Thứ Hai Tuần VI TN B
Bài đọc: Gen
4:1-5:25; Jam 1:1-11; Mk 8:11-13.
1/ Bài đọc I (năm lẻ):
1 Con người ăn ở với E-và, vợ mình. Bà thụ thai và sinh ra
Ca-in. Bà nói: "Nhờ Đức Chúa, tôi đã được một người." 2 Bà
lại sinh ra A-ben, em ông. A-ben làm nghề chăn chiên, còn Ca-in làm nghề cày
cấy đất đai. 3 Sau một thời gian, Ca-in lấy hoa màu của
đất đai làm lễ vật dâng lên Đức Chúa. 4 A-ben cũng dâng
những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng. Đức Chúa đoái nhìn đến
A-ben và lễ vật của ông, 5 nhưng Ca-in và lễ vật của ông
thì Người không đoái nhìn. Ca-in giận lắm, sa sầm nét mặt. 6 Đức
Chúa phán với Ca-in: "Tại sao ngươi giận dữ? Tại sao ngươi sa sầm nét mặt? 7 Nếu
ngươi hành động tốt, có phải là ngươi sẽ ngẩng mặt lên không? Nếu ngươi hành
động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng
ngươi phải chế ngự nó." 8 Ca-in nói với em là A-ben:
"Chúng mình ra ngoài đồng đi! " Và khi hai người đang ở ngoài đồng
thì Ca-in xông đến giết A-ben, em mình. 9 Đức Chúa phán
với Ca-in: "A-ben em ngươi đâu rồi? " Ca-in thưa: "Con không
biết. Con là người giữ em con hay sao?" 10 Đức Chúa
phán: "Ngươi đã làm gì vậy? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu
lên Ta! 11 Giờ đây ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã
từng há miệng hút lấy máu em ngươi, do tay ngươi đổ ra. 12 Ngươi
có canh tác đất đai, nó cũng không còn cho ngươi hoa màu của nó nữa. Ngươi sẽ
lang thang phiêu bạt trên mặt đất."
13 Ca-in thưa với Đức Chúa: "Hình phạt dành cho con quá
nặng không thể mang nổi.
14 Đây, hôm nay Ngài xua đuổi con khỏi mặt đất. Con sẽ phải
trốn tránh để khỏi giáp mặt Ngài, sẽ phải lang thang phiêu bạt trên mặt đất, và
bất cứ ai gặp con sẽ giết con." 15 Đức Chúa phán với
ông: "Không đâu! Bất cứ ai giết Ca-in sẽ bị trả thù gấp bảy." Đức
Chúa ghi dấu trên Ca-in, để bất cứ ai gặp ông khỏi giết ông. 25 Ông
A-đam lại ăn ở với vợ. Bà sinh một con trai và đặt tên là Sết; bà nói:
"Thiên Chúa đã sắp đặt cho tôi một dòng dõi khác thay cho A-ben, vì Ca-in
đã giết nó."
2/ Bài đọc I (năm chẵn):
1 Tôi là Gia-cô-bê, tôi tớ của Thiên Chúa và của Chúa Giê-su
Ki-tô, kính gửi mười hai chi tộc đang sống tản mác khắp nơi. Chúc anh em được
an vui mạnh khoẻ! 2 Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là
được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. 3 Vì
như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. 4 Chớ
gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên
hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì.
5 Nếu ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan, thì hãy cầu xin
Thiên Chúa, Người sẽ ban cho. Vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi,
không quở trách.
6 Nhưng người ấy phải cầu xin với lòng tin không chút do dự,
vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống.7 Người
ấy đừng tưởng mình sẽ nhận được cái gì của Chúa: 8 họ là
kẻ hai lòng, hay thay đổi trong mọi việc họ làm.
9 Người anh em phận hèn hãy tự hào khi được Chúa nâng lên;
10 còn người giàu có hãy tự hào khi bị Chúa hạ xuống, vì họ sẽ
qua đi như hoa cỏ.
11 Quả thế, mặt trời mọc lên toả ra sức nóng làm cho cỏ khô,
khiến hoa rụng xuống, vẻ đẹp tiêu tan. Người giàu có cũng sẽ héo tàn như vậy
trong các việc họ làm.
3/ Phúc Âm:
11 Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức
Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. 12Người
thở dài não nuột và nói: "Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật
cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả." 13 Rồi
bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Cần khiêm nhường biết mình trong mối liên hệ với
Thiên Chúa.
Thiên Chúa không mắc nợ gì với con người; trái
lại, con người mắc nợ mọi sự với Thiên Chúa. Khi con người tin tưởng nơi Thiên
Chúa, con người không thêm điều gì cho Ngài; nhưng niềm tin nơi Thiên Chúa sẽ
giúp con người đạt tới cuộc sống đời đời. Cũng thế, khi con người làm việc thờ
phượng như tham dự Thánh Lễ, đọc kinh, dâng lễ vật, con người chẳng thêm gì cho
Thiên Chúa; nhưng con người sẽ nhận được những lợi ích từ các việc làm này.
Các Bài Đọc hôm nay cho thấy những quan niệm sai
của con người trong mối liên hệ với Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, khi
Cain dâng lễ vật cho Thiên Chúa và không được Ngài đoái nhìn tới; ông tức giận
với Thiên Chúa và ghen tị với em mình là Abel, vì Ngài đoái nhìn lễ vật của em
ông. Hậu quả là ông đã giết đứa em ruột của mình. Trong Bài Đọc I, năm chẵn,
tác giả Thư Giacôbê quả quyết đức tin của con người cần bị thử thách trăm bề để
đức tin càng ngày càng vững mạnh, toàn hảo, và không gì có thể lay chuyển được.
Trong Phúc Âm, các kinh-sư thách thức Chúa Giêsu hãy làm phép lạ để họ có thể
tin Ngài là Thiên Chúa; Chúa Giêsu thở dài vì thái độ thách thức của họ. Ngài
từ chối không làm bất cứ phép lạ nào cho họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm lẻ): Cain giết Abel, em mình.
1.1/ Nguyên nhân của việc Cain giết Abel: Cain
ghen tị với Abel vì Đức Chúa đoái nhìn đến lễ vật của Abel, và không đoái nhìn
đến lễ vật của ông. Trình thuật không nêu lý do tại sao Đức Chúa không đoái
nhìn lễ vật của Cain, chúng ta chỉ có thể suy đoán qua truyền thống. Của lễ
dâng cho Thiên Chúa phải kèm theo một tấm lòng yêu mến, chứ không chỉ dâng cho
qua lần chiếu lệ như Lề Luật buộc. Trong thực tế, Abel không phải là nguyên
nhân chính sự tức giận của Cain; nhưng vì sự tức giận của Cain với Thiên Chúa, đã
đưa đến sự tức giận của Cain với em ông. “Giận cá chém thớt” là vậy; vì không
làm gì được Thiên Chúa, nên giết người em yếu đuối để bù lại. Tội giết người
này cũng xác nhận bản tính tội lỗi của con người sau lần sa ngã đầu tiên, tội
tổ tông.
Thiên Chúa cắt nghĩa cho Cain lý do tại sao con
người phạm tội: "Tại sao ngươi giận dữ? Tại sao ngươi sa sầm nét mặt? Nếu
ngươi hành động tốt, có phải là ngươi sẽ ngẩng mặt lên không? Nếu ngươi hành
động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng
ngươi phải chế ngự nó." Tội lỗi luôn rình chờ con người, nhưng con người
phải sẵn sàng khắc phục nó bằng sự tự chủ và ý hướng luôn làm điều tốt. Giận dữ
và ghen tị sẽ đưa con người đến những tội lỗi lớn hơn.
1.2/ Cain giết Abel và bản án của Thiên Chúa:
Khi con người muốn phạm tội, họ tìm nơi hoang vắng để không ai biết việc làm
của họ. Cain cũng thế, ông nói với em là Abel: "Chúng mình ra ngoài đồng
đi!" Và khi hai người đang ở ngoài đồng thì Cain xông đến giết Abel. Nhưng
Cain đã quên đi một Đấng, Người luôn thấu suốt mọi tư tưởng và hành động của
ông. Đức Chúa phán với Cain: "Abel em ngươi đâu rồi?" Cain thưa:
"Con không biết. Con là người giữ em con hay sao?" Giống như sự sa
ngã ban đầu, phản ứng đầu tiên của con người không bao giờ dám nhận trách
nhiệm, họ phủ nhận hành động đã làm như Cain, hay tìm cách tổ tội cho người
khác như ông Adam và bà Evà.
Đức Chúa phán: "Ngươi đã làm gì vậy? Từ
dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta! Giờ đây ngươi bị nguyền rủa
bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi, do tay ngươi đổ ra. Ngươi
có canh tác đất đai, nó cũng không còn cho ngươi hoa màu của nó nữa. Ngươi sẽ
lang thang phiêu bạt trên mặt đất." Đối với người Do-Thái, sự sống có được
là từ máu, và bắt nguồn từ Thiên Chúa (Lev 17:11-14). Vì Thiên Chúa làm chủ sự
sống (Gen 2:7), máu của người vô tội đổ ra sẽ kêu thấu tới Thiên Chúa. Đất có
mối liên hệ mật thiết với con người: con người sinh ra từ bụi đất và sẽ trở về
bụi đất; đất sẽ sinh thực phẩm cho con người; và tội của con người là lý do làm
đất đai sinh gai góc (J).
1.3/ Lòng thương xót của Đức Chúa cho Cain: Con
người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Cain suy nghĩ về các hậu quả
của việc giết em và thưa với Đức Chúa: "Hình phạt dành cho con quá nặng
không thể mang nổi. Đây, hôm nay Ngài xua đuổi con khỏi mặt đất. Con sẽ phải
trốn tránh để khỏi giáp mặt Ngài, sẽ phải lang thang phiêu bạt trên mặt đất, và
bất cứ ai gặp con sẽ giết con."
Hình phạt đầu tiên Cain phải chịu là trốn tránh
Thiên Chúa và con người. Xua đuổi khỏi mặt đất là xua đuổi khỏi nơi hoang vắng,
chỗ ở của ma quỉ và tội nhân. Kẻ giết người sẽ luôn ở trong tình trạng lẩn
trốn: trốn Thiên Chúa, con người, và chính mình. Truyền thống tin Đức Chúa hiện
diện cách đặc biệt với dân của Ngài. Không có sự hiện diện của Đức Chúa, mạng
sống con người sẽ luôn bị đe doạ.
(1) Đức Chúa vẫn thương xót Cain: Người đời đòi
“mắt đền mắt, răng đền răng;” và Cain cũng biết luật vay trả này “bất cứ ai gặp
con sẽ giết con.” Nhưng Đức Chúa vẫn tỏ lòng thương xót cho Cain, Ngài phán:
“Bất cứ ai giết Cain sẽ bị trả thù gấp bảy." Đức Chúa ghi dấu trên Cain,
để bất cứ ai gặp ông khỏi giết ông. Dấu đặc biệt trên trán này chỉ sự bảo vệ
của Thiên Chúa.
(2) Đức Chúa đoái thương đến gia đình Adam: Ông
Adam lại ăn ở với vợ. Bà sinh một con trai và đặt tên là Seth. Bà nói:
"Thiên Chúa đã sắp đặt cho tôi một dòng dõi khác thay cho Abel, vì Cain đã
giết nó."
2/ Bài đọc I (năm chẵn): Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách
trăm chiều.
2.1/ Đức tin cần được thử thách: Giống như người
lực sĩ trong tiến trình tập luyện cần được thử thách, hay một học sinh trong
tiến trình học tập cần phải qua những kỳ thi cử, đức tin của con người cũng cần
phải trải qua những thử thách. Mục đích của việc thử luyện đức tin không phải
để con người ngã gục trước thử thách nhưng là:
(1) Để tạo lòng kiên nhẫn: Tác giả khuyến khích
các tín hữu Do-thái khắp nơi: "Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được
chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có
vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn." Đức kiên nhẫn là nhân đức
đầu tiên phải tập luyện và là mẹ các nhân đức, vì khi một khi đã có nhân đức
này, con người sẽ luyện tập các nhân đức khác một cách dễ dàng hơn.
(2) Để kiện toàn lòng tin: Đức tin là quà tặng
Thiên Chúa ban cho con người; nhưng để kiện toàn, con người phải kiên nhẫn
luyện tập, sao cho tới chỗ toàn bích như tác-giả ao ước cho các tín hữu:
"Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để
anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì." Mục
đích của việc luyện tập là để có một đức tin hoàn hảo: vững bền, toàn hảo,
không thiếu một điều gì. Khi một người đã có đức tin như thế, họ có thể vượt
qua mọi thử thách của cuộc đời.
2.2/ Để kiện toàn đức tin, con người cần đến ơn
thánh của Thiên Chúa: Khi phải đương đầu với thử thách đau khổ, con người
thường có khuynh hướng trốn tránh hay xin Chúa làm phép lạ cất đi. Để tránh rơi
vào những thái độ này, tác-giả khuyên: "Nếu ai trong anh em thiếu đức khôn
ngoan, thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho. Vì Thiên Chúa ban cho mọi
người cách rộng rãi, không do dự." Sự khôn ngoan giúp con người nhìn ra
thử thách là điều cần thiết để luyện tập đức tin. Tuy nhiên, khi cầu xin cho có
khôn ngoan, con người cần phải có lòng tin vững mạnh. Tác giả khuyên: "Nhưng
người ấy phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như
sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống." Khi đã được Chúa ban khôn ngoan để
nhận ra phải vượt qua thử thách, người ấy cứ mạnh dạn tiến tới; đừng đổi ý lại
cầu xin Chúa cất thử thách đi cho.
Một trong những thử thách của đức tin là những
thăng trầm trong cuộc sống con người. Tác giả khuyên các tín hữu hãy tự hào
trong Chúa, cả khi được nâng lên cũng như khi bị hạ xuống. Đừng ai tự hào về
của cải mình có vì: "họ sẽ qua đi như hoa cỏ. Quả thế, mặt trời mọc lên
toả ra sức nóng làm cho cỏ khô, khiến hoa rụng xuống, vẻ đẹp tiêu tan. Người
giàu có cũng sẽ héo tàn như vậy trong các việc họ làm."
3/ Phúc Âm: Niềm
tin dựa trên phép lạ.
3.1/ Niềm tin dựa trên các phép lạ: Mỗi quốc gia
trên địa cầu đều có những sắc thái riêng của mỗi dân tộc; Thánh Phaolô nói rất
đúng về người Do-thái: “Người Do-thái tìm kiếm dấu lạ; trong khi người Hy-lạp
tìm kiếm sự khôn ngoan.” Truyền thống Do-thái đã thêu dệt sẵn kiểu mẫu một Đấng
Thiên Sai: Ngài là Đấng uy quyền, có khả năng làm những dấu lạ lùng trong trời
đất. Ngài là Chúa của người Do-thái, nên Ngài sẽ giúp họ đánh đuổi ngoại bang,
và cai trị toàn thế giới. Với kiểu mẫu có sẵn của Đấng Thiên Sai, những người
Pharisees kéo đến với Chúa Giêsu, để thách thức Người làm một dấu lạ từ trời.
3.2/ Niềm tin dựa trên sự hiểu biết chắc chắn về
Thiên Chúa: Tại sao Chúa Giêsu không chịu làm phép lạ? Thứ nhất, Ngài đã làm
không biết bao nhiêu phép lạ rồi. Những người Pharisees này hoặc đã từng chứng
kiến, hoặc đã nghe biết về những phép lạ Ngài đã làm. Thứ đến, phép lạ chỉ giúp
khai mở niềm tin. Khi Chúa Giêsu chữa lành các bệnh nhân, Ngài nhắc nhở cho họ
những gì tiên-tri Isaiah nói về Đấng Thiên Sai, giờ đây được hiện thực nơi
Ngài; mục đích là để giúp họ tin vào Ngài. Hơn nữa, niềm tin chỉ dựa trên dấu
lạ sẽ không vững chắc. Họ cần một sự hiểu biết chắc chắn về Thiên Chúa và sự
quan phòng của Ngài; chứ không phải theo một Thiên Chúa và các kế hoạch do họ
dựng nên. Nếu niềm tin chỉ dựa trên phép lạ, niềm tin sẽ lung lay và biến mất
khi không nhìn thấy phép lạ nữa. Sau cùng, Chúa Giêsu không muốn con người điều
khiển Thiên Chúa: khi con người cần gì, Thiên Chúa có bổn phận làm phép lạ ban
cho họ điều đó; mà không cần biết điều họ xin có tốt hay không!
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần khiêm nhường biết mình trong mối
tương quan với Thiên Chúa. Tất cả những việc thờ phượng chúng ta làm là cho lợi
ích của cá nhân chúng ta, chứ không thêm gì cho Thiên Chúa.
- Đức tin Thiên Chúa ban cho chúng ta có tiềm
năng vươn cao vô hạn; nhưng cũng có thể bị đánh mất. Chúng ta cần lợi dụng mọi
cơ hội xảy ra trong cuộc đời để luyện tập đức tin sao cho đến độ toàn hảo, vững
bền, để có thể vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời.
- Khi cầu xin điều gì không được, chúng ta hãy
xét xem điều đó có đúng ý Thiên Chúa không. Đừng bao giờ có thái độ giận dữ trả
thù bằng cách bỏ đạo hay làm hại những người được Thiên Chúa phù hộ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét