các ngôn sứ loan báo,” hay “để lời Kinh Thánh nên trọn.” Trong giới hạn của Bài Giảng, chúng tôi chỉ nêu lên một ví dụ cụ thể cho mỗi phần của Kinh Thánh:
            - Sách Luật: (Jn 6:45) dẫn chứng (Deut 18:15): “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; anh em hãy nghe vị ấy.”
            - Sách Ngôn-sứ: (Mt 8:17 và 12:18) lặp lại (Isa 42:1-4, 49:1-6, 50:4-9, 52:13-53:12) về Người Tôi Trung chịu đau khổ. (Mt 12:40) lặp lại (Hos 6:2 và Jon 2:1): “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.” (Mt 21:5) dẫn chứng Zech 9:9 về một vị vua khiêm nhường: “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Jerusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ.”
            - Thánh Vịnh: (Mk 12:10) dẫn chứng (TV 118:22): “Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường.” (Jn 10:35) dẫn chứng (TV 82:6 và Exo 7:1): “Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ.” (Jn 13:18) dẫn chứng (TV 41:10) về sự phản bội của Judah: “Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con.”
            (2) Nhiệm vụ của các Tông-đồ: Sau khi đã củng cố niềm tin của các ông bằng việc hiện ra và cắt nghĩa Kinh Thánh, người truyền cho các ông “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Jerusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
            - Chúng ta không bao giờ được để báo chí, dư luận, và cám dỗ thế gian, làm lung lay niềm tin của chúng ta vào sự Phục Sinh của Đức Kitô và vào sự sống đời sau; vì chúng ta đã có quá nhiều bằng chứng và nhân chứng về niềm tin này.
            - Khi chúng ta đã tin vào sự sống lại của Đức Kitô, chúng ta cũng phải tin vào những gì Ngài dạy dỗ: sự hiện diện của tội lỗi và nhu cầu được tha thứ, con đường đau khổ là con đường của những người môn đệ Chúa, và phải giữ các giới răn của Ngài.
            - Chúng ta phải tin tưởng và năng đọc toàn bộ Kinh Thánh, không được bỏ một phần hay một Sách nào cả, vì toàn bộ Kinh Thánh liên quan đến Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Kế Hoạch này được Đức Kitô thi hành đến chỗ toàn hảo.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

HÌNH ẢNH SINH HOẠT, THÁNH LỄ TẠ ƠN GĐPTTT. TẠI GX THIÊN ÂN, GX BÌNH THUẬN HẠT TÂN SƠN NHÌ THÁNG 3-4/2012

HÌNH ẢNH SINH HOẠT, THÁNH LỄ TẠ ƠN GĐPTTT. TẠI GX THIÊN ÂN, GX BÌNH THUẬN HẠT TÂN SƠN NHÌ THÁNG 3-4/2012

THỨ BẢY 21/4/2012 TUẦN I I PHỤC SINH, Thánh Anselm

Thánh Anselm
(1033-1109)

    Là một thanh niên lãnh đạm với tôn giáo, Thánh Anselm đã trở nên một trong những nhà lãnh đạo và thần học gia vĩ đại của Giáo Hội. Ngài có danh xưng "Ông Tổ Phái Kinh Viện" vì những cố gắng phân tích và làm sáng tỏ các chân lý đức tin qua sự hỗ trợ của lý lẽ.
    Thánh Anselm sinh trong một gia đình quyền quý ở Aoust, thuộc Piedmont. Ngài được người mẹ đạo đức chăm sóc và dạy dỗ về giáo lý, và ảnh hưởng tốt đẹp ấy đã kéo dài suốt cuộc đời ngài.
    Khi 15 tuổi, Anselm muốn gia nhập một đan viện, nhưng bị từ chối vì người cha phản đối. Sau thời gian mười hai năm sống trong sự thờ ơ tôn giáo và theo thói đời, sau cùng ngài đã trở thành một đan sĩ như lòng mong ước. Ngài gia nhập đan viện Bec ở Normandy, ba năm sau ngài được bầu làm đan viện trưởng, và 15 năm sau ngài được bầu làm viện phụ.
    Ðược coi là một nhà tư tưởng độc lập và độc đáo, Ðức Anselm được mọi người thán phục vì sự kiên nhẫn, hiền hòa và tài giảng dạy của ngài. Quả thật, ngài hiểu biết nhiều về thực chất và sự đam mê của con người đến độ dường như ngài đọc được tư tưởng và hành động của họ, bởi đó ngài nhìn thấy các nhân đức cũng như tật xấu của họ và khuyên bảo họ một cách thích hợp. Dưới sự lãnh đạo của ngài, Ðan Viện Bec trở nên trường đào tạo các đan sĩ, có ảnh hưởng đến các tư duy triết học và thần học thời ấy. 
    Trong những năm này, theo lời yêu cầu của cộng đoàn, Ðức Anselm bắt đầu công bố các công trình thần học của ngài, có thể sánh với các văn bản của Thánh Augustine. Công trình nổi tiếng nhất của ngài là cuốn Cur Deus Homo ("Tại Sao Thiên Chúa Làm Người").
    Khi 60 tuổi, ngài được bổ nhiệm làm Ðức Tổng Giám Mục của Canterbury vào năm 1093, trái với ý muốn của ngài. Việc bổ nhiệm ngài, lúc đầu bị vua nước Anh là William Rufus chống đối nhưng sau đó phải chấp nhận. Rufus cố chấp từ chối cộng tác với các nỗ lực cải cách Giáo Hội.
    Sau cùng Ðức Anselm phải đi lưu đầy cho đến khi Rufus từ trần năm 1100. Ngài được gọi về nước Anh bởi Henry I, là em và là người kế vị Rufus. Tuy nhiên, Ðức Anselm lại bất đồng với Henry về việc nhà vua nhúng tay vào các vấn đề của hàng giám mục, do đó ngài lại phải đi lưu đầy ba năm ở Rôma.
    Không chỉ lưu tâm đến hàng quý tộc, Ðức Anselm còn để ý và lo lắng cho người nghèo. Ngài là người đầu tiên trong Giáo Hội chống đối việc buôn nô lệ. Và ngài đã được Hội Ðồng Quốc Gia Westminster thông qua đạo luật cấm buôn bán con người. 
    Ngài từ trần ở Canterbury, Anh Quốc năm 1109, và được phong thánh năm 1494.  
    Lời Bàn
    Thánh Anselm, cũng như bất cứ môn đệ trung kiên nào khác của Ðức Kitô, đã phải vác thập giá của mình, nhất là dưới hình thức chống đối và xung đột với những người đang nắm quyền chính trị. Mặc dù bản tính là một người hiền hòa và yêu chuộng hòa bình, Thánh Anselm không nhượng bộ trước sự đàn áp và mâu thuẫn với các nguyên tắc đang bị đe dọa.
    Lời Trích
    "Trên thiên đàng không ai có sự khao khát nào hơn là thánh ý Thiên Chúa; và sự khao khát của một người sẽ là sự khao khát của mọi người; và sự khao khát của mọi người cũng như mỗi người sẽ là sự khao khát của Thiên Chúa" (Thánh Anselm, Opera Omnis, Thư 112).


    Trích từ NguoiTinHuu.com


TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ BẢY 21/4 2012 TUẦN I I PHỤC SINH, Làm sao để giải quyết các khó khăn trong cuộc đời?


Thứ Bảy Tuần II PS
Bài đọc: Acts 6:1-7; Jn 6:16-21.


1/ Bài đọc I:
1 Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên.
2 Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: "Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải.
3 Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó.
4 Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa."
5 Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Tê-pha-nô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Phi-líp-phê, Pơ-rô-khô-rô, Ni-ca-no, Ti-môn, Pác-mê-na và ông Ni-cô-la, một người ngoại quê An-ti-ô-khi-a đã theo đạo Do-thái.
6 Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông.
7 Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Giê-ru-sa-lem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin.
2/ Phúc Âm:
16 Chiều đến, các môn đệ xuống bờ Biển Hồ,
17 rồi xuống thuyền đi về phía Ca-phác-na-um bên kia Biển Hồ. Trời đã tối mà Đức Giê-su chưa đến với các ông.
18 Biển động, vì gió thổi mạnh.
19 Khi đã chèo được chừng năm hoặc sáu cây số, các ông thấy Đức Giê-su đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền. Các ông hoảng sợ.
20 Nhưng Người bảo các ông: "Thầy đây mà, đừng sợ! "
21 Các ông muốn rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc đó thuyền đã tới bờ, nơi các ông định đến.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Làm sao để giải quyết các khó khăn trong cuộc đời?
  Khó khăn và xung đột ý kiến xảy ra ở mọi nơi và mọi thời; nói cách khác, hễ có sống chung, là có đụng nhau. Làm thế nào để giải quyết khi phải đương đầu với những khó khăn hay xung đột? Người khó khăn nóng tính sẽ la hét, chửi rủa, làm cho ra lẽ; rồi sau đó muốn ra sao thì ra. Người thâm trầm ít nói sẽ lặng lẽ rút lui, và chép miệng thở dài: thôi thì đường ai nấy đi cho đẹp cả đôi bên. Nhưng cả hai cách giải quyết đều không đẹp ý Chúa và giúp ích cho tha nhân;vả lại, có đi đâu chăng nữa, con người vẫn phải đương đầu với vấn đề “chung đụng.”
Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta giải quyết vấn đề cách đẹp lòng Chúa và giúp ích cho tha nhân. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ tường thuật các khó khăn của cộng đồng các tín hữu sơ khai, họ cũng phải đương đầu với thiên vị và ghen tị giữa các tín hữu Do-thái theo văn hóa Hy-lạp và các tín hữu Do-thái bản xứ. Thay vì trốn tránh vấn đề, hay tìm cách ly khai, các Tông-đồ chọn thêm bảy Phó-tế để giúp các ngài lo cho các bà góa Do-thái theo văn hóa Hy-lạp. Mọi người đều vui vẻ với giải quyết khôn ngoan này. Trong Phúc Âm, khi phải đương đầu với phong ba bão tố, các Tông-đồ hỏang sợ, và càng sợ hãi hơn khi thấy một bóng người lướt trên nước tới thuyền của họ, vì các ông tưởng là ma; nhưng Chúa Giêsu lên tiếng trấn an các ông: “Chính Thầy đây! Đừng sợ!”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Biết khôn ngoan giải quyết vấn đề.
1.1/ Vấn đề thiên vị và ghen tị xảy ra trong cộng đòan: “Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên.”
(1) Nhận định vấn đề: Thói quen của con người là bảo vệ những người thân quen mình trước, rồi mới đến những người xa hơn. Vấn nạn trên xảy ra giữa những người Do-thái, nhưng theo những văn hóa khác nhau: các bà góa người bản xứ được cung cấp lương thực đầy đủ hơn những bà góa theo văn hóa Hy-lạp. Nếu không biết cách giải quyết vấn đề, tình trạng thiên vị và ghen tị sẽ ngày càng trầm trọng hơn, sẽ đưa đến việc tách rời giữa hai nhóm, sẽ gây thiệt hại cho sự đòan kết, và sẽ làm gương mù cho các tín hữu khác.
(2) Cách giải quyết: “Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: "Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó.”
Một người không thể làm hết, và cũng không tốt để làm hết, vì sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp bằng nhiều người cộng tác. Hơn nữa, việc mở mang Nước Chúa là bổn phận của tất cả mọi người, chứ không phải chỉ là bổn phận của giới lãnh đạo mà thôi. Các Tông-đồ biết sắp xếp các thứ tự ưu tiên: việc rao giảng Tin Mừng là bổn phận hàng đầu không thể xao lãng. Để có người lo cho các nhu cầu của cộng đoàn, cần tuyển thêm các Phó-tế có những đức độ cần thiết. Các Tông-đồ để cho các tín hữu tham gia vào việc tìm kiếm các ứng viên; sau đó các ngài sẽ chuẩn y bằng việc đặt tay, và hướng dẫn họ trong việc phục vụ cộng đoàn.
1.2/ Phẩm trật Hội Thánh dần dần được hình thành: “Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Stephanô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Philíp, Prochorus, Nicanor, Timon, Parmenas và ông Nicolaus, một người ngoại quê Antioch đã theo đạo Do-thái. Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông.” Đây là 7 Phó-tế đầu tiên của Hội Thánh. Phó-tế Stephanô là thánh tử đạo đầu tiên làm chứng cho Chúa Giêsu trong trình thuật mà chúng ta sẽ được nghe ít ngày nữa.
Số các tín hữu càng đông, phẩm trật của Hội Thánh càng phải được nới rộng để đáp ứng nhu cầu của cộng đoàn và của các tín hữu. Dưới sự hướng dẫn của các Tông-đồ và hoạt động của Chúa Thánh Thần, “Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Jerusalem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin.”
2/ Phúc Âm: Đừng sợ hãi khi phải đương đầu với các khó khăn trong cuộc sống.
Khó khăn trong cuộc sống không thể thiếu trong tiến trình thăng tiến và làm cho con người trưởng thành. Những khó khăn có thể do Thiên Chúa gởi đến để thử thách đức tin hay do tha nhân gây ra qua cuộc sống chung đụng. Trình thuật trong Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến trường hợp thứ nhất.
2.1/ Biển động làm các ông hỏang sợ: Trình thuật này xảy ra sau khi phép lạ Bánh hóa nhiều và dân chúng muốn tôn Chúa Giêsu làm vua của họ. Chúa Giêsu truyền cho các Tông-đồ qua bờ bên kia trước, còn Ngài lên núi cầu nguyện. Đứng trên núi của vùng Tiberias, Chúa Giêsu có thể quan sát rõ ràng thuyền của các ông trong Biển Hồ. Nhiều tác giả của các bài thánh ca đã so sánh Giáo Hội và cuộc đời con người như chiếc thuyền lênh đênh trên biển cả trong hành trình tiến về quê trời; ví dụ: Lạy Mẹ là ngôi sao sáng. Chúa Giêsu có thể đã nhìn thấy trước những khó khăn mà các Tông-đồ phải đương đầu với khi các ông phải hướng dẫn con thuyền Giáo Hội sau này; nên Ngài chuẩn bị cho các ông bằng biến cố biển động hôm nay.
Từ Tiberias, nơi các Tông đồ khởi hành khởi hành, đến Capernaum, nơi các ông muốn tới không xa lắm; nhưng đêm ấy biển động vì gió thổi mạnh. Khi đã chèo được chừng năm hoặc sáu cây số, các ông thấy Chúa Giêsu đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền. Điều này làm các ông hoảng sợ, vì từ trước tới giờ, các ông chưa từng được chứng kiến một con người đi trên nước. Chỉ có ma quỉ với làm được việc ấy. Vì thế, nỗi lo sợ các ông tăng gấp đôi.
2.2/ Chúa Giêsu trấn an các ông: "Thầy đây! Đừng sợ!" Các ông muốn rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc đó thuyền đã tới bờ, nơi các ông định đến. Nhiều lần trong cuộc đời công khai rao giảng, Chúa Giêsu đã nói những lời tương tự với các môn đệ: Khi hiện ra với các Tông-đồ sau khi sống lại, Chúa nói với các ông: “Đừng sợ!” (Mt 28:10). Những lời từ giã cuối cùng của Ngài với các ông: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Jn 14:27).
Hay khi chọn Phêrô để xây dựng Giáo Hội, Ngài đã nói với ông “Phêrô! Con là đá, và trên đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy. Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời và quyền lực của hỏa ngục cũng không thắng được” (Mt 16:18). Một khi sống trong sự bảo vệ của Ngài, con người không có gì phải sợ hãi nữa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Khi phải đương đầu với khó khăn và xung đột, cả hai thái độ tức giận chửi rủa và từ chối rút lui đều phải tránh. Chúng ta cần phối hợp cả hai: sự trợ giúp tinh thần của Chúa và sự tế nhị trong cách đối xử, để giải quyết vấn đề cách khôn ngoan và bác ái.
- Tất cả các tín hữu đều có bổn phận góp phần trong việc mở mang Nước Chúa. Những nhà lãnh đạo cần biết khôn ngoan hướng dẫn để mọi thành phần của Dân Chúa đều có cơ hội đóng góp tùy khả năng và hoàn cảnh của họ.
- Khi những khó khăn xảy đến, đừng sợ! Hãy bình tĩnh, cầu nguyện, và tìm cách đối phó.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

****************

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

THỨ SÁU 20/4/2012 TUẦN I I PHỤC SINH, Thánh Conrad ở Parzham

Thánh Conrad ở Parzham
(1818 - 1894)


    Thánh Conrad không phải là vị sáng lập dòng hay ngay cả là một linh mục, nhưng tình yêu của ngài dành cho Thiên Chúa và sự sùng kính Ðức Maria đã biến ngài trở nên một anh hùng của Ðức Giêsu Kitô. Thánh Conrad trổi vượt về đức bác ái, được biểu lộ trong tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, trong sự sùng kính Thánh Thể và sự tín thác vào Ðức Mẹ như trẻ thơ.


    Sinh trưởng ở Parzham, ngay từ nhỏ Conrad đã được cha mẹ dạy bảo giáo lý thật kỹ lưỡng. Dù phải làm việc đồng áng vất vả, Conrad vẫn dành nhiều thời giờ để cầu nguyện. Do đó người ta không ngạc nhiên khi thấy người trẻ này đã gia nhập dòng Capuchin sau khi các ngài đến đây truyền giáo.

    Conrad gia nhập dòng Capuchin với tư cách thầy trợ sĩ. Ngài khấn trọn năm 1852 và được bài sai đến tu viện ở Altoetting với công việc giữ cửa trong 41 năm. Vì tu viện là trung tâm hành hương nên việc giữ cửa rất bận rộn, mỗi ngày có đến cả ngàn người thăm hỏi, và dù già hay trẻ, lịch thiệp hay thiếu lễ độ, Thầy Conrad đều ân cần và hoà nhã đón tiếp họ. Qua cách đối xử nhân từ ấy, thầy đã đưa nhiều người về với Thiên Chúa. Thầy ngủ ít, siêng năng làm việc và luôn luôn kết hợp với Ðức Kitô. Thầy rất quý trọng Thánh Thể, và sung sướng khi được giúp lễ. Bất cứ lúc nào có chút thời giờ rảnh rỗi, thầy đều dùng để cầu nguyện trước Thánh Thể.

    Ngoài việc tôn thờ Thánh Thể và Chúa Giêsu Ðóng Ðinh, Thầy Conrad còn đặc biệt sùng kính Ðức Maria. Ngài là Nữ Vương và là Trạng Sư của thầy trong những khi thử thách. Thầy luôn luôn cổ võ lòng sùng kính Ðức Maria qua việc phân phát chuỗi Mai Khôi.

    Vào ngày 18 tháng Tư 1894, thầy bị liệt. Ba ngày sau, khi các trẻ em mà thầy đã dạy chúng lần hạt, đang đọc kinh ngoài cửa sổ thì thầy trút hơi thở cuối cùng.

    Với các nhân đức anh hùng và phép lạ của Thầy Conrad, Ðức Giáo Hoàng Piô XI đã tuyên phong chân phước vào năm 1930, và bốn năm sau, cũng chính Ðức Piô XI đã tuyên phong hiển thánh.



    Lời Trích

    "Thiên Chúa muốn tôi từ bỏ tất cả những gì ưa thích và gần gũi với tôi. Tôi cảm tạ Thiên Chúa đã gọi tôi vào đời sống tu trì, là nơi tôi tìm thấy sự bình an và niềm vui mà không thể nào tìm thấy trong thế gian. Những gì tôi muốn thực hiện trong cuộc đời, chính yếu là: sống bác ái và chịu đau khổ, luôn suy tưởng, tôn thờ và ngưỡng mộ tình yêu khôn tả của Thiên Chúa đã dành cho các tạo vật thấp hèn nhất của Ngài" (Thư của Thánh Conrad).

    
    Trích từ NguoiTinHuu.com



Nếu quả thật là việc do Thiên Chúa, quý vị không thể nào phá huỷ được.

Thứ Sáu Tuần II PS
Bài đọcActs 5:34-42; Jn 6:1-15.

1/ Bài đọc I:
34 Bấy giờ có một người Pha-ri-sêu tên là Ga-ma-li-ên đứng lên giữa Thượng Hội Đồng; ông là một kinh sư được toàn dân kính trọng. Ông truyền đưa các đương sự ra ngoài một lát.
35 Rồi ông nói với Thượng Hội Đồng: "Thưa quý vị là người Ít-ra-en, xin quý vị coi chừng điều quý vị sắp làm cho những người này.
36 Thời gian trước đây, có Thêu-đa nổi lên, xưng mình là một nhân vật và kết nạp được khoảng bốn trăm người; ông ta đã bị giết, và mọi kẻ theo ông cũng tan rã, không còn gì hết.
37 Sau ông, có Giu-đa người Ga-li-lê nổi lên vào thời kiểm tra dân số, và lôi cuốn dân đi với mình; cả ông này cũng bị diệt, và tất cả những người theo ông ta đều bị tan tác.
38 Vậy giờ đây, tôi xin nói với quý vị: hãy để mặc những người này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ;
39 còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá huỷ được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa." Họ tán thành ý kiến của ông.
40 Họ cho gọi các Tông Đồ lại mà đánh đòn và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giê-su, rồi thả các ông ra.
41 Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su.
42 Mỗi ngày, trong Đền Thờ và tại tư gia, các ông không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Đức Ki-tô Giê-su.

2/ Phúc Âm:
1 Sau đó, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a.
2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm.
3 Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4 Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái. 5 Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?"
6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.
7 Ông Phi-líp-phê đáp: "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút." 8 Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người:
9 "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu! " 10 Đức Giê-su nói: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. 11 Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. 12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi." 13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. 14 Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!" 15 Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.
 
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Nếu quả thật là việc do Thiên Chúa, quý vị không thể nào phá huỷ được.

Thời gian là một trong những yếu tố quan trọng để xác định điều gì là thật. Một vài ví dụ sẽ chứng tỏ điều này: cần thời gian để biết chiếc đồng hồ đeo tay làm ở Thụy-sĩ hay ở Trung-hoa;
cần thời gian để biết đâu là tình yêu chân thật và tình yêu qua đường; cần thời gian để biết đạo nào là đạo thật. Thông thường, khi muốn dẹp loạn, người ta chỉ cần giết người cầm đầu, như Chúa Giêsu cũng đã nhận định: “Họ sẽ đánh chủ chăn và đàn chiên sẽ tan tác.” Nhưng đã hơn 2,000 năm qua, mặc dù người ta đã giết Đức Kitô; nhưng đàn chiên của Kitô giáo đã không tan tác, mà còn phát triển thêm dân số mỗi ngày. Sự hiện hữu của Kitô Giáo cho đến ngày nay là một bằng chứng hùng hồn nữa cho sự phục sinh của Đức Kitô: Ngài vẫn đang hoạt động trong Giáo Hội.
Các Bài Đọc hôm nay muốn chứng minh uy quyền của Thiên Chúa: khi Ngài muốn, Ngài sẽ hoàn thành; không một khó khăn hay quyền lực nào có thể ngăn cản ý định của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, kinh-sư Gamaliel đề nghị Thượng Hội Đồng hãy cẩn thận trong việc bắt bớ các môn đệ của Thiên Chúa. Theo kinh nghiệm của ông, hãy cứ để cho thời gian gạn lọc: nếu đó không phải là việc của Thiên Chúa, sớm muộn gì rồi điều đó cũng tan; nhưng nếu việc đó do ý định của Thiên Chúa, quý vị không thể nào phá huỷ được. Trong Phúc Âm, khi Chúa Giêsu muốn nuôi dân, Ngài tìm cách cho dân có của ăn, mặc dù các tông đồ đưa ra những khó khăn. Khi Ngài không muốn dân chúng tôn làm vua, Ngài đi lên núi một mình.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc IHãy để cho thời gian gạn lọc sự sai trái.
1.1/ Thái độ khôn ngoan của ông Gamaliel: Ông là một người Pharisee được toàn dân kính trọng và là Thầy của thánh Phaolô trước khi trở lại (Acts 22:3). Ông truyền đưa các Tông-đồ ra ngoài một lát, và ông trình bày ý kiến với Thượng Hội Đồng: "Thưa quý vị là người Israel, xin quý vị coi chừng điều quý vị sắp làm cho những người này: Thời gian trước đây, có Theudas nổi lên, xưng mình là một nhân vật quan trọng và kết nạp được khoảng bốn trăm người; ông ta đã bị giết, và mọi kẻ theo ông cũng tan rã, không còn gì hết. Sau ông, có Judah người Galilee nổi lên vào thời kiểm tra dân số, và lôi cuốn dân đi với mình; cả ông này cũng bị diệt, và tất cả những người theo ông ta đều bị tan tác. Vậy giờ đây, tôi xin nói với quý vị: hãy để mặc những người này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá huỷ được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa." Họ tán thành ý kiến của ông vì đây là một ý kiến khôn ngoan dựa trên kinh nghiệm và lịch sử.

1.2/ Các Tông-đồ tiếp tục làm chứng cho Chúa Giêsu: Tuy đã tán thành ý kiến của ông Gamaliel, Thượng Hội Đồng vẫn dùng sức mạnh để dọa nạt các Tông-đồ. Họ cho gọi các ông lại mà đánh đòn và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giêsu, rồi thả các ông ra.
Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu. Mỗi ngày, trong Đền Thờ và tại tư gia, các ông không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô.

2/ Phúc Âm“Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.”
2.1/ Chúa Giêsu muốn nuôi ăn dân chúng: Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái. Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philíp: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?"
(1) Các môn đệ muốn Chúa thay đổi ý định: Có lẽ các ông quan niệm Chúa Giêsu cũng giống như một Rabbi, chỉ có bổn phận lo dạy dỗ và cắt nghĩa Lề Luật cho dân chúng, chứ không có bổn phận phải cho dân chúng ăn.
- Ông Philíp nại lý do không có tiền: "Thưa Thầy, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút."
- Ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, nại lý do không đủ thực phẩm: "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!"
(2) Chúa Giêsu biết những gì Ngài sắp làm: Tuy gặp sự can ngăn của các Tông-đồ và nỗi khó khăn phải tìm lương thực trong nơi hoang dã, Chúa Giêsu vẫn bảo các ông: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Ngài dùng uy quyền làm bánh hóa ra nhiều: “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.”
Khi họ đã ăn no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi." Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.
Đây là hình ảnh của Bí-tích Thánh Thể trong Tin Mừng Gioan, tuy Gioan không tường thuật sự kiện Chúa Giêsu lập BT Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, nhưng Gioan dùng công thức truyền phép và diễn từ về sự quan trọng của Bí-tích này trong Chương 6. Chúa Giêsu muốn lập Bí-tích Thánh Thể để ở lại và cho dân chúng ăn Ngài mỗi ngày. Giống như thái độ của các Tông-đồ, con người ở mọi thời tiếp tục cho đây là điều không thể, hay chỉ là biểu tượng …, và nghi ngờ sự hiện diện đích thực của Chúa trong Bí-tích. Họ quên đi rằng: chẳng có gì là không thể đối với Thiên Chúa; một khi Ngài muốn, Ngài sẽ có cách để thực hiện.
2.1/ Dân chúng muốn tôn Chúa Giêsu làm vua: Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm, họ nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!" Lý do họ muốn tôn Ngài làm vua là để Ngài lo cho họ có bánh ăn; nhưng Chúa Giêsu muốn họ phải làm mới có bánh ăn. Khi Ngài cho họ ăn, Ngài không chỉ nuôi dưỡng phần xác; nhưng còn tăng nghị lực cho phần hồn của họ, để họ có sức mạnh vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Khi Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, Người lánh mặt và đi lên núi một mình. Ngài không muốn làm vua họ như một ông vua thế gian vì họ đã có rồi; Ngài chỉ muốn làm vua trong tâm hồn của họ và trên Nước Trời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Khi làm việc tông đồ mà gặp khó khăn, chúng ta cần tin tưởng: “Nếu quả thật là việc do Thiên Chúa, không ai có thể phá huỷ được.” Nói cách khác: nếu là việc Thiên Chúa muốn, Ngài sẽ làm cho thành; nếu không phải là việc Thiên Chúa muốn, hãy để chúng tiêu tan, đừng quá bận tâm lo lắng. Không ai có thể chống lại ý Thiên Chúa muốn.
- Chúng ta cần để cho thời gian gạn lọc sự giả tạo và sai trá trong cuộc đời. Đừng vội chạy theo những giáo lý mới hay những trào lưu mới, mà gạt bỏ những giá trị nền tảng của đạo và những truyền thống tốt đẹp của Giáo Hội, của quê hương, hay của gia đình.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************