Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Kiên nhẫn


Kiên nhẫn


Thứ Bảy tuần XVI mùa Thường Niên - Ngày 23/07: Thánh Birgitta


"Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt." (Mt 13,30)

Lời Chúa: Mt 13,24-30


24 Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất.

26 Khi lúa lớn lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng lộ ra. 27 Đầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: "Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?" 28 Ông đáp: "Người thù của ta đã làm như thế". Đầy tớ nói với chủ: "Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ". 29 Chủ nhà đáp: "Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. 30 Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta".

(Nguồn: Ủy ban Thánh Kinh / HĐGMVN)


"Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt." (Mt 13,30)


Suy niệm:

Dụ ngôn lúa tốt và cỏ lùng:

1. Vấn đề: Với lời rao giảng của Chúa Giêsu, Nước Trời đã bắt đầu thành lập. Vậy thì có nên để cho Nước Ma quỷ tiếp tục tồn tại không? Tại sao kẻ ác vẫn còn sống mãi bên cạnh người lành và làm hại người lành? Sao không giải quyết dứt khoát cho sớm đi?

2. Giải đáp: Chúa Giêsu trả lời qua dụ ngôn này rằng không nên nóng vội mà đòi cho cuộc thẩm phán diễn ra trước hạn kỳ mà Thiên Chúa đã định. Hiện tại cứ phải kiên nhẫn mà chờ, trong niềm xác tín rằng thế nào rồi cũng có Thẩm phán và khi đó số phận kẻ lành người dữ sẽ được phân định rõ ràng.

3. Ý nghĩa: Dụ ngôn này vừa mời gọi kiên nhẫn vừa mời gọi khiêm nhường.

- Kiên nhẫn: chờ cho đến kỳ hạn Chúa định.

- Khiêm nhường: trong khi chờ đợi Thiên Chúa xét xử ai là kẻ lành ai là người dữ, mỗi người không nên dành quyền xét xử ấy của Thiên Chúa để coi ai là lành ai là dữ, ai là lúa tốt ai là cỏ dại. Mỗi người hãy chỉ lo một việc cần thiết thôi là lo trung thành nghe và thực thi Lời Chúa.

4. Lạc quan: Thái độ của ông chủ ruộng thật là lạc quan.

- Khi tôi tớ đến báo động là có cỏ dại, ông khỏi cần suy nghĩ mà trả lời ngay rằng "kẻ thù đã gieo" (cc. 27-28).

- Tôi tớ hoảng sợ xin đi nhổ cỏ lùng, ông bảo "Đừng".

Ông chủ rất bình tâm chẳng chút ngạc nhiên và chẳng hề lo sợ, vì ông lạc quan tin vào khả năng của giống lúa, nó chẳng thế nào chịu thua sức mạnh của cỏ dại được.

Cầu nguyện:


Lạy Chúa Giêsu mến yêu, xin ban cho chúng con một tâm hồn ngay thẳng, một trái tim yêu thương, một tấm lòng quảng đại để chúng con biết gieo tình người đầy yêu thương, bác ái và cảm thông đến cho mọi người. Amen.

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

Ơn hiểu biết


Ơn hiểu biết





Thứ Năm tuần XVI mùa Thường Niên



"Về phần các con, đã được cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết." (Mt 13,11)


Lời Chúa: Mt 13,10-17



10 Khi ấy, các môn đệ đến gần thưa Chúa Giêsu rằng: "Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?" 11 Người đáp lại: "Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết. 12 Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi. 13 Bởi thế, Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết. 14 Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng: "Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. 15 Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai, và nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành". 16 "Phần các con, phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. 17 Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe".

(Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN)





Cầu nguyện:


Lạy Chúa Giêsu, xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ, nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói, dễ thấy Chúa hiện diện và hoạt động trong đời con.Amen.