Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ TƯ 25/7/2012 TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN "Các con sẽ uống chén của Ta".

Thứ Tư Mùa Thường Niên Năm B
Giacôbê Tông đồ
LỄ THÁNH GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ

BÀI ĐỌC I:   2 Cr 4, 7-15

"Chúng ta luôn mang trên thân xác mình sự chết của Đức Giêsu".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Chúng ta chứa đựng kho tàng ấy trong những bình sành để biết rằng quyền lực vô song đó là của Thiên Chúa, chớ không phải phát xuất tự chúng ta. Chúng ta chịu khổ cực tư bề, nhưng không bị đè bẹp; chúng ta phải long đong, nhưng không tuyệt vọng; chúng ta bị bắt bớ, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Bởi vì chúng ta luôn mang trên thân xác mình sự chết của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu được tỏ hiện nơi thân xác chúng ta. Vì chưng, mặc dầu chúng ta đang sống, nhưng vì Đức Giêsu, chúng ta luôn luôn nộp mình chịu chết, để sự sống của Đức Giêsu được tỏ hiện trong thân xác hay chết của chúng ta. Vậy sự chết hoành hành nơi chúng tôi, còn sự sống hoạt động nơi anh em.

Nhưng anh em hãy có một tinh thần đức tin như đã chép rằng: "Tôi đã tin, nên tôi đã nói", và chúng tôi tin, nên chúng tôi cũng nói, bởi chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại, cũng sẽ làm cho chúng tôi được sống lại với Đức Giêsu và sẽ đặt chúng tôi bên Người làm một với anh em. Mọi sự đều vì anh em, để ân sủng càng tràn đầy, bởi nhiều kẻ tạ ơn, thì càng gia tăng vinh quang Thiên Chúa.  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
Đáp: Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan (c. 5).

1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ; bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.  - Đáp.
2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rÄng: "Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng". Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.  - Đáp.
3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.  - Đáp.
4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa. - Đáp.

ALLELUIA:  Ga 15, 16
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy đã chọn các con ra khỏi thế gian, để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại". - Alleluia.

PHÚC ÂM:  Mt 20, 20-28
"Các con sẽ uống chén của Ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Chúa Giêsu. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: "Bà muốn gì?" Bà ta thưa lại: "Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài".

Chúa Giêsu đáp lại: "Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây ta sắp uống chăng?" Họ nói với Người: "Thưa được". Người bảo họ: "Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai thì người ấy mới được". Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em.

Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo: "Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người".  Đó là lời Chúa.

Th. Giacôbê tông đồ       Mt 20,20-28

SỰ CAO TRỌNG ĐÍCH THẬT

“Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống.” (Mt 20,28)

Suy niệm: “Khi tôi ngủ, tôi mơ thấy cuộc đời là hoan lạc. Khi thức dậy, tôi thấy cuộc đời là phục vụ, và rồi khi tôi phục vụ, tôi đã khám phá thấy phục vụ chính là hoan lạc” (R. Tagore). Như bao người, Giacôbê và Gioan cũng mơ giấc mộng cuộc đời của các công hầu khanh tướng đầy hoan lạc. Đức Giêsu đã đánh thức các ông khỏi cơn mơ ngủ này để đưa các ông đi vào tinh thần của người công dân Nước Trời. Với trần thế, người làm lớn là người chỉ tay năm ngón, được người khác cung phụng hầu hạ. Ngược lại, người làm lớn trong Nước Thiên Chúa lại là người đầy tớ phục vụ người khác, giơ tay phục vụ thay vì chỉ tay sai khiến, quan tâm chăm sóc tha nhân thay vì được cung phụng hầu hạ.

Mời Bạn: Ra khỏi cơn mơ ngủ này không phải là chuyện dễ dàng chút nào! Bạn vẫn thích làm lớn theo kiểu trần thế mà quên rằng trong Nước Thiên Chúa, sự cao trọng hệ tại ở điều này: Bạn đã âm thầm phục vụ, yêu thương nâng đỡ người khác chưa?

Chia sẻ: Người làm lớn trong cộng đoàn, hội đoàn, giáo xứ của bạn đã phục vụ người khác hay là người được cung phụng hầu hạ? Có cách nào để canh tân cho hợp tinh thần Tin Mừng không?

Sống Lời Chúa: Xem lại cách suy nghĩ của tôi về việc làm lớn và cố gắng điều chỉnh để thật sự hạ mình phục vụ người khác như Chúa Giêsu dạy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là mẫu gương về việc làm lớn trong Nước Chúa: phục vụ người khác, chứ không phải để được phục vụ hầu hạ. Xin cho chúng con hiểu rằng sự cao trọng đích thật là âm thầm phục vụ và yêu thương chăm sóc người anh em, chị em. Amen.


THỨ TƯ 25/7/2012 TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN, Thánh Giacôbê Tông Ðồ

Thánh Giacôbê Tông Ðồ

  Thánh Giacôbê là anh của Thánh Gioan Thánh Sử. Cả hai được Ðức Giêsu mời gọi khi họ đang trên thuyền đánh cá, làm việc với người cha ở biển Galilê. Trước đó, Ðức Giêsu đã gọi một đôi anh em khác cũng từ một hoàn cảnh tương tự, đó là Phêrô và Anrê. "Ði xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Zêbêđê, và người em là ông Gioan. Hai ông đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Zêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người" (Máccô 1:19-20).
 
Thánh Giacôbê là một trong ba người được ưu tiên chứng kiến Chúa Hiển Dung, được thấy con gái ông Giairút sống lại và có mặt trong giờ thống khổ của Ðức Giêsu trong vườn Giệtsimani.

Có hai biến cố trong Phúc Âm diễn tả tính khí của thánh nhân và người em. Thánh Mátthêu kể rằng mẹ của hai ông đến với Ðức Giêsu để xin cho hai ôngï được chỗ ngồi vinh dự trong vương quốc (một bên phải, một bên trái Ðức Giêsu). "Ðức Giê-su bảo: 'Các người không biết các người xin gì. Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?' Họ đáp: 'Thưa được'" (Mt 20:22). Sau đó Ðức Giêsu bảo, quả thật họ sẽ uống chén và chia sẻ sự thanh tẩy của Người trong sự đau khổ và cái chết, nhưng việc ngồi bên phải hay bên trái thì không phải là quyền của Ðức Giêsu -- chỗ đó "được dành cho những người đã được Cha Thầy chuẩn bị" (Mt 20:23b).

Các tông đồ khác phẫn nộ khi thấy tham vọng của Giacôbê và Gioan. Sau đó Ðức Giêsu dạy họ bài học về sự khiêm tốn phục vụ: Mục đích của quyền bính là để phục vụ. Họ không được áp đặt ý muốn của mình trên người khác, hay sai bảo người khác. Ðây là vị thế của chính Ðức Giêsu. Ngài là tôi tớ của tất cả; sự phục vụ được giao phó cho Ngài là tuyệt đối hy sinh tính mạng mình.

Trong một trường hợp khác, Giacôbê và Gioan chứng minh rằng biệt hiệu mà Ðức Giêsu đặt cho họ -- "con của sấm sét"- thì rất thích hợp với họ. Người Samaritanô không đón tiếp Ðức Giêsu vì Người đang trên đường đến Giêrusalem. "Thấy thế, hai môn đệ là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: 'Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?' Nhưng Ðức Giê-su quay lại quở mắng các ông..." (Luca 9:54-55).

Hiển nhiên Thánh Giacôbê là vị tông đồ đầu tiên chịu tử đạo. "Vào thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Vua cho chém đầu ông Giacôbê, anh ông Gioan, và khi thấy việc đó làm vừa lòng người Do-thái, nhà vua lại cho bắt cả ông Phê-rô nữa" (CVTÐ 12:1-3a).

Chúng ta đừng nhầm lẫn Thánh Giacôbê với tác giả của Thư Thánh Giacôbê, hoặc vị lãnh đạo của cộng đồng Giêrusalem.

Lời Bàn

Phương cách mà Phúc Âm đề cập đến các tông đồ là một nhắc nhở tốt đẹp về ý nghĩa của sự thánh thiện. Trong Phúc Âm, chúng ta không thấy đề cập nhiều đến các đức tính của các ngài như những sở hữu cố định mà nhờ đó họ được phần thưởng thiên đàng. Thay vào đó, Phúc Âm nhấn mạnh đến Nước Trời, đến quyền năng rao giảng Tin Mừng mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Còn về phần đời sống cá nhân của các ngài, chúng ta thấy Ðức Giêsu đã thanh luyện họ khỏi những hẹp hòi, nhỏ nhen, bất nhất.

Lời Trích

"... Chúa Kitô, trong Người mà sự mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa tối cao được hoàn tất (x. 2 Cor. 1:20; 2:16; 4:6), truyền dạy các tông đồ rao giảng Phúc Âm cho muôn dân, đó là nguồn mạch của mọi chân lý cứu độ và lời luân lý, và vì thế thông ban cho họ ơn sủng của Thiên Chúa... Mệnh lệnh này được trung tín thực hiện bởi các tông đồ, là những người, qua lời giảng, qua gương mẫu, và qua các quy định, đã truyền lại những gì họ nhận được từ miệng Ðức Kitô, bởi sống với Người, và bởi những gì Người làm hoặc những gì các tông đồ học hỏi được qua sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần" (Hiến Chế về Mặc Khải của Thiên Chúa, 7).


Trích từ NguoiTinHuu.com

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ BA 24/7/2012 TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN, "Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Đây là mẹ Ta và là anh em Ta".

Thứ Ba Tuần XVI Mùa Thường Niên Năm B

BÀI ĐỌC I:   Mk 7, 14-15. 18-20
"Chúa ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển".
Trích sách Tiên tri Mikha.

Lạy Chúa, với cây trượng của Chúa, xin chăn dắt dân Chúa, chăn dắt những con chiên thuộc quyền sở hữu của Chúa sống lẻ loi trong rừng, ở giữa núi Carmêlô. Tất cả được chăn dắt ở Basan và Galaad như ngày xưa. Như ngày ra khỏi Ai-cập, tôi cho nó thấy những việc lạ lùng. Có Chúa nào giống như Chúa là Đấng dẹp tan mọi bất công, và tha thứ mọi tội lỗi của kẻ sống sót thuộc về Chúa? Chúa không khư khư giữ mãi cơn thịnh nộ của mình, vì Chúa ưa thích từ bi. Chúa còn thương xót chúng tôi, còn dày đạp những bất công của chúng tôi dưới chân Chúa, và ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển. Chúa ban cho Giacóp biết sự trung thành của Chúa, cho Abraham biết lòng từ bi mà Chúa đã thề hứa với tổ phụ chúng tôi từ ngàn xưa.
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 84, 2-4. 5-6. 7-8
Đáp: Lạy Chúa, xin cho chúng con được nhìn thấy tình thương của Chúa (c. 8a).

1)  Lạy Chúa, Chúa đã phù trợ đất nước của Ngài, đã tài tình thay đổi số phận nhà Giacóp. Chúa đã tha thứ lỗi lầm của dân Ngài, và che đậy mọi điều tội ác của họ. Chúa đã cầm hãm tất cả sự bất bình, và tự nguôi đi lòng phẫn nộ.    -  Đáp.
2)  Lạy Chúa là Đấng cứu độ, xin thương hồi phục chúng con, và từ bỏ lòng xung giận chúng con. Phải chăng Chúa giận chúng con muôn đời ngàn kiếp, hay là kéo dài lòng căm hận tới muôn đời?    -  Đáp.
3) Há không phải chính Ngài cho chúng con hồi sinh, để dân tộc Ngài được hoan hỉ ở nơi Ngài?  Lạy Chúa, xin cho chúng con nhìn thấy tình thương của Chúa, và ban cho chúng con được ơn Ngài cứu độ.    -  Đáp.

ALLELUIA:  Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.



PHÚC ÂM:    Mt 12, 46-50
"Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Đây là mẹ Ta và là anh em Ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu
.

Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: "Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia". Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: "Đây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy". Đó là lời Chúa.

Th. Sácben Máclúp, linh mục  Mt 12,46-50

Là người em của Đức giêsu

“Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,50)

Suy niệm: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Cứ ngỡ câu trả lời sẽ rất rõ ràng và dễ dàng: là Đức Maria và các anh em họ Đức Giêsu đang đứng ở vòng ngoài. Thế nhưng, đáp án Đức Giêsu đưa ra thật bất ngờ khiến ai nấy ngỡ ngàng: người thân của Ngài là tất cả những ai thi hành ý muốn của Cha trên trời. Chắc chắn Đức Giêsu không coi nhẹ quan hệ, tình nghĩa theo huyết thống. Ngài muốn ta vượt lên trên gia đình thân thiết theo nghĩa thông thường, để mở rộng lòng đón nhận một quan hệ, tình nghĩa thiêng liêng: quan hệ, tình nghĩa của những người con cái trong gia đình của Thiên Chúa. Trong đại gia đình ấy, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa nhờ trở nên giống người Anh Cả Giêsu, Đấng luôn vâng phục và vuông tròn thực hiện thánh ý Chúa Cha.

Mời Bạn: “Một giọt nhỏ vâng phục đơn sơ có giá trị gấp triệu lần một bình đầy những suy tính đã chọn lọc kỹ càng” (Th. Maria Mađalêna Pazzi). Tình yêu chân thật với Thiên Chúa dựa trên nền tảng là lòng vâng phục. Đức Giêsu đã chứng tỏ lòng yêu mến ấy bằng sự vâng phục tuyệt đối, kể cả bằng việc hy sinh mạng sống. Mời bạn nhìn ngắm mẫu gương vâng phục của Ngài.

Sống Lời Chúa: Xem lãnh vực nào, tôi thường tìm cách né tránh làm theo ý Thiên Chúa; tôi tìm cách loại bỏ những ý riêng mà tôi nguỵ trang làm ý Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con làm theo thánh ý Chúa Cha để trở con thành người em của Chúa. Xin giúp con chiêm ngắm mẫu gương vâng phục của Chúa, nỗ lực đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày. Nhờ vậy, con nhận biết thánh ý Chúa Cha và vui vẻ thi hành.


THỨ BA 24/7/2012 TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN Thánh Christina ,Chân Phước Louise ở Savoy (1461-1503)

Thánh Christina

  Thánh Christina sinh trong thế kỷ thứ ba và là con gái của một quan tòa giầu có và thế lực tên Urbain. Cha của ngài, là người đắm chìm trong việc thờ cúng tà thần, có rất nhiều các tượng thần bằng vàng mà thánh nữ đã tiêu hủy và lấy vàng phân phát cho người nghèo

Tức giận vì hành động này, ông Urbain trở nên người hành hạ chính con gái mình. Ông ra lệnh dùng roi đánh con và ném con vào ngục tối. Christina vẫn không lay chuyển đức tin. Người cha ra lệnh dùng móc sắt để xé thân thể con gái mình và cột cô vào tấm vỉ mà bên dưới đang cháy lửa. Nhưng Thiên Chúa đã gìn giữ tôi tớ Người bằng cách khiến lửa bắn tung vào kẻ hành hình. Sau đó Christina bị quấn cổ bằng một tảng đá lớn và ném xuống hồ Balsena, nhưng ngài được thiên thần cứu sống, trong khi cha ngài, vì tức giận mà chết.

Quan toà kế vị Urbain cũng tàn nhẫn không kém. Ông ra lệnh thiêu sống Christina, nhưng ngài vẫn sống sót. Ngài bị ném vào chuồng đầy rắn, sau đó bị cắt lưỡi và sau cùng bị tên đâm thâu qua người. Ngài được triều thiên tử đạo ở Tyro. Di tích của thánh nữ hiện vẫn còn giữ ở Palermo thuộc Sicily.

********************************************************************


Chân Phước Louise ở Savoy

(1461-1503)

Vào ngày 28 tháng Mười Hai, ngày lễ các Thánh Anh Hài, một bé gái được sinh trong gia đình Công Tước ở Savoy và là em của vua Louis IX nước Pháp. Em bé được đặt tên là Louise, để nói lên sự ngây thơ và thánh thiện của em.

Khi còn trẻ Louise đã yêu quý sự cầu nguyện và cô độc. Trong các ngày lễ kính Ðức Mẹ, cô thường ăn chay, chỉ có bánh mì và nước lạnh. Mặc dù bề ngoài, cô cũng mặc các y phục đắt tiền và đeo nữ trang quý báu phù hợp với địa vị của cô, nhưng bên trong lớp nhung lụa đó là chiếc áo nhặm để nhắc nhở với cô rằng, linh hồn là điều cần được chăm sóc hơn cả.

Do sự dàn xếp của người chú, Louise kết hôn với Thái Tử xứ Chalon, một thanh niên đức hạnh biết quý trọng nếp sống thanh bạch của Louise. Trong cung điện của họ, không có những xa hoa phung phí. Ðôi vợ chồng này còn thuyết phục các tiểu thư, hoàng tử của triều đình sống sát với Phúc Âm hơn.

Vào năm 27 tuổi, Louise trở thành người goá bụa và sau đó bà lui về một đời sống đơn giản để cho phép bà tận tụy trong công việc bác ái và ăn chay đền tội. Vì không có con, bà gia nhập Dòng Thánh Clara Nghèo Hèn ở Orbe. Trong thời gian ấy, bà chứng tỏ là một gương mẫu xứng đáng của sự khiêm tốn và vâng phục.

Sau một cơn trọng bệnh, bà từ trần ngày 24 tháng Bảy 1503, khi mới 42 tuổi.

Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XVI đã phong chân phước cho bà vào năm 1839.



Trích từ NguoiTinHuu.com



TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ HAI 23/7/2012 TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN "Nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy lên án thế hệ này".

Thứ Hai Tuần XVI Mùa Thường Niên Năm B

 

BÀI ĐỌC I:    Mk 6, 1-4. 6-8
"Người hỡi, Ta sẽ chỉ cho ngươi việc phải làm, và việc nào Chúa đòi hỏi nơi ngươi".
Trích sách Tiên tri Mikha.

Các ngươi hãy nghe Chúa phán: "Ngươi hãy đứng lên, hãy trình bày lời tố cáo của ngươi trước núi non, và các đồi hãy nghe tiếng của ngươi. Hỡi các núi và nền tảng kiên cố của địa cầu, hãy nghe Chúa tố cáo dân Người và biện luận với Israel.

"Hỡi dân Ta, Ta đã làm gì cho ngươi? Hay là Ta đã làm khổ ngươi điều gì? Hãy trả lời cho Ta biết. Chính Ta dẫn ngươi ra khỏi đất Ai-cập, đã giải thoát ngươi khỏi nhà nô lệ, và sai Môsê, Aaron và Maria đi trước mặt ngươi?"

Tôi sẽ hiến dâng vật gì lên Thiên Chúa cho xứng đáng? Hay là tôi sấp mình trước Thiên Chúa Tối Cao? Tôi sẽ dâng lên Người của lễ toàn thiêu và con bê một tuổi chăng? Chúa có hài lòng với hằng ngàn chiên đực, hoặc hằng muôn vàn dê đực béo tốt chăng? Tôi sẽ dâng con đầu lòng để đền tội ác của tôi, và dâng con cái tôi để đền chính tội tôi chăng?

Người hỡi, Ta sẽ chỉ cho ngươi việc phải làm, và việc nào Chúa đòi hỏi nơi ngươi: tức là ngươi hãy thực hiện công bình, quý mến lòng nhân lành, và khiêm tốn bước theo Thiên Chúa ngươi.  Đó là lời Chúa

ĐÁP CA:  Tv 49, 5-6. 8-9. 16bc-17. 21 và 23
Đáp: Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ (c. 23b).

1)  "Hãy tập họp cho Ta các tín đồ đã ký lời giao ước của Ta cùng hy sinh lễ". Và trời cao sẽ loan truyền sự công chính của Ngài, vì chính Đức Thiên Chúa, Ngài là thẩm phán.    -  Đáp.
2) Ta không khiển trách ngươi về chuyện dâng lễ vật, vì lễ toàn thiêu của ngươi đặt ở trước mặt Ta luôn. Ta không nhận từ nhà ngươi một con bò con, cũng không nhận từ đoàn chiên ngươi những con dê đực.    -  Đáp.
3) Tại sao ngươi ưa kể ra những điều huấn lệnh, và miệng ngươi thường nói về minh ước của Ta?  Ngươi là kẻ không ưa lời giáo huấn, và ném bỏ lời Ta lại sau lưng.    -  Đáp.
4) Ngươi làm thế, mà Ta đành yên lặng?  Ngươi đã tưởng rằng Ta cũng giống như ngươi?  Ta sẽ bắt lỗi, sẽ phơi bày trước mặt ngươi tất cả. Ai hiến dâng lời khen ngợi, người đó trọng kính Ta;

ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ.    -  Đáp.

ALLELUIA:  Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.


PHÚC ÂM:  Mt 12, 38-42

"Nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy lên án thế hệ này".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, có mấy luật sĩ và biệt phái thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ". Người trả lời: "Thế hệ hung ác gian dâm đòi một dấu lạ! Nhưng sẽ không cho dấu lạ nào, trừ dấu lạ tiên tri Giona. Cũng như xưa tiên tri Giona ở trong bụng cá ba đêm ngày thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba đêm ngày như vậy. Tới ngày phán xét, dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó, vì họ đã nghe lời tiên tri Giona mà sám hối tội lỗi, nhưng đây có Đấng cao trọng hơn Giona. Đến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó: vì bà từ biên thuỳ trái đất đã đến nghe lời khôn ngoan của vua Salomon, nhưng đây có Đấng cao trọng hơn Salomon". Đó là lời Chúa.

Th. Bighítta, nữ tu    Mt 12,38-42

CÓ CẦN DẤU LẠ ĐỂ TIN?

“Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna. Quả thật, ông Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy.” (Mt 12,39-40)

Suy niệm: Thông thường nhiều người vẫn háo hức nghe ngóng, thấy ở đâu có dấu lạ là đổ xô tìm đến. Người ta vẫn thường cho rằng cần có những dấu lạ để tin vào Chúa, để dễ theo đạo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu không có ơn Chúa, không có cái tâm hướng thiện thì bao nhiêu dấu lạ cũng chẳng ích gì, chẳng làm cho người cứng lòng có được đức tin. Chúa Giêsu đã thẳng thừng từ chối làm dấu lạ theo yêu cầu của các người Pharisêu và kinh sư, vì Ngài thừa biết họ cũng chẳng tin tưởng gì hơn qua các phép lạ. Họ vẫn cứ cứng tin và tiếp tục quy kết những việc Ngài làm là do quyền phép của quỷ vương. Dấu lạ duy nhất mà Chúa Giêsu hứa cho họ chính là cái chết và sự phục sinh của Ngài. Đây là dấu vĩ đại nhất, dấu cứu chuộc loài người chúng ta.

Mời Bạn: Đức tin là một hồng ân vô điều kiện Thiên Chúa ban cho con người, mời gọi sự đáp trả của con người. Chúng ta không thể đòi Thiên Chúa làm điều này điều kia để mặc cả với Ngài về chuyện đức tin.

Chia sẻ: Chia sẻ cho mọi người trong nhóm biết vì sao bạn tin Chúa.

Sống Lời Chúa: Nhớ lời Chúa Giêsu khẳng định với Satan để khẳng định lại đức tin của mình trước cám dỗ xin dấu lạ: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con tin, nhưng xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con. Amen.


THỨ HAI 23/7/2012 TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN B Thánh Bridget ở Thụy Ðiển (1303?-1373)

Thánh Bridget ở Thụy Ðiển
(1303?-1373)

  Từ lúc bảy tuổi trở đi, Thánh Bridget đã được thị kiến Ðức Kitô trên thánh giá. Các thị kiến ấy làm nền tảng cho đời sống thánh nữ -- luôn luôn chú trọng đến đức ái hơn là trông đợi các ơn huệ thiêng liêng.

Thánh Bridget là một người trong hoàng gia Thụy Ðiển, được thừa hưởng sự đạo đức của cha mẹ, ngay từ nhỏ ngài đã yêu quý sự Thống Khổ của Ðức Kitô. Khi mười bốn tuổi, vâng lời cha, ngài kết hôn với vua Thụy Ðiển là Magnus II và có tám người con (người con thứ là Thánh Catarina ở Thụy Ðiển). Sau khi nhà vua từ trần ngài sống một cuộc đời rất khổ hạnh.

Trong thời gian hôn nhân, Thánh Bridget cố gắng ảnh hưởng tốt đến vua Magnus. Dù chưa hoàn toàn thay đổi, nhà vua cũng đã ban cho ngài đất đai và cơ sở để thiết lập một đan viện cho nam giới và nữ giới. Tổ chức này sau đó phát triển thành một tu hội, được gọi là Tu Hội Thánh Bridget (hiện vẫn còn).

Vào Năm Thánh 1350, Thánh Bridget bất chấp bệnh dịch đang lan tràn khắp Âu Châu, ngài thực hiện cuộc hành hương đến Rôma. Ngài không bao giờ trở về Thụy Ðiển và những năm ở Rôma thật không sung sướng chút nào vì bị chủ nợ săn đuổi và bị chống đối bởi sự thối nát trong Giáo Hội thời bấy giờ.

Chuyến hành hương sau cùng của ngài đến Ðất Thánh thì bị hỏng vì đắm tầu và cái chết của người con trai. Các biến cố ấy cũng dẫn đến cái chết của ngài vào năm 1373. Ngài là quan thầy của nước Thụy Ðiển.

Vào năm 1999, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên xưng Thánh Bridget là một trong ba thánh nữ làm quan thầy của Âu Châu, cùng với các Thánh Catarina ở Siena và Thánh Edith Stein. Ðức Thánh Cha nhận xét rằng Thánh Bridget đã hoạt động "không ngừng cho sự hiệp nhất giữa các Kitô Hữu" trong những cuộc du hành của ngài trên khắp Âu Châu. Thánh nữ được sự sùng kính của người Tin Lành Lutheran cũng như người Công Giáo.


Lời Bàn

Các thị kiến của Thánh Bridget, thay vì cô lập ngài khỏi các sinh hoạt của thế gian, đã đưa ngài can dự vào nhiều vấn đề đương thời, dù đó là chính sách của hoàng gia hay của giáo triều Avignon. Ngài không thấy sự mâu thuẫn giữa các cảm nghiệm thần bí và các sinh hoạt trần tục, và cuộc đời ngài chứng minh rằng sự thánh thiện có thể thực hiện được giữa nơi chính trường.


Trích từ NguoiTinHuu.com



Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

CHÚA NHẬT 22/7/2012 . 40 Giây Lời Chúa: Chúa Nhật 16 TN B

40 Giây Lời Chúa: Chúa Nhật 16 TN B







TIN MỪNG HẰNG NGÀY CHÚA NHẬT 22/7/2012 TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN B, "Họ như đàn chiên không người chăn".

Chúa Nhật Tuần XVI Mùa Thường Niên Năm B
16 Thường Niên B


1305582693

BÀI ĐỌC I: Gr 23, 1-6
"Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta, và cho chúng có những chủ chăn".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Chúa phán: "Khốn cho các mục tử làm tản mát và xâu xé đoàn chiên Ta. Vì thế, Chúa là Thiên Chúa Israel phán cùng các mục tử chăn dắt dân Ta rằng: "Các ngươi đã phân tán xua đuổi và không trông nom đoàn chiên Ta". Chúa lại phán: "Vậy Ta sẽ xét xử những hành động gian ác của các ngươi. Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta từ khắp các xứ mà Ta đã phân tán chúng, Ta sẽ lùa chúng về đồng cỏ, để chúng lớn lên và tăng số. Ta sẽ cho chúng có những chủ chăn để họ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn sợ hãi và kinh hoàng, và chúng không còn thiếu thốn gì nữa".

Chúa còn phán rằng: "Này đây, đã tới những ngày Ta gây cho Đavít một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm vua thống trị, sẽ là người khôn ngoan, thực hiện công lý và đức công bình trên đất nước. Những ngày ấy, Giuđa sẽ được cứu thoát, Israel sẽ được an cư, và chúng sẽ gọi tên Người là "Chúa công bình của chúng ta". Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Đáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).

1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. - Đáp.

2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng con. - Đáp.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Đáp.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Đáp.


BÀI ĐỌC II: Ep 2, 13-18
"Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, xưa kia anh em là những kẻ ở xa, thì nay trong Đức Giêsu Kitô, anh em đã nên gần nhờ bửu huyết của Người. Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người, tức là bãi bỏ lề luật cũ với những thể lệ để kiến tạo cả hai nên một người mới, đem lại bình an, dùng thập giá giải hoà hai dân tộc trong một thân thể với Thiên Chúa. Nơi Người, mối thù nghịch đã bị tiêu diệt, và Người đã đến loan báo Tin Mừng bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Và chính nhờ Người mà chúng ta đôi bên được đến gần Cha trong cùng một Thần Trí. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.


PHÚC ÂM: Mc 6, 30-34
"Họ như đàn chiên không người chăn".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.


Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút". Vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài.

Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều. Đó là lời Chúa. 

GẶP GỠ CHÚA MỖI NGÀY

Đức Giêsu bảo các môn đệ: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6,31)

Suy niệm: Dù kinh tế toàn cầu khủng hoảng, các công ty du lịch lữ hành vẫn ăn nên làm ra nhờ con người ngày nay có khuynh hướng đi xa nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày lao động miệt mài. Sau chuyến truyền giáo vất vả trở về, các môn đệ vui mừng báo cáo kết quả với Đức Giêsu. Ngài bảo các ông tìm chỗ thanh vắng nghỉ ngơi. Ngài hiểu rằng đời sống gồm có hai nhịp: làm việc và nghỉ ngơi, gặp gỡ Chúa rồi tiếp xúc với con người. Không thể là Kitô hữu tốt giữa chợ đời nếu không dành thời gian cầu nguyện, gặp gỡ Thiên Chúa; cũng như không thể lao động miệt mài mà không có lúc nghỉ ngơi thư giãn. Ta dễ dàng chấp nhận nghỉ ngơi để phục hồi sức lực sau khi lao động, nhưng chưa sẵn sàng chấp nhận gặp gỡ, tiếp xúc với Thiên Chúa để nhờ đó, đủ sức mạnh tình yêu sống hòa hợp với tha nhân.

Mời Bạn: Tìm một nơi thanh vắng, riêng tư để gặp gỡ, cầu nguyện với Thiên Chúa, chỉ mình Ngài với bạn. Nơi đó có thể là một góc trong nhà bạn, nhà thờ, hay bãi biển lúc sáng sớm... Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải xác tín rằng chỉ nhờ gặp gỡ Thiên Chúa, bạn mới có thể nhận được năng lực cần thiết cho đời sống đạo của mình.

Chia sẻ: Kinh nghiệm phục hồi năng lực tinh thần sau giờ cầu nguyện.

Sống Lời Chúa: Tôi thu xếp thời gian để có thể gặp gỡ, cầu nguyện riêng với Chúa sáng sớm (hay buổi tối) mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi chúng con dành thời gian mỗi ngày gặp gỡ, cầu nguyện với Chúa để nhờ đó, chúng con có thể sống tốt đẹp cuộc đời của mình. Chúng con xin hứa sẽ vâng theo lời Chúa dạy. Amen.