LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI. BỔN MẠNG HUYNH ĐOÀN ĐA MINH GX TÂN VIỆT 2012
Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012
Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012
TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ BẢY 15/9/2012 TUẨN XXIII THƯỜNG NIÊN, "Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà".
Thứ Bảy Tuần XXIII Mùa Thường Niên Năm B
Lễ Đức Mẹ Sầu Bi
BÀI ĐỌC I: Dt 5, 7-9
"Người đã học vâng phục và đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Đấng có thể cứu mình khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 30, 2-3a. 3bc-4. 5-6. 15-18. 19
Đáp: Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa (c. 17).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con muôn đời tủi hổ; vì đức công minh Ngài, xin cứu chữa con! Xin Chúa hãy lắng tai về bên tôi tớ Chúa. - Đáp.
2) Xin Chúa mau lẹ để giải thoát con. Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn. Bởi Chúa là Đá tảng, là chiến luỹ của con; vì uy danh Ngài, Ngài sẽ dìu dắt và hướng dẫn con. - Đáp.
3) Ngài dẫn con xa lưới dò chúng ngầm trương ra để hại con, vì Ngài là chỗ con nương náu. Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa; lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con. - Đáp.
4) Phần con, lạy Chúa, con tin cậy ở Ngài; con kêu lên: Ngài là Thiên Chúa của con! Vận mạng con ở trong tay Ngài, xin cứu gỡ con khỏi tay quân thù và những người bách hại. - Đáp.
5) Lạy Chúa, vĩ đại thay lòng nhân hậu Chúa, lòng nhân hậu Ngài dành để cho những kẻ kính sợ Ngài, lòng nhân hậu Ngài ban cho những ai tìm nương tựa Ngài, ngay trước mặt con cái người ta. - Đáp.
CA TIẾP LIÊN: STABAT MATER
(Ca Tiếp Liên này có thể đọc cả hay bỏ, hay chỉ đọc từ câu 11 trở đi)
1) Mẹ sầu bi tầm tã giọt châu, đang đứng bên cây Thập giá, nơi Con Người đã bị treo lên.
2) Một lưỡi gươm nhọn / đã đâm qua tâm hồn Bà đang rên siết, đang sầu khổ và đau đớn.
3) Ôi đau buồn sầu khổ biết bao / cho bà Mẹ đáng suy tôn / của một Người Con duy nhất!
4) Bà Mẹ hiền nhìn xem nỗi khổ hình của Người Con chí thánh, mà đau lòng thổn thức tâm can.
5) Ai là người không tuôn châu lệ / khi nhìn thấy Mẹ Chúa Kitô / trong cảnh cực hình như thế?
6) Ai có thể không buồn bã / nhìn xem Mẹ Chúa Kitô / đang đau khổ cùng với Con Người?
7) Mẹ nhìn thấy Chúa Giêsu / vì tội dân mình mà khổ cực, và bị vùi giập dưới làn roi.
8) Mẹ nhìn Con mình dịu hiền như thế / bị thống khổ lúc lâm chung, khi Người trút hơi thở cuối cùng.
9) Ôi lạy Mẹ là niềm yêu mến, xin cho con cảm thấy mãnh lực của đau thương, để cho con được khóc than cùng Mẹ.
10) Xin cho lòng con cháy lửa mến yêu, mến yêu Đức Kitô là Thiên Chúa, để cho con có thể làm đẹp ý Người.
11) Ôi Thánh Mẫu, xin Mẹ làm ơn đóng vào lòng con cho thực mạnh / những vết thương của Đấng bị treo thập giá.
12) Xin Mẹ cho con được chia phần thống khổ / của Con Mẹ đã thương vong, đã khứng chịu cực hình vì con như thế.
13) Xin cho con được cùng Mẹ thảo hiếu khóc than, cùng Đấng bị đóng đinh tỏ niềm thông cảm, bao lâu con còn sinh sống ở đời.
14) Con ước ao được cùng với Mẹ / đứng bên cây Thập giá, và hợp nhất cùng Mẹ trong tiếng khóc than.
15) Ôi Đức Trinh Nữ thời danh trong hàng trinh nữ, xin đừng tỏ ra cay đắng với con, xin cho con được cùng Mẹ chan hoà dòng lệ.
16) Xin cho con được mang sự chết của Đức Kitô, được cùng Người thông phần đau khổ, và tôn thờ những thương tích của Người.
17) Xin cho con được mang thương tích của Người, cho con được say sưa cây thập giá / và máu đào Con Mẹ đã đổ ra.
18) Ôi, Đức Trinh Nữ, xin đừng để cho con bị lửa hồng thiêu đốt, nhưng được Mẹ chở che trong ngày thẩm phán!
19) Lạy Chúa Kitô, khi phải lìa bỏ cõi đời này, nhờ Đức Mẹ, xin Chúa cho con được tới lãnh ngành dương liễu khải hoàn.
20) Khi mà xác thịt con sẽ chết, xin cho linh hồn con / được Chúa tặng ban vinh quang của cõi thiên đường.
ALLELUIA:
Alleluia, alleluia! - Đức Trinh Nữ Maria là người có phúc, Bà xứng đáng lãnh nhận ngành lá tử đạo dưới chân Thập giá Chúa mà không phải chết. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 19, 25-27
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, đứng gần thập giá Chúa Giêsu có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria vợ ông Clopas, và Maria Mađalêna. Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng: "Thưa Bà, này là Con Bà". Rồi Người lại nói với môn đệ: "Này là Mẹ con". Và từ giờ ấy, môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình. Đó là lời Chúa.
2. Hoặc đọc: Lc 2, 33-35
"Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Khi ấy, cha và mẹ Chúa Giêsu đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà, và nói với Maria Mẹ Người rằng: "Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ". Đó là lời Chúa.
Đức Mẹ Sầu Bi Ga 19,25-27
Trung tín trong đau khổ
Đứng gần Thập Giá Đức Giêsu, có Thân Mẫu Người… khi thấy Thân Mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với Thân Mẫu: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là Mẹ của anh.” Kể từ đó, người môn đệ rước Bà về nhà mình. (Ga 19,25-27)
Suy niệm: Đức Maria là người được nhắc đến đầu tiên đứng gần thánh giá Chúa, hiệp thông với Chúa Giêsu trong của lễ hiến tế. Đời Mẹ gắn liền với mầu nhiệm Chúa Giêsu Con của Mẹ: vất vưởng khi sinh Con ở Bêlem, lao đao trong những ngày lưu lạc sang Ai Cập, sợ hãi âu lo khi trở về Nagiarét, cùng vất vả với Con trong những năm rao giảng, đau khổ tột cùng khi nhìn Con bị chết treo trên Thập Giá. Mẹ đã cộng tác cách đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ vâng phục, nhờ đức Tin, đức Cậy và đức Ái nồng nhiệt. Bởi vậy trên bình diện ân sủng, Đức Maria thật sự là Mẹ của chúng ta “Này là Mẹ con”, “Đây là con Mẹ” … Với những lời cảm động này, Đức Giêsu đã mạc khải cho Đức Maria tuyệt đỉnh của chức làm Mẹ: Mẹ Giáo Hội, Mẹ của các Kitô hữu.
Mời Bạn: Ước chi bạn cũng như hết mọi người khám phá ra lời mời gọi, hãy đón nhận Đức Maria làm Mẹ của đời mình, và sống trọn vẹn tình hiếu thảo.
Chia sẻ: Trong những lúc gặp khó khăn, đau khổ, các tín hữu thường chạy đến cầu khấn Mẹ. Chúng ta noi gương Mẹ trung tín trong đau khổ thế nào?
Sống Lời Chúa: Tập thói quen lần chuỗi Mân Côi hằng ngày, để cùng Mẹ sống mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con thêm lòng Tin, Cậy, Mến, để chúng con trung tín với Chúa cho đến cùng, trong ơn gọi làm con Chúa và con Hội Thánh, giữa bao thử thách của đời thường hôm nay.
THỨ BẢY 15/9/2012 TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN,Ðức Mẹ Sầu Bi
Ðức Mẹ Sầu Bi
Trong
một thời kỳ có đến hai ngày lễ để tôn kính sự Sầu Bi của Ðức Mẹ: một ngày lễ
xuất phát từ thế kỷ thứ 15, ngày lễ kia từ thế kỷ thứ 17. Trong một thời gian
cả hai ngày lễ đều được Giáo Hội hoàn vũ cử hành: một lễ vào ngày thứ Sáu trước
Chúa Nhật Lễ Lá, một lễ trong tháng Chín.
Những dữ kiện chính yếu
trong phúc âm đề cập đến sự sầu muộn của Ðức Mẹ là trong các đoạn của Thánh
Luca 2:35 và Gioan 19:26-27. Ðoạn phúc âm theo Thánh Luca là lời tiên đoán của
cụ Simeon về một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Ðức Maria; đoạn của Thánh Gioan
nói về lời trăn trối của Ðức Kitô với Ðức Maria và người môn đệ yêu dấu.
Nhiều học giả thời Giáo Hội
tiên khởi giải thích lưỡi gươm như sự sầu muộn của Ðức Maria, nhất là khi nhìn
Ðức Giêsu chết trên thập giá. Do đó, hai đoạn này có liên hệ với nhau, như điều
tiên đoán đã được thể hiện.
Ðặc biệt Thánh Ambrôsiô coi
Ðức Maria như một hình ảnh sầu muộn nhưng đầy uy quyền ở chân thánh giá. Ðức
Maria đứng đó một cách không sợ hãi, trong khi những người khác lẩn trốn. Ðức
Maria nhìn đến các thương tích của Con mình với lòng thương cảm, nhưng qua đó
ngài nhìn thấy sự cứu chuộc nhân loại. Khi Ðức Giêsu bị treo trên thập giá, Ðức
Maria không sợ bị chung số phận nhưng sẵn sàng nộp mình cho kẻ bách hại.
Lời Bàn
Tường thuật của Thánh Gioan
về cái chết của Ðức Giêsu có nhiều ý nghĩa biểu tượng. Khi Ðức Giêsu trao người
môn đệ thân yêu cho Ðức Maria, chúng ta được mời gọi kính trọng vai trò Ðức
Maria trong Giáo Hội: Ngài tượng trưng cho Giáo Hội; người môn đệ đại diện cho
mọi tín hữu. Khi Ðức Maria làm mẹ Ðức Giêsu, ngài là mẹ của tất cả những ai
theo Ðức Kitô. Hơn thế nữa, khi Ðức Giêsu chết, Thần Khí của Người thoát ra.
Ðức Maria và Thần Khí ấy cộng tác với nhau để sinh ra con cái mới của Thiên
Chúa--rất giống như sự tường thuật của Thánh Luca về việc thụ thai Ðức Giêsu.
Kitô Hữu có thể tin tưởng rằng họ sẽ tiếp tục cảm nghiệm được sự hiện diện yêu
thương của Ðức Maria và Thần Khí Ðức Giêsu trong cuộc đời mình và qua lịch sử.
Lời Trích
"Dù dưới chân thập giá
ngài vẫn giữ địa vị của mình, đứng ở đó như một người mẹ thê lương chan hòa
nước mắt, để được gần Ðức Giêsu cho đến hơi thở cuối cùng. Qua tấm lòng của
người mẹ, sự đau buồn của Ðức Giêsu như được chia sẻ, cũng như mọi thống khổ
cay đắng Người phải gánh chịu. Giờ đây, lưỡi gươm đã thâu qua." (Stabat
Mater)
Trích NguoiTinHuu.com
TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ SÁU 14/9/2012 TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN, "Con Người phải bị treo lên".
Thứ
Sáu Tuần XXIII Mùa Thường Niên Năm B
Suy
Tôn Thánh Giá
Lễ Kính Suy Tôn Thánh Giá
BÀI ĐỌC I: Ds 21, 4-9
"Kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn
đồng, thì được sống".
Trích sách Dân số.
Trong những ngày ấy, dân chúng đi đường và mệt
nhọc, nên nản chí, họ kêu trách Chúa và Môsê rằng: "Tại sao các người dẫn
chúng tôi ra khỏi Ai-cập, cho chúng tôi chết trong hoang địa. Không bánh ăn,
không nước uống, chúng tôi đã ngán thức ăn nhàm chán này". Bởi đó Chúa cho
rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Họ chạy đến cùng Môsê và thưa rằng:
"Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi nói những lời phản nghịch Chúa và
phản nghịch ông. Xin ông cầu nguyện để Chúa cho chúng tôi khỏi rắn cắn".
Môsê cầu nguyện cho dân. Và Chúa phán cùng
Môsê rằng: "Ngươi hãy đúc một con rắn đồng và treo nó lên làm dấu; kẻ nào
bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống". Môsê đúc một con rắn
đồng, treo nó lên làm dấu, và kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được
chữa lành. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 77, 1-2. 34-35. 36-37. 38
Đáp: Chúng ta đừng quên lãng những kỳ công của
Chúa (c. 7c).
Xướng: 1) Hỡi dân tôi, hãy nghe lời huấn dụ,
hãy lắng tai nhận lấy những lời miệng tôi. Tôi sẽ xuất khẩu nói ra lời ngạn
ngữ, sẽ trình bày những điều bí nhiệm của thời xưa. - Đáp.
2) Khi Người sát phạt họ, bấy giờ họ kiếm tìm
Người, và họ trở lại kiếm tìm Thiên Chúa. Họ nhớ lại rằng Thiên Chúa là Đá Tảng
của họ, và Thiên Chúa Tối Cao là Đấng cứu chuộc họ. - Đáp.
3) Nhưng rồi miệng họ đã phỉnh phờ, và lưỡi họ
ăn nói sai ngoa với Người. Đối với Người, lòng họ không ngay thẳng; họ cũng
không trung thành giữ lời minh ước của Người. - Đáp.
4) Phần Người từ bi, tha lỗi và không huỷ diệt
họ; nhiều khi Người đã tự kiềm chế căm hờn, và không để cho thịnh nộ hoàn toàn
tuôn đổ. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: Pl 2, 6-11
"Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa
đã tôn vinh Người".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu
Philípphê.
Anh em thân mến, Chúa Giêsu Kitô, tuy là [thân
phận] Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa;
trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên
giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ
mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn
vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe
tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và
mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được
vinh quang. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA:
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa Kitô, chúng con
thờ lạy Chúa; chúng con chúc tụng Chúa, vì Chúa đã dùng cây Thập giá mà cứu
chuộc thế gian. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 3, 13-17
"Con Người phải bị treo lên".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Nicôđêmô rằng:
"Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người
vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con
Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị
tiêu diệt muôn đời.
"Quả thật, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến
nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin vào Con của Người, thì không
phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người
giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được
cứu độ". Đó là lời Chúa.
Suy Tôn Thánh
Giá Ga 3,13-17
VÁC THÁNH GIÁ VỚI NIỀM VUI
“Thiên Chúa yêu thế gian đến
nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được
sống muôn đời.” (Ga
3,16)
Suy niệm: Thánh giá trên nóc nhà thờ, ở giữa gian
cung thánh, thánh giá trên bia mộ, trên bàn thờ gia đình, trên đôi tai của phái
nữ… Ta làm dấu thánh giá trước mỗi cử hành đạo đức, trước và sau mỗi bữa ăn,
cầu thủ làm dấu thánh giá trên sân cỏ… Dù ở đâu và lúc nào, thánh giá hay dấu
thánh giá luôn được coi như một biểu tượng nói lên niềm tin vào Chúa Kitô, Đấng
chịu treo trên thánh giá để cứu độ nhân loại. Khi suy tôn, ca ngợi thánh giá,
người Kitô hữu không ca ngợi đau khổ, nhưng ca ngợi tình yêu Thiên Chúa dành
cho mình. Chúa Kitô không cứu ta bằng đau khổ, nhưng bằng tình yêu, tình yêu đi
đến tận cùng, tình yêu hiến mạng. Cùng với thánh giá vàng, bạc, gỗ... hay dấu
thánh giá ghi nơi thân xác, ta còn có một thánh giá vô hình khác đồng hành với
ta suốt đường đời: thánh giá trong đời sống Chúa gởi đến mỗi ngày.
Mời Bạn: Vui vẻ vác thập giá theo Chúa mỗi ngày và
nhận ra thập giá mỗi ngày ấy rất vừa khả năng của bạn. Bạn nhớ lời thánh
Phanxicô Salêsiô: “Bánh xe
ít dầu mỡ là bánh xe kêu to hơn hết. Người thiếu lòng nhân và đức nhẫn nại là
người hay than vãn hơn cả.”
Chia sẻ: Tôi hay than vãn về loại thánh giá hằng
ngày nào hơn cả?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ vui vẻ chu toàn việc bổn phận hằng
ngày, coi đó như thánh giá Chúa thân ái gởi cho tôi.
Cầu nguyện: Lạy Cha, xin ban cho con điều
khó hơn cả, đó là nhận ra thánh giá của Con Cha trong mọi nỗi khổ đau của đời
con, và ơn bước theo Con Cha trên đường thánh giá, bao lâu tuỳ ý Cha định liệu.
Amen. (K.Rahner)
THỨ SÁU 14/9/2012 TUẦN XXIII THƯỜNG NÊN. Sự Chiến Thắng của Thánh Giá
Sự Chiến Thắng của Thánh
Giá
Vào đầu thế kỷ thứ tư,
Thánh Helena, mẹ của Hoàng Ðế La Mã Constantine, đến Giêrusalem để tìm kiếm các
nơi linh thiêng mà Ðức Kitô đã từng đặt chân đến. Thánh nữ san bằng Ðền
Aphrodite (thần Hy Lạp) mà truyền thống cho rằng được xây trên phần mộ của Ðấng
Cứu Thế, và sau đó Constantine đã xây Ðền Mộ Thánh lên trên. Trong cuộc đào
xới, các công nhân tìm thấy ba thập giá. Truyền thuyết nói rằng một thập giá
được coi là của Ðức Giêsu khi thập giá ấy chữa lành một phụ nữ đang hấp hối khi
thập giá chạm vào bà.
Ngay sau đó, thập giá ấy
trở nên mục tiêu cho sự sùng kính. Vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh ở Giêrusalem,
theo lời một nhân chứng, thập giá được lấy ra khỏi hộp đựng bằng bạc, và được
đặt trên bàn cùng với tấm bảng nhỏ có ghi hàng chữ mà Philatô đã ra lệnh treo trên
đầu Ðức Giêsu. Sau đó "từng người một đến kính viếng; tất cả đều cúi đầu;
trước hết họ dùng trán sau đó dùng mắt để chạm đến thập giá và tấm bảng; và sau
khi hôn kính thập giá họ mới lui bước."
Cho đến ngày nay, các Giáo
Hội Ðông Phương, Công Giáo cũng như Chính Thống Giáo đều cử hành ngày Tôn Kính
Thánh Giá vào tháng Chín để kỷ niệm ngày cung hiến Ðền Mộ Thánh. Ngày lễ này
được du nhập vào niên lịch Tây Phương trong thế kỷ thứ bảy sau khi Hoàng Ðế
Heraclius khôi phục được thập giá này khỏi tay người Ba Tư mà họ đã chiếm đoạt
vào năm 614, trước đó 15 năm. Theo một truyện kể, vị hoàng đế định tự mình vác
thập giá ấy vào Giêrusalem, nhưng không thể nào tiến bước được cho đến khi ông
cởi bỏ phẩm phục sang trọng vua chúa và trở nên một người nghèo hèn đi chân
đất.
Lời Bàn
Ngày nay thập giá là biểu
tượng chung cho đức tin Kitô Hữu. Biết bao thế hệ các nghệ nhân đã biến thập
giá thành một sản phẩm nghệ thuật để rước hoặc mang trên người như đồ trang
sức. Ðối với con mắt của các Kitô Hữu tiên khởi, thập giá không đẹp đẽ gì. Nó
được dựng bên ngoài các cổng thành, trên đó có treo xác chết như đe dọa bất cứ
ai không tuân lệnh nhà cầm quyền La Mã -- kể cả các lạc giáo không chịu thờ
cúng các tà thần của người La Mã. Mặc dù các tín hữu đề cập đến thập giá như
một khí cụ trong sự cứu chuộc, ít khi thập giá xuất hiện trong nghệ thuật Kitô
Giáo cho đến sau khi Constantine ban bố sắc lệnh khoan dung.
Lời Trích
"Thập giá Ðức Kitô
thật tráng lệ là dường nào! Nó đem lại sự sống chứ không phải cái chết; sự sáng
chứ không phải tối tăm; thiên đàng chứ không phải sự mất mát. Ðó là mảnh gỗ mà
trên đó Chúa Giêsu, như một chiến sĩ cao cả, bị thương tích nơi chân tay và
cạnh sườn, nhưng nhờ đó đã chữa lành các thương tích của chúng ta. Cây trái cấm
đã tiêu hủy chúng ta, bây giờ một cây khác đem lại sự sống cho chúng ta"
(Theodore Studios)
Trích NguoiTinHuu.com
Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012
TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ TƯ 12/9/2012 TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN, "Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có".
Thứ Tư Tuần XXIII Mùa Thường Niên Năm B
BÀI ĐỌC I: 1 Cr 7, 25-31
"Ngươi bị ràng buộc với vợ ư? Ngươi đừng tìm cách tháo gỡ. Ngươi không còn ràng buộc với vợ ư? Ngươi đừng tìm cưới vợ nữa".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, về những người đồng trinh, tôi không có lời Chúa truyền dạy nào, nhưng tôi đã được Chúa thương, nên tôi cho ý kiến như một người đáng tin cậy. Vậy tôi nghĩ rằng đó là một điều tốt theo nhu cầu hiện tại. Phải, người ta ở vậy quả là một điều tốt. Ngươi bị ràng buộc với vợ ư? Ngươi đừng tìm cách tháo gỡ. Ngươi không còn bị ràng buộc với vợ ư? Ngươi đừng tìm cưới vợ nữa. Nhưng nếu ngươi cưới vợ, ngươi chẳng có tội gì. Và nếu kẻ đồng trinh kết bạn, thì chẳng có tội gì. Nhưng những người thể ấy, sẽ chuốc lấy khốn khổ vào thân. Phần tôi, tôi muốn cho anh em tránh được điều đó.
Anh em thân mến, tôi nói cùng anh em điều này là: Thời giờ vắn vỏi; còn có cách là những ai có vợ, hãy ăn ở như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những người mua sắm, hãy ăn ở như không có gì; những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 44, 11-12. 14-15. 16-17
Đáp: Xin hãy nghe, thưa nương tử, hãy coi và hãy lắng tai (c. 11a).
Xướng: 1) Xin hãy nghe, thưa nương tử, hãy coi và hãy lắng tai, hãy quên dân tộc và nhà thân phụ, để Đức Vua Người sủng ái dong nhan: chính Người là Chúa của cô nương, hãy phục vụ Người. - Đáp.
2) Tất cả huy hoàng là nàng công chúa đi vào cung nội, áo nàng dệt bằng những sợi chỉ vàng. Bận áo gấm sặc sỡ, nàng được dẫn tiến Đức Vua, theo sau nàng là những cô trinh nữ bạn bè, họ cũng được bệ kiến long nhan. - Đáp.
3) Họ bước đi trong niềm hân hoan vui vẻ, tiến vào trong cung điện Đức Vua. Người sẽ có con nối gót tiên vương liệt vị, và phong họ làm quan trên cả sơn hà. - Đáp.
ALLELUIA: Ep 1, 17-18
Alleluia, alleluia! - Xin Chúa Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho mắt tâm hồn chúng ta được sáng suốt, để chúng ta biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi chúng ta. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 6, 20-26
"Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn các môn đệ và nói:
"Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ các ngươi như kẻ bất lương, ngày ấy các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.
"Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả". Đó là lời Chúa.
Danh Thánh Đức Maria Lc 6,20-26
HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC
“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc vì anh em sẽ được vui cười.” (Lc 6,21)
Suy niệm: Nếu đem Lời Chúa của Tin Mừng hôm nay đặt trong hoàn cảnh hiện tại thì thật là mâu thuẫn, bởi vì con người đang ra sức chạy cho kịp đà tiến bộ khoa học, kỹ thuật, rồi hấp lực của tiền tài, danh vọng. Trong khi đó các mối phúc mà Đức Giêsu tuyên bố chẳng khác gì tiếng sét đánh đổ cả chương trình, ước vọng của con người. Và chính Ngài tự nhận sống nghèo, tự chuốc lấy bắt bớ đoạ đầy. Phải chăng Ngài giả như mê ngủ để cho sự dữ hoành hành trong thế gian: bệnh tật, nghèo đói, tệ nạn. Vậy Lời Chúa muốn nói gì? Điều Đức Giêsu muốn nói là Ngài đã cho con người thống trị mọi loài. Ngài luôn muốn cho con người sống an vui, hạnh phúc, sử dụng mọi của cải vật chất do tay con người làm ra nhưng làm sao phải sống cho Nước Trời trước tiên, mọi sự khác đều là phương tiện.
Mời Bạn: Nhớ rằng nếu cuộc sống người Kitô hữu của bạn không có mục đích, không nhắm đến đời sau chẳng khác gì người sống mà không có niềm tin.
Chia sẻ: Tôi đã cố gắng sống tinh thần Tám Mối Phúc Thật, là con đường hẹp đưa tôi đến Nước Trời chưa?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn hãy chiến đấu từ bỏ một thói xấu, cùng lúc bạn hãy thực hành một nhân đức.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn con người hưởng nếm hạnh phúc trần gian bằng cách bá chủ muôn loài để từ đó con người khám phá ra thứ hạnh phúc vĩnh cửu. Xin cho chúng con biết vượt qua những cái tầm thường của đời này để đạt đến quê trời nơi chúng con sẽ được hưởng hạnh phúc đích thật. Amen.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)