Chủ Nhật VII Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Isa
43:18-19, 21-22, 24-25; II Cor 1:18-22; Mk 2:1-12.
1/ Bài đọc I:
18 Người phán như sau: "Các ngươi đừng nhớ lại những
chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước.19 Này
Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay
sao? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng
đất khô cằn. 21 Ta đã gầy dựng cho Ta dân này, chúng sẽ
lên tiếng ngợi khen Ta. Ít-ra-en bội nghĩa vong ân 22 Vậy
mà, hỡi Gia-cóp, ngươi đã chẳng kêu cầu Ta; phải, hỡi Ít-ra-en, ngươi đã chán
Ta rồi.24 Ngươi đã không bỏ tiền mua hương liệu dâng Ta, cũng
không dâng mỡ béo cho Ta được thoả dạ no lòng. Ngươi lại còn làm cho Ta cực khổ
vì lầm lỗi của ngươi, làm cho Ta chán chường vì tội ác ngươi phạm. 25 Nhưng
chính Ta đây, vì danh dự của Ta, Ta sẽ xoá bỏ các tội phản nghịch của ngươi, và
không còn nhớ đến lỗi lầm của ngươi nữa.
2/ Bài đọc II:
18 Xin Thiên Chúa trung thành chứng giám cho chúng tôi! Lời chúng
tôi nói với anh em chẳng phải vừa là "có" vừa là "không".19 Vì
Đức Ki-tô Giê-su, Con Thiên Chúa, Đấng mà chúng tôi, là Xin-va-nô, Ti-mô-thê và
tôi, rao giảng cho anh em, đã không vừa là "có" vừa là
"không", nhưng nơi Người chỉ toàn là "có".20 Quả
thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là "có" nơi Người. Vì thế, cũng
nhờ Người mà chúng ta hô lên "A-men" để tôn vinh Thiên Chúa.21 Đấng
củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Ki-tô và đã xức dầu cho chúng ta,
Đấng ấy là Thiên Chúa. 22 Chính Người cũng đã đóng ấn tín
trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng.
3/ Phúc Âm:
1 Vài ngày sau, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay
tin Người ở nhà,2 dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà
ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ.3 Bấy giờ
người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. 4 Nhưng
vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ
mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại
liệt nằm trên chõng xuống. 5 Thấy họ có lòng tin như vậy,
Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Này con, con đã được tha tội rồi." 6 Nhưng
có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: 7 "Sao
ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài
một mình Thiên Chúa?" 8 Tâm trí Đức Giê-su thấu biết
ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: "Sao trong bụng các ông
lại nghĩ những điều ấy? 9 Trong hai điều: một là bảo người
bại liệt: "Con đã được tha tội rồi", hai là bảo: "Đứng dậy, vác
lấy chõng của con mà đi", điều nào dễ hơn? 10 Vậy, để
các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, Đức Giê-su bảo người
bại liệt, 11 Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy
chõng của con mà đi về nhà!"
12 Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước
mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau:
"Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!"
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Thiên Chúa tha thứ tội lỗi
của con người.
Tội lỗi ngăn cản con người đến gần Thiên Chúa,
Đấng vô cùng thánh thiện. Con người không thể làm gì để xóa sạch tội lỗi. Nếu
Thiên Chúa không hành động, con người sẽ chết trong tội của mình. Trong Cựu
Ước, Thiên Chúa chấp nhận lễ vật hy sinh để tha thứ những tội vô tình phạm;
nhưng máu chiên bò không thể tha thứ những tội cố tình phạm. Máu chiên bò chỉ
là hình ảnh của một máu cao quí hơn, có sức tha thứ tất cả các tội cho con
người. Trong Tân Ước, Thiên Chúa cho Con của Ngài xuống trần để gánh tội cho
con người. Nếu Chúa Giêsu gánh tội, Ngài cũng có quyền tha tội cho con người.
Hơn nữa, Chúa Giêsu còn ban quyền tha tội cho các môn đệ; để các ông thay Ngài
tha thứ mọi tội cho con người.
Các Bài Đọc
hôm nay tập trung trong quyền tha tội của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, Tiên-tri
Isaiah nhìn thấy trước quyền lực tha tội nơi Đấng Thiên Sai mà Thiên Chúa sẽ
gởi tới cho con người. Vì Người Con này, Thiên Chúa sẽ xóa sạch tội lỗi của con
người, và không nhớ đến những lỗi lầm họ đã xúc phạm tới Ngài nữa. Trong Bài
Đọc II, Thánh Phaolô xác tín: những gì Thiên Chúa hứa với con người, Ngài sẽ
thi hành. Noi gương Thiên Chúa, Thánh Phaolô và các môn đệ của ngài cũng trung
thành giữ những gì đã hứa: nói “có” là “có.” Trong Phúc Âm, khi Chúa Giêsu bị
các kinh-sư tố cáo phạm thượng, Chúa Giêsu chứng minh cho họ thấy: nếu Ngài có
uy quyền chữa bệnh bại liệt, Ngài cũng có uy quyền tha tội, vì theo họ, tội là
nguyên nhân của bại liệt.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ta sẽ
xoá bỏ các tội phản nghịch của ngươi.
Tiên-tri Isaiah nhìn thấy trước Thiên Chúa sẽ tha thứ tội lỗi cho con người,
khi Người tuyên phán: "Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ
quan tâm về những việc thuở trước. Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó bắt đầu
rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa
mạc, khơi những giòng sông tại vùng đất khô cằn.” Việc mới Thiên Chúa sắp làm
là cho Đức Kitô nhập thể để cứu chuộc con người. Khi Đức Kitô Nhập Thể, tiến
trình tha thứ tội lỗi cho con người đã bắt đầu. Máu của Đức Kitô đổ ra sẽ xóa
sạch tội lỗi cho con người, và hòa giải con người với Thiên Chúa (x/c Lk 22:19,
I Cor 11:24-26). Trong đọan văn này, tiên-tri muốn nhấn mạnh đến lòng thương
xót của Thiên Chúa và sự vô ơn của con người:
(1) Lòng thương xót của Thiên Chúa: Thiên Chúa tha thứ vì Ngài yêu thương con
người (Jn 3:16). Ngài thương xót vì Ngài là Cha, và vì danh hiệu “Cha,” ngài
yêu thương con cái cho dù chúng xúc phạm đến Ngài: “Nhưng chính Ta đây, vì danh
dự của Ta, Ta sẽ xoá bỏ các tội phản nghịch của ngươi, và không còn nhớ đến lỗi
lầm của ngươi nữa.”
(2) Sự vô ơn của con người: Con người chẳng có thể làm gì để đáng được tha tội;
không những thế, con người tiếp tục làm Chúa buồn sầu: “Ngươi lại còn làm cho
Ta cực khổ vì lầm lỗi của ngươi, làm cho Ta chán chường vì tội
ác ngươi phạm.” Lẽ ra con người phải biết ơn tất cả những gì Thiên Chúa làm, và
lên tiếng ca ngợi Thiên Chúa; nhưng con người đã bội nghĩa vong ân, chẳng kêu
cầu Thiên Chúa, và cho đến độ như Chúa nói: “Ngươi đã chán ta rồi.” Điều này,
chúng ta có thể thấy thành những khẩu hiệu ngày nay, chứ không còn trong tư
tưởng nữa: “Tôi đã giết chết Thiên Chúa!” (F. Nietzsche) “Tôn giáo là thuốc
phiện mê ngủ con người!” (K. Marx). Hiện đang có trào lưu đòi quyền được quảng
cáo trên các xe bus: “Không có Thiên Chúa!”
2/ Bài đọc II: Thiên Chúa hứa gì có nấy.
2.1/ Thiên Chúa là Đấng trung thành: Thánh Phaolô xác tín: Thiên Chúa trung
thành, Ngài thực hiện những gì Ngài hứa, và Ngài không thể làm ngược lại: “Quả
thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là "có" nơi Người. Vì thế, cũng nhờ
Người mà chúng ta hô lên "Amen" để tôn vinh Thiên Chúa.” Tất cả những
gì Thiên Chúa hứa với con người được thực hiện nơi Đức Kitô. Ví dụ, lời hứa con
đàn cháu đống với tổ-phụ Abraham, lời hứa xóa sạch tội lỗi con người như trong
Bài Đọc I, lời hứa cho con người được cuộc sống đời đời
2.2/ Chúng ta phải bắt chước Thiên Chúa để giữ những gì chúng ta hứa: như
Phaolô, Sylvanô, và Timothy bắt chước Thiên Chúa: “Xin Thiên Chúa trung thành
chứng giám cho chúng tôi! Lời chúng tôi nói với anh em chẳng phải vừa là
"có" vừa là "không." Vì Đức Kitô Giêsu, Con Thiên Chúa,
Đấng mà chúng tôi, là Sylvano, Timothy và tôi, rao giảng cho anh em, đã không
vừa là "có" vừa là "không," nhưng nơi Người chỉ toàn là
"có."”
Chính Đức Kitô đã từng dạy dỗ các môn đệ: “Có nói có, không nói không; đưa điều
đặt chuyện là do ma quỉ gây ra” (Mt 5:37). Con người chúng ta rất dễ vi phạm
những lời thề đã hứa với Thiên Chúa và tha nhân. Ví dụ, khi con người phạm tội
là phá vỡ giao ước Sinai, khi cho người ly dị là phá vỡ giao ước hôn nhân, khi
con người giũ áo dòng là phá vỡ lời khấn hưa với Chúa trước bàn thờ. Về phía xã
hội còn thông thường hơn nữa: bao nhiêu hiệp định, hiệp ước, khế ước, chỉ là
những mảnh giấy vô nghĩa chờ để phá vỡ.
Thánh Phaolô nhấn mạnh: sở dĩ chúng ta có thể bắt chước Thiên Chúa, là vì Ngài
đã ban Thánh Thần cho chúng ta: “Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong
Đức Kitô và đã xức dầu cho chúng ta, Đấng ấy là Thiên Chúa. Chính Người cũng đã
đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng.”
Thánh Thần là Thần Chân Lý, Ngài giúp con người nhận ra sự thật, và ban sức
mạnh để con người có thể nói, sống, và làm chứng cho sự thật.
3/ Phúc Âm: Chúa
Giêsu là Thiên Chúa vì Ngài làm được những việc Thiên Chúa làm.
3.1/ Chúa Giêsu có uy quyền chữa bệnh: Đi hành hương Do-Thái, chúng ta có thể
phân biệt nhà của người Do-Thái từ nhà của người Palestines: Mái nhà của người
Do-Thái không xuôi ra hai bên như mái nhà của người Palestines, mà phẳng như
hình chữ nhật để người ta có thể dùng làm sân thượng để hóng mát. Vì thế, việc
dỡ mái nhà xuống cũng đơn giản và ít gây thiệt hại. Anh bại liệt không thể tự
mình đến với Chúa để xin chữa bệnh, anh phải nhờ tới 4 người khác để đưa anh
tới với Chúa. Trong cuộc hành trình đức tin của mỗi người cũng thế, chúng ta
không thể tự mình đến với Thiên Chúa; chúng ta cần những người trong Giáo Hội,
giáo xứ, gia đình, và bạn hữu để dìu dắt chúng ta tới với Thiên Chúa. Có nhiều
cách biểu lộ niềm tin. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, Ngài sẽ vui mừng
khi thấy con người biểu lộ niềm tin vào Ngài: Khi thấy cách biểu lộ niềm tin
của họ, Chúa Giêsu bảo người bại liệt: "Này con, con đã được tha tội
rồi."
3.2/ Chúa Giêsu có uy quyền tha tội, và tha cách dễ dàng:
(1) Tội lỗi và hình phạt: Theo truyền thống Do-Thái, hình phạt là hậu quả của
tội lỗi: có thể của cá nhân hay của cha mẹ (Job 4:7, Jn 9:2). Các Rabbi có câu:
“Không người bệnh nào được lành bệnh cho tới khi tất cả tội lỗi của anh được
tha thứ.”
(2) Lý luận của Chúa Giêsu: Khi Ta tha hình phạt qua việc chữa lành, là Ta tha
tội, nguyên nhân của hình phạt.
(3) Lý luận của các Kinh-sư: Trong đám đông, có nhiều các kinh-sư đến không
phải để nghe Thiên Chúa giảng, nhưng để bới lá tìm sâu để có thể kết án Chúa,
và họ nghĩ họ đã tìm ra lý do để kết án Chúa phạm thượng: "Sao ông này lại
dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình
Thiên Chúa?" Điều họ ngạc nhiên nữa là Chúa Giêsu tha tội quá dễ dàng: khi
bệnh nhân chưa thú tội và cũng chưa dâng lễ vật đền tội.
(4) Chúa Giêsu dùng lý luận của các Kinh-sư và việc chữa lành để chứng minh cho
họ biết Ngài là Thiên Chúa: “Tâm trí Đức Giêsu thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ
như thế, Người mới bảo họ: "Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy?
Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: "Con đã được tha tội rồi,"
hai là bảo: "Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi," điều nào dễ
hơn?” Dĩ nhiên điều dễ làm hơn là bảo “Con đã được tha tội rồi;” vì không ai có
thể kiểm chứng được, còn điều khó làm là bảo "Đứng dậy, vác lấy chõng của
con mà đi;" phải là người có uy quyền mới làm được và mọi người đều kiểm
chứng.
“Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, Đức Giêsu
bảo người bại liệt, Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà
đi về nhà!" Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt
mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau:
"Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!"
3.3/ Quyền tha tội được ủy thác cho Giáo Hội:
(1) Trong Cựu Ước, đúng như lời các kinh-sư nói: Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền
tha tội. Ngài chỉ dạy cho các nhà lãnh đạo dạy dân thực hiện những lễ vật hy
sinh để đền tội.
(2) Như lời Tiên-tri Isaiah loan báo trong Bài Đọc I về việc Thiên Chúa sẽ làm
một điều mới là gởi Đấng Thiên Sai tới để gánh tội cho con người, và lời Chúa
Giêsu xác tín với các kinh sư: “Để chứng minh ở dưới đất này, Con Người có
quyền tha tội; Người truyền cho người bại liệt: Hãy đứng dạy, vác chõng mà về;”
Quyền tha tội đã được đưa từ trời xuống đất.
(3) Chưa hết, Chúa còn trao quyền tha tội cho các môn đệ: “Các con tha cho ai,
tội người ấy được tha. Các con cầm buộc ai, tội người ấy bị cầm lại.” Quyền tha
tội từ khi Chúa Giêsu về trời, ở lại trong Giáo Hội qua các linh mục. Các ngài
có thể thay quyền Chúa tha thứ mọi tội cho con người.
- Tội lỗi là một thực trạng trong cuộc sống con người. Hậu quả của tội lỗi làm
con người xa cách Thiên Chúa, xa cách con người, và làm con người phải chết.
- Con người không thể làm gì để xóa sạch tội của mình. Chỉ có Thiên Chúa mới có
quyền tha tội và cho con người nối lại tình nghĩa với Ngài.
- Để thực hiện điều này, Thiên Chúa gởi Người Con Một của Ngài tới để gánh tội
xóa sạch tội cho con người nhờ Máu của Người đổ ra trên Thập Giá.
- Người Con này có quyền tha tội và đã trao quyền này cho các môn đệ qua
Bí-tích Hòa Giải để tha tội cho con người. Mỗi khi phạm tội, chúng ta hãy chạy
đến với Bí-tích này để được tha tội và giao hòa với Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét