Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

TIN MỪNG HẰNG NGÀY CHÚA NHẬT 3/2/2013 TUẦN III MÙA CHAY C, "Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".


Chúa Nhật Tuần III Mùa Chay Năm C 


Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh

BÀI ĐỌC I: Xh 3, 1-8a. 13-15

"Đấng hiện hữu sai tôi đến với anh em".

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Môsê chăn chiên cho ông nhạc là Giêtrô, tư tế xứ Mađian. Ông lùa đoàn chiên qua sa mạc, đến núi Horeb là núi của Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện ra với ông trong ngọn lửa cháy từ giữa bụi gai. Ông nhìn thấy bụi gai bốc lửa, nhưng không bị thiêu rụi. Môsê nói: "Ta hãy lại xem cảnh tượng kỳ lạ này, vì sao bụi gai không bị thiêu rụi".
Thiên Chúa thấy ông lại xem, từ giữa bụi gai Người gọi ông: "Môsê! Môsê!" Ông thưa: "Dạ con đây!" Chúa nói: "Ngươi đừng đến gần đây. Hãy cởi dép ở chân ra, vì chỗ ngươi đang đứng là nơi thánh". Chúa lại nói: "Ta là Thiên Chúa của Tổ phụ ngươi. Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp". Môsê che mặt, vì không dám nhìn Thiên Chúa. Chúa nói: "Ta đã thấy dân Ta phải khổ cực ở Ai-cập. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than kẻ đốc công áp bức. Ta biết nỗi đau khổ của chúng, nên Ta xuống cứu chúng thoát khỏi tay người Ai-cập và đưa ra khỏi đất ấy đến miền đất tốt tươi rộng lớn, đất tràn trề sữa và mật".
Môsê thưa với Thiên Chúa rằng: "Này con sẽ đến với con cái Israel và bảo họ: Thiên Chúa của tổ phụ anh em đã sai tôi đến với anh em. Nếu họ hỏi con: 'Tên Người là gì?', con sẽ nói sao với họ?" Thiên Chúa nói với Môsê: "Ta là Đấng Tự Hữu". Chúa nói: "Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: 'Đấng Tự Hữu sai tôi đến với anh em' ".
Thiên Chúa lại nói với Môsê: "Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: 'Thiên Chúa của tổ phụ anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp sai tôi đến với anh em'. Đó là danh Ta cho đến muôn đời, đó là danh Ta phải ghi nhớ qua mọi thế hệ". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 102, 1-2. 3-4. 6-7. 8 và 11

Đáp: Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).
1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
2) Người đã thứ tha cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.
3) Chúa thi hành những sự việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những người bị ức. Người tỏ cho Môsê được hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái Israel.
4) Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 10, 1-6. 10-12

"Đời sống dân chúng đối với Môsê trong hoang địa được viết ra để răn bảo chúng ta".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi không muốn để anh em không hay biết điều này, là tất cả cha ông chúng ta đã được ở dưới áng mây, đi ngang qua biển và tất cả nhờ Môsê mà được thanh tẩy, dưới áng mây và trong lòng biển; tất cả đã ăn cùng một thức ăn thiêng liêng, và uống cùng một thức uống thiêng liêng. Thật vậy, tất cả đã uống nước phát xuất từ tảng đá thiêng liêng đi theo họ: tảng đá ấy chính là Chúa Kitô. Tuy nhiên, không phải phần đông trong họ đã sống đẹp lòng Chúa, vì họ đã bị gục ngã trong hoang địa.
Bao nhiêu sự kiện đó nêu gương cho chúng ta, để chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như những người đó đã chiều theo. Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách như một số người trong bọn họ đã làm, và đã vong mạng bởi tay một sứ thần huỷ diệt. Những việc đó đã xảy đến cho họ để làm gương, và đã được ghi chép để răn bảo chúng ta là những người đang sống trong thời đại cuối cùng. Thế nên, ai tưởng mình đang đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã. Đó là lời Chúa.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: 2 Cr 6, 2

Này là lúc thuận tiện, này là ngày cứu độ.

PHÚC ÂM: Lc 13, 1-9

"Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.


Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".
Ngài nói với họ dụ ngôn này: "Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: 'Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!' Nhưng anh ta đáp rằng: 'Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi'".


--------------------------------------------------------------------------------

THÁNH LỄ TỰ DO CHỌN

Thánh lễ này có thể cử hành bất cứ ngày nào trong tuần này, nhất là trong năm B và C, khi không đọc bài Tin Mừng về người nữ Samaritana trong Chúa Nhật 3 Mùa Chay.

BÀI ĐỌC I: Xh 17, 1-7

"Nước chảy ra để cho dân chúng uống".

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, tất cả cộng đồng con cái Israel đi từ hoang địa Sin tiến đến các chặng đường, theo lệnh của Thiên Chúa, và họ cấm trại tại Raphiđim, nơi không có nước cho dân chúng uống. Bấy giờ dân chúng gây sự với ông Môsê mà nói rằng: "Ông hãy cho chúng tôi nước uống". Môsê đáp lại rằng: "Tại sao các ngươi gây sự với tôi? Tại sao các ngươi thách thức Thiên Chúa?" Và lúc bấy giờ ở đó dân chúng khát vì thiếu nước, nên phàn nàn với ông Môsê rằng: "Tại sao ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập để cho chúng tôi cùng con cái và đoàn súc vật chúng tôi phải chết khát như vầy?" Môsê kêu lên cùng Chúa rằng: "Con sẽ phải làm gì cho dân này? Còn một chút nữa là họ ném đá con rồi". Chúa liền phán bảo Môsê: "Ngươi hãy tiến lên đi trước dân chúng và dẫn các bậc kỳ lão Israel đi theo, tay ngươi cầm gậy mà ngươi đã dùng mà đánh trên nước sông. Này đây, Ta sẽ đứng trước mặt ngươi, trên tảng đá ở Horeb, ngươi sẽ đánh lên tảng đá, và từ tảng đá nước sẽ chảy ra cho dân chúng uống". Môsê làm các điều nói trên trước mặt các bậc kỳ lão Israel. Ông đặt tên nơi đó là "Thử Thách", vì con cái Israel đã phàn nàn thách thức Chúa mà rằng: "Chúa có ở trong chúng tôi hay không?" Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9

Đáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Các ngươi đừng cứng lòng!" (c. 8)

1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Đá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người!
2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Đấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.
3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Đừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta".

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 4, 42 và 15

Lạy Chúa, Chúa thật là Đấng cứu chuộc thế gian: xin ban cho con nước hằng sống, để con không còn khát nữa.

PHÚC ÂM: Ga 4, 5-42

"Nguồn nước chảy ra sự sống đời đời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.
Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: "Xin bà cho tôi uống nước" (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: "Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?" (vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Sa-maria).
Chúa Giêsu đáp: "Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: 'Xin cho tôi uống nước', thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống".
Người đàn bà nói: "Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này, và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?"
Chúa Giêsu trả lời: "Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời". Người đàn bà thưa: "Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát, và khỏi phải đến đây xách nước nữa". Chúa Giêsu bảo: "Bà hãy đi gọi chồng bà rồi trở lại đây". Người đàn bà đáp: "Tôi không có chồng". Chúa Giêsu nói tiếp: "Bà nói 'tôi không có chồng' là phải, vì bà có năm đời chồng rồi, và người đàn ông đang chung sống với bà bây giờ không phải là chồng bà, bà đã nói đúng đó".
Người đàn bà nói: "Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem".

Chúa Giêsu đáp: "Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Đấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý".
Người đàn bà thưa: "Tôi biết Đấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự". Chúa Giêsu bảo: "Đấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây".
Vừa lúc đó các môn đệ về tới. Các ông ngạc nhiên thấy Ngài nói truyện với một người đàn bà. Nhưng không ai dám hỏi: "Thầy hỏi bà ta điều gì, hoặc: tại sao Thầy nói truyện với người đó?" Bấy giờ người đàn bà để vò xuống, chạy về thành bảo mọi người rằng: "Mau hãy đến xem một ông đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Phải chăng ông đó là Đấng Kitô?" Dân chúng tuôn nhau ra khỏi thành và đến cùng Ngài, trong khi các môn đệ giục Ngài mà rằng: "Xin mời Thầy ăn". Nhưng Ngài đáp: "Thầy có của ăn mà các con không biết". Môn đệ hỏi nhau: "Ai đã mang đến cho Thầy ăn rồi chăng?" Chúa Giêsu nói: "Của Thầy ăn là làm theo ý Đấng đã sai Thầy và chu toàn công việc Ngài. Các con chẳng nói: còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt đó ư? Nhưng Thầy bảo các con hãy đưa mắt mà nhìn xem đồng lúa chín vàng đã đến lúc gặt. Người gặt lãnh công và thu lúa thóc vào kho hằng sống, và như vậy kẻ gieo người gặt đều vui mừng. Đúng như câu tục ngữ: Kẻ này gieo, người kia gặt. Thầy sai các con đi gặt những gì các con không vất vả làm ra; những kẻ khác đã khó nhọc, còn các con thừa hưởng kết quả công lao của họ".
Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng rằng: Ông ấy đã nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: "Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Đấng Cứu Thế". Đó là lời Chúa.





CHÚA NHẬT 3/3/2013 TUẦN III MÙA CHAY C, Thánh Katharine Drexel (1858 - 1955)


Thánh Katharine Drexel
(1858 - 1955) 
Nếu cha bạn là một ông chủ ngân hàng quốc tế và bạn có xe lửa riêng, có lẽ khó để bạn bị lôi cuốn đến những công việc tình nguyện cho người nghèo. Nhưng nếu hàng tuần mẹ bạn dành ba ngày để tiếp đón người nghèo, và cha bạn dành nửa giờ mỗi ngày để cầu nguyện, có lẽ không khó để bạn hy sinh cuộc đời cho người nghèo và cho đi 12 triệu đô la. Ðó là điều mà Thánh Katharine Drexel đã thực hiện.
Ngài sinh ở Philadelphia, Hoa Kỳ, năm 1858 và là cô con gái thứ hai của ông bà Drexel. Sau khi chào đời được hai năm thì người mẹ ruột từ trần. Hai năm sau, cha ngài tái hôn và họ có thêm một cô con gái nữa. Tất cả ba cô đều có một nền tảng giáo dục vững chắc và thường đi du lịch nhiều nơi. Khi Katharine hai mươi mốt tuổi, là con gái nhà giầu, ngài sẵn sàng có địa vị trong xã hội, nhưng khi chăm sóc người mẹ ghẻ trong ba năm bị bệnh ung thư, ngài thấy rằng mọi tài sản của dòng họ Drexel cũng không thể cứu được con người khỏi sự đau khổ và cái chết, từ đó cuộc đời ngài thay đổi đáng kể.
Vào năm 1885, ông Drexel từ trần để lại gia tài kếch sù cho ba cô con gái. Lúc bấy giờ, Katharine và hai chị em đều gia nhập tổ chức Tông Ðồ Giáo Dân. Họ thường để ý đến hoàn cảnh khó khăn của người da đỏ, và thường bàng hoàng khi đọc những câu truyện về người da đỏ Mỹ Châu. Trong chuyến du lịch Âu Châu, ngài được gặp Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII và xin Ðức Thánh Cha gửi thêm các nhà truyền giáo đến Wyoming để giúp đỡ bạn của ngài, là Ðức Giám Mục James O'Connor. Ðức giáo hoàng trả lời, "Tại sao chính con không trở nên nhà tryền giáo?" Câu trả lời ấy đã khích động ngài đến độ phải nằm bệnh trong vài ngày.
Trở về Hoa Kỳ, ngài đến thăm người da đỏ Dakota, gặp tù trưởng Red Cloud và bắt đầu giúp đỡ họ.
Việc lập gia đình đối với Katharine thì quá dễ dàng. Nhưng sau các cuộc thảo luận với Ðức Giám Mục O'Connor, Katharine viết trong nhật ký năm 1889, "Ngày lễ Thánh Giuse năm ấy đã đem lại cho tôi một ơn sủng lớn lao để có thể hy sinh quãng đời còn lại cho người da đỏ và da mầu." Vào ngày 7 tháng Mười Một 1889, ngài mặc áo dòng và lấy tên Sơ Mary Katharine. Năm ấy, các nhật báo lớn ở Hoa Kỳ đều chạy hàng chữ ngay trang đầu, "Dám Bỏ 7 Triệu Ðôla!"
Sau ba năm rưỡi huấn luyện, Katharine và mười ba nữ tu đầu tiên của ngài (Sisters of the Blessed Sacrament for Indians and Colored - Nữ Tu Thánh Thể cho Người Da Ðỏ và Da Mầu) mở trường học ở Santa Fe. Tiếp đó các trường học nối đuôi nhau thành lập. Vào năm 1915, ngài thành lập Ðại Học Xavier ở New Orleans, là đại học đầu tiên ở Hoa Kỳ dành cho người da đen.
Cho đến năm 1942, ngài đã thiết lập xong hệ thống trường Công Giáo cho người da đen trong 13 tiểu bang, cộng thêm 40 trung tâm truyền giáo và 23 trường làng. Những người kỳ thị chủng tộc đã quấy phá công việc của ngài, họ đốt cả một trường học của ngài ở Pennsylvania. Tổng cộng, ngài đã thành lập 50 trung tâm truyền giáo cho người da đỏ trong 16 tiểu bang.
Khi 77 tuổi, ngài bị kích xúc tim nhưng vẫn tiếp tục đến các trung tâm truyền giáo để hướng dẫn các sơ trong dòng. Vào năm 1941, ngài cử mừng lễ kim khánh thành lập dòng, và Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã đề cập đến thành quả của ngài như "một trang sử huy hoàng trong biên niên sử của Giáo Hội."
Trong những năm cuối đời, Mẹ Katharine Drexel bị liệt, ngài sống âm thầm cầu nguyện trong căn phòng nhỏ nhìn về phía cung thánh. Nhiều mẩu giấy ghi lại các lời cầu nguyện của ngài, cũng như những suy niệm và những nguyện vọng vô tận. Ngài từ trần khi 96 tuổi. Tổng cộng ngài đã dùng 12 triệu đô la tài sản của ngài cho công cuộc truyền giáo cho người da đỏ và da đen ở Hoa Kỳ.
Vào tháng Mười Một 1988, ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước. Và đầu tháng Mười năm 2000, ngài đã được phong thánh.
Lời Bàn
Các thánh luôn luôn có những lời khuyên giống nhau: Hãy cầu nguyện, sống khiêm tốn, chấp nhận thập giá, hãy yêu thương và tha thứ cho tha nhân. Nhưng khi được nghe những lời ấy từ một người, có tất cả những giầu sang của trần thế, được báo chí phỏng vấn, được du lịch trên các toa xe lửa hạng sang, thì đó là một nhắc nhở mạnh mẽ cho chúng ta biết, sự thánh thiện có thể thực hiện được trong thế giới hôm nay cũng như ở Giêrusalem hoặc Rôma thuở xưa.
Lời Trích
"Sự kiên nhẫn và khiêm tốn chịu đựng thập giá - dù bất cứ thập giá nào - là công việc cao cả nhất mà chúng ta phải thi hành.
"Ôi, dù đã 84 tuổi mà tôi vẫn còn xa vời với hình ảnh của Ðức Giêsu trong cuộc đời thánh thiện của Ngài ở trần thế!" (Mẹ Katherine Drexel)

Trích từ NguoiTinHuu.com


Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ TƯ/27/2/2013 TUẦN II MÙA CHAY C,"Họ đã lên án tử cho Người".


Thứ Tư Tuần II Mùa Chay Năm C
 

"Hãy đến, và chúng ta hành hạ nó".

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.


Thiên hạ nói rằng: "Các ngươi hãy đến và chúng ta tìm cách chống lại Giêrêmia: vì tư tế không thiếu lề luật, người khôn ngoan không thiếu lời chỉ bảo, tiên tri không thiếu lời giảng dạy! Hãy đến, chúng ta hãy dùng lời nói mà tố cáo nó và đừng để ý đến các lời nó dạy".
Lạy Chúa, xin lưu tâm đến con, và nghe tiếng quân thù của con! Làm lành mà phải gặp dữ sao, vì họ đào lỗ chôn con? Xin Chúa hãy nhớ lại con đã đứng trước nhan thánh Chúa để biện hộ cho họ, Chúa đã nguôi giận họ. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 30, 5-6. 14. 15-16

Đáp: Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa (c. 17b).
1) Chúa dẫn con xa lưới dò chúng ngầm trương ra để hại con, vì Ngài là chỗ con nương náu. Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa; lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con. - Đáp.
2) Con đã nghe thấy lũ đông bàn tán, nỗi sợ sệt gieo nặng khắp đôi nơi; cùng một lúc, chúng tụ họp phản đối con; chúng đã âm mưu sát hại mạng con. - Đáp.
3) Phần con, lạy Chúa, con tin cậy ở Ngài, con kêu lên: Ngài là Thiên Chúa của con! Vận mạng con ở trong tay Ngài, xin cứu gỡ con khỏi tay quân thù và những người bách hại. - Đáp.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ge 2, 12-13 

Chúa phán: "Vậy từ đây các ngươi hãy thật lòng quay về với Ta, vì Ta nhân hậu và từ bi".

PHÚC ÂM: Mt 20, 17-28 

"Họ đã lên án tử cho Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, đem riêng mười hai môn đệ đi theo. Dọc đường, Người nói với họ: "Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các vị thượng tế và luật sĩ. Người ta sẽ lên án tử cho Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại để chúng nhạo báng, đánh đòn, rồi treo Người lên thập giá, nhưng đến ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Bấy giờ bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Người. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: "Bà muốn gì". Bà ta thưa lại: "Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài". Chúa Giêsu đáp lại: "Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây Ta sắp uống chăng?" Họ nói với Người: "Thưa được". Người bảo họ: "Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai, thì người ấy mới được". Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em: Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo: "Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người". Đó là lời Chúa.

THỨ TƯ TUẦN 2 MC

Mt 20,17-28 

UỐNG CHÉN THẦY SẮP UỐNG


Bà mẹ các con ông Dêbêđê thưa với Chúa: “Xin Thầy cho truyền hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả, trong nước Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” (Mt 20,21-22)
Suy niệm: Đã ba lần Chúa tiên báo về cuộc khổ nạn của Chúa, thế mà các tông đồ vẫn nhìn Nước Trời như một vương triều trần thế. Không phải ngẫu nhiên mà hai tông đồ này xin chỗ ngồi danh dự hai bên tả hữu của Chúa Giê-su. Giữa các môn đệ có một chiến tranh lạnh ngấm ngầm xuất phát từ quan niệm công thần đã ngự trị trong tâm tư họ từ lâu: “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, chúng con được gì bù lại?” (Mc 10,28): họ khao khát quyền lợi, quyền lực. Chúa Giêsu đã khó khăn lắm mới đổi được não trạng của các tông đồ: Họ muốn được chung phần với Ngài trong vinh quang, điều đó cũng tốt thôi nếu đó là ý muốn của Chúa Cha; nhưng liệu họ có dám dự phần với Ngài trong đau khổ, trong chén đắng, trong cái chết gần kề của Ngài không?
Mời Bạn: Bạn sẽ trả lời thế nào nếu Chúa hỏi bạn câu hỏi đó? Bạn có tâm tình nào khi phục vụ giáo xứ, phục vụ anh chi em? Bạn dám chấp nhận quên mình, không tìm tiếng khen, hay chút lợi lộc. Sống đạo, bạn không chờ đợi được một chỗ ngồi cao, nhưng mong được ban một chỗ thật gần bên Chúa.
Sống Lời Chúa: Làm một việc hy sinh, kết hợp với Chúa Giêsu chịu khổ nạn trên Thánh Giá để xin ơn hoán cải.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con can đảm, dám chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn, nhờ đó con vui tươi phục vụ mọi người theo gương khiêm hạ của Chúa, và theo Chúa trên con đường thánh giá Chúa đã đi qua.












THỨ TƯ NGÀY 27/ 2 / 2013 TUẦN II MÙA VỌNG C,Thánh Gabrien của Ðức Mẹ Sầu Bi (c. 1862)


Thánh Gabrien của Ðức Mẹ Sầu Bi (c. 1862)

Phanxicô, sinh trưởng trong một gia đình có đến 12 người con, và ngài mồ côi mẹ khi mới bốn tuổi. Phanxicô được các cha dòng Tên dạy dỗ, và sau hai lần thoát khỏi bệnh nặng, anh tin rằng Thiên Chúa kêu gọi anh vào đời sống tu trì. Tuy nhiên, ước ao gia nhập dòng Tên của anh bị từ chối, có lẽ vì tuổi còn nhỏ, lúc ấy anh chưa đến 17 tuổi. Sau cái chết của người chị vì bệnh dịch tả, quyết tâm đi tu của anh lại càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và anh được các cha dòng Passionist chấp nhận. Khi bắt đầu cuộc sống đệ tử, Phanxicô lấy tên là Gabrien của Ðức Mẹ Sầu Bi.
Là một con người luôn luôn bình dị và vui tươi, không bao lâu Gabrien đã tập được cho mình một đức tính: trung thành trong mọi chuyện dù nhỏ bé. Anh khiến mọi người ngạc nhiên về tinh thần cầu nguyện của anh cũng như việc yêu thương người nghèo, quan tâm đến người khác, tuân giữ quy luật cách nghiêm nhặt và hãm mình phạt xác -- luôn luôn tùy theo tôn ý của bề trên.
Cha bề trên rất kỳ vọng nơi Gabrien khi anh đang chuẩn bị cho đời sống linh mục, nhưng chỉ sau bốn năm tu tập, các triệu chứng của bệnh lao bắt đầu xuất hiện. Luôn luôn vâng lời, anh kiên nhẫn chịu đựng sự đau đớn và những hạn chế mà cơn bệnh đòi hỏi, không muốn được lưu ý cách đặc biệt. Anh từ trần cách êm ái vào ngày 27 tháng Hai 1862, khi mới 24 tuổi, sau khi sống gương mẫu cho mọi người. 
Gabrien của Ðức Mẹ Sầu Bi được phong thánh năm 1920. 

Trích từ NguoiTinHuu.com


Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ BA 26/2/2013 TUẦN II MÙA CHAY C,"Họ nói mà không làm".


Thứ Ba Tuần II Mùa Chay Năm C 


Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh

BÀI ĐỌC I: Is 1, 10. 16-20

"Các ngươi hãy học làm điều lành và tìm kiếm công lý".

Trích sách Tiên tri Isaia.


Hỡi các Thủ lãnh thành Sôđôma, hãy nghe lời Chúa; hỡi dân thành Gômôra, hãy lắng nghe lề luật của Thiên Chúa chúng ta. Các ngươi hãy tắm rửa, hãy thanh tẩy, đừng làm điều xấu nữa, hãy làm điều lành; hãy tìm kiếm công lý, hãy cứu giúp kẻ bị áp bức, hãy xét xử công bằng cho những trẻ mồ côi và bênh vực người goá bụa.
Và Chúa phán: "Các ngươi hãy đến và đối chất với Ta: cho dầu tội lỗi các ngươi như màu đỏ thắm, cũng sẽ trở nên trắng như tuyết; cho dầu đỏ như vải điều, cũng sẽ trở nên trắng như len. Nếu các ngươi quyết tâm nghe Ta, các ngươi sẽ hưởng hoa màu ruộng đất; nhưng nếu các ngươi cố chấp không nghe và khiêu khích Ta, thì lưỡi gươm sẽ tiêu diệt các ngươi, vì miệng Chúa phán như thế". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 49, 8-9. 16bc-17. 21 và 23

Đáp: Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ (c. 23b).
1) Ta không khiển trách ngươi về chuyện dâng lễ vật, vì lễ toàn thiêu của ngươi đặt ở trước mặt Ta luôn. Ta không nhận từ nhà ngươi một con bò non, cũng không nhận từ đoàn chiên ngươi những con dê đực. - Đáp.
2) Tại sao ngươi ưa kể ra những điều huấn lệnh, và miệng ngươi thường nói về minh ước của Ta, ngươi là kẻ không ưa lời giáo huấn, và ném bỏ lời Ta lại sau lưng? - Đáp.
3) Ngươi làm thế, mà Ta đành yên lặng? Ngươi đã tưởng rằng Ta giống như ngươi? Ta sẽ bắt lỗi, sẽ phơi bày trước mặt ngươi tất cả. Ai hiến dâng lời khen ngợi, người đó trọng kính Ta; ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ. - Đáp.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 6, 64b và 69b

Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời.
PHÚC ÂM: Mt 23, 1-12

"Họ nói mà không làm". 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.


Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: "Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy, vì thế họ nới rộng thẻ Kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là "thầy". Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha, vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo, vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Đức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên". Đó là lời Chúa.

THỨ BA TUẦN 2 MC 

Mt 23,1-12 

CHỮA TRỊ BỆNH “PHARISÊU” 

“Các kinh sư và các người Pharisêu ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là thầy.” (Mt 23,6-7)
Suy niệm: Chúa Giêsu nhiều lần lên án các kinh sư và người Pharisêu về việc họ nắm giữ chức quyền, địa vị, ham hố vinh dự, thích ăn trên ngồi trước, mà phận sự của mình thì không chu toàn, nói thì nhiều mà làm thì không. Để chữa trị căn bệnh này, phải chẩn đoán tận căn cội siêu nhiên: Mọi người chỉ có một Cha trên trời và tất cả là anh chị em với nhau; chỉ có một Thầy là Đức Kitô, và tất cả được mời gọi làm môn đệ của Ngài. Chính vì thế “mọi vinh quang và danh dự đều thuộc về Chúa, là Cha toàn năng… trong Đức Kitô.”
Mời Bạn: Căn bệnh “Pharisêu” không chỉ là căn bệnh của xã hội mà còn có thể len lỏi vào cả trong cơ chế của Giáo Hội. Phân công xã hội là điều tất yếu để xã hội có thể tồn tại và phát triển. Chức vụ nào, bổn phận nấy. Hơn nữa chúng ta cần nhớ rằng mọi chức vụ, quyền bính đều bởi Chúa, và chúng ta được ban cho là để phục vụ. Vì thế, Chúa mời gọi chúng ta hãy chu toàn việc bổn phận của mình trong vui tươi và khiêm tốn và “mọi vinh quang và danh dự” đều quy hướng về Chúa
Chia sẻ: Càng làm lớn thì càng khó sửa lỗi. Một phần vì chính mình sĩ diện, tự ái, một phần vì người khác vị nể không dám lên tiếng. Làm sao để sửa chữa tình trạng này?
Sống Lời Chúa: Mùa Chay là cơ hội để ta lấy “cái xà” trong mắt mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết con là tôi tớ mọn hèn. Xin cho con biết luôn phục vụ anh chị em trong khiêm tốn và vui tươi.






THỨ BA 26/2/2013 TUẦN II MÙA CHAY C, Thánh Apollonia (c. 249)


Thánh Apollonia
(c. 249) 
Cuộc bách hại Kitô Hữu đầu tiên ở Alexandria xảy ra trong triều đại Hoàng Ðế Philip. Nạn nhân đầu tiên bị người ngoại giáo tấn công là một cụ già tên Metrius, cụ bị tra tấn và sau đó bị ném đá cho đến chết. Người thứ hai từ chối không chịu thờ tà thần là một phụ nữ Kitô Hữu tên Quinta. Lời nói của bà đã làm đám đông tức giận và bà đã bị đánh đập bằng gậy gộc và ném đá.
Thanh Apollonia Trong khi hầu hết Kitô Hữu rời bỏ thành phố, để lại mọi của cải thế gian thì một nữ phó tế tên là Apollonia bị bắt. Thánh Dionysius, Giám Mục Antiôkia, kể cho chúng ta biết, đám đông đã đánh đập Apollonia, và bẻ gãy mọi cái răng của ngài. Sau đó họ đốt một đám lửa thật lớn và đe dọa nếu ngài không chịu nguyền rủa Thiên Chúa thì họ sẽ ném ngài vào lửa. Ngài xin đợi một vài giây phút như để suy nghĩ về điều họ yêu cầu. Nhưng thay vào đó, ngài đã tự ý nhảy vào lửa và được phúc tử đạo.
Có nhiều nhà thờ được dâng kính cho thánh nữ. Là quan thầy của các nha sĩ, Thánh Apollonia thường được cầu khẩn để chữa răng đau và các bệnh liên hệ đến răng. Ngài thường được vẽ với đôi kìm đang kẹp một cái răng hoặc một chiếc răng vàng đeo trên cổ. Thánh Augustine giải thích về sự tử đạo của ngài là do sự thúc giục đặc biệt của Chúa Thánh Thần, vì không ai được phép tự ý gây ra cái chết cho mình.

Trích từ NguoiTinHuu.com


TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ HAI 25/2/2013 TUẦN II MÙA CHAY C,"Hãy tha thứ thì các con sẽ được thứ tha".


Thứ Hai Tuần II Mùa Chay Năm C 



Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh

BÀI ĐỌC I: Đn 9, 4b-10

"Chúng con đã phạm tội và đã làm điều gian ác".


Trích sách Tiên tri Đaniel.

Lạy Chúa là Thiên Chúa cao cả và đáng kính sợ, Đấng giữ lời giao ước và lòng từ bi đối với những ai kính mến Người và tuân giữ những giới răn của Người. Chúng con đã phạm tội và làm điều gian ác; chúng con đã bỏ các giới răn và lề luật Chúa. Chúng con đã không nghe lời các tiên tri tôi tớ Chúa, những người đã nhân danh Chúa nói với các vua chúa, thủ lãnh, cha ông và toàn dân trong xứ chúng con. Lạy Chúa, sự công chính thuộc về Chúa, còn phần chúng con là phải chịu hổ mặt như ngày hôm nay, chúng con là những người thuộc dòng dõi Giuđa, những dân cư ở Giêrusalem, toàn dân Israel, những kẻ gần xa, sống trong mọi nước mà Chúa đã phân tán họ tới đó, vì tội ác mà họ đã phạm nghịch cùng Chúa. Lạy Chúa, điều dành cho chúng con, các vua chúa, thủ lãnh, cha ông chúng con là phải chịu hổ mặt, vì đã phạm tội. Lòng từ bi và tha thứ thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng con, vì chúng con phản bội cùng Chúa. Chúng con đã không vâng theo tiếng Chúa là Thiên Chúa chúng con, để sống theo lề luật mà Chúa đã dùng các tiên tri, tôi tớ Chúa, rao giảng cho chúng con. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 78, 8. 9. 11 và 13

Đáp: Lạy Chúa, xin đừng xử với chúng con như chúng con đáng tội (Tv 102, 10a).
1) Xin đừng nhớ lỗi tiền nhân để trị chúng con; xin kíp mở lòng từ bi đón nhận chúng con, vì chúng con lầm than quá đỗi! - Đáp.
2) Ôi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng con, xin phù trợ chúng con vì vinh quang danh Chúa; xin giải thoát và tha tội chúng con vì danh Ngài. - Đáp.
3) Xin cho tiếng tù binh rên siết vọng tới thiên nhan; xin ra tay thần lực giải thoát người mang án tử. Phần chúng con là thần dân Chúa, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi, chúng con sẽ ca tụng Chúa tới muôn đời; đời nọ sang đời kia, chúng con loan truyền lời ca khen Chúa. - Đáp.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 3, 16

Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một của Người; mọi kẻ tin Ngài, thì được sống đời đời.
PHÚC ÂM: Lc 6, 36-38

"Hãy tha thứ thì các con sẽ được thứ tha". 




Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán thì các con khỏi bị xét đoán; đừng kết án thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho thì sẽ cho lại các con: Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong bằng đấu nào, thì cũng được đong trả lại bằng đấu ấy!" Đó là lời Chúa.

thứ hai tuần 2 mc

Lc 6,36-38
nhân từ như cha nhân từ 
“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6,36)

Suy niệm: “Chúng ta cầu xin lòng Chúa nhân từ; lời cầu nguyện ấy cũng phải dạy chúng ta đáp trả bằng những hành vi nhân ái” (W. Shakespeare). Đức Giêsu dạy ta bày tỏ lòng nhân từ qua bốn mệnh lệnh: - hai mệnh lệnh tiêu cực: không xét đoán, không lên án; và hai mệnh lệnh tích cực: hãy tha thứ, hãy cho. Tại sao ta phải cố gắng bỏ thói quen hay xét đoán và lên án người khác? Tại sao ta phải nỗ lực vượt lên trên bản năng tự nhiên để tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình và cho đi cách quảng đại? Thưa, chỉ vì ta muốn noi gương Chúa Cha là Đấng nhân từ. Cha nào con nấy, hổ phụ sinh hổ tử; cũng vậy, chúng ta phải trở nên giống Cha của mình, để xứng danh là con cái Ngài.
Mời Bạn: Có thể diễn tả quan hệ giữa Thiên Chúa, bạn và người khác qua một hình tam giác, mà Thiên Chúa là đỉnh của tam giác ấy. Càng tha thứ và cho đi với người lân cận, bạn càng được Thiên Chúa thứ tha và cho lại dồi dào. Càng tha thứ và cho đi, bạn càng trở nên cao thượng như Cha của mình. “Nhân từ là dấu hiệu đích thực của sự cao thượng” (nhà văn W. Shakespeare).
Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay tôi sẽ (1) không lên án bất cứ người nào; và (2) chia sẻ một cái gì đó thân thiết với mình (thời giờ, tiền bạc, sự quan tâm...) như một cách bày tỏ lòng nhân từ cho những ai đang cần đến.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con thường sống theo bản năng tự nhiên: hay xét đoán, thích lên án người anh em, khó khăn khi tha thứ và do dự khi cho đi. Xin Chúa nhân từ tha thứ cho chúng con. Xin cũng giúp chúng con đáp trả bằng cách bày tỏ lòng nhân từ với nhau. Amen.









THỨ HAI 25/2/2013 TUẦN II MÙA CHAY C, Chân Phước Sebastian ở Aparicio (1502 - 1600)


Chân Phước Sebastian ở Aparicio
(1502 - 1600) 

Những con đường và nhịp cầu mà Chân Phước Sebastian xây dựng thì nối liền nhiều chỗ thật xa cách. Nhịp cầu sau cùng ngài hoàn tất là giúp người ta nhận biết phẩm giá và cùng đích mà Thiên Chúa đã ban cho loài người.
Cha mẹ của Sebastian là nông dân Tây Ban Nha. Vào năm 31 tuổi, ngài xuống tàu đi Mễ Tây Cơ, ở đây ngài làm việc đồng áng. Sau đó ngài xây đắp những con đường để thuận tiện cho việc trao đổi nông nghiệp và thương mãi. Con đường ngài xây từ Mexico City cho đến Zacatecas dài 466 dặm và phải mất 10 năm mới hoàn tất, và vừa phải khéo léo thương thuyết với những người thổ dân.
Sau cùng, Sebastian là một điền chủ giàu có. Khi 60 tuổi ngài lập gia đình với một trinh nữ. Ðộng lực chính mà người trinh nữ kết hôn với ngài có lẽ là số gia tài kếch sù; phần ngài thì muốn giúp đỡ người con gái nghèo nàn không có của hồi môn ấy một cuộc đời xứng đáng. Khi người vợ thứ nhất qua đời, ngài lấy một trinh nữ thứ hai cũng vì lý do như trước; và người vợ thứ hai cũng chết sớm.
Vào năm 72 tuổi, Sebastian phân phát tài sản cho người nghèo rồi gia nhập dòng Phanxicô với tư cách của một thầy trợ sĩ. Ðược giao cho công việc ẩm thực của tu viện rộng lớn ở Puebla de los Angeles (100 thành viên) nằm về phía nam của Mexico City, Thầy Sebastian đã chu toàn bổn phận đi khất thực trong 25 năm. Lòng bác ái của thầy đối với tất cả mọi người thật xứng với cái tên mà người ta đã đặt cho ngài, "Thiên Thần của Mễ Tây Cơ."
Thầy Sebastian được phong chân phước năm 1787 và là quan thầy của những người lữ hành.
Lời Bàn
Theo Quy Luật Thánh Phanxicô, các tu sĩ phải làm việc để có miếng ăn. Nhưng đôi khi công việc của họ không đủ cung cấp cho nhu cầu; thí dụ, họ chăm sóc người cùi là những người không có gì để đáp trả. Trong trường hợp ấy, các tu sĩ được phép đi xin, và luôn nhớ đến điều nhắc nhở của Thánh Phanxicô là hãy làm gương tốt để khuyến dụ dân chúng. Cuộc đời của Chân Phước Sebastian, dù tuổi già nhưng vẫn hăng say, chắc chắn đã đưa nhiều người đến gần Thiên Chúa hơn.
Lời Trích
Có lần Thánh Phanxicô nói với các môn sinh:"Giữa thế gian và tu sĩ có một giao kèo. Tu sĩ phải đem lại cho thế gian gương mẫu tốt lành; và thế gian phải cung ứng cho các nhu cầu của họ. Khi các tu sĩ hư hỏng đức tin và không còn làm gương tốt, thế gian sẽ rút tay lại như một sự khiển trách chính đáng" (2 Celano, #70).

Trích từ NguoiTinHuu.com


Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

CHÚA NHẬT 24/2/2013TUẦN II MÙA CHAY C,ĂN CHAY, KIÊNG THỊT TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ???


ĂN CHAY, KIÊNG THỊT 
TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ???



1. Xin cho biết Mục đích và Ý nghĩa việc ăn chay kiêng thịt trong GHCG: Ăn chay là hình thức đền tội của Cựu Ước và Tân Ước. Chúa Giêsu giữ chay 40 đêm ngày để làm gương cho các tín hữu. Trong GHCG, ăn chay kiêng thịt có mục đích và ý nghĩa như sau: 1/ Bỏ mình, hãm mình, hi sinh, đền tội, dẹp tính mê ăn uống, đó là một trong 7 mối tội đầu (Thứ 5 Kiêng bớt chớ mê ăn uống). 2/ Tỏ lòng Sám hối tội lỗi, 3/ Thông cảm Sự Thương khó của Chúa Kitô. Mỗi người chúng ta, chẳng ai là không phải đền tội, tội đầy đầu trong tư tưởng, lời nói, việc làm sai, thiếu sót bỏ không làm việc tốt phải làm..."lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng". Do đó, nếu Giáo hội không buộc ăn chay kiêng thịt, thì tự mình cũng nên tìm cách hãm mình đền tội cách nhẹ ở đời này, hơn là để đền tội "cách nặng" trong luyện ngục đời sau! 2. GHCG dạy ăn chay kiêng thịt bao nhiêu lần trong một năm? a-Giáo hội toàn cầu chọn các Thứ Sáu quanh năm làm ngày đền tội (Gl khoản 1250), nhưng để tùy mỗi Giáo hội địa phương xác định ăn chay kiêng thịt, Hội đồng Giám mục được chọn hình thức khác thay thế. b-Giáo hội chỉ buộc các giáo dân toàn cầu ăn chay và kiêng thịt một năm 2 lần (Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh) (Gl 1251). c-Cũng khoản 1251 này, Giáo hội dạy: " Vào các ngày thứ sáu , nếu không trùng với ngày lễ Trọng, thì phải kiêng thịt hay kiêng một thức ăn khác theo Hội đồng Giám mục đã qui định (Gl 1253)". 3. Mấy tuổi thì ăn chay, kiêng thịt? - 18 tuổi trọn tới hết 59 là tuổi ăn chay (Gl 1252). - 14 tuổi trọn (không nói kết thúc, nghĩa là trọn đời) là tuổi kiêng thịt.(Gl 1215) 4. Cách ăn chay: Được ăn một bữa trưa no (nếu bữa trưa là bữa chính, thì bữa sáng và bữa chiều cũng được ăn ít hơn bữa trưa. Phẩm và lượng đồ ăn tùy phong tục địa phương (Đức GH Phaolô VI, Tự Sắc về Đền tội Paenitemini ngày 17.2.1966). Nhưng trong ngày chay không được ăn vặt như kẹo, bánh v.v. Cần để ý đến tinh thần hi sinh, hãm mình, khắc khổ, tự chế. 5. Cách kiêng thịt: Kiêng các thứ thịt loài vật máu nóng (loài có vú và chim) kể cả bộ lòng... Nhưng được ăn trứng và các thứ biến chế từ sữa, được ăn những đồ gia vị, những thứ biến chế từ mỡ loài vật (Paenitemini 3,1). Được ăn cháo lỏng có mùi thịt (meat gravy and sauces). (Catholic Alamnac 1989 Coi Abstinence). 6. Được tha giữ chay: - Giáo hội không buộc người không thể giữ những luật buộc như ăn chay, kiêng thịt. Giáo hội tha chung cho những người sau: a/Những người vì sức khỏe, bệnh nhân... b/Những người phải làm việc nặng nhọc, c/Những người nghèo khó vẫn khổ sở vì đói, d/Những người được cha xứ, Bề trên Dòng, Giám mục tha (Gl 1245) 7.Được tha kiêng thịt:  a/ Tha chung Ngày Thứ Sáu gặp lễ Trọng (Gl 1251) (ví dụ lễ Thánh Cả Giuse trong mùa Chay 2010, nhưng nếu địa phương cứ giữ "kiêng thịt ", thì cứ theo địa phương. b/ Người vì sức khỏe, hay công việc nặng nhọc cần phải ăn thịt, c/ Người mà chủ nhà, chủ nhân, nhà thương không cho đồ ăn khác... Ngoài ra, ai cần tha thì xin phép linh mục xứ, cộng đoàn nơi mình đang ở. 8. Tại sao Giáo hội buộc kiêng thịt mà lại cho ăn những món khác như tôm, cá, cua…đôi khi còn ngon và đắt tiền hơn thịt nữa? - Thông thường người ta từ nhỏ tới lớn thích ăn thịt hơn ăn cá. Thịt thường thơm ngon hơn mùi đồ biển tanh tao (trừ người Do thái, cậu bé khi đi theo cha mẹ nghe Chúa giảng, cũng đem 5 chiếc bánh mì đen và 2 con cá: "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá )(Gioan 6,9), Đàng khác theo y học, đạo đức học: Thịt bò, thịt heo có nhiều chất kích thích tình dục hơn cá, tôm, cua (cá có máu lạnh). Có thể đó là một lí do Giáo hội dạy kiêng thịt như một hình thức hãm mình, sám hối tội lỗi. Nếu là ngày Sám hối tội lỗi, thì ăn chay kiêng thịt là đúng ý nghĩa rồi. Ngày sám hối mà "ăn thịt béo uống rượu ngon" thì gọi là ăn Tiệc chứ ai gọi là ăn chay. Nhưng nếu vì kiêng thịt mà có người tránh miền này để qua miền khác mà ăn, hoặc đi tìm cách ăn cho sang, cho ngon thì "hết ý kiến" như truyện vui như sau: Ngày thứ sáu mùa Chay kiêng thịt, một thanh niên khỏe mạnh vào quán ăn. Người tiếp viên tới hỏi: Thưa ông dùng chi? Ông khách nói: Cho tôi đĩa cá sấu?- Xin lỗi, chúng tôi không có.- Cho tôi đĩa cá voi?- Xin lỗi, chúng tôi không có.- Cho tôi đĩa cá mập.- Xin lỗi, chúng tôi cũng không có.- Tiệm gì lạ vậy, Chúa ơi, xin Chúa chứng giám, hôm nay con đành phải ăn thịt. Thế rồi anh gọi tiếp: Thôi, cho tôi một đĩa thịt bò bít tết và một chai uýt ki. Làm dấu Thánh giá nghệch ngoạc xong, ông ta ăn uống tỉnh bơ, và cảm thấy lương tâm yên ổn hơn khi nào hết! :))) 9. Luật ăn chay kiêng thịt bên Mỹ thế nào? *Riêng trong nước Mỹ, HĐGM chỉ định: giáo dân chỉ kiêng thịt các Thứ Sáu Mùa Chay (5 thứ 6, cộng thêm thứ Tư lễ Tro và Thứ 6 Tuần thánh), chứ không kiêng thịt các thứ Sáu quanh năm... Dù kiêng thịt, thứ Sáu mùa Chay "được ăn cháo lỏng có mùi thịt, meat gravy and sauces". (Catholic Almanac 1989, coi Abstinence). Theo quyết định của Hội đồng Giám mục, "Không cần xin phép miễn ăn chay, kiêng thịt. Để tùy lương tâm cá nhân xác định, khi có lý do đủ (sufficient reason), người ta có thể tự miễn ăn chay, kiêng thịt vào ngày buộc. Nhưng Các Giám mục (Gl 1253) mạnh mẽ khuyến khích dự lễ misa hàng ngày và giữ chay kiêng thịt vào ngày khác trong tuần để bù lại". (Theo Tuần báo North Texas Catholic Feb. 24, 1995. P. 13). 10. Kết: Giáo luật khoản 1249 viết: Luật Chúa buộc mọi tín hữu làm việc thống hối theo các thức riêng của mỗi người. Nhưng để các tín hữu liên kết với nhau trong một vài nghĩa vụ thống hối chung, luật qui định những ngày thống hối , để trong những ngày ấy, các tín hữu chú trọng đặc biệt đến sự cầu nguyện, thi hành việc đạo đức và việc bác ái, từ bỏ bản thân, bằng các trung thành chu toàn các bổn phận riêng và nhất là bằng cách giữ chay và kiêng thịt". Gl khoản 1251 cũng khuyên các chủ chăn và các phụ huynh dạy cho các em dù chưa đến tuổi buộc ăn chay và kiêng thịt để chúng hiểu biết ý nghĩa đích thực của việc thống hối. Ăn chay, kiêng thịt trong đạo Công giáo, dù không nhiều như luật giữ chay của mấy đạo khác...(Phật giáo: tín đồ ăn chay nhiều ngày…đạo Cao đài: tín hữu ăn chay từ 2-10 ngày trong một tháng, hoặc ăn chay trường, nếu là bậc chức sắc. Đạo Hồi có cả tháng cha Ramadan (không ăn, không uống, không hút thuốc và ngay cả kiêng việc chăn gối). Hy vọng những người "con Chúa" không ai thấy ăn chay kiêng thịt đạo mình là khó quá rồi kêu ca hay khinh thường phạm đến luật Hội thánh mà mang tội. (Linh mục. Đoàn Quang, CMC, Lễ Thánh Cả Giuse Mùa Chay 2010

TIN MỪNG HẰNG NGÀY CHÚA NHẬT 24/2/2013 TUẦN II MÙA CHAY C, "Đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường".



Chúa Nhật Tuần II Mùa Chay Năm C 



Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh

BÀI ĐỌC I: St 15, 5-12. 17-18

"Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với Abraham".

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Thiên Chúa dẫn Abram ra ngoài và nói với ông: "Ngươi hãy ngước mắt lên trời, và nếu có thể được, hãy đếm các ngôi sao". Rồi Chúa nói tiếp: "Miêu duệ của ngươi sẽ đông đảo như thế". Abram tin vào Thiên Chúa, và vì đó ông được công chính.
Và Chúa lại nói: "Ta là Chúa, Đấng dẫn dắt ngươi ra khỏi thành Ur của dân Calđê, để ban cho ngươi xứ này làm gia nghiệp". Abram thưa rằng: "Lạy Chúa là Thiên Chúa, làm sao con có thể biết con sẽ được xứ đó làm gia nghiệp?" Chúa đáp: "Ngươi hãy bắt một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một con chim gáy mái và một con bồ câu non". Abram bắt tất cả những con vật ấy, chặt ra làm đôi, đặt phân nửa này đối diện với phân nửa kia; nhưng ông không chặt đôi các con chim. Các mãnh cầm lao xuống trên những con vật vừa bị giết, song ông Abram đuổi chúng đi. Lúc mặt trời lặn, Abram ngủ mê; một cơn sợ hãi khủng khiếp và u tối bao trùm lấy ông.
Khi mặt trời đã lặn rồi, bóng tối mịt mù phủ xuống, có một chiếc lò bốc khói và một khối lửa băng qua giữa những phần con vật bị chia đôi. Trong ngày đó, Chúa đã thiết lập giao ước với Abram mà nói rằng: "Ta ban xứ này cho miêu duệ ngươi, từ sông Ai-cập cho đến sông Eu-phrát". Đó là lời Chúa. 




ĐÁP CA: Tv 26, 1. 7-8a. 8b-9abc. 13-14

Đáp: Chúa là sự sáng và là Đấng Cứu Độ tôi. (c. 1a)

1) Chúa là sự sáng, là Đấng Cứu Độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Đấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai?

2) Lạy Chúa, xin nghe tiếng con kêu cầu, xin thương xót và nhậm lời con. Về Chúa, lòng con tự nhắc lời: "Hãy tìm ra mắt Ta". 

3) Và lạy Chúa, con tìm ra mắt Chúa, xin Chúa đừng ẩn mặt xa con, xin đừng xua đuổi tôi tớ Ngài trong cơn thịnh nộ. Chúa là Đấng phù trợ, xin đừng hất hủi con.

4) Con tin rằng con sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa!

BÀI ĐỌC II: Pl 3, 17 - 4, 1

"Chúa Kitô sẽ biến đổi thân xác chúng ta nên giống thân xác hiển vinh của Người".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, anh em hãy bắt chước tôi, và hãy để mắt nhìn coi những người ăn ở theo như mẫu mực anh em thấy nơi chúng tôi. Bởi chưng như tôi đã thường nói với anh em, và giờ đây tôi đau lòng ứa lệ mà nói lại, có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Đức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này.
Phần chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi Đấng Cứu Chuộc là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật suy phục Người.
Bởi thế, anh em thân mến và yêu quý, anh em là niềm hoan lạc và triều thiên của tôi; anh em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa. Đó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài vắn sau đây: Pl 3, 20 - 4, 1
Anh em thân mến, quê hương chúng ta ở trên trời nơi đó chúng ta mong đợi Đấng Cứu Chuộc là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật suy phục Người. Bởi thế, anh em thân mến và yêu quý, anh em là niềm hoan lạc và triều thiên của tôi; anh em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa. Đó là lời Chúa. 

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Mt 17, 5

Từ trong đám mây sáng chói có tiếng Chúa Cha phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". 


PHÚC ÂM: Lc 9, 28b-36

"Đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.


Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến. Đó là lời Chúa.


CHÚA NHẬT TUẦN 2 MC – C 

Lc 9,28b-36 

Hiến Mình để biến hình 

Và từ trong đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe Lời Người.” (Lc 9,35)
Suy niệm: Ta được nghe những lời thật “hả dạ” của Chúa Cha nói về người Con Một của Ngài mỗi khi Đức Giêsu có một cử chỉ HIẾN MÌNH cho con người : một lần nơi sông nước Giođan, khi Ngài gánh lấy hết tội lỗi nhân loại đổ vào giòng nước; lần này trên núi cao Tabor khi Ngài khởi đầu hành trình đi về Giê-ru-sa-lem chịu khổ nạn. Hôm nay Chúa Cha hài lòng về cử chỉ hiến mình của Người Con Một ấy, nên cho Ngài được biến hình sáng láng, nghĩa là làm cho vẻ đẹp và sự sáng chói của khuôn mặt Thiên Chúa nơi Ngài được hiển lộ ra.
Mời Bạn: Khuôn mặt của bạn cũng sẽ nên sáng tươi mỗi khi bạn có một nghĩa cử hiến mình cho tha nhân. Trái lại, khuôn mặt đó sẽ biến dạng xấu xí mỗi khi bạn có một cử chỉ ích kỷ hẹp hòi. Xin bạn nhớ rằng lý tưởng đời bạn là phải trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, người mẫu của bạn. Có được tâm tình như Chúa Giêsu, suy nghĩ như Chúa Giêsu, ứng xử như Chúa Giêsu, bạn sẽ biến hình biến dạngtốt đẹp giống Ngài.
Chia sẻ: Trong mùa Chay này, mỗi ngày tôi (gia đình,/hội đoàn...) sẽ có một cử chỉ hiến mình nào cho người khác?
Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay này, mỗi ngày tôi sẽ rà soát xem mình đã có những nghĩa cử hiến mình cho tha nhân như Chúa Giêsu chưa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi mắt con. Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con. Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con. Xin cho khuôn mặt con ngời sáng hơn sau mỗi lần gặp Chúa. (Rabbouni)









CHÚA NHẬT 24/2/2013TUẦN II MÙA CHAY C, Chân Phước Luca Belludi (1200 - 1285)


Chân Phước Luca Belludi

(1200 - 1285) 

Năm 1220, khi Thánh Antôn rao giảng cho cư dân ở Padua thì một thanh niên thuộc dòng dõi quý tộc, là Luca Belludi, đã đến với thánh nhân và xin được theo nếp sống của những môn đệ Thánh Phanxicô. Thánh Antôn rất mến mộ tài năng, kiến thức của Luca và đích thân giới thiệu anh với Thánh Phanxicô, sau đó chính thánh nhân đã nhận anh vào dòng.
Lúc ấy, Luca chỉ mới 20 tuổi, là bạn đồng hành của Thánh Antôn trong những công tác rao giảng, đã săn sóc thánh nhân vào những ngày cuối đời và sau khi Thánh Antôn từ trần, Luca đã thế chỗ của thánh nhân. Sau đó ngài được bổ nhiệm việc quản lý các tu sĩ Phanxicô ở Padua.
Vào năm 1239, thành phố rơi vào tay quân thù. Những người quý tộc bị tử hình, thị trưởng và hội đồng thành phố bị dẹp bỏ, trường đại học ở Padua từ từ bị đóng cửa và việc xây cất nhà thờ để kính nhớ Thánh Antôn phải bỏ dở. Chính Luca bị trục xuất ra khỏi thành phố nhưng ngài bí mật trở về. Hàng đêm, ngài và thầy quản lý xuống mộ Thánh Antôn trong nguyện đường đang xây cất dở dang để cầu xin sự trợ giúp. Một đêm kia, có tiếng nói vang lên từ ngôi mộ, đảm bảo với các ngài là thành phố sẽ thoát khỏi tay bạo chúa hung dữ.
Sau khi lời tiên đoán ấy thành sự thật, Luca được bầu làm bề trên tỉnh dòng và sau đó ngài hoàn tất vương cung thánh đường để kính nhớ Thánh Antôn, là thầy của ngài. Trong cuộc đời của Chân Phước Luca, ngài thành lập nhiều tu viện, và cũng như Thánh Antôn, ngài được ơn làm phép lạ. Sau khi từ trần, ngài được an nghỉ trong chính vương cung thánh đường mà ngài đã giúp hoàn tất và được tiếp tục sùng kính cho đến ngày nay.
Trích từ NguoiTinHuu.com