Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ SÁU 22/6/2012 TUẦN XI THƯỜNG NIÊN, "Kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó".

Thứ Sáu Tuần XI Mùa Thường Niên Năm B

BÀI ĐỌC I: 2 V 11, 1-4. 9-18. 20

"Người ta xức dầu cho Gioas và reo lên: Vạn tuế đức vua".

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, khi bà Athalia, mẹ vua Ocôsia, thấy con mình chết, nên đứng lên giết tất cả dòng dõi nhà vua. Nhưng Giô-saba, con gái của vua Giôram và là chị của Ocôsia, cứu được Gioas, con của Ocôsia khỏi số các con của vua bị sát hại, và giấu nó trong phòng ngủ làm một với bà vú, để bà Athalia không thấy nó và nó khỏi bị giết. Nó ở trong đền thờ Chúa với bà Giôsaba cách bí mật được sáu năm, thời gian bà Athalia cai trị đất nước.

Năm thứ bảy, ông Gioiađa sai người đi tìm các sĩ quan và quân lính, ông đưa họ đi với ông vào đền thờ Chúa. Người ký giao ước với họ, bảo họ thề trong đền thờ Chúa và cho họ thấy con của nhà vua.

Các sĩ quan làm tất cả những điều tư tế Gioiađa truyền dạy: Mỗi người đem các thuộc hạ theo mình, những người lính vào canh ngày Sabbat cũng như kẻ ra canh, đều đến cùng tư tế Gioiađa. Ông trao cho họ giáo mác và khí giới của Ðavít để trong đền thờ Chúa. Mỗi người cầm khí giới đứng từ bên tả đến bên hữu đền thờ và bàn thờ, hộ vệ chung quanh đức vua. Tư tế Gioiađa dẫn hoàng tử ra, đặt triều thiên lên đầu người và trao cho người quyển giao ước. Người ta phong người làm vua và xức dầu cho người. Họ vỗ tay reo lên: "Vạn tuế đức vua!"
Athalia nghe tiếng dân chúng chạy đến, thì đi với dân vào đền thờ Chúa. Bà Athalia thấy vua đứng trên toà như thói thường, có ca sĩ và đội kèn đứng kề bên, và toàn dân trong xứ hân hoan kèn hát, bà liền xé áo mình, kêu lên rằng: "Mưu phản! Mưu phản!" Nhưng Gioiađa truyền cho các sĩ quan đang cầm đầu toán binh lính rằng: "Các ngươi hãy đuổi bà ấy ra khỏi đền thờ, và hễ ai theo bà, thì chém luôn". Vị tư tế nói: "Ðừng giết bà trong đền thờ Chúa". Họ ra tay bắt và lôi bà đi theo đường ngựa vào đến gần cung điện và giết bà tại đó.

Gioiađa ký kết giao ước giữa Thiên Chúa với vua và dân, để họ trở nên dân Chúa; và ký giao ước giữa vua và dân. Toàn dân trong xứ đều ùa vào chùa Baal, phá huỷ các đền thờ, đập tan các bức tượng, và giết luôn thầy cả Mathan trước bàn thờ. Tư tế Gioiađa đặt các toán canh giữ đền thờ Chúa. Toàn dân trong xứ hân hoan, và thành đô được bằng yên: vì bà Athalia bị giết trong đền vua. Ðó là lời Chúa.


ÐÁP CA: Tv 131, 11, 12.13-14. 17-18

Ðáp: Chúa đã kén chọn Sion làm nơi cư ngụ cho mình (c. 13).

Xướng: 1) Chúa đã thề hứa cùng Ðavít một lời hứa quả quyết mà Người sẽ chẳng rút lời. Rằng: "Ta sẽ đặt lên ngai báu của ngươi một người con cháu thuộc dòng giống của ngươi". - Ðáp.

2) Nếu các con ngươi tuân giữ điều ước của Ta, và những luật lệ mà Ta ban ra dạy chúng, thì cả con cháu chúng cũng được muôn đời ngồi cai trị trên ngai báu của ngươi. - Ðáp.

3) Bởi chưng Chúa đã kén chọn Sion, đã thích lựa Sion làm nơi cư ngụ cho mình. Người phán: "Ðây là nơi nghỉ ngơi của Ta tới muôn đời, Ta sẽ cư ngụ nơi đây, vì Ta ưa thích". - Ðáp.

4) Tại đó, Ta sẽ gầy dựng một uy quyền cho Ðavít, sẽ chuẩn bị ngọn đèn sáng cho người được Ta xức dầu. Ta sẽ bắt những kẻ thù ghét người tủi hổ, nhưng triều thiên của Ta chiếu sáng rực rỡ trên mình người. - Ðáp.

ALLELUIA: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 6, 19-23

"Kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đừng tích trữ cho mình kho tàng dưới đất: là nơi ten sét mối mọt sẽ làm hư nát, và trộm cướp sẽ đào ngạch lấy mất, nhưng các con hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời: là nơi không có ten sét, mối mọt không làm hư nát, trộm cướp không đào ngạch lấy mất: Vì kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó. Con mắt là đèn soi cho thân xác con. Nếu mắt con trong sáng, thì toàn thân con được sáng. Nhưng nếu mắt con xấu kém, thì toàn thân con phải tối tăm. Vậy nếu sự sáng trong con tối tăm, thì chính sự tối tăm, sẽ ra tối tăm biết chừng nào?" Ðó là lời Chúa.

T. Gioan Phisơ, giám mục và Tôma Mo, tử đạo
Mt 6,19-23

ĐÔI MẮT TÂM HỒN


“Đèn của thân thể là con mắt.” (Mt 6,22)

Suy niệm: Ai cũng biết cặp mắt vô cùng quan trọng, nó giúp ta mở ra với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, có cặp mắt khác, cặp mắt nội tâm, mở vào thế giới bên trong, cho thấy lòng dạ thật của con người. Thật diệu kỳ, vì con mắt là “cửa sổ của tâm hồn”, nó phản ánh nội tâm của một người. Người hiền lành đạo đức, hay hung dữ độc ác, thường hiển hiện qua ánh mắt họ.

Mời Bạn: Con người thường để ý tô điểm cặp mắt trần mà ít chú trọng đến cặp mắt thiêng, cũng giống như thích quan tâm đến thân xác bên ngoài mà coi nhẹ tâm hồn bên trong của mình. Lời Chúa mời gọi bạn để ý đến cặp mắt tâm hồn bên trong hơn là cặp mắt thể lý bên ngoài. Đôi mắt của một tâm hồn đẹp hệ tại ánh nhìn yêu thương, nhân hậu, cảm thông, tha thứ, trong sáng, không gian ác, tà ý, dâm bôn, thù hận, đố kỵ... Chính những điều tự nội tâm thâm sâu, không ai thấy, sẽ ảnh hưởng và thể hiện ra bên ngoài, trong cách ăn nói, cách xử thế của một người.

Sống Lời Chúa: Kitô hữu sống lời Chúa dạy bằng cách lo điểm trang nội tâm mình, giữ gìn tâm hồn mình luôn trong sạch, thánh thiện, không vương tì ố, xứng đáng là đền thờ thiêng liêng của Chúa Ba Ngôi. “Ta khuyên ngươi đến với Ta mà mua thuốc để xức mắt cho ngươi nhìn cho rõ” (Kh 3,18).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con đôi mắt của Chúa, để con không nhìn anh em con bằng vẻ hời hợt bên ngoài, mà nhìn vào sâu thẳm tâm hồn họ, như Chúa đã nhìn Phêrô và Phaolô để hoán cải hai ông, nhìn Giakêu để làm cho ông nên công chính, nhìn Lêvi để ông từ bỏ bạc tiền mà đi theo Chúa. Ước gì ánh mắt của Chúa nên ánh mắt của con, mọi nơi, mọi lúc và đến mọi người.


THỨ SÁU 22/6/2012 TUẦN XI THƯỜNG NIÊN,Thánh Paulinus ở Nola (354?-431)

Thánh Paulinus ở Nola
    (354?-431)

    Qua thư từ của các thánh khác mà chúng ta biết được cuộc đời và đặc điểm của Thánh Paulinus mà ngài là bạn của các thánh Augútinô, Giêrôme, Martin, Grêgôriô và Ambrôsiô.

    Sinh ở Bordeaux, nước Pháp, Paulinus thuộc dòng dõi quý tộc Rôma mà cha ngài là một pháp quan ở Gaul (Pháp). Gia đình ngài làm chủ không biết bao nhiêu ruộng đất ở Ý và Aquitaine. Paulinus được theo học ở trường Bordeaux về luật Rôma, thi văn, hùng biện, khoa học và triết. Sau đó ngài trở thành một luật sư có tiếng.


    Sau khi cha mất sớm, Paulinus được Hoàng Ðế Gratian bổ nhiệm làm nghị sĩ Rôma khi mới 25 tuổi và một năm sau, ngài làm thống đốc Campania, cư ngụ ở vùng đồi núi Nola, ở phía đông Naples. Dường như Paulinus không thích sự phù hoa và danh vọng của chức quyền.

    Sau khi được chứng kiến cảnh dân chúng được chữa lành ở mộ Thánh Felix, là quan thầy của Campania, Paulinus đã có ý định trở lại Kitô Giáo. Ngài hy sinh bộ râu cho Thánh Felix, từ chức thống đốc và trở về sống với người mẹ đang mong đợi ngài.

    Sau khi du lịch đến Tây Ban Nha, Paulinus kết hôn với bà Therasia. Vào năm 36 tuổi, trước sự chứng kiến của người vợ, Paulinus (cùng với người em trai) được rửa tội bởi vị giám mục thánh thiện của Bordeaux là Thánh Delphinus.

    Vào thời bấy giờ, Paulinus được gặp gỡ, chuyện trò với những người thánh thiện đương thời, tỉ như Thánh Martin ở Tours đã chữa lành con mắt thương tích của Paulinus một cách lạ lùng, và có lẽ sự hoán cải của người bạn tâm giao, Thánh Augustine, là động lực sau cùng thúc đẩy Paulinus theo Kitô Giáo.
    Theo Ðức Kitô có nghĩa sống khó nghèo, do đó Paulinus đã bán tất cả tài sản ở Gaul và phân phát tiền bạc cho các người nghèo và những người làm công cho gia đình. Khi hai ông bà sang Tây Ban Nha, bà Therasia cũng bán tất cả đất đai của mình và dùng tiền của để chuộc các người nô lệ và các con nợ.

    Hai ông bà có được một con trai, nhưng chỉ sau một tuần lễ, đứa bé đã từ trần cách đột ngột. Cho rằng cơ thể của bà Therasia không thích hợp để sinh con, Paulinus coi việc từ bỏ quyền làm chồng như một hành động bác ái, do đó hai người thề sống khiết tịnh và sống với nhau như anh em trong suốt cuộc đời.

    Vì đời sống thánh thiện của hai ông bà, dân chúng ở Barcelona đã kiệu Paulinus đến trước mặt vị giám mục và yêu cầu tấn phong Paulinus làm linh mục, và ngài đã đồng ý với điều kiện của Paulinus là không bị ràng buộc vào một giáo xứ hay giáo phận. Sau đó Thánh Ambrôsiô là người đã chỉ dẫn cho Paulinus về nhiệm vụ linh mục.

    Ðể sống lý tưởng của một chủ chăn, hai ông bà Paulinus và Therasia đã biến căn nhà của họ thành nơi tiếp đón người nghèo và người vô gia cư. Bà Therasia sống ở tầng trệt như một người quản lý, còn tầng trên là một đan viện mà Paulinus và các ẩn tu khác biến thành một trung tâm đan sĩ đầu tiên ở Tây Phương với lối sống cực kỳ kham khổ.

    Vào năm 410, trước khi bà Therasia từ trần không lâu, dân chúng ở Nola đã chọn Paulinus làm giám mục. Quả thật ngài là vị giám mục tài giỏi vào thời ấy. Ðức Paulinus tiếp tục sống ở đan viện, ngài xây hệ thống thoát nước cho Nola cũng như các nhà thờ ở đây và ở Fondi.

    Ðức Paulinus là một người hài hòa giữa con tim và trí óc. Các thư từ của ngài cho thấy sự khiêm tốn, tính tình dễ mến, thích khôi hài, trọng kỷ luật, và đời sống chiêm niệm của ngài. Những bút tích của ngài để lại chứng tỏ ngài là một thi sĩ Kitô Giáo và cũng là một tay viết văn xuôi có hạng.


    Lời Trích

    Thánh Paulinus thường đau yếu vì thể xác không được khỏe mạnh, nhưng ngài thản nhiên tuyên bố "sự yếu đuối của thân xác là một ích lợi cho tinh thần, khi xác thịt thiệt thòi thì tinh thần hoan hỉ."
    

    Trích từ NguoiTinHuu.com




TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨBẢY 23/6/2012 TUÂN XI THƯỜNG NIÊN, "Các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai".

Thứ Bảy Tuần XI Mùa Thường Niên Năm B
 
BÀI ĐỌC I: 2 Sb 24, 17-25

Các ngươi đã giết Dacaria giữa đền thờ và bàn thờ".

Trích sách Sử Biên niên quyển thứ hai.

Sau khi Gioiađa qua đời, các thủ lãnh Giuđa vào lạy vua. Vì họ dua nịnh, nên vua xiêu lòng nghe theo họ. Họ bỏ phế đền thờ Chúa là Thiên Chúa tổ phụ họ, để tôn thờ những cây cọc thiêng và các tượng thần. Vì tội ấy, cơn thịnh nộ Chúa giáng trên Giuđa và Giêrusalem. Chúa sai các tiên tri đến cùng họ để họ quay về với Chúa. Các vị này tuyên chứng, nhưng họ chẳng muốn nghe. Thần trí Thiên Chúa đổ xuống trên ông Dacaria, con vị tư tế Gioiađa. Ông đứng trước mặt dân chúng và bảo họ rằng: "Ðây lời Chúa là Thiên Chúa phán: Tại sao các ngươi lỗi phạm giới răn Chúa? Ðó là điều bất lợi cho các ngươi. Các ngươi đã bỏ Chúa thì Chúa sẽ bỏ các ngươi". Họ liền họp nhau chống lại người, và theo lệnh vua, họ ném đá người ở hành lang đền thờ Chúa. Vua Gioas không nhớ lòng nhân từ mà Gioiađa, cha người, đã đối xử với nhà vua, mà lại giết con của Gioiađa. Khi sắp chết, người nói rằng: "Xin Chúa hãy nhìn xem và xét xử họ".

Hết năm ấy, quân đội Syria tiến lên đánh vua Gioas: họ đến xứ Giuđa và thành Giêrusalem, giết hết các thủ lãnh trong dân, và cướp lấy của cải đem về cho vua ở Ðamas. Dù số người Syria chẳng bao nhiêu, nhưng Chúa đã trao vào tay họ dân đông vô số, vì chúng đã bỏ Chúa là Thiên Chúa tổ phụ mình. Quân Syria cũng làm sỉ nhục vua Gioas. Khi họ bỏ vua mà đi, thì vua lâm trọng bệnh. Thần dân nổi dậy chống lại vua, để báo thù giòng máu của con tư tế Gioiađa. Họ giết vua ngay trên giường, và ông đã chết. Họ mai táng ông trong thành Ðavít, nhưng không chôn ông trong mồ các vua. Ðó là lời Chúa.


ÐÁP CA: Tv 88, 4-5. 29-30. 31-32. 33-34

Ðáp: Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái (c. 29a).

Xướng: 1) Ta đã ký minh ước cùng người Ta tuyển lựa, Ta đã thề cùng Ðavít là tôi tớ của Ta rằng: "Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ". - Ðáp.

2) Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì. Ta sẽ gìn giữ miêu duệ người tới muôn đời, và ngai báu người như những ngày của cõi cao xanh. - Ðáp.

3) Nếu con cháu người bỏ không tuân luật pháp, và không ăn ở theo huấn lệnh của Ta, nếu chúng vi phạm những thánh chỉ, và không vâng giữ các chỉ thị của Ta. - Ðáp.

4) Ta sẽ dùng roi để phạt tội chúng, và Ta sẽ đánh đòn để sửa lỗi, nhưng Ta sẽ không rút lại tình thương đối với người, vì Ta cũng không phản bội lòng trung tín của Ta. - Ðáp.


ALLELUIA: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.


PHÚC ÂM: Mt 6, 24-34

"Các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và Tiền Của được. Vì thế, Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?

"Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đoá hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin. Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: "Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy". Ðó là lời Chúa.
Mt 6,24-34

LO GÌ!


“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,33)

Suy niệm: Cuộc sống con người gắn liền với những sinh hoạt trần thế. Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền vẫn luôn là mối lo hàng ngày của nhiều người. Suốt ngày con người phải vất vả làm việc để kiếm cái ăn, để có cái nuôi sống bản thân và gia đình. Đôi khi vất vả suốt ngày như vậy mà nhiều người vẫn đói ăn, vẫn chật vật với cuộc sống hằng ngày. Đức Giêsu không dạy ta sống vô tư, không lo lắng gì hết, nhưng Ngài dạy ta sống tâm tình phó thác, tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha yêu thương ta, đồng thời tập trung cho điều quan trọng nhất trong cuộc đời là tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, nghĩa là lo vuông tròn làm theo thánh ý Thiên Chúa.

Mời Bạn: Đói cho sạch, rách cho thơm” vẫn là bài học cho mọi người, cho mọi thời: Đức tính thanh liêm, lương thiện là giá trị lớn nhất của con người, ông bà ta đã dạy con cháu như vậy. Với lời mời gọi tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, là giá trị lớn nhất của người kitô hữu, chúng ta càng phải sống sạch và thơm hơn nữa giữa những cám dỗ và cạm bẫy của cuộc đời này.

Chia sẻ: Chim trời, hoa huệ ngoài đồng dạy cho bạn bài học gì? Bạn thể hiện sự tín thác vào Chúa cách nào?

Sống Lời Chúa: Tôi xác tín và cố gắng sống phó thác như Lời Chúa dạy: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).

Cầu nguyện: Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.


THỨ BẢY 23/6/2012 TUẦN XI THƯỜNG NIÊN,Thánh Giuse Cafasso (1811-1860)

Thánh Giuse Cafasso
    (1811-1860)

    Thánh Giuse Cafasso là một trong những linh mục thánh thiện có chân trong tổ chức Dòng Ba Phanxicô. Cha mẹ ngài là nông dân ở vùng Piedmont, nước Ý.

    Ngay khi còn là một thanh niên, Giuse Cafasso đã yêu quý Thánh Lễ và nổi tiếng về sự khiêm tốn cũng như hăng say cầu nguyện. Sau khi thụ phong linh mục năm 1833, ngài được bổ nhiệm về một chủng viện ở Turin. Ở đây ngài hoạt động đặc biệt chống với ảnh hưởng của lạc thuyết Jansen và sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động của Giáo Hội. Cha Giuse dùng phương cách của Thánh Francis "de Sales" và Thánh Anphong Liguori để điều hòa sự khắc khổ quá đáng mà thời ấy rất phổ thông trong các chủng viện.
    Cha Giuse đề nghị các linh mục tham dự vào Dòng Ba Phanxicô. Ngài thúc đẩy việc sùng kính Thánh Thể và khuyến khích rước lễ hàng ngày. Ngoài nhiệm vụ dạy học, Cha Giuse còn là một người giảng thuyết có tài, là cha giải tội nhân từ và là bậc thầy tổ chức tĩnh tâm. Nổi tiếng về hoạt động của ngài với các tử tù, Cha Giuse đã giúp nhiều tù nhân chết lành trong ơn nghĩa của Chúa.

    Cha Gioan Bosco là một trong những học trò của Cha Giuse. Chính ngài khuyến khích Cha Gioan Bosco thành lập dòng Salesian để hoạt động cho giới trẻ ở Turin.

    Cha Giuse từ trần ngày 23 tháng Sáu ở Turin và được phong thánh năm 1947.

    Lời Bàn
    Việc sùng kính Thánh Thể đã đem lại nhiệt huyết cho các hoạt động của Thánh Giuse Cafasso. Trong lịch sử Giáo Hội, sự sùng kính Thánh Thể là đặc tính của nhiều người Công Giáo gương mẫu, trong số đó có Thánh Phanxicô Assisi, Ðức Giám Mục Fulton Sheen, Ðức Hồng Y Joseph Bernardin và Mẹ Têrêsa Calcutta.
    

    Trích từ NguoiTinHuu.com




Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ NĂM 21/6/2012 TUẦN XI THƯỜNG NIÊN,"Vậy các ngươi hãy cầu nguyện như thế này".

Thứ Năm Tuần XI Mùa Thường Niên Năm B
 
BÀI ĐỌC I: Hc 48, 1-15 (Hl 1-14)

"Êlia được che khuất trong gió cuốn, và Êlisê được trọn vẹn thần trí của người".

Trích sách Huấn Ca.

Bấy giờ tiên tri Êlia như lửa hồng xuất hiện, lời ông nóng bỏng như ngọn đuốc cháy phừng. Ông đem cho họ một mùa đói khát, và số người ghét ông đã hao đi, vì chúng chẳng giữ được giới răn Chúa. Do lời Chúa phán, ông đóng cửa trời và ba lần khiến lửa trời xuống. Êlia được vinh quang nhờ các việc lạ lùng đã làm, và ai có thể tự hào được vinh quang như người? Bởi lời Chúa là Thiên Chúa, người cứu kẻ chết ra khỏi âm phủ, khỏi quyền sự chết. Người triệt hạ các vua xuống cảnh điêu tàn, bẻ gãy dễ dàng quyền thế của họ, xô kẻ sang trọng rớt khỏi giường nằm. Trên núi Sinai, người đã nghe lời xét xử, và trên núi Horeb, người đã nghe án quyết phục thù. Người xức dầu các vua để báo oán và đặt các tiên tri để nối nghiệp mình. Người đã được cất đi trong bầu lửa, trong xe ngựa kéo đi. Người đã nên dấu chỉ sự đe phạt qua các thời đại, để làm nguôi cơn thịnh nộ Chúa, để giao hoà cha với con, và chấn hưng lại những chi họ Giacóp. Phúc cho những ai đã thấy người, và được hân hạnh thiết nghĩa với người: Vì chúng tôi chỉ được sống trong cuộc sống này, sau giờ chết, danh tiếng của chúng tôi sẽ được như thế. Êlia được che khuất trong gió cuốn, và Êlisê được trọn vẹn thần trí của người. Trong đời người, người không sợ vương tướng, và không quyền lực nào thắng được người, cũng không ai vượt người trong lời nói, và khi người chết rồi, xác người vẫn nói tiên tri. Khi còn sống, người đã làm những phép lạ, và khi đã qua đời, người đã làm những việc kỳ diệu. Ðó là lời Chúa.


ÐÁP CA: Tv 96, 1-2. 3-4. 5-6. 7

Ðáp: Người hiền đức, hãy mừng vui trong Chúa (c. 12a).

Xướng: 1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan, hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói và sương mù bao toả chung quanh, công minh chính trực là nền kê ngai báu. - Ðáp.

2) Một làn lửa đi trước thiên nhan, để đốt những quân đối nghịch chung quanh Chúa. Chớp của Người sáng rực cõi trần, địa cầu xem thấy và run rẩy sợ hãi. - Ðáp.

3) Núi non vỡ lở như mẩu sáp ong trước thiên nhan, trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. - Ðáp.

4) Hãy hổ ngươi tất cả những ai phụng thờ hình ảnh, những ai khoe khoang về thần tượng, bao nhiêu chúa tể hãy cúc cung bái lạy Người. - Ðáp. 


ALLELUIA: Tv 144, 13bc

Alleluia, alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.




PHÚC ÂM: Mt 6, 7-15

"Vậy các ngươi hãy cầu nguyện như thế này".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:

"Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

"Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con". Ðó là lời Chúa.
Th. Luy Gondaga, tu sĩ
Mt 6,7-15

LỜI CẦU CHÂN THÀNH ĐƠN SƠ


“Đừng nghĩ cứ nói nhiều là được nhận lời… Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” (Mt 6,7-8)

Suy niệm: Một điều đáng khích lệ cho việc cầu nguyện trong Kitô giáo, đó là Chúa của ta “đã biết rõ” ta cần gì trước khi ta xin. Nhưng khổ nỗi lắm lúc điều ta xin lại không phù hợp với điều Chúa muốn chúng ta xin. Vì vậy có sự trì trệ, ngã lòng trông cậy của một số người. Nhu cầu của cuộc sống thì quá nhiều, do đó lời cầu của ta cũng đa dạng, hết ơn này đến ơn khác. Còn Chúa thì lại muốn ta đơn sơ, chân thành, xin cái gì là chính đáng nhất, rồi các nhu cầu khác cứ thế sẽ được đáp ứng. Xin đưa ra đây một ví dụ: để gia đình thuận hoà êm ấm ta thường xin giàu có. Đáng lý ra ta nên xin cho gia đình biết gìn giữ ơn Chúa nhờ mọi thành phần biết đọc kinh, cầu nguyện sáng tối, vì có ơn Chúa là có tất cả. Nhiều khi ta “đau đầu” vì những lời xin của mình thì làm sao ta có thể khiến Chúa làm như ta muốn được!

Mời Bạn: Đâu là nhu cầu cấp thiết nhất của cá nhân, của gia đình, của cộng đoàn bạn lúc này mà bạn cần xin Chúa? Những nhu cầu ấy có làm cho “danh Chúa cả sáng” không hay chỉ làm thoả mãn tính hiếu kỳ của ta?

Chia sẻ: Chia sẻ cho nhau một ơn nào mà ta thấy mình “không xin” hay “chưa nghĩ tới” mà vẫn có được; và kiểm tra xem nhờ lời cầu xin nào mà ta có được những ơn huệ nhưng không ấy.

Sống Lời Chúa: Tôi tin rằng tha lỗi cho người khác cũng là điều kiện để được Chúa nhậm lời: “Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,15).

Cầu nguyện: Sốt sắng đọc hay hát kinh “Lạy Cha” trong giờ kinh gia đình.


THỨ NĂM 21/6/2012 TUẦN XI THƯỜNG NIÊN, Thánh Aloysius Gonzaga (1568-1591)

Thánh Aloysius Gonzaga
    (1568-1591)

    Thánh Aloysius là một người nổi tiếng thời bấy giờ vì ngài sinh trong một gia đình quý tộc, nhưng đời sống như thiên thần, và cái chết thật thánh thiện.


    Aloysius là con cả của Hầu Tước Ferrante ở Castiglione nước Ý, phục vụ dưới triều Philip II của Tây Ban Nha. Cha ngài mong cho con mình trở nên một nhà lãnh đạo quân sự tài ba, do đó ngay từ khi bốn tuổi Aloysius đã được tự do tung tăng trong trại lính, làm quen với các vũ khí. Nhưng khi lên bảy, đời sống tâm linh Aloysius thay đổi lạ lùng và hàng ngày cậu đã đọc kinh sách, thánh vịnh và đặc biệt kính mến Ðức Maria. Lúc 13 tuổi, cùng với người em, Aloysius theo cha mẹ lên triều đình và cả hai giữ nhiệm vụ phục dịch cho Don Diego, thái tử người Asturias ở Tây Ban Nha. Càng nhìn thấy sinh hoạt triều đình bao nhiêu, Aloysius càng chán ngán bấy nhiêu và tìm cách khuây khỏa qua hạnh các thánh.

    Chính trong thời gian này, khi nghe biết về công cuộc truyền giáo của các cha dòng Tên ở Ấn Ðộ, Aloysius đã có ý định đi tu và tập sống kham khổ cũng như tụ tập các trẻ em nghèo để dạy giáo lý cho chúng. Mơ ước đi tu của Aloysius phải trải qua bốn năm tranh đấu với chính người cha của mình cũng như sự dụ dỗ của rất nhiều chức sắc trong triều. Sau cùng, Aloysius đã chinh phục được tất cả và được nhận vào đệ tử viện dòng Tên lúc 17 tuổi.

    Vì nhận thấy sức khỏe yếu kém của Aloysius, các cha giám đốc đã buộc Aloysius phải chấm dứt sự kham khổ, phải ăn nhiều hơn, phải sinh hoạt với các đệ tử khác và không được cầu nguyện ngoài những giờ ấn định. Aloysius được gửi lên Milan đi học, nhưng vì sức khỏe yếu kém nên đã phải trở về Rôma.

    Vào năm 1587, Aloysius tuyên khấn. Ðược vài năm sau, trận dịch hạch tấn công Rôma. Các tu sĩ dòng Tên mở một bệnh viện của nhà dòng. Chính cha bề trên cũng như nhiều linh mục đích thân chăm sóc bệnh nhân. Dù sức khỏe yếu kém, Aloysius cũng tận tình phục vụ bệnh nhân và bị lây bệnh. Sau ba tháng bệnh hoạn, Aloysius đã từ trần ngày 21 tháng Sáu 1591, lúc ấy mới 23 tuổi.

    Ðời sống thánh thiện của Aloysius được cha linh hướng Robert Bellarmine (sau này là thánh) minh xác. Và ngài được Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIII phong thánh năm 1726 và được đặt làm quan thầy các học sinh Công Giáo.



    Lời Bàn

    Thánh Aloysius dường như không thích hợp là quan thầy của các người trẻ trong một xã hội mà sự khổ hạnh chỉ tìm thấy trong các đội thể thao hay võ thuật. Có thể nào một xã hội luôn dư thừa và đầy tiện nghi lại tự ý khép mình vào kỷ luật? Ðiều đó chỉ có thể xảy ra nếu nó tìm thấy một lý do, cũng như Thánh Aloysius trước đây. Ðộng lực để Thiên Chúa thanh luyện chúng ta là phải cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa qua sự cầu nguyện.



    Lời Trích

    "Anh em thân mến, khi cầu nguyện chúng ta phải tỉnh thức và tha thiết với tất cả tâm hồn, sốt sắng cầu nguyện. Hãy gạt bỏ tất cả những ý tưởng trần tục, cũng như đừng để linh hồn chúng ta lo lắng về bất cứ điều gì ngoại trừ đối tượng của sự cầu nguyện là Thiên Chúa" (Về Kinh Lạy Cha, Thánh Cyprian).


    
    Trích từ NguoiTinHuu.com