Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

THỨ BẢY 28/4/2012 TUẦN IV PHỤC SINH, Thánh Phêrô Chanel

Thánh Phêrô Chanel
(1803 - 1841)

    Bất cứ ai từng làm việc trong cô độc, và cần phải thích ứng tối đa và rất ít cơ hội thành công, đều tìm thấy một tinh thần tương tự nơi Thánh Phêrô Chanel.

    Thánh Phêrô Chanel sinh ở Clet trong giáo phận Belley, nước Pháp. Khi là học sinh tiểu học, ngài đã được thầy giáo chú ý vì sự thông minh và đạo đức. Khi gia nhập đại chủng viện, ngài được sự thương mến và quý trọng của các giáo sư cũng như đồng bạn. Khi là linh mục trẻ, ngài làm hồi sinh một giáo xứ trong khu "tồi tệ" của thành phố chỉ sau ba năm hoạt động. Tuy nhiên ngài vẫn muốn trở thành nhà truyền giáo, do đó lúc 28 tuổi ngài gia nhập Dòng Ðức Mẹ, là tu hội chú trọng đến công việc truyền giáo ở trong và ngoài nước. Nhưng, trái với điều mong ước, ngài lại được chỉ định công việc dạy học ở đại chủng viện Belley trong vòng năm năm kế đó, và ngài thi hành nhiệm vụ ấy với tất cả nhiệt thành.
    Vào năm 1836, nhà dòng được giao cho vùng New Hebrides ở Thái Bình Dương để truyền giáo, và Cha Phêrô thật vui sướng được bổ nhiệm là bề trên của nhóm truyền giáo, tuy nhỏ nhưng hăng say rao giảng Ðức Tin cho dân cư trên đảo.
    Sau mười tháng lênh đênh trên biển, họ đã cập bến và tách ra làm hai nhóm, và nhóm của Cha Phêrô thì đến Ðảo Futuna với hai người phụ tá, gồm một thầy dòng và một giáo dân người Anh. Khi ấy dân cư trên đảo còn trong tình trạng bán khai mà lệnh cấm ăn thịt người chỉ vừa mới được ban hành. Lúc đầu các vị truyền giáo được người bản xứ và tù trưởng Niuliki tiếp đón niềm nở. Tuy nhiên, khi các ngài càng ngày càng sành sõi tiếng địa phương và càng được dân chúng tin tưởng thì ông tù trưởng cảm thấy ghen tức và lo sợ; ông thấy rằng việc chấp nhận đức tin Công Giáo sẽ đưa đến sự bãi bỏ một số đặc quyền mà ông đang được hưởng, với tư cách của một thượng tế và vừa là người cầm quyền. Sau cùng, khi chính con trai ông bày tỏ lòng ước ao muốn được rửa tội, sự căm thù của ông bùng nổ và ông sai các chiến sĩ của ông đi bắt vị trưởng nhóm truyền giáo. Do đó, ngày 28 tháng Tư 1841, Cha Phêrô bị bắt và bị đánh đập cho đến chết bởi những người mà ngài muốn cứu vớt linh hồn họ.
    Chỉ trong vòng hai năm sau cái chết của ngài, mọi người trên đảo đều theo đạo Công Giáo và vẫn trung thành với đức tin ấy cho đến ngày nay. Cha Phêrô Chanel là vị tử đạo đầu tiên ở Ðại Dương Châu và là quan thầy của châu này.
    Lời Bàn
    Chịu đau khổ vì Ðức Kitô có nghĩa sự đau khổ vì muốn trở nên giống như Ðức Kitô. Thường thường chúng ta bị chống đối là vì hậu quả của sự ích kỷ và thiếu khôn ngoan. Chúng ta không phải là người tử đạo khi bị "bạc đãi" bởi những người đã đối xử với chúng ta y như chúng ta đối xử với họ. Một vị tử đạo Kitô Giáo là người, giống như Ðức Kitô, chỉ đơn giản làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, và sống thật với chính mình.
    Lời Trích
    "Không ai là vị tử đạo chỉ vì một quyết định, không ai là vị tử đạo vì một ý kiến; chính đức tin tạo nên vị tử đạo" (Ðức Hồng Y Newman, Bài Diễn Văn cho Các Giáo Ðoàn Hỗn Hợp)

    
    Trích từ NguoiTinHuu.com




TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ BẢY 28/4/2012 TUẦN III PHỤC SINH,Thầy mới có những Lời đem lại sự sống đời đời.

Thứ Bảy Tuần III PS
Bài đọcActs 9:31-42; Jn 6:60-69.

1/ Bài đọc I:
31 Hồi ấy, trong khắp miền Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ.
32 Bấy giờ ông Phê-rô rảo khắp nơi, xuống thăm cả dân thánh cư ngụ tại Lốt.
33 Nơi đây ông gặp thấy một người tên là Ê-nê liệt giường đã tám năm, vì anh bị tê bại.
34 Ông Phê-rô nói với anh ta: "Anh Ê-nê, Đức Giê-su Ki-tô chữa anh khỏi. Anh hãy đứng dậy và tự dọn giường lấy." Lập tức anh đứng dậy.
35 Tất cả những người cư ngụ ở Lốt và đồng bằng Sa-ron thấy anh, và họ trở lại cùng Chúa.
36 Ở Gia-phô, trong số các môn đệ có một bà tên là Ta-bi-tha, có nghĩa là Linh Dương. Bà này đầy công đức vì những việc lành và bố thí bà đã làm.
37 Trong những ngày ấy, bà mắc bệnh và qua đời. Người ta tắm xác cho bà và đặt ở lầu trên.
38 Vì Lốt gần Gia-phô, nên khi các môn đệ nghe biết ông Phê-rô ở đó, liền cử hai người đến mời: "Xin ông đến với chúng tôi, đừng trì hoãn."
39 Ông Phê-rô đứng dậy cùng đi với họ. Tới nơi, người ta đưa ông lên lầu trên. Các bà goá xúm lại quanh ông, vừa khóc vừa cho ông xem những áo dài và áo choàng bà Linh Dương đã may khi còn sống với họ.
40 Ông Phê-rô cho mọi người ra ngoài, rồi quỳ xuống cầu nguyện. Sau đó, ông quay lại về phía thi hài và ra lệnh: "Bà Ta-bi-tha, hãy đứng dậy!" Bà ấy mở mắt ra, và khi thấy ông Phê-rô, liền ngồi dậy.
41 Ông đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi dân thánh và các bà goá lại và cho thấy bà đang sống.
42 Cả thành Gia-phô đều biết việc này, và có nhiều người tin vào Chúa.

2/ Phúc Âm:
60 Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: "Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?"
61 Nhưng Đức Giê-su tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: "Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư?
62 Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?
63 Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.
64 Nhưng trong anh em có những kẻ không tin." Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người.
65 Người nói tiếp: "Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho."
66 Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.
67 Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?"
68 Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.
69 Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa."

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Thầy mới có những Lời đem lại sự sống đời đời.

Lời của một người nói ra có thể gây những phản ứng và hiệu quả khác nhau nơi người nghe: Có người cho là lời nói chướng tai không thể chịu đựng nổi; có người cho là lời nói nhảm vô ích; nhưng cũng có những người cho là lời hay ý đẹp, có thể mang lại hy vọng và đem lại sự sống cho những ai thực hành nó. Điều khác biệt là người nghe có hiểu và nhận ra ý nghĩa của lời người khác nói hay không.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh những lời nói mang lại sự sống của Chúa Giêsu và thánh Phêrô. Trong Bài Đọc I, Phêrô dùng lời nói nhân danh Đức Kitô để chữa lành người bại liệt đã 8 năm, và cho một phụ nữ đã chết được sống lại. Trong Phúc Âm, lời tuyên bố của Chúa Giêsu: “Và bánh ta sẽ ban chính là thịt ta để cho thế gian được sống” gây nên những phản ứng khác nhau nơi khán giả. Một số các môn đệ quyết định không theo Chúa Giêsu nữa, vì những lời nói của Ngài làm họ chướng tai. Các Tông đồ, đại diện là Phêrô, tuyên xưng sự cần thiết của Lời Chúa: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc IPhêrô dùng danh Đức Kitô để làm những gì Chúa Giêsu đã làm.
Sách CVTĐ tường thuật: “Hồi ấy, trong khắp miền Judah, Galilee và Samaria, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ.” Thiên Chúa quan phòng mọi sự cách khôn ngoan: Ngài biết Giáo Hội cần có những lúc bách hại để thanh tẩy và thử luyện đức tin; nhưng cũng có những lúc cần bình an để củng cố và làm cho đức tin lan tràn. Vì vậy, Giáo Hội cần phải sẵn sàng và chuẩn bị cho các tín hữu đương đầu cách hiệu quả khi bị bách hại cũng như khi được an bình. Trình thuật hôm nay nói tới 2 phép lạ thánh Phêrô đã làm nhân danh Đức Kitô.
1.1/ Phêrô chữa bệnh cho một người tê bại đã 8 năm: Giống như Chúa Giêsu đã từng làm phép lạ để chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền của dân chúng, Phêrô cũng được Chúa ban uy quyền để giảng dạy và chữa lành. Khi Phêrô rảo khắp nơi, xuống thăm cả dân thánh cư ngụ tại Lydda, ông gặp thấy một người tên là Aeneas liệt giường đã tám năm, vì anh bị tê bại. Ông nói với anh ta: "Anh Aeneas, Đức Giêsu Kitô chữa anh khỏi. Anh hãy đứng dậy và tự dọn giường lấy." Lập tức anh đứng dậy. Chứng kiến phép lạ đó, tất cả những người cư ngụ ở Lydda và đồng bằng Sharon trở lại cùng Chúa. Điều đáng chú ý ở đây là Phêrô không nhân danh mình, nhưng nhân danh Chúa Giêsu Kitô, để rao giảng và truyền lời chữa bệnh cho dân chúng. Phép lạ Phêrô làm cần thiết để cho mọi người tin những gì ông rao giảng về Đức Kitô.
1.2/ Phêrô cứu người chết sống lại: “Ở Joppa, trong số các môn đệ có một bà tên là Tabitha, có nghĩa là Dorcas (Linh Dương). Bà này đầy công đức vì những việc lành và bố thí bà đã làm. Trong những ngày ấy, bà mắc bệnh và qua đời. Người ta tắm xác cho bà và đặt ở lầu trên.
Vì Lydda gần Joppa, nên khi các môn đệ nghe biết ông Phêrô ở đó, liền cử hai người đến mời: "Xin ông đến với chúng tôi, đừng trì hoãn." Ông Phêrô đứng dậy cùng đi với họ. Tới nơi, người ta đưa ông lên lầu trên. Các bà goá xúm lại quanh ông, vừa khóc vừa cho ông xem những áo dài và áo choàng bà Tabitha đã may khi còn sống với họ.”
Ông Phêrô cho mọi người ra ngoài, rồi quỳ xuống cầu nguyện. Sau đó, ông quay lại về phía thi hài và ra lệnh: "Bà Tabitha, hãy đứng dậy!" Bà ấy mở mắt ra, và khi thấy ông Phêrô, liền ngồi dậy. Ông đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi dân thánh và các bà goá lại và cho thấy bà đang sống. Cả thành Joppa đều biết việc này, và có nhiều người tin vào Chúa.” Noi gương Chúa Giêsu đã ngước mắt lên trời cầu nguyện với Chúa Cha, trước khi truyền cho Lazarus hãy trỗi dạy và ra khỏi mồ (Jn 11), Phêrô cũng quỳ xuống cầu nguyện để lấy quyền năng của Thiên Chúa, trước khi gọi tên bà Tabitha và truyền cho Bà hãy đứng dạy. Không phải lời của ai cũng có quyền năng làm cho người chết sống lại, nhưng chỉ có những lời có quyền năng của Thiên Chúa.


2/ Phúc ÂmLời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.
Cùng nghe một câu Chúa nói: “Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Jn 6:51c), nhưng gây ra 2 phản ứng khác nhau:
2.1/ Phản ứng của các môn đệ về diễn từ Thánh Thể của Chúa Giêsu: Khi nghe Chúa Giêsu nói về việc phải ăn thịt và uống máu Ngài, các môn đệ không thể nào chịu nổi, liền nói: "Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?" Nhưng Chúa Giêsu có uy quyền biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: "Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. Nhưng trong anh em có những kẻ không tin."
Lời của Chúa Giêsu có quyền năng của Thánh Thần; vì thế, có khả năng ban sự sống. Các môn đệ không tin, vì họ suy nghĩ theo tính xác thịt; họ chỉ có thể tin được khi họ để cho Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn họ nhận ra sự thật và tin những gì Chúa nói. Để có Chúa Thánh Thần, họ phải được Chúa Cha ban tặng, như Chúa Giêsu nói với họ: "Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho."
họ không thể theo một người nói những lời không theo lề lối suy nghĩ của con người. Họ bỏ lỡ cơ hội học hỏi suy nghĩ cao siêu của Thiên Chúa.
2.2/ Phản ứng của các Tông-đồ: Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?" Ông Simon Phêrô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa."
Chỉ có 3 nhân vật được gọi là Đấng Thánh trong Tin Mừng Gioan: Chúa Cha Thánh (Jn 17:11), Chúa Con Thánh ở đây, và Chúa Thánh Thần (1:33, 14:26, 20:33). Vì cả ba là Đấng Thánh, cả ba đều có sức thánh hóa con người (1:33, 10:36, 14:26, 17:11, 17, 19, 20:22). Chúa Giêsu đến để thánh hóa con người bằng cách tiêu diệt những việc làm của ma quỉ, để mang lại sự sống cho con người. Phêrô tuyên xưng Lời của Chúa Giêsu không những mang lại sự sống, mà chỉ có Lời này mới có thể mang lại sự sống đời đời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Lời Chúa là lời có quyền năng của Thánh Thần trong đó; vì thế, chúng ta phải tin Lời Chúa có sức làm cho những gì không có thành có, những gì đã hư lại được chữa lành, những gì đã chết được sống lại, và nhất là có sức làm cho con người đạt được sự sống đời đời.
- Để Lời Chúa có thể sinh ích, con người cần biết quí trọng Lời Chúa: chuẩn bị tâm hồn bằng sự thinh lặng và cầu nguyện, không nghe Lời Chúa cho qua lần chiếu lệ, phải bỏ thời giờ để học hỏi và suy niệm, và nhất là phải thực hành Lời Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

THỨ SÁU 27/4/2012 TUẦN I I I PHỤC SINH, Thánh Zita ở Lucca


Thánh Zita ở Lucca
(1218 -- 1278)

    Thánh Zita còn được gọi là Sitha hay Citha. Ngài sinh trong một gia đình nghèo nhưng rất đạo đức ở Lucca, nước Ý. Từ 12 tuổi cho đến chết, ngài làm đầy tớ cho gia đình Fatinelli ở Lucca. Vì không có địa vị trong xã hội nên ngài không có tên họ.

    Ngay từ khi còn nhỏ, Zita đã lưu tâm đến những người nghèo và bơ vơ. Lòng thương người ấy ngày càng nổi tiếng, và họ tìm đến ngài. Ðiều ấy không phù hợp với hoàn cảnh của một đầy tớ cũng như khiến gia chủ phải khó chịu. Và Thiên Chúa đã can thiệp. Một ngày kia, Zita bỏ dở công việc nấu nướng để chăm sóc người nghèo và các đầy tớ khác đã lên mách với gia chủ. Khi xuống bếp điều tra, họ nhìn thấy các thiên thần đang làm công việc bếp núc thay cho Zita. Một lần khác, Zita đã phân phát cả một kho chứa đậu cho những người trong phố khi nạn đói hoành hành. Khả nghi, gia chủ xuống xem xét và lạ lùng thay họ thấy kho vẫn đầy những hạt đậu.

    Ngày tháng dần trôi, ngài trở nên nổi tiếng trong việc giúp đỡ người nghèo, người đau yếu và kẻ tù đầy. Ngay sau khi chết, nhiều phép lạ đã xảy ra nhờ lời cầu bầu của ngài, người ta đã sùng kính ngài như một vị thánh; và danh xưng đó được chính thức trao ban cho ngài năm 1696. Thánh Zita là quan thầy của các người giúp việc trong nhà.

    Lời Bàn

    Chúng ta thường nói, "Bạn không thể đem theo của cải với mình khi chết." Nhưng người ta vẫn e ngại khi làm việc từ thiện vì họ sợ tài sản của họ sẽ tiêu tan, dù đó là thời giờ, tiền bạc hay sức lực. Thánh Zita được vinh danh là vì lòng bác ái của ngài. Ngài đã có thể so đo với những người giầu có và bào chữa cho sự ích kỷ của mình. Nhưng ngài đã sống lời Ðức Kitô trong câu truyện về người goá phụ nghèo (xem Luca 21:1-4).

    Lời Trích

    "Vì vậy chúng ta hãy bác ái và khiêm tốn; chúng ta hãy bố thí vì của bố thí sẽ tẩy sạch vết nhơ tội lỗi trong linh hồn chúng ta (xem Tobia 4:11; 12:9). Vì người ta sẽ mất tất cả những gì họ để lại trần gian mà chỉ đem theo được các phần thưởng của hành động bác ái và bố thí mà họ đã cho đi, vì đó mà họ sẽ được Chúa thưởng công và được đền đáp xứng đáng" (Thư Thánh Phanxicô Gửi Người Tín Hữu).
    

    Trích từ NguoiTinHuu.com


TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ SÁU 27/4/2012 TUẦN III PHỤC SINH, Thiên Chúa có thể làm chuyện không thể đối với con người.

Thứ Sáu Tuần III PS
Bài đọcActs 9:1-20; Jn 6:52-59.

1/ Bài đọc I:
1 Ông Sao-lô vẫn còn hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa, nên đã tới gặp thượng tế 2 xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Đa-mát, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giê-ru-sa-lem. 3 Vậy đang khi ông đi đường và đến gần Đa-mát, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. 4Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: "Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta." 5 Ông nói: "Thưa Ngài, Ngài là ai?" Người đáp: "Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ. 6 Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì." 7 Những người cùng đi với ông dừng lại, sững sờ: họ nghe có tiếng nói, nhưng không trông thấy ai. 8 Ông Sao-lô từ dưới đất đứng dậy, mắt thì mở nhưng không thấy gì. Người ta phải cầm tay dắt ông vào Đa-mát. 9Suốt ba ngày, ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn, chẳng uống.
10 Bấy giờ ở Đa-mát có một môn đệ tên là Kha-na-ni-a. Trong một thị kiến, Chúa phán với ông: "Kha-na-ni-a!" Ông thưa: "Dạ, lạy Chúa, con đây." 11 Chúa bảo ông: "Đứng lên, đi tới phố gọi là Phố Thẳng, đến nhà Giu-đa tìm một người tên là Sao-lô quê ở Tác-xô: người ấy đang cầu nguyện 12 và thấy một người tên là Kha-na-ni-a đi vào, đặt tay trên mình để làm cho mình lại thấy được." 13 Ông Kha-na-ni-a thưa: "Lạy Chúa, con đã nghe lắm kẻ nói về người ấy, về tất cả những điều ác người ấy đã làm cho dân thánh Chúa tại Giê-ru-sa-lem. 14 Còn ở đây, người ấy được các thượng tế cho quyền bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa." 15 Nhưng Chúa phán với ông: "Cứ đi, vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Ít-ra-en. 16 Thật vậy, chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người ấy phải chịu vì danh Ta."
17 Ông Kha-na-ni-a liền đi; ông vào nhà, đặt tay trên ông Sao-lô và nói: "Anh Sa-un, Chúa đã sai tôi đến đây, Người là Đức Giê-su, Đấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây. Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần." 18 Lập tức có những cái gì như vảy bong ra khỏi mắt ông Sao-lô, và ông lại thấy được. Ông đứng dậy và chịu phép rửa. 19 Rồi ông ăn và khoẻ lại. 20 Rồi lập tức ông bắt đầu rao giảng Đức Giê-su trong các hội đường, rằng Người là Con Thiên Chúa.

2/ Phúc Âm:
52 Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?" 53Đức Giê-su nói với họ: "Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.
54 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, 55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.
56 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.
57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. 58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời."
59 Đó là những điều Đức Giê-su đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Ca-phác-na-um.
 
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Thiên Chúa có thể làm chuyện không thể đối với con người.

Con người thường lấy những gì mình suy nghĩ để áp dụng cho Thiên Chúa. Họ quan niệm Thiên Chúa cũng giống như họ: nếu họ không thể làm được, Thiên Chúa cũng không thể làm được. Họ quên đi một điều là Thiên Chúa khác và vượt xa con người: Ngài làm được mọi sự và không có điều gì là không thể đối với Ngài. Tiên-tri Isaiah nhắc nhở con người phải luôn nhớ điều này: “Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Isa 55:9).
Các Bài Đọc hôm nay mở mắt cho chúng ta thấy những kỳ công Chúa thực hiện. Trong Bài Đọc I, Chúa biến đổi ông Saul từ một người Pharisees dữ dằn và khốc liệt truy tố các tín hữu, trở thành một người hăng say rao giảng Tin Mừng và sẵn sàng chết để làm chứng cho Ngài; một điều không thể xảy ra với sức con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố: Tất cả những ai ăn thịt và uống máu Ngài sẽ được sống muôn đời; người Do-thái ngạc nhiên thắc mắc: “Làm sao ông ấy có thể lấy thịt cho chúng ta ăn được?”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc IThiên Chúa tạo cơ hội cho Saul ăn năn trở lại.
1.1/ Xung đột ý kiến giữa Thiên Chúa và Saul.
(1) Ý của ông Saul: Ông đi Damascus với mục đích là để đi bắt các tín hữu theo Đạo mới về để trị tội, như Sách CVTĐ tường trình: “Ông Saul vẫn còn hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa, nên đã tới gặp thượng tế xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Damascus, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Jerusalem.”
(2) Ý của Thiên Chúa: Ngài không ghét Saul đến nỗi phải tiêu diệt ông như thói quen của con người thường làm; nhưng Ngài muốn dùng lòng nhiệt thành của ông để rao giảng Tin Mừng của Ngài cho Dân Ngoại. Vậy đang khi ông đi đường và đến gần Damascus, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: "Saul, Saul, tại sao ngươi bắt bớ Ta?" Ông nói: "Thưa Ngài, Ngài là ai?" Người đáp: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì."
“Những người cùng đi với ông dừng lại, sững sờ: họ nghe có tiếng nói, nhưng không trông thấy ai. Ông Saul từ dưới đất đứng dậy, mắt thì mở nhưng không thấy gì. Người ta phải cầm tay dắt ông vào Damascus. Suốt ba ngày, ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn, chẳng uống.” Biến cố này được lặp lại 3 lần trong Sách CVTĐ vì là một biến cố quan trọng không những cho bản thân Saul, mà còn cho tất cả mọi người.
1.2/ Không ai có thể cưỡng lại ý muốn của Thiên Chúa.
(1) Làm sao một người bắt đạo như thế có thể ăn năn trở lại: “Bấy giờ ở Damascus có một môn đệ tên là Hananiah. Trong một thị kiến, Chúa phán với ông: "Hananiah!" Ông thưa: "Dạ, lạy Chúa, con đây." Chúa bảo ông: "Đứng lên, đi tới phố gọi là Phố Thẳng, đến nhà Judah tìm một người tên là Saul quê ở Tarsus: người ấy đang cầu nguyện.” Ông Hananiah thưa: "Lạy Chúa, con đã nghe lắm kẻ nói về người ấy, về tất cả những điều ác người ấy đã làm cho dân thánh Chúa tại Jerusalem. Còn ở đây, người ấy được các thượng tế cho quyền bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa."
(2) Kế họach của Thiên Chúa cho Saul: Nhưng Chúa phán với ông: "Cứ đi, vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Israel. Thật vậy, chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người ấy phải chịu vì danh Ta."
Ông Hananiah liền đi; ông vào nhà, đặt tay trên ông Saul và nói: "Anh Saul, Chúa đã sai tôi đến đây, Người là Đức Giêsu, Đấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây. Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần."
Lập tức có những cái gì như vảy bong ra khỏi mắt ông Saul, và ông lại thấy được. Ông đứng dậy và chịu Phép Rửa. Rồi ông ăn và khoẻ lại. Lập tức ông bắt đầu rao giảng Đức Giêsu trong các hội đường rằng Người là Con Thiên Chúa.
Saul đi Damascus với mục đích để bắt các tín hữu; khi ông trở lại Jerusalem là để rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Đấng ông đã không nương tay bắt bớ. Điều này chứng minh: Chẳng có chuyện gì là không thể đối với Thiên Chúa!

2/ Phúc ÂmChúa Giêsu có thể nuôi dưỡng con người bằng Mình Ngài.
2.1/ Chuyện không thể đối với con người: Người Do-thái có thể hiểu “bánh từ trời xuống,” vì cha ông họ đã từng ăn Manna trong sa mạc; nhưng khi Chúa Giêsu đồng hóa “bánh từ trời xuống” với thịt của Ngài (sárk), họ liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?"
Chúa Giêsu cắt nghĩa chi tiết hơn: "Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.” Không những chỉ dùng hai danh từ thịt (sárk) và máu (aima), Ngài dùng hai động từ nhai (trogein) và uống (piein), như khi con người ăn và uống lương thực phần xác. Điều này chứng tỏ Chúa Giêsu muốn nói tới nghĩa đen, chứ không còn là nghĩa biểu tượng nữa. Con người qua mọi thời vẫn chối bỏ sự hiện diện sống động và đích thực của Chúa Giêsu qua Bí-tích Thánh Thể: có người cho Bánh đây là Lời Chúa, có người cho sự hiện diện chỉ có tính cách thiêng liêng; đơn giản vì họ cho việc nuôi dưỡng bằng thịt và máu Chúa là điều không thể!
2.2/ Phải ăn Mình Chúa mới có thể sống muôn đời: Chúa Giêsu tiếp tục nhấn mạnh tới sự cần thiết của Bí-tích Thánh Thể: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời." Sự sống Chúa Giêsu muốn đề cập tới ở đây không chỉ là sự sống thể lý (psyche), nhưng là sự sống thần linh và muôn đời (zoe). Điều khác biệt giữa hai lương thực: lương thực phần xác chỉ có thể đem lại sự sống thể lý; nhưng Mình và Máu Chúa sẽ mang lại cho con người sự sống thần linh, và họ sẽ được sống muôn đời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta đừng bao giờ giới hạn Thiên Chúa vào sự hạn hẹp của con người. Khi nào chưa hiểu những điều Thiên Chúa làm, hãy lấy đức tin bù lại.
- Chúng ta phải luôn tin tưởng Thiên Chúa có thể làm mọi sự. Hãy mau mắn thi hành những gì Ngài truyền; nhất là năng lãnh nhận Bí-tích Thánh Thể.
- Những ai chống lại Thiên Chúa thì cũng giống như người đưa chân đạp mũi nhọn: chân sẽ rách nát chảy máu mà mũi nhọn chẳng hề hấn gì!

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

THỨ NĂM 26/4/2012 TUẦN I I I PHỤC SINH, Thánh Giuse Cottolengo

Thánh Giuse Cottolengo
(1786 - 1842)

    Thánh Giuse Cottolengo là người con cả trong gia đình 12 người con. Sinh trưởng ở Bra, gần Turin, Ý Ðại Lợi, sau một thời gian vất vả vì sức khoẻ yếu kém và khó khăn trong việc học, ngài được thụ phong linh mục trong Ðịa Phận Turin năm 1811.

    Trong quãng đời của Cha Giuse, nước Ý tan nát vì chiến tranh và người nghèo cũng như người bệnh tật thường bị quên lãng. Ðược khích động bởi cuộc đời Thánh Vinh Sơn Phaolô và xúc động trước sự đau khổ của những người chung quanh, Cha Giuse đã thuê phòng ốc để chăm sóc các bệnh nhân, và tuyển mộ các thiếu nữ để điều hành. Khi công việc ngày càng bành trướng và được nhiều người tham gia, Cha Giuse quy tụ những người thiện chí trong hai tổ chức là Tiểu Ðệ Thánh Vinh Sơn Phaolô và Tiểu Muội Thánh Vinh Sơn Phaolô.

    Khi bệnh dịch tả lan tràn năm 1831, tổ chức của Cha Giuse phải đóng cửa và di chuyển ra ngoại ô thành phố, ở Voldocco, tiếp tục chăm sóc người bất hạnh. Tổ chức của ngài có tên Nhà Chúa Quan Phòng và phục vụ nhiều loại người khác nhau (người bệnh, người già, sinh viên nghèo, người bị bệnh tâm thần, người mù). Tất cả phần tài chánh đều nhờ vào lòng bác ái của mọi người.

    Ðể phục vụ những người kém may mắn, ngài còn sáng lập các tổ chức Nữ Tử Ðấng Thương Xót, Nữ Tử Ðấng Chiên Lành, Ẩn Sĩ của Chuỗi Mai Khôi, và các Linh Mục của Thiên Chúa Ba Ngôi.

    Bị mắc bệnh thương hàn, ngài yếu dần và từ trần ở Chieri, nước Ý, và được phong thánh năm 1934.

    Lời Bàn

    Làm thế nào để chúng ta biết được thánh ý Thiên Chúa? Có phải thánh ý đó không thay đổi? Thánh Giuse Cottolengo chỉ bắt đầu thực hiện công việc bác ái nổi tiếng đó sau 21 năm làm linh mục. Những năm cầu nguyện và tìm kiếm đã giúp Thánh Giuse Cottolengo nhận ra lời mời gọi của Thiên Chúa. Trong quá khứ, dù chúng ta có đáp ứng thế nào với nhu cầu của tha nhân đi nữa, Thiên Chúa luôn luôn mời gọi chúng ta độ lượng hơn nữa.

    
    Trích từ NguoiTinHuu.com




TIN MỨNG HẰNG NGÀY THỨ NĂM 26/4/2012 TUẦN I I I PHỤC SINH,Lời Chúa và Bí-tích là hai nguồn sức mạnh chính của con người.

Thứ Năm Tuần III PS
Bài đọcActs 8:26-40; Jn 6:44-51.

1/ Bài đọc I:
26 Thiên sứ của Chúa nói với ông Phi-líp-phê: "Đứng lên, đi về hướng nam, theo con đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Ga-da; con đường này vắng."
27 Ông đứng lên đi. Khi ấy có một viên thái giám người Ê-thi-óp, làm quan lớn trong triều của bà Can-đa-kê, nữ hoàng nước Ê-thi-óp. Ông này làm tổng quản kho bạc của bà. Ông đã lên Giê-ru-sa-lem hành hương 28 và bấy giờ đang trên đường về. Ngồi trên xe nhà, ông đọc sách ngôn sứ I-sai-a. 29 Thần Khí nói với ông Phi-líp-phê: "Tiến lên, đuổi kịp xe đó."
30 Ông Phi-líp-phê chạy lại, nghe thấy ông kia đọc sách ngôn sứ I-sai-a, thì hỏi: "Ngài có hiểu điều ngài đọc không?"
31 Ông quan đáp: "Mà làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải?" Rồi ông mời ông Phi-líp-phê lên ngồi với mình.
32 Đoạn Kinh Thánh ông đang đọc là đoạn này: Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng mở miệng kêu ca. 33 Bởi Người bị hạ xuống, nên bản án của Người đã được huỷ bỏ. Dòng dõi Người, ai sẽ kể lại, vì cuộc sống của Người trên trần gian đã bị chấm dứt. 34 Viên thái giám ngỏ lời với ông Phi-líp-phê: "Xin ông cho biết: vị ngôn sứ nói thế về ai? Về chính mình hay về một ai khác?" 35 Ông Phi-líp-phê lên tiếng, và khởi từ đoạn Kinh Thánh ấy mà loan báo Tin Mừng Đức Giê-su cho ông.
36 Dọc đường, các ông tới một chỗ có nước, viên thái giám mới nói: "Sẵn nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?" 37 Ông Phi-líp-phê đáp: "Nếu ngài tin hết lòng, thì được." Viên thái giám thưa: "Tôi tin Đức Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa."
38 Ông truyền dừng xe lại. Ông Phi-líp-phê và viên thái giám, cả hai cùng xuống chỗ có nước, và ông Phi-líp-phê làm phép rửa cho ông quan.
39 Khi hai ông lên khỏi nước, Thần Khí Chúa đem ông Phi-líp-phê đi mất, và viên thái giám không còn thấy ông nữa. Nhưng ông tiếp tục cuộc hành trình, lòng đầy hoan hỷ.
40 Còn ông Phi-líp-phê thì người ta gặp thấy ở Át-đốt. Ông loan báo Tin Mừng cho mọi thành thị ông đi qua, cho tới khi đến Xê-da-rê.

2/ Phúc Âm:
44 Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.
45 Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi.
46 Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha.
47 Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời.
48 Tôi là bánh trường sinh.
49 Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết.
50 Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết.
51 Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống."
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Lời Chúa và Bí-tích là hai nguồn sức mạnh chính của con người.

Để một người có thể tin vào Đức Kitô đòi hỏi sự phối hợp của nhiều yếu tố. Về phía con người, họ phải có lòng thành đi tìm sự thật và phải bỏ giờ để học hỏi. Về phía Thiên Chúa, Ngài phải tạo cơ hội cho con người bằng cách gởi tới những người rao giảng Tin Mừng; nhưng quan trọng hơn cả là Thiên Chúa ban Thánh Thần để soi sáng cho con người hiểu và nhận ra sự thật trong Tin Mừng, đồng thời thúc đẩy con người tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô. Nếu không có sự trợ giúp của Thiên Chúa, con người không thể tin vào Đức Kitô.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nhấn mạnh đến sự trợ giúp của Thiên Chúa để mọi người có thể tin vào Đức Kitô. Trong Bài Đọc I, nếu Thiên Chúa không gởi Thánh Thần, thiên sứ, và Philip, viên quan Thái Giám Ethiopia không có Phó-tế Philip để cắt nghĩa cho ông những gì trong Sách của ngôn-sứ Isaiah, và ông sẽ không có cơ hội để tin vào Đức Kitô và được chịu Bí-tích Rửa Tội. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu quả quyết: không ai có thể đến được với Ngài, nếu Cha Ngài không “lôi kéo” người ấy. Điều mà Chúa Cha lôi kéo đây là cung cấp cơ hội (nghe Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng), và ban Thánh Thần để thúc đẩy họ tin vào Đức Kitô.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc IQuan Thái Giám người Ethiopia tin vào Đức Kitô.
1.1/ Thiên Chúa sắp đặt cơ hội cho ông quan trở lại.
(1) Thiên sứ mặc khải cho Philip: Thiên sứ của Chúa nói với ông Philíp: "Đứng lên, đi về hướng Nam, theo con đường từ Jerusalem xuống Gaza; con đường này vắng." Gaza, Ashdod, và Ashkelon là 3 thành phố của Palestine, nằm trên đường ven biển Mediterranean, trước khi xuống Ai-cập và đi qua lục địa Phi-châu. Ít người dám dùng con đường này để đi từ Jerusalem xuống Gaza, vì đường vắng và địa thế gập ghềnh rất khó di chuyển; đa số sẽ dùng con đường từ Jerusalem xuống Joppa, rồi lần theo đường ven biển xuống Gaza.
Khi Philip tới Gaza, ông gặp một viên quan Thái Giám người Ethiopia, ông là quan lớn trong triều của bà Candace, Nữ Hoàng nước Ethiopia. Ông này làm tổng quản kho bạc của bà. Ông đã lên Jerusalem hành hương và bấy giờ đang trên đường về. Ngồi trên xe nhà, ông đọc sách ngôn sứ Isaiah. Viên quan này có lẽ là người trở lại theo Đạo Do-thái, nhưng không phải giữ tất cả mọi Lề Luật. Thần Khí nói với ông Philíp: "Tiến lên, đuổi kịp xe đó."
(2) Philip cắt nghĩa Kinh Thánh cho quan Thái Giám: Ông Philíp vâng lời chạy lên; khi ông nghe thấy ông kia đọc sách ngôn sứ Isaiah, thì hỏi: "Ngài có hiểu điều ngài đọc không?" Ông quan đáp: "Làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải?" Rồi ông mời ông Philíp lên ngồi với mình.
Đoạn Kinh Thánh ông đang đọc là đoạn trong Bài ca thứ tư về Người Tôi Trung của Thiên Chúa, Isa 53:7-8: “Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng mở miệng kêu ca. Bởi Người bị hạ xuống, nên bản án của Người đã được huỷ bỏ. Dòng dõi Người, ai sẽ kể lại, vì cuộc sống của Người trên trần gian đã bị chấm dứt.” Viên Thái Giám ngỏ lời với ông Philíp: "Xin ông cho biết: vị ngôn sứ nói thế về ai? Về chính mình hay về một ai khác?" Ông Philíp khởi đầu từ đoạn Kinh Thánh ấy mà loan báo Tin Mừng Đức Giêsu cho ông. Chúa Giêsu là Người Tôi Trung ấy, Ngài chịu đựng đau khổ cho con người, để cứu chuộc con người khỏi chết và cho con người được sống muôn đời. Để được hưởng những đặc quyền này, con người phải tin vào Đức Kitô và chịu Phép Rửa.
1.2/ Philip rửa tội cho quan Thái Giám: Dọc đường, khi các ông tới một chỗ có nước, viên thái giám mới nói: "Sẵn nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?" Ông Philíp đáp: "Nếu ngài tin hết lòng, thì được." Viên thái giám tuyên xưng: "Tôi tin Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa." Ông truyền dừng xe lại. Ông Philíp và viên thái giám cùng xuống chỗ có nước, và ông Philíp làm phép rửa cho ông quan. Khi hai ông lên khỏi nước, Thần Khí Chúa đem ông Philíp đi mất, và viên Thái Giám không còn thấy ông nữa; nhưng ông tiếp tục cuộc hành trình, lòng đầy hoan hỷ. Còn ông Philíp thì người ta gặp thấy ở Ashdod. Ông loan báo Tin Mừng cho mọi thành thị ông đi qua, cho tới khi đến Caesarea.

2/ Phúc ÂmBánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.
2.1/ Chúa Giêsu dạy dỗ con người: Ngài tuyên bố: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.” Có nhiều người dựa vào câu tuyên bố này để bênh vực chủ thuyết Tiền Định: Tất cả mọi người đã được Thiên Chúa tiền định cho được lên Thiên Đàng hay phải xuống hỏa ngục. Nếu Thiên Chúa lôi kéo ai, người đó mới có thể đến và tin vào Đức Kitô, và được lên Thiên Đàng. Nếu Thiên Chúa không lôi kéo, làm sao một người có thể đến và tin vào Đức Kitô? Hậu quả là người đó sẽ phải sa hỏa ngục, cho dù có muốn lên Thiên Đàng!
Điều quan trọng là phải hiểu hai chữ “lôi kéo.” Bằng cách nào Thiên Chúa “lôi kéo” con người đến với Chúa Giêsu? Thiên Chúa lôi kéo con người đến với Đức Kitô không phải như người ta xỏ mũi để kéo con bò, hay như bộ máy kéo theo các toa xe lửa, nhưng Ngài: (1) Cung cấp cơ hội để con người có thể nghe Lời Chúa và được dạy dỗ, như Chúa Giêsu nói: “Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi.” Lời ngôn sứ mà Chúa đề cập đến ở đây là Isa 54:13 và Jer 31:33. (2) Ban Thánh Thần để Ngài hoạt động bên trong con người, giúp con người nhận ra sự thật, và thúc đẩy con người để mạnh dạn tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô.
2.2/ Chúa Giêsu nuôi dưỡng con người bằng chính Mình Người: Niềm tin vào Đức Kitô không phải chỉ một lúc con người tuyên xưng đức tin và chịu Phép Rửa; nhưng trải dài trong suốt cuộc đời các tín hữu. Để giữ đức tin sống động và trung thành đến cùng, con người cần được nuôi dưỡng như Chúa Giêsu nói với dân chúng: “Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn Manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống." Bí-tích Thánh Thể không phải là việc làm cũng được, không làm cũng không sao; nhưng là việc tối quan trọng: Ai không ăn Mình Chúa, sẽ không có nghị lực để chống trả chước cám dỗ của thế gian và ma quỉ, và sẽ khó lòng trung thành với Đức Kitô trọn đời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Sự trở lại của con người và tin vào Đức Kitô nằm trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Ngài cho con người có cơ hội để nghe Tin Mừng, đồng thời cung cấp ơn thánh bên trong để giúp con người nhận ra sự thật và thúc đẩy con người tin vào Đức Kitô.
- Chúa Giêsu vẫn không ngừng dạy dỗ chúng ta qua Lời Chúa, và nuôi dưỡng chúng ta bằng chính mình Ngài qua Bí-tích Thánh Thể. Chúng ta hãy năng chạy đến với hai nguồn sức mạnh chính này để học khôn ngoan và được nuôi dưỡng hằng ngày.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP