Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ SÁU 21/12/2912 TUẦN 3 MÙA VỌNG NĂM C,GIÁO XỨ TÂN VIỆT ĐÊM DIỄN NGUYỆN GIÁNG SINH NĂM 2012 ĐÊM THÁNH, ĐÊM SÁNG NGỜI, TIN YÊU

GIÁO XỨ TÂN VIỆT ĐÊM DIỄN NGUYỆN GIÁNG SINH NĂM 2012


ĐÊM THÁNH, ĐÊM SÁNG NGỜI, TIN YÊU 


VINH DANH THIÊN CHÚA TRÊN TRỜI,
BÌNH AN DƯỚI THẾ CHO LOÀI NGƯỜI CHÚA THƯƠNG

    Hôm nay,trong khung cảnh trang nghiêm đầy thân thiện tại ngôi thánh đường này.Giới trẻ giáo xứ Tân Việt long trọng tổ chức đêm nhạc mừng Chúa giáng sinh với chủ đề: ĐÊM THÁNH ĐÊM NGỜI SÁNG TIN YÊU lúc 19h ngày 19 tháng 12 năm 2012 do các ca đoàn,đoàn thể trong giáo xứ thực hiện.
    Hát mừng đêm thánh,đêm an bình là hát lên lời tôn vinh Thiên Chúa.Hát lên khát vọng bình an trong trái tim nhân loại.Để mọi người cùng hướng tâmhồn,dọn đường,rạo rục đón chờ Chúa Giáng Sinh.
    Mở đầu cho đêm diễn nguyện Cha chánh xứ cùng các đại diện ca đoàn,đoàn thể rước Chúa hài đồng từ cuối sảnh nhà thờ lên cung thánh và đặt Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ - cùng hòa theo đoàn rước là tiếng hát của cộng đoàn cùng với ca đoàn GĐPTT THÁNH TÂM trong bài:TRỜI CAO”trời cao ơi xin đổ sương mai ngàn mây ơi xin mưa đấng cứu đời…”.
     Có mặt trong đêm diễn nguyện hôm nay,có sự hiện diện của Cha chánh xứ Đaminh Vũ Ngọc Thủ,quý sơ dòng Mến Thánh Giá Tân Việt,hội đồng mục vụ giáo xứ,quý chức các giáo họ tân,cựu và cộng đoàn giáo dân.Tiếp đó Cha chánh xứ có đơi lời về ĐÊM THÁNH ĐÊM NGỜI SÁNG TIN YÊU.
     Ông chủ tịch hội đồng mục vụ có đôi lời cảm ơn hai cha,quý khách,ban tổ chức,các ca đoàn,đoàn thể và toàn thể cộng đoàn đã góp phần cho đêm diễn nguyện thành công tốt đẹp.Sau đó Cha chánh xứ lên trao quà cho các đơn vị trình bày hôm nay.Sau cùng Cha chánh xứ cùng toàn thể cộng đoàn hướng về Chúa Hài Đồng cất cao lời hát “hát khen mừng Chúa giáng sinh ra đời…” và Cha chánh xứ chúc lành cho mọi người ra về trong bình an của con THIÊN CHÚA.
                          Giusethanhtamk2 tân việt 20/12/2012


Chương trình Diễn nguyện

Phần 1: Mùa Vọng

1. Hợp ca: MARANATHA
Nhạc và lời: Thành Tâm
Trình bày: Gia Đình Phạt Tạ Thành Tâm
2. Vũ Khúc: TRỜI CAO HỠI
Nhạc và lời: Thành Tâm
Trình bày: Đoàn Thiếu Nhi thánh thể GX Tân Việt
3. Tốp ca nam: MƯA NGUỒN CỨU CHUỘC
Nhạc và lời: Quang Việt
Trình bày: Gia Đình Con Đức Mẹ
Phần 2: Chúa Giáng Sinh
1. Hoạt cảnh Giáng Sinh: MÁI ẤM YÊU THƯƠNG
Trình bày: Gia Đình Cầu Vồng dàn dựng.
2. Hợp xướng: CA VANG MỪNG CHÚA GIÁNG SINH
Nhạc và lời: Ngọc Linh
Trình bày: Ca Đoàn Chúa Ba Ngôi
3. Hợp ca: KÌA TRÔNG HUY HOÀNG
Nhạc và lời: Vĩnh Phúc. Lời: Hoài Đức
Trình bày: Ca Đoàn Chúa Thăng Thiên
4. Vũ Khúc: ĐÊM HỒNG ÂN
Trình bày: Lưu Xá Hòa Bình
5. Hợp Xướng: ĐÊM BÌNH AN
Nhạc và lời: Linh Mục Ngô Duy Linh
Trình bày: Ca Đoàn Halleluia
6. Hợp ca: CAO CUNG LÊN
Nhạc và lời: Linh Mục Hoài Đức
Trình bày: Ca Đoàn Ban Sáng
7. Hợp xướng và Múa phụ họa: ĐÊM ÁNH SÁNG
Nhạc và lời: Ngọc Linh
Trình bày: Ca Đoàn Buổi Chiều
8. Diễn nguyện: NOEL TÂY NGUYÊN
Trình bày: Gia Đình Phúc Âm
9. Hợp ca: BÊ LEM ƠI
Nhạc và lời: Nguyễn Khắc Xuyên
Trình bày: Ca Đoàn Thánh Gia
10. Song ca: CHUYỆN XƯA MẸ KỂ
Nhạc và lời: Chí Nhân
Trình bày: Thanh Hoàng & Bé Phương Uyên
11. Liên khúc: VỀ BÊ LEM
Trình bày: Ban Lễ Sinh








Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ SÁU 21/12/2012 TUẦN 3 MÙA VỌNG NẠM C, "Này trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai".



Thứ Năm Tuần III Mùa Vọng Năm C 


Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh

Thứ Năm Tuần 3 Mùa Vọng

BÀI ĐỌC I: Is 7, 10-14

"Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai".

Bài trích sách Tiên tri Isaia.


Ngày ấy, Chúa phán bảo cùng vua Achaz rằng: "Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao". Nhưng vua Achaz thưa: "Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử Chúa".

Và Isaia nói: "Vậy nghe đây, hỡi nhà Đavít: Làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế, chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta". Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6

Đáp: Chúa ngự qua, chính Ngài là Hoàng Đế hiển vinh (x. c. 7c và 10b).

1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. - Đáp.

2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. - Đáp.

3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Đấng cứu độ ban ân thưởng. Đó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm kiếm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. - Đáp.

ALLELUIA:

Alleluia, alleluia! - Lạy Chìa khoá Đavít, Ngài mở cửa thiên quốc, xin hãy đến cứu thoát người bị xiềng xích đang ngồi trong bóng tối tăm khỏi cảnh ngục tù! - Alleluia.


PHÚC ÂM: Lc 1, 26-38

"Này trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.


Khi ấy Thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà. Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ". Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít, tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận".

Nhưng Maria thưa với Thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?" Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà, và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Đấng Bà sinh ra sẽ là Đấng Thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già, và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ, vì không có việc gì mà Chúa không làm được".

Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và Thiên thần cáo biệt Bà. Đó là lời Chúa.

Lc 1,26-38 

THÁI ĐỘ SẴN SÀNG CỦA MARIA 

“Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38)

Suy niệm: Maria không gật đầu bừa. Cô đã bối rối và chất vấn, được thuyết phục trước khi nói lên lờiXin Vâng ấy. Nhưng Maria đã được thuyết phục bởi chứng lý gì? Không phải vì nghe tin chị Êlisabét đã có thai (chị ấy tuy tuổi già nhưng ít ra cũng có việc vợ chồng!). Maria xin vâng vì tin rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Thì ra, lời chất vấn trên kia – “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào” – chẳng hề có ý nghĩa chất vấn chút nào cả. Đó chỉ như chút ‘đủng đỉnh làm bộ’ thường thấy nơi các cô gái mà thôi. Bởi chất vấn là để đòi giải thích, để hiểu rồi mới chấp nhận – còn ở đây, rốt cục Maria chấp nhận mà chẳng hiểu gì, chẳng hiểu bằng cách nào mình sẽ thụ thai, sinh con trai... Rồi sau này, suốt nhiều chục năm, cho đến tận lúc đứng dưới chân thập giá, Maria vẫn chẳng hiểu bằng cách nào mà Giêsu sẽ nên cao cả, sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao, sẽ được Thiên Chúa ban cho ngai vàng Đavít, sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời ... Điều duy nhất mà Maria hiểu, đó là hiểu rằng mình là nữ tì của Chúa, Đấng có thể làm được mọi sự.

Mời Bạn: Lắng nghe hai tiếng Xin Vâng của Đức Maria, và bắt chước ngài, bạn buông mọi khí giới chống chế của mình xuống.

Sống Lời Chúa: Lâu nay, bạn cảm nhận Chúa mời gọi mình điều gì và mình còn chống chế, chưa đáp trả? Có gì trở ngại để bạn bắt đầu đáp trả từ hôm nay không?

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, “đời con dõi bước theo Mẹ.” Xin Mẹ dạy con biết sống “Xin Vâng” như Mẹ khi vui cũng như lúc buồn trong đời sống con. Amen.





THỨ SÁU 21/12/2012 TUẦN 3 MÙA VỌNG NĂM C,Thánh Ðaminh ở Silos (c. 1073) Thánh Elizabeth ở Áo (1554 - 1592) ,


Thánh Elizabeth ở Áo
(1554 - 1592) 

Là con gái của Hoàng Ðế Maximilian II nước Ðức, Elizabeth kết hôn với Vua Charles IX của Pháp khi mới 15 tuổi. Bốn năm sau ngài đã thành góa phụ, trở về Vienna, nhất định không tái hôn.

Thánh nữ là một gương mẫu cho tất cả mọi người. Ðời sống của ngài thật đơn giản, luôn cầu nguyện, siêng đến nhà thờ, tham dự các buổi nguyện ngắm. Trong khi cố tránh con mắt dòm ngó của công chúng, ngài gia nhập Dòng Ba Phanxicô, phục vụ bệnh nhân trong các nhà thương hoặc ở nhà, tiếp tế thuốc men cho những người có nhu cầu. Nhiều ngày thứ Năm, ngài mời những người nghèo đến ăn cùng bàn với ngài để tưởng nhớ bữa Tiệc Ly.

Ngài thường thi hành những công việc hèn mọn ở tu viện Thánh Clara Nghèo Hèn mà ngài giúp thành lập, ở đó ngài nấu ăn cho người nghèo. Cũng như Cha Thánh Phanxicô, ngài lo lắng đến việc duy trì giáo hội. Ngài giúp đỡ cho việc giáo dục người trẻ trong ơn gọi tu trì để phục vụ Giáo Hội.

Thánh Elizabeth từ trần khi ngài khoảng 38 tuổi, sau khi đã hoàn tất quá nhiều công việc để vinh danh Thiên Chúa và vì lợi ích cho người dân. Nhiều phép lạ đã xảy ra tại ngôi mộ của ngài.

Thánh Ðaminh ở Silos
(c. 1073) 


Ðaminh sinh vào đầu thế kỷ mười một và là cậu bé chăn cừu Tây Ban Nha ở dưới chân rặng Pyrênê. Chính trong thời gian này Ðaminh dần dà yêu quý việc cầu nguyện. Không bao lâu ngài trở thành một tu sĩ thật tốt lành. Ðaminh được bầu làm tu viện trưởng và đã đem lại nhiều thay đổi tốt đẹp.

Tuy nhiên, một ngày kia, quốc vương Garcia III của Navarre, Tây Ban Nha, cho rằng một số đất đai tu viện là của ông ta, nhưng tu viện trưởng Ðaminh từ chối không trao lại cho nhà vua. Ngài nghĩ rằng, thật không đúng để trao cho nhà vua những gì thuộc về Giáo Hội. Quyết định này đã làm nhà vua tức giận. Ông ra lệnh Thánh Ðaminh phải rời bỏ vương quốc của ông. May mắn thay, Thánh Ðaminh và các tu sĩ lại được đón nhận bởi một ông vua khác, là Ferdinand I của Castile. Ông này để cho thánh nhân sử dụng một tu viện cũ, là tu viện St. Sebastian ở Silos. Tu viện này ở một chỗ rất lẻ loi và trong tình trạng thật xiêu vẹo. Nhưng với bàn tay của các tu sĩ, không bao lâu, tu viện đã mang một khuôn mặt mới. Thật vậy, thánh nhân đã biến tu viện này thành một trong những tu viện nổi tiếng nhất ở Tây Ban Nha.

Thánh Ðaminh làm nhiều phép lạ chữa lành ngay khi còn sống và ngài cũng cứu thoát người tín hữu Kitô khỏi tay người Moor. Nhiều năm sau khi từ trần, thánh nhân hiện ra với một bà mẹ, tên là Joan (bây giờ là Chân Phước Joan ở Aza) khi bà đến đền kính thánh nhân để cầu xin một đứa con. Thánh Ðaminh nói với bà rằng Thiên Chúa sẽ gửi cho bà một đứa con trai. Khi người con ấy chào đời, bà đặt tên con là Ðaminh de Guzman. Và người con này trở thành vị đại thánh sáng lập dòng Ðaminh ngày nay.

Thánh Ðaminh ở Silos từ trần ngày 20-12-1073.

Trích từ NguoiTinHuu.com





Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ TƯ 19/12/2012 TUẦN 3 MÙA VỌNG NĂM C,"Thiên thần Gabriel báo trước việc Gioan Tẩy Giả sinh ra".




Thứ Tư Tuần III Mùa Vọng Năm C 


Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh

Thứ Tư Tuần 3 Mùa Vọng

BÀI ĐỌC I: Tl 13, 2-7. 24-25a

"Thiên thần báo trước việc Samson sinh ra".

Bài trích sách Thủ Lãnh.


Ngày ấy, có một người đàn ông, bởi đất Sara và thuộc chi họ Đan, tên là Manuel, có người vợ son sẻ. Thiên thần Chúa hiện ra nói với bà ấy rằng: "Ngươi son sẻ không con, nhưng sẽ được thụ thai, và hạ sinh một con trai. Vậy ngươi hãy cẩn thận, đừng uống rượu và thức có men, cũng đừng ăn món gì không thanh sạch. Vì ngươi sẽ được thụ thai và hạ sinh một con trai. Lưỡi dao cạo sẽ không chạm đến đầu nó; nó là người được hiến dâng cho Thiên Chúa từ thuở nhỏ và từ lòng mẹ; chính nó sẽ bắt đầu giải phóng Israel khỏi tay người Philitinh".

Bà này đi nói với chồng rằng: "Có một người của Thiên Chúa đến cùng tôi, với diện mạo thiên thần, rất đáng sợ. Tôi hỏi người ấy là ai, bởi đâu đến, gọi tên gì, người ấy không muốn nói cho tôi biết, nhưng lại trả lời rằng: "Rồi đây, ngươi sẽ được thụ thai và hạ sinh một con trai. Hãy cẩn thận, đừng uống rượu và thức có men, cũng đừng ăn món gì không thanh sạch. Vì con trẻ sẽ là người được hiến dâng cho Thiên Chúa từ thuở nhỏ và từ lòng mẹ, cho đến ngày nó chết".

Bà đã hạ sinh một con trai, và gọi tên là Samson. Hài nhi lớn lên, và Chúa đã chúc phúc cho nó. Và thần trí Chúa bắt đầu ở với nó. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 70, 3-4a. 5-6ab. 16-17 

Đáp: Miệng con đầy lời ca ngợi Chúa, và suốt ngày con ca hát vinh quang Ngài (x. c. 8ab).

1) Xin trở nên thạch động để con dung thân, và chiến luỹ vững bền hầu cứu độ con: vì Chúa là Đá Tảng, là chiến luỹ của con. Lạy Chúa con, xin cứu con thoát khỏi tay đứa ác. - Đáp.

2)Bởi Ngài là Đấng con mong đợi, thân lạy Chúa. Lạy Chúa, Ngài là hy vọng của con tự hồi thanh xuân. Ngay từ trong bụng mẹ, con đã nép mình vào Chúa; từ trong thai mẫu, Chúa là Đấng bảo vệ con. - Đáp.

3)Con sẽ kể ra uy quyền Thiên Chúa, lạy Chúa, con sẽ ca ngợi đức công minh của mình Ngài. Lạy Chúa, Chúa đã dạy con từ hồi niên thiếu, và tới bây giờ con còn kể (ra) những sự lạ của Ngài. - Đáp.

ALLELUIA:

Alleluia, alleluia! - Lạy Gốc Giêsê, Ngài đang đứng như biểu hiệu của chư dân, xin hãy đến cứu thoát chúng con và xin đừng trì hoãn nữa! - Alleluia.


PHÚC ÂM: Lc 1, 5-25

"Thiên thần Gabriel báo trước việc Gioan Tẩy Giả sinh ra".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.


Vào thời Hêrôđê làm vua xứ Giuđêa, có một tư tế tên là Dacaria, thuộc phiên ban Abia, và vợ ông bởi dòng dõi Aaron, tên là Elisabéth. Cả hai là người công chính trước mặt Thiên Chúa, ăn ở theo mọi giới răn và lề luật của Chúa, không ai trách được điều gì. Nhưng họ lại không con, vì Elisabéth son sẻ, và cả hai đã đến tuổi già.

Xảy ra khi Dacaria chu toàn chức vụ tư tế trước mặt Thiên Chúa, theo lượt của phiên mình như tục lệ hàng tư tế,- ông bắt thăm và trúng việc vào cung thánh Chúa mà dâng hương, -đang lúc toàn thể đám đông dân chúng cầu nguyện bên ngoài, trong giờ dâng hương. Bấy giờ thiên thần Chúa hiện ra cùng ông, đứng bên phải hương án. Dacaria thấy vậy (thì) hoảng hốt, sự kinh hoàng đột nhập vào ông.

Nhưng thiên thần nói với ông rằng: "Dacaria, đừng sợ, vì lời ngươi cầu nguyện đã được nhậm rồi. Elisabéth vợ ngươi sẽ hạ sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên con trẻ là Gioan. Ngươi sẽ được vui mừng hân hoan, và nhiều người cũng sẽ vui mừng vì việc trẻ sinh ra. Vì trẻ này sẽ nên cao trọng trước mặt Chúa, sẽ không uống rượu và thức có men, sẽ được tràn đầy Thánh Thần ngay từ lòng mẹ, sẽ đem nhiều con cái Israel trở về cùng Chúa là Thiên Chúa. Trẻ này sẽ đi trước Người, trong thần trí và quyền lực của Elia, để hướng lòng dạ cha ông về với con cháu, kẻ ngỗ nghịch về lại với lương tri của những người công chính, dọn cho Chúa một đoàn dân chuẩn bị".

Dacaria thưa với thiên thần rằng: "Làm sao tôi biết được, vì tôi đây đã già, và vợ tôi cũng đã cao niên?" Thiên thần liền đáp: "Ta là Gabriel, ta đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, ta được sai đến nói với ngươi, và báo cho ngươi tin lành này. Thì đây, ngươi sẽ nín câm và không nói được cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ngươi đã không tin lời ta, là những lời sẽ nên trọng khi đến thời của chúng".

Dân chúng đang trông đợi Dacaria, lấy làm lạ vì ông ở lâu trong cung thánh. Nhưng lúc ra, ông không nói được, và họ biết ông đã thấy điềm lạ trong cung thánh. Còn ông thì chỉ làm hiệu cho họ, và vẫn bị câm. Khi những ngày thánh vụ của ông đã mãn, ông trở về nhà.

Sau những ngày ấy, Elisabéth vợ ông thụ thai, và bà ẩn mình trong năm tháng, bà nói rằng: "Chúa đã làm cho tôi thế này, trong những ngày Người đoái thương, cất nỗi khổ nhục tôi khỏi người đời". Đó là lời Chúa.




Lc 1,5-25 

THÁI ĐỘ SẴN SÀNG CỦA ÊLISABÉT 

Ít lâu sau, bà Êlidabét có thai, bà ẩn mình năm tháng. Bà tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.” (Lc 1,24-25)

Suy niệm: Một câu chuyện có hậu, đẹp như cổ tích. Song trước khi có hậu thì nó đã...không có hậu mà đầy kịch tính! Nghĩa là nó vốn éo le: hai ông bà đều là người tốt lành trước mặt Thiên Chúa và người xung quanh; thế nhưng họ không có con, vì bà Êlisabét là người hiếm hoi. Vả lại cả hai đều cao tuổi rồi. Điều gì đã diễn ra trong tâm hồn Êlisabét gần ngót cả đời người, ít là kể từ khi bà kết hôn? Làm vợ mà không được làm mẹ, trong xã hội Do Thái thời ấy, chắc chắn là “một nỗi hổ nhục trước mặt người đời”. Trong nỗi hổ nhục này, Êlisabét đã có thái độ ra sao? Cùng với chồng mình, bà vẫn sống “công chính trước mặt Thiên Chúa”, vẫn vâng giữ “mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì”. Cuối cùng, niềm vui đã đến. Niềm vui không ầm ĩ (c. 24), nhưng ngập tràn cõi lòng Êlisabét: Bà có thai và sắp được làm mẹ; hơn nữa, đứa con của bà được trao cho một vai trò rất đặc biệt trong chương trình của Thiên Chúa!

Mời Bạn: Nhìn lại bao lần mình phản ứng bốc đồng, kêu ca than oán khi gặp điều bất như ý xảy đến với mình. Chúa có cách của Ngài để rút điều tốt lành ra từ những gì tệ hại. Như Êlisabét, bạn hãy kiên trung tin tưởng vào Chúa.

Sống Lời Chúa: Hiện tại, bạn còn “cay đắng” với Chúa về điều gì? Hãy hóa giải bằng cách cầu nguyện chân thành cởi mở với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con vẫn trung thành với Chúa dù gặp nghịch cảnh, xin ban con niềm vui được Chúa ở cùng con và thương cứu độ.





THỨ TƯ 19/12/2012 TUẦN 3 MÙA VONG NĂM C, Tôi Tớ Thiên Chúa Berthold ở Ratisbon (c. 1272)



Tôi Tớ Thiên Chúa Berthold ở Ratisbon
(c. 1272) 

Sinh ở Ðức vào khoảng năm 1220, ngay từ khi còn trẻ, Berthold người xứ Ratisbon đã gia nhập dòng Phanxicô khi mới được thành lập. Ngài đạo đức, chịu khó sống kham khổ, và được hướng dẫn bởi vị linh hướng nổi tiếng là cha David người xứ Augsburg. Nhận thấy Berthold có khoa ăn nói nên cha David đã khuyến khích và giúp vị linh mục trẻ tuổi này trau dồi thêm khả năng đó.

Không bao lâu khắp Ðế Quốc Ðức, ai ai cũng biết tiếng Cha Berthold là một người rao giảng đại tài. Qua sự rao giảng của cha, lời Chúa đánh động những tâm hồn chai đá. Hàng ngàn người đổ về để nghe ngài giảng. Có khi, số người lên đến hơn 100,000, và ngài phải leo lên toà giảng được dựng trên một cái cây cao để mọi người có thể nghe được. Ngày nay, một cánh đồng thật lớn ở Bohemia vẫn còn được gọi là Cánh Ðồng Cha Berthold, vì ngài đã giảng thuyết ở đây. Nhiều người được ơn trở lại, thay đổi đời sống, sám hối tội lỗi. Và họ xây một tu viện và một nguyện đường ở Ratisbon để dâng kính Thánh Maria Mađalêna. Ngày nay tu viện và nhà thờ này vẫn còn đó và do các Nữ Tu Dòng Thánh Clara Nghèo Hèn trông coi.

Cha Berthold có ơn tiên tri và đã tiên đoán đúng nhiều thiên tai và biến cố trong thời ấy. Sau khi ngài từ trần ở Ratisbon năm 1272, ngôi mộ ngài trở nên trung tâm hành hương. Tinh thần của ngài vẫn sống động trong các bài giảng, mà nhiều bài ấy vẫn thích hợp trong thời đại chúng ta.

Trích từ NguoiTinHuu.com


Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

THỨ BA 18/12/2012 TUẦN 3 MÙA VỌNG NĂM C, GIÁO HẠT TÂN SƠN NHÌ CHÀO ĐÓN LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MUC Á CHÂU

GIÁO HẠT TÂN SƠN NHÌ CHÀO ĐÓN LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MUC Á CHÂU



THỨ BA 18/12/2012 TUẦN 3 MÙA VỌNG NĂM C, Gốc tích hang đá: Sáng kiến của thánh Phanxicô nghèo

Gốc tích hang đá:
Sáng kiến của thánh Phanxicô nghèo
--------------------------------------------------

Lễ Giáng Sinh năm 1223 sắp đến. Đối với tâm
hồn chí ái phong phú cảm tình của Phanxicô, ngày ấy là
tất cả mầu nhiệm Tình Thương lan tràn giữa cảnh khó
nghèo thiếu thốn. Nghĩ đến Đức Mẹ phải lê bước dọc
đường trước giờ sinh nở, nghĩ đến Thánh Giuse chạy chỗ
này chỗ nọ tìm quán trọ giữa đêm khuya, nghĩ đến Chúa
Hài Đồng bé bỏng nằm giữa đống rơm trong hang đá
trống trải lạnh lùng, Phanxicô mủi lòng rơi nước mắt.

Nhưng đối với Ngài, lễ Giáng Sinh cũng là ngày
vui cứu chuộc, ngày lễ long trọng nhất trong năm. Trước
đây, có năm lễ Giáng Sinh đúng ngày thứ Sáu, anh em
hỏi Ngài có phải kiêng thịt không? Không ngần ngại.
Ngài đáp: "Ai lại kiêng cữ một ngày vui. Chẳng riêng gì
người, đến vách tường cũng nên cho ăn thịt. Không ăn
được thịt thì lấy mỡ quét lên, để vách tường cũng được
chia phần vui vẻ. Bò lừa thì nên cho ăn gấp đôi khẩu
phần thường lệ, vì xưa các anh chị em ấy có công thở hơi
sưởi ấm Chúa. Nếu có dịp vào yết kiến các nhà vua, cha
sẽ yêu cầu các ngài hạ lệnh cho thần dân, ngày Giáng
Sinh đem lúa rải khắp các nẻo đường cho anh chị em
chim, nhất là các anh chị em sơn ca, cũng được vui vẻ
đón ngày cứu chuộc."

Hai tuần trước lễ Giáng Sinh, Phanxicô mời ông
Gioan Velita, một nhà quý tộc Dòng Ba ở Grecciô, đến
ngỏ ý giúp ngài tổ chức mừng ngày đại lễ.




Nguyên trong thái ấp nhà quý tộc, đối diện với
Grecciô, có một ngọn núi cao, có cây rậm và nhiều hang
hốc. Phanxicô thấy có thể thực hành dự định mới lạ Ngài
đã tưởng tượng ra, là diễn lại cảnh Chúa giáng sinh
trong máng cỏ. Ngài đề nghị với Gioan Velita:
- Ông bạn ạ, tôi muốn diễn lại cảnh Bethléem
như sự thực năm xưa, để thông cảm hết những nỗi rét
lạnh thiếu thốn của Chúa. ông gắng giúp tôi một tay.
Ông chọn một hang đá rộng rãi trống trải trên sườn núi
của ông, rồi chuẩn bị cho một máng cỏ và cho dắt vào đó
một con bò và một con lừa.



Nhà quý tộc vui vẻ nhận lời, tận tâm sắm đủ vật
liệu và cho quét dọn hang đá.


Theo lời Celanô kể bốn năm sau cuộc lễ, thì đêm
lễ Giáng Sinh năm 1223, ở Grecciô không khác gì
Bethléem xưa.
Mầu nhiệm Thiên Chúa ra đời đã được
diễn lại một cách tân kỳ. Giữa đêm khuya tăm tối, hàng
ngàn ánh đuốc chập chờn của dân thành kéo nhau theo
con đường dốc vòng vèo đi lên hang đá. ở đó Gioan
Velita đã cho dọn sẵn sàng. Có máng cỏ, có bò lừa, như
hồi hộp chờ đợi giây phút linh thiêng Con Chúa ra đời.
Rừng cây hang đá lấp lánh sáng ngời và vang dội các
điệu hát bình dân hoà với giọng bình ca thánh vịnh của
anh em. Phanxicô im lìm bên máng cỏ, bùi ngùi, cám
cảnh nhưng mặt mũi hân hoan.

Lễ nửa đêm được cử hành ngay trong hang đá,
trên một phiến đá phẳng và cao. Phanxicô trong bộ lễ
phục thày sáu, cất cao giọng hát bài Phúc âm và giảng
cho dân chúng. Ngài đã đưa tâm hồn người dự lễ lên tận
trời. Những lời ca ngợi Vua Nghèo sinh ra khiêm hạ
chảy trên môi Ngài như giòng mật ngọt. Mỗi lần tên cực
thánh Chúa Giêsu được nhắc đến trên miệng Ngài, Ngài
đưa lưỡi liếm trên môi, như để tận hưởng cái hương vị
ngọt ngào tự trời ban xuống. Mỗi lần nhắc đến chữ
Bethléem, giọng Ngài nghe như tiếng con chiên nhỏ
đang kêu.

Về sau Chúa đã làm nhiều phép lạ tại hang đá
Grecciô. Nhiều người bệnh đến viếng được lành. Nhiều
gia súc bò lừa bị bệnh, đến đó lấy vài nắm cỏ về cho ăn
cũng được lành.
Gioan Velita cũng được Chúa thưởng. ông quả
quyết rằng chính mắt ông đã thấy Chúa Hài Đồng ngự
xuống nằm thiu thiu ngủ trong máng cỏ. Thỉnh thoảng
Chúa mở mắt âu yếm nhìn Phanxicô mỉm cười.

Theo lời thánh Bonaventura, từ đó lệ làm máng
cỏ mừng lễ Giáng Sinh được Đức Giáo Hoàng cho phép
phổ biến khắp nước Ý.

(Trích Truyện thánh Phanxicô Assisi- Lm Anton)

TIN MỪNG HẰNG NGÀY THỨ BA 18/12/2012 TUẦN 3 MÙA VỌNG NĂM C,"Chúa Giêsu sẽ sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, vị hôn thê của Thánh Giuse, thuộc dòng dõi Đavít".


Thứ Ba Tuần III Mùa Vọng Năm C 


Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh

Thứ Ba Tuần 3 Mùa Vọng

BÀI ĐỌC I: Gr 23, 5-8

"Ta sẽ gây cho Đavít một mầm giống công chính".

Bài trích sách Tiên tri Giêrêmia.


Này đây, đã tới những ngày Ta gây cho Đavít một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm vua thống trị, sẽ là người khôn ngoan, thực hiện công lý và đức công bình trên đất nước. Những ngày ấy, Giuđa sẽ được cứu thoát, Israel sẽ được an cư, và chúng sẽ gọi tên Người là "Chúa công bình của chúng ta".

Chúa phán: "Vì thế, đã đến ngày chúng không còn nói được rằng: 'Chúa hằng sống, Người đã đưa con cái Israel ra khỏi đất Ai-cập', nhưng chúng nói: 'Chúa hằng sống, Người đã đưa dòng dõi nhà Israel ra khỏi đất Bắc'; (và) từ các nước chúng bị Ta phân tán, Ta dẫn đưa chúng về quê hương. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 71, 2. 12-13. 18-19

Đáp: Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người tới muôn đời (x. c. 7).

1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người xét đoán dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. - Đáp.

2) Người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống kẻ cùng khổ. - Đáp.

3) Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Israel, một mình Người làm những việc lạ lùng. Chúc tụng muôn đời vinh danh Chúa, khắp hoàn cầu đầy dẫy vinh quang Người. - Đáp.

ALLELUIA:

Alleluia, alleluia! - Lạy Đấng Thủ lãnh nhà Israel, Ngài đã ban lề luật cho Môsê trên núi Sinai, xin hãy đến mà ra tay cứu chuộc chúng con. - Alleluia. 



PHÚC ÂM: Mt 1, 18-24

"Chúa Giêsu sẽ sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, vị hôn thê của Thánh Giuse, thuộc dòng dõi Đavít".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.





Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của Bà là người công chính, không muốn tố cáo Bà, định tâm lìa bỏ Bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: "Hỡi Giuse, con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần: Bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội".

Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng: "Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta".

Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: Ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.

Đó là lời Chúa.

Mt 1,18-24 

MẠO HIỂM TRONG NIỀM TIN 

“Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mc 13,31)

Suy niệm: Suốt dòng lịch sử cứu độ, không thiếu những mẫu gương “mạo hiểm” đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, dù chưa thấu hiểu hoàn toàn: Ápraham bỏ quê hương để lên đường về miền Đất Hứa; Đức Maria thưa tiếng xin vâng, dù không biết thánh Giuse, bạn mình, sẽ phản ứng thế nào trước việc thụ thai bí nhiệm. Tin Mừng thánh Máccô hôm nay thuật lại phản ứng mạo hiểm tương tự của thánh Giuse. Toan tính “rút lui có trật tự” của ngài cuối cùng cũng nhường bước cho chương trình của Thiên Chúa. Ngài đã mở rộng tấm lòng để đón nhận mạc khải của Thiên Chúa dù trái với dự tính riêng.

Mời Bạn: Thiên Chúa thường nói với con người rất khẽ, nhẹ nhàng: một câu lời Chúa, một tấm gương sáng, một biến cố… “Một chút trong đời trở thành một chút thật tuyệt vời! Chắt chiu từng chút ấy cho đời này thêm sáng tươi” (Thông Vi Vu, Một Chút). Vậy đó, một chút “liều” của Ápraham, của Mẹ Maria, hay của thánh Giuse, kết dệt và hoàn thành Lời hứa cứu độ của Thiên Chúa. Một chút ‘liều’ để cộng tác, sản sinh những hoa trái thiêng liêng, tại sao không?

Sống Lời Chúa: Theo gương Thánh Giuse, tôi sẽ sống thầm lặng, khiêm nhu đón nhận những tác động của ơn thánh Chúa, như cọng rơm nhỏ bé góp vào máng cỏ cho Hài Nhi Giêsu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, đôi khi con miệt mài với những bận tâm vô bổ, để rồi vô cảm trước ánh mắt mời gọi sẻ chia, ngại ngùng giơ tay để tạo sự đồng cảm. Xin cho con nhạy cảm nhận ra tiếng gọi mời của Chúa qua tha nhân, chung một bàn tay để kết nên tình mến chân thành.








THỨ BA 18/12/2012 TUẦN 3 MÙA VỌNG NĂM C, Chân Phước Anthony Grassi (1592-1671)



Chân Phước Anthony Grassi
(1592-1671) 

Anthony mồ côi cha khi lên 10 tuổi, nhưng ngài đã học được nơi người cha sự sùng kính Ðức Mẹ Loreto. Khi còn là học sinh trung học, ngài thường đến nhà thờ của các cha Oratorian, và gia nhập dòng này khi mới 17 tuổi.

Từng nổi tiếng là một học sinh giỏi, nên không bao lâu ngài được mệnh danh là "cuốn tự điển sống" trong cộng đồng tu sĩ, ngài có thể hiểu Kinh thánh và thần học cách mau chóng. Trong một thời gian, ngài bị dằn vặt bởi sự quá đắn đo cân nhắc, nhưng cho đến khi cử hành Thánh Lễ đầu tiên, sự bình thản đã chiếm ngự toàn thể con người ngài.

Vào năm 1621, khi 29 tuổi, Anthony bị sét đánh khi đang cầu nguyện trong nhà thờ ở Loreto. Ngài được đưa vào bệnh viện, và ai cũng nghĩ là ngài sẽ chết. Một vài ngày sau, khi tỉnh dậy, ngài nhận ra rằng căn bệnh đau bao tử dai dẳng của ngài đã biến mất. Quần áo cháy nám của ngài được tặng cho nhà thờ Loreto như một kỷ niệm biến cố lớn trong đời.

Quan trọng hơn nữa, ngài cảm thấy cuộc đời mình lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Sau đó, hàng năm ngài đều hành hương đến Loreto để dâng lời cảm tạ.

Ngài cũng nổi tiếng là cha giải tội đơn sơ và thẳng thắn, lắng nghe người xưng tội, và chỉ bảo họ sống phù hợp với lương tâm. Năm 1635, ngài được chọn làm bề trên Tu Viện Fermo, và được tái đắc cử nhiều nhiệm kỳ cho đến khi ngài qua đời. Ngài là vị bề trên trầm lặng và hiền từ không biết thế nào là khắt khe. Nhưng quy luật của dòng luôn được ngài duy trì và buộc mọi tu sĩ phải tôn trọng.

Ngài từ chối các chức vụ dân sự ở ngoài xã hội, và dùng thời giờ để đi thăm người đau yếu, người hấp hối hay bất cứ ai cần đến sự giúp đỡ của ngài. Khi về già, ngài được Chúa ban cho ơn nhận biết tương lai, là một ơn sủng ngài dùng để cảnh giác hay khuyên bảo người khác. Nhưng tuổi tác cũng đem lại nhiều thử thách. Ngài phải chấp nhận sự mất mát các khả năng bên ngoài. Trước hết là khả năng rao giảng, là điều đương nhiên xảy đến khi ngài bị rụng răng. Sau đó, ngài không còn nghe xưng tội được nữa. Sau cùng, sau một lần bị ngã, ngài phải nằm liệt giường. Chính đức tổng giám mục phải đến ban Mình Thánh cho ngài hằng ngày. Một trong những công việc sau cùng của ngài là hoà giải được sự tranh cãi kịch liệt giữa hai thầy dòng.

Trích từ NguoiTinHuu.com



Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

CHÚA NHẬT 16/12/2012 TUẦN 3 MÙA VỌNG NĂM C,Tìm hiểu thành Belem, nơi Chúa đã giáng sinh trong đêm Đông giá lạnh...

Tìm hiểu thành Belem,
nơi Chúa đã giáng sinh trong đêm Đông giá lạnh...
(Thành Belem, miền West Bank ngày nay)


Belem (Bethlehem) tiếng Arab gọi là Bayta lahm, nghĩa là "nhà thịt", nằm cách thành Giêrusalem 5 miles 5 ( 8km) về phía tây (bây giờ gọi là miền West Bank). Không có thành phố nào trên thế giới nổi danh như thành Belem, vì Belem là nơi Chúa Giêsu giáng sinh cách đây trên 2000 năm theo Kinh thánh Kitô giáo đã ghi lại rõ ràng.
Thành Belem có chừng 27 ngàn dân (một nửa theo đạo Hồi, nửa kia theo đạo Chúa Kitô). Theo lịch sử:
- Thế kỉ 7, người Hồi giáo xâm chiếm Belem, nhưng họ vẫn để nguyên cho người Kitô giáo sinh sống tại đây cho đến ngày nay.
- Năm 1917, trong thế chiến I, quân đội nước Anh đã chiếm Belem.
- Năm 1948, sau chiến tranh giữa người Arab- Israel, người nước Jordan kiểm soát vùng này.
- Năm 1967, trong trận chiến 6 ngày, người Israel đánh chiếm vùng West Bank, gồm cả Belem.
- Năm 1995, người Israel rút khỏi Bethlehem và trao quyền kiểm soát cho người Palestin dựa trên hiệp ước tự quản giữa người PLO and Israel.
- Chiến tranh đôi bên cứ tiếp tục tới ngày nay...không biết bao giờ dứt, hay cứ chiến tranh hoài hoài, vì bên nào cũng nhận là đất của mình, mình có quyền sống. Có điều Israel không tin Chúa Kitô nên luôn làm khó dễ những người theo Chúa Kitô, và không quí trọng những di tích của Chúa Kitô.

Nhà thờ Giáng sinh:
Thánh đường đầu tiên được xây sớm nhất. Thánh đường được xây trên nơi mà người ta tin rằng chính là hang đá giáng sinh xưa. Thánh đường đầu tiên này được thánh nữ Helena (mẹ vua Constantine) xây cất vào thế kỉ thứ 4 (năm 334). Rất tiếc, thánh đường này đã bị phá hoàn toàn khi người Samaria (miền Trung Palestine) nổi dậy chống nhà cầm quyền năm 529.
Một thánh đường khác lớn hơn được xây vào đời  hoàng đế Justinianô (527-65). Thánh đường Giáng sinh được xây trên nền cũ. Từ thánh đường xuống nhà nguyện hầm máng cỏ có 2 lối: bên trái xuống chỗ có ngôi sao 12 tia sáng, ghi dấu nơi Chúa Giáng sinh. Bên phải, nơi xưa đặt máng cỏ cho Chúa hài nhi nằm, và nơi Đức Mẹ và thánh Giuse nghỉ.
Thánh đường xưa có 3 cửa vào, nhưng 2 trong 3 đã bị xây tường bít lại. Hiện còn 1 cửa nhỏ thấp dẫn vào thánh đường, người ta phải cúi mình xuống mới vào được. Không hiểu sao lại xây bít đi như vậy?
Hang đá, nơi Chúa giáng sinh, đó là một di tích lịch sử và tôn giáo cao quí nhất hiện được gìn giữ trong nhà nguyện hầm của thánh đường này.



Nơi đây có bàn thờ, có ngôi sao bằng bạc 14 tia sáng chỉ nơi Thiên Chúa đã sinh ra. Chung quanh bàn thờ , 15 chiếc đèn, đại diện cho các Cộng đồng Kitô hữu khác nhau, được treo lơ lửng quanh ngôi sao. Đối diện với bàn thờ giáng sinh, có 3 bậc dẫn du khách tới bàn thờ Máng cỏ, nơi Đức Mẹ đặt Con sau khi sinh. Bàn thờ thứ 3 được đặt đối diện máng cỏ, để kính nhớ các nhà đạo sĩ từ phương Đông theo ngôi sao dẫn đường tới kính bái Chúa Hài nhi. Hang đá còn được trang hoàng bằng vô số đèn, ảnh các thánh ...

Thánh Giêrônimô đã tới Belem năm 384, tu trì và dịch Kinh thánh Cựu Ước ra tiếng latinh (bản Vulgata- phổ thông vẫn dùng trong giáo hội). Hiện trong tu viện Dòng Phanxicô vẫn còn giữ cây cột đá trắng có khắc tượng thánh nhân. Ngài đã sống và lập một tu viện theo lối phương Tây cho một số môn đệ theo ngài. Tu viện này không còn, nhưng cái hầm ngài sống xưa vẫn còn ở phía dưới nhà thờ Giáng sinh.
Thánh đường hiện nay đã phải trải qua bao lần chinh chiến giữa người Hồi giáo và Đạo binh Thánh giá. Dần dần, nhiều nhà thờ, tu viện được xây thêm trong thành Belem này như người ta thấy ngày nay.
Thánh đường Giáng sinh hiện thời được các linh mục Dòng thánh Phanxicô thay mặt Tòa thánh Công giáo trông coi, giữ gìn. Dòng Phanxicô cũng có một Tu viện ở phía Bắc thánh đường này. Tu viện Chính thống Hi lạp ở phía đông nam, và tu viện Armenian ở phía tây nam. Nhà thờ thánh nữ Catarina Alexandria xây năm 1881...từ thánh đường này những năm gần đây hệ thống TV truyền ra qua vệ tinh cho toàn thế giới thánh lễ đêm mừng Chúa Giáng sinh long trọng tại Belem.




(Đoàn Quang tìm hiểu)

TIN MỪNG HẰNG NGÀY CHÚA NHẬT 16/12/2012 TUẦN 3 MÙA VỌNG NĂM C,"Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?"


Chúa Nhật Tuần III Mùa Vọng Năm C


Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh
Download Bài đọc dạng Powerpoint

BÀI ĐỌC I: Xp 3, 14-18a

"Chúa sẽ hân hoan vì người".

Trích sách Tiên tri Xôphônia.


Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa.

Trong ngày đó, ở Giêrusalem thiên hạ sẽ nói rằng: Hỡi Sion, đừng sợ, tay ngươi sẽ hết rã rời! Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Đấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi. Người hân hoan vui mừng vì ngươi. Người cảm động yêu thương ngươi, và vì ngươi, Người sung sướng reo mừng.Những kẻ hư hỏng bỏ lề luật, Ta sẽ quy tụ họ lại, vì họ cũng là con cái ngươi. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Is 12, 2-3. 4bcd. 5-6

Đáp: Hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi có Đấng Thánh của Israel thật cao cả (c. 6).

1) Đây Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc tôi. Tôi sẽ tin tưởng mà hành động, tôi không run sợ: vì Thiên Chúa là sức mạnh của tôi và là Đấng tôi ca ngợi. Người trở nên phần rỗi của tôi. - Đáp.

2) Các ngươi sẽ hân hoan múc nước nơi suối Đấng cứu độ: Hãy tung hô Chúa, hãy kêu cầu thánh danh Người, hãy công bố cho các dân tộc biết các kỳ công của Người, hãy nhớ rằng danh Người rất cao trọng. - Đáp.

3) Hãy hát mừng Chúa, vì Người đã làm những việc cả thể, hãy công bố việc này trên khắp địa cầu. Hỡi dân Sion, hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi, có Đấng Thánh của Israel thật cao cả. - Đáp.


BÀI ĐỌC II: Pl 4, 4-7

"Chúa gần đến".

Trích thơ Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Philipphê.


Anh em thân mến, anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên! Đức ôn hoà của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Is 61, 1 (x. Lc 1, 18)

Alleluia, alleluia! - Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó. - Alleluia.



PHÚC ÂM: Lc 3, 10-18

"Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.




Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: "Vậy chúng tôi phải làm gì?" Ông trả lời: "Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy". Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?" Gioan đáp: "Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi". Các quân nhân cũng hỏi: "Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?" Ông đáp: "Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình".

Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: "Có phải chính ông là Đức Kitô chăng?" Gioan trả lời cho mọi người rằng: "Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Đấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, - tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, - chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!" Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng. Đó là lời Chúa.

Lc 3,10-18 

Chúng tôi phải làm gì đây? 

Dân chúng lũ lượt đến xin ông Gioan làm phép rửa; họ hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có…” (Lc 3,10-11)

Suy niệm: Ngạn ngữ Anh nói với chúng ta: “Con đường xuống hoả ngục được lát bằng những ý hướng tốt”. Vì thế, điều quan trọng không phải là dốc lòng chừa khi xưng tội, nhưng là thực hiện điều dốc lòng ấy, bởi vì đã bao lần mình dốc lòng chừa, nhưng rồi khi xét mình, thấy các tội cũ lại “nguyễn y vân” (vẫn y nguyên!). Để bày tỏ lòng sám hối, sau khi chịu phép rửa ở sông Giođan, các hối nhân đều lên tiếng hỏi: “Chúng tôi phải làm gì?” Họ hiểu rằng lòng sám hối thật sự không phải chỉ là những cảm xúc chân thành, hay những suy tư hoa mỹ, mà phải được diễn tả bằng việc làm: phải làm gì đây? Sám hối không phải chỉ là đổi mới trong nếp nghĩ, nhưng còn đổi mới cung cách hành xử của bàn tay, đôi mắt, môi miệng... cho hợp với Lời Chúa.

Mời Bạn: Bạn cũng hãy tự hỏi: tôi phải làm gì đây trong mùa Vọng này? ông Gioan cũng cho bạn câu trả lời: tiếp tục làm công việc nghề nghiệp, bổn phận nhưng với tinh thần bác ái, công bằng, tận tâm và vui tươi…

Chia sẻ: Tôi sẽ làm gì để việc sám hối thật sự đổi mới cuộc đời tôi?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ lãnh nhận bí tích Hoà giải trong mùa Vọng với một quyết tâm thực hiện điều dốc lòng chừa cách mạnh mẽ hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con được no nê mà vẫn thiếu ăn, vì bên con còn có người đói lả. Con uống nước mát mà họng vẫn khô rang, vì bên con còn có người đang khát. Con vui cười mà nước mắt tuôn rơi, vì bên con còn có người phiền muộn. Amen. (Rabbouni)