Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

CHÚA NHẬT 11/3/2012 TUẦN III MÙA CHAY B ĐIỆN THỜ THẦN THẾ CỦA NGƯỜI

Chúa Nhật III Mùa Chay B - Điện Thờ Thân Thể Của Người

HTML clipboard
 
Gio 2:13-25:
13 Và lễ Vượt Qua của người Do thái đã gần, Đức Giêsu lên Giêrusalem. 14 Người thấy trong đền thờ những người bán bò, chiên và bồ câu, và những người ngồi đang đổi tiền. 15 Làm một cái roi bằng dây, Người xua đuổi tất cả ra khỏi đền thờ, cùng với chiên và bò. Người đổ tung tiền của những người đổi bạc, và lật nhào bàn ghế. 16 Với những người bán bồ câu, Người nói: “Hãy đem tất cả ra khỏi đây, ngưng làm nhà Cha tôi thành cái chợ.” 17 Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã được viết: “Nhiệt tâm cho nhà Người sẽ hủy hoại tôi.”
18 Rồi người Do thái đáp lại và nói với Người: “Dấu lạ nào ông chỉ cho chúng tôi thấy để ông làm chuyện đó?”19 Đức Giêsu đáp và nói với họ: “Các ông hãy phá huỷ điện thờ này đi; trong ba ngày, tôi sẽ dựng lên lại.” 20 Rồi người Do thái nói: “Mất bốn mươi sáu năm để điện thờ này được xây dựng, thế mà ông dựng nó lên lại trong ba ngày sao?”21 Nhưng Người đang nói đến điện thờ thân thể của Người. 22 Vậy, khi Người được trỗi dậy từ cõi chết, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều nầy; họ tin vào kinh thánh và lời Đức Giêsu đã nói.
  

Chương hai gồm hai câu chuyện: phép lạ tại Cana, như là dấu lạ đầu tiên để các môn đệ tin vào Chúa Giêsu (2:1-11) và việc thanh tẩy đền thờ và loan báo đền thờ thân thể Người, như là dấu lạ cho người Do thái, nhưng họ không hiểu (2:13-25).
Đoạn 2:13-25 gồm hai phần song song với nhau: - phần 2:13-17 gồm: hành động của Chúa Giêsu (c.14-15), lời của Người về nhà của Thiên Chúa bị làm thành cái chợ (c. 16), và việc nhớ lại của các môn đệ (c. 17); - và phần 2:18-25 gồm: hành động của người Do thái (c. 18), lời của Chúa Giêsu về điện thờ mới (c.19), và việc nhớ lại của các môn đệ (c. 22). Trong phần nầy có thêm ghi nhận việc không hiểu của người Do thái (c. 20) và lời giải thích của thánh sử (c. 21). Phần thứ hai hoàn thành phần thứ nhất.
          Theo thánh Gioan, đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Người còn lên đó nhiều lần khác nữa (6:4; 11:15; 12:1; 13:1). Ba sự kiện: lễ Vượt Qua, thanh tẩy đền thờ và loan báo việc sống lại liên kết với nhau rất ý nghĩa. Mỗi dịp lễ Vượt Qua là lúc đền thờ được sử dụng cách đặc biệt để cử hành biến cố Thiên Chúa đưa dân Do thái ra khỏi kiếp nô lệ ở Ai cập. Chúa Giêsu thanh tẩy đến thờ là để phục hồi lại phẩm giá cho nhà của Thiên Chúa, vì những người buôn bán trong đền thờ đã tục hóa khi làm nơi đó thành cái chợ. Trong bối cảnh nầy, Chúa Giêsu loan báo một điện thờ mới, xứng đáng cách tuyệt đối làm nơi thờ phượng Thiên Chúa. Đó là thân thể phục sinh của Người. Muốn được thế, Người phải chịu hủy hoại, cũng vào dịp lễ Vượt Qua (2:17; 19:14).
Điện thờ mới gắn liền với sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Thánh Gioan đã đi từ một đền thờ, ieros,Giêrusalem cụ thể, với những gian nhà và không gian chung quanh (2:14.15) đến một không gian hẹp hơn. Đó chỉ là điện thờ, naos, là nơi để cử hành các nghi thức thờ phượng Thiên Chúa (2:19.20. 21). Đền thờ Giêrusalem tượng trưng cho cơ chế và quyền bính của Do thái giáo. Chúa Giêsu không nói gì đến việc phá hủy đền thờ và quyền bính nầy, theo như lời cáo buộc sau nầy (Mc 14:58; Mt 26:61). Việc thanh tẩy đền thờ dẫn đến việc loan báo dựng lên một điện thờ mới chứng tỏ đền thờ cũ không cần thiết nữa và phải được thay thế (cf. 4:21).
Việc thay thế sẽ không là xây dựng một đền thờ trong bốn mươi sáu năm, mà trong ba ngày. Thân thể Chúa Giêsu chính là điện thờ. Người sẽ chết và sống lại trong ba ngày. Sự chết của Người được ám chỉ trong trích dẫn Thánh vịnh 69:10: “Nhiệt tâm cho nhà Người sẽ hủy hoại tôi” và trong mệnh lệnh “Các ông hãy phá huỷ điện thờ này đi” (2:19). Trong khi để chỉ sự sống lại, thánh Gioan đã cố ý dùng chữ egeiro, có hai nghĩa: dựng lên một căn nhà hay một đền thờ, và làm cho đứng dậy, trỗi dậy. Động từ nầy được dùng để chỉ việc Chúa Cha làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy từ cõi chết (2:22; 21:14).
Điện thờ là nhà của Thiên Chúa, là nơi gặp gỡ giữa con người và Thiên Chúa. Nơi đó sẽ không còn là một không gian, mà là một đấng: Chúa Giêsu Kitô Sống Lại.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến




CHÚA NHẬT 11/3/2012 TUẦN III MÙA CHAY B THÁNH GIOAN OGILVIE

Thánh Gioan Ogilvie
(1579 - 1615)


Thánh Gioan Ogilvie sinh trong một gia đình Tô Cách Lan mà nửa Công Giáo, nửa Tin Lành Presbyterian. Cha ngài theo phái Calvin (*) và cũng muốn Gioan trở thành người của giáo phái ấy nên đã gửi ngài vào đất liền để đi học. Ở đây Gioan thích thú theo dõi những cuộc tranh luận giữa các học giả Công Giáo và Calvin. Bị hoang mang về những tranh luận của các học giả Công Giáo, ngài tìm đến Kinh Thánh. Hai câu sau đây đã thức tỉnh ngài: "Thiên Chúa muốn mọi người được cứu chuộc, và nhận biết chân lý," và "Hãy đến cùng Ta những ai mệt mỏi và ê chề, Ta sẽ thêm sức cho ngươi."


Dần dà, Gioan hiểu rằng Giáo Hội Công Giáo yêu quý tất cả mọi người. Trong những người ấy, ngài nhận thấy có nhiều vị tử đạo. Ngài quyết định trở thành người Công Giáo và được đón nhận vào Giáo Hội tại Louvain, nước Bỉ, năm 1596 khi 17 tuổi.

Gioan tiếp tục việc học, đầu tiên với các cha dòng Biển Ðức, sau đó là một sinh viên của học viện Dòng Tên ở Olmutz. Ngài gia nhập dòng Tên và trong 10 năm kế tiếp, ngài chăm chỉ rèn luyện tâm linh cũng như kiến thức. Ðược thụ phong linh mục ở Pháp năm 1610, ngài gặp hai linh mục dòng Tên vừa mới từ Tô Cách Lan trở về, sau khi bị bắt và bị cầm tù. Các ngài thấy ít có hy vọng thành công trong việc rao giảng Tin Mừng dưới sự khắt khe của chính quyền nước ấy. Nhưng một ngọn lửa đã nhen nhúm trong lòng Cha Gioan. Trong hơn hai năm kế đó, ngài đã khẩn khoản xin đi truyền giáo ở Tô Cách Lan.

Ðược bề trên cho phép, ngài bí mật vào Tô Cách Lan giả dạng người buôn ngựa hoặc một quân nhân trở về từ cuộc chiến Âu Châu. Thấy không thể thi hành được việc gì đáng kể cho thiểu số Công Giáo ở Tô Cách Lan, Cha Gioan trở về Balê để hội ý bề trên. Bị khiển trách vì đã tự ý bỏ nhiệm vụ ở Tô Cách Lan, ngài được sai trở lại đó. Lần này, ngài hăng say hơn và có một vài thành công trong việc hoán cải cũng như kín đáo phục vụ người Công Giáo Tô Cách Lan. Nhưng không bao lâu, ngài bị phản bội, bị bắt và bị đưa ra toà.


Phiên xử ngài kéo dài đến 26 giờ đồng hồ mà ngài không được ăn uống gì. Ngài bị cầm tù và không cho ngủ. Trong tám ngày và đêm, ngài bị lôi đi như một con vật, bị đâm bằng cây vót nhọn, và tóc bị giật ra từng mảng. Tuy nhiên, ngài vẫn không chịu tiết lộ tên các người Công Giáo hoặc chấp nhận luật lệ của vua về vấn đề tôn giáo. Ngài trải qua phiên tòa lần thứ hai và thứ ba nhưng vẫn cương quyết giữ vững lập trường. Trong phiên tòa cuối cùng, ngài quả quyết với các quan tòa: "Trong tất cả những gì liên hệ đến vua, tôi sẽ vâng lời một cách mù quáng; nếu quyền lực trần thế của vua bị tấn công, tôi sẽ đổ giọt máu cuối cùng vì vua. Nhưng trong những luật lệ tôn giáo mà vua đã áp đặt cách bất công, tôi không thể và cũng không phải vâng theo."


Bị kết án tử hình về tội phản quốc, ngài đã trung tín cho đến cùng, ngay cả khi đứng trên đoạn đầu đài và được hứa sẽ trao trả tự do nếu từ chối đức tin. Ngài bị treo cổ ở Glasgow năm 1615 lúc ba mươi sáu tuổi.

Cha Gioan Ogilvie được phong thánh năm 1976, là vị thánh Tô Cách Lan đầu tiên kể từ năm 1250.

* Phái Calvin là một phương thức giải thích Phúc Âm theo John Calvin. Calvin sống ở Pháp trong thập niên 1500 đồng thời với Martin Luther, người phát động phong trào Cải Cách Tin Lành.

Phương thức Calvin bám vào các điểm cực đoan của phúc âm và tìm cách đưa ra các công thức thần học chỉ dựa trên lời Chúa. Họ nhắm đến sự tối thượng của Thiên Chúa, khẳng định rằng Thiên Chúa thì có thể và sẵn sàng thể hiện bất cứ điều gì Ngài muốn đối với tạo vật, vì Ngài thông suốt mọi sự, ở khắp mọi nơi và toàn năng. Họ cũng cho rằng trong Phúc Âm có các dạy dỗ sau: Thiên Chúa, qua ơn sủng tối cao, Ngài tiền định cho con người được ơn cứu độ; Ðức Giêsu chỉ chết cho những ai đã được tiền định; Thiên Chúa tái sinh những ai mà Ngài thấy họ có thể và muốn chọn theo Thiên Chúa; và những người đã được cứu độ không thể nào mất ơn ấy.






Trích từ NguoiTinHuu.com



Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

THỨ BẢY 10/3/2012 TUẦN II MÙA CHAY B ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC SILVANO M.TOMASI

Tòa Thánh: “Nhiệm vụ của Chính phủ không phải là xác định tôn giáo hay công nhận giá trị của tôn giáo”
Đăng lúc: Thứ sáu - 09/03/2012 18:24 - Người đăng bài viết: ccshue
-
-Nhiệm vụ của Chính phủ không phải là xác định tôn giáo hay công nhận giá trị của nó, nhưng là trao cho các cộng đồng tôn giáo tư cách pháp nhân để họ có thể hoạt động một cách hòa bình trong khuôn khổ luật pháp.
Tòa Thánh: “Nhiệm vụ của Chính phủ không phải là xác định tôn giáo hay công nhận giá trị của tôn giáo”

 
Đức Tổng giám mục Silvano M. Tomasi
Ngày 27 tháng Hai 2012, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã khai mạc khóa họp lần thứ 19 tại Geneva, Thụy Sĩ với sự tham gia của hơn 80 bộ trưởng cùng nhiều quan chức cấp cao từ các quốc gia thành viên và đại diện các tổ chức quốc tế. Khóa họp kéo dài trong 4 ngày.

Phái đoàn Tòa Thánh đã tham gia Khóa họp này với tư cách Quan sát viên thường trực tại Liên hợp quốc. Ngày 1 tháng Ba, Đức Tổng giám mục Silvano M. Tomasi đã có bài phát biểu tại Hội đồng như sau:


Thưa Bà Chủ tịch,

Ngày nay việc thực hiện quyền con người là một thách đố khó khăn, đặc biệt là đối với các quyền cơ bản và bất khả nhượng như “tự do tư tưởng, tự do lương tâm, tự do tôn giáo hay tín ngưỡng”.

Trong nhiều yếu tố, những thay đổi chính trị, nhận thức sai lầm về vai trò của tôn giáo, thủ đoạn, và sự hiểu biết mơ hồ về chủ nghĩa thế tục đã dẫn đến tình trạng bất bao dung và thậm chí đàn áp thẳng tay con người vì niềm tin tôn giáo. Quyền tự do thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng của mình trong việc giảng dạy, hành đạo, việc thờ phượng và tuân giữ luật đạo, vốn được đảm bảo bởi luật nhân quyền và các tổ chức quốc tế, lại bị coi thường tại nhiều nơi trên thế giới. Những chính sách và áp dụng ngột ngạt như vậy khiến cho nhiều công dân muốn đóng góp vào đời sống xã hội và sự tiến bộ ở đất nước họ phải gặp nguy hiểm. Tòa Thánh đánh giá cao việc Hội đồng Nhân quyền thường xuyên quan tâm đến vấn đề chính yếu này cũng như những nỗ lực liên quan và các quyết định do Cơ quan Thủ tục đặc biệt ban hành.

Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia, khoảng cách đang gia tăng giữa các nguyên tắc được mọi người nhìn nhận và việc áp dụng chúng nơi người dân trong đời sống hằng ngày. Những nghiên cứu nghiêm túc đưa ra các dữ liệu đáng tin cậy về các kiểu vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo hiện nay lặp đi lặp lại. Kitô hữu không phải là nạn nhân duy nhất, nhưng các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào các Kitô hữu ở châu Phi, Trung Đông và châu Á đã gia tăng 309% từ năm 2003 đến 2010. Khoảng 70% dân số thế giới sống tại  các quốc gia có những hạn chế về tín ngưỡng tôn giáo và hành đạọ, và các cộng đồng tôn giáo thiểu số phải trả giá đắt nhất.

Nói chung, việc gia tăng những hạn chế về tôn giáo có ảnh hưởng đến hơn 2,2 tỉ người. Những người này hoặc không được xã hội bảo vệ, hoặc phải chịu những hạn chế bất công do chính phủ áp đặt, hoặc trở thành nạn nhân của bạo lực do một sự mù quáng bốc đồng. Hiển nhiên là cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hơn nữa để bảo vệ mọi người được hưởng quyền tự do tôn giáo và thực hành tôn giáo. Hành động như vậy càng cấp bách vì trong nhiều quốc gia tình hình đang xấu đi và vì báo cáo thực tế về các vi phạm này bị coi nhẹ, mặc dù thực tế, nó cần được nhấn mạnh trong các báo cáo thích đáng.

Tuyên ngôn về Quyền con người chỉ cho thấy tôn trọng nhân phẩm của mọi người là nền tảng để xây dựng việc bảo vệ quyền con người. Trong hoàn cảnh hiện nay, cần nhắc lại rằng các quốc gia phải bảo đảm cho mọi công dân của họ được hưởng quyền tự do tôn giáo trên phương diện cá nhân, gia đình, cũng như cộng đồng, và tham gia vào lĩnh vực công cộng. Trên thực tế, tự do tôn giáo không phải là một quyền phát sinh, hoặc được ban phát, mà là một quyền căn bản và bất khả nhượng của con người. Không được coi niềm tin tôn giáo là có hại hoặc mang tính tấn công chỉ vì nó khác với đa số. Nhiệm vụ của Chính phủ không phải là xác định tôn giáo hay công nhận giá trị của nó, nhưng là trao cho các cộng đồng tôn giáo tư cách pháp nhân để họ có thể hoạt động một cách hòa bình trong khuôn khổ luật pháp. Tôn trọng tự do tôn giáo của mọi người có thể bị đe dọa ở những nơi mà khái niệm “Tôn giáo nhà nước” được công nhận, đặc biệt khi tôn giáo nhà nước trở thành nguồn gốc của đối xử bất công với người khác, dù là người có niềm tin tôn giáo khác hoặc người không tin.

Ngoài những vấn đề về từ thiện, vấn đề gay cấn đối đầu với việc cổ võ và bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực tự do tôn giáo là sự bất bao dung - vốn dẫn đến bạo lực và giết hại nhiều người vô tội hằng năm đơn giản chỉ vì niềm tin tôn giáo của họ. Do đó, trách nhiệm chung và thực tế là duy trì sự khoan dung lẫn nhau và tôn trọng các quyền con người và bình đẳng hơn nữa giữa các công dân thuộc các tôn giáo khác nhau để đạt được một nền dân chủ lành mạnh – trong đó, vai trò chung của tôn giáo và sự phân biệt giữa các tôn giáo và các lĩnh vực thế tục được công nhận . Trong thực tế cuộc sống, khi được sống trong bối cảnh chấp nhận lẫn nhau, các quan hệ giữa đa số và thiểu số cho phép mọi người hợp tác và thỏa thuận với nhau, đồng thời mở đường cho sự cùng tồn tại hòa bình và xây dựng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu mong muốn này, cần phải vượt qua một nền văn hóa hạ thấp giá trị con người và có ý định loại bỏ tôn giáo ra khỏi đời sống công cộng. Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã mô tả rõ tình trạng này: “Đáng buồn thay, tại một số quốc gia, chủ yếu là ở phương Tây, người ta ngày càng ít gặp - trong giới chính trị và văn hóa, cũng như trong các phương tiện truyền thông-, sự tôn trọng và có khi lại là thù địch, nếu không nói là khinh miệt, đối với tôn giáo và nhất là đối với Kitô giáo. Rõ ràng là nếu chủ thuyết tương đối được coi như một yếu tố thiết yếu của nền dân chủ, thì có nguy cơ người ta sẽ coi chủ nghĩa thế tục theo nghĩa loại trừ, hay chính xác hơn, phủ nhận tầm quan trọng xã hội của tôn giáo. Nhưng một cách tiếp cận như vậy sẽ tạo ra sự đối đầu và chia rẽ, làm rối loạn bình an, gây hại cho môi sinh của con người và nói chung, một khi loại trừ những cách tiếp cận khác với cách của mình, thì sẽ kết thúc trong một điểm chết. Vì thế cần cấp thiết phác họa một chủ nghĩa thế tục tích cực và cởi mở, căn cứ trên quyền tự chủ chính đáng của quyền thế tục và quyền thiêng liêng, có thể thúc đẩy sự hợp tác lành mạnh và một tinh thần chia sẻ trách nhiệm”.

Thưa Bà chủ tịch,

Tôn giáo không phải là một mối đe dọa, nhưng là một nguồn lực. Tôn giáo góp phần vào sự phát triển của các nền văn minh, và điều ấy tốt cho mọi người. Các hoạt động và tự do tôn giáo cần được bảo vệ để sự hợp tác giữa các tôn giáo và xã hội có thể thăng tiến công ích. Một nền văn hóa khoan dung, chấp nhận lẫn nhau và đối thoại là cấp bách. Hệ thống giáo dục và truyền thông đóng vai trò quan trọng bằng cách loại bỏ thành kiến ​​và hận thù khỏi sách giáo khoa, tin tức và báo chí, và phổ biến thông tin chính xác và công bằng về mọi nhóm thành phần trong xã hội. Tuy nhiên, việc thiếu giáo dục và thông tin, vốn tạo điều kiện cho người ta dễ dàng thao túng con người để hưởng lợi về chính trị, lại thường có liên quan đến tình hình kém phát triển, nghèo đói, thiếu tham gia quản lý xã hội một cách hiệu quả.

Một môi trường công bằng xã hội hơn sẽ là mảnh đất màu mỡ cho việc thực hiện mọi quyền của con người. Các tôn giáo là những cộng đồng dựa trên niềm tin và tự do tôn giáo bảo đảm sẽ đóng góp các giá trị đạo đức mà nếu không có các giá trị này thì cũng chẳng có tự do của mọi người. Vì lý do đó, trách nhiệm cấp bách và giúp ích của cộng đồng quốc tế là chống lại khuynh hướng gia tăng bạo lực với các nhóm tôn giáo cũng như chống lại điều sai lầm và thái độ trung lập giả trá nhằm mục đích trung lập hóa tôn giáo trong thực tế.

Xin cảm ơn Bà Chủ tịch.

(Vatican Radio, 02-03-2012)
Tác giả bài viết: Huy Hoàng 
Nguồn tin: WHĐ

THỨ BẢY 10/3/2012 TUẦN II MÙA CHAY B THÁNH ĐAMINH SAVIÔ

Thánh Ðaminh Saviô
    (c. 1857)

    Thanh Daminh SavioNhiều người thánh thiện dường như lại chết yểu. Trong số đó có Thánh Ðaminh Saviô, quan thầy của các chú hội hát.


    Sinh trong một gia đình nông dân ở Riva, Ý Ðại Lợi, ngay từ khi lên bốn, mẹ ngài đã thấy cậu con trai bé nhỏ quỳ cầu nguyện trong một góc nhà. Lúc năm tuổi, ngài là chú giúp lễ. Khi lên bẩy, ngài được Rước Lễ Lần Ðầu. Vào ngày trọng đại ấy, ngài đã chọn phương châm: "Thà chết chứ không phạm tội!" và ngài luôn luôn giữ điều ấy.

    Quả thật, Ðaminh là một cậu bé bình thường nhưng lòng yêu mến Thiên Chúa của cậu thật phi thường.
    Vào lúc 12 tuổi, Ðaminh theo học trường của Thánh Don Bosco. Qua cách cầu nguyện của Ðaminh, mọi người trong trường đều nhận thấy cậu thật khác biệt. Ðaminh yêu quý tất cả mọi người, và dù trẻ hơn họ, cậu cũng lo lắng để ý đến họ. Cậu sợ rằng họ sẽ mất ơn sủng của Thiên Chúa vì tội lỗi.

    Có lần, chúng bạn đưa cho cậu xem hình ảnh đồi trụy. Vừa thoáng nhìn thấy, cậu đã cầm lấy tờ báo xé tan ra từng mảnh và hỏi, "Thiên Chúa ban cho chúng ta cặp mắt để nhìn những điều xấu xa như vậy hả? Các anh không thấy xấu hổ sao?"

    Một lần khác, hai đứa con trai giận dữ lấy đá ném nhau. Thấy thế, Ðaminh đứng vào giữa, cầm tượng thánh giá nhỏ đưa lên cao, và nói, "Trước khi đánh nhau, mấy anh hãy nhìn vào thánh giá và nói, 'Ðức Giêsu Kitô vô tội khi Ngài chịu chết đã tha thứ cho kẻ giết mình. Tôi là kẻ tội lỗi, và tôi sẽ làm đau khổ Ngài khi không tha thứ cho kẻ thù.' Rồi sau đó mấy anh hãy bắt đầu -- và hãy ném đá tôi trước!"

    Hai anh kia cảm thấy xấu hổ, xin lỗi nhau và hứa sẽ đi xưng tội.

    Sức khoẻ của Ðaminh rất mỏng manh, thường hay đau yếu luôn và đưa đến biến chứng về phổi khiến cậu phải về nhà để tĩnh dưỡng. Tuy nhiên, khi ở nhà, bệnh tình lại càng gia tăng nên đã được chịu các Bí Tích sau cùng. Lúc ấy Ðaminh mới 15 tuổi, nhưng cậu không sợ chết. Thật vậy, cậu vô cùng sung sướng khi nghĩ đến lúc được lên thiên đàng. Ngay trước khi chết, cậu cố gượng ngồi dậy. Cậu nói thầm vào tai cha mình, "Giã biệt bố." Rồi bỗng dưng mặt cậu tươi sáng với nụ cười rạng rỡ. Cậu kêu lên, "Con đang nhìn thấy những điều kỳ diệu!" và trút hơi thở cuối cùng.

    Chính Thánh Don Bosco là người viết lại tiểu sử của Ðaminh Saviô.

    Ðaminh Saviô được phong thánh năm 1954. Trong buổi lễ phong thánh, Thánh Giáo Hoàng Piô X đã nói, "Một thiếu niên như Ðaminh, là người cố gắng giữ mình sạch tội từ khi rửa tội cho đến khi chết, quả thật là một vị thánh."


    Lời Trích

    Thánh Ðaminh Saviô thường nói, "Tôi không làm được những điều trọng đại. Nhưng tôi muốn tất cả những gì tôi làm, ngay cả những gì nhỏ nhặt nhất, là để vinh danh Thiên Chúa."


Trích từ NguoiTinHuu.com




TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ BẢY 10/3/2012 TUẦN II MÙA CHAY B TÌNH THƯƠNG THA THỨ CỦA THIÊN CHÚA

Thứ Bảy Tuần II MC B
Bài đọcMic 7:14-15, 18-20; Lk 15:1-3, 11-32.

1/ Bài đọc I:
14 (Lạy Đức Chúa,) xin Ngài dùng gậy chăn dắt dân là đàn chiên, là cơ nghiệp của Ngài, đang biệt cư trong rừng giữa vườn cây ăn trái. Xin đưa họ tới đồng cỏ miền Ba-san và Ga-la-át như những ngày thuở xa xưa. 15 Như thời Ngài ra khỏi đất Ai-cập, xin Ngài cho chúng con thấy những kỳ công. 18 Thần minh nào sánh được như Ngài, Đấng chịu đựng lỗi lầm, Đấng bỏ qua tội ác cho phần còn sót lại của cơ nghiệp Ngài? Người không giữ mãi cơn giận, nhưng chuộng lòng nhân nghĩa, 19 Người sẽ lại thương xót chúng ta, tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân.
Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển. 20 Ngài sẽ bày tỏ lòng thành tín cho Gia-cóp, và tình thương cho Áp-ra-ham, như đã thề với tổ phụ chúng con từ thuở trước.

2/ Phúc Âm:
1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng.
2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng." 3Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này: "Một người kia có hai con trai.
12 Người con thứ nói với cha rằng: "Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
14 "Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: "Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!
18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.
20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. 21 Bấy giờ người con nói rằng: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. ..
22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: "Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!
24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.
25 "Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì.
27 Người ấy trả lời: "Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ. 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ.
29 Cậu trả lời cha: "Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng! 31 "Nhưng người cha nói với anh ta: "Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy."
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Tình thương tha thứ của Thiên Chúa

Khi chúng ta nghe Chúa Giêsu đòi hỏi phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người đã xúc phạm đến chúng ta; nhiều người đã lắc đầu và chép miệng than: Khó quá! Làm sao thực hiện nổi? Chắc chắn Thiên Chúa không đòi con người làm những gì quá sức mình. Để giúp con người làm được điều này, Thiên Chúa ban ơn thánh và mời gọi con người nhìn lại mối liên hệ của họ với Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay giúp con người nhận ra tình thương tha thứ của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của con người đã xúc phạm đến Ngài. Trong Bài Đọc I, Tiên-tri Micah xin Thiên Chúa nối lại mối liên hệ của Ngài với Israel sau Thời Lưu Đày. Điều này chỉ Thiên Chúa mới có thể làm được, vì mọi con dân Israel đã xúc phạm đến Ngài. Để thực hiện điều đó, Thiên Chúa phải chà đạp tội lỗi dưới chân hay quăng chúng xuống đáy biển. Trong Phúc Âm, Thánh-sử Luca viết lại cho chúng ta một câu truyện tuyệt vời về tình thương tha thứ của Thiên Chúa. Ngài sẵn sàng tha thứ vô điều kiện và phục hồi quyền làm con, khi một người ăn năn trở lại.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc IThiên Chúa nhân từ.
1.1/ Xin Thiên Chúa tiếp tục chăn dắt dân: Những gì Tiên-tri Micah viết trong chương cuối hôm nay giả sử Thời Lưu Đày đã qua, và Thiên Chúa đã có kế họach cho dân Do-Thái trở về để tái thiết Đền Thờ và xây dựng lại quê hương. Tiên-tri ước mơ Thiên Chúa sẽ nối lại tình cha con, như khi họ mới từ Ai-cập vào Đất Hứa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài dùng gậy để chăn dắt dân là đàn chiên, là cơ nghiệp của Ngài, đang biệt cư trong rừng giữa vườn cây ăn trái. Xin đưa họ tới đồng cỏ miền Bashan và Galaat như những ngày thuở xa xưa. Như thời Ngài ra khỏi đất Ai-cập, xin Ngài cho chúng con thấy những kỳ công.”
1.2/ Thiên Chúa không chấp tội của con người: Tiên-tri ý thức sâu xa các tội của dân đã xúc phạm đến Thiên Chúa, và tình thương như trời biển của Ngài dành cho dân. Họ xứng đáng lãnh nhận mọi hình phạt và ngay cả cái chết; nhưng họ còn sống và còn được trở về quê hương là hòan tòan do lòng nhân từ của Thiên Chúa. Tiên-tri Micah tự hỏi: “Thần minh nào sánh được như Ngài, Đấng chịu đựng lỗi lầm, Đấng bỏ qua tội ác cho phần còn sót lại của cơ nghiệp Ngài? Người không giữ mãi cơn giận, nhưng chuộng lòng nhân nghĩa, Người sẽ lại thương xót chúng ta, tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển.”

2/ Phúc ÂmNgười Cha nhân hậu
2.1/ Người tội lỗi cần tình thương của Thiên Chúa: Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Những người Pharisees và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng." Chúa Giêsu đưa ra 3 dụ ngôn để giúp họ nhận ra tình thương Thiên Chúa, và dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” tuyệt vời hơn cả, vì nó bao hàm tất cả các tiến trình phạm tội, xám hối, trở về, và tình thương tha thứ.
(1) Tội lỗi và tự do: Tội lỗi xảy ra khi con người lạm dụng quyền tự do của mình. Thiên Chúa ban cho con người quyền tự do chọn lựa, và Ngài tôn trọng quyền tự do của con người. Dĩ nhiên Ngài có thể bắt con người làm theo ý Ngài, nhưng làm như thế là mâu thuẫn với chính Ngài, và con người cũng không thỏai mái khi bị bắt làm như thế. Người con thứ cho chúng ta nhìn thấy cách xử dụng tự do không đúng của con người. Người cha để cho con hòan tòan tự do, mặc dù ông rất đau khổ trong lòng, vì ông biết có thể đây là lần cuối được nhìn thấy con.
(2) Tội lỗi và hình phạt: Tự do chọn lựa là phải lãnh nhận hậu quả mang lại. Người biết dùng tự do là người biết cân nhắc kỹ các hậu quả sẽ mang lại của từng lựa chọn. Người con thứ đã không nhìn thấy trước hậu quả của lối sống anh ta đã chọn; và khi hậu quả xảy ra, anh mới biết mình đã lựa chọn không đúng. Vì không có nghề, nên anh phải chăn heo, là một nghề mà người Do-Thái khinh thường. Chưa hết, vì quá đói nên anh ước ao được ăn những đồ heo ăn, mà cũng chẳng ai cho. Danh dự của một con người giờ còn thua cả một con vật nhơ bẩn.
(3) Tội lỗi và xám hối: Đau khổ cần thiết vì nó giúp con người biết phân biệt phải trái; trong đau khổ, con người nhận ra nhu cầu phải ăn năn xám hối. Người con thứ nhận ra mình đã không sống xứng đáng với địa vị làm con, nên muốn xin trở nên như một người làm công để có cơm ăn cho khỏi chết đói. Và anh ta mạnh dạn đứng lên ra về.
(4) Tội lỗi và tha thứ: Có một chi tiết nhỏ, nhưng nhiều người đã nhận ra và viết về nó: Làm sao người cha biết khi nào con trở về mà chạy ra đón con? Có người suy đóan: chắc ngày nào ông cũng ra đón vì thương con. Điều hợp lý hơn có lẽ Chúa Giêsu muốn ám chỉ Thiên Chúa, vì chỉ có Thiên Chúa mới biết những gì xảy ra trong tâm hồn con người. Ngài tha thứ mà chẳng đòi điều kiện nào cả; cũng chẳng cần con kịp nói hết lời. Không những sẵn sàng tha thứ mọi tội mà còn phục hồi quyền làm con qua việc mặc áo đẹp nhất, xỏ nhẫn, mang giầy, và ăn mừng.
2.2/ Con người không thể hiểu được tình thương Thiên Chúa: Tình thương quá tuyệt vời của người cha làm nhiều người bất mãn, trong đó có người anh của người con thứ.
(1) Phản ứng của người anh cả: Khi biết lý do của buổi tiệc, Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ, và cậu được dịp để bày tỏ nỗi tức giận của mình:
- Kể công phục vụ: "Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè.”
- Từ chối không nhận em mình: “Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”
(2) Phản ứng của người cha: Ông vẫn bênh vực người con thứ và kiên nhẫn cắt nghĩa cho người con cả: "Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta khó tha thứ cho kẻ thù và cầu nguyện cho người xúc phạm; vì chúng ta không chịu xét mình để nhìn ra tình thương tha thứ và cách cư xử của Thiên Chúa với chúng ta.
- Một khi chúng ta nhìn ra tình thương tha thứ của Thiên Chúa và cách cư xử của Thiên Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng tha thứ cho anh chị em hơn; và nhận ra những gì họ xúc phạm đến chúng ta không thể so sánh với những gì chúng ta đã xúc phạm đến Thiên Chúa.
- Sau cùng, tất cả chỉ là tình thương. Nếu chúng ta đã nhận được tình thương từ Thiên Chúa, chúng ta cũng phải chia sẻ tình thương cho nhau.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************



Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

THỨ SÁU 9/3/2012 TUẦ II MÙA CHAY B THÁNH FRANCES Ở RÔMA

Thánh Frances ở Rôma
(1384 - 1440)


 Đời sống Thánh Frances bao gồm các khía cạnh của đời thường và đời tu trì. Là một người nội trợ tận tụy và duyên dáng, ngài ước ao một đời sống cầu nguyện và phục vụ, do đó ngài tổ chức một nhóm phụ nữ để chăm sóc người nghèo ở Rôma.

Sinh trong một gia đình giàu có, ngay từ thời niên thiếu Frances đã cảm thấy mình yêu mến đời sống tu trì. Nhưng cha mẹ ngài chống đối và một thanh niên quý tộc đã được chọn để làm vị hôn phu.

Khi bắt đầu quen biết với họ hàng nhà chồng, Frances khám phá rằng cô em dâu của mình cũng ước ao một đời sống phục vụ và cầu nguyện. Do đó, cả hai người, Frances và Vannozza, với sự ưng thuận của các ông chồng, họ bắt đầu luyện tập đời sống tâm linh bằng cách siêng năng tham dự Thánh Lễ, thăm viếng kẻ tù đầy, phục vụ trong các bệnh viện, giúp đỡ người nghèo và thành lập một nhà nguyện bí mật trong ngôi tháp bỏ hoang để cùng nhau cầu nguyện.


Nhiều năm trôi qua, bà Frances sinh hạ hai trai và một gái. Với trách nhiệm của một đời sống gia đình, bà đã dành nhiều thời giờ để lo cho chồng con. Gia đình bà trở nên phát đạt dưới sự quán xuyến của bà, nhưng chỉ được vài năm, trận dịch hạch đã càn quét cả nước Ý và cướp đi đứa con trai thứ hai của bà. Ðể giúp vơi bớt đau khổ của các nạn nhân trận dịch, bà dùng tiền của và tài sản để cung ứng cho các nhu cầu của bệnh nhân. Khi mọi nguồn tài chánh đều cạn kiệt, bà Frances và Vannozza đã đi xin từng nhà. Về sau, khi cô con gái qua đời, bà Frances đã biến một phần căn nhà thành bệnh viện.


Càng ngày bà Frances càng tin tưởng rằng một đời sống cho tha nhân thì cần thiết cho thế gian. Với sự hậu thuẫn của đức lang quân, bà Frances bắt đầu thành lập một tổ chức xã hội dành cho các phụ nữ, được gọi là Hiến Sĩ của Ðức Maria (không có lời khấn). Họ chỉ dâng mình cho Chúa và cho sự phục vụ người nghèo.


Khi tổ chức đã được thành lập, bà Frances không sống trong cơ sở của cộng đoàn mà sống ở nhà với chồng trong bảy năm. Cho đến khi người chồng từ trần, bà sống quãng đời còn lại với cộng đoàn để phục vụ những người bần cùng trong xã hội.


Lời Bàn

Nhìn vào đời sống gương mẫu -- trung tín với Thiên Chúa và tận tụy với tha nhân -- của Thánh Frances nhắc chúng ta nhớ đến Mẹ Têrêsa Calcutta. Ngài nhìn thấy Ðức Giêsu Kitô trong lời cầu nguyện cũng như trong người nghèo. Cuộc đời của Thánh Frances mời gọi chúng ta đừng chỉ tìm kiếm Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, mà hãy tận tụy với Ðức Kitô đang sống động trong sự đau khổ của thế giới. Thánh Frances cho chúng ta thấy, một cuộc đời vì tha nhân không nhất thiết chỉ gò bó trong những giới hạn của lời khấn.


Lời Trích

Mẹ Têrêsa có lần nói về người nữ tu trong cộng đoàn của ngài: "Hãy để Ðức Kitô toả sáng và sống động trong và qua người nữ tu khi họ đến các khu tồi tàn. Hãy giúp người nghèo mỗi khi nhìn thấy các nữ tu thì họ được thu hút đến Ðức Kitô và mời Ngài vào trong nhà họ và cuộc đời họ." Thánh Frances ở Rôma nói: "Một phụ nữ đã lập gia đình mà còn đạo đức thì thật đáng khen ngợi, nhưng họ đừng bao giờ quên rằng mình là người nội trợ. Và đôi khi, họ phải để Thiên Chúa ở bàn thờ mà về với ông chồng trong công việc hàng ngày."





Trích từ NguoiTinHuu.com