Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ BẢY 29/9/2012 TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN, Các ngươi sẽ thấy các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người".

Thứ Bảy Tuần XXV Mùa Thường Niên Năm B
TL Thiên Thần
Lễ T.T. Micae, Gabrie, Raphael, LK


BÀI ĐỌC I: Đn 7, 9-10. 13-14
"Muôn muôn vàn kẻ chầu chực Người".

Trích sách Tiên tri Đaniel.
Tôi chăm chú nhìn mãi cho đến khi đặt xong các toà, và vị Bô Lão lên ngự trên toà; áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người tinh tuyền như lông chiên, toà của Người như ngọn lửa, các bánh xe như lửa cháy. Trước mặt Người có con sông lửa cuồn cuộn chảy như thác. Có hằng ngàn kẻ phụng sự Người và muôn muôn vàn kẻ chầu chực Người: Người ngự toà xét xử và các quyển sách đã được mở ra.

Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi nhìn thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời, Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc. Tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài: Quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ. Đó là lời Chúa.


Hoặc đọc: Kh 12, 7-12

"Michael và các thiên thần của ngài giao chiến với con Rồng".


Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Đã xảy ra có đại chiến trên trời: Michael và các thiên thần của Ngài giao chiến với con Rồng. Con Rồng và các thiên thần phe nó nghinh chiến. Nhưng nó không có sức cự lại; chỗ của chúng không còn gặp thấy trên trời. Và nó bị xô nhào xuống, con Rồng lớn, con Rắn thái sơ, gọi là quỷ hay Satan, kẻ mê hoặc toàn thể thiên hạ. Nó đã bị xô nhào xuống đất, và các thiên thần phe nó cũng bị xô nhào xuống làm một với nó.
Và tôi đã nghe có tiếng lớn trên trời rằng: "Nay đã thành sự: toàn thắng, quyền năng, vương quyền của Thiên Chúa chúng ta, và quyền bính của Đức Kitô của Người, vì nó đã bị xô nhào xuống, kẻ cáo tội anh em ta, kẻ tố cáo họ ngày đêm trước nhan Thiên Chúa. Và họ đã thắng được nó nhờ máu Chiên Con, và nhờ lời đoan chứng của họ, họ đã không ham sống sợ chết. Vì lẽ ấy, hãy hân hoan, hỡi các tầng trời, và các người ở nơi ấy!" Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 4-5
Đáp: Lạy Chúa, trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa (c. 1c).

Xướng: 1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài. - Đáp.


2) Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa nhậm lời con; Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh. - Đáp.

3) Lạy Chúa, các vua địa cầu sẽ ca ngợi Chúa, khi họ nghe những lời miệng Chúa phán ra; và họ sẽ ca ngợi đường lối Chúa: "Thực vinh quang của Chúa lớn lao!" - Đáp.


ALLELUIA: Tv 102, 21
Alleluia, alleluia! - Hãy chúc tụng Chúa đi, chư binh toàn thể, chư vị thần hạ thừa hành ý muốn của Chúa. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 1, 47-51

Các ngươi sẽ thấy các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người".


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông rằng: "Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối". Nathanaen đáp: "Sao Ngài biết tôi?" Chúa Giêsu trả lời rằng: "Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi". Nathanael thưa lại rằng: "Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel". Chúa Giêsu trả lời: "Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin. Ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa". Và Người nói với ông: "Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người". Đó là lời Chúa.
Các Tổng lãnh Thiên Thần Micae, Gáprien và Raphaen
  Ga 1,47-51

CÁC THỤ TẠO HẦU CẬN CHÚA

Đức Giê-su nói: “Thật tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.” (Ga 1,51)

Suy niệm: Con người thời nay thích coi thiên thần như sản phẩm của trí tưởng tượng. Theo giáo lý, thiên thần là thụ tạo thiêng liêng được tạo dựng để chuyên lo phụng thờ Thiên Chúa, được sai đi để trợ giúp con người đạt được ơn cứu độ. Và vì hầu cận Thiên Chúa trong triều đình Thiên quốc, các ngài phản ánh phần nào vinh quang của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, nhiều lần Chúa Giê-su khẳng định sự hiện hữu thực sự của các thiên thần gắn liền với chức vụ phụng thờ Thiên Chúa: “Các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.” Và đặc biệt ba vị tổng lãnh thiên thần được tôn kính với danh xưng gắn liền với sứ mạng đặc biệt của các ngài: - Micae: “Ai bằng Thiên Chúa” (Đn 10,13-21), là Đấng bảo trợ đặc biệt cho Hội Thánh. - Gabriel: Anh hùng của Thiên Chúa (Đn 8,16), vị sứ giả được Thiên Chúa sai đến truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria. - Raphael: Thiên Chúa chữa lành (Tb 3,17), vị lương y đã giữ gìn và cứu chữa cho hai cha con Tobia.

Mời Bạn: Hướng về các thiên thần, noi gương các ngài: tin yêu, trông cậy, phụng thờ Thiên Chúa để nhờ đó bạn biệt: - qui hướng mọi sự Chúa; - thuộc về Chúa trong mọi sự; - biết gắn bó với Chúa trong mọi nơi mọi lúc.

Sống Lời Chúa: Mỗi chúng ta có một thiên thần bản mệnh đồng hành gìn giữ gọi là thiên thần bản mệnh, ta hãy nghe theo sự hướng dẫn của Ngài.

Cầu nguyện: Lạy các tổng lãnh thiên thần, chúng con nguyện vâng nghe lời các Đấng. Xin các Đấng giúp chúng con biết làm lành lánh dữ.


THỨ BẢY 29/9/2012 TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN, Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Gabriel và Raphael

Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Gabriel và Raphael

Các Thiên Thần là những thiên sứ của Chúa xuất hiện nhiều trong Thánh Kinh, nhưng chỉ có thiên thần Micae, Gabriel và Raphael được nhắc đến tên mà thôi.
Thiên thần Micae xuất hiện trong thị kiến của tiên tri Danien như là "đại hoàng tử" để bảo vệ dân Israel khỏi những kẻ thù tấn công. Trong sách Khải Huyền, Thiên thần Micae dẫn đoàn quân của Chúa đến chiến thắng sau cùng trên quyền lực của ma quỷ. Lòng sùng kính thiên thần Micae đã có từ cổ xưa nhất, thịnh hành ở phương Ðông vào thế kỷ thứ 4. Giáo hội phương Tây bắt đầu lễ kính quan thầy thiên thần Micae và các thiên thần vào thế kỷ thứ 5.
Thiên thần Gabriel cũng xuất hiện trong thị kiến của tiên tri Danien, để công bố xứ mệnh của thiên thần Micae trong chương trình của Thiên Chúa. Sự xuất hiện nổi bật nhất của Thiên thần Gabriel là cuộc diện đàn với thiếu nữ Dothái tên là Maria (tức Ðức Mẹ Maria), Người vâng phục cưu mang Chúa Cứu Thế.
Những hoạt động của Thiên thần Raphael được thu gọn trong Cựu Ước của sách Tôbít. Thiên thần Raphael hiện ra để hướng dẫn con trai của Tôbít là Tôbia qua những đoạn trường mạo hiểm ly kỳ đưa đến kết thúc ba niềm vui, đó là: Tobia thành hôn với Sara, Tobia được chữa khỏi bệnh mù, và phục hồi gia sản của gia đình.
Lễ kính nhớ thiên thần Gabriel là ngày 24 tháng 3, thiên thần Raphael ngày 24 tháng 10 đã được ghi vào lịch Rôma vào năm 1921. Năm 1970, lịch được sửa đổi nhập chung hai ngày lễ kính này với ngày lễ kính thiên thần Micae.
Lời Bàn
Mỗi tổng lãnh thiên thần có những sứ mệnh khác nhau trong Thánh Kinh: thiên thần Micae bảo vệ, thiên thần Gabriel loan báo, thiên thần Raphael hướng dẫn. Ngày xưa người ta tin rằng những biến cố không thể giải thích được là do các việc làm của thần linh để tỏ lối cho cái nhìn của thế giới khoa học về một cảm nhận của nguyên nhân và ảnh hưởng khác. Tuy thế, những người có niềm tin vẫn kinh nghiệm về sự bảo vệ, liên lạc và hướng dẫn của Thiên Chúa trong những cách không diễn tả được. Chúng ta không thể coi nhẹ các thiên thần.


Trích NguoiTinHuu.com

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ SÁU 28/9/2012 TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN," Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ".

Thứ Sáu Tuần XXV Mùa Thường Niên Năm B

 

BÀI ĐỌC I: Gv 3, 1-11
"Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng".

Trích sách Giảng Viên.
Mọi sự đều có thì giờ của chúng. Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng. Có thời gian sinh, thì cũng có thời gian chết. Có thời gian trồng xuống, thì cũng có thời gian nhổ lên cái đã trồng. Có thời gian giết chết, thì cũng có thời gian chữa lành. Có thời gian phá huỷ, thì cũng có thời gian xây dựng. Có thời gian khóc lóc, thì cũng có thời gian cười vui. Có thời gian than van, thì cũng có thời gian nhảy múa. Có thời gian rải đá, thì có thời gian thu lượm lại. Có thời gian gần gũi, thì cũng có thời gian xa cách. Có thời gian thâu hoạch, thì cũng có thời gian tiêu tán đi. Có thời gian gìn giữ, thì cũng có thời gian loại bỏ. Có thời gian xé rách, thì cũng có thời gian vá lại. Có thời gian thinh lặng, thì cũng có thời gian nói năng. Có thời gian yêu thương, thì cũng có thời gian giận ghét. Có thời gian chinh chiến, thì cũng có thời gian hoà bình.

Con người còn được gì do công lao vất vả của mình? Tôi suy nghĩ về sự khổ cực mà Thiên Chúa đã để cho con cái loài người phải chịu đựng.


Chúa tác tạo vạn vật trong thời gian Chúa muốn, và trao phó thế gian cho loài người tranh giành, nhưng con người không hiểu được việc Thiên Chúa đã làm từ đầu đến cuối. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 143, 1a và 2abc. 3-4
Đáp: Ôi Đá Tảng của con, chúc tụng Chúa! (c. 1a)

Xướng: 1) Ôi Đá Tảng của con, chúc tụng Chúa! Chúa là Tình Thương và là chiến lũy, là Đấng phù trợ và giải phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu. - Đáp.


2) Lạy Chúa, nhân loại là chi mà Chúa chăm nom, con người là chi mà Chúa thương nghĩ tới? Con người ta như hơi gió thoảng, đời người ta như bóng thoáng qua. - Đáp.

ALLELUIA: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.


PHÚC ÂM: Lc 9, 18-22
" Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: "Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?" Các ông thưa rằng: "Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại". Người lại hỏi các ông rằng: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa". Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: "Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại". Đó là lời Chúa.


Th. Venxétlao, tử đạo    Lc 9,18-22

ĐẤNG KITÔ, CON THIÊN CHÚA

“Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” (Lc 9,19)

Suy niệm: Người Do Thái có khâm phục Chúa Giêsu thì cũng chỉ coi Ngài là một ngôn sứ nào đó, cao lắm thì ngang tầm Gioan Tẩy giả hay Êlia là cùng. Nói chung Ngài có được coi như một bậc vĩ nhân, thì cũng chỉ là một con người; còn việc nhìn nhận Ngài là Thiên Chúa, đối với họ là một điều phạm thánh. Ngay cả Phêrô khi tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” thì cũng còn vương vấn hình ảnh một Đấng Cứu Thế theo kiểu thế tục. Chúa Giêsu phải bổ sung ngay lập tức bằng cách thêm vào quan niệm ấy hình ảnh thập giá: “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều,... bị giết chết và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy.”Vì thế, lời của viên đại đội trưởng lúc ở dưới chân thập giá Chúa Kitô mới là lời tuyên xưng xác thực và đầy đủ: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54).

Mời Bạn: Tinh thần thế tục của thời đại ngày nay dễ làm cho chúng ta mất đi niềm tin vào Con Thiên Chúa. Chính vì thế lời tuyên xưng Đức Ki-tô là Con Thiên Chúa vẫn luôn cần thiết cho chúng ta hôm nay. Hẳn nhiên lời tuyên xưng ấy đòi buộc chúng ta cần sống và thực hành niềm xác tín trong việc trung thành với niềm tin đã tuyên xưng.

Sống Lời Chúa: Trước mỗi công việc, bạn làm một cử chỉ (dấu Thánh Giá, lời nguyện tắt...) để làm việc đó với tinh thần đức tin.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trước bao cám dỗ của trào lưu thế tục trong xã hội hôm nay, xin cho con luôn vững vàng tin tưởng vào Chúa và tuyên xưng niềm tin ấy bằng một cuộc sống trung thành theo giáo huấn Chúa truyền dạy.


THỨ SÁU 28/9/2012 TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN, Thánh Wenceslaus (907? - 929)

Thánh Wenceslaus
(907? - 929)

Nếu Giáo Hội được mô tả một cách sai lầm như bao gồm những người "thuộc thế giới khác," thì cuộc đời Thánh Wenceslaus là một minh chứng cho sự khác biệt đó: Người bênh vực các giá trị Kitô Giáo giữa những mưu đồ chính trị mà đó là đặc điểm của Bohemia vào thế kỷ thứ 10.
Người sinh năm 907 gần Prague, con của Công Tước Bohemia. Bà nội thánh thiện của người là bà Ludmilla, đã nuôi nấng và dạy dỗ người với hy vọng người sẽ cầm quyền ở Bohemia thay cho mẹ của Wenceslaus, là người ưa thích các bè phái chống đối Kitô Giáo. Hiển nhiên là bà nội Ludmilla bị giết, nhưng các lực lượng Kitô Giáo mạnh thế đã chiến thắng, và Wenceslaus đã nắm giữ chức vụ lãnh đạo trong chính phủ.
Sự cai trị của Wenceslaus được ghi nhận qua các nỗ lực nhằm đoàn kết Bohemia, hỗ trợ Giáo Hội và các cuộc đàm phán hòa bình với nước Ðức, nhưng chính vì thế người đã gặp khó khăn với những người chống-Kitô Giáo. Em của người là Boleslav đã nhúng tay vào một âm mưu, và trong tháng Chín 929, ông mời Wenceslaus đến Alt Bunglou để dự lễ các Thánh Cosmas và Damian. Trên đường đi dự lễ, Boleslav đã tấn công chính anh mình, và trong cuộc ẩu đả, Wenceslaus đã bị giết bởi bộ hạ của Boleslav.
Mặc dù cái chết của người là hậu quả chính yếu của biến động chính trị, Thánh Wenceslaus được ca tụng như một vị tử đạo vì đức tin, và mộ của người trở nên trung tâm hành hương. Thánh nhân được xưng tụng là quan thầy của người Bohemia và người Tiệp Khăéc trước kia.
Lời Bàn
"Vua Wenceslaus Nhân Từ" đã cụ thể hóa Kitô Giáo trong một thế giới đầy xáo trộn chính trị. Trong khi chúng ta thường là nạn nhân của một loại bạo lực nào đó, chúng ta cũng có thể đồng hóa với sự tranh đấu của thánh nhân nhằm đem lại sự hài hoà cho xã hội. Mọi Kitô Hữu đều được mời gọi tham dự vào việc thay đổi xã hội và sinh hoạt chính trị, vì các giá trị phúc âm rất cần thiết cho thế giới ngày nay.
Lời Trích
"Trong khi công nhận thẩm quyền của các thực thể chính trị, Kitô Hữu nào tham gia sinh hoạt chính trị phải cố gắng có những quyết định phù hợp với phúc âm và, trong khuôn khổ của một tập thể chính đáng, phải làm chứng cho đức tin của mình bởi sự phục vụ hữu hiệu và vô vị lợi" (Ðức Giáo Hoàng Phao-lô VI, Lời Mời Gọi Hành Ðộng, 46)


Trích NguoiTinHuu.com

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ NĂM 27/9/2012 TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN,"Ông Gioan đã bị trẫm chém đầu rồi, ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế".

Thứ Năm Tuần XXV Mùa Thường Niên Năm B



BÀI ĐỌC I: Gv 1, 2-11
"Chẳng có chi mới lạ dưới mặt trời".

Trích sách Giảng Viên.
Giảng viên đã nói: Phù vân trên mọi phù vân: phù vân trên mọi phù vân, và mọi sự đều là phù vân. Ích lợi gì cho con người làm lụng vất vả dưới mặt trời? Một thế hệ qua đi, một thế hệ khác lại đến: nhưng địa cầu vẫn đứng vững muôn đời. Mặt trời mọc lên rồi lại lặn xuống, trở về chỗ cũ nơi nó lại mọc lên. Gió thổi về hướng nam, rồi quay về hướng bắc; nó thổi xoay chiều khắp bốn phương, rồi quay về vòng cũ.

Mọi sông ngòi đều chảy ra biển mà biển không đầy tràn: nước sông trở về chỗ cũ rồi lại chảy đi.
Muôn vật đều phải làm việc vất vả, và không ai có thể cắt nghĩa tại sao. Mắt xem mãi cũng không chán, tai nghe hoài cũng không thoả.

Sự đã qua là gì? Chính nó là sự sẽ có. Sự đã xảy ra là gì? Chính nó là sự sẽ xảy ra. Chẳng có chi mới lạ dưới mặt trời, cũng chẳng ai nói được rằng: "Đây cái này mới". Vì nó đã có từ lâu đời trước chúng ta. Người ta cũng chẳng còn nhớ đến tổ tiên và những con cháu sau này; cũng chẳng nhớ đến những người sẽ đến sau. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 89, 3-4. 5-6. 12-13. 14 và 17
Đáp: Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia (c. 1).

Xướng: 1) Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con người trở về bụi đất, Ngài phán: "Hãy trở về gốc, hỡi con người".  - Đáp.

2) Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ màng buổi sáng, họ như cây cỏ mọc xanh tươi. Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt, buổi chiều nó bị xén đi và nó héo khô. - Đáp.


3) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài. - Đáp.

4) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố, xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra. - Đáp.


ALLELUIA: Tv 24, 4c và 5a
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 9, 7-9

"Ông Gioan đã bị trẫm chém đầu rồi, ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế".



Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, quận vương Hêrôđê nghe biết tất cả các việc Chúa Giêsu đã làm thì phân vân, vì có kẻ nói rằng: "Ông Gioan đã từ cõi chết sống lại"; còn kẻ khác lại nói: "Ông Êlia đã hiện ra"; kẻ khác nữa nói rằng: "Một tiên tri thời xưa đã sống lại". Nhưng Hêrôđê thì nói: "Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?" và vua tìm cách gặp Người. Đó là lời Chúa.

Th. Vinhsơn Phaolô, linh mục    Lc 9,7-9

Vâng nghe tiếng lương tâm

Vua Hêrôđê nói: “Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Rồi vua tìm cách gặp Đức Giêsu. (Lc 9,9)

Suy niệm: Nghe biết những phép lạ Chúa Giêsu đã làm, Hêrôđê không khỏi phân vân. Phải chăng ông bị cắn rứt vì toà án lương tâm nơi ông vẫn tiếp tục lên tiếng? Thật vậy, khi phạm tội tày trời là cướp vợ anh mình, bị Gioan cảnh báo, “nhà vua rất phân vân nhưng lại cứ thích nghe” (Mc 6,20). Đã thế ông không hối cải mà lại càng lún sâu vào tội lỗi: trong một phút cao hứng lỡ lời ông hứa càn với con gái Hêrôđia, và vì sĩ diện ông đã truyền chém đầu Gioan Tẩy Giả. Phải chăng lương tâm không ngừng cắn rứt ông vì những tội ác đó nên ông lại phân vân và tìm cách gặp Chúa Giêsu? Thế nhưng sự hối hận của nhà vua chỉ là một thoáng phù du. Ông tìm gặp Chúa Giêsu chỉ để kiểm tra xem con người làm nhiều phép lạ đó có phải là Gioan hiện về đòi nợ máu ông hay không. Đáng tiếc cho ông, Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn bị điệu tới trước mặt ông nhưng Ngài chỉ im lặng (Lc 23,8-9).

Mời Bạn: Một nhà thơ đã viết rằng: “Nếu bạn tự thấy tâm an, ở đâu cũng thấy như đang ở nhà.” Tội lỗi làm cho người ta bất an, họ nơm nớp lo sợ bị phát hiện, trả thù… Một tâm hồn bình an là một tâm hồn sạch tội, sống hòa hợp với thiên nhiên và mọi người.

Chia sẻ về một lần bạn không vâng nghe theo tiếng lương tâm; bạn cảm thấy lo sợ bất an như thế nào?

Sống Lời Chúa: Dành ít phút hồi tâm cuối ngày, tạ ơn Chúa về những điều tốt đã làm, xin lỗi Ngài về những lỗi lầm thiếu sót và quyết tâm ngày hôm sau tốt hơn.

Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn năn tội.

THỨ NĂM 27/9/2012 TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN , Thánh Vinh-sơn Phao-lô (1580?-1660)

Thánh Vinh-sơn Phao-lô
(1580?-1660)

   Cảnh một người hầu hấp hối xưng tội trên giường bệnh như đã mở mắt Vinh-sơn để nhìn thấy nhu cầu tâm linh của vùng quê nước Pháp thời bấy giờ. Ðó là giây phút quan trọng trong cuộc đời của một người xuất thân từ nông trại nhỏ ở Gascony, nước Pháp, mà bấy giờ, việc đi tu làm linh mục không có gì lớn lao hơn là có được một cuộc sống tiện nghi.
Chính nữ Bá Tước de Gondi (có người đầy tớ được Vinh-sơn giúp đỡ) đã thúc giục chồng bà cung cấp tiền bạc và hỗ trợ một nhóm truyền giáo có khả năng và hăng say muốn hoạt động cho người nghèo, người hầu và tá điền. Lúc đầu Cha Vinh-sơn quá khiêm tốn nên không nhận làm người lãnh đạo cho nhóm này, nhưng sau một thời gian hoạt động cho các tù nhân khổ sai ở Balê, ngài trở nên nhà lãnh đạo thực sự của tổ chức mà bây giờ được gọi là Hội Thừa Sai, hay tu sĩ Dòng Thánh Vinh-sơn. Các linh mục này, với lời thề khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục và bền vững, tận tụy làm việc cho dân chúng ở các thành phố nhỏ hay làng mạc.
Sau này Cha Vinh-sơn tổ chức các nhóm bác ái để trợ giúp tinh thần cũng như thể chất của những người nghèo trong mỗi xứ đạo. Từ sinh hoạt này, với sự trợ giúp của Thánh Louis de Marillac, xuất phát tổ chức Nữ Tử Bác Ái, "mà tu viện là bệnh xá, nhà nguyện là nhà thờ của giáo xứ và khuôn viên là đường phố." Ngài huy động các bà giầu có ở Balê để quyên góp tài chánh cho chương trình truyền giáo, xây bệnh viện, giúp đỡ nạn nhân chiến tranh và chuộc lại khoảng 1,200 người nô lệ da đen. Ngài hăng hái tổ chức tĩnh tâm cho giới tu sĩ khi sự sao nhãng, lộng hành và ngu dốt lan tràn trong giới này. Ngài là người tiên phong trong việc huấn luyện tu sĩ và thúc đẩy sự thiết lập các chủng viện.
Ðáng để ý nhất, Vinh-sơn là một người hay cáu kỉnh -- ngay cả bạn hữu của ngài cũng công nhận điều ấy. Ngài cho biết, nếu không có ơn Chúa ngài sẽ "rất khó khăn và lạnh lùng, cộc cằn và gắt gỏng." Nhưng ngài trở nên một người dịu dàng và dễ mến, rất nhạy cảm trước nhu cầu của người khác.
Ðức Giáo Hoàng Leo XIII đã đặt ngài làm quan thầy của mọi tổ chức bác ái. Nổi bật nhất trong các tổ chức này, dĩ nhiên, là Dòng Thánh Vinh-sơn, được thành lập năm 1833 bởi Chân Phước Frederic Ozanam, là người rất ái mộ Thánh Vinh-sơn.
Lời Bàn
Giáo Hội là của mọi con cái Thiên Chúa, dù giầu hay nghèo, nông dân hay trí thức, thượng lưu hay bình dân. Nhưng hiển nhiên điều Giáo Hội lưu tâm nhất là những người cần sự giúp đỡ -- đó là những người trở nên cô thế bởi bệnh tật, nghèo đói, ngu dốt và sự tàn ác. Thánh Vinh-sơn Phao-lô rất thích hợp là quan thầy cho mọi Kitô Hữu ngày nay, khi người đói ngày càng nhiều, và lối sống xa hoa của người giầu ngày càng đối chọi với tình trạng sa sút về thể chất và tâm linh của con cái Thiên Chúa.
Lời Trích
"Hãy cố gắng vui lòng chấp nhận sống với những điều kiện khiến bạn bất mãn. Hãy giải thoát tâm trí mình khỏi những điều làm bạn phiền hà, Thiên Chúa sẽ lo lắng mọi sự. Khi bạn vội vàng lựa chọn bạn sẽ làm buồn lòng Thiên Chúa, vì Người thấy bạn không tôn kính Người đầy đủ với sự tin tưởng thánh thiêng. Hãy tin tưởng vào Người, tôi nài xin bạn, và bạn sẽ được no đầy những gì mà tâm hồn bạn khao khát" (Thánh Vinh-sơn Phao-lô, Thư Từ).
Trích NguoiTinHuu.com

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

THỨ TƯ 26/9/2012 TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN, Thánh Cosmas và Thánh Damian (c. 303?)

Thánh Cosmas và Thánh Damian
(c. 303?)

Người ta không biết gì nhiều về cuộc đời của hai vị này, ngoài việc họ tử đạo ở Syria trong thời bắt đạo của Diocletian.
 Một nhà thờ được dựng gần nơi chôn cất các ngài đã được hoàng đế Justinian trùng tu lại. Việc sùng kính hai thánh nhân đã lan truyền mau chóng cả ở Ðông Phương lẫn Tây Phương. Ngay ở Constantinople, một đền thờ nổi tiếng được xây cất để vinh danh hai vị. Tên của hai ngài được ghi vào Lễ quy, có lẽ từ thế kỷ thứ sáu.
Truyền thuyết nói rằng hai vị là anh em sinh đôi ở Arabia, và là các y sĩ giỏi. Họ được sùng kính ở Ðông Phương với biệt hiệu "người không lấy tiền" vì họ không tính tiền khi chữa bệnh. Không thể nào những người nổi tiếng như vậy mà không bị chú ý trong thời gian cấm đạo, do đó cả hai đã bị bắt và bị chém đầu.
Lời Bàn
Dường như từ lâu, chúng ta chỉ chú ý đến những phép lạ của Chúa Giêsu như để nói lên quyền năng Thiên Chúa của Người. Có điều chúng ta không để ý đến là sự khao khát của Chúa Giêsu muốn vơi bớt đau khổ của nhân loại. Sức mạnh "xuất ra từ Người" quả thật là dấu chứng tỏ Thiên Chúa đã đi vào lịch sử loài người để hoàn tất những điều Người đã hứa; nhưng tình yêu của Thiên Chúa cũng rõ rệt trong trái tim nhân loại khi Người lo lắng về sự đau khổ của người khác. Ðó là sự nhắc nhở cho mọi Kitô Hữu chúng ta rằng sự cứu độ liên can đến toàn thể con người, là một tổng thể độc đáo giữa thể xác và tinh thần.
Lời Trích
"Anh em không biết rằng thân xác anh em là Ðền Thờ của Thánh Thần đang ngự trong anh em, là Ðấng mà Thiên Chúa đã ban cho anh em, và như vậy anh em đâu có làm chủ chính mình? Vì anh em đã được chuộc với một giá rất đắt. Bởi thế hãy tôn vinh Thiên Chúa trong thân xác anh em" (1 Corinthians 6:19-20).


Trích NguoiTinHuu.com