Thứ Tư Tuần II MC B
Bài đọc: Jer 18:18-20; Mt 20:17-28.
1/ Bài đọc I:
18 Chúng nói: "Hãy đến đây ta cùng nhau bàn mưu tính kế
hại Giê-rê-mi-a. Vì thiếu tư tế, lề luật không chết, thiếu hiền nhân, không
thiếu ý kiến, thiếu ngôn sứ, không thiếu lời dạy bảo. Đến đây, ta hãy dùng lời
nó mà hại nó, và phải hết sức để ý đến mọi lời nó nói."
19 Lạy ĐỨC CHÚA, xin để ý đến con và nghe những kẻ tố cáo con
nói đó.
20 Nào có ai lấy oán đền ơn? Thế mà chúng lại đào hố nhằm làm
con mất mạng.
Xin Ngài nhớ cho: con đã từng đứng ra trước nhan Ngài để nói tốt nói hay cho chúng,
để ngăn cơn thịnh nộ của Ngài khỏi giáng lên đầu chúng.
Xin Ngài nhớ cho: con đã từng đứng ra trước nhan Ngài để nói tốt nói hay cho chúng,
để ngăn cơn thịnh nộ của Ngài khỏi giáng lên đầu chúng.
2/ Phúc Âm:
17 Lúc sắp lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đưa Nhóm Mười Hai đi
riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông:
18 "Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp
cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người,
19 sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh
vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy."
20 Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su,
có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều.
21 Người hỏi bà: "Bà muốn gì? " Bà thưa: "Xin
Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy
trong Nước Thầy."
22 Đức Giê-su bảo: "Các người không biết các người xin gì!
Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không? " Họ đáp: "Thưa uống
nổi."
23 Đức Giê-su bảo: "Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn
việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy
đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được."
24 Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó.
25 Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết:
thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền
mà cai quản dân.
26 Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh
em, thì phải làm người phục vụ anh em.
27 Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.
28 Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ,
nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người."
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Lãnh đạo bằng phục vụ và
chịu đau khổ.
Con người ham quyền hành, chức tước, và địa vị
quan trọng trong xã hội; vì khi họ nắm quyền hành, họ sẽ được ra lệnh; khi có
chức tước, họ sẽ được mọi người biết tới; và khi làm lớn, họ sẽ được dân chúng
hầu hạ. Để đạt được những điều này, nhiều người đã dùng mọi cách để có ưu thế
trước, ngay cả việc dùng những thủ đọan để hạ bệ người khác. Điều này được coi
là thông thường với các nhà lãnh đạo thế gian, nhưng bị Thiên Chúa ngăn cấm với
các nhà lãnh đạo tôn giáo.
Các Bải đọc hôm nay xoay quanh hai cách lãnh đạo
khác nhau này. Trong Bài Đọc I, tiên tri Jeremiah khó chịu khi làm việc lành
cho dân, đã không được họ biết ơn thì chớ, lại còn bị các nhà lãnh đạo trong
dân hội họp nhau, để lập mưu hãm hại ngài. Trong những trường hợp như thế, nhà
lãnh đạo tôn giáo dễ nản chí, bỏ cuộc, và ngay cả xin Thiên Chúa báo thù. Trong
Phúc Âm, khi Chúa Giêsu loan báo Cuộc Khổ Nạn sắp tới của Ngài lần thứ ba,
người mẹ của hai môn đệ Giacôbê và Gioan đến xin Chúa Giêsu cho hai con được
“một đứa ngồi bên tả và một đứa ngồi bên hữu trong Nước Chúa.” Điều này gây
chia rẽ giữa các môn đệ. Chúa Giêsu phải dạy dỗ để các ông hiểu cách lãnh đạo
của người môn đệ Chúa: phải phục vụ mọi người và hy sinh chịu gian khổ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lấy óan đền ơn.
1.1/ Người ngôn sứ phải chịu bắt bớ đau khổ:
Điều này hiển nhiên, vì họ phải nói những gì Thiên Chúa nói; và những điều
Thiên Chúa nói, nhiều khi là những điều con người không thích nghe. Các ngôn sứ
giả nói những điều thiên hạ muốn nghe, nên được mọi người yêu thích. Còn
Jeremiah, ông phải nói những gì thiên hạ không muốn nghe như loan báo: chiến
tranh, phá hủy và lưu đày. Vì thế, không lạ gì mà ông phải chịu đau khổ. Họ nói
với nhau: "Hãy đến đây ta cùng nhau bàn mưu tính kế hại Jeremiah. Vì thiếu
tư tế, lề luật không chết; thiếu hiền nhân, không thiếu ý kiến; thiếu ngôn sứ,
không thiếu lời dạy bảo. Đến đây, ta hãy dùng lời nó mà hại nó, và phải hết sức
để ý đến mọi lời nó nói." Họ quên rằng Thiên Chúa là Đấng quan phòng mọi
sự xảy ra trong trời đất: họ có thể làm cho Jeremiah chịu đựng đau khổ, nhưng
không ngăn cản được những gì Thiên Chúa sắp đổ xuống trên họ.
1.2/ Người ngôn sứ dễ mất kiên nhẫn khi phải
đương đầu với bạc bẽo, vong ân: Qua đời sống của các tiên tri, chúng ta học
được bài học đau khổ của các ngài: một đàng vì thương dân, không muốn dân phải
chịu đau khổ, nên cầu nguyện để xin Thiên Chúa thương xót, và đừng đổ đại họa
xuống trên dân; một đàng tức giận vì sự ngoan cố của họ, đã không chịu ăn năn
trở lại, mà còn tính kế lập mưu để làm hại những người thương yêu lo lắng cho
họ. Tiên tri Jeremiah bày tỏ sự bất mãn của ông với dân lên Thiên Chúa: “Lạy
Đức Chúa, xin để ý đến con và nghe những kẻ tố cáo con nói đó. Nào có ai lấy
oán đền ơn? Thế mà chúng lại đào hố nhằm làm con mất mạng.
Xin Ngài nhớ cho: con đã từng đứng ra trước nhan Ngài để nói tốt nói hay cho chúng, để ngăn cơn thịnh nộ của Ngài khỏi giáng lên đầu chúng.”
Xin Ngài nhớ cho: con đã từng đứng ra trước nhan Ngài để nói tốt nói hay cho chúng, để ngăn cơn thịnh nộ của Ngài khỏi giáng lên đầu chúng.”
2/ Phúc Âm: Tham quyền và củng cố địa vị.
2.1/ Đấng Thiên Sai phải ngang qua con đường đau
khổ: Người Do-Thái, trong đó có các Tông-đồ, và ngay cả chúng ta, không thể nào
hiểu nổi thánh ý của Thiên Chúa. Họ và chúng ta không thể nào hiểu nổi tại sao
một Thiên Chúa quyền uy không dùng sức mạnh để cứu độ, mà lại chọn con đường
gian khổ để cứu độ con người! Đây là lần thứ ba Chúa Giêsu mặc khải cho các môn
đệ ý định của Thiên Chúa, các môn đệ không hiểu và cũng không muốn chấp nhận
con đường này. Tại sao Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ?
(1) Ngài muốn gánh hình phạt của cả nhân lọai
trên vai: Tiên tri Isaiah đã loan báo trước: “Sự thật, chính người đã mang lấy
những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta … Chính
người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người
đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta
được chữa lành” (Isa 53:4-5).
(2) Con người dễ bị cảm hóa bởi tình yêu hơn
lệnh truyền: Trong Cựu Ước, nhiều lần Thiên Chúa truyền qua Lề Luật; nhưng con
người vẫn vi phạm. Trong Tân Ước, Thiên Chúa muốn con người nhìn thấy Chúa
Giêsu chịu gian khổ, để con người hiểu tình yêu của Ngài dành cho họ; để họ yêu
mến Ngài. Khi con người cảm nghiệm được tình yêu, họ sẽ biết sống tốt đẹp.
2.2/ Người mẹ của môn đệ muốn quyền hành cho hai
con mình: Điều bà mẹ của Giacôbê và Gioan xin Chúa Giêsu cũng dễ hiểu, nếu xét
theo tiêu chuẩn con người; vì có bà mẹ nào không muốn con cái mình có một tương
lai yên ấm! Hơn nữa, nếu con được yên ấm, mẹ cũng được hưởng nhờ. Chúa Giêsu
rất kiên nhẫn cắt nghĩa cho Bà: "Các người không biết các người xin gì!
Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?" Họ đáp: "Thưa uống
nổi." Vì ham muốn chức quyền, nên họ trả lời “Có!” Nhưng nếu hiểu rõ “chén
đắng” mà Chúa Giêsu sắp uống là Con Đường Khổ Nạn của Ngài, chưa chắc họ dám
trả lời với Ngài như vậy. Các nhà lãnh đạo tinh thần cũng phải noi gương Chúa
Giêsu, phải kiên nhẫn cắt nghĩa và làm cho dân chúng hiểu những gì quá sức họ.
2.3/ Mười môn đệ khác tức tối với hai anh em đó:
Khó chịu khi thấy người khác hơn mình là điều thường xảy ra cho tất cả mọi
người, vì ai cũng muốn làm lớn. Đây cũng là nguyên nhân chính gây nhiều thiệt
hại và đổ vỡ trong cộng đòan. Nếu không biết cách sửa chữa kịp thời, cộng đòan
sẽ có nguy cơ tan rã. Nhận ra sự nguy hại của điều này, Đức Giêsu gọi các ông
lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân,
những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được
như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai
muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.”
Chúa Giêsu muốn các môn đệ sự khác biệt giữa hai
lý tưởng và hai cách lãnh đạo. Lý tưởng khác thì các lãnh đạo cũng phải khác.
Lý tưởng của các môn đệ Chúa là đưa mọi người về cho Thiên Chúa, chứ không phải
để đạt được uy quyền danh vọng ở đời này; nên cách lãnh đạo của họ cũng phải
khác, họ phải phục vụ và hy sinh chịu gian khổ để người khác được cứu độ. Chúa
Giêsu dùng chính gương của Ngài để làm ví dụ cho các ông: “Cũng như Con Người
đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng
sống làm giá chuộc muôn người."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Lòng ham muốn quyền hành, chức tước, và địa
vị, xâm nhập khác nơi; ngay cả trong hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo và trong gia
đình. Người môn đệ Chúa phải đề phòng những ham muốn này; nếu không, họ sẽ cảm
thấy bực tức, khó chịu, và ngay cả bỏ lý tưởng đang theo đuổi.
- Chúa Giêsu truyền: Nhà lãnh đạo tôn giáo phải
khác với những nhà lãnh đạo khác, vì mục đích của hai bên khác nhau. Họ phải hy
sinh phục vụ và chịu đựng gian khổ để đưa con người về với Chúa, chứ không phải
để đạt những lợi lộc vật chất ở đời này.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét