Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

Chúa Nhật Mùa Phục Sinh Năm B"Người phải sống lại từ cõi chết".

Chúa Nhật Mùa Phục Sinh Năm B


PHÚC ÂM: Ga 20, 1-9


"Người phải sống lại từ cõi chết".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu". Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

Cầu nguyện:




Lạy Chúa Giêsu phục sinh


xin ban cho con sự sống của Chúa, sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.

Xin ban cho con bình an của Chúa, bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.

Xin ban cho con niềm vui của Chúa, niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.

Xin ban cho con hy vọng của Chúa, hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.

Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa, Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.Amen.

Thứ Bảy Tuần Thánh - Canh thức vượt qua - Lễ vọng Phục Sinh

           Loan truyền tin vui Chúa phục sinh




GX Tân Việt thứ sáu tuần Thánh



Thứ Bảy Tuần Thánh - Canh thức vượt qua - Lễ vọng Phục Sinh





Lời Chúa: Lc 24,1-12



"Các bà tường thuật lại tất cả sự việc cho mười một Tông đồ và các người khác." (Lc 24,9)


1 Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mồ mang theo những thuốc thơm đã dọn sẵn. 2 Thấy hòn đá đã lăn ra khỏi mồ, 3 nhưng bước vào, các bà không thấy xác Chúa Giêsu. 4 Đang khi các bà còn ngơ ngác không hiểu việc đó, thì có hai người đứng gần các bà, y phục sáng chói. 5 Các bà kinh hãi cắm mặt xuống đất, thì hai người lên tiếng bảo: "Tại sao các bà tìm người sống nơi những kẻ chết? 6 Người không còn ở đây. Người đã sống lại, các bà hãy nhớ lại Người đã nói với các bà thế nào khi Người còn ở xứ Galilêa. 7 Người đã nói: Con Người phải bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi, bị đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba sẽ sống lại". 8 Và các bà nhớ lại những lời Người đã nói.


9 Bỏ mồ đi về, các bà tường thuật lại tất cả sự việc cho mười một Tông đồ và các người khác. 10 Các bà đó là Maria Mađalêna, Gioanna, Maria mẹ Giacôbê; và những người nữ khác cùng đi với họ cũng nói như vậy với các tông đồ. 11 Nhưng những lời đó, các ông cho là truyện vớ vẩn, nên các ông không tin. 12 Dầu vậy Phêrô cũng đứng dậy chạy ra mồ, nhưng khi cúi xuống nhìn, ông chỉ thấy những khăn liệm nằm đó và ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự đã xảy ra.

Cầu nguyện:

Sự Phục Sinh của Chúa là một lời mời gọi mang một sức thu hút mãnh liệt khiến con đổi cái nhìn về cuộc đời: nhìn tất cả từ trên cao để nhận ra giá trị thực sự của từng thụ tạo.
Sự Phục Sinh của Chúa giúp con dám sống tận tình hơn với Chúa và với mọi người. Và con hiểu mình chẳng mất gì, nhưng lại được tất cả.

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Thứ sáu Tuần Thánh

GX Tân Việt : Thánh lễ tiệc ly, nghi thức rửa chân



Thứ sáu Tuần Thánh







Thứ Sáu Tuần Thánh

Kiểu Kitô giáo
Ý nghĩa kỷ niệm sự đóng đinh chịu khổ và cái chết của Chúa Giêsu Kitô
Ngày thứ sáu ngay trước Chúa Nhật Phục Sinh
Tổ chức Không có lễ kỷ niệm truyền thống
Hoạt động phục vụ thờ phượng, cầu nguyệnThánh lễ, ăn chay, làm việc từ thiện


Thứ sáu Tuần Thánh (hay Thứ sáu Tốt lành) là một ngày lễ diễn ra vào Thứ sáu trước Lễ Phục Sinh. Lễ này kỷ niệmsự đóng đinh vào thập giá và sự chết của Chúa Giêsu tại Canvary (Can-vê).

Thứ sáu Tuần Thánh là một ngày lễ linh thiêng đối với người theo Kitô giáo. Đặc biệt vào ngày này, cầu nguyện thường được coi trọng với việc đọc những đoạn Phúc âm viết về những sự việc dẫn tới sự đóng đinh Giêsu vào Thánh giá. Kitô giáo nhìn sự đóng đinh vào Thánh giá là một hành động tự nguyện và được trao phó của Giêsu, và bởi đó, cùng với việc phục sinh vào ngày thứ ba, đã chiến thắng sự chết.

Giáo hội Công giáo Rôma, ngày này được chỉ định giữ chay và kiêng thịt tức là chỉ có một bữa ăn đầy đủ hay hai bữa nhỏ. Ở Mỹ, đây không phải một ngày kiêng làm việc, tuy nhiên, người ta chỉ làm việc cho đến khi bắt đầu việc phụng tự buổi chiều. Ở Mỹ Latinh, mọi tín đồ Công giáo kiêng làm việc vào ngày này (cũng như Thứ năm Tuần Thánh). Vào buổi chiều, nghi thức được bắt đầu khoảng từ ba giờ chiều, tương ứng với thời gian Chúa Giêsu chết được viết trong Phúc âm. Một số nước, ngày này là một ngày nghỉ chính thức - bao gồm một loạt việc đọc và suy niệm Kinh Thánh. Trong nghi lễ Latinh truyền thống, một linh mục sẽ đọc đoạn Phúc âm viết về Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu cùng với ba người trợ tế. Không giống việc phụng tự vào những ngày khác, vào Thứ sáu Tuần Thánh, những tấm khăn màu tím bao trùm các ảnh tượng, và một cây Thánh giá đặt gần bàn thờ để tín đồ có cơ hội để tôn kính. Việc phụng tự truyền thống là bao gồm một loạt những nghi lễ có hình thức long trọng và có xu hướng cổ truyền bền bỉ, ít có sự cải biến, thậm chí trải qua thời gian dài.





Phục dựng Đàng Thánh Giá và cuộc khổ nạn của Chúa tạiStuttgart, Đức năm 2004

Tại vài quốc gia Tây Phương như tại ĐứcThụy Sĩ, ngày thứ Sáu Tuần Thánh cũng là ngày nghỉ lễ chính thức (bên cạnh Chủ nhật Phục Sinh và Thứ hai kế tiếp cũng là ngày nghỉ lễ chính thức có trả lương), vào ngày Thứ sáu Tuần Thánh này, những nơi vui chơi, rạp hát, tiệm buôn đều đóng cửa và cấm khiêu vũ, thi đấu thể thao để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa. Ở ÁoLuxembourg, ngày Thứ Sáu này chỉ là ngày nghỉ lễ chính thức dành cho Tín hữu Tin Lành. Theo quy định của Giáo hội Công giáo Rôma thì ngày Thứ sáu Tuần Thánh buộc các tín hữu từ 14 đến 60 tuổi phải giữ chay và kiêng thịt.

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Thứ Sáu Tuần Thánh - Mọi sự hoàn tất



Ý NGHĨA TAM NHẬT THÁNH


Trong bài huấn dụ tại đại thính đường Phaolo VI, dịp tiếp kiến chung ngày 19.3.2008, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã đề cập đến ý nghĩa của Tam Nhật Tuần Thánh. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:
Anh chị em thân mến chúng ta đang đứng trước Tam Nhật Thánh. Ba ngày sắp tới thường được gọi là ”thánh” vì chúng khiến cho chúng ta sống trở lại biến cố chính của ơn cứu độ; thật thế chúng dẫn đưa chúng ta vào trong nhân tố của lòng tin Kitô: là cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Đó là những ngày mà chúng ta có thể coi như một ngày duy nhất: vì chúng là trọng tâm của toàn năm phụng vụ cũng như của đời sống Giáo Hội. Kết thúc con đường Mùa Chay chúng ta cũng chuẩn bị bước vào chính bầu khí mà Chúa Giêsu đã sống khi xưa tại Giêrusalem. Chúng ta muốn khơi dậy ký ức sống động các khổ đau mà Chúa đã chịu vì chúng ta và chuẩn bị cử hành Chúa Nhật tới đây với niềm vui lễ Vượt Qua đích thực, mà Máu Chúa Kitô đã bao phủ bằng vinh quang, lễ Vượt Qua trong đó Giáo Hội cử hành Lễ ”nguồn gốc của mọi lễ”, như khẳng định trong Kinh Tiền Tụng ngày lễ Phục Sinh theo nghi thức thánh Ambrosio.



Thứ Năm kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu thành lập bí tích Thánh Thể và chức Linh Mục thừa tác.




Tiếp theo đó Đức Thánh Cha trình bày ý nghĩa Tam Nhật Thánh. Trước hết là Thứ Năm kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu thành lập bí tích Thánh Thể và chức Linh Mục thừa tác.

Trong đêm đó Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một điều răn mới là điều răn của tình yêu thương huynh đệ. Trước khi bước vào Tam Nhật Thánh, sáng thứ năm cộng đoàn giáo phận cử hành lễ làm phép dầu, trong đó vị Giám Mục và các linh mục giáo phận canh tân các lời hứa ngày thụ phong.

Cũng có lễ nghi làm phép Dầu: dầu tân tòng, dầu bệnh nhân và dầu thêm sức. Đó là thời điểm quan trọng đối với cuộc sống của mọi cộng đoàn giáo phận, quây quần chung quanh vị chủ chăn của mình để củng cố sự hiệp nhất và lòng trung thành với Chúa Kitô, Thượng Tế đời đời duy nhất. Vào ban chiều Giáo Hội cử hành Bữa Tiệc Ly của Chúa, trong đó Chúa Kitô tự hiến mình cho chúng ta như lương thực cứu độ, như thần dược của sự bất tử: đó là mầu nhiệm Thánh Thể, suối nguồn và tuyệt đỉnh của cuộc sống Kitô. Trong Bí tích cứu độ này Chúa cống hiến và hiện thực cho tất cả những ai tin nơi Người sự hiệp thông thân tình nhất có thể có giữa cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của Người. Với cử chỉ khiêm tốn và ý nghĩa của lễ nghi rửa chân chúng ta được mời gọi nhớ lại điều Chúa đã làm cho các Tông Đồ: khi rửa chân cho các vị Người tuyên bố một cách cụ thể quyền tối thượng của tình yêu thương, tình yêu thương biến thành sự phục vụ và trao ban chính mình, qua đó Chúa diễn tả trước hy lễ tuyệt đỉnh của cuộc sống mình, hao mòn đi ngày hôm sau đó trên núi Sọ. Theo một truyền thống rất đẹp, tín hữu kết thúc Thứ Năm Thánh với một buổi canh thức cầu nguyện và chầu Thánh Thể để sống trở lại một cách thân tình hơn cuộc hấp hối của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu.


Thứ Sáu Thánh


Thứ Sáu Thánh là ngày tưởng niệm cuộc khổ nạn đóng đanh và cái chết của Chúa Giêsu. Trong ngày này phụng vụ Giáo Hội không cử hành thánh lễ, nhưng cộng đoàn Kitô tụ tập nhau để suy niệm về mầu nhiệm sự dữ và tội lỗi đàn áp nhân loại, và để bước theo các khổ đau của Chúa đền bù sự dữ đó, dưới ánh sáng Lời Chúa và các cử chỉ phụng vụ. Sau khi nghe trình thuật cuộc khổ nạn của Chúa Kitô cộng đoàn cầu nguyện cho tất cả mọi nhu cầu của Giáo Hội và của thế giới, thờ lậy Thánh Giá và rước Mình Thánh Chúa đã được giữ lại trong thánh lễ chiều Thứ Năm. Tiếp đến Đức Thánh Cha đề cập tới nhiều thói quen đạo đức của truyền thống Kitô trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh như sau:

Như là lời mời gọi sau cùng suy tư về cuộc khổ nạn và cái chết của Đấng Cứu Chuộc và để diễn tả tình yêu thương và việc tham dự của tín hữu vào các nỗi khổ đau của Chúa Kitô, truyền thống Kitô đã làm nảy sinh ra nhiều hình thái đạo đức bình dân, như các cuộc rước kiệu và diễn tuồng thương khó, nhằm ngày càng ghi đậm dấu trong tâm hồn tín hữu các tâm tình tham dự thực sự vào hy tế cứu độ của Chúa Kitô. Trong số các thói quen đạo đức ấy có việc đi đàng Thánh Giá. Theo dòng thời gian thói quen này có thêm nhiều kiểu diễn tả tinh thần và nghệ thuật phong phú gắn liền với các nền văn hóa khác nhau. Vì thế tại nhiều nước nảy sinh ra các đền thánh gọi là Núi Sọ, có đường đi lên dốc dác nhắc nhớ lại con đường đớn đau của cuộc Khổ Nạn, và giúp tín hữu tham dự vào cuộc đi lên Núi Thập Giá Chúa, Núi Tình Yêu Thương cho đến tột cùng.


Ngày Thứ Bẩy Thánh 


Ngày Thứ Bẩy Thánh ghi đậm dấu của sự thinh lặng sâu thẳm. Các nhà thờ trống trơn và không có các lễ nghi phụng vụ đặc biệt.Trong khi chờ đợi biến cố Phục Sinh, các tín hữu kiên trì cùng Mẹ Maria cầu nguyện và suy niệm. Thật thế, cần phải có một ngày thinh lặng để suy tư về thực tại cuộc sống con người, về sức mạnh của sự dữ và sức mạnh của sự thiện nảy sinh từ cuộc Khổ Nạn và sự Phục Sinh của Chúa. Trong ngày này tín hữu đi lãnh nhận bí tích hòa giải để thanh tẩy tâm lòng và chuẩn bị cử hành lễ Phục Sinh. Ít nhất một năm một lần chúng ta cần đến sự thanh tẩy nội tâm này để canh tân chính mình.

Ngày Thứ Bẩy của thinh lặng, suy niệm, tha thứ và hòa giải này kết thúc với Buổi Canh thức vọng Phục Sinh, dẫn đưa vào Chúa Nhật quan trọng nhất của lịch sử, là Chúa Nhật Phục Sinh của Chúa Kitô. Giáo Hội canh thức bênlửa mới làm phép và suy niệm về lời hứa vĩ đại trong Cựu Ước và Tân Ước lời hứa giải phóng con người vĩnh viễn khỏi sự nô lệ tội lỗi và cái chết. Trong đêm tối nến phục sinh, biểu tượng cho Chúa Kitô sống lại khải hoàn được thắp lên từ lửa mới. Chúa Kitô ánh sáng của nhân loại đánh tan tối tăm của tâm lòng và trí khôn và soi sáng mọi người vào trần gian.

Bên cạnh nến phục sinh vang lên trong Giáo Hội lời loan báo phục sinh: Chúa Kitô đã thực sự sống lại, cái chết không còn quyền lực nào trên Người nữa. Với cái chết của mình Người đã vĩnh viễn đánh bại sự dữ và trao ban chính sự sống của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Do truyền thống cổ xưa trong lễ Vọng Phục Sinh các tân tòng lãnh nhận bí tích Rửa Tội để nêu bật sự tham dự của Kitô hữu vào mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Từ đêm Phục Sinh rạng ngời niềm vui ánh sáng và hòa bình của Chúa Kitô tỏa lan trong cuộc sống của tín hữu mọi cộng đoàn và đến với mọi điểm của không gian và thời gian.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Trong các ngày đặc biệt này chúng ta hãy lập lại hai tiếng xin vâng với thánh ý Chúa như Chúa Giêsu đã nói với hy lễ thập giá. Các lễ nghi của Tam Nhật Thánh và buổi Vọng Phục Sinh cống hiến cho chúng ta cơ may đào sâu ý nghĩa và giá trị của ơn gọi Kitô, nảy sinh từ Mầu Nhệm Phục Sinh và cụ thể hóa nó trong việc theo Chúa Kitô trong mọi trạng huống cuộc đời, cho đến hy sinh mạng sống chúng ta như Người đã hy sinh.

Kỷ niệm các mầu nhiệm của Chúa Kitô cũng có nghĩa là sống gắn bó liên đới sâu đậm với ngày hôm nay của lịch sử, vì xác tín rằng những gì chúng ta cử hành là thực tại sống động và thời sự. Vì thế chúng ta hãy đem vào trong lời cầu nguyện của chúng ta các sự kiện và tình hình thê thảm trong các ngày này đang gây khổ đau cho biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta khắp nơi trên thế giới. Chúng ta biết rằng sự thù hận, các chia rẽ, bạo lực đã không bao giờ có tiếng nói cuối cùng trong các biến cố lịch sử. Trong những ngày này chúng ta hãy làm sống dậy nơi mình niềm hy vọng: Chúa Kitô chịu đóng đanh đã sống lại và chiến thắng trần gian. Tình yêu thương mạnh hơn thù hận. Nó đã chiến thắng và chúng ta cũng phải liên kết với tình yêu thương. Chúng ta phải tái khởi hành từ Chúa Kitô và làm việc với Người trong sự hiệp thông để tạo dựng một thế giới xây dựng trên hòa bình, công lý và tình yêu thương.(Internet)


Mọi sự hoàn tất






Thứ Sáu Tuần Thánh - Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa
Lời Chúa: Ga 18,1--19,42


LM: Bài Thương Khó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Gioan.

NK: Khi ấy, Chúa Giêsu đi với môn đệ sang qua suối Xêrông, ở đó có một khu vườn, Người vào đó cùng với các môn đệ. Giuđa, tên phản bội, đã biết rõ nơi đó, vì Chúa Giêsu thường đến đấy với các môn đệ. Nên Giuđa dẫn tới một toán quân cùng với vệ binh do các thượng tế và biệt phái cấp cho, nó đến đấy với đèn đuốc và khí giới. Chúa Giêsu đã biết mọi sự sẽ xảy đến cho Mình, nên Người tiến ra và hỏi chúng:

LM: "Các ngươi tìm ai?"

NK: Chúng thưa lại:

M-DC: "Giêsu Nadarét".

NK: Chúa Giêsu bảo:

LM: "Ta đây".

NK: Giuđa là kẻ định nộp Người cũng đứng đó với bọn chúng. Nhưng khi Người vừa nói "Ta đây", bọn chúng giật lùi lại và ngã xuống đất. Người lại hỏi chúng:

LM: "Các ngươi tìm ai?"

NK: Chúng thưa:

M-DC: "Giêsu Nadarét".

NK: Chúa Giêsu đáp lại:

LM: "Ta đã bảo các ngươi rằng Ta đây! Vậy nếu các ngươi tìm bắt Ta, thì hãy để cho những người này đi".

NK: Như thế là trọn lời đã nói: Con chẳng để mất người nào trong những kẻ Cha đã trao phó cho Con. Bấy giờ Simon Phêrô có sẵn thanh gươm, liền rút ra đánh tên đầy tớ vị thượng tế, chém đứt tai bên phải. Đầy tớ ấy tên là Mancô. Nhưng Chúa Giêsu bảo Phêrô rằng:

LM: "Hãy xỏ gươm vào bao. Chén Cha Ta đã trao lẽ nào Ta không uống!"

NK: Bấy giờ, toán quân, trưởng toán và vệ binh của người Do-thái bắt Chúa Giêsu trói lại, và điệu Người đến nhà ông Anna trước, vì ông là nhạc phụ của Caipha đương làm thượng tế năm ấy. Chính Caipha là người đã giúp ý kiến này cho người Do-thái: để một người chết thay cho cả dân thì lợi hơn. Còn Phêrô và môn đệ kia vẫn theo Chúa Giêsu. Môn đệ sau này quen vị thượng tế nên cùng với Chúa Giêsu vào trong sân vị thượng tế, còn Phêrô đứng lại ngoài cửa. Vì thế, môn đệ kia là người quen với vị thượng tế, nên đi ra nói với người giữ cửa và dẫn Phêrô vào. Cô nữ tì gác cửa liền bảo Phêrô:

M-DC: "Có phải ông cũng là môn đệ của người đó không?"

NK: Ông đáp:

M-DC: "Tôi không phải đâu".

NK: Đám thủ hạ và vệ binh có nhóm một đống lửa và đứng đó mà sưởi vì trời lạnh, Phêrô cũng đứng sưởi với họ. Vị thượng tế hỏi Chúa Giêsu về môn đệ và giáo lý của Người. Chúa Giêsu đáp:

LM: "Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ, Tôi thường giảng dạy tại hội đường và trong đền thờ, nơi mà các người Do-thái thường tụ họp, Tôi không nói chi thầm lén cả. Tại sao ông lại hỏi Tôi? Ông cứ hỏi những người đã nghe Tôi về những điều Tôi đã giảng dạy. Họ đã quá rõ điều Tôi nói".

NK: Nghe vậy, một tên vệ binh đứng đó vả mặt Chúa Giêsu mà nói:

M-DC: "Anh trả lời vị thượng tế như thế ư".

NK: Chúa Giêsu đáp:

LM: "Nếu Ta nói sai, hãy chứng minh điều sai đó; mà nếu Ta nói phải, thì tại sao anh lại đánh Ta?"

NK: Rồi Anna cho giải Người vẫn bị trói đến cùng vị thượng tế Caipha. Lúc ấy Phêrô đang đứng sưởi. Họ bảo ông:

M-DC: "Có phải ông cũng là môn đệ người đó không?"

NK: Ông chối và nói:

M-DC: "Tôi không phải đâu".

NK: Một tên thủ hạ của vị thượng tế, có họ với người bị Phêrô chém đứt tai, cãi lại rằng:

M-DC: "Tôi đã chẳng thấy ông ở trong vườn cùng với người đó sao?"

NK: Phêrô lại chối nữa, và ngay lúc đó gà liền gáy.
Bấy giờ họ điệu Chúa Giêsu từ nhà Caipha đến pháp đình. Lúc đó tảng sáng và họ không vào pháp đình để khỏi bị nhơ bẩn và để có thể ăn Lễ Vượt Qua. Lúc ấy Philatô ra ngoài để gặp họ và nói:

M-DC: "Các ngươi tố cáo người này về điều gì".

NK: Họ đáp:

M-DC: "Nếu hắn không phải là tay gian ác, chúng tôi đã không nộp cho quan".

NK: Philatô bảo họ:

M-DC: "Các ông cứ bắt và xét xử theo luật của các ông".

NK: Nhưng người Do-thái đáp lại:

M-DC: "Chúng tôi chẳng có quyền giết ai cả".

NK: Thế mới ứng nghiệm lời Chúa Giêsu đã nói trước: Người sẽ phải chết cách nào. Bấy giờ Philatô trở vào pháp đình gọi Chúa Giêsu đến mà hỏi:

M-DC: "Ông có phải là Vua dân Do-thái không?"

NK: Chúa Giêsu đáp:

LM: "Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?"

NK: Philatô đáp:

M-DC: "Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?"

NK: Chúa Giêsu đáp:

LM: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng nước tôi không thuộc chốn này".

NK: Philatô hỏi lại:

M-DC: "Vậy ông là Vua ư?"

NK: Chúa Giêsu đáp:

LM: "Quan nói đúng: Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng tôi".

NK: Philatô bảo Người:

M-DC: "Chân lý là cái gì?"

NK: Nói lời này xong, ông lại ra gặp người Do-thái và bảo họ:

M-DC: "Ta không thấy nơi người này có lý do để khép án. Nhưng theo tục lệ các ngươi, ta sẽ phóng thích cho các ngươi một tù nhân vào dịp Lễ Vượt Qua. Vậy các ngươi có muốn ta phóng thích Vua Do-thái cho các ngươi chăng?"

NK: Họ liền la lên:

M-DC: "Không phải tên đó, nhưng là Baraba".

NK: Baraba là một tên cướp. Bấy giờ Philatô truyền đem Chúa Giêsu đi mà đánh đòn Người. Binh sĩ kết một triều thiên bằng gai nhọn đội lên đầu Người, và chúng mặc cho Người một áo đỏ. Rồi chúng đến gần Người và nói:

M-DC: "Tâu Vua Do-thái!"

NK: Và vả mặt Người. Philatô lại ra ngoài và nói:

M-DC: "Đây ta cho dẫn người ấy ra ngoài cho các ngươi để các ngươi biết rằng ta không thấy nơi người ấy một lý do để kết án".

NK: Bấy giờ Chúa Giêsu đi ra, đội mão gai và khoác áo đỏ. Philatô bảo họ:

M-DC: "Này là Người".

NK: Vừa thấy Người, các thượng tế và vệ binh liền la to:

M-DC: "Đóng đinh nó vào thập giá! Đóng đinh nó vào thập giá!"

NK: Philatô bảo họ:

M-DC: "Đấy các ngươi cứ bắt và đóng đinh ông vào thập giá, phần ta, ta không thấy lý do nào kết tội ông".

NK: Người Do-thái đáp lại:

M-DC: "Chúng tôi đã có luật, và theo luật đó nó phải chết, vì nó tự xưng là Con Thiên Chúa".

NK: Nghe lời đó Philatô càng hoảng sợ hơn. Ông trở vào pháp đình và nói với Chúa Giêsu:

M-DC: "Ông ở đâu đến?"

NK: Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại câu nào. Bấy giờ Philatô bảo Người:

M-DC: "Ông không nói với ta ư? Ông không biết rằng ta có quyền đóng đinh ông vào thập giá và cũng có quyền tha ông sao?"

NK: Chúa Giêsu đáp:

LM: "Quan chẳng có quyền gì trên tôi, nếu từ trên không ban xuống cho, vì thế nên kẻ nộp tôi cho quan, mắc tội nặng hơn".

NK: Từ lúc đó Philatô tìm cách tha Người. Nhưng người Do-thái la lên:

M-DC: "Nếu quan tha cho nó, quan không phải là trung thần của Xêsa, vì ai xưng mình là vua, kẻ đó chống lại Xêsa".

NK: Philatô vừa nghe lời đó, liền cho điệu Chúa Giêsu ra ngoài rồi ông lên ngồi toà xử, nơi gọi là Nền đá, tiếng Do-thái gọi là Gabbatha. Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu ngày chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Philatô bảo dân:

M-DC: "Đây là vua các ngươi".

NK: Nhưng họ càng la to:

M-DC: "Giết đi! Giết đi! Đóng đinh nó đi!"

NK: Philatô nói:

M-DC: "Ta đóng đinh vua các ngươi ư?"

NK: Các thượng tế đáp:

M-DC: "Chúng tôi không có vua nào khác ngoài Xêsa".

NK: Bấy giờ quan giao Người cho họ đem đóng đinh. Vậy họ điệu Chúa Giêsu đi. Và chính Người vác thập giá đến nơi kia gọi là Núi Sọ, tiếng Do-thái gọi là Golgotha. Ở đó họ đóng đinh Người trên thập giá cùng với hai người khác nữa: mỗi người một bên, còn Chúa Giêsu thì ở giữa. Philatô cũng viết một tấm bảng và sai đóng trên thập giá. Bảng mang những hàng chữ này: "Giêsu, Nadarét, vua dân Do-thái". Nhiều người Do-thái đọc được bảng đó, vì nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh thì gần thành phố, mà bảng viết thì bằng tiếng Do-thái, Hy-lạp và La-tinh. Vì thế các thượng tế đến thưa với Philatô:

M-DC: Xin đừng viết "Vua dân Do Thái", nhưng nên viết: "Người này đã nói: 'Ta là vua dân Do-thái'".

NK: Philatô đáp:

M-DC: "Điều ta đã viết là đã viết".

NK: Khi quân lính đã đóng đinh Chúa Giêsu trên thập giá rồi thì họ lấy áo Người chia làm bốn phần cho mỗi người một phần, còn cái áo dài là áo không có đường khâu, đan liền từ trên xuống dưới. Họ bảo nhau:

M-DC: "Chúng ta đừng xé áo này, nhưng hãy rút thăm xem ai được thì lấy".

NK: Hầu ứng nghiệm lời Kinh Thánh: "Chúng đã chia nhau các áo Ta và đã rút thăm áo dài của Ta". Chính quân lính đã làm điều đó. Đứng gần thập giá Chúa Giêsu, lúc đó có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria, vợ ông Clopas và Maria Mađalêna. Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng:

LM: "Hỡi Bà, này là con Bà".

NK: Rồi Người lại nói với môn đệ:

LM: "Này là Mẹ con".

NK: Và từ giờ đó môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình. Sau đó, vì biết rằng mọi sự đã hoàn tất, để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, Chúa Giêsu nói:

LM: "Ta khát!"

NK: Ở đó có một bình đầy dấm. Họ liền lấy miếng bông biển thấm đầy dấm cắm vào đầu ngành cây hương thảo đưa lên miệng Người. Khi đã nếm dấm rồi, Chúa Giêsu nói:

LM: "Mọi sự đã hoàn tất".

NK: Và Người gục đầu xuống trút hơi thở cuối cùng.

LM: (Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

NK: Hôm đó là ngày chuẩn bị lễ: để tội nhân khỏi treo trên thập giá trong ngày Sabbat, vì ngày Sabbat là ngày đại lễ, nên người Do-thái xin Philatô cho đánh dập ống chân tội nhân và cho cất xác xuống. Quân lính đến đánh dập ống chân của người thứ nhất và người thứ hai cùng chịu treo trên thập giá với Người. Nhưng lúc họ đến gần Chúa Giêsu, họ thấy Người đã chết, nên không đánh dập ống chân Người nữa, tuy nhiên một tên lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người; tức thì máu cùng nước chảy ra. Kẻ đã xem thấy thì đã minh chứng, mà lời chứng của người đó chân thật, và người đó biết rằng mình nói thật để cho các người cũng tin nữa. Những sự việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: "Người ta sẽ không đánh dập một cái xương nào của Người". Lời Kinh Thánh khác rằng: "Họ sẽ nhìn xem Đấng họ đã đâm thâu qua".

Sau đó, Giuse người xứ Arimathia, môn đệ Chúa Giêsu, nhưng thầm kín vì sợ người Do-thái, xin Philatô cho phép cất xác Chúa Giêsu. Philatô cho phép. Và ông đến cất xác Chúa Giêsu. Nicôđêmô cũng đến, ông là người trước kia đã đến gặp Chúa Giêsu ban đêm. Ông đem theo chừng một trăm cân mộc dược trộn lẫn với trầm hương. Họ lấy xác Chúa Giêsu và lấy khăn bọc lại cùng với thuốc thơm theo tục khâm liệm người Do-thái. Ở nơi Chúa chịu đóng đinh có cái vườn và trong vườn có một ngôi mộ mới, chưa chôn cất ai. Vì là ngày chuẩn bị lễ của người Do-thái và ngôi mộ lại rất gần, nên họ đã mai táng Chúa Giêsu trong mộ đó.



Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con không làm phiền lòng Chúa nữa, để khi hôn thánh giá Chúa, con có thể yêu mến Chúa hết lòng, quyết tâm từ nay sống cho Chúa và vì Chúa. Xin cho con mở miệng nói được khi hôn thánh giá: “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu Chúa.”Amen.

Thứ Năm Tuần Thánh Ý nghĩa việc "Rửa chân" Thánh lễ tiệc ly


Ý nghĩa việc "Rửa chân" trong Thánh Lễ Tiệc Ly - Thứ Năm Tuần Thánh.



Rửa chân là bổn phận phục vụ và là công việc của tôi tớ (hoặc nô lệ). Ngày xưa, tôi tớ phải rửa chân cho chủ. Việt Nam không “lệ” rửa chân, nhưng tôi tớ lại phải khom lưng hoặc nằm xuống cho chủ bước qua.

Rửa chân là một cách phục vụ của tôi tớ. Chúa Giêsu là Thầy và là Chúa nhưng Ngài đã hạ mình để làm việc của tôi tớ mà rửa chân cho người khác, dù Ngài đã xác định: “Tôi tớ không trọng hơn chủ” (Ga 13:16a; Ga 15:20) và “kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga 13:16b). Trước khi các Giáo hoàng ký các văn bản, truyền thống Giáo hội có “cách nói” khiêm nhường thật tuyệt vời: “Tôi tớ của các tôi tớ”.

Có lẽ chân đi nhiều nên phải rửa. Tay muốn phạm tội mà chân không đi thì cũng… “bó tay”. Rửa chân còn có nghĩa là yêu thương, khiêm nhường, phục vụ và tha thứ.

RỬA CHÂN LÀ YÊU THƯƠNG
Trong Phúc âm, thánh Gioan ghi chép lại nghi lễ rửa chân do chính Chúa Giêsu thực hiện vào đêm cuối đời Ngài trên thế gian. Đây là điểm khác so với các Phúc âm nhất lãm. Rửa chân người khác là hành động yêu thương. Nghi thức rửa chân chỉ có trong Phúc âm của thánh Gioan – là “chàng trai trẻ” tự xưng “người môn đệ Chúa yêu” (Ga 13:23; Ga 19:26; Ga 13:23; Ga 20:2; Ga 21:7 & 20), và vì thế mà thánh Gioan cũng rất thích nói về tình yêu. Người rửa chân là “người thực hành yêu thương”, còn người được rửa chân là “người được yêu thương” – và cũng có trách nhiệm yêu thương người khác.

Tình yêu là bản chất của Thiên Chúa, như thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8). Tình yêu ấy là Lòng Thương Xót vô biên của Ngài, là khối tình cuồng si không ai hiểu thấu: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4:10). Tình yêu có lý lẽ riêng của con tim mà lý trí không thể hiểu hết, nó có những nghịch lý vừa “kỳ diệu” vừa “dễ thương” và khả dĩ chấp nhận. Thánh Gioan phân tích: “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Ngài nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (1 Ga 4:12). Đại văn hào Victor Hugo cũng có ý tưởng độc đáo: “Ai khổ vì yêu, hãy yêu hơn nữa. Chết vì yêu là sống trong tình yêu”. Chết vì yêu lại là sống trong tình yêu. Quá ngược đời, và lạ thật! Người đời còn nhận ra như vậy, huống chi Thiên Chúa.

RỬA CHÂN LÀ KHIÊM NHƯỜNG

Người có lòng yêu thương thì luôn sống khiêm nhường. Mà khiêm nhường chính là nền tảng mọi nhân đức. Rửa chân người khác là động thái chứng tỏ sự khiêm nhường, khi chúng ta làm vậy là chúng ta vâng lời mà thực hành mệnh lệnh Chúa Giêsu đã truyền dạy. Chúa Giêsu quan tâm công việc mà người ta cho là hèn hạ đó, thế nên chúng ta cũng phải noi gương mà làm với sự vui vẻ và lòng khiêm nhường, khi đó chúng ta sẽ cảm nghiệm được ý nghĩa sâu xa để hiểu đúng và làm đúng. Ý nghĩa sâu sắc này sẽ giúp chúng ta nhận ra tầm quan trọng của gương Chúa Giêsu đối với chúng ta ngày nay.

Có vẻ lạ khi 3 tác giả phúc âm kia (Mátthêu, Máccô và Luca) tập trung vào Bánh và Rượu mà Chúa Giêsu biến thành Mình Máu Ngài lúc Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể vào chiều tối ngày Thứ Năm Tuần Thánh, buổi tối cuối cùng của đời Ngài. Tông đồ Gioan lại có cái nhìn hoàn toàn khác.


Chúng ta biết rằng “người môn đệ Chúa yêu” ghi lại đầy đủ các hành động và lời nói của Chúa Giêsu, còn các tác giả kia không ghi lại. Câu trả lời có thể đơn giản là Gioan cảm thấy nghi thức rửa chân cần được thuật lại trong Tân ước.
Mặt khác, Gioan có thể nhận thấy có sự nối kết trực tiếp giữa việc rửa chân và “việc làm khác thường” của Đức Kitô trong cuộc đời Ngài, trong cái chết của Ngài và sự sống đời sau.

Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã noi gương Chúa Giêsu một cách trọn vẹn, không chỉ rửa chân cho người khác mà còn cúi xuống hôn chân người được rửa chân. Một động thái “kỳ lạ” gây ấn tượng rất sâu sắc và thật là dễ thương!

RỬA CHÂN LÀ PHỤC VỤ

Người có lòng khiêm nhường thì luôn sẵn sàng phục vụ người khác. Chúa Giêsu xác định: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20:26). Ngài không nói cho có lệ, không nói suông, mà chính Ngài đã nêu gương và xác định: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28).

Nghi thức rửa chân được ghi lại trong Ga 13:1-17 cho chúng ta một cái nhìn mới về tính cách của Đấng Cứu Độ. Khi nào chúng ta áp dụng bài học “độc nhất vô nhị” này trong đời sống, chúng ta sẽ có thể hiểu hơn về lý do có người vẫn cố gắng đi tìm hạnh phúc mà chưa đạt được trọn vẹn, còn có người lại may mắn đầy ắp niềm vui sướng – như người Việt Nam nói: “Sướng từ trong trứng sướng ra” hoặc “đẻ bọc điều”. Đây cũng là một bí ẩn mầu nhiệm của cuộc đời, một dạng “vô cực”.

Chúa Giêsu đã làm công việc mà người ta cho là hèn hạ, đó là rửa chân, nhưng không phải là rửa chân cho người trên mà là rửa chân cho người dưới quyền mình. Rõ ràng là Ngài không muốn được phục vụ mà chỉ muốn phục vụ. Tuy nhiên, đó cũng chính là mệnh lệnh của Ngài: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13:13-16).

Thánh Luca cũng nói đến việc đó trong buổi tối lễ Vượt Qua: “Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất. Đức Giêsu bảo các ông: Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22:24-27).

Qua hành động, Chúa Giêsu cho thấy rõ rằng Ngài không đòi hỏi chúng ta làm gì cho Ngài, dù Ngài là Thủ lĩnh và Đại huynh của chúng ta, đáng lẽ Ngài phải được người khác phục vụ, thế mà Ngài lại phục vụ họ – tức là chúng ta, và Ngài không chỉ muốn mà còn bắt buộc chúng ta phải vui vẻ phục vụ nhau. Như vậy, chắc chắn sự phục vụ là thực chất của việc lãnh đạo.

Chúa Giêsu thích phục vụ, cả đời Ngài rong ruổi khắp nơi để phục vụ người khác – đặc biệt là những người nghèo khổ. Điều này được xác định qua mẩu đối thoại giữa Chúa Giêsu và tông đồ Phêrô trong trình thuật Ga 13:6-10: “Chúa Giêsu đến chỗ ông Phêrô, ông liền thưa với Ngài: “Thưa Chúa, Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”. Chúa Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”. Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!”. Nhưng Chúa Giêsu nói ngay: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”. Vừa sợ không được chung phần vừa khoái chí, ông Phêrô phấn khởi: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân mà cả tay và đầu con nữa”. Chúa Giêsu cười rất hiền: “Ai đã tắm rồi thì không cần phải rửa nữa, toàn thân người ấy đã sạch”. Và Ngài “láy” một câu quan trọng: “Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!”.

RỬA CHÂN LÀ THA THỨ


Người mau mắn phục vụ thì dễ dàng tha thứ. Vì cảm nghiệm được ơn tha thứ nên muốn tha thứ, muốn rửa mình và rửa người khác. Ở đây, động từ “rửa” không chỉ là làm cho sạch mà còn là tha thứ. Phàm cái gì bẩn thì phải rửa, dù bẩn theo nghĩa đen hay nghĩa bóng. Thánh vương Đa-vít cũng đã cầu nguyện: “Xin rửa con sạch hết lỗi lầm; tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51:4).

Rửa sạch là việc cần làm ngay, tha thứ cũng là việc cần làm càng sớm càng tốt và càng nhiều càng tốt. Có lần ông Phêrô hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (Mt 18:21). Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22). Không chỉ vậy, chúng ta còn phải yêu thương, tha thứ, cầu nguyện và làm ơn cho cả kẻ thù nữa (Mt 5:44; Lc 6:27). Khó quá, nhưng không được phép không làm!

Tha thứ mỗi ngày 1 lần cũng khó rồi, nhất là khi “sự xung đột” trầm trọng, huống chi mỗi ngày tha thứ 7 lần. Giáo hoàng Phêrô nghĩ mình có thể tha thứ 7 lần là “ngon” lắm rồi, ai dè… “bị hố”!

Chúng ta thực sự may mắn nên có thể tạ ơn vì luôn tận hưởng hồng ân tha thứ mỗi khi chúng ta cần đến Lòng Thương Xót của Chúa. Nếu chúng ta không biết tha thứ thì chúng ta là người đầy tớ không biết thương xót đồng loại (x. Mt 18:23-35), nghĩa là chúng ta vừa ích kỷ vừa độc ác nên không thể được Thiên Chúa tha thứ!

Lòng Chúa Thương Xót quá lớn nên ơn tha thứ của Ngài cũng vô cùng, vẫn cầu xin Chúa Cha thương chính những kẻ đã dã tâm giết chết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).

TẠM KẾT

Cuối cùng, chúng ta phải ghi nhớ lời Chúa Giêsu nói về việc rửa chân: “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!” (Ga 13:17). Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc thực hành chứ không bảo chúng ta nghe biết cho vui tai.

Ngài chú ý cách thực hành tích cực, và chúng ta chắc chắn sẽ hạnh phúc nếu chúng ta thực hành điều Ngài đã làm. Ngài biết rằng sự đố kỵ, ghen ghét, bực tức, và thiếu lòng tha thứ làm chúng ta bị hạn chế và ngăn cản sự phát triển tâm linh của chúng ta. Nếu chúng ta cho phép những điều đó xảy ra, cuối cùng chúng sẽ hủy diệt chúng ta.

Khi tham dự phụng vụ ngày Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta hãy suy niệm những bài học Chúa Giêsu đã làm, chúng ta sẽ cố gắng khiêm nhường và cảm nghiệm niềm hạnh phúc khi noi gương Thầy Chí Thánh Giêsu trong việc phục vụ nhau bằng cách tha thứ lẫn nhau.

Vậy thì chúng ta đích thực là môn đệ của Chúa Giêsu, như Ngài đã tâm sự: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15:15). Là thân phận tôi tớ, thậm chí chỉ đáng làm nô lệ, thế nhưng chúng ta lại được Chúa Giêsu gọi là bạn hữu và là môn đệ. Còn hạnh phúc nào hơn?!

Lạy Chúa, xin rửa chúng con được sạch. Xin giúp chúng con biết chân thành yêu thương, luôn sống khiêm nhường, vui vẻ phục vụ và mau mắn tha thứ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Yêu đến cùng

Thứ Năm Tuần Thánh - Thánh lễ tiệc ly


Lời Chúa: Ga 13,1-15


"Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng." (Ga 13,1)


1 Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. 2 Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. 3 Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. 4 Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, 5 rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. 6 Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?" 7 Chúa Giêsu đáp: "Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu". 8 Phêrô thưa lại: "Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con". Chúa Giêsu bảo: "Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy". 9 Phêrô liền thưa: "Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa". 10 Chúa Giêsu nói: "Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu". 11 Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: "Không phải tất cả các con đều sạch đâu".

12 Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: "Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? 13 Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. 14 Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. 15 Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con".

Cầu nguyện:

Lạy Thầy Giêsu,
thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.
Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.
Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.
Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.
Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.
Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.
Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,
chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Thứ Tư Tuần Thánh Phản bội


Phản bội


Con người hôm nay thì sao?

Phản bội trong cuộc sống thì đầy dẫy. Từ lời nói, lời hứa, lời thề. Với bản thân và người khác, với xã hội và tôn giáo, với vợ chồng và con cái, với nhau và với Chúa. Phản bội âm thầm cũng như công khai, bằng lời nói cũng như qua ký kết hợp đồng, giao ước. Cho dù giao ước ấy được ký bằng máu, thì vẫn không được an toàn tuyệt đối. Như máu giao ước giữa Thiên Chúa với con người là một ví dụ.

Con người đưa ra đủ mọi lý do để lơ là xao nhãng hay cố tình không thực hiện các giao kèo với nhau và với Chúa. Vì thế mới sinh ra đủ thứ trục trặc, rối ren, đủ thứ đau khổ xảy đến với con người. Người ta thay lòng đổi dạ rất dễ dàng như trở bàn tay. Khi có lợi, khi gặp khó khăn thì dễ dàng phá bỏ lời cam kết. Người ta tìm ra mọi mánh khóe để lường gạt nhau khiến cho chữ tín ngày nay không còn ý nghĩa nữa.

Nếu Chúa hỏi "ta có phản bội không?" Chắc chắn câu trả lời là không. Nhưng thực tế thì khác

Khi được chịu Phép Rửa tội, chúng ta đã thề hứa sẽ quyết tâm trung thành theo đường sự sáng của Chúa, nhưng rồi ta vẫn theo ma quỷ để làm điều xấu.

Có quá nhiều lần con người phản bội, hại nhau, từ lời nói đến hành động khiến nhiều người, nhiều gia đình phải đau khổ, rơi lệ, con cái gặp bất trắc, đói khổ, mồ côi, chia lìa…

Mỗi lần để cho xác thịt nặng nề trở nên hư đốn, thì đó là phản phản bội Chúa, vì thân xác là đền thờ của Chúa Thánh Thần đã trở nên ô uế.

Mỗi lần trộm cắp tham lam, tham nhũng, làm hại tài sản của người khác, thì đó là phản bội Chúa.

Mỗi lần nói hành nói xấu, thêm điều đặt chuyện, thì đó là phản bội Chúa.

Mỗi lần huỷ bỏ giao ước hôn nhân cách bất chính, thì đó phản bội Chúa.

Nhiều và rất nhiều lần con người phản bội nhau, phản bội Chúa. Nhưng điều đáng sợ là con người ngày nay đã dần đánh mất cảm thức về tội, hoặc lương tâm không còn phân biệt được lành dữ nữa, nên dù có làm xấu mà vẫn cho là bình thường, là không quan trọng.

Quả thật, ngày nay con người đang xa rời Thiên Chúa, có tham vọng rất lớn, là muốn giải thiêng tất cả, quyết định tất cả. Con người muốn thay thế Thiên Chúa bằng khả năng của mình. Tự mình định đoạt đời mình và định đoạt vận mệnh thế giới.

Con người muốn sống tự do theo kiểu tôi muốn làm gì thì làm, không muốn bất cứ ý muốn nào của người khác làm áp lực cho mình. Vì thế, dù ý muốn tốt đẹp của Thiên Chúa, thì cũng dễ dàng bị loại ra khỏi cuộc sống con người một cách dễ dàng.

Phêrô, phút cuối đã kịp thời ăn năn sám hối. Ta cũng hãy mau mau sám hối trở về, vì trễ nhưng chưa muộn, muộn nhưng vẫn còn kịp gặp Ngài.

Cái đáng sợ không phải bị người khác lường gạt hay lường người khác, mà là lường gạt chính mình. Từ đó làm thương tổn chính mình, rồi đến huỷ hoại, đánh mất chính mình.

http://cdmedongcong.net/MuaChay/PhanBoi.htm

Thanh Thanh

Thứ Tư Tuần Thánh


Lời Chúa: Mt 26,14-25





"Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!" (Mt 26,24)

14 Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế 15 và thưa với họ: "Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?" Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. 16 Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người.

17 Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn Bánh không men, các môn đệ đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Thầy muốn chúng con sửa soạn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua ở đâu?" 18 Chúa Giêsu đáp: "Các con hãy vào thành đến với một người kia, và nói rằng: Thầy bảo, giờ Ta đã gần, Ta sẽ mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ tại nhà ông". 19 Các môn đệ làm như Chúa Giêsu đã truyền và sửa soạn Lễ Vượt Qua.

20 Chiều đến, Người ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. 21 Và khi các ông đang ăn, Người nói: "Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy". 22 Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi Người: "Thưa Thầy, có phải con không?" 23 Người trả lời: "Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy. 24 Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!"

25 Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có phải con chăng?" Chúa đáp: "Đúng như con nói".

Cầu Nguyện:


Lạy Chúa Giêsu
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện, vì xác tín rằng Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con, Chúa ngàn lần quảng đại hơn con, và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.Amen.

Thứ Ba Tuần Thánh Sa ngã

Sa ngã


Thứ Ba Tuần Thánh

Lời Chúa: Ga 13,21-33.36-38

"Con liều mạng sống vì Thầy ư? Thật, Thầy nói thật cho con biết: trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần." (Ga 13,38)




21 Khi ấy, (Chúa Giêsu đang ngồi ăn với các môn đệ), tâm hồn Người bị xao xuyến, nên Người tuyên bố: "Thật, Thầy nói thật cho các con biết, một người trong các con sẽ nộp Thầy". 22 Các môn đệ nhìn nhau phân vân không biết Người nói về ai. 23 Có một môn đệ được Chúa Giêsu yêu quý, đang ở bàn ăn gần lòng Chúa Giêsu. 24 Vậy Phêrô làm hiệu cho môn đệ ấy và nói: "Hỏi xem Thầy nói về ai đó". 25 Môn đệ ấy nghiêng mình sát ngực Chúa Giêsu và hỏi Người: "Thưa Thầy, ai vậy?" 26 Chúa Giêsu trả lời: "Thầy chấm miếng bánh trao cho ai là người đó". Và Người chấm một miếng bánh trao cho Giuđa, con Simon Iscariô. 27 Ăn miếng bánh rồi, Satan nhập vào hắn. Chúa Giêsu nói với hắn: "Con tính làm gì thì làm mau đi". 28 Nhưng những người đang ngồi ăn không một ai hiểu được vì sao Người lại nói với hắn như vậy. 29 Có nhiều người tưởng tại Giuđa giữ túi tiền, nên Chúa Giêsu bảo hắn: Hãy mua những gì chúng ta cần dùng trong dịp lễ, hoặc Người bảo hắn bố thí cho người nghèo. 30 Vậy sau khi nhận miếng bánh đó, Giuđa liền đi ra. Bấy giờ là đêm tối. 31 Khi Giuđa đi rồi, Chúa Giêsu phán: "Bây giờ Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người. 32 Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính Mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển! 33 Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa. Các con sẽ tìm Thầy, và như Thầy đã nói với người Do Thái: 'Nơi Ta đi, các ngươi không thể đến được', nay Thầy cũng nói với các con như vậy".

36 Simon Phêrô hỏi Người: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu?" Chúa Giêsu trả lời: "Nơi Thầy đi, nay con chưa thể theo tới đó được, nhưng sau này con sẽ theo Thầy".

37 Phêrô thưa lại: "Tại sao con lại không theo Thầy ngay bây giờ được! Con sẽ liều mạng sống con vì Thầy". 38 Chúa Giêsu nói: "Con liều mạng sống vì Thầy ư? Thật, Thầy nói thật cho con biết: trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần".


Cầu nguyện:


Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng, không một biến cố nào làm xáo trộn, không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công, cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn để yêu người con không ưa.Amen.