Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

TIN MỪNG HẰNG NGÀY CHÚA NHẬT 13/1/2013 MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C, "Khi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra".


Chúa Nhật Mùa Thường Niên Năm C 

Chúa Giêsu chịu Phép Rửa 



Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh

Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa 

BÀI ĐỌC I: Is 42, 1-4. 6-7 

"Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người". 

Trích sách Tiên tri Isaia. 

Đây là lời Chúa phán: "Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người.
Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm". Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 28, 1a và 2. 3ac-4. 3b và 9b-10

Đáp: Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình (c. 11b).
1) Các con cái Thiên Chúa hãy dâng kính Chúa, hãy dâng kính Chúa vinh quang xứng với danh Người; hãy mang lễ phục thánh để thờ lạy Chúa. - Đáp.
2) Tiếng Chúa vang dội trên mặt nước, Chúa ngự trên muôn ngàn sóng nước. Tiếng Chúa phán ra trong uy quyền, tiếng Chúa phán ra trong oai vệ. - Đáp.
3) Thiên Chúa oai nghiêm làm cho sấm sét nổ ran, và trong thánh đài của Chúa, mọi người kêu lên: Vinh quang! Chúa ngự trị trong cơn hồng thuỷ, và Chúa làm vua ngự trị tới muôn đời. - Đáp. 

BÀI ĐỌC II: Cv 10, 34-38

"Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người". 




Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô mở miệng nói rằng: "Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người". Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: x. Mc 9, 7

Alleluia, alleluia! - Các tầng trời mở ra, tiếng Chúa Cha tuyên phán: "Này là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người". - Alleluia. 



PHÚC ÂM:

Lc 3, 15-16. 21-22

"Khi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.


Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: "Gioan có phải là Đấng Kitô không?", Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: "Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!"
Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha". Đó là lời Chúa.


Chúa Giêsu chịu phép rửa 

Lc 3,15-16.21-22 

CẤP ĐỘ THANH TẨY 

“Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.” (Lc 3,16)
Suy niệm: Muốn sống khoẻ, con người cần phải sạch sẽ vệ sinh. Con người luôn có nhu cầu thanh tẩy mình khỏi những dơ bẩn do môi trường bên ngoài cũng như do sự đào thải tế bào của cơ thể ben trong. Về mặt luân lý, con người cũng cần phải thanh tẩy mình khỏi những vết bẩn tinh thần. Gioan Tẩy Giả đã đến đánh thức nhu cầu thanh tẩy lương tâm nơi nhiều người bằng cách ăn năn hối cải những việc làm xấu xa tội lỗi của mình và dốc quyết là điều thiện. Nhưng việc thanh tẩy của Gioan chưa phải là triệt để vì tội lỗi vẫn chưa được xoá bỏ. Gioan làm chứng rằng con người cần phải được thanh tẩy ở một cấp độ sâu xa hơn, do Đấng được Thánh Thần ngự xuống, Đấng ấy “sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và lửa.”
Mời Bạn: Bạn có cảm thấy nhu cần cần phải thanh tẩy chính tâm hồn của bạn bằng cách không ngừng hoán cải để kết hiệp với Ngôi Lời Nhập Thể, là Đấng Chịu đóng đinh thập giá và đã sống lại? Mời bạn dìm mình, dìm những tư tưởng sâu kín trong lòng bạn, dìm chính linh hồn của bạn vào dòng nước và dòng máu chảy ra từ cạnh sườn của Đấng Cứu Thể để được tái sinh vào sự sống mới.
Sống Lời Chúa: Mỗi lần lãnh nhận bí tích hoà giải, tôi quyết tâm chừa bỏ hẳn một tội mà tôi thường phạm nhất, một nết xấu mà tôi thường quyến luyến nhất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con thấy mình vẫn đang sống đời sống của một con người cũ, con người của xác thịt với những đam mê nghịch với thần khí, xin Chúa thanh tẩy chúng con bằng lửa tình yêu và Thánh Thần của Ngài.





CHÚA NHẬT 13/1/2013 MÙA THƯỜNG NIÊN C,Thánh Hilary ở Poitiers (315 - 368)


Thánh Hilary ở Poitiers
(315 - 368) 

Vị trung kiên bảo vệ thiên tính của Ðức Kitô này là một người hiền lành và can đảm, tận tụy sáng tác một số văn bản tuyệt vời về Ba Ngôi Thiên Chúa, và cũng giống như Thầy Kitô, ngài được coi là "người xáo trộn sự bình an." Trong giai đoạn cực kỳ khủng hoảng của Giáo Hội, sự thánh thiện của ngài nổi bật cả trong lãnh vực uyên bác và tranh luận.
Sinh trưởng trong một gia đình ngoại giáo, ngài trở lại Kitô Giáo khi tìm thấy Thiên Chúa qua Kinh Thánh. Sau khi lập gia đình và có được một người con gái là Apra, ngài được chọn làm Giám Mục của Poitiers nước Pháp trái với ý muốn của ngài. Không bao lâu ngài phải chiến đấu với một tai họa của thế kỷ thứ tư, là bè rối Arian, những người khước từ thiên tính của Ðức Kitô.
Tà thuyết này lan tràn nhanh chóng. Khi hoàng đế Constantius ra lệnh cho mọi giám mục Tây Phương phải ký vào bản kết án Ðức Athanasius, vị bảo vệ đức tin của Giáo Hội Ðông Phương, Ðức Hilary từ chối và bị trục xuất khỏi nước Pháp đến vùng Phrygia hẻo lánh (khi bị lưu đầy là khi ngài được mệnh danh là "Athanasius của Tây Phương"). Vị bảo vệ chính giáo một cách kiên cường này lại là người rất nhân từ khi hòa giải các giám mục của nước Pháp, là những người vì sợ mang tiếng là ngu dốt nên đã chấp nhận bản kinh tin kính của Arian. Và trong khi ngài viết bản cáo trạng sắc bén lên án hoàng đế về tội bao che tà thuyết, thì ngài lại ôn tồn giải thích rằng, đôi khi sự khác biêät giữa các học thuyết chính giáo và lạc giáo chỉ là nghĩa chữ hơn là tư tưởng. Do đó, ngài khuyên các giám mục Tây Phương đừng vội kết án. Chính vì vậy, ngài lại có thêm những kẻ thù mới.
Trong thời gian lưu đầy và viết lách, ngài được mời tham dự một công đồng do hoàng đế triệu tập để chống với Công Ðồng Nicea. Như chúng ta có thể tiên đoán, Ðức Hilary đã đứng lên bảo vệ Giáo Hội, và khi ngài thách thức tranh luận một cách công khai với vị giám mục đã đầy ải ngài, những người theo Arian, vì sợ buổi tranh luận ấy và những hậu quả của nó, đã xin hoàng đế tống cổ "người xáo trộn sự bình an" này về nhà. Nhưng thay vì về thẳng Poitiers, ngài đã sang Hy Lạp và Ý, rao giảng chống lại tà thuyết Arian.
Có lẽ một số người hiện nay nghĩ rằng tất cả những khó khăn ấy chỉ trên phương diện ngôn từ. Nhưng Thánh Hilary không chỉ tham dự cuộc chiến ngôn ngữ, mà còn chiến đấu cho sự sống vĩnh cửu của các linh hồn đã nghe theo tà thuyết Arian và không còn tin vào Con Thiên Chúa, là nguồn hy vọng cứu độ của họ.
Cái chết của hoàng đế Constantius năm 361 cũng chấm dứt việc bách hại Kitô Giáo chính thống. Ðức Hilary từ trần năm 367 hoặc 368, và được tuyên xưng là tiến sĩ Hội Thánh vào năm 1851.
Lời Bàn
Ðức Kitô đã nói Ngài đến thế gian không để đem lại sự bình an nhưng đem lại gươm giáo (x. Mátthêu 10:34). Nếu chúng ta nghĩ rằng sự thánh thiện chói lòa không đem lại nhiều khó khăn thì điều ấy không được thấy trong Phúc Âm. Ngay cả giây phút cuối cùng, Ðức Kitô cũng không thoát, mặc dù từ đó trở đi Ngài đã sống hạnh phúc -- sau một cuộc đời đầy tranh đấu, khó khăn, đau khổ và thất vọng. Ðức Hilary, như mọi vị thánh khác, cũng không khác gì hơn.

Trích từ NguoiTinHuu.com

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ BẢY 12/1/2013 MÙA GIÁNG SINH NĂM C, "Bạn hữu của tân lang vui mừng vì tiếng nói của tân lang".


Thứ Bảy Mùa Giáng Sinh Năm C 

mt22_30-40

Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh

Thứ Bảy - Sau Lễ Hiển Linh

BÀI ĐỌC I: 1 Ga 5, 14-21 

"Chúa nhậm lời chúng ta kêu cầu".

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.


Các con thân mến, này là sự chúng ta tin tưởng nơi Chúa: là hễ chúng ta xin sự gì hợp ý Người, thì Người nhậm lời chúng ta. Và chúng ta biết Người nghe nhận mọi điều chúng ta xin, vì chúng ta biết rằng chúng ta có kêu cầu Người. Ai biết anh em mình phạm thứ tội không đưa tới sự chết, thì hãy cầu xin và Người sẽ ban sự sống cho kẻ phạm thứ tội đó. Có thứ tội đưa đến sự chết, tôi không bảo ai cầu xin cho người phạm tội ấy đâu. Mọi sự gian tà đều là tội, và có thứ tội đưa đến sự chết.
Chúng ta biết rằng ai sinh ra bởi Thiên Chúa, thì không phạm tội, chính sự sinh ra bởi Thiên Chúa gìn giữ họ, và ma quỷ không làm gì được họ. Chúng ta biết rằng chúng ta bởi Thiên Chúa mà ra, và toàn thể thế gian đều phục luỵ ma quỷ. Và chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và đã ban cho chúng ta ơn thông hiểu, để chúng ta nhận biết Chúa chân thật, và được ở trong Con chân thật của Người. Chính Ngài là Thiên Chúa chân thật và là sự sống đời đời. Các con thân mến, hãy giữ mình xa các tà thần. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 149, 1-2. 3-4. 5 và 6a và 9b
Đáp: Chúa yêu thương dân Người (c. 4a).
1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy vui mừng vì Đấng tạo tác bản thân, con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. - Đáp.
2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. - Đáp.
3) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Đó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. - Đáp. 

ALLELUIA: Dt 1, 1-2 

Alleluia, alleluia. - Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà phán dạy cha ông, nhưng đến thời sau hết, tức là trong những ngày này, Người đã phán dạy chúng ta nơi người Con. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 3, 22-30

"Bạn hữu của tân lang vui mừng vì tiếng nói của tân lang".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. 

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ Người đến đất Giuđêa. Người ở lại đó với họ và làm phép rửa. Cũng có Gioan làm phép rửa tại Ainon, gần Salim, vì ở đó có nhiều nước, và người ta đến để chịu rửa. Vì chưng, khi ấy Gioan chưa bị tống ngục. Xảy ra có cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và người Do-thái về việc thanh tẩy. Họ đến cùng Gioan và nói với ông: "Thưa Thầy, người đã ở với Thầy bên kia sông Giođan, mà Thầy đã làm chứng cho, nay cũng làm phép rửa và ai nấy đều đến cùng người!" Gioan trả lời rằng: "Người ta không tiếp nhận gì mà không phải bởi trời ban cho. Chính các ngươi đã làm chứng cho tôi là tôi đã nói: Tôi không phải là Đấng Kitô, nhưng tôi được sai đến trước Người. Ai cưới vợ, thì là người chồng, còn bạn hữu của tân lang đứng mà nghe tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm vui của tôi như thế là đầy đủ. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại". Đó là lời Chúa.

THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH 


Ga 3,22-30 

QUI HƯỚNG VỀ CHÚA KITÔ 

Ông Gio-an trả lời (cho các môn đệ): “Chính anh em đã làm chứng cho thầy là thầy đã nói: Tôi đây không phải là Đức Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người… Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3,28.30)
Suy niệm: Người sứ giả không nói về mình mà là nói lời của người sai mình. Gioan đã thể hiện xuất sắc vai trò sứ giả đó cho đến giây phút cuối cùng. Trước nguy cơ tranh dành ảnh hưởng giữa các môn đệ mình và môn đệ Đức Giêsu–mà sau này điều đó đã thực sự xảy ra–Gioan, từ trong ngục, nhắc nhở cho các môn đệ của mình nhớ lại vai trò ngôn sứ-chứng nhân của họ: giới thiệu Đức Ki-tô, chứ không phải giới thiệu mình; hướng dẫn người khác đến với Đức Ki-tô, chứ không phải giữ chặt họ ở lại với mình. Không cần lý luận cao siêu, Gioan đã làm điều mà các nhà thần học ngày nay gọi là một nền thần học kitô hướng tâm: lấy Chúa Kitô là trung tâm (christocentric).
Mời Bạn: Từ thời của Gioan đến giờ, việc loan báo Tin Mừng đã bao lần phải đình trệ vì các môn đệ Đức Kitô lại trở nên đối thủ tranh dành ảnh hưởng lẫn nhau mà vẫn ảo tưởng rằng mình đang phục vụ Ngài. Xét cho cùng, mọi hình thức bè phái đều là do cái tôi ích kỷ, muốn lấy mình làm trung tâm thay vì quy hướng mọi sự về Đức Kitô.
Chia sẻ: Giữa các đồng nghiệp, giữa các đoàn thể trong giáo xứ bạn đang có những mâu thuẫn nào? Bạn thử tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp.
Sống Lời Chúa: Bắt chước tinh thần khiêm tốn quên mình của Gio-an trong mọi hoạt động, đặc biệt khi làm việc tông đồ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết hy sinh quên mình, để con loan báo về Chúa mà không làm Chúa bị lu mờ đi vì cái tôi ích kỷ của con.







THỨ BẢY 12/1/2013 MÙA VỌNG NĂM C, Thánh Antôn Maria Pucci (1819 - 1892) , Thánh Marguerite Bourgeoys (1620-1700) .


Thánh Antôn Maria Pucci
(1819 - 1892) 

Eustacchio là người con thứ trong bảy người con của một gia đình nông dân ở Tuscany, không xa với thành phố Florence là bao. Mặc dù ông bố thường dọn lễ cho nhà thờ trong làng, nhưng ông không thích thú cho lắm khi thấy con mình có ý định đi tu. Tuy nhiên, vào năm 18 tuổi, Eustacchio đã gia nhập dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ, và lấy tên là Antôn Maria.



Sau khi được học kinh điển và thần học, ngài được thụ phong linh mục năm 1843. Vào năm 28 tuổi, ngài được bài sai đi coi xứ đầu tiên -- và duy nhất -- ở thành phố Viareggio ven biển. Ngài ở đây trong suốt cuộc đời, tận tụy phục vụ trong 45 năm. Ngài được giáo dân mến mộ đặt cho ngài cái tên dễ mến là "il curatino" (cha sở bé nhỏ). Ngài đặc biệt lưu tâm đến người bệnh, người già và người nghèo, và tận tâm phục vụ họ, nhất là trong hai trận dịch tễ hoành hành ở đây.
Ngài là người biết nhìn xa trông rộng, đã thành lập nhà nuôi trẻ cạnh bờ biển và là người tiên phong của Tổ Chức Thời Thơ Ấu Thánh Thiện ở Ý. Từ 1883 đến 1890, ngài còn là bề trên tỉnh dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ ở Tuscan.
Khi ngài từ trần ngày 12-1-1892 ở Viareggio, toàn thể thành phố đã thương tiếc ngài. Ngài được phong thánh năm 1962 trong khoá họp đầu tiên của Công Ðồng Vatican II.

Thánh Marguerite Bourgeoys
(1620-1700) 




"Chúa đóng cánh cửa lớn và mở ra cánh cửa nhỏ," đó là câu người ta thường an ủi chính mình hay người khác khi gặp những thất vọng. Ðiều này rất đúng với trường hợp của Thánh Marguerite.
Marguerite sinh ở Troyes, nước Pháp, nhưng tám mươi năm cuộc đời ngài sống ở Montréal, Canada. Thánh nữ là con thứ sáu trong gia đình mười hai người con. Cha mẹ ngài thật đạo đức. Ngài mồ côi mẹ khi lên chín và Marguerite thay mẹ chăm sóc các em. Khi ngài hai mươi bảy tuổi thì người cha từ trần. Bây giờ, mọi người trong gia đình đều đã lớn và Marguerite nghĩ rằng mình có ơn gọi đi tu. Nhưng việc xin gia nhập dòng Camêlô cũng như dòng Thánh Clara Hèn Mọn đều thất bại. Lúc ấy, Thống Ðốc của Montréal đang thăm viếng nước Pháp nhằm tìm kiếm giáo chức cho Tân Thế Giới. Ông đã mời Marguerite đến Montreal để dạy học cũng như dạy giáo lý, và ngài đã nhận lời.
Marguerite chia tài sản cho các anh chị em trong gia đình. Họ không tin rằng ngài dám từ bỏ một quốc gia văn minh để đến một nơi hoang vu cách xa cả đại dương. Nhưng ngài đã thực hiện điều đó và đã cập bến Canada vào giữa tháng Mười Một. Marguerite bắt đầu xây cất một nguyện đường vào năm 1657 để vinh danh Ðức Bà Hằng Cứu Giúp.
Năm 1658, ngài mở trường học đầu tiên. Khi nhận ra nhu cầu giáo chức, ngài trở về Pháp năm 1670 và đem theo sáu người bạn khác đến Canada. Tất cả các phụ nữ can đảm này đã trở nên các nữ tu đầu tiên của Tu Hội Ðức Bà.
Sơ Marguerite và các nữ tu đã giúp đỡ dân chúng ở thuộc địa sống sót khi nạn đói xảy đến. Họ mở trường dạy nghề để chỉ cho các người trẻ biết xây cất nhà cửa và làm nông trại. Tu hội của Sơ Marguerite cũng phát triển. Vào năm 1681 có mười tám nữ tu. Bảy người gốc Canada. Họ mở thêm các trung tâm truyền giáo và hai nữ tu dạy học cho người thổ dân da đỏ. Chính Sơ Marguerite cũng đã nhận hai phụ nữ da đỏ đầu tiên gia nhập tu hội.
Vào năm 1693, Mẹ Marguerite trao tu hội lại cho người kế vị. Sơ bề trên mới là Marie Barbier, người Canada đầu tiên gia nhập tu hội. Năm 1698, quy luật tu hội được Giáo Hội chấp thuận. Trong những năm cuối đời, Sơ Marguerite dành để cầu nguyện và viết tự truyện. Vào ngày cuối năm 1699, một nữ tu trẻ tuổi đang hấp hối trên giường bệnh. Sơ Marguerite xin Chúa để được chết thay cho nữ tu ấy. Ðến sáng ngày 1 tháng Giêng 1700, nữ tu ấy được lành mạnh, nhưng Sơ Marguerite lại lên cơn sốt. Ngài chịu đau khổ trong mười hai ngày và từ trần ngày 12 tháng Giêng 1700. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh ngày 2 tháng Tư 1982.
Lời Bàn
Thật dễ nản chí khi các kế hoạch mà chúng ta nghĩ rằng Chúa phải tán thành thì bị thất bại. Marguerite không được kêu gọi để trở nên một nữ tu dòng kín nhưng lại là một người sáng lập dòng và một nhà giáo dục. Nói cho cùng, Thiên Chúa không quên thánh nữ.
Lời Trích
Trong bài giảng lễ phong thánh, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "... một cách đặc biệt, Thánh Marguerite đã góp phần xây dựng quốc gia mới ấy [Canada], minh định vai trò của phụ nữ, và ngài cần cù tiến đến việc đào tạo một tâm linh Kitô Giáo sâu xa." Ðức thánh cha cũng nhận xét rằng thánh nữ đã trông coi các học sinh với lòng yêu mến và tin tưởng "để chuẩn bị cho các em trở nên các người vợ và người mẹ xứng đáng, là các người mẹ Kitô Hữu có văn hóa, chăm chỉ làm việc và có ảnh hưởng tốt đến người chung quanh."
Trích từ NguoiTinHuu.com



TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ SÁU 11/1/2013 MÙA GIÁNG SINH C, "Lập tức người ấy khỏi phong hủi".


Thứ Sáu Mùa Giáng Sinh Năm C 



Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh

Thứ Sáu - Sau Lễ Hiển Linh

BÀI ĐỌC I: 1 Ga 5, 5-6. 8-13 (Hl 5-13)

"Thánh Thần, nước và máu".

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.


Các con thân mến, ai là người chiến thắng thế gian, nếu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa? Đấng đã đến nhờ nước và máu, chính là Đức Giêsu Kitô, không phải trong nước mà thôi, nhưng trong nước và máu nữa. Có Thánh Thần làm chứng rằng Chúa Kitô là chân lý. Và trên mặt đất có ba nhân chứng: Thánh Thần, nước và máu, cả ba chỉ là một. Nếu chứng của người đời mà chúng ta còn nhận lấy, thì chứng của Thiên Chúa còn mạnh hơn. Vì đó là chứng của Thiên Chúa, chứng mạnh hơn là Người đã làm chứng về Con Mình.
Ai tin kính Con Thiên Chúa, thì có chứng của Thiên Chúa nơi mình. Còn ai không tin Thiên Chúa, thì cho Người là gian dối, vì kẻ ấy không tin nơi chứng mà Thiên Chúa đã làm chứng về Con Mình. Và chứng đó là thế này: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống đó ở trong Con của Người. Ai có Chúa Con, thì có sự sống; còn ai không có Chúa Con, thì cũng không có sự sống. Ta viết các điều này cho các con, để các con biết rằng các con là những người tin vào danh Con Thiên Chúa, các con có sự sống đời đời. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20

Đáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa (c. 12a).
1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa! Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! Vì Người đã giữ chặt các then cửa thành ngươi; Người đã chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. - Đáp.
2) Người sắp đặt bờ cõi ngươi trong thanh bình, cho ngươi hưởng no nê những tinh hoa lúa miến. Người đã sai Lời Người xuống cõi trần ai, và Lời Người lanh chai chạy rảo. - Đáp.
3) Người đã loan truyền Lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế; Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. - Đáp.

ALLELUIA: 1 Tm 3,36 

Alleluia, alleluia. - Lạy Chúa Kitô, Đấng được rao giảng cho lương dân, vinh danh Chúa! Lạy Chúa Kitô, Đấng được tin kính ở thế gian, vinh danh Chúa! - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 5, 12-16 

"Lập tức người ấy khỏi phong hủi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.


Xảy ra khi Chúa Giêsu đang ở trong một thành kia, thì có một người mình đầy phong hủi, thấy Chúa Giêsu, liền sấp mặt xuống đất, van xin Ngài rằng: "Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, Thầy có thể cho tôi được sạch". Người giơ tay chạm đến người ấy và nói: "Ta muốn, hãy nên trơn sạch". Lập tức, người ấy khỏi phong hủi. Người ra lệnh cho người ấy không được nói với ai, nhưng: "Hãy đi trình diện với tư tế, và hãy dâng lễ vật như luật Môsê đã dạy, để làm chứng cho người ta biết ngươi được sạch". Nhưng tiếng đồn về Người cứ lan rộng, và dân chúng đông đảo kéo nhau đến để nghe Người và được chữa lành bệnh tật. Còn Người, thì lánh vào nơi hoang vắng và cầu nguyện. Đó là lời Chúa.

THỨ SÁU SAU LỄ HIỂN LINH 


Lc 5,12-16 

CẢ HAI ĐỀU MUỐN 

“Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”… “Tôi muốn, anh sạch đi.” (Lc 5,12-13)
Suy niệm: Có bệnh nhân nào lại không ước ao được khỏi bệnh? Cũng thế, có bác sĩ nào lại không muốn cho bệnh nhân của mình được khỏi bệnh? Người phong cùi trong Tin Mừng hôm nay thể hiện ước muốn tột cùng được khỏi bệnh của mình bằng cách đến sấp mình trước mặt Chúa để van xin Ngài, bất chấp luật cấm anh xuất hiện trước nơi công cộng. Anh ước muốn khỏi bệnh nhưng chỉ có Chúa mới có thể chữa lành cho anh “nếu Ngài muốn”. Còn Chúa Giêsu, Chúa cũng muốn người phong này được lành sạch lắm chứ; hơn nữa Ngài có thể làm điều đó. Và cũng bất chấp luật cấm đụng chạm tiếp xúc với người phong cùi, Chúa đã đưa bàn tay chạm đến anh để chữa lành cho anh. Cả hai đều muốn. Ước muốn của Đấng quyền năng làm cho điều ước muốn của người phong cùi từ chỗ không có thể trở thành có thể.
Mời Bạn: Bạn cũng có thể là người phong cùi, không phải nơi thân thể mà là trong tâm hồn: nơi trái tim, khi bạn không yêu thương; nơi đôi tay, khi bạn không sẵn sàng phục vụ; nơi môi miệng, khi bạn thốt ra những lời lỗi bác ái… Chúa Giêsu đã muốn lấy hết tất cả tật phong của bạn mà đưa vào thân thể Người mà đưa lên cây thập giá. Còn bạn thì sao? Bạn có ước muốn được khỏi bệnh phong cùi tâm hồn ấy không? Chúa cần ước muốn của bạn để chữa lành bạn.
Sống Lời Chúa: Bạn hãy siêng năng đến với Chúa nơi Bí Tích Hòa Giải để được Chúa chữa lành.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin kéo con lên khỏi sự ù lì trong tội và làm cho con luôn ước muốn vươn lên sự toàn thiện mỗi ngày. Amen.









THỨ SÁU 11/1/2013 MÙA GIÁNG SINH, Chân Phước William Carter (c. 1584) ,Thánh Theodosius (c. 529)


Chân Phước William Carter
(c. 1584) 

Sinh ở Luân Ðôn, William Carter bước vào nghề in ngay từ khi còn nhỏ. Trong nhiều năm, ông phụ việc cho một người thợ in Công Giáo nổi tiếng, người này bị cầm tù vì kiên trì với đức tin Công Giáo. Chính ông William cũng bị tù vì "in những tài liệu bị cấm [Công Giáo]" cũng như cất giữ các sách vở có liên can đến đạo Công Giáo.
Hơn thế nữa, ông còn chống đối nhà cầm quyền bằng cách phát hành các truyền đơn nhằm duy trì đức tin của người Công Giáo. Nhà chức trách lục soát nhà ông còn tìm thấy các áo lễ và sách lễ, ngay cả họ còn tra tấn vợ ông để tra khảo. Trong 18 tháng tiếp đó ông bị cầm tù, bị tra tấn và thật đau khổ khi được biết vợ ông từ trần.
Hiển nhiên ông bị buộc tội in ấn và phát hành tập Luận Án về Ly Giáo mà chính quyền cho là do một người "phản quốc" viết để thúc giục người Công Giáo nổi loạn. Trong khi ông William bình thản phó thác vào Thiên Chúa, bồi thẩm đoàn chỉ họp có 15 phút trước khi kết luận là ông "có tội." Sau khi xưng tội với vị linh mục cùng bị bắt, ông William đã bị treo cổ và phân thây vào ngày 11-1-1584.
Ông được phong chân phước năm 1987.

Thánh Theodosius
(c. 529) 

Theodosius sinh ở Tiểu Á năm 423. Khi thanh niên, ngài thực hiện cuộc hành hương đến Ðất Thánh. Người ta nói rằng ngài được cảm hứng bởi hành trình đức tin của ông Abraham như được viết trong Sáng Thế Ký. Sau khi thăm viếng các linh địa, ngài quyết định theo đuổi một đời sống cầu nguyện. Ngài xin được hướng dẫn bởi một người thánh thiện tên Longinus. Không bao lâu, người ta nhận ra sự thánh thiện của chính Theodosius và nhiều người đã đến xin theo để trở thành đan sĩ.
Thánh Theodosius xây một đan viện lớn ở Cathismus, gần Bêlem. Chẳng bao lâu, đan viện này tràn ngập các đan sĩ từ Hy Lạp, Armenia, Arabia, Persia và các quốc gia vùng Slave. Dần dà, đan viện trở thành một "thành phố nhỏ." Ở đó có một trung tâm cho người bệnh, một trung tâm cho người già và một trung tâm cho người nghèo cũng như người vô gia cư.
Thánh Theodosius luôn luôn độ lượng. Ngài nuôi ăn không biết bao nhiêu người nghèo. Nhiều khi tưởng chừng không còn đủ thức ăn cho các đan sĩ. Nhưng thánh nhân luôn luôn tín thác vào Thiên Chúa. Theodosius không bao giờ làm ngơ trước nhu cầu của người khác. Ðan viện là nơi thật bình an, các đan sĩ sống hoà thuận với nhau trong tình huynh đệ đích thực. Việc điều hành đan viện quá tốt đẹp đến nỗi vị thượng phụ của Giêrusalem đã bổ nhiệm Theodosius làm đan viện trưởng của các đan sĩ đông phương.
Thánh Theodosius từ trần năm 529, hưởng thọ 106 tuổi. Ngài được chôn cất ở nơi đầu tiên ngài sống như một đan sĩ. Nơi đó được gọi là Hang Ðạo Sĩ, vì theo truyền thuyết, các Ðạo Sĩ đã trú ngụ ở đây khi trên đường tìm kiếm Hài Nhi Giêsu.

Trích từ NguoiTinHuu.com


Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ BA 8/1/2013 MÙA GIÁNG SINH NĂM C, "Hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu tỏ ra Mình là Đấng Tiên tri".


Thứ Ba Mùa Giáng Sinh Năm C

 

Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh

Thứ Ba - Sau Lễ Hiển Linh

BÀI ĐỌC I: 1 Ga 4, 7-10

"Thiên Chúa là Tình Yêu".

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.


Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì hễ ai thương yêu, thì đã sinh ra bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không thương yêu, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Điều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu là thế này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 71, 2. 3-4ab. 7-8

Đáp: Lạy Chúa, muôn dân khắp mặt đất sẽ thờ lạy Chúa (x. c. 11).

1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. - Đáp.
2) Ước gì núi non đem hòa bình cho dân, và đồi nổng đem lại sự công chính. Người sẽ bênh vực kẻ khiêm tốn trong dân, sẽ cứu thoát con cái người nghèo khó. - Đáp.
3) Sự công chính và nền hòa bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người, cho đến khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất. - Đáp.

ALLELUIA: Mt 4,22 


Alleluia, alleluia! - Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng nước trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 6, 34-44

"Hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu tỏ ra Mình là Đấng Tiên tri".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.


Khi ấy, Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ, vì họ như chiên không người chăn giữ, và Người bắt đầu giảng dạy họ nhiều điều. Và khi giờ đã muộn, các môn đệ đến thưa Người rằng: "Chỗ này hoang vắng, mà giờ đã muộn, xin Thầy giải tán họ, để họ đi tới các làng các xóm gần đây mà mua gì ăn". Chúa Giêsu trả lời họ rằng: "Các con hãy cho họ ăn đi". Họ thưa Người: "Chúng con phải đi mua đến hai trăm đồng bạc bánh để phát cho họ ăn". Người nói với họ: "Các con có mấy cái bánh? Hãy đi xem". Khi biết được rồi, họ thưa: "Có năm cái bánh và hai con cá". Người ra lệnh cho họ bảo mọi người ngồi xuống làm thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ ngồi xuống từng nhóm, chỗ một trăm, chỗ năm mươi. Người cầm năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời mà chúc tụng, rồi bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ, để họ phân phát cho người ta; còn hai con cá, Người cũng chia cho mọi người. Và tất cả đều ăn no. Mụn bánh và cá còn dư lại, người ta lượm được mười hai thúng đầy. Mà số người ăn là năm ngàn người. Đó là lời Chúa.

THỨ BA SAU LỄ HIỂN LINH 

Mc 6,34-44 

TẤM LÒNG MỤC TỬ 

Chúa Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. (Mc 6,34a)
Suy niệm: “Chạnh lòng thương,” đó là xúc cảm cao độ xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa là Cha nhân hậu, thể hiện qua hình ảnh Vị Mục tử nhân lành, hiện thân rõ nét nơi con người Chúa Giêsu. Khi chứng kiến đám đông dân chúng theo mình, Chúa Giêsu đã xúc động “chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.” Chúa Giêsu thường tránh xưng mình là Mêsia, là vua, và cấm người khác gọi Ngài như thế; thế nhưng, nhiều lần Ngài nói: “Ta là mục tử nhân lành” (x. Ga 10tt). Đây không chỉ là lời nói suông nhưng là một xác tín được chứng minh bằng chính cuộc sống của Chúa. Nhìn thấy họ bơ vơ,“lầm than vất vưởng” (Mt 9,36), Chúa đã “giảng dạy họ nhiều điều.” Chẳng những thế, Ngài còn quan tâm lo cho họ được đầy đủ thức ăn khi bị đói vì theo Chúa; và nhất là Ngài sẵn lòng hiến thân chịu chết vì muôn người, để muôn người được cứu độ.
Mời Bạn: Yêu thương, quan tâm đến người khác là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Mang danh là kitô hữu, chúng ta có bổn phận trở nên những “mục tử” thực thụ, biết quan tâm chăm sóc đến những nhu cầu tinh thần và vật chất của anh chị em mình bằng những hành vi bác ái, bắt đầu từ những việc nhỏ bé, kín đáo nhất. Đó là điều không thể thiếu và là điều Chúa cần đến.
Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái cụ thể cho người đang sống gần mình.
Cầu nguyện: Xin cho con có được một tình yêu vô bờ bến và một trái tim nhạy cảm như Chúa. Xin biến con trở thành tấm bảnh bẻ ra, để thoa dịu phần nào sự đói khát của anh chị em đồng loại.






THỨ BA 8/1/2013 THỨ BA MÙA GIÁNG SINH NĂM C. Chân Phước Angela ở Foligno (1248-1309) , Thánh Thorfinn (c. 1285)


Chân Phước Angela ở Foligno
(1248-1309) 


Một số vị thánh ngay từ nhỏ đã có dấu hiệu thánh thiện. Ðiều này không đúng với Chân Phước Angela. Ðược sinh trưởng trong một gia đình quyền thế ở Foligno, ngài chìm đắm trong việc kiếm tiền và tìm danh vọng xã hội. Ngay khi làm vợ và làm mẹ, ngài vẫn tiếp tục con đường sai lạc này.
Khoảng 40 tuổi, ngài được một thị kiến và sau đó ngài nhận ra sự trống rỗng của cuộc đời nên đã tìm đến sự trợ giúp của Thiên Chúa qua Bí Tích Hòa Giải. Cha giải tội của ngài đã giúp ngài thay đổi đời sống, tận hiến cho sự cầu nguyện và thi hành đức bác ái.
Sau khi bà Angela hoán cải được ít lâu thì chồng và con đều từ trần. Bà bán hết của cải và gia nhập dòng Ba Phanxicô. Bà miệt mài chiêm niệm trước tượng Ðức Kitô trên thập giá và phục vụ người nghèo ở Foligno như một y tá và sẵn sàng đi xin xỏ khi họ có nhu cầu. Các phụ nữ khác theo gương bà đã đến tiếp tay với công việc của bà trong hội dòng ba này.
Theo lời khuyên của cha giải tội, bà Angela đã viết lại cuốn Sách Thị Kiến và Huấn Thị. Trong sách ấy, bà viết lại những lần bị cám dỗ sau khi hoán cải; cũng như những lần được kết hợp cách bí nhiệm với Ðức Kitô và ơn mặc khải. Cuốn sách này và đời sống của bà đã giúp bà được gọi là "Thầy Các Thần Học Gia."
Bà từ trần năm 1309 và được chôn cất trong nhà thờ Thánh Phanxicô ở Foligno. Nhiều phép lạ được ghi nhận ở đây. Bà được tôn vinh chân phước năm 1693.
Lời Bàn
Những ai sống ở Hoa Kỳ ngày nay có thể hiểu được sự cám dỗ của Chân Phước Angela khi cố gia tăng giá trị của mình bằng cách tích lũy tiền của, danh vọng và quyền lực. Càng kiếm thêm cho mình bao nhiêu, ngài càng trở nên ích kỷ bấy nhiêu. Khi nhận ra sự vô giá của chính con người mình, vì được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương, ngài thực sự ăn năn sám hối và sống rất bác ái với người nghèo. Những gì trước đây ngài cho là điên khùng thì bây giờ đã trở nên thật quan trọng. Con đường từ bỏ chính mình mà ngài đã theo là con đường của mọi người thánh thiện.
Lời Trích
Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: "Ðức Kitô, Ðấng Cứu Chuộc Trần Gian, thấu suốt sự bí ẩn của con người và đã đi vào 'tâm hồn' chúng ta một cách độc đáo vô song. Chính vì vậy mà Công Ðồng Vatican II đã dạy: 'Sự thật thì người ta chỉ có thể hiểu được bí ẩn của loài người trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể… Ðức Kitô là một Adong mới, qua chính sự tiết lộ nhiệm mầu của Thiên Chúa Cha và tình yêu của Người, Ðức Kitô đã bộc lộ trọn vẹn bản tính nhân loại và làm sáng tỏ ơn gọi cao trọng của loài người" (Redemtoris Hominis, 8).



Thánh Thorfinn
(c. 1285) 



Sau khi Thánh Thorfinn từ trần khá lâu, người ta mới biết đến cuộc đời thánh thiện của ngài. Thánh Thorfinn từ trần năm 1285 trong một đan viện Xitô ở Bỉ. Năm mươi năm sau, ngôi mộ của ngài tình cờ bị khai quật trong một công trình xây cất, và mọi người đều kinh ngạc vì một mùi thơm nồng nàn phát ra từ quan tài của ngài. Do đó, vị đan viện trưởng bắt đầu cuộc điều tra.
Trong đan viện, chỉ còn người đan sĩ già tuổi nhất, Walter de Muda, là còn nhớ đến Ðức Giám Mục Thorfinn. Thật vậy, Cha Walter đã quá khâm phục đức tính nhân từ và kiên quyết của Ðức Thorfinn đến nỗi ông đã làm thơ về Ðức Thorfinn ngay khi ngài còn sống. Và khi Ðức Thorfinn từ trần, Cha Walter đã dán các bài thơ ấy trong mộ của Ðức Thorfinn. Khi các đan sĩ đến xem xét, họ ngạc nhiên khi thấy nét mực các bài thơ vẫn còn nguyên như mới. Chắc chắn đây là một dấu hiệu mà Thiên Chúa muốn Ðức Thorfinn được tưởng nhớ và được vinh danh. Dân chúng bắt đầu tuốn đến để xin Ðức Giám Mục Thorfinn cầu bầu cho họ, và các phép lạ bắt đầu xảy ra.
Theo bài viết của Cha Walter, Ðức GM Thorfinn đến từ Na Uy. Khi là linh mục ở Na Uy, có lẽ ngài phục vụ ở vương cung thánh đường Nidaros với chức vụ kinh sĩ. Dường như trong thời gian ở đây, ngài đã ký một văn kiện quan trọng. Ngài là một nhân chứng của Hiệp Ước Tonsberg năm 1277. Ðây là một hiệp ước giữa Vua Magnus VI và đức tổng giám mục nhằm giải thoát Giáo Hội khỏi sự khống chế của nhà cầm quyền. Nhưng vài năm sau, Vua Eric đã bãi bỏ hiệp ước này. Ông trở mặt và chống đối đức tổng giám mục cũng như hai giám mục phụ tá là Ðức Giám Mục Andrew của Oslow và Ðức Giám Mục Thorfinn của Hamar. Sau đó các giám mục phải ra nước ngoài lánh nạn.
Ðức Giám Mục Thorfinn khởi đầu một hành trình đầy cam go về đan viện TerDoest ở Flanders, mà người ta cho rằng trước đây ngài là một đan sĩ của đan viện này. Con tầu của ngài từng bị đắm. Sau cùng, ngài đã đến được đan viện và sống ở đây cho đến chết. Ngài từ trần ngày 8 tháng Giêng 1285.

Trích từ NguoiTinHuu.com