Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

THỨ NĂM 8/3/2012 MẸ NHỎ LẠI ĐỂ CON LỚN LÊN

Mẹ nhỏ lại để con lớn lên
G. Tuấn Anh
Kính tặng Mẹ
Nhà ở cạnh gia đình một bà cụ. Chiều thứ bảy hàng tuần, mấy đứa con đèo thêm cả đàn cháu quây quần bên nội, ngoại. Không khí ấm cúng lẫn náo nhiệt. Mỗi lần như thế con nghĩ đến cảnh đơn chiếc của cha mẹ.
Gia đình mình đoàn tụ đầy đủ sau khi tha phương khắp xứ, tính ra được hai lần. Lần thứ nhất nghe tin mẹ bị bệnh nặng. Lần thứ hai, kỷ niệm thành hôn 50 năm cho cha mẹ. Cả hai lần ấy, con cái, cháu chắt lại có dịp về lại ngôi nhà cũ kĩ mà chúng con đã sinh ra, lớn lên và mang cả một kí ức về gia đình, hàng xóm. Anh em bàn chuyện xây lại cái nhà tươm tất. Mẹ dứt khoát bảo không, vì hình ảnh nó đã mãi mãi trú ngụ một chỗ linh thiêng trong trái tim tần tảo, đã chịu đựng các giới hạn vất vả có thể có của một phận người. Mẹ không thể rũ bỏ quá khứ mà căn nhà là vật chứng sống theo thời gian. Sâu xa hơn, mẹ không muốn con cái vất vả xây lại căn nhà. Mẹ chấp nhận sống với cái cũ để bọn nhỏ sớm có ngôi nhà khang trang hơn
Người bạn nữ đồng nghiệp có lần tâm sự, nếu không có ông bà ngoại, bọn mình đuối sức vì hai đứa con. Vậy mà sau biến cố 1975, một mình cha mẹ, nuôi cả đàn năm đứa, con đầu chỉ tròn 13. Cha làm công chức, một tháng được tiêu chuẩn 26 kg gạo, 1 kg thịt, 2 kg cá, 1 kg đường. Gạo, mắm còn lại cho cả bảy cái miệng ăn trong tháng dồn lên vai mẹ. Mẹ chạy xuôi mua ớt trái, về làm ớt bột bán. Mẹ chạy ngược bán mấy kg cá khô, mua mấy yến bắp. Khi mưa tới, mua bán ruốc. Lúc nắng lên, bán ổi. Mẹ như con chim xé toang bất cứ không gian khó khăn nào lúc sáng sớm để tối về mang chút lương thực cho lũ chim non. Tình yêu luôn lớn hơn thử thách, mẹ không thỏa hiệp với thất bại. Chuyện buôn bán, lao động không phải lúc nào cũng gặp suôn sẻ. Khi đó mẹ cắn răng bán bớt đồ gia dụng, lúc cái quạt, khi bộ chén. Nghe người bạn nữ than thở, càng thương mẹ vô vàn.
Con chưa từng đi bộ quá 2 km, chưa vác nặng vượt 5 kg. Lần đầu tiên trong đời, vào rừng đốn củi, cả vòng đi lẫn về 15 km, trên vai là một khúc cây 14 kg. Vừa đi vừa đếm từng nhịp. Cứ hai bước là một mét, phải đếm đến 30.000, mới tha khúc củi về đích. Chân  rã rời, hình như chúng không phải của mình. Hai vai rát bỏng, rát đến khi không còn cảm giác, nhưng chỉ mới 23.000 lần. Con nghĩ, phải chi có mẹ lúc này. Cắn răng mà tiến, bước đi như trong mộng du. Một lúc sau, thấy mẹ đứng từ xa, con mừng khôn tả. Mẹ đã giúp con không đi trong ác mộng 3.5 km còn lại. Con biết, khi chân con nhẹ tênh, thì vai mẹ oằn xuống.
Có lần đi dạo, mãi nghe điện thoại, lúc dừng lại thấy mẹ tụt xa. Con hiểu, mẹ tự làm nhỏ bước chân khi dìu con tập đi, lúc lớn khôn con không biết làm ngược lại. Một hôm anh em ngồi kể chuyện, nghe xong mẹ bảo “bọn bay nói, tao không hiểu”. Trong tâm trí tụi con, ai cũng nghĩ mẹ giỏi và mãi mãi giỏi. Mẹ vừa cầm cái chày, giã ruốc, vừa đọc bài văn tả con mèo cho thằng út đang nằm bẹp trên nền nhà chép, vừa đọc lời giải toán lớp năm cho đứa con gái kế, dùng cái ghế nhỏ làm bàn học. Thỉnh thoảng nhổm dậy, chạy lại xem nồi cháo heo, được đốt bằng đống lá khô đã chín chưa. Dù ốm nhom, chẳng biết vì sao mẹ ít bệnh, cả nhà bảo, Thiên Chúa xót thương cho những ai biết cậy trông Ngài.
Qui luật tạo hóa đã an bài. Cây con càng lớn lên, cây mẹ càng già đi. Mẹ đã vắt hết sức lực có thể, để nuôi năm đứa thành người. Định luật bảo toàn nói, những thứ mẹ vắt hết không phải mất đi, mà sức lực, tinh hoa ấy đã chuyển qua cho bầy trẻ. Mẹ thấu đạt triết lí “con hơn cha là nhà có phúc”. Một dòng tộc hùng mạnh, lớp kế tục cần giỏi hơn thế hệ trước.
Mỗi khi có đứa quyết định đi xa lập nghiệp, chạy đến hỏi: Mẹ muốn con ở xa hay gần. Mẹ bảo, nơi nào thấy bình yên thì chọn. Vì con hạnh phúc chính là mẹ hạnh phúc. Câu trả lời như một vị Thiền sư. Mẹ không chọn hạnh phúc được biểu trưng bởi cảnh xôm tụ, hào nhoáng bên ngoài, mà chọn sự bình an nội tại, lấy Chúa là điểm tựa chắc chắn và vĩnh cữu. Ở đó, người ngoài thấy mẹ rất cô đơn. Mấy ai hiểu được tình mẹ đạt đến mức vô bờ bến. Mẹ chấp nhận nhỏ lại để con cái lớn lên tới mức có thể.
Rất lạ, đứa càng xa nhà thì càng thương cha mẹ. Nó không tuân theo qui tắc, xa mặt cách lòng. Người ta bảo, tình yêu cũng giống như ngọn gió, nó thổi bùng lên các ngọn lửa lớn, và làm tắt những ngọn lửa nhỏ.
Tết Nhâm Thìn, đứa bạn lại nhà chơi, nói tếu “Có lẽ Bác lúc xưa cũng thuộc nhóm chân dài”. Ngồi gần đó, mẹ cười tươi sau khi nghe, hai tay vẫn nắn bóp cái đầu gối bị nhức lúc trở trời.
Nếu có ai hỏi, trên trần gian này, ai làm cho bạn yêu mến và kính phục nhất? Câu trả lời nhanh, dứt khoát là mẹ cha. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét