Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

TINMÙNG HẰNG NGÀY THỨ SÁU 3/8/2012 TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN , "Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc ư? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?"

Thứ Sáu Tuần XVII Mùa Thường Niên Năm chẵn

 

BÀI ĐỌC I:  Gr 26, 1-9
"Toàn thể dân chúng tập họp trước Thiên Chúa".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Khi Gioakim, con của Giosia vua nước Giuđa mới lên cai trị, thì Chúa phán rằng: "Đây Chúa phán: Ngươi hãy đứng giữa tiền đàng đền thờ Chúa, và bảo mọi thành phố nước Giuđa đến thờ lạy trong đền thờ Chúa, hãy nói cho họ biết tất cả những lời Ta truyền cho ngươi nói với họ: ngươi chớ bớt một lời; may ra ai nấy nghe mà trở lại, và bỏ đàng tội lỗi của mình, mong Ta hối tiếc tai hoạ Ta định giáng xuống họ, vì sự gian ác họ ưa thích. Và ngươi hãy bảo họ rằng: Đây Chúa phán: Nếu các ngươi không nghe Ta để bước đi trong lề luật Ta đã ban cho các ngươi, để nghe lời các tiên tri tôi tớ Ta mà ban đêm Ta chỗi dậy và điều động sai đến các ngươi, và các ngươi không nghe, thì Ta sẽ để đền thờ này như Silô, sẽ khiến thành này bị hết thảy các dân trên địa cầu nguyền rủa".

Các tư tế, các tiên tri, toàn dân đều nghe Giêrêmia nói những lời ấy trong đền thờ Chúa. Khi Giêrêmia nói hết những lời Chúa truyền cho ông nói với toàn dân, thì các tư tế, các tiên tri, và toàn dân bắt ông và nói rằng: "Ngươi phải chết! Tại sao ngươi nhân danh Thiên Chúa mà nói tiên tri rằng: 'Đền thờ này sẽ như Silô, thành này sẽ hoang vu không ai cư ngụ'?" Và toàn dân tập họp phản đối Giêrêmia trong đền thờ Chúa.  Đó là lời Chúa.


ĐÁP CA:  Tv 68, 5. 8-10. 14
Đáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi. (c. 14c).

Xướng: 1) Những kẻ thù ghét con vô cớ, chúng nhiều hơn số tóc trên đầu con. Chúng thực là mạnh thế hơn con, những con người phản hại con trái lẽ: điều mà con không lấy, con cũng phải đền ư?  -  Đáp.

2) Sở dĩ vì Chúa mà con chịu nhục, và thẹn thò làm nhơ nhuốc mặt con. Con bị những người anh em coi như khách lạ, bị những người cùng con một mẹ xem như kẻ ngoại lai. Sự nhiệt tâm lo việc nhà Chúa khiến con mòn mỏi; điều tủi nhục người ta nhục mạ Chúa đổ trên mình con.    -  Đáp.

3) Nhưng lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa conÔi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa. -  Đáp.


ALLELUIA:  Tv 24, 4c và 5a
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. - Alleluia.

PHÚC ÂM:   Mt 13, 54-58
"Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc ư? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê quán Người, và giảng dạy người ta trong hội đường, khiến người ta ngạc nhiên và nói rằng: "Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao? Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria, và Giacôbê, Giuse, Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao? Và chị em ông, nào chẳng phải những người ở nơi chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?" Và họ vấp phạm đến Người.

Nhưng Chúa Giêsu phán cùng họ rằng: "Không tiên tri nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình". Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin.  Đó là lời Chúa.

  Mt 13,54-58

PHÁ ĐỔ BỨC TƯỜNG THÀNH KIẾN

Khi ấy, Đức Giêsu về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?”… Và họ vấp ngã vì Người.” (Mt 13,54-57)

Suy niệm: Phía tây Núi Đền Thờ Giêrusalem ngày nay còn sót lại một đoạn của bức tường thành được cho là được xây dựng thời Hêrôđê, gọi là Bức Tường Than Khóc, bởi vì người Do Thái ngày nay vẫn thường tới đây than khóc cầu nguyện và nhét vào kẽ đá tường thành những mảnh giấy ghi lời cầu của họ xin Thiên Chúa sai Đấng Mêsia đến xây lại Đền Thánh, khôi phục lại vương quốc. Thế nhưng khi Mêsia mà các tiên tri loan báo là chính Con Thiên Chúa đã đến cách đây hơn hai ngàn năm thì họ đã không đón nhận, kể cả những người đồng hương Nadarét với Ngài, bởi vì họ đã không nhận ra thiên tính ẩn giấu dưới dáng vẻ tầm thường của một người thợ mộc nghèo hèn. Chính óc bảo thủ, thành kiến đã là bức tường ngăn cản họ, “và họ vấp ngã vì Ngài.”

Mời Bạn: Bức tường thành kiến vẫn thường che chắn con mắt chúng ta khiến chúng ta không nhận ra giá trị độc đáo của những người chúng ta gặp gỡ thường ngày chung quanh chúng ta. Nếu thế, làm sao chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa và thánh ý của Ngài trong cuộc sống chúng ta? Để phá đổ bức tường thành kiến cần có thái độ khiêm tốn, bao dung và hy vọng: khiêm tốn để nhận ra những ưu điểm của người khác; bao dung để đón nhận những thiếu sót của họ; và hy vọng vì tất cả chúng ta đều được mời gọi mỗi ngày một sống tốt hơn.

Sống Lời Chúa: Thực hành sống khiêm tốn, bao dung và hy vọng

Cầu nguyện: Hát Kinh Hòa Bình.


TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ SÁU 3/8/2012 TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN Vị Ðáng Kính Antôn Margil (1657-1726)

Vị Ðáng Kính Antôn Margil
(1657-1726)

Antôn sinh ở Valencia, Tây Ban Nha. Sau khi gia nhập dòng Phanxicô và được thụ phong linh mục, ngài quyết định trở thành nhà truyền giáo. Khi hội thừa sai Santa Cruz ở Querétaro, Mễ Tây Cơ, được thành lập, Cha Antôn tình nguyện đến làm việc. Khi ngài đến Vera Cruz vào năm 1683, thành phố ấy tiêu điều vì hải tặc tấn công. Ðời sống ở Tân Thế Giới không dễ dàng gì.
Trong 43 năm mục vụ, Cha Antôn ngang dọc khắp lãnh thổ rộng lớn ở Tân Tây Ban Nha. Ngài làm việc ở Costa Rica, Guatemala, Mễ Tây Cơ và Texas. Sau 13 năm làm giám đốc ở Querétaro, ngài thiết lập các hội thừa sai ở Guatemala City và ở Zacatecas, Mễ Tây Cơ.
Tuy Cha Antôn rất quen với sự hy sinh nhưng đời sống truyền giáo vẫn có nhiều cơ hội để hãm mình phạt xác. Ngài phải đi bộ hàng ngàn dặm và phải can trường đối phó với thái độ thù nghịch của người da đỏ.
Năm 1716, các nhà truyền giáo thuộc hội thừa sai Zacatecas thành lập trung tâm truyền giáo Guadalupe ở miền đông tiểu bang Texas. Còn Cha Antôn thì thiết lập các hội thừa sai ở Dolores và San Miguel cũng trong tiểu bang này. Khi cuộc chiến với Tây Ban Nha khiến người Pháp đổ bộ vào miền đông Texas năm 1719, Cha Antôn và các nhà thừa sai rút về Trung Tâm San Antonio (sau này gọi là Alamô), được thành lập vào năm trước đó. Vào năm 1720, ngài bắt đầu thành lập Trung Tâm San José ở San Antonio.
Cha Antôn từ trần ở Mexico City ngày 6 tháng Tám 1726. Năm 1836, ngài được tuyên xưng là đấng đáng kính.
Lời Bàn
Các nhà truyền giáo như Cha Antôn có cuộc sống rất vất vả. Công việc thì khổ cực mà kết quả thì chưa thấy đâu. Cũng như các nhà thừa sai trước đó và sau này, Cha Antôn tin tưởng rằng, Thiên Chúa mới là người sau cùng đem lại kết quả tốt đẹp cho những hy sinh ấy.
Lời Trích
"Nhưng trước khi tất cả các điều ấy xảy ra, thì người ta sẽ bắt bớ và ngược đãi anh em; họ sẽ nộp anh em cho các hội đường và nhà tù, và anh em sẽ bị điệu đến trước vua chúa quan quyền vì danh Thầy... Vậy anh em nhớ đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào; vì chính Thầy sẽ cho anh em tài ăn nói và sự khôn ngoan mà không đối thủ nào có thể chống lại hay phủ nhận được" (Luca 21:12, 14-15).


Trích từ NguoiTinHuu.com

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ NĂM 2/8/2012 TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN,"Người ta lựa cá tốt bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài".

Thứ Năm Tuần XVII Mùa Thường Niên Năm chẵn

 

BÀI ĐỌC I: Gr 18, 1-6
"Như hòn đất nơi tay thợ gốm thế nào, thì các ngươi ở trong tay Ta cũng như vậy".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Có lời Chúa phán cùng Giêrêmia rằng: "Ngươi hãy chỗi dậy, đi xuống nhà thợ gốm, và ở đấy ngươi sẽ nghe lời Ta". Tôi liền xuống nhà thợ gốm, và đây anh đang nắn đồ trên bàn quay. Cái bình đất do tay anh nắn đã vỡ nát, anh lại nắn cái khác theo như ý anh muốn làm. Và có lời Chúa phán cùng tôi rằng: "Chúa phán: Hỡi nhà Israel, nào Ta chẳng làm được cho các ngươi như người thợ gốm này sao? Hỡi nhà Israel! Đây, như hòn đất trong tay người thợ gốm thế nào, thì các ngươi ở trong tay Ta cũng như vậy".  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 145, 2abc. 2d-4. 5-6
Đáp: Phúc thay người được Thiên Chúa nhà Giacóp phù trợ (c. 5a).

Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy khen ngợi Thiên Chúa; tôi sẽ khen ngợi Thiên Chúa trong cả cuộc đời; bao lâu còn có thân tôi, tôi còn ca ngợi Chúa.  -  Đáp.

2) Đừng tin cậy vào những vị quân vương, vào con người phàm không thể ban ơn cứu độ. Lúc y tắt thở, y sẽ trở về bụi đất; bấy giờ những lời bàn của y cũng tiêu tan.   -  Đáp.

3) Phúc thay người được Thiên Chúa nhà Giacóp phù trợ, người đặt hy vọng vào Chúa là Thiên Chúa của mình: Người là Đấng đã tạo thành trời đất, biển khơi và muôn vật chúng đang chứa đựng. Người là Đấng giữ trung tín muôn đời.  -  Đáp


ALLELUIA:  Tv 24, 4c và 5a
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. - Alleluia.

PHÚC ÂM:   Mt 13, 47-53
"Người ta lựa cá tốt bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu


Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Đến ngày tận thế cũng như vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?" Họ thưa: "Có".

Người liền bảo họ: "Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái cũ, mới trong kho mình". Khi Chúa Giêsu phán các dụ ngôn đó xong, thì Người rời khỏi nơi ấy.  Đó là lời Chúa.

Th. Phêrô Giulianô Êma, linh mục   Mt 13,47-53
CHIẾC LƯỚI THU GOM

“Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá…” (Mt 13,47)

Suy niệm: Chiếc lưới thả xuống biển thu về đủ loại cá, lớn bé, tốt xấu lẫn lộn, đó là hình ảnh của Nước Trời không phải “ở trên trời” mà là Nước Trời ở trần gian này. Chiếc lưới cá có thời thả xuống biển và cũng có thời kéo lên bờ. Thả xuống biển, chiếc lưới thu gom tất cả mọi thứ tôm cá, cũng thế Nước Trời thời đón nhận mở rộng cửa cho tất cả mọi người, không phân biệt màu da, giai cấp, giàu nghèo, v.v…. Không chỉ những người lành thánh, mà cả những người bị coi là tội lỗi nữa, cũng được mời gọi vào Nước Trời. Thời kéo lưới là thời chọn lọc, đó chính là Nước Trời thời sau hết, thời cánh chung: đó là lúc ngồi lựa“cá tốt cho vào giỏ, cá xấu vất ra ngoài” (c. 48).

Mời Bạn: Việc chọn lựa cá tốt là việc của Chúa. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi ngày ấy, Ngài cho bạn cơ hội để: 1/ gia nhập vào Nước Trời: việc này thật dễ dàng, vì Nước Trời đón nhận mọi người không loại trừ ai; 2/ lãnh nhận các bí tích là lương thực thiêng liêng giúp bạn lớn lên thành “cá tốt.” Bạn hãy nỗ lực tận dụng ơn thánh ngay trong thời gian hiện tại này để trở thành “cá tốt đạt chuẩn” để được chọn vào Nước Trời.

Chia sẻ: Tình trạng chung đụng người tốt kẻ xấu là điều tất yếu trong thân phận con người ở trần gian này. Làm thế nào để tránh được những hậu tiêu cực của tình trạng này gây nên và tận dụng những cơ hội tích cực nó đem lại?

Sống Lời Chúa: Năng lãnh nhận các bí tích và thường xuyên cầu nguyện là phương thế giúp bạn tăng trưởng thiêng liêng và sống thánh thiện đáng được vào hưởng Nước Trời

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

THỨ NĂM 2/8/2012 TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN, Thánh Eusebius ở Vercelli (283?-371)

Thánh Eusebius ở Vercelli
(283?-371)

   Có người nói nếu không có lạc giáo Arian có lẽ thật khó để viết về cuộc đời của nhiều vị thánh tiên khởi. (Nguyên lý căn bản của lạc thuyết Arian là từ chối thiên tính của Ðức Kitô và bởi đó, họ cũng từ chối thiên tính của Chúa Thánh Thần). Thánh Eusebius là một trong những vị bảo vệ Giáo Hội trong thời kỳ nhiều thử thách.

Sinh ở đảo Sardinia, ngài là một thành viên của giáo sĩ Rôma và là giám mục đầu tiên của Vercelli thuộc Piedmont. Ngài cũng là người đầu tiên kết hợp đời sống đan viện với đời sống giáo sĩ, qua sự thành lập một cộng đoàn các tu sĩ trong giáo phận với sự tin tưởng rằng phương cách tốt nhất để thánh hóa giáo dân là để họ nhìn thấy các giáo sĩ được đào tạo trong một cộng đoàn nhân đức và sống động.

Ngài được Ðức Giáo Hoàng Liberius sai đến gặp hoàng đế Constantius để thuyết phục nhà vua triệu tập một công đồng nhằm giải quyết các khó khăn giữa Công Giáo và Arian. Khi công đồng được triệu tập ở Milan, vì cảm thấy khối Arian đang thắng thế, mặc dù người Công Giáo đông hơn nên Ðức Eusebius không đến tham dự, mãi cho đến khi chính nhà vua ép buộc.

Khi nhà vua yêu cầu mọi giám mục phải ký vào bản án để buộc tội Ðức Athanasius -- là người cương quyết chống với lạc thuyết Arian -- Ðức Eusebius đã từ chối; thay vào đó, ngài đặt Kinh Tin Kính lên bàn hội nghị và yêu cầu mọi người ký tên vào đó trước khi bàn đến các vấn đề khác. Nhà vua dùng áp lực với Ðức Eusebius, nhưng ngài quả quyết rằng Ðức Athanasius vô tội, và nhắc nhở hoàng đế rằng không thể dùng thế lực ngoài đời để ảnh hưởng đến các quyết định của Giáo Hội. Lúc đầu nhà vua đe dọa giết ngài, nhưng sau đó lưu đầy ngài đến Palestine. Ở đây, phe Arian kéo ngài lê lết trên đường phố và giam ngài trong một căn phòng nhỏ, và sau bốn ngày ngài tuyệt thực để phản đối họ mới thả ngài ra, nhưng được một ít lâu, họ lại tiếp tục hành hạ ngài.

Ðức Eusebius phải tiếp tục cuộc sống lưu đầy ở Tiểu Á và Ai Cập, cho đến khi tân hoàng đế cho phép ngài trở lại giáo phận ở Vercelli. Ngài tham dự Công Ðồng Alexandria với Ðức Athanasius và chấp thuận khoan hồng cho các giám mục trước đây theo phe Arian. Ngài còn cộng tác với Thánh Hilary ở Poitiers để chống với lạc giáo Arian.

Lời Trích
"Ðể việc chăm sóc các linh hồn có hiệu quả, các linh mục được yêu cầu sống chung trong một cộng đoàn, nhất là những ai sinh hoạt trong cùng một giáo xứ. Nếp sống này không những khích lệ giáo dân hoạt động tông đồ, mà còn là một gương mẫu của lòng bác ái và sự hiệp nhất cho người tín hữu" (Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của Giám Mục, 30).


Trích từ NguoiTinHuu.com

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ TƯ 1/8/2012 TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN, "Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng đó".

Thứ Tư Tuần XVII Mùa Thường Niên Năm chẵn


BÀI ĐỌC I:    NĂM  II
Gr 15, 10. 16-21
"Tại sao tôi cứ buồn sầu mãi? Nếu ngươi quay trở về, ngươi sẽ hiên ngang trước mặt Ta".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Mẹ hỡi, khốn cho con, tại sao mẹ đã sinh ra con là kẻ hay tranh luận và cãi vã trong khắp xứ? Con không cho vay mượn và cũng không ai cho con vay mượn, thế mà mọi người đều nguyền rủa con.

Lạy Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, con lấy lời Chúa làm của ăn. Lời của Chúa trở nên sự vui mừng và hân hoan cho lòng con, vì danh Chúa được kêu cầu trên con.

Con không ngồi trong đám người chơi bời; con hãnh diện vì các việc tay Chúa làm. Con chỉ ngồi một mình, vì Chúa đã khiến con đầy lời Chúa đe phạt. Tại sao con cứ buồn sầu mãi, và vết thương con trở thành hiểm nghèo bất trị? Nó trở nên như nước giả dối chóng cạn.

Vì vậy, Chúa phán thế này: "Nếu ngươi quay trở về, Ta sẽ cho ngươi về đứng trước mặt Ta: nếu ngươi phân biệt được vật quý với vật hèn, ngươi sẽ nên như miệng Ta, người ta sẽ quay về với ngươi, và ngươi không phải quay về với họ. Ta sẽ khiến ngươi nên tường đồng kiên cố cho dân này. Họ sẽ giao chiến với ngươi, nhưng họ không thắng được, vì Chúa phán: Ta ở cùng ngươi để giải thoát và cứu chữa ngươi. Ta sẽ giải phóng ngươi khỏi tay kẻ độc dữ, và sẽ cứu chữa ngươi khỏi tay kẻ hung bạo".
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 58, 2-3. 4-5a. 10-11. 17. 18
Đáp: Thiên Chúa là chỗ con nương thân trong ngày cơ khổ (c. 17d).

Xướng: 1) Ôi Thiên Chúa, xin cứu con thoát lũ địch nhân; bảo vệ con khỏi bọn người nổi lên chống đối! Xin giải gỡ con khỏi những kẻ chuyên làm điều ác, và cứu con xa thoát bọn sát nhân.  -  Đáp.

2) Kìa chúng đang gài bẫy để sát hại con; âm mưu chống đối con là bọn người quyền thế. Lạy Chúa, con không vương tội ác lỗi lầm; dầu con vô tội, chúng cũng ùa tới tấn công.  -  Đáp.

3)  Lạy Chúa là sức mạnh con, con hướng thân tìm về Chúa, vì lạy Chúa, Chúa là đồn lũy bảo vệ con. Thân lạy Chúa, Chúa là Đấng xót thương con; lạy Chúa, xin Ngài ra tay nâng đỡ, khiến cho con được vui nhìn quân nghịch phải thua.    -  Đáp.

4) Phần con, con sẽ ca ngợi quyền năng Chúa, và mỗi buổi sáng, con hoan hỉ vì đức từ bi của Chúa, vì Chúa đã trở nên đồn lũy bảo vệ con, và chỗ con nương thân trong ngày cơ khổ.    -  Đáp.

5) Lạy Chúa là sức mạnh con, con ca ngợi Chúa; vì lạy Chúa, Chúa là đồn lũy bảo vệ con, thân lạy Chúa, Chúa là Đấng xót thương con.    -  Đáp.


ALLELUIA:  1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

PHÚC ÂM:   Mt 13, 44-46
"Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng đó".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh trở về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.  Đó là lời Chúa.

Th. Anphong Maria Ligôri, giám mục, tiến sĩ HT Mt 13,44-46
KHO TÀNG ĐÍCH THỰC

“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng… Tìm được rồi, ông ra đi, vui mừng bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng đó.” (Mc 13,44)

Suy niệm: Trong đà phát triển một đất nước hiện đại hoá, mọi thành phố thậm chí cả thôn quê đều cần phải qui hoạch, chỉnh trang… Thế là phải di dời, giải toả. Và thế là có những mảnh đất từ hồi nào đến giờ bỏ hoang không ai thèm ngó, bỗng trở nên “tấc đất tấc vàng”. Và những người đoán trước được giá trị những mảnh đất như thế, không ngại bỏ ra những số tiền lớn để mua lại, vì biết rằng sẽ thu lời gấp mười, thậm chí gấp trăm trong một thời gian ngắn. Qua dụ ngôn kho tàng chôn giấu trong ruộng (và cả dụ ngôn viên ngọc quí nữa), Chúa Giê-su cho biết Nước Trời còn quí giá gấp bội phần. Sẽ thật đáng tiếc nếu chúng ta hụt mất “lô đất” đang dành sẵn cho mỗi người chúng ta đó. Điều kiện để sở hữu “lô đất” đó là phải bán đi tất cả những gì là ích kỷ, tham lam, hẹp hòi để sắm cho mình một vốn liếng duy nhất là MẾN CHÚA – YÊU NGƯỜI. Có như vậy chắc chắc sẽ chiếm hữu được kho tàng.

Mời Bạn: Kiểm điểm cuộc sống của mình xem bạn còn đang chiếm hữu “tài sản” nào mà chưa chịu bán đi để có đủ khả năng mua được kho tàng Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Đối chiếu những chi tiết trong 2 dụ ngôn (kho tàng và viên ngọc quí) với đời sống của bạn để khám phá ra điều Chúa muốn bạn từ bỏ để đạt tới Nước Trời. Và bạn hãy thực hiện đúng những gì mà Chúa soi sáng cho bạn qua việc chia sẻ này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con lòng mến đích thực, để chúng con dám bán đi tất cả, để chỉ có Chúa là kho tàng, là gia nghiệp đời con.


THỨ TƯ 1/8/2012 TUẦN XVII YHƯỜNG NIÊN, Thánh Anphong Liguori (1696-1787)

Thánh Anphong Liguori
(1696-1787)

Công Ðồng Vatican II xác định rằng, thần học luân lý phải được nuôi dưỡng bởi Phúc Âm, và chứng tỏ được sự cao quý của ơn gọi người Kitô Hữu, và nhiệm vụ của họ là trưng ra kết quả ấy trong đời sống bác ái giữa trần gian. Vào năm 1950, Thánh Anphong được Ðức Piô XII tuyên xưng là quan thầy của các thần học gia luân lý, ngài thật xứng với danh hiệu ấy. Trong cuộc đời ngài, thánh nhân phải tranh đấu để giải thoát nền thần học luân lý khỏi sự khắt khe của chủ thuyết Jansen. Thần học luân lý của ngài, đã được tái bản 60 lần trong thế kỷ sau khi ngài từ trần, chú trọng đến các vấn đề thực tiễn và cụ thể của các cha xứ và cha giải tội. Nếu có thói vụ luật và giảm thiểu hóa luật lệ xen vào thần học luân lý, chắc chắn nó không thuộc về mô hình thần học tiết độ và nhân từ của Thánh Anphong.

Vào năm 16 tuổi, ngài lấy bằng tiến sĩ giáo luật và dân luật của Ðại Học Naples, nhưng sau đó đã bỏ nghề luật sư để hoạt động tông đồ. Ngài được thụ phong linh mục và dồn mọi nỗ lực trong việc tổ chức tuần đại phúc ở các giáo xứ, cũng như nghe xưng tội và thành lập các đoàn thể Kitô Giáo.

Ngài sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế năm 1732. Ðó là một tổ chức của các linh mục và tu sĩ sống chung với nhau, tận tụy theo gương Ðức Kitô và hoạt động chính yếu là tổ chức tuần đại phúc cho nông dân ở thôn quê. Như một điềm báo cho điều sẽ xảy ra sau này, sau một thời gian hoạt động, những người đồng hành với ngài ngay từ khi thành lập đã từ bỏ tu hội và chỉ còn lại có một thầy trợ sĩ. Nhưng tu hội cố gắng sống còn và được chính thức chấp nhận vào 17 năm sau, dù rằng khó khăn vẫn chưa hết.

Sự canh tân mục vụ lớn lao của Thánh Anphong là cách giảng thuyết và giải tội -- ngài thay thế kiểu hùng biện khoa trương, thùng rỗng kêu to, bằng sự giản dị dễ hiểu, và thay thế sự khắc nghiệt của thuyết Jansen bằng sự nhân từ. Tài viết văn nổi tiếng của ngài phần nào đã làm lu mờ công lao khó nhọc mà ngài đã ngang dọc vùng Naples trong 26 năm trường để tổ chức tuần đại phúc.

Ngài được tấn phong giám mục khi 66 tuổi và ngay sau khi nhậm chức, ngài đã cải tổ toàn diện giáo phận.
Vào năm 71 tuổi, ngài bị đau thấp khớp khủng khiếp. Ngài đau khổ trong 18 tháng sau cùng với "sự tăm tối" vì sự do dự, sợ hãi, bị cám dỗ đủ mọi khía cạnh đức tin và mọi đức tính.

Thánh Anphong nổi tiếng về nền tảng thần học luân lý, nhưng ngài cũng sáng tác nhiều trong lãnh vực tâm linh và thần học tín lý. Văn bản Các Vinh Dự của Ðức Maria là một trong những công trình vĩ đại về chủ đề này, và cuốn Viếng Thánh Thể được tái bản đến 40 lần trong đời ngài, đã ảnh hưởng nhiều đến sự sùng kính Thánh Thể trong Giáo Hội.
Ngài được phong thánh năm 1831, và được tuyên xưng Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1871.

Lời Bàn
Trên hết tất cả, Thánh Anphong nổi tiếng là một con người thực tế đối phó với các vấn đề cụ thể hơn là trừu tượng. Cuộc đời ngài quả thật là một gương mẫu "thực tiễn" cho Kitô Hữu ngày nay đang bị khó khăn để nhận chân giá trị của đời sống Kitô Giáo giữa cơn lốc khó khăn, đau khổ, hiểu lầm và thất bại. Thánh Anphong đã trải qua tất cả những đau khổ ấy. Ngài là thánh bởi vì ngài luôn duy trì sự liên hệ mật thiết với Ðức Kitô thống khổ qua tất cả những thử thách cuộc đời.
Lời Trích
Khi Thánh Anphong làm giám mục, một trong các linh mục của dòng có cuộc sống rất trần tục, và cưỡng lại mọi biện pháp nhằm thay đổi lối sống ấy. Vị linh mục được Thánh Anphong mời đến, và ngay ở lối vào phòng của ngài, thánh nhân cho đặt một tượng thánh giá thật lớn. Khi vị linh mục do dự không dám bước qua, Thánh Anphong ôn tồn nói, "Hãy bước vào đi, và nhớ đạp lên thánh giá. Ðây không phải lần đầu tiên mà cha đạp Chúa dưới chân mình."

Trích từ NguoiTinHuu.com

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ BA 31/7/2012 TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN,"Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy".

Thứ Ba Tuần XVII Mùa Thường Niên Năm B



BÀI ĐỌC I:   Gr 14, 17-22
"Lạy Chúa, xin hãy nhớ lại, xin Chúa chớ huỷ bỏ giao ước giữa Ngài và chúng con".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Ngày đêm mắt ta rơi lệ không ngừng, vì trinh nữ con gái dân ta bị trọng thương, vết tích quá trầm trọng. Nếu ta đi ra đồng, thì đây những kẻ bị giết bằng gươm; nếu ta vào thành phố, thì đây những kẻ chết đói. Tiên tri và tư tế đều đi đến đất nước mình chẳng quen biết.

Chớ thì Chúa ruồng bỏ Giuđa sao? Hay lòng Chúa ghê tởm Sion rồi sao? Vậy tại sao Ngài đánh phạt chúng con đến nỗi không chữa được nữa? Chúng con mong đợi sự hoà bình mà không gặp sự lành; và chúng con mong đợi kỳ lành bệnh, thì đây toàn là xui xẻo.

Lạy Chúa, chúng con nhìn nhận những sự độc dữ của chúng con và sự gian ác của cha ông chúng con, vì chúng con đã phạm đến Chúa. Vì thánh danh Chúa, xin đừng để chúng con phải nhục nhã; vì toà vinh quang của Chúa, xin đừng để chúng con nhuốc hổ; xin Chúa nhớ lại, xin đừng huỷ bỏ giao ước giữa Chúa với chúng con.

Trong các tượng thần dân ngoại, chớ thì có vị nào làm cho mưa xuống chăng? Hay là tầng trời có thể đổ mưa xuống chăng? Nào Ngài chẳng phải là Thiên Chúa chúng con mong đợi sao? Vì chính Chúa tạo thành tất cả những sự đó.  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 78, 8. 9. 11 và 13
Đáp: Lạy Chúa, vì vinh quang danh Chúa, xin giải thoát chúng con (c. 9bc).

1) Xin đừng nhớ lỗi tiền nhân để trị chúng con; xin kíp mở lòng từ bi đón nhận chúng con, vì chúng con lầm than quá đỗi!    -  Đáp.
2) Ôi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng con, xin phù trợ chúng con vì vinh quang danh Chúa; xin giải thoát và tha tội chúng con vì danh Ngài.    -  Đáp.
3) Xin cho tiếng tù binh rên xiết vọng tới thiên nhan; xin ra tay thần lực giải thoát người mang án tử. Phần chúng con là thần dân Chúa, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi, chúng con sẽ ca tụng Chúa tới muôn đời, đời nọ sang đời kia, chúng con loan truyền lời ngợi khen Chúa.    -  Đáp.

ALLELUIA:  Dt 4, 12
Alleluia, alleluia! - Lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, phân rẽ tư tưởng và là ý muốn của tâm hồn. - Alleluia.


PHÚC ÂM:   Mt 13, 36-43

"Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.


Khi ấy, sau khi giải tán dân chúng, Chúa Giêsu trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe". Người đáp lại rằng: "Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe".  Đó là lời Chúa.

Th. Inhaxiô Loyola, linh mục     Mt 13,36-43

Kiên nhẫn và nhân hậu

“Hạt giống tốt là con cái Thiên Chúa. Cỏ lùng là con cái Ác Thần.” (Mt 13,43)

Suy niệm: Ta mong muốn “cánh đồng” thân hữu của mình chỉ toàn những “lúa đồng” thuần chủng. Thế nhưng, sớm muộn rồi “cỏ lùng” cũng xuất hiện: một người bạn chơi xấu, một người thân phản bội... Thay vì chua chát, cay đắng hay trở nên tiêu cực, thất vọng, ta được mời gọi nhìn nhận một sự thật: thế giới là tình trạng “vàng thau lẫn lộn,” ánh sáng đan xen với bóng tối, người tốt ở chung với kẻ xấu. Hơn nữa, nếu thành thật với mình, ta cũng phải nhìn nhận ngay trong tâm hồn mình có tình trạng lúa tốt chen lẫn với cỏ lùng, sự trung tín đi liền sự phản bội, các đức tính tốt ở sát bên các nết xấu. Sự thật này dạy ta đừng vội vàng xét đoán, phân loại người khác khi chỉ thấy một phần hay một giai đoạn cuộc sống của nhau.

Mời Bạn: Dụ ngôn vừa phác họa cho bạn một cuộc sống hiện thực vừa gợi lên tinh thần lạc quan bạn phải có. Bạn được Chúa mời gọi học tính kiên nhẫn và nhân hậu như chính Thiên Chúa, người chủ ruộng của dụ ngôn. Ngài kiên nhẫn chờ đợi đến mùa gặt là ngày chung cuộc mới xét xử người xấu.

Chia sẻ: Chúa dạy bạn bài học gì từ dụ ngôn lúa đồng và cỏ lùng?

Sống Lời Chúa: Tôi tập không vội vàng xét đoán, lên án người khác khi chỉ dựa vào một quảng đời của họ, vì biết rằng nơi tâm hồn họ có cả lúa tốt lẫn cỏ lùng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con xác tín rằng chỉ mình Chúa mới có đủ thẩm quyền để phán xét chúng con, nhưng Chúa lại kiên nhẫn và nhân hậu chờ đến ngày chung cuộc. Xin cho chúng con tập nhận ra “lúa tốt” nơi người anh em, thay vì chỉ chăm chăm chú ý đến “cỏ lùng” nơi họ. Amen.