Chủ Nhật II Mùa Chay, Năm B
Bài đọc: Gen
22:1-2, 9, 10-13, 15-18; Rom 8:31-34; Mk 9:2-10.
1/ Bài đọc I:
1 Sau các việc đó, Thiên Chúa thử lòng ông Áp-ra-ham. Người
gọi ông: "Áp-ra-ham! " Ông thưa: "Dạ, con đây." 2 Người
phán: "Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác,
hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi
Ta sẽ chỉ cho."9 Tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông Áp-ra-ham
dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, trói I-xa-ác con ông lại, và đặt lên bàn thờ,
trên đống củi. 10 Rồi ông Áp-ra-ham đưa tay ra cầm lấy dao
để sát tế con mình. 11 Nhưng sứ thần của ĐỨC CHÚA từ trời
gọi ông: "Áp-ra-ham! Áp-ra-ham! " Ông thưa: "Dạ, con đây!" 12 Người
nói: "Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là
kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng
chẳng tiếc! "13 Ông Áp-ra-ham ngước mắt lên nhìn, thì thấy
phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. Ông Áp-ra-ham liền đi bắt
con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình.15 Sứ
thần của ĐỨC CHÚA từ trời gọi ông Áp-ra-ham một lần nữa 16 và
nói: "Đây là sấm ngôn của ĐỨC CHÚA, Ta lấy chính danh Ta mà thề: bởi vì
ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, 17 nên
Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên
nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm
được thành trì của địch. 18 Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ
cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời
Ta."
2/ Bài đọc II:
31 Vậy còn phải nói gì thêm nữa? Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng
ta, ai còn chống lại được chúng ta? 32 Đến như chính Con
Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi
đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?33 Ai
sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho
nên công chính? 34 Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giê-su
Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà
chuyển cầu cho chúng ta?
3/ Phúc Âm:
2 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và
Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông
thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 3 Y
phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng
được như vậy. 4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông
Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. 5 Bấy giờ, ông
Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay!
Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông
Ê-li-a." 6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì
các ông kinh hoàng. 7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông.
Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe
lời Người."8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai
nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.9 Ở trên núi xuống,
Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa
thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.10 Các ông tuân
lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu "từ cõi chết sống lại" nghĩa
là gì.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Thiên Chúa hy sinh Người Con Một cho con người.
Tình yêu là quan niệm trừu tượng: con người không thể định nghĩa tình yêu,
nhưng có thể cảm nghiệm thế nào là tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa còn khó hiểu
hơn nữa, vì chúng ta chưa từng thấy Ngài; nhưng chúng ta có thể cảm nghiệm sâu
xa tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người mỗi khi ngước nhìn Cây Thập Giá.
Các Bài Đọc hôm nay được sắp xếp rất tài tình để giúp chúng ta cảm nghiệm tình
yêu Thiên Chúa qua hai biến cố xảy ra trên Núi Moriah và trên Đồi Golgotha.
Trong Bài Đọc I, Sách Sáng Thế Ký tường thuật sự kiện Thiên Chúa muốn thử thách
đức tin của ông bằng cách ra lệnh cho ông phải giết Isaac, người con một duy nhất
chính Thiên Chúa đã ban cho ông trong lúc tuổi già. Với một niềm tin sắt đá vào
Thiên Chúa, ông đã giơ dao sẵn sàng giết con theo lệnh truyền của Thiên Chúa.
Trong Bài Đọc II, Thánh Phaolô đã so sánh biến cố này với biến cố Tử Nạn của
Chúa Giêsu trên Đồi Golgotha, trước khi rút ra kết luận: Nếu Thiên Chúa đã yêu
con người đến độ đã hy sinh Người Con Một cho con người, còn gì có thể mà Thiên
Chúa không làm cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mang 3 môn đệ thân tín
lên núi Thabor, cho các ông xem thấy vinh quang của Ngài, để chuẩn bị cho các
ông đối diện với Cuộc Thương Khó sắp tới.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tổ-phụ
Abraham sẵn sàng hy sinh người con một cho Thiên Chúa.
1.1/ Đức tin của Tổ-phụ Abraham: Đức tin phải chịu thử thách. Trình thuật Sáng
Thế Ký hôm nay nói rõ: “Thiên Chúa muốn thử lòng ông Abraham.” Nhưng là một thử
thách quá to lớn, vượt quá sức chịu đựng của con người khi Thiên Chúa đòi hỏi:
“Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Isaac, hãy đi đến xứ Moriah
mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho.”
(1) Nếu chúng ta là Abraham, chúng ta sẽ phản ứng làm sao trước đòi hỏi của
Thiên Chúa:
* Đủ rồi Chúa ơi! Hết cách để thử rồi sao Chúa? Đây là người con một, người con
Chúa ban cho trong lúc tuổi già. Nếu Thiên Chúa muốn Isaac như thế, chẳng thà
đừng ban!
* Làm sao một người cha có can đảm cầm dao giết đứa con vô cùng yêu quí của
mình? Lại là đứa con nối dõi tông đường!
(2) Phản ứng của Abraham: Nếu cứ quanh quẩn với lý luận con người, Abraham sẽ
không thể hiểu nổi và chấp nhận đòi hỏi của Thiên Chúa, vì nó quá vô lý; nhưng
ông chọn, như bao nhiêu lần đã chọn, để sống theo niềm tin. Thiên Chúa ban cho
rồi Thiên Chúa cất đi, xin cho ý Ngài thể hiện. Thiên Chúa cất đi rồi Thiên
Chúa lại ban, chẳng có gì không thể đối với Ngài. Vì thế, khi tới nơi Thiên
Chúa đã chỉ, ông Abraham dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, trói Isaac con ông
lại, và đặt lên bàn thờ, trên đống củi. Rồi ông Abraham đưa tay ra cầm lấy dao
để sát tế con mình.
1.2/ Vở bi kịch chấm dứt các đột ngột: Nhưng sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi
ông: "Abraham! Abraham!" Ông thưa: "Dạ, con đây!" Người
nói: "Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là
kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng
chẳng tiếc!"
- Thiên Chúa nhìn thấu suốt tâm hồn Abraham: Ông thực sự đặt niềm tin trọn vẹn
nơi Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa muốn thử ông, nên khi thấy ông đã chứng tỏ niềm
tin, Thiên Chúa không cần phải nhìn thêm điều gì nữa.
- Tổ-phụ Abraham dâng của lễ thay cho con mình là Isaac: “Ngước mắt lên nhìn,
thì thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. Ông Abraham liền đi
bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình.”
1.3/ Phần thưởng Đức Chúa hứa ban cho Tổ-phụ Abraham: Sứ thần của Đức Chúa từ
trời gọi ông Abraham một lần nữa và nói: "Đây là sấm ngôn của Đức Chúa, Ta
lấy chính danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của
ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi:
(1) Giòng dõi đông đúc: Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như
sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển.
(2) Đất Hứa: Giòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch.
(3) Và một dân tộc được tuyển chọn: Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho
nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta.
2/ Bài đọc II: Thiên Chúa đã hy sinh Người Con Một cho con người.
2.1/ So sánh tình yêu của Thiên Chúa với tình yêu của Tổ-phụ Abraham: Biến cố
xảy ra trên Núi Moriah chỉ là hình bóng và sự chuẩn bị để con người hiểu được
biến cố xảy ra trên Đồi Golgotha. Có nhiều điểm giống nhau và khác nhau giữa
hai biến cố này:
(1) Cả hai người cha đều sẵn sàng hy sinh Người Con Một, người con yêu quí
nhất. Nếu chúng ta hiểu được tình cha con giữa Abraham và Isaac, chúng ta cảm
nghiệm được phần nào tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Trong sự quan phòng
của Thiên Chúa, biến cố Abraham-Isaac là để chuẩn bị tâm hồn chúng ta cho biến
cố Chúa Giêsu, để chúng ta cảm nhận được phần nào tình yêu Thiên Chúa dành cho
con người.
(2) Một sự khác biệt vô cùng lớn lao giữa hai biến cố: Trong biến cố Cựu Ước,
Isaac không chết, con cừu đực được giết làm của lễ tòan thiêu chết thay cho con
trẻ. Trong biến cố Tân Ước, Chúa Giêsu đã chết thực sự thay cho con người bằng
cái chết tủi nhục và đau đớn hơn nhiều. Nếu chúng ta đã từng bất bình khi Thiên
Chúa đòi Abraham sát tế con mình, chúng ta có thể hiểu nổi tình thương Thiên
Chúa dành cho con người không? Thiên Chúa, chúng ta chưa từng xem thấy; nhưng
khi nhìn thấy Chúa Giêsu chết treo trên Thập Giá, chúng ta cảm nhận được tình
yêu quá lớn lao Ngài dành cho con người.
2.2/ Thiên Chúa không kết án con người: Thánh Phaolô giúp chúng ta rút ra một
số kết luận từ biến cố này: “Vậy còn phải nói gì thêm nữa? Có Thiên Chúa bênh
đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa
cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người
Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?”
Thiên Chúa không muốn kết án con người, con người kết án chính mình bằng cách
dửng dưng hay quay lưng lại với tình yêu Thiên Chúa: “Ai sẽ buộc tội những
người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai
sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và
đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?”
3/ Phúc Âm: Chúa
Giêsu biến hình để chuẩn bị tâm hồn cho các Tông-đồ.
3.1/ Mục đích của việc Biến Hình: Chúa Giêsu cho các Tông-đồ nhìn thấy vinh
quang Thiên Chúa là để dạy cho các ông bài học: phải qua đau khổ mới đạt tới
vinh quang. Ngài chuẩn bị cho các Tông-đồ trước Cuộc Thương Khó sắp tới; để khi
các ông phải đương đầu với Cuộc Thương Khó, các ông có sức mạnh để chịu đựng và
vượt qua.
3.2/ Chúa Giêsu mặc khải cho các Tông-đồ nhiều điều: Có nhiều điều Chúa Giêsu
muốn mặc khải cho các Tông-đồ qua việc Biến Hình này, nhưng không được trình
bày cách rõ ràng:
(1) Ngài chính là Con Thiên Chúa: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời
Người.”
Đây là lần thứ hai Thiên Chúa Cha nói những lời
này; lần thứ nhất trong biến cố Chúa chịu Phép Rửa tại sông Jordan trước khi
Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng. Lần này trước khi Chúa Giêsu bắt đầu Cuộc
Thương Khó và Phục Sinh. Mục đích là để các Tông-đồ xác tín mối liên hệ giữa
Chúa Cha và Chúa Con.
(2) Ngài chính là Đấng Thiên Sai mà Luật và các tiên-tri loan báo: Sự có mặt của
hai chứng nhân: ông Elijah đại diện cho các tiên tri, cùng ông Moses đại diện
cho các ngôn sứ, hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu, chứng tỏ điều này.
(3) Đấng Thiên Sai tự nguyện chọn con đường Thập Giá: Câu hỏi của các môn đệ ở
cuối trình thuật: "từ cõi chết sống lại nghĩa là gì?” chứng tỏ các ông
biết họ đàm đạo về Cuộc Thương Khó sắp xảy ra cho Chúa Giêsu tại Jerusalem.
Trình thuật Biến Hình của Luca nói rõ điều này.
(4) Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người: Đây là điểm cao của việc Biến
Hình, mặc dù trình thuật không đề cập tới. Khi cho Con của Ngài đi qua Cuộc
Thương Khó để cứu chuộc con người, Thiên Chúa muốn các ông hiểu tình yêu của
Ngài dành cho con người.
(5) Chúa Giêsu tự nguyện đi qua Cuộc Thương Khó: Các ông đã nghe chính Ngài bàn
với các chứng nhân Cựu Ước về những gì sắp xảy ra; để khi nó thực sự xảy ra,
các ông biết đó không phải là chuyện tình cờ. Ngài tình nguyện chấp nhận chịu
đau khổ, chứ không phải Ngài thua cuộc trước bạo lực của con người.
3.3/ Tại sao Chúa Giêsu ngăn cấm các ông kể lại việc Biến Hình:
- Bí mật của Đấng Thiên Sai: Có những việc chỉ cần cho một số người biết, nếu
không sẽ gây hoang mang. Có những việc chỉ được tiết lộ khi thời gian đã chín
mùi. Chúa chỉ tỏ việc Biến Hình cho ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê, và
Gioan. Ở trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai
nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa cho Người Con Một là cho chính
Ngài. Ngài cũng mong chúng ta phải cho chính người con một của chúng ta, tức là
cho chính chúng ta, như Abraham vậy. Tình yêu trọn vẹn là như thế. Thiên Chúa
chứng tỏ tình yêu của Ngài qua hai biến cố: chuẩn bị tâm hồn con người qua biến
cố Abraham-Isaac, và cảm nghiệm rõ ràng qua Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.
- Chúng ta không thể hiểu sự thử thách của Thiên Chúa dành cho Abraham, và càng
không thể hiểu nổi tại sao Thiên Chúa lại hy sinh Người Con Một của Ngài. Điều
này giúp chúng ta những lúc không thể hiểu tại sao Thiên Chúa để đau khổ xảy
ra, chúng ta biết tin tưởng vào Ngài như Abraham.
- Đức tin phải được tôi luyện trong thử thách và đau khổ. Đàng sau Cuộc Thương
Khó và Thập Giá là vinh quang Phục Sinh. Nếu chúng ta từ chối đau khổ và Thập
Giá, chúng ta cũng từ chối con đường dẫn tới vinh quang Phục Sinh.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************