Những khó khăn trong Giáo Hội ngày nay chỉ là
thiểu số so với các chấn động của lạc giáo Arian thời ấy khi họ từ chối thiên
tính của Ðức Kitô. Thánh Cyril bị vướng vào vòng tranh luận, bị Thánh Giêrôme
kết án là người theo tà thuyết Arian và sau cùng ngài đã được thanh minh bởi
những người của thời ấy và được tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1822.
Chúng ta không biết nhiều về cuộc đời thơ ấu
của Thánh Cyril. Các sử gia ước đoán ngài sinh trong khoảng năm 315, và lớn lên
ở Giêrusalem. Về gia đình ngài, có lẽ cha mẹ ngài là Kitô Hữu và dường như ngài
rất thảo kính cha mẹ. Ngài thúc giục các dự tòng kính trọng các bậc sinh thành
"vì dù chúng ta có đền đáp thế nào đi nữa, cũng không thể nào bù đắp
được công ơn sinh thành của cha mẹ." Chúng ta còn được biết ngài có
một em gái và một cháu trai, Gelasius, sau này là giám mục và là thánh.
Qua các văn bút ngài để lại, dường như ngài
thuộc về nhóm gọi là Solitary (Ðộc Thân). Họ là những người sống tại gia nhưng
giữ đức khiết tịnh, khổ hạnh và phục vụ.
Sau khi được tấn phong là phó tế và sau đó là
linh mục, đức giám mục Maximus đã giao cho ngài trách nhiệm dạy giáo lý cho dự
tòng và tân tòng. Sách Giáo Lý ngài viết vẫn có giá trị như một thí dụ điển
hình cho nền tảng thần học và phụng tự của Giáo Hội vào giữa thế kỷ thứ tư.
Khi Ðức Maximus từ trần, Cha Cyril được tấn
phong làm giám mục của Giêrusalem. Vì ngài được sự hỗ trợ của giám mục Caesarea
là Acacius, người theo lạc thuyết Arian, nên phe chính giáo chỉ trích việc bổ
nhiệm này, và phe Arian lại nghĩ rằng họ có thêm một đồng minh. Cả hai phe đều
sai lầm, và Ðức Cyril thì kẹt ở giữa.
Khi nạn đói càn quét Giêrusalem, dân chúng
chạy đến Ðức Cyril xin giúp đỡ. Vì không có tiền, ngài phải bán một số đồ dùng
của nhà thờ để giúp đỡ người đói. Nhưng có những lời dèm pha rằng một số áo lễ
được dùng làm y phục cho kép hát.
Sự bất hòa giữa Acacius và Ðức Giám Mục Cyril
bắt đầu là về vấn đề quản hạt chứ không phải vấn đề tín lý. Là giám mục của
Caesarea, Acacius nghĩ rằng mình có toàn quyền trên các giám mục Palestine.
Nhưng Ðức Giám Mục Cyril lý luận rằng thẩm quyền của Acacius không bao gồm
Giêrusalem vì Giêrusalem là một "tông tòa" -- là ngai toà do các tông
đồ thiết lập. Khi Ðức Cyril không hiện diện trong các công đồng mà Acacius
triệu tập, Acacius và phe cánh đã kết án ngài là đã bán vật dụng của nhà thờ để
kiếm tiền và trục xuất ngài.
Ðức Cyril phải lưu đầy ở Tarsus trong khi chờ
đợi việc kháng cáo. Sau đó, ngài xuất hiện trong Công Ðồng Seleucia, trong đó
phe bán-Arian (vừa theo chính giáo, vừa theo Arian) chiến thắng. Kết quả là
Acacius bị truất phế và Ðức Cyril được trở về ngai toà cũ. Tuy nhiên, hoàng đế
không hài lòng về kết quả này, và một lần nữa, Ðức Giám Mục Cyril lại bị trục
xuất và chỉ trở về khi hoàng đế Julian lên ngôi. Ðược vài năm sau, một sắc lệnh
của tân hoàng đế Valens trục xuất tất cả các giám mục được Julian hồi phục, và
Ðức Cyril lại phải lưu đầy cho tới khi Valens qua đời.
Có thể nói một nửa nhiệm kỳ giám mục của Ðức
Cyril là bị đầy ải. Sau cùng, ngài trở về Giêrusalem, lúc ấy đã tan nát vì lạc
giáo, ly giáo và tranh giành, tàn lụi vì tội lỗi. Năm 381, ngài đến tham dự
Công Ðồng Constantinople, là công đồng hoàn tất bản kinh Tin Kính Nicene và phe
Arian bị kết án. Ðức Cyril được thanh minh và được tẩy sạch mọi tiếng xấu trước
đây, các giám mục tham dự Công Ðồng đã ca ngợi ngài như vị quán quân chính
thống chống với bè phái Arian.
Ðức Cyril sống an bình tám năm ở Giêrusalem và
từ trần năm 386, khi ngài khoảng bảy mươi tuổi.
Lời Bàn
Những ai tưởng rằng đời sống các thánh thật
đơn giản và êm đềm, không một chút tranh chấp trần tục, chắc phải kinh hoàng về
cuộc đời Thánh Cyril. Tuy nhiên, mọi Kitô Hữu không thể thoát khỏi những khó
khăn như chính Thầy mình đã trải qua. Theo đuổi chân lý là một con đường phức
tạp và không cùng, và mọi người thiện tâm đều đau khổ vì sự tranh giành và lầm
lạc. Những chướng ngại về tri thức, tình cảm và chính trị có thể trì trệ đôi
chút những người như Thánh Cyril. Nhưng đời sống của họ, nhìn toàn bộ, sẽ là những
mẫu mực của sự thành tâm và dũng cảm.
1/ Bài đọc I: ĐỨC CHÚA đã báo cho tôi và tôi đã biết. Bấy giờ Người cho
tôi thấy âm mưu của chúng.
19 Phần con, con khác nào con chiên hiền lành bị đem đi làm
thịt, con đâu biết chúng đang mưu tính hại con. Chúng bảo nhau: "Cây đương
sức, nào ta chặt nó đi, loại nó ra khỏi đất dành cho kẻ sống, để không còn ai
nhớ đến tên tuổi nó nữa!"
20 Nhưng, lạy ĐỨC CHÚA các đạo binh,
Ngài công minh khi xét xử,
Ngài thấu suốt tâm can từng gang tấc,
con thấy Ngài trị tội chúng thật là đích đáng,
vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài.
2/ Phúc Âm: 40 Trong dân chúng, có những người nghe các
lời ấy thì nói: "Ông này thật là vị ngôn sứ."
41 Kẻ khác rằng: "Ông này là Đấng Ki-tô." Nhưng có kẻ
lại nói: "Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao?
42 Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng
dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao? "
43 Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ.
44 Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra
tay bắt.
45 Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ
liền hỏi chúng: "Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây? "
46 Các vệ binh trả lời: "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng
như người ấy! "
47 Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng: "Cả các anh nữa,
các anh cũng bị mê hoặc rồi sao?
48 Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai
tin vào tên ấy đâu?
49 Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là
quân bị nguyền rủa! "
50 Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô,
trước đây đã đến gặp Đức Giê-su; ông nói với họ:
51 "Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi
nghe người ấy và biết người ấy làm gì không? "
52 Họ đáp: "Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao?
Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê
cả."
53 Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải suy xét trước khi buộc tội người công
chính.
Khi một người hay một nhóm muốn buộc tội một người, họ sẽ tìm cho
được mọi lý do để có thể buộc tội người đó: gây mâu thuẫn cá nhân hay các nhóm,
tìm người làm chứng gian, cắt nghĩa sai luật lệ; nhưng không bao giờ tiết lộ lý
do chính của việc buộc tội.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc buộc tội các người công chính.
Trong Bài Đọc I, tiên-tri Jeremiah được Thiên Chúa cho thấy âm mưu của những
người định bắt và giết ông, vì họ không muốn nghe những lời ông tố cáo họ đã vi
phạm Lề Luật của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, các thượng tế và kinh sư thi hành
âm mưu bắt và giết Chúa Giêsu, vì họ sợ dân chúng sẽ bỏ họ mà theo Ngài. Một
mặt họ gởi các vệ binh đi bắt Chúa Giêsu, một mặt họ tìm cách chia rẽ để kéo
dân về phía họ
.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Âm mưu để giết tiên-tri
Jeremiah.
1.1/ Âm mưu của bọn ác nhân: Là ngôn sứ của Thiên Chúa, tiên tri
phải nói những gì Thiên Chúa truyền cho ông nói. Tiên tri tố cáo tội ác của nhà
Judah và hình phạt sắp xảy đến cho họ. Họ không những không muốn nghe, mà còn
phác họa một âm mưu để thủ tiêu Jeremiah. Họ bảo nhau: "Cây đương sức, nào
ta chặt nó đi, loại nó ra khỏi đất dành cho kẻ sống, để không còn ai nhớ đến
tên tuổi nó nữa!" Mục đích của họ là để khỏi phải nghe những lời tố cáo
của tiên tri, và phi tang nhân chứng để tiếp tục con đường gian ác của
họ.
1.2/ Uy quyền của Thiên Chúa: Nhưng kẻ thù của tiên tri Jeremiah
đã không biết uy quyền của Thiên Chúa, Đấng gởi tiên tri đi. Ngài không những
cho Jeremiah biết âm mưu của chúng, mà còn dùng Vua Babylon như cây roi để đánh
phạt họ và đem đi lưu đày.
Tiên tri Jeremiah tin tưởng vào uy quyền của Thiên Chúa, và cầu
xin: “Nhưng, lạy Đức Chúa các đạo binh, Ngài công minh khi xét xử, Ngài thấu
suốt tâm can từng gang tấc, con thấy Ngài trị tội chúng thật là đích đáng, vì
con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài.”
Con người phải rất cẩn thận khi tố cáo những người được Thiên Chúa
sai tới, vì máu của họ đổ ra sẽ kêu thấu đến trời, và Thiên Chúa sẽ xét xử phân
minh cho họ.
2/
Phúc Âm: Âm mưu giết Đức Kitô:
2.1/ Âm mưu giết Đức Kitô của các thượng tế và kinh-sư: Lý do
chính yếu họ muốn giết Đức Giêsu là vì quyền lợi. Họ sợ dân chúng theo Chúa
Giêsu và họ sẽ mất hết quyền lợi họ đang được hưởng, như thánh-sử Gioan tường
thuật: Khi thấy dân chúng đi đón Người, vì họ nghe biết Người đã làm dấu lạ đó.
Bấy giờ người Pharisees bảo nhau: "Các ông thấy chưa: các ông chẳng làm
nên trò trống gì cả! Kìa thiên hạ theo ông ấy hết!" (Jn 12:19).
2.2/ Các phản ứng khác nhau về Chúa Giêsu:
(1) Phản ứng của dân chúng: Họ không biết nhiều về Kinh Thánh, các
thượng tế và kinh sư dùng sự hiểu biết Kinh Thánh của họ để làm cho dân chúng
bị hoang mang và chia rẽ:
- Khi thấy trong dân chúng có những người cho Chúa Giêsu là một
ngôn-sứ. Họ dùng Kinh Thánh trả lời: “Không một ngôn sứ nào xuất thân từ
Galilee cả!”
- Khi thấy kẻ khác cho: "Ông này là Đấng Kitô." Họ lại
nói: "Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilee sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng
nói: Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua David và từ Bethlehem, làng của vua
David sao?" Sự thật Kinh Thánh có nói điều ấy để chỉ nơi sinh của Đức
Kitô, chứ không nói gì tới nơi trưởng thành của Ngài. Họ dùng những lời ấy để
từ chối Chúa Giêsu là Đức Kitô. Họ đạt được mục đích khi thánh-sử Gioan tường
thuật: “Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ.”
(2) Phản ứng của các vệ binh: Các vệ binh trở về với các thượng tế
và người Pharisees. Họ liền hỏi chúng: "Tại sao các anh không điệu ông ấy
về đây?" Các vệ binh trả lời: "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như
người ấy!" Đây là phản ứng có lẽ trung thực nhất vì những vệ binh không
biết nhiều về Lề Luật và Kinh Thánh; hơn nữa, họ còn là những người thuộc về
các thượng tế và kinh-sư. Họ có lẽ được nhìn thấy và nghe Chúa Giêsu lần đầu
tiên, nên chưa có thành kiến với Ngài.
(3) Phản ứng của Nicodemus: Ông là một người Pharisee, trước đây
ông đã đến gặp Đức Giêsu ban đêm và đàm đạo với Ngài. Ông nói với họ: "Lề
Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người
ấy làm gì không?" Nicodemus biết Lề Luật đòi sự công bằng cho mọi người
(Exo 23:1, Deut 1:16); vì thế, mọi người đều có quyền để biện hộ, và tòa án
không thể kết án họ khi chưa có bằng chứng rõ rệt. Các kinh-sư đã không theo
tiến trình này khi buộc tội Chúa Giêsu. Nhưng Nicodemus đã không có can đảm để
làm chứng cho Ngài, khi ông phải đối diện với sự tức giận của họ.
(4) Phản ứng của các kinh-sư: Họ không chỉ tức giận và tố cáo Chúa
Giêsu, nhưng còn giận dữ với tất cả những ai không theo phe nhóm họ để tố cáo
Ngài. Họ tức giận:
- Với các vệ binh: Họ mắng: "Cả các anh nữa, các anh cũng bị
mê hoặc rồi sao? Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisees, đã có một ai tin
vào tên ấy đâu?” Họ kiêu hãnh lấy địa vị của mình như tiêu chuẩn để bắt người
khác cũng phải hành động như họ.
- Với dân chúng: Họ khinh thường: “Còn bọn dân đen này, thứ người
không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!" Luật của các Rabbi có 6
điều ngăn cấm trong việc giao tiếp với “dân đen”: “Không làm chứng cho họ,
không tin vào lời chứng của họ, không nói điều bí mật cho họ nghe, không cho họ
làm cha nuôi của những trẻ mồ côi, không cho họ làm quản lý của các quĩ bác ái,
và không đi chung với họ trong cuộc hành trình.” Vì họ quan niệm “dân đen”
không biết Lề Luật, nên họ mặc sức giải thích theo cách thức để đạt được mục
đích của họ!
- Với Nicodemus: Họ đáp: "Cả ông nữa, ông cũng là người
Galilee sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ
Galilee cả."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Có sự liên quan giữa điều răn thứ 5 và điều răn thứ 8: Chúng ta
thường để ý đến việc giết người bằng gươm giáo hay súng đạn, mà rất ít khi để ý
đến việc giết người bằng sự nói hành hay làm chứng gian.
- Thiên Chúa thấu suốt mọi sự trong tâm hồn con người, nên chúng
ta đừng bao giờ vào hùa với nhau để giết hại người công chính và vô tội; vì
chúng ta sẽ phải trả giá máu của họ đổ ra.
- Chúng ta phải có can đảm làm nói, sống, và làm chứng cho sự
thật; cho dù nhiều khi chúng ta phải trả giá đắt vì sự thật, nhưng chỉ có sự
thật mới giải thóat con người.
Truyền thuyết về Thánh Patrick thì quá
nhiều; nhưng khi nhìn đến hai đức tính chắc chắn của ngài: khiêm tốn và dũng
cảm thì điều đó có ích lợi cho chúng ta. Chính thái độ cương quyết khi chấp
nhận đau khổ cũng như thành công đã hướng dẫn cuộc đời của Thánh Patrick, một
khí cụ của Thiên Chúa, để chiến thắng cho Ðức Kitô hầu như tất cả tâm hồn người
Ái Nhĩ Lan.
Chi tiết về đời ngài thì không chắc chắn. Về
nơi sinh trưởng của Thánh Patrick, có người cho là ở Kilpatrick, Tô Cách Lan,
có người nói ở Cumberland, Anh Quốc. Cha mẹ ngài là người Rôma sống ở Anh Quốc
với nhiệm vụ cai quản các bán đảo.
Khoảng 14 tuổi, chính ngài và phần lớn các nô
lệ cũng như các quần thần của cha ngài bị hải tặc Ái Nhĩ Lan bắt và bán làm nô
lệ để chăn cừu. Trong thời gian này, Ái Nhĩ Lan là đất của người Druid và ngoại
giáo. Ở đây, ngài học ngôn ngữ và phong tục của dân tộc đang bắt giữ ngài.
Sáu năm sau, Patrick vượt thoát, có lẽ đến
nước Pháp, và sau đó trở về Anh đoàn tụ với gia đình. Trong thời gian bị bắt
tinh thần ngài thay đổi hoàn toàn. Ngài bắt đầu học làm linh mục, và được chịu
chức bởi Thánh Germanus, Ðức Giám Mục của Auxerre.
Sau đó, khi 43 tuổi ngài được tấn phong giám
mục. Trong một thị kiến, dường như "mọi trẻ con ở Ái Nhĩ Lan từ trong
lòng mẹ vươn cánh tay" đến ngài. Ngài hiểu thị kiến này là một lời mời
gọi đi rao giảng Tin Mừng cho người ngoại giáo Ái Nhĩ Lan. Ngài đến phía tây và
phía bắc, là nơi chưa bao giờ đức tin được rao giảng ở đây, và ngài đã được sự
bảo vệ của các vua chúa trong vùng và đã hoán cải rất nhiều người.
Ngài tấn phong nhiều linh mục, chia quốc gia
này thành các giáo phận, tổ chức các công đồng, thành lập vài đan viện và tiếp
tục thúc giục dân chúng sống thánh thiện hơn.
Ngài chịu đau khổ vì bị các tăng sĩ ngoại giáo
chống đối, và bị chỉ trích cả ở Anh và Ái Nhĩ Lan vì đường lối truyền giáo của
ngài.
Trong 40 năm rao giảng và hoán cải, ngài đã
làm nhiều phép lạ và đã viết Confessio nói về tình yêu của ngài dành cho Thiên
Chúa. Ngài từ trần năm 461 ở Saul, là nơi ngài xây dựng nhà thờ đầu tiên.
Lời Bàn
Ðiểm đặc biệt của Thánh Patrick là sự bền bỉ
trong các nỗ lực. Chỉ khi nghĩ đến tình trạng của Ái Nhĩ Lan lúc ngài mới bắt
đầu truyền giáo, với phạm vi rộng lớn mà ngài phải lao nhọc và hạt giống đức
tin mà ngài đã vun trồng hiện vẫn tiếp tục nẩy nở và phát triển, thì người ta
mới thán phục con người của Thánh Patrick. Sự thánh thiện của một con người chỉ
có thể nhận biết qua kết quả của họ.
Lời Trích
"Ðức Kitô che chở tôi hôm nay: Ðức
Kitô ở với tôi, Ðức Kitô ở trước tôi, Ðức Kitô ở sau tôi, Ðức Kitô ở trong tôi,
Ðức Kitô ở dưới tôi, Ðức Kitô ở trên tôi, Ðức Kitô ở bên phải tôi, Ðức Kitô ở
bên trái tôi, Ðức Kitô ở với tôi khi nằm nghỉ, Ðức Kitô ở với tôi khi thức dậy,
Ðức Kitô ở trong tâm hồn bất cứ ai khi nghĩ đến tôi, Ðức Kitô ở trong mắt những
ai khi nhìn thấy tôi, Ðức Kitô ở trong tai những ai khi nghe lời tôi"
(trích từ ca vịnh của Thánh Patrick).
Có thể gọi Thánh Clement là vị sáng lập
thứ hai của dòng Chúa Cứu Thế, vì chính ngài là người đã đem tu hội của Thánh
Alphôngsô Liguori đến với người dân ở phía bắc rặng Alp.
Sinh trong một gia đình nghèo ở Moravia, ngài
là con thứ chín trong mười hai người con, và tên rửa tội là Gioan. Mặc dù ngài
ao ước trở nên một linh mục, nhưng vì không có tiền đi học, ngài phải học nghề
làm bánh mì. Nhưng Thiên Chúa đã can thiệp để giúp ngài thể hiện ước mơ ấy.
Ngài được nhận vào làm bánh trong một đan
viện, là nơi ngài có thể tham dự các lớp Latinh. Sau khi vị tu viện trưởng từ
trần, Gioan thử sống đời ẩn tu nhưng lúc ấy Hoàng Ðế Joseph II ra lệnh hủy bỏ
các đan viện, Gioan lại trở về Vienna hành nghề làm bánh. Một ngày kia, sau khi
dự lễ tại vương cung thánh đường Thánh Stêphanô, trong cơn mưa tầm tã ngài đã
giúp hai bà quý tộc gọi xe kéo. Qua cuộc đối thoại, hai bà được biết Gioan muốn
đi tu nhưng không đủ tài chánh. Và họ đã rộng lượng giúp đỡ Gioan cũng như bạn
của ngài là Tađêô, theo học trong chủng viện. Cả hai đến Rôma, là nơi họ được
lôi cuốn bởi ý nghĩa đời sống tu trì của Thánh Alphôngsô. Và hai người đã thụ
phong linh mục năm 1785 trong dòng Chúa Cứu Thế.
Sau khi mới chịu chức, lúc ấy đã 34 tuổi,
Gioan được gọi là Clement Mary, cùng với Tađêô được sai trở về Vienna. Nhưng sự
khó khăn tôn giáo ở đây đã khiến hai người phải bỏ lên miền bắc đến Warsaw, Ba
Lan. Ở đây họ gặp rất nhiều người Công Giáo nói tiếng Ðức bơ vơ không có linh
mục chăm sóc vì chính quyền đàn áp các cha dòng Tên. Ðầu tiên hai ngài phải
sống rất khó nghèo và rao giảng ngoài trời. Sau đó các ngài được giao cho nhà
thờ Thánh Benno để trông coi, và trong vòng chín năm kế tiếp, mỗi ngày hai ngài
phải giảng năm lần, hai lần bằng tiếng Ðức và ba lần bằng tiếng Ba Lan, các
ngài đã hoán cải được nhiều linh hồn về với Giáo Hội. Cả hai đều tích cực trong
công việc xã hội giúp đỡ người nghèo, sáng lập cô nhi viện và mở một trường nam
sinh.
Nhờ lôi cuốn được nhiều người đến dâng mình
cho Chúa, các ngài đã có thể gửi các vị truyền giáo đến Ba Lan, Ðức và Thụy
Ðiển. Tất cả các cơ sở truyền giáo này sau đó đều bị phá hủy vì những căng
thẳng chính trị và tôn giáo thời đó. Sau 20 năm làm việc vất vả, chính Cha
Clement bị bỏ tù và bị trục xuất khỏi nước. Và sau một lần bắt bớ khác ngài mới
đến được Vienna, là nơi ngài sinh sống và hoạt động trong 12 năm cuối đời.
Không bao lâu, ngài nổi tiếng là "vị tông đồ của Vienna", ngài
nghe người giầu cũng như nghèo xưng tội, đi thăm kẻ liệt, cố vấn cho những
người thế lực, chia sẻ sự thánh thiện của ngài với tất cả mọi người trong thành
phố. Công trình đáng kể nhất của ngài là thành lập một trường đại học Công Giáo
trong thành phố yêu dấu này.
Sự bách hại vẫn theo đuổi ngài, và nhà cầm
quyền đã buộc ngài phải ngừng rao giảng. Có lần giới thẩm quyền cao cấp nhất cố
gắng trục xuất ngài, nhưng sự thánh thiện và danh tiếng đã bảo vệ ngài cũng như
sự phát triển của dòng Chúa Cứu Thế đã giữ chân ngài lại. Cho đến khi ngài qua
đời vào năm 1820, các nỗ lực của ngài đã giúp cho dòng Chúa Cứu Thế được thiết
lập vững bền ở mạn bắc rặng Alp.
1/ Bài đọc I: 1 Thật vậy, suy tính sai lầm, chúng bảo
nhau: "Đời ta thật buồn sầu, vắn vỏi: không thuốc nào chữa cho con người
khỏi chết, chẳng ai biết có kẻ nào thoát được cõi âm ty.
12 Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân
ta, nó chống lại các việc ta làm,
trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.
13 Nó tự hào là mình biết Thiên Chúa, xưng mình là con của Đức
Chúa.
14 Nó như kẻ luôn chê trách tâm tưởng của ta, thấy mặt nó thôi
là ta chịu không nổi.
15 Vì nó sống thật chẳng giống ai, lối cư xử của nó hoàn toàn
lập dị.
16 Nó coi ta như bọn lọc lừa, tránh đường ta đi như tránh đồ dơ
bẩn. Nó tuyên bố rằng thật lắm phúc nhiều may, hậu vận của người công chính. Nó
huênh hoang vì có Thiên Chúa là Cha.
17 Ta hãy coi những lời nó nói có thật không, và nghiệm xem kết
cục đời nó sẽ thế nào.
18 Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và
cứu nó khỏi tay địch thù.
19 Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hoà làm sao,
và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào. 20 Nào ta kết án cho
nó chết nhục nhã,
vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm."
21 Chúng suy tính như vậy thật sai lầm, vì ác độc mà chúng ra
mù quáng.
22 Chúng không biết những bí nhiệm của Thiên Chúa, chẳng trông
chờ người thánh thiện sẽ được thưởng công, cũng không tin kẻ tinh tuyền sẽ được
ân thưởng.
2/ Phúc Âm: 1 Sau đó, Đức Giê-su thường đi lại trong
miền Ga-li-lê; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì người
Do-thái tìm giết Người.
2 Lễ Lều của người Do-thái gần tới,
10 Tuy nhiên, khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người
cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật.
25 Bấy giờ có những người ở Giê-ru-sa-lem nói: "Ông này không
phải là người họ đang tìm giết đó sao?
26 Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả. Phải
chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Ki-tô?
27 Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng
Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả."
28 Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su nói lớn tiếng rằng:
"Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự
mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết
Người.
29 Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và
chính Người đã sai tôi."
30 Bấy giờ họ tìm cách bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay
bắt, vì giờ của Người chưa đến.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin thế nào sẽ sống như vậy.
Nhu cầu học hỏi để biết phân biệt đúng, sai rất quan trọng. Lý do:
Tin thế nào sẽ thực hành như vậy. Nếu một người biết đúng, người đó sẽ thực
hành đúng; ngược lại, nếu người đó biết sai hay không biết, làm sao người đó có
thể hành động đúng được? Vì thế, con người phải học hỏi và được dạy dỗ không
ngừng để biết phân biệt phải, trái.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh các hành động sai lầm và độc ác của
việc biết sai về Thiên Chúa và về Đấng Cứu Thế. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách
Khôn Ngoan phơi bày suy luận sai lầm và hành động ác độc của những người không
tin nơi Thiên Chúa và cuộc sống đời sau. Họ truy tố và hành hạ người công chính
để thử xem đức tin của người công chính có thắng vượt được những tra tấn dã man
mà họ nghĩ ra! Trong Phúc Âm, vì không hiểu thực sự Đấng Thiên Sai là ai và
cách cứu độ của Ngài, người Do-thái tìm cách bắt bớ và tiêu diệt Đức
Kitô.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Niềm tin sai lầm về Thiên
Chúa và về cuộc đời
1.1/ Niềm tin của những người vô thần dẫn tới hành động ác độc của
họ:
(1) Niềm tin sai lầm: Họ nghĩ: “Đời ta thật buồn sầu, vắn vỏi:
không thuốc nào chữa cho con người khỏi chết, chẳng ai biết có kẻ nào thoát
được cõi âm ty.” Theo truyền thống Do-thái, niềm tin về đời sau của họ rất mơ
hồ; đa số chỉ tin phần thưởng Thiên Chúa ban cho những ai bước đi trong Lề Luật
của Ngài là sống lâu, con đàn cháu đống, và hạnh phúc ở đời này. Mãi cho đến
thời của tiên-tri Daniel và anh em nhà Maccabees (3rd tới 2nd BC),
niềm tin vào sự sống lại và hạnh phúc đời sau mới rõ nét hơn. Sách Khôn Ngoan
cũng được viết trong khỏang thời gian này. Đối với những người vô thần, họ tin
chết là hết và không có đời sau. Họ không tin Thiên Chúa, Đấng có thể giải
thóat người công chính và trừng phạt kẻ tội lỗi và bất công.
(2) Hành động ác độc của người vô thần: Tin thế nào sẽ sống như
vậy. Vì không tin đời sau, nên bao nỗ lực của họ dành cả cho đời này. Họ ghét
người công chính, không phải vì người công chính làm hại họ, nhưng vì lối sống
của những người công chính làm cho lương tâm của họ bị cắt rứt. Họ nói: “Ta hãy
gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc
ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.” Họ đâu
biết chính nhờ lương tâm cắn rứt, sẽ giúp họ nhận ra điều sai trái họ làm mà
quay trở về với đàng ngay nẻo chính! Nhưng vì họ đã ở trong bóng tối quá lâu,
họ mất sức mạnh để ra ngòai ánh sáng.
Họ muốn tất cả mọi người phải sống như họ. Họ cảm thấy khó chịu và
bất an khi thấy có người nào sống khác họ: “Nó như kẻ luôn chê trách tâm tưởng
của ta, thấy mặt nó thôi là ta chịu không nổi. Vì nó sống thật chẳng giống ai,
lối cư xử của nó hoàn toàn lập dị. Nó coi ta như bọn lọc lừa, tránh đường ta đi
như tránh đồ dơ bẩn.” Đây là thái độ của nhiều con người vô thần thời nay. Họ
lạm dụng tự do ngôn luận để bắt ai cũng phải sống như họ: cấm không cho đọc
kinh hay thinh lặng trước giờ học, bắt tất cả học sinh phải biết về vấn đề tình
dục ở tuổi mới lớn, bắt người tin Thiên Chúa phải trợ phá thai hay bán uống
thuốc phá thai …
1.2/ Cần phải học cho biết đúng về Thiên Chúa: Để tránh những hiểu
biết sai lầm và những hành động ác độc giữa con người với con người, tất cả đều
cần học biết về Thiên Chúa, Đấng dựng nên mọi sự và điều khiển muôn lòai. Điều
trước tiên con người phải nhận ra là có Thiên Chúa qua những công trình tạo
dựng và quan phòng của Ngài trong vũ trụ. Thứ đến, con người cần học để hiểu
biết Ngài là ai và các ý định của Ngài khi dựng nên muôn lòai; nhất là các ý
định cho con người cả đời này và đời sau.
Con người cũng cần phải học biết mình trong mối tương quan với
Thiên Chúa: Giữa Thiên Chúa và con người có một sự khác biệt vô cùng, như
tiên-tri Isaiah tuyên bố: tư tưởng và đường lối của Ta không phải là tư tưởng
và đường lối của các ngươi; như Trời cao hơn đất thể nào, tư tưởng và đường lối
của Ta cũng cao hơn các ngươi như vậy. Vì thế, để thử xem có Thiên Chúa hay
không bằng cách đánh đập những người công chính là chuyện khôi hài. Ngài có kế
họach riêng cho con người phải theo, và Ngài không thay đổi kế họach đã có vì
thách thức của con người.
Hơn nữa, ngay cả những cực hình mà những người vô thần dùng để thử
thách những người công chính cũng nằm trong kế họach của Thiên Chúa. Chúng cần
thiết để con người chứng tỏ niềm tin vào Ngài. Những người vô thần không chỉ
thử thách Thiên Chúa, mà còn muốn nhìn thấy sự thay đổi niềm tin của người công
chính vì sợ cực hình, như lời họ nói: “Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó
hiền hoà làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào. Nào ta kết án cho nó
chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm."
2/ Phúc Âm: Niềm tin sai lầm về Đấng
Cứu Thế cũng dẫn tới những hành động sai lầm.
2.1/ Niềm tin sai lầm vào Đấng Cứu Thế: Điều sai lầm trước tiên
của người Do-thái là họ quá quan tâm đến nguồn gốc con người mà quên đi nguồn
gốc Thiên Chúa của Ngài. Điều sai lầm thứ hai là họ lầm lẫn nơi Đức Kitô sinh
ra và nơi Ngài lớn lên như trình thuật ngày mai sẽ đề cập tới. Điều một số
người tuyên bố hôm nay chứng tỏ họ không rành rẽ Kinh Thánh: “Ông ấy, chúng ta
biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Kitô, khi Người đến thì chẳng ai biết
Người xuất thân từ đâu cả.” Tiên-tri Micah đã tuyên bố đích danh nơi sinh của
Đấng Thiên Sai: “Phần ngươi, hỡi Bethlehem Éphratha, ngươi nhỏ bé nhất trong
các thị tộc Judah, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện
một vị có sứ mạng thống lãnh Israel. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ
thuở xa xưa” (Mic 5:1).
Hành động sai lầm: Vì không hiểu rõ nguồn gốc cũng như Kế Họach
Cứu Độ của Đấng Thiên Sai, nên những người Do-thái tìm vách bắt bớ và giết
Ngài, chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.
2.2/ Cần học hỏi để biết Đấng Cứu Thế thực sự là ai: Lúc giảng dạy
trong Đền Thờ, Đức Giêsu nói lớn tiếng rằng: "Các ông biết tôi ư? Các ông
biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng
chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì
tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi." Hôm qua, chúng ta đã
nói về 5 chứng nhân của Đức Kitô; qua 5 chứng nhân này, con người đã có nhiều
hơn 2 nhân chứng mà Lề Luật đòi hỏi để họ tin vào Ngài. Những ngày kế tiếp, Đức
Kitô sẽ tiếp tục mặc khải về Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa qua Cuộc Thương
Khó, cái chết và sự sống lại của Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Kiến thức về Thiên Chúa, về Chúa Kitô, và về các ý định của
Thiên Chúa cho con người rất cần thiết cho chúng ta để đạt tới đích điểm mà
Thiên Chúa đã tiền định cho con người. Nếu chúng ta không biết ý định và đường
lối của Thiên Chúa, chúng ta sẽ tin và làm theo những gì chúng ta suy nghĩ.
- Tất cả những kiến thức này đã được mặc khải và viết lại trong
Kinh Thánh. Chúng ta cần bỏ thời gian để học hỏi trước khi có thể thi hành Kế
Họach Cứu Độ theo đường lối của Thiên Chúa.