Cuộc bách hại Kitô Hữu đầu tiên ở Alexandria
xảy ra trong triều đại Hoàng Ðế Philip. Nạn nhân đầu tiên bị người ngoại giáo
tấn công là một cụ già tên Metrius, cụ bị tra tấn và sau đó bị ném đá cho đến
chết. Người thứ hai từ chối không chịu thờ tà thần là một phụ nữ Kitô Hữu tên
Quinta. Lời nói của bà đã làm đám đông tức giận và bà đã bị đánh đập bằng gậy
gộc và ném đá.
Thanh Apollonia Trong khi hầu hết Kitô Hữu
rời bỏ thành phố, để lại mọi của cải thế gian thì một nữ phó tế tên là
Apollonia bị bắt. Thánh Dionysius, Giám Mục Antiôkia, kể cho chúng ta biết, đám
đông đã đánh đập Apollonia, và bẻ gãy mọi cái răng của ngài. Sau đó họ đốt một
đám lửa thật lớn và đe dọa nếu ngài không chịu nguyền rủa Thiên Chúa thì họ sẽ
ném ngài vào lửa. Ngài xin đợi một vài giây phút như để suy nghĩ về điều họ yêu
cầu. Nhưng thay vào đó, ngài đã tự ý nhảy vào lửa và được phúc tử đạo.
Có nhiều nhà thờ được dâng kính cho thánh nữ.
Là quan thầy của các nha sĩ, Thánh Apollonia thường được cầu khẩn để chữa răng
đau và các bệnh liên hệ đến răng. Ngài thường được vẽ với đôi kìm đang kẹp một
cái răng hoặc một chiếc răng vàng đeo trên cổ. Thánh Augustine giải thích về sự
tử đạo của ngài là do sự thúc giục đặc biệt của Chúa Thánh Thần, vì không ai
được phép tự ý gây ra cái chết cho mình.
8 Thiên Chúa phán với ông Nô-ê và các con ông đang ở với ông
rằng:9 "Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng
dõi các ngươi sau này,10 và tất cả mọi sinh vật ở với các
ngươi: chim chóc, gia súc, dã thú ở với các ngươi, nghĩa là mọi vật ở trong tàu
đi ra, kể cả dã thú.11 Ta lập giao ước của Ta với các ngươi:
mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thủy huỷ diệt, và cũng sẽ không còn có
hồng thủy để tàn phá mặt đất nữa."12 Thiên Chúa phán:
"Đây là dấu hiệu giao ước Ta đặt giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh
vật ở với các ngươi, cho đến muôn thế hệ mai sau:13 Ta gác cây
cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất.14 Khi
Ta cho mây kéo đến trên mặt đất và cây cung xuất hiện trong mây,15 Ta
sẽ nhớ lại giao ước giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật, nghĩa là với
mọi xác phàm; và nước sẽ không còn trở thành hồng thủy để tiêu diệt mọi xác
phàm nữa.
2/ Bài đọc II:
18 Chính Đức Ki-tô đã chịu chết một lần vì tội lỗi - Đấng Công
Chính đã chết cho kẻ bất lương - hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân
xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh.19 Người
đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm,20 tức là những
người xưa đã không vâng phục Thiên Chúa, trong thời Thiên Chúa kiên nhẫn chờ
đợi, nghĩa là thời ông Nô-ê đóng tàu. Trong con tàu ấy, một số ít, cả thảy là
tám người, được cứu thoát nhờ nước.21 Nước đó là hình bóng phép
rửa nay cứu thoát anh em. Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết
nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự
phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô,22 Đấng đang ngự bên hữu Thiên
Chúa sau khi đã lên trời, đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục
quyền.
3/ Phúc Âm:
12 Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa.13 Người
ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và
có các thiên sứ hầu hạ Người.14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức
Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.15 Người
nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám
hối và tin vào Tin Mừng."
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Thiên Chúa thực hiện
mọi sự tốt đẹp qua Đức Kitô.
Nhìn lại lịch sử là điều cần thiết để hiểu biết và phê bình. Để so sánh cách
chính xác, con người thường so sánh những gì xảy ra trước và sau khi một người
nhận công việc hay chức vụ. Ví dụ, để phê bình tổng thống Obama, người ta sẽ
dựa vào tình hình chính trị và kinh tế trước và sau khi ông nhậm chức tổng
thống.
Lịch sử Cứu Độ cần thiết để chúng ta nhận diện tội lỗi con người và tình thương
của Thiên Chúa. Cả ba Bài Đọc hôm nay đều cho chúng ta thấy một sự tương phản
trước và sau những biến cố lịch sử chính.
Trong Bài Đọc I, tác-giả Sách Sáng Thế cho chúng ta nhìn thấy những gì xảy ra
sau trận Lụt Hồng Thủy; điều này giả sử phải có lý do và những gì xảy ra trước
đó. Thiên Chúa đã nhìn thấy tội lỗi con người xúc phạm đến Ngài quá nhiều, nên
Ngài muốn tái tạo một trời mới đất mới, trong đó có gia đình Noah. Trong Bài
Đọc II, tác giả Thư Phêrô so sánh Lụt Hồng Thủy với cái chết của Đức Kitô. Nếu
Lụt Hồng Thủy tàn sát tất cả vì tội lỗi con người, cái chết của Đức Kitô xóa đi
tất cả tội lỗi và cứu sống con người. Điều này bảo đảm Lời hứa của Thiên Chúa:
Lụt Hồng Thủy sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Trong Phúc Âm, sau khi Chúa Giêsu
được Thánh Thần đưa vào sa mạc để chịu cám dỗ 40 đêm này, Ngài đã thắng vượt
được tất cả và bắt đầu hành trình rao giảng Tin Mừng để đem ơn Cứu Độ đến cho
con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Gia
đình Noah được cứu thóat khỏi Lụt Hồng Thủy.
1.1/ Tội lỗi của con người: là một thực trạng không thể chối cãi. Sách Sáng Thế
từ chương 1-11 tường trình từ chi tiết đến tổng quát các tội của con người:
- Tội Nguyên Tổ: Tổ tiên con người, Adam và Eve, đã bất tuân lệnh Thiên Chúa ăn
trái cấm. Con người phải lãnh nhận các hình phạt của việc bất tuân.
- Tội giết người: Cain giết Abel, em mình, vì tức giận Thiên Chúa không đóai
nhìn đến lễ vật ông dâng. Cain phải chấp nhận hình phạt của Thiên Chúa.
- Tội kiêu ngạo: Con người xây tháp Babel vì muốn để lại danh tiếng và không
phải tùy thuộc vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Hậu quả là ngôn ngữ bất đồng,
Thiên Chúa phân tán họ khắp mặt đất.
- Tất cả các tội khác: là nguyên nhân của Lụt Hồng Thủy. Chúa cứu gia đình ông
Noah.
1.2/ Tình thương Thiên Chúa cứu vớt con người: Ngay cả trong khi ra hình phạt
cho con người, tình thương của Thiên Chúa vẫn thể hiện trong tất cả mọi trường
hợp. Trong trận Lụt Hồng Thủy, sau khi nhìn thấy kết quả của sự tàn phá, Chúa
hứa với Noah và gia đình ông: “Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với
dòng dõi các ngươi sau này, và tất cả mọi sinh vật ở với các ngươi: chim chóc,
gia súc, dã thú ở với các ngươi, nghĩa là mọi vật ở trong tàu đi ra, kể cả dã
thú. Ta lập giao ước của Ta với các ngươi: mọi xác phàm sẽ không còn bị nước
hồng thủy huỷ diệt, và cũng sẽ không còn có hồng thủy để tàn phá mặt đất
nữa." Dã thú ở với Noah trên tàu mà không làm hại ông cũng như các súc vật
khác trên tàu, nhưng vâng lời con người. Khi con người sống công chính trước
Thiên Chúa, tất cả các quyền lực và dã thú phải tùng phục con người. Dã thú
cũng được bao gồm trong giao ước Thiên Chúa làm với con người.
Cầu Vồng là dấu hiệu của tình thương Thiên Chúa: Thiên Chúa phán: "Đây là
dấu hiệu giao ước Ta đặt giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật ở với các
ngươi, cho đến muôn thế hệ mai sau: Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là
dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất. Khi Ta cho mây kéo đến trên mặt đất và
cây cung xuất hiện trong mây, Ta sẽ nhớ lại giao ước giữa Ta với các ngươi, và
với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm; và nước sẽ không còn trở thành
hồng thủy để tiêu diệt mọi xác phàm nữa.”
2/ Bài đọc II: Lời hứa của Thiên Chúa được hiện thực nơi Đức Kitô.
2.1/ Con người vẫn tiếp tục xúc phạm đến Thiên Chúa: Từ thời Noah cho đến thời
Đức Kitô, con người vẫn tiếp tục phạm tội, nhưng Thiên Chúa giữ lời hứa không
giết con người bằng Lụt Hồng Thủy nữa. Nhưng làm sao để giải thóat con người
khỏi tội? Đó chính là Kế họach Cứu Độ của Thiên Chúa qua Đức Kitô. Ngài ban cho
con người Đức Kitô để gánh tội cho con người.
2.2/ Chúa Giêsu đã chịu phép rửa trong nước và máu để chuộc tội cho con người:
Các Thánh Giáo Phụ nhìn thấy sự giống nhau giữa Lụt Hồng Thủy và biến cố Đức
Kitô:
* Trong Lụt Hồng Thủy, ai không tin vào Noah và ở trong tàu sẽ bị nước cuốn đi;
cũng vậy, ai không tin vào Đức Kitô cũng phải chịu số phận tương tự. Tác giả
Thư Phêrô quả quyết: “Chính Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi - Đấng
Công Chính đã chết cho kẻ bất lương - hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa.
Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh.”
* Lụt Hồng Thủy là hình bóng của Phép Rửa Tội: Cả hai đều rửa sạch tội lỗi con
người. “Nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em.”
* Có phải chỉ cần chịu phép rửa là được cứu độ? Nhiều giáo phái tin như thế.
Nhưng tác giả Thư Phêrô cắt nghĩa: “Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy
sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong
trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa
sau khi đã lên trời, đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục
quyền.” Con người vẫn phải trải qua thử thách và cám dỗ, và họ phải chứng minh
sự trung thành với Thiên Chúa.
* Đức Kitô không những có quyền năng giải thóat những người đương thời và tương
lai, mà còn cả những người đã hư mất trong và trước thời Noah: “Người đã đến rao
giảng cho các vong linh bị giam cầm, tức là những người xưa đã không vâng phục
Thiên Chúa, trong thời Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi, nghĩa là thời ông Noah
đóng tàu. Trong con tàu ấy, một số ít, cả thảy là tám người, được cứu thoát nhờ
nước.”
3/ Phúc Âm: Đức
Kitô bắt đầu triều đại của Thiên Chúa.
3.1/ Đức Kitô chịu cám dỗ trong hoang địa: “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang
địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài
dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.” Sự kiện này xảy ra ngay sau khi Chúa
Giêsu chịu phép Rửa tại sông Jordan bởi Gioan.
“Hoang địa” không có nghĩa là sa mạc, chỉ có nghĩa là vùng không hay rất ít
người ở. Chỗ mà Marcô nói đến hôm nay là một vùng núi đá vây quanh bởi nhiều
vực thẳm. Hiện nay vẫn còn một tu viện của các đan sĩ nằm chênh vênh lưng chừng
núi. Đây là một sáng kiến rất đạc biệt. Nếu du khách đứng trên một ngọn đồi đối
diện nhìn qua Núi Cám Dỗ, họ sẽ há miệng kinh ngạc khi nhìn thấy tu viện; vì họ
không thể nào ngờ trong nơi hoang dã và hiểm trở như thế, con người có thể xây
một căn nhà như những chiếc hộp chồng lên nhau giữa lưng chừng núi. Chỉ cần sơ
sót chợt chân một tí là sẽ rơi xuống vực thẳm. Điều này tự nó nói lên nguy hiểm
của “chước cám dỗ:” chỉ cần sơ sót một tí, con người sẽ mất mạng ngay. Chúng
tôi có cơ hội leo lên chốn này để thăm tu viện, rồi từ đó leo lên tới đỉnh núi
khỏang 30 phút. Núi cám dỗ không xa kinh thành Jerusalem bao nhiêu, khỏang 30
dặm lái xe. Trên đỉnh núi một người có thể nhìn thấy Jerusalem.
Trình thuật cám dỗ của Chúa Giêsu gợi lại “biến cố cám dỗ” trong Vườn Địa Đàng:
có Satan, các dã thú, và các thiên thần. Khi con người chưa rơi vào chước cám
dỗ, họ có thể ở chung với dã thú mà không sợ hãi. Khi con người sa chước cám
dỗ, các dã thú sợ hãi và có thể gây nguy hiểm cho con người. Điều này cũng đã
được tiên tri Isaiah nói tới khi triều đại Thiên Chúa đến, chó sói sẽ ở chung
với chiên… trẻ thơ có thể thò tay vào hang rắn lục mà không sợ nguy hiểm (Isa
11:6-9). Ngay cả trong khi bị cám dỗ, các thiên thần của Chúa vẫn hiện diện để
nâng đỡ và gìn giữ con người khỏi sa chước cám dỗ và “vấp chân vào đá.”
Marcô chỉ tường thuật tổng quát Chúa Giêsu chịu cám dỗ, nhưng không tường thuật
chi tiết các cám dỗ như Matthew và Luke (Mt 4:1-11, Lk 4:1-13). Điều Marcô muốn
nhấn mạnh là sự khác biệt giữa hai biến cố: Đức Kitô, Adam mới đã thắng vượt
mọi cám dỗ, chứ không sa chước cám dỗ như Adam cũ.
3.2/ Đức Kitô rao giảng Tin Mừng: “Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền
Galilee rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và
Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."”
Thời kỳ đã mãn tức là thời gian con người phải chờ đợi đã hòan tất. Triều đại
Thiên Chúa bắt đầu với sự xuất hiện của Đức Kitô. Qua Ngài, tất cả những gì
Thiên Chúa hứa được thực hiện và hòan tất tốt đẹp. Chúa Giêsu rao truyền hai
điều quan trọng:
(1) Ăn năn xám hối: Giống như Gioan, Chúa Giêsu cũng đòi con người phải nhận ra
tội lỗi và ăn năn xám hối; vì không thể nhận được sự tha thứ nếu không thú nhận
tội lỗi của mình. Ơn thánh của Thiên Chúa đòi sự cộng tác của con người.
(2) Tin vào Tin Mừng: Điều này làm Chúa Giêsu khác Gioan. Marcô muốn nói gì
trong câu “tin vào Tin Mừng?”
- Tin Mừng là chính Đức Kitô: con người của Ngài, những lời Ngài dạy dỗ và các
việc Ngài làm.
- Tất cả những gì Thiên Chúa hứa được thực hiện nơi Đức Kitô trong Kế Họach Cứu
Độ.
- Tình thương Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi con người: Như một người Cha, không
có tội nào của con cái có thể lấy đi tình thương; ngọai trừ tội cố tình không
chịu ăn năn trở về.
- Đức Kitô gánh tội cho con người: để bảo đảm sự công bằng của Thiên Chúa.
- Đức Kitô giải thóat con người khỏi chết và mang lại ơn Cứu Độ cho con người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tình thương Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi con người. Ngài sẵn sàng tha thứ mọi
tội cho con người.
- Kế họach Cứu Độ được thực hiện qua Đức Kitô. Để được ơn Cứu Độ, con người
phải tin vào Đức Kitô và lãnh nhận BT Rửa Tội.
- Như Đức Kitô đã chịu cám dỗ và đã tòan thắng, Ngài có thể giúp chúng ta cũng
tòan thắng các chước cám dỗ của ma quỉ. Trường hợp sa chước cám dỗ, chúng ta đã
có Bí-tích Hòa Giải để tha thứ. Ma quỉ không thể làm gì chúng ta bao lâu chúng
ta luôn sẵn sàng xám hối và tin vào Tin Mừng.
- Mùa Chay là cơ hội thuận tiện để chúng ta đọc lại lịch sử và tin vào tình thương
của Thiên Chúa dành cho con người.
Những con đường và nhịp cầu mà Chân Phước
Sebastian xây dựng thì nối liền nhiều chỗ thật xa cách. Nhịp cầu sau cùng ngài
hoàn tất là giúp người ta nhận biết phẩm giá và cùng đích mà Thiên Chúa đã ban
cho loài người.
Cha mẹ của Sebastian là nông dân Tây Ban Nha.
Vào năm 31 tuổi, ngài xuống tàu đi Mễ Tây Cơ, ở đây ngài làm việc đồng áng. Sau
đó ngài xây đắp những con đường để thuận tiện cho việc trao đổi nông nghiệp và
thương mãi. Con đường ngài xây từ Mexico City cho đến Zacatecas dài 466 dặm và
phải mất 10 năm mới hoàn tất, và vừa phải khéo léo thương thuyết với những
người thổ dân.
Sau cùng, Sebastian là một điền chủ giàu có.
Khi 60 tuổi ngài lập gia đình với một trinh nữ. Ðộng lực chính mà người trinh
nữ kết hôn với ngài có lẽ là số gia tài kếch sù; phần ngài thì muốn giúp đỡ
người con gái nghèo nàn không có của hồi môn ấy một cuộc đời xứng đáng. Khi
người vợ thứ nhất qua đời, ngài lấy một trinh nữ thứ hai cũng vì lý do như
trước; và người vợ thứ hai cũng chết sớm.
Vào năm 72 tuổi, Sebastian phân phát tài sản
cho người nghèo rồi gia nhập dòng Phanxicô với tư cách của một thầy trợ sĩ.
Ðược giao cho công việc ẩm thực của tu viện rộng lớn ở Puebla de los Angeles
(100 thành viên) nằm về phía nam của Mexico City, Thầy Sebastian đã chu toàn
bổn phận đi khất thực trong 25 năm. Lòng bác ái của thầy đối với tất cả mọi
người thật xứng với cái tên mà người ta đã đặt cho ngài, "Thiên Thần của
Mễ Tây Cơ."
Thầy Sebastian được phong chân phước năm 1787
và là quan thầy của những người lữ hành.
Lời
Bàn
Theo Quy Luật Thánh Phanxicô, các tu sĩ phải
làm việc để có miếng ăn. Nhưng đôi khi công việc của họ không đủ cung cấp cho
nhu cầu; thí dụ, họ chăm sóc người cùi là những người không có gì để đáp trả.
Trong trường hợp ấy, các tu sĩ được phép đi xin, và luôn nhớ đến điều nhắc nhở
của Thánh Phanxicô là hãy làm gương tốt để khuyến dụ dân chúng. Cuộc đời của
Chân Phước Sebastian, dù tuổi già nhưng vẫn hăng say, chắc chắn đã đưa nhiều
người đến gần Thiên Chúa hơn.
Lời
Trích
Có lần Thánh Phanxicô nói với các môn
sinh:"Giữa thế gian và tu sĩ có một giao kèo. Tu sĩ phải đem lại cho thế
gian gương mẫu tốt lành; và thế gian phải cung ứng cho các nhu cầu của họ. Khi
các tu sĩ hư hỏng đức tin và không còn làm gương tốt, thế gian sẽ rút tay lại
như một sự khiển trách chính đáng" (2 Celano, #70).
9 Bấy giờ, ngươi kêu lên, ĐỨC CHÚA sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu,
Người liền đáp lại: "Có Ta đây!" Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông
cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người,
10 nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị
hạ nhục,
thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác
nào chính ngọ.
11 ĐỨC CHÚA sẽ không ngừng dẫn dắt ngươi, giữa đồng khô cỏ
cháy, Người sẽ cho ngươi được no lòng; xương cốt ngươi, Người sẽ làm cho cứng
cáp. Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm như mạch suối không cạn nước bao giờ.
12 Nhờ ngươi, người ta sẽ tái thiết những tàn tích cổ xưa,
ngươi sẽ dựng lại những nền móng của các thế hệ trước, người ta sẽ gọi ngươi là
người sửa lại những lỗ hổng,
là kẻ tu bổ phố phường cho người ta cư ngụ. Ngày sa-bát 13 Nếu
ngươi giữ chân không vi phạm ngày sa-bát, và không tìm lợi lộc trong ngày thánh
của Ta, nếu ngươi gọi ngày sa-bát là "niềm vui" và ngày thánh của ĐỨC
CHÚA là "vinh hiển",
nếu ngươi tôn trọng ngày đó mà tránh đi đường, tránh kiếm lợi, tránh nói huyên
thuyên,
14 thì bấy giờ, ngươi sẽ được ĐỨC CHÚA làm niềm vui, Ta sẽ cho
ngươi phóng ngựa trên các vùng đất cao trong xứ, sẽ cho ngươi hưởng gia nghiệp
của Gia-cóp, tổ tiên ngươi. Chính miệng ĐỨC CHÚA đã phán như vậy.
2/ Phúc Âm:
27 Sau đó, Đức Giê-su đi ra và trông thấy một người thu thuế,
tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi!
"
28 Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người.
29 Ông Lê-vi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo
người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài.
30 Những người Pha-ri-sêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ
mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giê-su rằng: "Sao các ông lại ăn uống với
bọn thu thuế và quân tội lỗi? "
31 Đức Giê-su đáp lại họ rằng: "Người khoẻ mạnh không cần
thầy thuốc, người đau ốm mới cần.
32 Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi
người tội lỗi sám hối ăn năn."
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Lòng thương xót quan trọng hơn việc giữ Luật.
Luật lệ làm ra cho lợi ích của con người. Nói
cách khác, vì lợi ích của con người, nên mới có những luật lệ để bảo vệ những
lợi ích này. Vì thế, sống tinh thần của luật lệ quan trọng hơn sống vụ luật.
Nếu phải vi phạm luật lệ để cứu người, một người có bổn phận phải làm như thế.
Trong ba năm rao giảng của Chúa Giêsu, đa số những vụ xung đột giữa Ngài và các
Biệt-phái, cùng các Kinh-sư, xoay quanh nguyên lý này.
Các Bài Đọc hôm nay cũng đặt trọng tâm trên
nguyên lý này. Trong Bài Đọc I, Tiên-tri Isaiah nhấn mạnh đến lòng thương xót,
biểu lộ qua sự giúp đỡ những người yếu kém, hơn là vụ hình thức bên ngòai.
Trong Phúc Âm, các Biệt-phái và các Kinh-sư trách Chúa Giêsu và các môn đệ đã
ăn uống, làm bạn với những người thu thuế tội lỗi. Chúa Giêsu sửa sai và nhắc
khéo cho họ biết: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới
cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám
hối ăn năn."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sống mối liên hệ với con người và Thiên Chúa.
1.1/ Việc ăn chay đúng nghĩa: Lý do chính tại
sao dân Do-Thái mất quê hương và phải lưu đày là không sống đúng đắn mối liên
hệ với Thiên Chúa và vi phạm các bất công xã hội. Sống mối liên hệ với Thiên
Chúa không phải chỉ là dâng lễ vật, giữ các Lề Luật, hay việc ăn chay hời hợt
bên ngòai; nhưng là sống theo thánh ý Thiên Chúa, tôn trọng công bằng, và giúp
đỡ mọi người.
(1) Sống theo thánh ý Thiên Chúa: Trước, trong,
và sau thời gian lưu đày, Thiên Chúa không ngừng gởi các tiên tri tới để cho
dân biết ý định của Thiên Chúa; dân chúng có bổn phận phải nghe và làm theo
những gì các tiên tri dạy bảo. Trong quá khứ, nhiều lần họ đã bắt bớ, đe dọa,
và ngay cả giết các tiên tri; vì thế Tiên-tri Isaiah kêu gọi: Phải loại khỏi
nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, và phải làm thoả lòng
người bị hạ nhục.
(2) Sống công bằng xã hội: Lý do chính yếu của
việc nghèo đói là vì bất công xã hội, người giàu dùng sự khôn ngoan và sức mạnh
của mình để bóc lột người nghèo. Vì thế, khỏang cách giữa hai giai cấp ngày
càng lan rộng: người giàu mỗi ngày một giàu thêm và người nghèo càng ngày càng
nghèo đi. Thời gian ăn chay không những giúp người giàu hiểu biết người nghèo
và chia cơm sẻ áo cho họ; đồng thời cũng giúp người giàu nhận ra những bất công
họ đã vi phạm.
(3) Giúp đỡ những người yếu kém: Trong sự quan
phòng của Thiên Chúa, những người được Thiên Chúa ban cho có tài năng và của
cải, là để giúp những người yếu kém; chứ không phải để kiêu căng, phách lối, và
bóc lột họ.
Để phục hồi quốc gia và xây dựng một xã hội lành
mạnh, ba điều nói trên phải tìm thấy nơi những người lãnh đạo, trước khi họ có
thể dạy dỗ cho mọi người dân trong nước.
1.2/ Mục đích của ngày Sabbath: là để con người
nghỉ ngơi phần xác và củng cố mối liên hệ phần hồn với Thiên Chúa. Tiên-tri
Isaiah liệt kê một số những điều nên và không nên làm trong ngày này: “Nếu
ngươi giữ chân không vi phạm ngày Sabbath, và không tìm lợi lộc trong ngày
thánh của Ta, nếu ngươi gọi ngày Sabbath là "niềm vui" và ngày thánh
của Đức Chúa là "vinh hiển," nếu ngươi tôn trọng ngày đó mà tránh đi
đường, tránh kiếm lợi, tránh nói huyên thuyên.” Nếu trong ngày Sabbath mà con
người không tư tưởng gì đến Thiên Chúa, lại còn cười nói huyên thuyên và đưa
điều đặt chuyện, hay tìm kiếm mánh mung để tìm lợi lộc, làm sao có thể gọi là
giữ ngày Sabbath?
2/ Phúc Âm: Chúa
đến để kêu gọi tất cả ăn năn trở lại.
2.1/ Chúa gọi Matthew, người thu thuế: Người
Do-Thái thời đó dưới ách đô hộ của Đế quốc Rôma. Những người thu thuế được coi
như những người phản bội: vào hùa với Đế quốc để bóc lột dân chúng bằng việc
đóng thuế. Họ đối xử bất công với dân chúng, vì luôn thu thuế quá giới hạn mà
dân phải đóng. Vì thế, những người thu thuế được xếp lọai với những người ăn
trộm, ăn cướp. Họ không được bước vào Đền Thờ và hội đường để dâng lễ vật.
- Khi Chúa Giêsu gọi Matthew, Ngài biết rõ căn
tính và nghề nghiệp của Matthew; nhưng Ngài đã có một kế họach khác cho
Matthew: biến ông thành người rao giảng và ghi chép lại Tin Mừng. Khi nhận lời
mời dự tiệc tại nhà của Matthew, Ngài biết sẽ bị vây quanh bởi bạn bè của
Matthew, những người thu thuế; nhưng Ngài muốn cho họ cơ hội để nhìn thấy sự
trở lại của Matthew mà ăn năn xám hối.
- Thái độ của Matthew rất can đảm và dứt khóat:
ông bỏ tất cả, đứng dạy đi theo Chúa Giêsu. Ông can đảm vì dám bỏ một “nghề hái
ra tiền,” và không thắc mắc “rồi làm gì mà ăn?” Ông dứt khóat với quá khứ cũ tội
lỗi, để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn; tuy nghèo mà sạch, và không ai có
thể nhìn ông với ánh mắt khinh dể và ngăn cấm ông đến với Thiên Chúa. Chúa
Giêsu thực sự đã phóng thích ông khỏi làm nô lệ cho tội lỗi, và cho ông cơ hội
làm lại cuộc đời.
2.2/ Chúa đến để kêu gọi tội nhân ăn năn trở
lại: Cuộc đối thọai ngắn ngủi giữa Chúa Giêsu và các Biệt-phái cùng các kinh sư
cho chúng ta thấy sự tương phản giữa con người và Thiên Chúa:
- Những người Biệt-phái và những Kinh-sư thuộc
nhóm của họ lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giêsu rằng: "Sao các ông lại ăn
uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?" Phản ứng của họ cũng giống như
phản ứng của đa số con người: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng,” chơi với
những người tội lỗi sẽ lây nhiễm các tội của họ. Một khi con người đã rơi vào
vũng bùn lem luốc, họ sẽ không còn cách nào để thóat ra; dư luận con người là
hàng rào che kín cuộc đời của họ.
- Đức Giêsu đáp lại họ rằng: "Người khoẻ
mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người
công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn." Phản ứng của Chúa
Giêsu giống như phản ứng của người quân tử, ví mình như cách hoa sen: “gần bùn
mà chẳng hôi tanh mùi bùn.” Không những không để mình hôi tanh, mà còn như một
lương y, tận tâm chữa trị, và phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân. Nếu những
Biệt-phái và các Kinh-sư chịu xét mình cẩn thận, họ cũng là những bệnh nhân
đang cần chữa trị vì tính kiêu căng, khinh người, và phê bình chỉ trích. Điều
nguy hiểm là họ tự cho mình là công chính, và vì thế, không cần được Chúa Giêsu
chữa bệnh.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tất cả chúng ta là tội nhân, không ai có thể
vỗ ngực xưng mình là công chính trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta cần được Thiên
Chúa chữa lành.
- Nếu chúng ta được Thiên Chúa cho cơ hội làm
lại cuộc đời, chúng ta cũng phải cho anh chị em cơ hội và giúp họ làm hòa cùng
Thiên Chúa.
- Luật Lệ làm ra cho sự tốt lành của con người.
Luật lệ có thể vi phạm nếu xét thấy cần thiết để đưa con người về với Thiên
Chúa.
Năm 1220, khi Thánh Antôn rao giảng cho cư
dân ở Padua thì một thanh niên thuộc dòng dõi quý tộc, là Luca Belludi, đã đến
với thánh nhân và xin được theo nếp sống của những môn đệ Thánh Phanxicô. Thánh
Antôn rất mến mộ tài năng, kiến thức của Luca và đích thân giới thiệu anh với
Thánh Phanxicô, sau đó chính thánh nhân đã nhận anh vào dòng.
Lúc ấy, Luca chỉ mới 20 tuổi, là bạn đồng
hành của Thánh Antôn trong những công tác rao giảng, đã săn sóc thánh nhân vào
những ngày cuối đời và sau khi Thánh Antôn từ trần, Luca đã thế chỗ của thánh
nhân. Sau đó ngài được bổ nhiệm việc quản lý các tu sĩ Phanxicô ở Padua.
Vào năm 1239, thành phố rơi vào tay quân thù.
Những người quý tộc bị tử hình, thị trưởng và hội đồng thành phố bị dẹp bỏ,
trường đại học ở Padua từ từ bị đóng cửa và việc xây cất nhà thờ để kính nhớ
Thánh Antôn phải bỏ dở. Chính Luca bị trục xuất ra khỏi thành phố nhưng ngài bí
mật trở về. Hàng đêm, ngài và thầy quản lý xuống mộ Thánh Antôn trong nguyện
đường đang xây cất dở dang để cầu xin sự trợ giúp. Một đêm kia, có tiếng nói
vang lên từ ngôi mộ, đảm bảo với các ngài là thành phố sẽ thoát khỏi tay bạo
chúa hung dữ.
Sau khi lời tiên đoán ấy thành sự thật, Luca
được bầu làm bề trên tỉnh dòng và sau đó ngài hoàn tất vương cung thánh đường
để kính nhớ Thánh Antôn, là thầy của ngài. Trong cuộc đời của Chân Phước Luca,
ngài thành lập nhiều tu viện, và cũng như Thánh Antôn, ngài được ơn làm phép
lạ. Sau khi từ trần, ngài được an nghỉ trong chính vương cung thánh đường mà
ngài đã giúp hoàn tất và được tiếp tục sùng kính cho đến ngày nay
1 Cứ lấy hết gân cổ mà kêu lên, đừng kìm hãm, kêu lớn tiếng
lên như tù và, báo cho dân Ta hay tội ác của chúng, cho nhà Gia-cóp biết những
lỗi lầm đã phạm.
2 Ngày lại ngày chúng kiếm tìm Ta, chúng ao ước biết đường lối
của Ta,
như thể một dân tộc vẫn thực hành sự công chính và không bỏ luật pháp của Thiên
Chúa mình. Chúng xin Ta ban những điều luật công minh, chúng ước ao được đến
gần Thiên Chúa.
3 Chúng nói: "Chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy,
chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay?" Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn
lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình.
4 Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh
đấm thật bạo tàn.
Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm,
thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách.
5 Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con
người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô
và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp
lòng ĐỨC CHÚA?
6 Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở
xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập
tan mọi gông cùm?
7 Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những
người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không
ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?
8 Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương
ngươi sẽ mau lành.
Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang ĐỨC CHÚA bao bọc phía
sau ngươi.
9 Bấy giờ, ngươi kêu lên, ĐỨC CHÚA sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu,
Người liền đáp lại: "Có Ta đây!" Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông
cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người,
2/ Phúc Âm:
14 Bấy giờ, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng:
"Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại
không ăn chay?"
15 Đức Giê-su trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có
thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi
rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.
16 Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại,
khiến áo rách lại càng rách thêm.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Lý do của việc ăn chay
Con người hành động cho một mục đích. Rất nhiều
khi con người cùng làm một hành động cho những mục đích khác nhau; chẳng hạn
việc ăn chay. Tại sao con người ăn chay? Có người ăn chay để khoe khoang, để được
người khác khen ngợi là đạo đức. Có người ăn chay chỉ để chu tòan Lề Luật, để
khỏi phạm tội. Có người ăn chay để lấy điểm để Thiên Chúa, để xin Ngài phải ban
ơn mình đang muốn. Đâu là ý hướng tốt lành của việc ăn chay.
Các Bài Đọc hôm nay nói lên những ý hướng khác
nhau của con người trong khi thực hành việc ăn chay. Trong Bài Đọc I, tiên-tri
Isaiah nói lên những ý hướng ăn chay mà Thiên Chúa không ưa thích; đồng thời
cũng đưa ra những ý hướng ăn chay mà Ngài ưa thích. Trong Phúc Âm, các môn đệ
của Gioan Tẩy Giả có lẽ coi việc ăn chay như là chu tòan Lề Luật, họ thắc mắc
với Chúa Giêsu: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisees ăn chay, mà môn đệ
ông lại không ăn chay?”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cách ăn chay mà Thiên Chúa ưa thích.
Điều quan trọng khi hành động là phải có ý hướng
tốt lành; nếu không có ý hướng tốt lành, một việc đạo đức không những không
sinh lợi cho con người, mà còn gây thiệt hại cho họ nữa. Vì thế, bổn phận của
các nhà lãnh đạo tinh thần là phải dạy dỗ dân mục đích của các việc đạo đức, để
họ biết thi hành với ý hướng tốt lành.
1.1/ Ăn chay không đúng cách: Mục đích của việc
ăn chay không phải là để lấy điểm trước mặt Thiên Chúa; để rồi khi người ăn
chay xin gì, Thiên Chúa phải ban cho điều đấy. Khi thấy Ngài không nhận lời van
xin, thì họ trách Chúa: "Chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy, chúng tôi
hãm mình, sao Ngài chẳng hay?" Chúng ta cần nhớ việc ăn chay không phải để
điều khiển Thiên Chúa. Con người có ăn chay hay không chẳng thêm gì cho Ngài,
nhưng việc ăn chay là cho lợi ích của con người. Con người không thể nại cớ ăn
chay để xin Thiên Chúa ban ơn.
Một ví dụ sẽ làm sáng tỏ điều này. Chúng ta
thương xót người ăn mày và giúp đỡ họ, vì chúng ta quan tâm đến hòan cảnh khó
khăn của họ. Họ không thể làm việc vì cụt chân, cụt tay, hay mang thương tích;
nhưng phản ứng của chúng ta sẽ thế nào khi khám phá ra họ đánh lừa chúng ta? Họ
giả thương tích bằng cách băng bó, nhưng sau thời gian ăn xin, họ là người lành
mạnh và dùng tiền xin được của chúng ta để ăn uống, nhậu nhẹt!
Thiên Chúa không nhận lời cầu xin vì con người
không có ý hướng tốt lành khi ăn chay, như tiên-tri Isaiah nói: “Chính ngày các
ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại
ăn chay không đúng cách.” Tiên tri đưa ra 2 ví dụ:
(1) Không ăn chay lòng tham muốn: “Này, ngày ăn
chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình.” Ăn chay
là để san sẻ miếng ăn cho người khác; thế mà người ăn chay đã không san sẻ
miếng ăn, lại vẫn còn lo thu tích lợi lộc cho mình và bóc lột người khác. Thế
mà họ gọi như vậy là ăn chay ư?
(2) Không ăn chay miệng lưỡi, đôi tay: “Này, các
ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn.” Ăn chay
không chỉ là bớt ăn uống, nhưng còn là bớt nói những lời xúc phạm đến tha nhân,
và làm thiệt hại họ phần hồn cũng như phần xác. Chúng ta không khỏi nhịn cười
khi thấy một người giữ chay, nhưng lại vác súng đi ăn cướp!
Thiên Chúa chất vấn con người: “Phải chăng đó là
cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi
rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà
gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa?”
1.2/ Ăn chay đúng cách: Ngược lại với các lối ăn
chay trên, tiên-tri liệt kê những cách ăn chay tốt lành mà Thiên Chúa ưa thích:
(1) Trả tự do, công bằng cho tha nhân: “Cách ăn
chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông
cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?”
(2) Chia cơm sẻ áo cho những anh chị em túng
nghèo: “Cách ăn chay Ta ưa thích chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào
nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân,
không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?”
Nói tóm, ăn chay đúng cách là cố gắng sống đúng
mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân, qua việc thi hành những gì Ngài dạy
trong thương linh hồn 7 mối và thương xác 7 mối. Khi một người sống đúng những
quan hệ này, họ sẽ được Thiên Chúa đóai thương và nhận lời cầu xin, như
tiên-tri Isaiah nói: “Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết
thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh
quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận
lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: "Có Ta đây!"”
2/ Phúc Âm: Ăn
chay có lúc.
2.1/ Không phải lúc nào cũng ăn chay: Ăn chay
không phải là trào lưu, thấy người khác làm rồi mình cũng bắt chước làm theo;
và rồi cảm thấy khó chịu vì bị thiệt thòi khi thấy người khác không làm như
vậy. Trình thuật kể các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Đức Giêsu rằng: "Tại
sao chúng tôi và các người Pharisees ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?"
2.2/ Các môn đệ sẽ ăn chay khi Chúa Giêsu rời bỏ
họ: Đức Giêsu trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc,
khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ
họ mới ăn chay. Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại,
khiến áo rách lại càng rách thêm.” Qua câu trả lời, Chúa Giêsu muốn lưu ý họ
những điều sau:
(1) Mục đích của ăn chay là sống đúng mối liên
hệ với Thiên Chúa. Chúa Giêsu chính là chàng rể đang ở với Giáo Hội là cô dâu;
các môn đệ là khách dự tiệc cưới. Nếu các môn đệ đang có Chúa và lắng nghe lời
dạy dỗ của Ngài, cần gì họ phải ăn chay! Khi nào Chúa Giêsu rời bỏ họ về trời,
bấy giờ họ sẽ ăn chay. Việc gì cũng phải có thời gian của nó, và phải được làm
với ý hướng tốt lành.
(2) Để có thể lãnh nhận những giáo lý mới của
Chúa Giêsu, họ cần phải có một tinh thần mới. Nếu họ cứ giữ tinh thần cũ như
chiếc áo đã rách, họ không thể đón nhận những giáo lý mới của Chúa, được ví như
miếng vải mới.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần phải hiểu rõ ý nghĩa của việc ăn
chay, để rồi khi thực hành, chúng ta phải làm với ý hướng tốt lành.
- Ăn chay không phải là để khoe khoang, cũng
không phải để xin ơn; nhưng là để sửa chữa những thói quen bất công và tập sống
đúng mối liên hệ với Thiên Chúa và tha nhân.