Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

THỨ NĂM 21/2/2013 TUẦN I MÙA CHAY C, LUẬT XƯNG TỘI RƯỚC LỄ MÙA PHỤC SINH


LUẬT XƯNG TỘI RƯỚC LỄ MÙA PHỤC SINH


- Sự cao quí của Phép Thánh Thể...
- Ai được rước lễ? Ai phải rước lễ trong mùa Phục sinh? 
Muốn rước lễ phải làm gì? Ai không được rước lễ? 
Hỏi:
Giáo hội rất đề cao Phép Thánh Thể...
Xin cho biết: - Ai được rước lễ? Ai phải rước lễ trong mùa Phục sinh? Điều răn thứ 4 trong 6 điều răn của Hội thánh dạy "Rước Mình Thánh Chúa trong mùa Phục sinh", bắt đầu và kết thúc ngày nào? Muốn rước lễ phải làm gì? Ai không được rước lễ?
Đáp:
Nói đến luật Hội thánh thì xin bắt đầu bằng việc mở giáo luật coi xem sao?
1- Trước hết, Giáo hội rất đề cao Phép Thánh Thể.
Giáo luật viết: "Bí tích Thánh Thể là BT cao trọng nhất, trong đó Chúa Giêsu hiện diện, tự hiến và trở nên lương thực, nhờ đó Giáo hội tiếp tục được sống và tăng trưởng…" (điều 897)
Theo những lời trên, ta hiểu rằng: nhờ Mình Thánh Chúa, con cái Giáo hội được "sống và "lớn lên" trong Chúa. Nói ngược lại, không có Thánh Thể Chúa, linh hồn ta sẽ "yếu đuối, còm cõi, và chết". Chúa đã phán:"Ai ăn Thịt Ta…sẽ sống muôn đời" (Ga 6,58)
2- Ai được rước lễ:
"Bất cứ ai đã chịu Phép Rửa tội và không bị luật cấm, đều có thể và phải được nhận cho rước lễ" (điều 912)
3- Ai buộc rước lễ mùa Phục sinh?
" Mọi tín hữu, sau khi rước lễ lần đầu, buộc phải rước lễ ít nhất mỗi năm một lần.(Giáo luật số 920,2). Mệnh lệnh này phải được chu toàn vào mùa Phục sinh (mùa Phục sinh bắt đầu từ lễ Chúa Phục sinh đến chiều lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống), trừ khi có lý do chính đáng, có thể chu toàn vào mùa khác trong năm ( điều 920,2).
- Cho thân xác ăn một năm một bữa, hay cho linh hồn một năm rước Chúa một lần thí ít quá, vì vậy, Giáo hội dạy ta phải "siêng năng và sốt sắng nhận lãnh Mình Thánh Chúa, hết lòng thờ phượng bái kính Thánh Thể Chúa" (điều 898),
- Giáo hội rộng ban: "Nếu một ngày ai dự 2 lễ, thì được rước lễ 2 lần" (Gl điều 917), miễn là họ kiêng ăn uống (trừ nước lã hoặc uống thuốc ít là 1 giờ trước khi lên rước lễ) nhưng không buộc 1 giờ đối với các người già, người bệnh và người săn sóc bệnh nhân, nếu họ ăn chút ít mà không đủ 1 giờ thì cũng được phép rước lễ (điều 919,3).
- Người tín hữu nguy tử (hòng chết), dù đã rước lễ rồi, cũng được rước lễ nữa như của "Ăn đàng" về trời. Các ngày sau còn nguy tử thì cứ được rước lễ nữa (điều 921-922). Trẻ em nguy tử cũng được rước lễ, nếu em (chưa xưng tội lần đầu) nhưng phân biệt được Mình Thánh Chúa và của ăn thường, và kính cẩn rước lễ (điều 913).
4- Muốn rước lễ phải làm gì?
Ba điều kiện để rước lễ như giáo lý các em xưng tội lần đầu vẫn học là: 1/ Sạch tội trọng, 2/ Có ý ngay lành (vd: rước lễ để linh hồn được sống, 3/ giữ chay 1 giờ trước khi rước lễ.
Mỗi khi rước lễ, phải dọn tâm hồn với lòng tin, cậy kính mến, khiêm nhường "Lạy Chúa, con chẳng đáng..."
Chúng ta thật bất xứng và thiếu sót, không đáng rước Mình Máu thánh Chúa , nhưng ta được phép "nhờ Mẹ Maria" giúp dọn mình và cám ơn khi rước Chúa, đó lại là điều rất đẹp lòng Chúa.
5 - Những ai không được rước lễ?
a/ Những ai "biết mình phạm tội trọng và chưa xưng tội trước thì không được rước lễ" (Gl điều 916).
b/ Những ai bị vạ tuyệt thông (vd:phá thai, (1398) và cấm chế sau khi hình phạt đã tuyên kết hay tuyên bố,
c/ Những ai cố chấp trong tội trọng công khai, (vd: ly dị rồi tự ý kết hôn không có phép Giáo hội) (Gl điều 915).
Xin kể câu chuyện về ích lợi việc rước lễ:
Ông thánh Thomas More (1478-1525) đã một thời làm quan tể tướng của vua Henri 8 nước Anh. Tuy làm quan lớn trong triều đình, nhưng ông vẫn đi lễ và rước lễ hằng ngày. Việc này làm các quan trong triều bàn tán, họ nói:
- Một giáo dân như quan tể tướng bận rộn với biết bao công việc, bao lo âu.. còn phải mấy thời giờ đi lễ thường xuyên như thế.
Quan tể tướng trả lời ngay:
- Thế nhưng chính các vị đã chính xác nêu lên những lý do giải thích tại sao tôi cần phải Thường xuyên đi lễ và rước lễ. Nếu tôi có nhiều lo âu, việc rước lễ đem lại cho tôi sự can đảm, nếu mỗi ngày tôi phải gặp bao cơ hội làm phiền lòng Thiên Chúa, mỗi ngày việc rước lễ cho tôi những sức lực mới để tôi chống trả tội lỗi. Nếu tôi cần sự khôn ngoan và hiểu biết để chu toàn những phận vụ khó khăn, tôi tìm đến với Chúa mỗi một ngày để gặp được ánh sáng và những lời khuyên.

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ NĂM 21/2/2013 TUẦN I MÙA CHAY C, "Ai xin thì sẽ nhận được".


Thứ Năm Tuần I Mùa Chay Năm C 


Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh

BÀI ĐỌC I: Est 14, 1. 3-5. 12-14 (NV 4, 17k. 17lm. 17r-t)

"Lạy Chúa, con không có sự trợ giúp nào khác ngoài Chúa".

Trích sách Esther.


Trong những ngày ấy, nữ hoàng Esther kinh hoàng vì lâm nguy, nên tìm nương tựa nơi Chúa. Bà nài xin Chúa là Thiên Chúa Israel rằng: "Lạy Chúa con, chỉ mình Chúa là Vua chúng con, xin cứu giúp con đang sống cô độc, ngoài Chúa không có ai khác giúp đỡ con. Con đang lâm cơn nguy biến. Lạy Chúa, con nghe cha con nói rằng Chúa ưu đãi Israel hơn mọi dân tộc, ưu đãi cha ông chúng con hơn bậc tiền bối của các ngài, đã nhận các ngài làm phần cơ nghiệp muôn đời và đã thực thi lời hứa với các ngài.
"Lạy Chúa, xin hãy nhớ (đến chúng con) và hãy tỏ mình ra cho chúng con trong cơn gian truân của chúng con. Lạy Chúa là Vua các thần minh và mọi bậc quyền bính, xin ban cho con lòng tin tưởng. Xin đặt trong miệng con những lời khôn khéo trước mặt sư tử, xin Chúa đổi lòng sư tử để nó ghét kẻ thù của chúng con, để kẻ thù ấy và những ai đồng loã với hắn sẽ phải chết. Nhưng phần chúng con, thì xin Chúa ra tay giải thoát chúng con và phù trợ con, vì lạy Chúa, ngoài Chúa là Đấng thông suốt mọi sự, không ai giúp đỡ con". Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 7c-8

Đáp: Lạy Chúa, khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con (c. 3a).

1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các Thiên Thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài. - Đáp.

2) Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh. - Đáp.

3) Tay hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi sự, lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa. - Đáp.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 11, 25a và 26

Chúa phán: "Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời".

PHÚC ÂM: Mt 7, 7-12

"Ai xin thì sẽ nhận được".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.


Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì bất cứ ai xin thì sẽ nhận được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ cửa sẽ mở cho. Nào ai trong các con thấy con mình xin bánh, mà lại đưa cho nó hòn đá ư? Hay là nó xin con cá mà lại trao cho nó con rắn ư? Vậy nếu các con, dù là kẻ xấu, còn biết lấy của tốt mà cho con cái, thì huống chi Cha các con, Đấng ở trên trời, sẽ ban những sự lành biết bao cho kẻ cầu khẩn Người!
"Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế: Đấy là điều mà Lề luật và các tiên tri dạy". Đó là lời Chúa.

THỨ NĂM TUẦN 1 MC

Th. Phêrô Đamianô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh Mt 7,7-12

LÀ QUÀ TẶNG CHO NHAU


“Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó.” (Mt 7,12)
Suy niệm: Nếu có ai làm cho bạn những điều bạn đang mong ước thì hẳn bạn thấy hạnh phúc, bạn sẽ cảm ơn… Nhưng cũng rất thường tình là ta thích nhận lãnh hơn là làm cho người khác những điều mà ta vẫn ước mong người khác làm cho mình. Đức mến chân chính là hãy đi bước trước làm điều thiện cho người, chứ không ngồi đợi người khác làm điều thiện cho ta, bởi lẽ “khi hiến thân là lúc được nhận lãnh.” Đành rằng có xin ta mới mở hầu bao, nhưng cũng có khi không cần xin, ta vẫn cứ phải làm điều tốt cho người: cha mẹ thương con đâu cần con phải xin, vợ chồng yêu nhau tự thân họ biết phải làm gì cho nhau… Tình yêu là thế đó!
Mời Bạn: Chúa yêu ta cũng tương tự như thế. Ngài cho ta sự sống trước khi ta biết xin Ngài. Ngài cho ta người anh chị em để ta giao lưu, gặp gỡ, sống cùng, bởi không ai là một hòn đảo. Sự hiện diện của tha nhân là một món quà. Đáp lại, bạn hãy cống hiến chính bản thân mình làm món quà cho tha nhân.
Chia sẻ: Bạn có cảm thấy hài lòng khi sống với những người đang sống với bạn không? Bạn không hài lòng, phải chăng tại bạn chưa nhận ra món quà người khác trao cho bạn hoặc bạn chưa trở thành món quà cho người khác?
Sống Lời Chúa: Hãy xét mình mỗi ngày để thấy là tại ai mà ta chưa sống hạnh phúc; và cảm ơn người đã mang lại hạnh phúc cho ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, làm điều tốt cho người là hình thái ăn chay tích cực, dù con giàu hay nghèo. Xin cho con để tâm thực thi điều ấy trong suốt mùa Chay này. Amen.










THỨ NĂM 21/2/2013 TUẦN I MÙA CHAY C, Thánh Phêrô Damian (1007 - 1072)


Thánh Phêrô Damian
(1007 - 1072)
 

Có lẽ vì là trẻ mồ côi và bị đối xử thật tệ hại khi còn nhỏ nên Thánh Phêrô Damian thật tốt với người nghèo. Trong bữa ăn, lúc nào cũng có một hay hai người nghèo ăn chung với ngài, và đích thân ngài lo lắng cho nhu cầu của họ.
Ngài sinh ở Ravenna, mồ côi cha mẹ khi còn nhỏ và sống với người anh ruột nhưng bị đối xử như người đầy tớ. Khi mới lớn một chút, ngài đã bị sai đi chăn heo. Một người anh khác, là giáo trưởng ở Ravena, thấy thương hại chú em bơ vơ nên đem ngài về nuôi nấng cho ăn học tử tế. Có lẽ vì nhớ ơn dưỡng dục của người anh mà Phêrô đã lấy tên người anh, là Damian, thành tên của mình.
Phêrô là một học sinh có năng khiếu và sau đó trở thành một giáo sư nổi tiếng. Trong thời gian này, Phêrô cố làm quen với sự chay tịnh, sự cầu nguyện và ngài mặc áo nhặm bên trong áo thường để chống với các cám dỗ của lạc thú và mưu chước ma quỷ.
Sau một thời gian, ngài quyết tâm từ bỏ thế gian để sống đời ẩn tu với các đan sĩ Biển Ðức thuộc nhánh cải cách của Thánh Rômuanđô ở Fonte Avellana. Các đan sĩ thường sống hai người một trong một cái am cách xa nhau, để cầu nguyện và đọc sách thiêng liêng, với cuộc sống rất khắc khổ. Vì quá hăng say trong sự cầu nguyện và ngủ quá ít nên không bao lâu Phêrô bị bệnh mất ngủ trầm trọng. Ngài phải thận trọng kềm chế và săn sóc chính mình. Vì lý do đó, ngài dành nhiều thời giờ để nghiên cứu Kinh Thánh, và trở nên một thi sĩ sáng tác thơ đạo cũng nổi tiếng như trong văn chương đời trước đây.
Do một quyết định của toàn thể các đan sĩ, ngài phải chịu trách nhiệm lãnh đạo Cộng Ðoàn khi vị bề trên qua đời. Do đó, sau khi vị đan viện trưởng từ trần khoảng năm 1043, Phêrô đã dẫn dắt gia đình thánh thiện này với sự khôn ngoan và đạo đức. Ngài cũng thành lập thêm năm đan viện khác. Ngài duy trì tinh thần cô độc, bác ái và khiêm nhường. Nhiều vị đan sĩ dưới sự dẫn dắt của ngài là các ngôi sao sáng của Giáo Hội, kể cả Thánh Ðaminh Loricatus, Thánh Gioan ở Lodi là người kế vị ngài trong chức vụ đan viện trưởng ở Holy Cross.
Trong nhiều năm, Thánh Phêrô Damian thường giúp các Giáo Hoàng trong công việc hòa giải giữa các tu hội kình chống nhau, hoặc giữa giáo sĩ, viên chức chính phủ và Tòa Thánh. Năm 1057, Ðức Giáo Hoàng Stephanô IX thuyết phục ngài từ bỏ đời ẩn dật và đặt ngài làm Giám Mục-Hồng Y của Ostia.
Ngài tích cực tẩy trừ nạn buôn bán chức vụ trong Giáo Hội, khuyến khích các linh mục sống độc thân, và thúc giục các linh mục triều sống thành cộng đoàn, giữ chương trình cầu nguyện. Ngài ao ước phục hồi tinh thần kỷ luật nguyên thủy của các tu sĩ và linh mục, cảnh cáo họ về việc di chuyển không cần thiết, vi phạm đức khó nghèo và sống quá thoải mái. Ngài viết thư khiển trách Ðức Giám Mục Florence về việc chơi cờ, và Ðức Giám Mục Besancon về việc để giáo sĩ ngồi khi đọc thánh vịnh trong Kinh Nhật Tụng.
Ngài viết rất nhiều thư. Khoảng 170 lá hiện vẫn còn. Chúng ta cũng còn 53 bài giảng của ngài và bảy tiểu sử ngài viết. Ngài thích viết về gương mẫu và chuyện thật hơn là lý thuyết. Các bản văn phụng vụ của ngài cho thấy ngài có phong cách của một nhà văn.
Ngài thường xin các giáo hoàng cho ngài từ chức Giám Mục-Hồng Y của Osia, và sau cùng Ðức Alexander II đồng ý với điều kiện là bất cứ khi nào cần ngài sẽ sẵn sàng làm việc trở lại. Khi trở lại công việc ở Ravenna, ngài bị sốt nặng. Ngài từ trần ngày 22 tháng Hai 1072 khi các đan sĩ đang vây quanh và đọc kinh Nhật Tụng.
Năm 1828 ngài được tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh.
Lời Bàn
Thánh Phêrô Damian là một người cải cách, và nếu ngài sống trong thời nay chắc chắn ngài sẽ thúc đẩy sự canh tân theo tinh thần Công Ðồng Vatican II. Ngài sẽ hoan nghênh việc nhấn mạnh đến cầu nguyện được tỏ lộ qua số buổi cầu nguyện ngày càng gia tăng của các linh mục, tu sĩ và giáo dân cũng như việc thành lập các nhà cầu nguyện của nhiều cộng đoàn tu sĩ ngày nay.
Lời Trích
"... Chúng ta hãy trung tín trao truyền lại cho thế hệ mai sau các gương mẫu nhân đức mà chúng ta đã lãnh nhận từ cha ông" (Thánh Phêrô Damian)

Trích từ NguoiTinHuu.com



Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

THỨ TƯ 20/2/2013 TUẦN I MÙA CHAY C, Tuần tĩnh tâm mùa chay của Đức Thánh Cha, chiều khai mạc


Tuần tĩnh tâm mùa chay của Đức Thánh Cha, chiều khai mạc 


VATICAN. Từ chiều chúa nhật 17-2 vừa qua, ĐTC và các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh đang tham dự tuần tĩnh tâm mùa chay cho đến sáng thứ bẩy 23-2 tới đây.
Cuộc tĩnh tâm khai mạc lúc 6 giờ chiều với nghi thức đặt Mình Thánh Chúa, hát Kinh Chiều, kể đến là bài suy niệm mở đầu của ĐHY Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa, rồi chầu và phép lành Mình Thánh Chúa kết thúc.
Trong bài suy niệm dẫn nhập, ĐHY Ravasi đã ám chỉ tới việc ĐTC Biển Đức 16 sẽ lui về Đan viện Mẹ Giáo Hội ở nội thành Vatican để sống trong ẩn dật, cầu nguyện, và ĐHY ví ngài như Ông Môise trong cuộc chiến đấu giữa Israel và quân binh của Amelek. Như Ông Môisê, nhờ lời cầu nguyện trên núi mà củng cố đoàn quân Israel, chức năng chính của ĐTC Biển Đức 16 sẽ là cầu nguyện cho Giáo Hội. ĐHY nói:
”Chúng ta ở lại thung lũng nơi có Amalek, nơi có bụi mù, lo âu, với những điều kinh khủng, nhưng cũng có những giấc mơ và hy vọng. Nhưng ngay từ bây giờ chúng ta biết rằng trên núi có người chuyển cầu cho chúng ta”.

ĐHY Ravasi cũng nói có sẽ thỉnh thoảng sẽ có những vị trong giáo triều leo lên núi ấy để nâng đỡ cánh tay của ngài giang ra trong lúc cầu nguyện. Theo chương 17 trong sách Xuất Hành, bao lâu Môisê giang tay cầu nguyện, thì Israel chiếm ưu thế so với quân đội của Amalek. Và nếu cánh tay của Ông hạ xuống, thì Israel cũng bị yếu thế”.
ĐHY Ravasi mô tả cuộc tĩnh tâm của giáo triều Roma hiện nay giống như để ”giải thoát tâm hồn khỏi bụi bặm của sự đời, khỏi bùn nhơ của tội lỗi và cát bụi của sự tầm thường, khỏi những chuyện tầm phào mà tai chúng ta liên lỷ phải nghe trong những ngày nay”.

Vị Giảng tĩnh tâm mời gọi mọi người hãy tạo nên sự thinh lặng trong tâm hồn, giải thoát mình khỏi bao nhiêu tiếng ồn ào của đời sống thường nhật. Trong đức tin cũng như trong đức ái, sự thinh lặng thường hùng hồn hơn lời nói”.
ĐHY Ravasi năm nay 70 tuổi, là một học giả Kinh Thánh nổi tiếng, tác giả của rất nhiều sách báo, được ĐTC bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa hồi tháng 9 năm 2007. Ngài cũng là Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về tiếng latinh. Cũng năm đó ngài được ủy thác nhiệm vụ soạn các bài suy niệm cho buổi đi Đàng Thánh Giá trọng thể do ĐTC chủ sự tối thứ sáu Tuần Thánh tại hí trường Colosseo ở Roma.
Đề tài tổng quát của tuần tĩnh tâm hiện nay là ”Nghệ thuật cầu nguyện, nghệ thuật tin. Tôn nhan Thiên Chúa và khuôn mặt con người trong kinh nguyện thánh vịnh”.
Mỗi ngày có 3 bài suy niệm của ĐHY giảng thuyết lần lượt sau Kinh Sáng lúc 9 giờ sáng, kinh Trưa lúc 10 giờ 15, và lúc 5 giờ chiều trước Kinh Chiều và Chầu Mình Thánh Chúa. (SD 18-2-2013)




G. Trần Đức Anh OP

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ TƯ 20/2/2013 TUẦN I MÙA CHAY C,"Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona".


Thứ Tư Tuần I Mùa Chay Năm C


Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh

BÀI ĐỌC I: Gn 3, 1-10

"Dân thành Ninivê đã bỏ đàng tội lỗi".

Trích sách Tiên tri Giona.

Lời Chúa phán cùng Giona rằng: "Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi". Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo lời Chúa dạy. Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng. Giona tiến vào thành phố, đi một ngày đàng, rồi rao giảng rằng: "Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ". Dân thành tin tưởng nơi Chúa; họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ.
Vua thành Ninivê nghe điều đó, liền bỏ ngai vàng, cởi áo cẩm bào, mặc áo nhặm và ngồi trên đống tro. Trong thành Ninivê, người ta rao sắc lệnh sau đây của nhà vua và các vương hầu: "Người, vật, bò, chiên, không được nếm, không được ăn uống gì hết; người và vật phải mặc áo nhặm, phải kêu to lên cùng Chúa và phải cải thiện đời sống, phải bỏ đàng tội lỗi và những điều bất chính đã phạm. Biết đâu Chúa sẽ đổi ý thứ tha, nguôi giận và chúng ta khỏi chết?" Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa đổi ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 50, 3-4. 12-13. 18-19

Đáp: Lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung (c. 19).
1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. - Đáp.
2) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. - Đáp.
3) Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ, nếu con dâng lễ toàn thiêu, Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát, lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung. - Đáp.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 8, 12b 


Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian. Ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống". 
PHÚC ÂM: Lc 11, 29-32 



"Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona". 



Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. 

Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: "Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Đến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa". Đó là lời Chúa.

THỨ TƯ TUẦN 1 MC 


Lc 11,29-32 

SÁM HỐI 
“Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.” (Lc 9,32)
Suy niệm: Chúa Giêsu thường dùng hình ảnh so sánh thật đậm nét khiến cho không ai có thể hiểu sai sứ điệp của Ngài. Vị trí của dân thành Ninivê ở rất xa trong chương trình cứu chuộc so với dân Ítraen, dân riêng của Chúa. Còn ngôn sứ Giôna dẫu sao cũng chỉ là sứ giả, hoàn toàn không thể so sánh với Đức Kitô: “Ở đây còn hơn ông Giona nữa.” Nếu như dân Ninivê đã sám hối ngay khi vừa nghe Giona rao giảng, thì dân riêng của Chúa còn phải sám hối cách mau mắn và triệt để hơn biết bao!
Mời Bạn: Công Đồng Trentô định nghĩa: “Sám hối là cảm thấy đau buồn gớm ghét tội đã phạm và quyết chí chừa cải” (DZ. 1676). Đau buồn và gớm ghét quá khứ tội lỗi để từ bỏ, còn quyết tâm chừa cải là nhắm tới tương lai tốt đẹp, và thánh thiện. Vì thế, sám hối không chỉ dừng lại ở tâm tình mà còn phải biến thành hành động cụ thể là nhìn nhận việc làm sai trái để hoà giải với Chúa và anh em đồng thời đền bù những thiệt hại mình đã gây ra. Trong Mùa Chay, chúng ta được kêu gọi sám hối một cách khẩn thiết hơn. Chỉ nhờ nghe lời Giona mà dân Nivivê đã được Chúa nguôi cơn giận mà tha thứ; phần chúng ta nghe lời của Đức Giêsu, Con của Ngài, chúng ta còn được tha thứ và yêu thương biết mấy! Bạn còn chần chờ gì mà không sám hối trở về làm hoà với Chúa trong bí tích Hoà Giải?
Chia sẻ cảm nghiệm của bạn sau khi lãnh nhận bí tích Hòa Giải.
Sống Lời Chúa: Quyết tâm sám hối thật lòng và lãnh nhận bí tích hoà giải.
Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.





THỨ TƯ 20/2/2013 TUẦN I MÙA CHAY C, Thánh Claude de la Combière (1641- 1682) , Chân Phước Jacinta and Francisco Marto (1910-1920; 1908-1919)


Thánh Claude de la Combière
(1641- 1682) 

Thánh Claude sinh năm 1641 gần Lyons, nước Pháp, trong một gia đình đạo đức, giầu có. Ngài theo học trường của các cha dòng Tên về âm thanh và nghệ thuật.
Sau đó Claude vào trường đệ tử dòng Tên ở Avignon, là nơi ngài học xong triết học và bắt đầu dạy về nhân văn. Trong thời gian ngài dạy học ở Avignon là khi đạo quân của Louis XIV chiếm đóng, dù đó là nơi đức giáo hoàng cư ngụ. Khi hòa bình trở lại, thành phố Avignon cử mừng lễ Thánh Phanxicô Sales; mặc dù chưa được thụ phong linh mục, Claude là một trong những người được yêu cầu giảng thuyết. Ðể hoàn tất chương trình thần học ngài được gửi sang Balê là trung tâm văn hóa của nước Pháp, ở đó ngài được chọn làm thầy giáo tư cho các con của một bộ trưởng Pháp, là ông Colbert. Nhưng trong một bài viết, ông Colbert có những lời châm biếm tôn giáo mà Cha Claude không tán thành với ông bộ trưởng, do đó ngài bị gửi trả về Avignon và được bổ nhiệm việc thuyết giảng ở một nhà thờ thuộc trường đại học.
Trong các bài giảng, ngài thường tố cáo những sai lầm của lạc thuyết Jansen (1) mà ngài thấy đầy dẫy ở Balê. Cha Claude bài trừ tà thuyết bằng cách giảng dạy về việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong một cuộc tĩnh tâm ngài thề tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Hai tháng sau khi thề hứa, ngài được bổ nhiệm làm bề trên cho một trụ sở nhỏ của dòng Tên ở Paray. Chính ở đây mà ngài gặp Sơ Margaret Mary Alacoque (2), và là cha giải tội cho sơ và nhấn mạnh đến việc sùng kính Thánh Tâm Chúa.
Sau đó Cha Claude được sai đến nước Anh với công việc giải tội cho Nữ Công Tước của York. Ngài rao giảng không những bằng lời nói mà còn bằng hành động, và đã đưa nhiều người Tin Lành trở lại đạo. Trong thời gian ở đây, những chống đối người Công Giáo ngày càng gia tăng. Có tiếng đồn cho rằng người Công Giáo âm mưu giết vua để tái lập đạo Công Giáo tại Anh. Cha Claude bị bắt và bị cầm tù về tội tham dự vào âm mưu này trước khi thành công trong việc hoán cải nhà vua. Chính nhờ vua Louis XIV can thiệp mà Cha Claude không bị xử tử.
Cha Claude bị trục xuất, nhưng thời gian tù đầy đã ảnh hưởng tệ hại đến sức khỏe của ngài. Theo lời khuyên của Sơ Margaret Mary, ngài trở về Paray và từ trần tại đây năm 1682. Một ngày sau khi ngài chết, Sơ Margaret Mary được thị kiến siêu nhiên, đảm bảo rằng Cha Claude La Colombiere không cần được cầu nguyện, vì ngài đã ở trên thiên đàng.
Cha Claude được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh ngày 31 tháng Năm 1992.
(1) Cornelius Jansen - Giám Mục của Yprés - chủ trương rằng bản tính loài người quá hư hỏng vì tội nguyên tổ nên không có khả năng chống lại sự cám dỗ, không xứng đáng được rước lễ thường xuyên và Jansen chống lại sự thờ kính nhân tính của Chúa Giêsu được thể hiện qua việc sùng kính Thánh Tâm.
(2) Thánh Margaret Mary Alacoque là người đã được Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần và sứ điệp đặc biệt là sùng kính Thánh Tâm Chúa. Thánh nữ được Chúa Giêsu gọi là "Người môn đệ yêu dấu của Thánh Tâm Ta."
______________________________________________________

Chân Phước Jacinta and Francisco Marto
(1910-1920; 1908-1919) 

Trong quãng thời gian từ 13 tháng Năm đến 13 tháng Mười 1917, ba trẻ chăn chiên người Bồ Ðào Nha ở Aljustrel đã được thấy Ðức Bà hiện ra ở Cova da Iria, gần Fatima, một thành phố cách thủ đô Lisbon 110 dặm về phía bắc. Vào lúc đó, Âu Châu đang can dự vào một cuộc chiến đẫm máu. Chính Bồ Ðào Nha, sau khi lật đổ chế độ quân chủ vào năm 1910, cũng đang trong sự rối loạn chính trị; sau đó không lâu nhà cầm quyền giải tán các tổ chức tôn giáo.

Từ trái sang phải: Jacinta Marto, Lucia dos Santos, Francisco Marto


Trong lần hiện ra đầu tiên, Ðức Maria yêu cầu các trẻ trở lại nơi này vào ngày mười ba mỗi tháng trong sáu tháng kế tiếp. Ngài cũng yêu cầu các trẻ học hành để biết đọc biết viết, và lần chuỗi mai khôi "để thế giới được hòa bình và chấm dứt chiến tranh." Các trẻ cũng được khuyên hãy cầu nguyện cho những người tội lỗi và xin cho nước Nga được hoán cải, mà lúc bấy giờ Nga Hoàng Nicholas II vừa mới bị lật đổ và sau đó không lâu nước Nga rơi vào sự thống trị của chế độ cộng sản. Vào lần thị kiến sau cùng, 13-10-1917, có đến 90,000 người tụ tập tại Cova da Iria.
Chưa đầy hai năm sau, Francisco từ trần vì bệnh cúm ở ngay quê nhà. Em được chôn cất trong nghĩa trang giáo xứ và sau đó được cải táng về vương cung thánh đường Fatima vào năm 1952. Jacinta cũng chết vì bệnh cúm ở Lisbon sau khi dâng hiến sự đau khổ của mình để hoán cải người tội lỗi, để xin bình an cho thế giới và cho Ðức Thánh Cha. Cô được cải táng về vương cung thánh đường Fatima năm 1951. Người bà con với hai em là Lucia dos Santos, đã trở thành một nữ tu dòng Camêlô và hiện còn sống khi Jacinta và Francisco được phong chân phước vào năm 2000. Hàng năm, có đến 20 triệu người đến viếng đền Ðức Mẹ Fatima ở Bồ Ðào Nha.
Lời Bàn
Giáo Hội luôn luôn rất thận trọng khi phải chứng thực các việc hiện ra, nhưng Giáo Hội đã chứng kiến kết quả tốt đẹp của sứ điệp Ðức Bà Fatima khi người ta thay đổi đời sống. Cầu nguyện cho kẻ tội lỗi, tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Ðức Maria và lần chuỗi mai khôi--tất cả những điều này đã củng cố Tin Mừng mà Ðức Giêsu rao giảng.
Lời Trích
Trong bài giảng lễ phong chân phước, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc lại lời của Jacinta nói với Francisco ngay trước khi em từ trần,"Anh cho em gửi lời chào Chúa và Ðức Mẹ, và nói với các Ngài rằng em sẵn sàng chịu đựng mọi sự mà các Ngài muốn để hoán cải kẻ tội lỗi."

Trích từ NguoiTinHuu.com


Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

TIN MỪNG HẰNG NGÀY CHÚA NHẬT 17/2/2013 TUẦN I MÙA CHAY C, Ân Xá Mùa Chay


Ân Xá Mùa Chay 
(Theo số trong Bảng Liệt Ân xá do Tòa Xá giải công bố năm 1968 ) 



22. Đọc kinh "Lạy Đức Chúa Giêsu rất nhân lành rất cam thay vô cùng" sau khi Rước lễ các Thứ Sáu Mùa Chay, và Tuần Thương khó trước Ảnh tượng Chúa Tử nạn. Các ngày khác chỉ được tiểu xá.
Tuần Thánh:

59. Tối Thứ Năm Tuần Thánh: Hát kinh "Đây Nhiệm tích vô cùng cao quí" (và lễ Mình Thánh Chúa. Hát các lúc khác chỉ được tiểu xá).

17. Ngày Thứ Sáu Tuần thánh:Thờ lạy và hôn kính Thánh giá theo nghi lễ Giáo hội.

70. Thứ Bảy Tuần Thánh: Tuyên lại lời hứa khi lãnh Bí tích Rửa tội vào đêm Vọng Phục Sinh, (hoặc vào ngày kỷ niệm được Rửa tội theo mẫu quen dùng (có thể đọc kinh Tin kính: Tôi tin kính ĐCT...). Tuyên lại lúc khác chỉ được tiểu xá).
Ngoài ra:

63. Viếng và suy gẫm đủ 14 đàng Thánh giá. (Đi từng nơi, nếu ít người). Ai ngăn trở, (vd: bệnh nạn, tù tội...) nếu suy ngắm sự Thương khó Chúa nửa giờ cũng được.



2. Tiểu xá ban chung cho tín hữu trong tinh thần đức tin và tình thương, hy sinh sức khỏe, hoặc của cải giúp anh chị em túng cực (của ăn, áo mặc, an ủi), bởi Chúa đã phán:

Matthêu 25,35-36 "Khi Ta đói, ngươi đã cho Ta ăn... Khi Ta yếu ngươi đã thăm viếng".

3. Tiểu xá ban chung cho tín hữu trong tinh thần thống hối, tự nguyện từ bỏ những cái được phép, những cái thỏa lòng mình (để cầm hãm dục vọng, bắt xác thịt sống nghèo và khổ sở như Chúa Kitô), bởi Chúa đã phán:

15. Rước lễ thiêng liêng (Lạy Đức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa ngự trong Phép Mình Thánh, con kính mến Chúa trên hết mọi sự, cùng ước ao chịu lấy Chúa trong linh hồn con...)

20. Dạy giáo lý, hoặc học giáo lý Công Giáo.

55. Làm dấu Thánh giá: Nhân danh Cha và con và Thánh Thần Amen.



TIN MỪNG HẰNG NGÀY CHÚA NHẬT 17/2/2013 TUẦN I MÙA CHAY C, "Thánh Thần thúc đẩy Chúa vào hoang địa, và chịu cám dỗ".


Chúa Nhật Tuần I Mùa Chay Năm C


Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh

CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY NĂM C

BÀI ĐỌC I: Đnl 26, 4-10

"Dân được chọn tuyên xưng đức tin".

Trích sách Đệ Nhị Luật.


Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: "Thầy tư tế nhận của đầu mùa từ tay ngươi và đem đặt trước bàn thờ của Chúa là Thiên Chúa ngươi, và ngươi sẽ nói trước mặt Chúa là Thiên
Chúa rằng: "Tổ phụ con là Aramêô du mục đã đi xuống Ai-cập và sống ở đó như ngoại kiều với một ít người; và đã phát triển thành một dân tộc vĩ đại, hùng mạnh và đông đúc. Các người Ai-cập đã ngược đãi, hành hạ và bắt chúng con làm việc nặng nhọc.



Chúng con đã kêu cầu Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, và Chúa đã nghe lời chúng con, đã nhìn thấy cảnh thống khổ, cực nhọc và khốn cùng của chúng con. Chúa đã dùng bàn tay mạnh, cánh tay hùng, dùng những biến cố khủng khiếp và những dấu lạ phi thường mà dẫn chúng con ra khỏi Ai-cập. Chúa đưa chúng con đến đây, ban cho chúng con xứ này, một xứ chảy sữa và mật. Và vì thế, lạy Chúa, giờ đây con dâng tiến Chúa những của đầu mùa, hoa màu ruộng đất mà Chúa đã ban cho con". Ngươi sẽ đem đặt nó trước mặt Chúa là Thiên Chúa ngươi và sấp mình trước tôn nhan Người. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 90, 1-2. 10-11. 12-13. 14-15
Đáp: Lạy Chúa, xin hãy ở cùng con trong lúc gian truân (x. c. 15b).
1) Bạn sống trong sự che chở của Đấng Tối Cao, bạn cư ngụ dưới bóng của Đấng Toàn Năng. Hãy thưa cùng Chúa: Chúa là chiến luỹ, nơi con nương náu, lạy Chúa con, con tin cậy ở
Ngài.
2) Tai nạn không đến gần được bạn, và oan ương không bén mảng tới nhà bạn ở. Vì Chúa ra lệnh cho các Thiên Thần Ngài săn sóc bạn, để chư vị đó gìn giữ bạn trên khắp nẻo đường.
3) Chư vị đó bồng bế bạn trên tay, để bạn khỏi vấp chân vào đá. Trên mình hổ mang, rắn lục bạn bước đi, bạn đạp chân trên sư tử và giao long.
4) Vì người quý mến Ta, Ta sẽ giải thoát cho, Ta sẽ che chở người bởi lẽ người nhìn biết danh Ta. Người sẽ kêu cầu Ta và Ta sẽ nhậm lời, Ta sẽ ở cùng người trong lúc gian truân, Ta sẽ cứu gỡ và làm vinh dự cho người.
BÀI ĐỌC II: Rm 10, 8-13
"Kẻ tin tưởng tuyên xưng đức tin trong Chúa Kitô".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, Thánh Kinh nói gì? Lời ở kề trong miệng và trong lòng ngươi. Đó là lời đức tin mà chúng tôi rao giảng. Vì nếu miệng ngươi tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng ngươi tin rằng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, thì ngươi sẽ được rỗi. Quả thế, tin trong lòng thì sẽ được công chính, tuyên xưng ngoài miệng sẽ được cứu rỗi. †Vì Thánh Kinh đã có nói: "Hễ ai tin vào Người sẽ không phải hổ thẹn". Bởi lẽ không có sự phân biệt người Do-thái và Hy-lạp: Vì là cùng một Chúa của mọi người, Ngài rộng rãi đối với tất cả mọi người khẩn xin cùng Ngài. Vì mọi kẻ cầu khẩn Danh Ngài, đều được cứu độ. Đó là lời Chúa.



CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Mt 4,4b
Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

PHÚC ÂM: Lc 4, 1-13
"Thánh Thần thúc đẩy Chúa vào hoang địa, và chịu cám dỗ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi". Chúa Giêsu đáp: "Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa".
Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: "Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!" Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi".
Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường cao đền thờ và bảo rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: "Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!" Và còn thêm rằng: "Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá". Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!" Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác. Đó là lời Chúa.

CHÚA NHẬT TUẦN 1 MC – A

Lc 4,1-13
Chúa cũng bị cám dỗ
Chúa Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.” (Lc 4,4)
Suy niệm: Mặc dù là Con Thiên Chúa, nhưng trong thân phận con người, Chúa Giê-su cũng vẫn bị ma quỉ cám dỗ. Đáng lưu ý là ma quỉ tấn công Chúa bằng những cơn cám dỗ không khác những gì chúng ta vẫn mắc phải: - cám dỗ về thoả mãn những nhu cầu: biến đá thành bánh; - cám dỗ thể hiện quyền lực: thống trị thế giới; - cám dỗ tận hưởng danh vọng: phô trương quyền năng bằng phép lạ.
Ông bà tổ tông loài người cũng đã bị cám dỗ như thế và đã thất bại. Chúng ta cũng vẫn bị cám dỗ như thế, và không ít lần chúng ta đã thất bại. Bí quyết của Chúa Giê-su là : “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không nguyên bởi bánh, mà còn bằng Lời Chúa nữa”.
Mời Bạn: Tìm hiểu phương pháp Chúa Giê-su chiến đấu và chiến thắng cám dỗ: – yêu mến Chúa Cha – nhận biết và thi hành thánh ý Chúa Cha – đọc và suy niệm Lời Chúa để biết thánh ý Chúa. Bạn có muốn chiến thắng cám dỗ như Chúa Giê-su đã làm không? Hãy noi gương Người, hay đúng hơn, hãy cùng với Người chiến đấu.
Chia sẻ: Cám dỗ của chúng ta trong thời đại ngày nay thường xảy ra dưới hình thức nào? Thảo luận về chiến thuật của Chúa Giêsu chống lại cám dỗ.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành thời gian để đọc và suy niệm Lời Chúa và chiêm ngắm cung cách hành động của Chúa Giêsu. Và bạn nhớ thực hiện theo Lời Chúa dạy nhé.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con trong cuộc sống, vì Lời Ngài là sức sống của con.







CHÚA NHẬT 17/2/2013 TUẦN I MÙA CHAY NĂM C,Bảy Vị Sáng Lập Dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ (thế kỷ 13)


Bảy Vị Sáng Lập Dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ
(thế kỷ 13) 

Có thể nào bạn tưởng tượng được có bảy người nổi tiếng của thành phố Saigon hoặc Hoa Thịnh Ðốn cùng tụ nhau lại, từ giã gia đình sự nghiệp và sống cô độc trong một cuộc đời tận hiến cho Thiên Chúa không? Ðiều đó đã xảy ra trong thế kỷ XIII, ở thành phố Florence phồn thịnh và văn vật. Lúc ấy, thành phố này tan nát vì tranh chấp chính trị cũng như vì lạc giáo Cathari (trong những điều lầm lạc, họ cho rằng ma quỷ là chúa đối nghịch và Ðức Giêsu chỉ là một thiên thần). Ðời sống luân lý thời ấy thật thấp và tôn giáo dường như không có ý nghĩa gì.
Năm 1240, bảy người quý phái của Florence cùng quyết định ra khỏi thành phố đến một nơi cô quạnh để cầu nguyện và phục vụ Thiên Chúa. Sự khó khăn đầu tiên của họ là việc cấp dưỡng cho thân nhân, vì hai người vẫn còn lập gia đình và hai người nữa goá vợ.
Mục đích của họ là sống ăn năn đền tội và cầu nguyện, nhưng không bao lâu họ bị quấy rầy bởi những người hiếu kỳ đến từ Florence. Sau đó họ di chuyển đến một nơi vắng vẻ khác là sườn núi Senario.
Năm 1244, dưới sự linh hướng của Cha Phêrô ở Verona, O.P. (sau này được phong thánh), nhóm này theo thói quen đạo đức tương tự như của các cha Ða Minh, sống dưới quy luật của Thánh Augustine và lấy tên là Tôi Tớ Ðức Maria. Tu hội này có hình thức tổ chức giống như các tu sĩ khất thực hơn là các đan viện thời xưa.
Năm 1852, các thành viên của tu hội từ Áo đến Hoa Kỳ và định cư ở Nữu Ước, sau đó ở Philadelphia. Hai tỉnh dòng Hoa Kỳ được phát triển từ một tổ chức nhỏ bé của Cha Austin Morini được thành lập ở Wisconsin năm 1870.
Các thành viên của tu hội phối hợp giữa đời sống đan viện và sự hoạt động tích cực. Trong đan viện, họ sống đời cầu nguyện, làm việc và giữ thinh lặng nhưng trong công tác tông đồ họ tham dự các công việc của giáo xứ, dạy học, rao giảng và các sứ vụ khác.
Lời Bàn
Thời gian mà bảy vị sáng lập dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ sinh sống cũng rất giống như hoàn cảnh mà chúng ta đang sống hiện nay. Ðó là "thời gian tốt nhất và xấu nhất." Có lẽ nhiều người cảm thấy như bị lôi cuốn đến một cuộc sống phi văn hóa, ngay cả phi tôn giáo. Trong một phương cách mới hơn và khẩn thiết hơn, tất cả chúng ta đều phải đối diện với những thử thách của một cuộc đời mà tâm điểm là Ðức Kitô.
Lời Trích
"Mọi tu hội hãy loan truyền tin mừng của Ðức Kitô trên toàn thế giới bằng đức tin chính trực, bằng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, bằng sự thành tâm với Thánh Giá và qua niềm hy vọng vào sự vinh hiển tương lai... Do đó, với lời cầu bầu mạnh mẽ của Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, mà 'cuộc đời ngài là quy luật cho mọi đời sống,' các cộng đồng tôn giáo sẽ cảm nghiệm sự gia tăng về số lượng, và sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp mà từ đó dẫn đến sự cứu độ" (Sắc Lệnh về Ðời Sống Tu Trì, 25).

Trích từ NguoiTinHuu.com