Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

CHỦ NHẬT 5/2/2012 THỨ V THƯỜNG NIÊN B THÁNH AGATHA .

                 Thánh Ag Trinh nữ Tử đạo                    (qua đời năm 251?)
        
    Cũng như trường hợp của Thánh Agnes, vị đồng trinh tử đạo thời Giáo Hội tiên khởi, chúng ta không có dữ kiện lịch sử chắc chắn về Thánh Agatha, ngoại trừ sự kiện ngài chịu tử đạo ở Sicily trong thời kỳ cấm đạo của hoàng đế Rôma là Decius năm 251.
    Theo truyền thuyết, ngài sinh trưởng trong một gia đình giầu có. Khi còn trẻ, ngài đã tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, và từ chối bất cứ lời cầu hôn nào. Một trong những người say mê ngài là Quintian, một người có địa vị cao trong xã hội nên ông nghĩ rằng có thể ép buộc thánh nữ. Biết ngài là Kitô Hữu nên ông ra lệnh bắt giữ và đưa ra xét xử bởi chính ông. Hy vọng rằng vì sợ hãi sự tra tấn và cái chết, thánh nữ sẽ đành  phải trao thân cho ông. Nhưng ngài nhất quyết tin tưởng vào Thiên Chúa, và cầu nguyện rằng: "Lạy Ðức Giêsu Kitô, là Chúa mọi sự! Ngài đã thấy lòng con, Ngài biết con muốn gì. Xin hãy làm chủ toàn thể con người của con -- chỉ mình Chúa mà thôi. Con là chiên của Ngài; xin giúp con vượt qua sự dữ một cách xứng đáng."
    Sau đó, Quintian tống Agatha vào nhà gái điếm với hy vọng ngài sẽ thay đổi ý định. Sau một tháng bị đánh đập và xỉ nhục, Quintian lại đưa ngài ra xét xử, nhưng Thánh Agatha vẫn không lay chuyển, vẫn can đảm tuyên xưng rằng chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể ban cho ngài sự tự do. Quintian lại tống ngài vào ngục thay vì nhà gái điếm. Và khi ngài tiếp tục tuyên xưng đức tin nơi Chúa Giêsu, Quintian ra lệnh tra tấn. Trước khi chết, ngài cầu nguyện: "Lạy Chúa, là Ðấng dựng nên con, Ngài đã gìn giữ con từ khi còn trong nôi. Bởi tình yêu thế gian Ngài đã dẫn dắt con và ban cho con sự kiên nhẫn để chịu đựng đau khổ. Xin hãy nhận lấy linh hồn con."
    Ngài được coi là quan thầy của xứ Palermo và Catania.
  Cũng như trường hợp thánh Anê, một trinh nữ tử đạo thời Giáo hội sơ khai, lịch sử hầu như không có gì chắc chắn về vị thánh này ngoại trừ biết thánh nhân tử đạo ở Sicily trong thời kỳ hoàng đế Decius bách hại năm 251.
       Thánh Agatha, cũng như thánh Anê, bị bắt vì là Kitô hữu, bị hành hạ và bị giam trong nhà thổ để bị hành hạ. Thánh nhân được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, sau đó thánh nhân bị giết.
       Thánh Agatha được đặt làm thánh bổn mạng của vùng Palermo và Catania. Một năm sau khi bà qua đời, núi lửa Etna được coi là có sự can thiệp của thánh nhân. Kết quả là người ta tiếp tục cầu xin thánh nhân che chở khỏi bị lửa thiêu đốt.

    Trầm Thiên Thu dịch    Trích từ NguoiTinHuu.com

     


     

TIN MỪNG HẰNG NGÀY CHỦ NHẬT 5/2/2012 THỨ V THƯỜNG NIÊN B

Chủ Nhật V Thường Niên, Năm B
Bài đọcJob 7:1-4, 6-7; I Cor 9:16-19, 22-23; Mk 1:29-39.
 
1/ Bài đọc I:
1 Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao?
Và chuỗi ngày lao lung vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê?2 Tựa người nô lệ mong bóng mát, như kẻ làm thuê đợi tiền công,3 cũng thế, gia tài của tôi là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề.4 Vừa nằm xuống, tôi đã nhủ thầm: "Khi nào trời sáng?" Mới thức dậy, tôi liền tự hỏi: "Bao giờ chiều buông?" Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng.6 Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt, không một tia hy vọng. 7 Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ.

2/ Bài đọc II:
16 Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!
17 Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó.
18 Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.
19 Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người.
22 Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người.
23 Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.

3/ Phúc Âm:
29 Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo.30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà.31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33 Cả thành xúm lại trước cửa.34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm.37 Khi gặp Người, các ông thưa: "Mọi người đang tìm Thầy đấy! "38 Người bảo các ông: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó."39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Đâu là ý nghĩa của cuộc đời?
Câu hỏi quan trọng nhất và đã làm trăn trở bao nhiêu con người: “Đâu là mục đích hay ý nghĩa của cuộc đời?” Tùy vào câu trả lời cho câu hỏi này, con người có hai cái nhìn về cuộc đời: lạc quan hy vọng hay bi quan yếm thế. Tùy theo cách nhìn về cuộc đời, con người sẽ có thái độ sống thích ứng trong cuộc sống: hoặc làm việc không ngơi nghỉ để đạt đích, hoặc nằm dài than thân trách phận chờ thần chết đến giải thóat cuộc sống vô nghĩa.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời: Trong Bài Đọc I, ông Job thấy cuộc đời vô nghĩa vì ông không biết mình sống để làm gì. Ông than thân trách phận vì không nhìn thấy ý nghĩa của cuộc đời. Trong Bài Đọc II, khi đã nhìn thấy sự quan trọng của việc rao giảng Tin Mừng là để cho mọi người đạt tới Ơn Cứu Độ, Thánh Phaolô sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời, nhiệt thành rao giảng, và sẵn sàng trở nên mọi sự cho mọi người để chinh phục các linh hồn về cho Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, thánh Marcô trình bày một ngày sống tiêu biểu của Đức Kitô bận rộn đến độ không có thời giờ ăn uống: rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, trục xuất quỉ thần, và cầu nguyện hiệp thông với Thiên Chúa trong nơi thanh vắng.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc ISự vô nghĩa của cuộc đời
1.1/ Những đau khổ của cuộc đời: là một thực tại con người phải đương đầu với. Những đau khổ chính của cuộc đời: phải làm lụng vất cả mới có ăn, sự nhàm chán của ngày lên đêm xuống, sự đe dọa của vô vàn bệnh tật chực chờ xâm nhập cơ thể, nguy hiểm của tội lỗi và chết chóc do chiến tranh, tai ương, mất mùa đem lại. Sách Job đưa ra một số những đau khổ này:
(1) Làm lụng vất vả, khổ cực: “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao? Và chuỗi ngày lao lụng vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê? Tựa người nô lệ mong bóng mát, như kẻ làm thuê đợi tiền công, cũng thế, gia tài của tôi là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề.”
(2) Tính độc điệu của thời gian: Cũng như tác giả của Sách Giáo Sĩ quan niệm: “chẳng có gì lạ dưới ánh mặt trời.” Sách Job cũng cảm thấy sự nhàm chán của cuộc sống dương gian: “Vừa nằm xuống, tôi đã nhủ thầm: "Khi nào trời sáng?" Mới thức dậy, tôi liền tự hỏi: "Bao giờ chiều buông?" Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng.”
(3) Đó là chưa kể đến ảnh hưởng của tội lỗi và bệnh tật mà Job phải đương đầu sau này, khi Satan bắt ông phải chịu chứng bệnh ngòai da nghiêm trọng.

1.2/ Sống không có hy vọng: Con người có thể chịu đựng đau khổ, nhưng không thể sống mà không có hy vọng: “Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt, không một tia hy vọng. Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ.” Không giống như chúng ta, người xưa không có hy vọng về cuộc sống mai sau; mặc dù hy vọng vào cuộc sống mai sau đã tiềm ẩn trong các Sách Cựu-Ước, nhưng chưa được trình bày rõ như các Sách Tân Ước. Nhiều người xưa quan niệm: phần thưởng của việc ăn ngay ở lành, hay vâng theo Lề Luật của Thiên Chúa, là những chuỗi ngày sống lâu và hạnh phúc ở đời này thôi; khi đã từ giã cõi đời, cuộc sống con người chấm dứt. Đó là lý do Job không thể nhìn ra ý nghĩa của cuộc đời.

2/ Bài đọc IITôi đã trở nên mọi sự cho mọi người.
2.1/ Rao giảng Tin Mừng là một bổn phận: Biến cố trở lại trên đường Damascus luôn chiếu sáng mọi suy nghĩ của Phaolô. Ngài đang trên đường bắt đạo, chứ không phải rao giảng Tin Mừng; nhưng Thiên Chúa đã có kế họach riêng của Ngài là biến Phaolô thành kẻ rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngọai. Vì thế, Phaolô xác quyết: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Nếu tôi tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó.”
Vì là bổn phận phải làm, Phaolô tìm một cách khác để được lãnh nhận phần thưởng nhờ việc rao giảng Tin Mừng: “Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.” Giống như Chúa Giêsu, Thánh Phaolô nhiều lần nhấn mạnh tới việc người làm việc xứng đáng được thưởng công. Thánh Phaolô từ chối không hưởng những ân huệ này, không phải vì Ngài không xứng đáng, nhưng là một cách để lãnh phần thưởng bởi Thiên Chúa do việc rao giảng Tin Mừng.
2.2/ Hy sinh tất cả cho việc rao giảng Tin Mừng: Một khi đã được Thiên Chúa soi sáng và trao ban sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngọai, thánh Phaolô sẵn sàng hy sinh mọi sự cho việc rao giảng Tin Mừng. Vì việc chinh phục linh hồn con người về cho Thiên Chúa là việc khẩn thiết trên hết mọi việc, nên mọi phương pháp được dùng để đạt mục đích này. Một cách hiệu quả nhất theo Phaolô là trở nên mọi sự cho mọi người; ngài cắt nghĩa: “Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.” Người tông đồ không ngại đi tới các vùng chưa ai đặt chân tới, nếu ở đó có những người chưa được nghe Tin Mừng; người tông đồ cũng không ngại bước chân vào nhà tù, nhà thổ, chốn ăn chơi, nếu ở đó có những linh hồn cần được chinh phục về cho Thiên Chúa.

3/ Phúc ÂmMột ngày sống của Đức Kitô
3.1/ Rao giảng Tin Mừng: Trình thuật hôm nay đề cập đến việc Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng tại hội đường Capernaum trong ngày Sabbath; nhưng Ngài không chỉ giới hạn việc rao giảng trong các hội đường, mà ở khắp mọi nơi: trên núi, dọc đường, dưới thuyền, bên bờ hồ … bất cứ chỗ nào có khán giả. Chúa Giêsu rao giảng những gì? Thứ nhất, triều đại Nước Thiên Chúa đã đến; nói cách khác, Nước Thiên Chúa bắt đầu mở cửa để mọi người có quyền vào để chung hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Thứ hai, Ngài chính là niềm hy vọng của con người; vì qua Ngài, con người được tẩy sạch mọi tội lỗi và giao hòa với Thiên Chúa. Sau cùng, Ngài mời gọi con người hãy ăn năn xám hối và tin vào những gì Ngài rao giảng; vì Ngài là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Ngài mặc khải tất cả những gì của Thiên Chúa cho con người. Những điều nền tảng này con người cần biết trước khi họ có thể đặt niềm tin nơi Ngài, và hy vọng vào những gì Ngài hứa; đồng thời giúp họ sửa đổi cuộc sống cho phù hợp với lối sống theo Tin Mừng.
3.2/ Chữa bệnh phần xác cũng như phần hồn: Một trong những đau khổ của cuộc đời là bệnh tật. Xưa cũng như nay, không biết bao nhiêu các chứng bệnh đe dọa cuộc sống của con người: từ những chứng bệnh thời tiết thông thường như lên cơn sốt cho đến những chứng bệnh ung thư hiểm nghèo. Chúa Giêsu cảm thông với đau khổ do bệnh tật gây nên và chữa lành tất cả.
(1) Chữa mẹ vợ của Phêrô: Bệnh tật ngăn cản các dự tính của con người. Sau khi giảng dạy trong hội đường tại Capernaum, chắc Phêrô mời Thầy và các tông-đồ khác về nhà mẹ vợ để dùng bữa trưa. Ông yên trí cơm nước đã sẵn sàng khi Thầy trò về đến nhà. Nhưng khi về tới nơi, cơm nước đâu chẳng thấy, mà chỉ thấy bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài. Điều này dạy chúng ta bài học phải kiên nhẫn. Nhiều khi chúng ta cảm thấy đau khổ vì bệnh tật ngăn cản công việc và các dự án chúng ta đã vạch ra; nhưng chúng ta phải tìm ra thánh ý Thiên Chúa trong những lúc chịu bệnh. Khi nào khỏi bệnh, chúng ta lại tiếp tục vui vẻ phục vụ như Bà mẹ vợ của Phêrô.
(2) Chữa mọi kẻ ốm đau và bị quỉ ám trong thành Capernaum: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.” Họ phải đợi đến lúc mặt trời lặn vì Lề Luật không cho chữa bệnh trong ngày Sabbath. Cảm thông với bệnh tật của dân chúng, Chúa Giêsu chữa lành tất cả. Bệnh phần xác đã vậy, bệnh phần hồn còn đau khổ hơn. Bệnh phần hồn là những người sống dưới ảnh hưởng của quỉ thần và làm nô lệ cho chúng. Chính Chúa Giêsu đã nhiều lần trục xuất quỉ thần và ban quyền cho các tông-đồ để các ông giải phóng con người.
3.3/ Cầu nguyện với Thiên Chúa trước khi bắt đầu một ngày khác: Bận rộn suốt ngày để rao giảng Tin Mừng và chữa lành mọi bệnh tật hồn xác như thế, Chúa Giêsu vẫn tìm ra thời giờ để cầu nguyện với Thiên Chúa. Theo trình thuật, “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.” Một ngày mới với những công việc mới, Chúa Giêsu bắt đầu bằng việc kết hợp với Thiên Chúa để nhận ra những việc phải làm.
Khi Ngài còn đang cầu nguyện, Simon và các bạn kéo nhau đi tìm.  Khi gặp Người, các ông thưa: "Mọi người đang tìm Thầy đấy!" Người bảo các ông: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó." Mục đích của Ngài là rao giảng Tin Mừng và chữa bệnh cho dân, và Chúa Giêsu chỉ có 3 năm làm việc, nên Ngài muốn Tin Mừng được lan rộng khắp nơi có thể. Điều luôn cám dỗ người tông-đồ là lo tìm lợi ích cho mình sau khi đã làm việc một thời gian tại một nơi cố định. Họ quên đi sự cấp bách của việc rao giảng Tin Mừng, và bằng lòng với những tiện nghi của địa phương dâng tặng. Người tông-đồ phải luôn sẵn sàng lên đường để đi tới những nơi đang cần được lắng nghe Tin Mừng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Cuộc đời có ý nghĩa hay không tùy thuộc chúng ta có nhìn ra đích điểm của cuộc đời hay không?
- Đích điểm của cuộc đời không do con người tự vạch ra, nhưng đã được vạch sẵn bởi Thiên Chúa cho con người.
- Chúng ta có bổn phận phải rao giảng Tin Mừng để giúp con người biết nhận biết đích điểm này, và giúp họ sống làm sao để đạt đích.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
++++++++++

TIN MỪNG NẰNG NGÀY THỨ BẢY 4/2/2012 TUẦN IV THƯỜNG NIÊN B

Thứ Bảy, Tuần IV TN2
Bài đọcHeb 13:15-17, 20-21; I Kgs 3:4-13; Mk 6:30-34.

1/ Bài đọc I (năm lẻ):
15 Vậy nhờ Người, chúng ta hãy luôn luôn dùng lời ngợi khen làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa, tức là dùng miệng lưỡi mà ca tụng Danh Thánh.
16 Anh em chớ quên làm việc từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như thế. 17 Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa. Như thế, họ sẽ vui vẻ thi hành phận sự của mình mà không than thở, bởi vì điều đó chẳng ích gì cho anh em.
20 Thiên Chúa là nguồn mạch bình an đã đưa Đức Giê-su, Chúa chúng ta ra khỏi cái chết. Đức Giê-su là vị Mục Tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu. 21 Xin Thiên Chúa ban cho anh em mọi ơn lành để có sức thi hành thánh ý Người. Xin Người thực hiện nơi anh em điều đẹp lòng Người, nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Kính dâng Đức Ki-tô vinh quang đến muôn thuở muôn đời. A-men.

2/ Bài đọc I (năm chẵn):
4 Vua đi Ghíp-ôn để tế lễ vì chỗ ấy là nơi cao quan trọng nhất; Sa-lô-môn dâng một ngàn lễ vật toàn thiêu trên bàn thờ ấy.
5 Tại Ghíp-ôn, đang đêm ĐỨC CHÚA hiện ra báo mộng cho vua Sa-lô-môn, Thiên Chúa phán: "Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho." 6 Vua Sa-lô-môn thưa: "Chính Ngài đã lấy lòng nhân hậu lớn lao mà xử với tôi tớ Chúa là Đa-vít thân phụ con, như người đã bước đi trước nhan Chúa cách trung thực, công chính, với tâm hồn ngay thẳng. Chúa đã duy trì lòng nhân hậu lớn lao ấy đối với người, khi ban cho người có một đứa con ngồi trên ngai của người hôm nay.
7 Và bây giờ, lạy ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của con, chính Chúa đã đặt tôi tớ Chúa đây lên ngôi kế vị Đa-vít, thân phụ con, mặc dầu con chỉ là một thanh niên bé nhỏ, không biết cầm quyền trị nước. 8 Con lại ở giữa dân mà Chúa đã chọn, một dân đông đúc, đông không kể xiết, cũng không đếm nổi. 9 Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế?"
10 Chúa hài lòng vì vua Sa-lô-môn đã xin điều đó. 11 Thiên Chúa phán với vua: "Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử,
12 thì này, Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp.
13 Cả điều ngươi không xin, Ta cũng sẽ ban cho ngươi: giàu có, vinh quang, đến nỗi suốt đời ngươi không có ai trong các vua được như ngươi.

3/ Phúc Âm:
30 Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy.
31 Người bảo các ông: "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút." Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.
32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. 33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Liên hệ giữa mục-tử và đoàn chiên

Trong cuộc đời không ai là một hòn đảo để tự mình sinh sống. Con người cần sự giúp đỡ của tha nhân, và chính họ cũng phải giúp đỡ người khác. Một em bé chào đời không thể tự mình sinh sống. Về phương diện vật chất, em cần sự thương yêu và chăm sóc của cha mẹ cho đến khi em đủ khả năng để tự sinh sống một mình. Về phương diện tri thức, em cần sự giáo dục trong gia đình cũng như nhà trường, để giúp em thâu thập những kiến thức cần thiết để biết đối xử, suy luận, và làm việc với mọi người. Về phương diện tâm linh, em cần được hướng dẫn để nhận ra Đấng Tạo Thành, và sống mối tương quan với Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay nhấn mạnh đến những mối liên hệ này, đặc biệt mối liên hệ giữa mục-tử và đoàn chiên. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác-giả Thư Do-thái nhấn mạnh đến việc cả hai bên phải giúp đỡ lẫn nhau, và đoàn chiên phải vâng lời vị mục tử. Trong Bài đọc I, năm chẵn, vua Solomon chỉ xin Thiên Chúa ban cho có được khôn ngoan để chăn dắt dân chúng trong chính trực và thương yêu, vì Vua biết có khôn ngoan là có tất cả. Trong Phúc Âm, tuy Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải biết quí trọng sự yên tĩnh để nghỉ ngơi và sống mối liên hệ với Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã không thể cầm được lòng thương xót khi thấy dân Ngài vất vả “như chiên không người chăn dắt.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc ICùng giúp đỡ nhau để thi hành thánh ý Chúa.
1.1/ Bổn phận tương thân, tương trợ: Mục đích của tôn giáo là đưa con người tới Thiên Chúa. Để thể hiện điều này, con người phải thực hiện 2 điều:
(1) Thờ phượng và ngợi khen Thiên Chúa qua Đức Kitô: “Vậy nhờ Người, chúng ta hãy luôn luôn dùng lời ngợi khen làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa, tức là dùng miệng lưỡi mà ca tụng Danh Thánh.” Việc thờ phượng biểu lộ qua cầu nguyện cá nhân và phụng vụ cộng đồng.
(2) Giúp cho mọi người có cơ hội đến với Thiên Chúa: “Anh em chớ quên làm việc từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như thế.” Theo cách cấu trúc của Giáo Hội, những người lãnh đạo tinh thần tại địa phương như các giám-mục, linh-mục, là những người có trách nhiệm trực tiếp lo cho phần linh hồn của các tín hữu. Tác giả khuyên các tín hữu hãy vâng lời những người lãnh đạo tinh thần này: “Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa. Như thế, họ sẽ vui vẻ thi hành phận sự của mình mà không than thở, bởi vì điều đó chẳng ích gì cho anh em.” Ngoài việc vâng lời, các tín hữu còn phải tích cực hơn bằng cách biểu lộ sự biết ơn bằng cách cầu nguyện và săn sóc đến nhu cầu vật chất, để họ có sức khỏe và thời gian để phục vụ đoàn chiên. Giúp đỡ họ là giúp đỡ chính mình vậy.
1.2/ Phải thi hành thánh ý Thiên Chúa: Đây là mục đích chính của con người trong cuộc đời, vì tất cả mọi loài Thiên Chúa dựng nên là cho một mục đích. Đâu là mục đích hay thánh ý của Thiên Chúa cho con người? Tác-giả Thư Do-thái đã vạch ra rất rõ ràng: đó là được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Như vậy, tuy là ý của Thiên Chúa, nhưng là vì lợi ích cho con người; vì thế, ý của Thiên Chúa cũng phải là ý của con người.
(1) Đức Kitô thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha: Để đạt mục đích của Thiên Chúa, Đức Kitô đã vâng lời Thiên Chúa trong mọi sự ngay cả chấp nhận cái chết để thực hiện thánh ý Thiên Chúa: “Thiên Chúa là nguồn mạch bình an đã đưa Đức Giêsu, Chúa chúng ta ra khỏi cái chết. Đức Giêsu là vị Mục Tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu.”
(2) Chúng ta cũng phải trung thành thi hành thánh ý của Ngài: Nếu Đức Kitô đã sẵn sàng hy sinh đổ máu cho chúng ta được sống, lẽ nào chúng ta lại để cho máu cực thánh của Ngài trở nên vô hiệu nơi bản thân chúng ta. Tác giả cầu xin cho các tín hữu: “Xin Thiên Chúa ban cho anh em mọi ơn lành để có sức thi hành thánh ý Người. Xin Người thực hiện nơi anh em điều đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô. Kính dâng Đức Kitô vinh quang đến muôn thuở muôn đời. Amen.”

2/ Bài đọc I (năm chẵn)Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái.

2.1/ Lời cầu xin cho được khôn ngoan của vua Solomon: Người khôn ngoan là người biết Thiên Chúa, biết mình, và biết người. Vua Solomon chứng minh ông là người khôn ngoan ngay cả trước khi ông cầu xin cho được khôn ngoan.
(1) Solomon biết học hỏi kinh nghiệm của người đi trước: Sống dưới sự giáo dục của vua cha David, Solomon chắc chắn đã học hỏi rất nhiều tính tốt nơi cha của mình như: lòng tin tưởng tuyệt đối và kính sợ Thiên Chúa, tâm hồn công chính ngay thẳng, luôn thương yêu và lo lắng cho những người dưới quyền mình. Tuy nhiên, Solomon cũng đã được biết tội lỗi của cha và những hậu quả tai hại đã xảy đến cho gia đình và đất nước; hậu quả của việc không biết xét xử công minh. Thực ra, lời Thiên Chúa hỏi Solomon: " Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho!" là một lời thử thách nguy hiểm; vì nếu không biết điều mình xin, những gì Thiên Chúa ban cho sẽ gây thiệt hại cho Solomon nhiều hơn là làm lợi. Ví dụ: xin cho được sống trường thọ trong khi cơ thể già yếu và bệnh tật; hay xin cho được giàu có mà không biết sự giàu có sẽ làm cho gia đình tan nát hay làm con người xa Thiên Chúa.
(2) Solomon nhận ra khả năng giới hạn của mình trong việc điều khiển đất nước: Người lãnh đạo phải là người khôn ngoan sáng suốt, thì mới có thể chỉ đường cho dân chúng đi; ngược lại, nếu người lãnh đạo mù quáng, làm sao ông có thể chỉ đường cho dân chúng? Đúng như lời Chúa Giêsu chỉ trích các biệt phái và kinh sư: "Mù dẫn mù, cả hai cùng lăn xuống hố!" Nhận ra sự quan trọng của khôn ngoan trong việc lãnh đạo quốc gia và giới hạn của bản thân, Solomon cầu xin với Thiên Chúa: "Con chỉ là một thanh niên bé nhỏ, không biết cầm quyền trị nước. Con lại ở giữa dân mà Chúa đã chọn, một dân đông đúc, đông không kể xiết, cũng không đếm nổi. Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế?"
2.2/ Thiên Chúa hài lòng và hứa ban điều vua Solomon xin.
(1) Thiên Chúa hài lòng và ban cho Solomon điều vua ước nguyện: Lời xin của Solomon đẹp lòng Thiên Chúa, vì vua không chỉ quan tâm đến bản thân, nhưng biết để ý đến việc chăn dắt Dân Chúa. Ngài phán với vua: "Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử, thì này, Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp."
(2) Có khôn ngoan là có tất cả: Solomon có thể nhìn thấy trước những gì khôn ngoan sẽ mang lại. Khi biết cách lãnh đạo, đời sống dân chúng sẽ phát triển, đất nước sẽ thái bình thịnh trị; người lãnh đạo khôn ngoan sẽ được vinh quang và hưởng mọi nguồn phú túc giàu sang từ dân chúng. Ngược lại, với một người không biết lãnh đạo, đời sống dân chúng sẽ lầm than khổ sở, đất nước sẽ rơi vào tình trạng nghèo đói, nhà lãnh chắc chắn sẽ phải lãnh nhận hậu quả và bị khai trừ để người khác thay thế. Vì vậy, biết cách xin đúng đắn như Solomon là biết cách giải quyết mọi vấn đề. Lịch sử chứng minh triều đại của Solomon là triều đại huy hoàng và thịnh vượng nhất trong số tất cả các vua của Israel.

3/ Phúc ÂmHãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.
3.1/ Người tông-đồ cần quí trọng sự thanh vắng để được nghỉ ngơi bồi dưỡng: Các tông-đồ cũng giống như chúng ta dễ cảm thấy mừng vui khi nhìn thấy kết quả những gì mình đã hy sinh và được dân chúng hoan ngênh nhiệt liệt. Những lúc như thế, đa số sẽ sẵn sàng hy sinh, ngay cả việc ăn uống, ngủ nghỉ, để có thời giờ làm việc hơn nữa để đáp ứng mọi nhu cầu của dân chúng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã khôn ngoan nhắc nhở các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Có nhiều lý do cho lời khuyên khôn ngoan này:
- Thân xác con người có giới hạn của nó: Khi con người làm việc mệt mỏi, họ cần được nghỉ ngơi dưỡng sức; nếu không họ sẽ dễ dàng bị quá tải, và làm việc sẽ không đạt hiệu năng.
- Hoạt động tông đồ cần được thăng bằng qua đời sống cầu nguyện: Nếu không dành thời giờ cho việc cầu nguyện, người tông-đồ sẽ không có sức mạnh tinh thần cho những đòi hỏi của việc tông-đồ. Thánh phụ Đa-minh đã thăng bằng 2 cuộc sống bằng cách rao giảng ban ngày và cầu nguyện ban đêm.
3.2/ Con người khao khát được dạy dỗ và lắng nghe Tin Mừng: Tuy đã cùng với các tông-đồ xuống thuyền để xa cách dân chúng để Thầy trò có thể nghỉ ngơi dưỡng sức, nhưng khi ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông đã chờ đợi sẵn, Ngài chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Người lại bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
Xưa cũng như nay, nhu cầu săn sóc phần hồn cho dân chúng luôn khẩn trương cần thiết, vì:
(1) Chiên không người chăn sẽ không biết đường đi: Người mục-tử tinh thần cần chỉ cho đoàn chiên của mình đường đi tới Thiên Chúa, đích điểm của cuộc đời. Không có đích điểm này, con người sẽ dễ lạc hướng, và sẽ bị cuốn hút vào những mời gọi bất chính của quỉ thần và thế gian.
(2) Chiên không người chăn sẽ không kiếm được thức ăn bổ dưỡng: Người mục-tử tinh thần cần chính mình nuôi dân hay chỉ cho dân tới những thức ăn tinh thần như Lời Chúa, các bí-tích, và đời sống cầu nguyện kết hợp với Thiên Chúa.
(3) Chiên không người chăn sẽ làm mồi cho thú dữ: Người mục-tử tinh thần cần sớm nhận ra và chỉ cho đoàn chiên biết những cám dỗ nguy hiểm và cạm bẫy của cuộc đời: lối sống ích kỷ, hưởng thụ, tôn thờ vật chất, giết hại thai nhi, thay vợ đổi chồng, tự do quá trớn …

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mối liên hệ giữa mục-tử và đoàn chiên đòi hai chiều: mục-tử cần yêu thương và lo lắng cho đoàn chiên; trong khi đoàn chiên cần vâng lời và giúp đỡ mục tử chu toàn nhiệm vụ. Cả hai cần phải thi hành thánh ý của Thiên Chúa, làm sao cho mọi người đạt được ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã chuẩn bị.
- Mục tử cần cầu xin cho có được sự khôn ngoan của Thiên Chúa, để biết cách dẫn dắt đoàn chiên sống theo lề luật của Thiên Chúa và tránh khỏi mọi nguy hiểm của ba thù.
- Các hoạt động tông đồ cần được thăng bằng với đời sống cầu nguyện. Một đời hoạt động tông đồ không có cầu nguyện sẽ lạc hướng và dễ rơi vào chán chường, thất vọng.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

THỨ SÁU 3/2/2012 THÁNH THỂ VÀ THÁNH TÂM .

Thánh Thể và Thánh Tâm
Lm. Vũ Xuân Hạnh
I. DIỄN TIẾN CỦA LỊCH SỬ LÒNG TÔN SÙNG THÁNH TÂM TRONG GIÁO HỘI
THẾ KỶ 17
  Có thể coi lịch sử lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa đối với con người, bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ 17 với công khởi xướng của thánh Gioan Eudes tại Pháp. Những lời giảng dạy và thánh lễ đầu tiên được thánh nhân cử hành ngày 20.10.1672.
   Năm 1673, chính Chúa Giêsu hiện ra với thánh nữ Maria Magarita Alacoque tại tu viện Thăm Viếng ở Parayle Monoal và trao cho chị việc truyền bá lòng tôn sùng Trái Tim Người. “Trái Tim đã yêu dấu loài người quá bội.”
   Mặc dù gặp nhiều khó khăn và chống đối của chị em trong tu viện. Nhưng thánh ý Chúa quan phòng. Vì thế năm 1686, tức gần 13 năm sau ngày chị thánh Magarita Alacoque được nhình thấy Thánh Tâm Chúa Giêsu, lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu lần đầu tiên được tổ chức tại tu viện Thăm Viếng theo nguyện vọng của chị.
THẾ KỶ 18
   Đầu thế kỷ 18, thánh Louis Marie Grignion de Monfort đã rao giảng, truyền bá lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu tại miền tây nước Pháp. Việc tôn sùng này, cùng với ảnh hưởng của thánh Louis Marie Grignion, dần dần lan ra khắp Giáo Hội.
   Năm 1765, Đức Thánh Cha Clémente XIII đã khích lệ phong trào sùng kính Thánh Tâm này.
THẾ KỶ 19
   Sang thế kỷ 19, lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu đã đi vào lòng người, đã nở rộ khắp nơi. Thế kỷ này được mệnh danh là thế kỷ của lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chính dưới triều Đức Piô IX, vào năm 1856, theo sự thỉnh cầu của các giám mục Pháp, ngài đã cổ võ lòng tôn sùng Thánh Tâm trên toàn thế giới.
Việc truyền bá lòng tôn sùng này được thuận lợi hơn khi các tu sĩ dòng Tên khởi xướng mạnh mẽ phong trào đạo đức mang tên “Tông đồ cầu nguyện.”
   Kinh cầu Thánh Tâm ra đời, số các tín hữu tham dự thứ Sáu đầu tháng gia tăng, nhiều dòng tu dưới cờ hiệu Trái Tim Chúa Giêsu xuất hiện tại Pháp, rồi tại các miền khác trên thế giới, đã minh chứng hùng hồn cho sự phát triển lòng tôn sùng này.
Những cuộc dâng hiến cho Thánh Tâm Chúa: con người, gia đình, hội dòng, giáo phận… được nhân lên. Sau đó, lòng tôn sùng này đi thêm một bước nữa, đó là dâng hiến cho Thánh Tâm quê hương xứ sở mình, mà Bỉ là nước đầu tiên thực hiện năm 1869, tiếp theo là Pháp năm 1873.
   Vào khoảng cuối thế kỷ, năm 1899, với thông điệp Annum Sacrum, thông điệp đầu tiên nói về lòng tôn sùng Thánh Thâm Chúa Giêsu, xác định những cơ sở thần học của tôn sùng này, Đức Leô XIII đã chính thức thiết lập lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu vào thứ sáu tuần thứ ba sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, (tức thứ Sáu sau lễ Mình và Chúa Kitô), đồng thời khích lệ, cổ võ việc rước lễ thứ sáu đầu tháng. Cũng vào cuối năm 1899, Đức Thánh Cha Lêô XIII long trọng hiến dâng vũ trụ cho Trái Tim Chúa Giêsu.
THẾ KỶ 20
   Tiếp nối truyền thống tốt đẹp trên đây, vào những năm đầu hậu báng thế kỷ 20, Công đồng Vatican II khuyên dạy: Phải cố gắng cổ võ các việc đạo đức đã được tập quán đáng kính của Giáo Hội khuyên là và Giáo Hội đã dành trọng tháng sáu hàng năm để tôn kính cách đặc biệt tình yêu thương của Thiên Chúa thể hiện nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu.
II. PHÉP LẠ THÁNH THỂ LIÊN QUAN ĐẾN THÁNH TÂM
   Cho đến bây giờ, trong Giáo Hội, người ta vẫn còn kể cho nhau nghe phép lạ nổi tiếng về bí tích Thánh Thể xảy ra vào năm 700 tại Lanciano, Ý. Trong một thánh lễ do một linh mục dòng Basiliô cử hành tại nhà thờ thánh Legozianô, do một chút nghi ngờ sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, vì thế, sau khi đọc lời truyền phép, sự lạ xảy ra ngay trong tay vị linh mục: Bánh trở nên thịt sống và Rượu trở nên máu tươi rồi đông đặc lại thành năm cục to nhỏ.
   Cho đến nay, dù 13 thế kỷ đã trôi qua, người ta vẫn còn nhìn thấy rõ miếng bánh đã biến thành thịt có màu hơi nâu. Nếu nhìn dưới ánh sáng, ta sẽ thấy có màu hồng hồng, được đặt trong một mặt nhật bằng thủy tinh. Còn năm cục máu đổi thành màu vàng nghệ, được đặt trong một chén thánh cũng bằng thủy tinh, trưng bày trong nhà thờ thánh Legozianô – Lanciano, để khách hành hương tự do kính viếng.
   Trong suốt thời gian qua, giáo quyền đã cho làm nhiều thử nghiệm để có thể kiểm chứng sự lạ này. Những cuộc giám nghiệm được tiến hành vào những năm 1574, 1637, 1770, 1886. Hai lần giám nghiệm mới đây nhất được tiến hành vào năm 1971 và 1981.
   Cuộc giám nghiệm 1971 được trao cho giáo sư Odoardo Linoli là giáo sư môn giải phẫu nhân hình, kiêm giáo sư mô học bệnh lý, hóa học và hiển vi học. Cùng cộng tác với ông là giáo sư Ruggero Bertelli, thuộc đại học Siena. Kết quả công bố trước các vị đại diện giáo quyền, chính quyền, giới khoa học, văn học và báo chí ngày 4.3.1971 như sau:
- Thịt và máu là thịt và máu thật, của một người thuộc nhóm máu AB.
- Thịt được lấy ra từ mô cơ tim (một phần thịt của trái tim) một cách khéo léo tuyệt vời như do một nhà phẫu thuật tài giỏi.
- Không tìm thấy bất cứ một chất ướp xác nào trong thịt và máu.
- Trong máu, người ta tìm thấy một số chất hóa học như: clorua, phốt pho, magnêsium, potassium, sodium và calcium.
   Điều lạ lùng không kém, đó là các di tích này vẫn không có một vết tích mai một nào, dù trải qua cả một thời dài 1.300 năm. Các di tích này cũng chịu ảnh hưởng bởi các xúc tác vật lý, không khí, sinh vật, nhưng vẫn giữ nguyên tình trạng cách lạ thường, khoa học không thể lý giải.
   Có một chi tiết trong câu chuyện phép lạ trên gây chú ý trong tôi. Chi tiết đó là, tấm bánh biến thành Thịt, lại là Thịt của tế bào tim. Trái tim là biểu tượng của tình yêu, là trung tâm của lòng yêu thương. Mình Máu Thánh Chúa hóa nên phép lạ nhãn tiền, để trước mắt mọi người không còn là tấm bánh nhưng là Thịt đích thực, thì chính nơi tấm Thịt đích thực ấy, lại là Thịt của Trái Tim Chúa Giêsu, Thịt của trung tâm tình yêu mà Thiên Chúa trao hiến cho con người. Đẹp biết bao nhiêu, khi ý nghĩa của Trái Tim Chúa Giêsu và Thánh Thể của Người lại được lồng trong nhau nơi hai cuộc lễ trọng thể này. Nhìn lên cái đẹp của Tình yêu Thiên Chúa được chất chứa nơi Trái Tim Thiên Chúa làm người như thế, chúng ta hạnh phúc quá đỗi, vì Thiên Chúa đã nhập cuộc với trần thế để hoá nên nguồn sống muôn đời cho người trần thế.
   Không biết đó có phải là lý do để Giáo Hội gắn kết lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu vào lễ Mình Máu Thánh Chúa? Vì hàng năm, cứ sau Chúa nhật lễ Mình – Máu Chúa Kitô, thì ngày thứ sáu liền sau đó sẽ là lễ Thánh Tâm. Dù sao thì hai lễ trọng này vẫn chỉ có một mục đích duy nhất mà Giáo Hội nhắm tới là tôn thờ tình yêu của Thiên Chúa, qua đó mời gọi con người khi đã lãnh nhận tình yêu ấy, hãy trao ban tình yêu cho nhau. Bởi dù là biểu tượng Thánh Tâm hay Thánh Thể, vẫn chỉ là hai khuôn mặt, hai cách diễn tả tuyệt vời, hai hình thức biểu lộ và mạc khải, để chỉ nói lên một nội dung duy nhất: Tình yêu vô cùng của Thiên Chúa dành cho loài người.
III. TỪ THỊ KIẾN CỦA TIÊN TRI ÊZÊKIEL (Ez 47, 1-12)
“Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ.” Đó là lời bài hát trong nghi thức phụng vụ thánh tẩy, chúng ta thuộc nằm lòng. Đó chính là lời Thánh Kinh trích trong sách tiên tri Êzêkiel. Nhà tiên tri đã nhìn thấy một thị kiến lạ thường: một dòng nước bắt nguồn từ bên phải đền thờ. Dòng nước cứ chảy, chảy mãi, chảy mãi. Dòng nước lạ lùng ấy càng chảy, thì mỗi lúc mỗi đi xa, cứ lớn lên thêm, phát triển và lan rộng vô cùng. Dòng nước này đổ ra biển Chết, làm cho nước biển hóa lành, đến nỗi mọi sinh vật trong biển, vốn chết đều hồi sinh và tràng đầy sức sống.
   Tiếp tục chảy, đi xa, và phát triển, dòng nước lớn thành một dòng sông lớn, đến nỗi không thể từ bờ bên này sang bờ bên kia. Trong dòng sông thị kiến ấy, có đầy cá tôm, sức sống hai bên bờ sông cũng đua nhau lớn lên và xanh tươi. Mọi cây cỏ mọc lên, trổ sinh hoa quả quanh năm suốt tháng. Nói tóm lại, dòng nước từ đền thờ đã làm cho khắp nơi được sống và sống mạnh mẽ.
   Ngày hôm nay, nhìn ngắm Thánh Tâm Chúa Giêsu, nơi phát sinh nguồn sống mãnh liệt, dẫn đưa con người vào sức sống thần linh ấy, Giáo Hội vô cùng sung sướng reo lên:
“Tôi đã thấy Nước
Từ bên phải đền thờ chảy ra,
Và nước ấy chảy đến những ai,
Thì tất cả đều được cứu rỗi và reo lên, Alleluia! Alleluia!”
   Đền thờ đó là thân xác Đấng chịu đóng đinh. Dòng nước là dòng Máu cứu chuộc mà chính Người đã trao ban đến giọt cuối cùng để làm cho trần gian, do tội, đã ngập trong biển chết, được hồi sinh và sống mãi.
   Trên Thánh Giá, nhân loại đã xé rách lồng ngực của Chúa Giêsu, để từ lồng ngực, nơi Trái Tim đã thương tích vì bị đâm thâu, dòng máu cứu độ, máu chứ không phải nước mà thôi, đã chảy mãi, chảy mãi trong trần gian.
   Như dòng sông thị kiến của Êzêkiel, ơn cứu độ phát sinh từ đền thờ là chính Chúa Giêsu, càng chảy đi xa, thì càng rộng lớn, càng phát triển không ngừng. Dòng Máu cứu độ của Chúa Giêsu đã thánh hóa và làm phát sinh sự sống khi chảy vào biển chết của cuộc đời này, và lan rộng khắp nơi từ đời này sang đời khác.
   Ngày nay dòng máu cứu độ của Chúa Giêsu vẫn chảy mãi không ngừng đến tận cùng trái đất, để bất cứ nơi nào, nếu có người tin vào Chúa, thì nơi ấy lại phát sinh ơn cứu độ, phát sinh sự sống mới, sự sống vĩnh cửu.
   Dòng Máu cứu độ và đền thờ là thân thể của Chúa Giêsu cũng chính là tấm bánh được trao ban cho ta. Nhờ dòng Máu và đền thờ ấy, bí tích cứu độ vẫn không ngừng thánh hóa nhân loại, làm cho nhân loại này, nếu tin tưởng sẽ ngày càng sống và sống mãnh liệt, sống đến vô cùng.
   Với chiều hướng suy nghĩ về Thánh Tâm Chúa Giêsu và bí tích Thánh Thể, ta càng nhận ra, Thánh Thể và Thánh Tâm có một một ý nghĩa lớn lao, gần gũi. Mối dây tương tác qua lại của cả hai biểu tượng Thánh Thể và Thánh Tâm bổ sung ý nghĩa cho nhau, làm cho khuôn mặt của Tình Yêu nơi Thiên Chúa càng chiếu tỏa, và sức nóng của Tình Yêu ấy càng ấm áp cho lòng người thế, một khi sống trọn đức tin và dám đặt đời mình cho lòng tin vào Tình yêu của Thiên Chúa.
   Và Giáo Hội, một khi mang nơi mình cả kho Tàng tình yêu vô cùng ấy của Thiên Chúa, trở nên phong phú, sức sống dồi dào. Từ đó, đời sống của Giáo Hội không thuộc về Giáo Hội, nhưng là nhờ chính Tình yêu của Chúa nuôi dưỡng và làm cho phát triển không ngừng. Giáo Hội thật diễm phúc vì đã có thể mang nơi mình chính mầu nhiệm tình yêu chính Bầu Tim của Thiên Chúa, còn hơn thế, mang nơi mình chính bí tích của Thân Thể Thánh của chính Đấng là Thiên Chúa làm người, để bất cứ ai đến với Giáo Hội, đều được Thiên Chúa trao ban chính sự sống sung mãn của Người cho họ.
IV. TRỞ VỀ VỚI TÌNH YÊU CỦA CHÚA
   Một buổi sáng, đi dạo trong khu vườn vắng của nhà xứ, vừa thể dục vừa thư giản. Bỗng một chú chim non đang tập chuyền cành rớt giữa đường bay. Thấy có người, dù bị ngã sóng xoài nhưng cố gượng dậy cất cánh bay lên. Vẫn chưa hoàn sức đầy đủ, vì thế chú bay lên lưng chừng, rồi lại rớt xuống. Lần này còn nặng hơn cú té lần trước. Đập cánh mãi, cố đứng dậy, nhưng đôi chân yếu ớt, chú chim non lại ngã lăng quay.
   Tôi tới gần, lại càng làm chú chim sợ hãi, cố hết sức vùng dậy để bay. Nhưng sự cố gắng lớn của chú chim chỉ có thể giúp chú nhảy vài bước tới phía trước tránh người lạ, rồi lại phải ngã mình nằm xuống. Tôi đưa chú chim non lên lòng bàn tay của mình, vuốt ve vài cái để chú yên tâm. Tôi tìm một chút nước rắc nhẹ lên mình chú chim để chú có thể mau hồi tỉnh. Tôi lại đặt chú lên một phiến đất khô để chú nằm nghỉ. Vài phút sau tôi trở lại thăm. Lần này, vừa mới nhát thấy bóng tôi, chú chim non vội vàng giương cánh bay lên cành cao. Chú chim non sợ tôi. nó không nhìn tôi với đôi mắt biết ơn. Nó cũng chẳng coi tôi là người giúp đỡ nó. Nó vẫn coi tôi là kẻ thù không hơn, không kém.
   Hôm nay và cả tháng Sáu này nữa, Giáo Hội tôn vinh Tình yêu của Thiên Chúa được cụ thể hóa nơi Trái Tim diệu hiền của Chúa Giêsu.
   Có dịp suy niệm lại Tình yêu của Chúa, tôi mới giật mình thảng thốt: hình như đã từ lâu lắm rồi, mình chỉ là một chú chim non đầy phản trắc, một chú chim non chưa bao giờ cảm nghiệm đầy đủ Tình Yêu của một Người Cha cao cả dành cho mình. Bởi thực tế, trong cuộc sống đời mình, tôi dễ dàng quên lời Thiên Chúa dạy: hãy yêu thương, hãy tha thứ, hãy hiến thân, hãy cho đi, hãy nhân từ, hãy hiền lành, hãy nghèo khó, hãy khiêm nhường.
   Tôi chẳng nhớ gì cả, chẳng giữ gì cả, lại nhớ rất rõ và chấp nhất rất nhiều bất cứ kẻ nào nặng lời với tôi, nói xấu tôi, xúc phạm tôi bằng bất cứ hình thức nào. Tôi chưa bao giờ bằng lòng với cái tôi của mình, và với những gì tôi đang có, ngược lại rất nhiều lần tìm kiếm những tiện nghi, sống nếp sống trưởng giả, đặt mình trên người khác để thỏa lòng kiêu ngạo của bản thân.
   Tôi không chỉ đã đi quá xa Tình yêu của Chúa, mà hình như khi không chấp nhận anh chị em, và chỉ lo tìm kiếm sự an thân vật chất cho mình, tôi đặt mình đối diện với Thiên Chúa, không đứng về phía Người, nhưng vô tình trở thành kẻ đối lập với Người.
   Thái độ ấy cho thấy tôi chưa tin tưởng vào Tình yêu của Chúa, nghi ngờ Chúa. Hậu quả thật khó lường: dần dà chính tôi đã tự đẩy mình ra khỏi Thiên Chúa.
   Tôi chỉ là một chú chim non rong ruổi trong cuộc đời. Tầm nhìn của chú chim non bé quá, chỉ thấy cái hiện tại và đuôi mù trước một thế giới bao la phía trước. Chú chim non cần lắm bàn tay Chúa dìu đưa để ngày một trung thành hơn trong lòng mến và trong tình yêu.
   Lễ Thánh Tâm và tháng Thánh Tâm, chúng ta ca tụng Chúa và tôn vinh Tình yêu của người là phải lẽõ. Nhưng trên hết mọi sự, có một điều cần thiết nhất, phải làm ngay, đó chính là hãy ý thức mình bé nhỏ, yếu đuối, non nớt, hay phản trắc… để thực tâm quay về với Tình yêu ấy.
   Để cụ thể hóa việc trở về ấy, điều ta cần làm hôm nay là: “Hãy kết hợp việc tôn sùng Thánh Tâm và tôn thờ Thánh Thể lại với nhau, vì qua bí tích Thánh Thể, tình yêu của Thánh Tâm Chúa rõ rệt hơn, và chúng ta cũng có phương tiện bày tỏ lòng tri ân cảm mến của chúng ta cách dễ dàng hơn.” (Thư mục vụ của Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, giáo phận Phú Cường).
   Vậy, trong những ngày này, bạn và tôi hãy đón nhận Mình Máu Chúa Kitô với tất cả tâm hồn thanh sạch, để qua đó, ta tôn thờ chính Tình yêu của Chúa và được chính Tình yêu của Người bồi dưỡng làm thăng hoa sự sống của bản thân, và tiến tới ơn gọi hoàn thiện là nên thánh trong tình yêu của Chúa.
***
178. Đừng để tháng ngày làm cho quả tim già nua. Hãy yêu thương với một tình yêu ngày càng mãnh liệt, mới mẻ, trong trắng hơn: tình yêu Chúa đổ vào quả tim con.
181. Con cảm thấy quả tim con yếu đuối. Các thánh cũng như con. Nhưng nhờ vậy họ mới làm thánh: nhờ ơn Chúa và ý chí.
ĐHY Nguyễn Văn Thuận – Đường Hy Vọng