Thánh Ciryl và Thánh Methodius
(c. 869, c. 884)
(c. 869, c. 884)
Vì thân phụ của hai thánh nhân là một sĩ quan trong phần đất của
Hy Lạp nhưng có nhiều người Slav chiếm ngụ, do đó hai anh em thánh nhân đã trở
nên nhà truyền giáo, thầy dạy và quan thầy của người Slav.
Sau thời gian học tập, Cyril (thường được gọi là Constantine cho
đến khi ngài trở thành tu sĩ ít lâu trước khi từ trần) đã từ chối địa vị trong
chính quyền mà anh ngài đã chấp nhận làm việc cho những người nói tiếng Slav.
Ngài gia nhập một đan viện là nơi anh ngài, Methodius, đã là một đan sĩ sau
thời gian giữ chức vụ trong chính quyền.
Một quyết định đã thay đổi cuộc đời của các ngài khi Công Tước
của Moravia xin Hoàng Ðế Micae của Ðông Phương cho được độc lập về chính trị
với nhà cầm quyền Ðức, và được tự trị về phương diện tổ chức giáo hội (có giáo
sĩ và phụng vụ riêng). Cyril và Methodius đã lãnh nhận công việc truyền giáo
này.
Công việc đầu tiên của Cyril là sáng chế ra bản mẫu tự, giống
như mẫu tự vẫn được dùng trong phụng vụ ở các phần của Nam Tư cũ. Những người
theo ngài có lẽ đã hình thành mẫu tự Cyrillic từ các chữ cái của Hy Lạp. Ngày
nay, họ dịch Phúc Âm, Thánh Thi, Thánh Thư và các sách phụng vụ sang tiếng
Slav, và sáng tác phần phụng vụ bằng tiếng Slav rất đặc biệt.
Vì lý do đó và vì việc xử dụng tiếng mẹ đẻ đã dẫn đến việc chống
đối của hàng giáo sĩ Ðức. Các giám mục Ðức từ chối việc tấn phong các giám mục
và linh mục Slav, và Cyril buộc phải thỉnh cầu lên Rôma. Trong chuyến viếng
thăm Rôma, hai anh em thánh nhân đã vui sướng khi thấy bản văn phụng vụ mới của
họ được Ðức Giáo Hoàng Adrian II chấp thuận. Nhưng Cyril không bao giờ trở lại
Moravia nữa, ngài từ trần ở Rôma sau 50 ngày nhận áo dòng.
Methodius tiếp tục công cuộc truyền giáo trên 16 năm nữa. Ngài
là đại diện giáo hoàng đối với toàn thể người dân Slav, được tấn phong giám mục
và được giao cho trông coi một giáo phận cũ (thuộc Nam Tư). Khi lãnh thổ trước
đây thuộc về họ nay bị tước khỏi quyền tài phán, vị giám mục Bavaria đã trả thù
với hàng loạt điều cáo buộc Ðức Methodius. Kết quả là Hoàng Ðế Louis của Ðức đã
lưu đầy Ðức Methodius trong ba năm. Sau đó Ðức Giáo Hoàng Gioan VIII đã đảm bảo
sự tự do cho ngài.
Hàng giáo sĩ người Frank vẫn còn ấm ức nên họ tiếp tục chụp mũ,
và Ðức Methodius phải sang Rôma để bảo vệ ngài khỏi điều cáo buộc về tội lạc
giáo và xin duy trì việc dùng bản văn phụng vụ Slav. Một lần nữa ngài lại thành
công.
Truyền thuyết nói rằng, trong một giai đoạn cực kỳ hăng say, Ðức
Methodius đã chuyển dịch toàn bộ Phúc Âm sang tiếng Salv chỉ trong vòng tám
tháng. Ngài từ trần vào ngày thứ Ba Tuần Thánh, với các môn đệ tụ tập chung
quanh. Sau khi ngài chết sự chống đối vẫn chưa dứt, và công trình của hai anh
em thánh nhân ở Moravia đã đi vào chỗ tận tuyệt, các môn đệ của hai ngài phải
phân tán khắp nơi. Nhưng sự trục xuất ấy đã có ảnh hưởng tốt đẹp trong việc phổ
biến các công trình về phụng vụ, về tâm linh và văn hóa của hai anh em thánh
nhân đến các vùng Bulgaria, Bohemia và nam Ba Lan.
Là quan thầy của Moravia, và được đặc biệt sùng kính bởi người
Công Giáo Czech, Slovak, Croatia, Chính Thống Giáo Serb và người Bulgaria,
Thánh Cyril và Methodius thật xứng đáng là người bảo vệ sự hiệp nhất Ðông và
Tây, là điều được mọi người khao khát từ lâu.
Lời Bàn
Thánh thiện có nghĩa dùng tình yêu Thiên Chúa để đối xử với thói
đời: đời sống con người lúc nào cũng vậy, luôn chằng chịt những vấn đề chính
trị và văn hóa, sự mỹ miều cũng như sự xấu xa, sự ích kỷ cũng như sự thánh
thiện. Với Thánh Cyril và Methodius, hầu như thập giá hàng ngày của các ngài là
phải đương đầu với những khó khăn giống như của chúng ta ngày nay: vấn đề ngôn
ngữ trong phụng vụ. Các ngài là thánh không phải vì đã đưa phụng vụ vào tiếng
Slav, nhưng vì các ngài đã thi hành điều ấy với sự can đảm và khiêm tốn của Ðức
Kitô.
Lời Trích
"Ngay cả trong phụng vụ, Giáo Hội không muốn áp đặt một sự
đồng nhất cứng rắn nào trong các vấn đề không liên hệ đến đức tin hay không có
lợi cho toàn thể cộng đoàn. Ðúng hơn, Giáo Hội tôn trọng và khuyến khích những
tinh hoa và những đặc tính riêng của các chủng tộc và dòng giống... Miễn sao sự
hợp nhất cốt yếu của nghi lễ Rôma vẫn được duy trì, việc tu chỉnh các sách
phụng vụ phải được phép thay đổi và thích nghi với các tổ chức khác nhau, sự
sùng bái và các dân tộc khác nhau, nhất là trong xứ truyền giáo" (Hiến Chế
về Phụng Vụ, 37, 38).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét