Thứ Hai Tuần V TN2
Bài đọc: Gen
1:1-19; I Kgs 8:1-7, 9-13; Mk 6:53-56.
1/ Bài đọc I (năm lẻ):
1 Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. 2 Đất
còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí
Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.
3 Thiên Chúa phán: "Phải có ánh sáng." Liền có ánh
sáng. 4 Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên Chúa
phân rẽ ánh sáng và bóng tối. 5 Thiên Chúa gọi ánh sáng là
"ngày," bóng tối là "đêm." Qua một buổi chiều và một buổi
sáng: đó là ngày thứ nhất.
6 Thiên Chúa phán: "Phải có một cái vòm ở giữa khối nước,
để phân rẽ nước với nước." 7 Thiên Chúa làm ra cái
vòm đó và phân rẽ nước phía dưới vòm với nước phía trên. Liền có như vậy.
8 Thiên Chúa gọi vòm đó là "trời." Qua một buổi
chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ hai.
9 Thiên Chúa phán: "Nước phía dưới trời phải tụ lại một
nơi, để chỗ cạn lộ ra." Liền có như vậy.
10 Thiên Chúa gọi chỗ cạn là "đất," khối nước tụ lại
là "biển." Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.
11 Thiên Chúa phán: "Đất phải sinh thảo mộc xanh tươi, cỏ
mang hạt giống, và cây trên mặt đất có trái, ra trái tuỳ theo loại, trong có
hạt giống." Liền có như vậy. 12 Đất trổ sinh thảo
mộc, cỏ mang hạt giống tuỳ theo loại, và cây ra trái, trong trái có hạt giống
tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. 13 Qua một
buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ ba.
14 Thiên Chúa phán: "Phải có những vầng sáng trên vòm
trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm. 15 Đó
sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất." Liền có như
vậy. 16 Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn
hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra
các ngôi sao. 17 Thiên Chúa đặt các vầng sáng trên vòm
trời để chiếu soi mặt đất, 18 để điều khiển ngày và đêm,
và để phân rẽ ánh sáng với bóng tối. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. 19 Qua
một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ tư.
2/ Bài đọc I (năm chẵn):
1 Bấy giờ vua Sa-lô-môn triệu tập bên mình, tại Giê-ru-sa-lem,
các kỳ mục Ít-ra-en, gồm tất cả các người đứng đầu các chi tộc cùng các trưởng
tộc con cái Ít-ra-en, để đưa Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa lên, từ Thành vua
Đa-vít tức là Xi-on.
2 Mọi người Ít-ra-en tập hợp lại bên vua Sa-lô-môn trong tháng
Ê-ta-nim tức là tháng thứ bảy để mừng Lễ. 3 Tất cả các kỳ
mục Ít-ra-en đều tới; các tư tế thì khiêng Hòm Bia,
4 và đưa Hòm Bia của Đức Chúa cũng như Lều Hội Ngộ và tất cả
các vật dụng thánh trong Lều lên. Các tư tế và các thầy Lê-vi đưa những thứ ấy
lên.
5 Vua Sa-lô-môn và toàn thể cộng đồng Ít-ra-en tụ họp lại bên
cạnh vua trước Hòm Bia, sát tế chiên bò nhiều vô kể, không sao đếm nổi. 6 Các
tư tế đưa Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa vào nơi đã dành sẵn trong cung Đơ-via
của Đền Thờ, tức là Nơi Cực Thánh, dưới cánh các Kê-ru-bim. 7 Quả
vậy, các Kê-ru-bim xoè cánh ra bên trên Hòm Bia, che phía trên Hòm Bia và các
đòn khiêng. 9 Trong Hòm Bia không có gì ngoài hai Bia đá
ông Mô-sê đã đặt vào đó, trên núi Khô-rếp, khi Đức Chúa lập Giao Ước với con
cái Ít-ra-en vào thời họ ra khỏi đất Ai-cập.
10 Khi các tư tế ra khỏi Cung Thánh, thì có đám mây toả đầy Đền
Thờ Đức Chúa.
11 Các tư tế không thể tiếp tục thi hành nhiệm vụ được vì đám
mây: quả thật, vinh quang Đức Chúa đã tràn ngập Đền Thờ Đức Chúa. 12 Bấy
giờ vua Sa-lô-môn nói: "Đức Chúa đã phán: Người sẽ ngự trong đám mây dày
đặc. Vâng, 13 Con đã xây cho Ngài một ngôi nhà cao sang.
Một nơi để Ngài ngự muôn đời."
3/ Phúc Âm:
53 Khi qua biển rồi, Đức Giê-su và các môn đệ ghé vào đất liền
tại Ghen-nê-xa-rét và lên bờ. 54 Thầy trò vừa ra khỏi
thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giê-su.
55 Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu
cáng bệnh nhân đến đó.
56 Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào,
người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là
được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được
khỏi.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Con người phải biết ơn tác
giả của sự sống.
Trong thế giới con người, chúng ta thường thấy
có 2 hạng người tiêu biểu: một hạng người chịu để tâm nghiên cứu để tìm ra sự
thật, nguồn gốc, và căn nguyên mọi loài như: “Tôi đã tìm thấy Thiên Chúa trong
vũ trụ.” Hay “Tôi đã tìm thấy Thiên Chúa nơi phòng thí nghiệm.” Ngược lại, có
những người lười biếng, không chịu học hỏi lịch sử, và truy tầm nguồn gốc và
căn nguyên của mọi loài; lại còn có thái độ tự tôn, kiêu ngạo, và nghĩ mình có
thể làm mọi sự; chẳng hạn lời tuyên bố của triết gia hiện sinh F. Nietzsche
“Tôi đã giết chết Thiên Chúa!” hay lời phê phán của K. Marx, ông tổ cộng sản,
về niềm tin vào Thiên Chúa: “Tôn giáo là thuốc phiện mê ngủ con người.”
Nếu con người chịu khó học hỏi lịch sử và tìm về
nguồn cội, con người sẽ khám phá ra trái đất con người đang sống chỉ là một
hành tinh nhỏ và mỏng giòn của vũ trụ, chứ không phải là trung tâm điểm hay cái
rốn của vũ trụ như nhiều người lầm tưởng. Trái đất tự nó không thể sống một
mình, nhưng tùy thuộc vào các hành tinh chung quanh; nhất là 2 hành tinh lớn mặt
trời và mặt trăng. Nhận ra thân phận yếu đuối của mình sẽ giúp con người khiêm
nhường hơn, biết ơn, và trông cậy vào sự khôn ngoan, uy quyền, và sức mạnh của
Đấng Sáng Tạo.
Hai Bài Đọc hôm nay nói lên sự tương phản giữa
Đấng Sáng Tạo uy quyền và con người yếu đuối bệnh tật. Trong Bài Đọc I, năm lẻ,
tác-giả Sách Sáng Thế Ký, dù không có một dụng cụ nghiên cứu thiên văn nào, cả
hàng mấy ngàn năm trước đây, đã biết dùng trí óc lý luận của mình, nhận ra uy
quyền sáng tạo của Thiên Chúa trong vũ trụ. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, vua
Solomon khánh thành Đền Thờ và cho rước Hòm Bia Thiên Chúa vào nơi Cực Thánh
trong Đền Thờ. Thiên Chúa cho vua và dân chúng biết sự hiện diện của Ngài với
dân bằng đám mây dày đặc.
Trong Phúc Âm, Thiên Chúa, tác giả của sự sống,
cũng là người chữa lành mọi tật bệnh cho con người. Điều kiện để được chữa
bệnh: con người phải nhận ra tình trạng bệnh tật của mình và đến với Thiên Chúa
để được chữa lành.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm lẻ): Thiên Chúa tạo dựng trời đất.
Điều đầu tiên chúng ta cần chú ý khi đọc trình
thuật tạo dựng: Đây không phải là thứ tự những gì Thiên Chúa làm; nhưng là một
tường thuật về công cuộc tạo dựng theo con mắt đức tin, dưới sự linh hứng của
Thánh Thần. Tác-giả quan tâm tới ai là người sáng tạo, chứ không quan tâm đến
cách thức chi tiết phải làm sao. Tác giả quan tâm đến sự thật đặt căn bản trên
những sự kiện lịch sử, chứ không tới thứ tự lịch sử của những biến cố. Tác giả
quan tâm đến sự cứu độ hơn là thần học về việc tạo dựng. Tác giả tường thuật
công trình sáng tạo theo sự hiểu biết và suy tư của con người thời đó, khi chưa
có những kiến thức khoa học về sự vận chuyển trong trời đất.
1.1/ Ngày thứ nhất, Thiên Chúa tạo dựng ánh sáng
và phân rẽ ánh sáng khỏi bóng tối: Ngay từ khởi thủy, chỉ có một Thiên Chúa;
khác hẳn với những tôn giáo đa thần. Ánh sáng và bóng tối là do Thiên Chúa tạo
dựng, cả hai đều ở dưới uy quyền của Thiên Chúa, chứ không là 2 thần khác nhau.
Uy quyền của Thiên Chúa trên ánh sáng và bóng tối được diễn tả bằng việc Chúa muốn
và phán và sự vật liền có, và Chúa gọi là sự vật liền được gọi. Theo tâm thức
của người Do-thái xưa, người được đặt tên là người có toàn quyền trên sự việc.
Theo sự suy luận của tác giả, ánh sáng phải có trước khi làm các việc khác, nên
Thiên Chúa tạo dựng ánh sáng trước khi tạo dựng các sự vật khác.
1.2/ Ngày thứ hai, Thiên Chúa tạo dựng bầu trời:
Theo sự mô tả của tác-giả ở trên, toàn thể địa cầu bao bọc bởi nước; do đó, địa
cầu cần được phân chia ranh giới hẳn hoi. Để làm điều này, Thiên Chúa chế tạo một
cái vòm, và bầu trời giống như hình một cái phễu lớn giổng ngược để phân rẽ
nước phía trên và nước phía dưới. Chỗ nước chảy xuống được khóa lại và mở ra
khi muốn làm mưa.
1.3/ Ngày thứ ba, Thiên Chúa phân tách đất liền
ra khỏi biển và tạo dựng cây cỏ: Sau khi đã phân cách nước phía trên, Thiên
Chúa phân cách nước phía dưới khi Thiên Chúa phán: "Nước phía dưới trời
phải tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra." Liền có như vậy. Thiên Chúa gọi
chỗ cạn là "đất," khối nước tụ lại là "biển." Thiên Chúa
thấy thế là tốt đẹp.
Chỗ nào có đất là có cây cỏ mọc. Theo sự suy
nghĩ của tác gỉa, đến lúc Thiên Chúa tạo dựng chúng nên Ngài phán: "Đất
phải sinh thảo mộc xanh tươi, cỏ mang hạt giống, và cây trên mặt đất có trái,
ra trái tuỳ theo loại, trong có hạt giống." Liền có như vậy. Đất trổ sinh
thảo mộc, cỏ mang hạt giống tuỳ theo loại, và cây ra trái, trong trái có hạt
giống tuỳ theo loại. Điều cần chú ý là tiềm năng sự sống và sự tái tạo đã có
trong các hạt giống khi Thiên Chúa tạo dựng; và không bao giờ cạn. Bao lâu còn đất,
các hạt giống sẽ sinh hoa trái cho con người hưởng dùng.
1.4/ Ngày thứ tư, Thiên Chúa tạo dựng các hành
tinh: mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao.
Có lẽ tác giả phân biệt 2 thứ ánh sáng: ánh sáng
của ngày thứ nhất là để nhìn, và ánh sáng đến từ mặt trời. Có lẽ tác giả chưa
đủ kiến thức để biết ánh sáng ban ngày đến từ mặt trời. Thiên Chúa nghĩ:
Để phân biệt ngày với đêm, cần có 2 nguồn sáng khác nhau, nên Thiên Chúa phán:
"Phải có những vầng sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm
dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm. Đó sẽ là những vầng sáng trên vòm
trời để chiếu soi mặt đất." Thiên Chúa làm ra hai vầng
sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển
đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao. Thiên Chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời
để chiếu soi mặt đất, để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng với
bóng tối.
2/ Bài đọc I (năm chẵn): Khi các tư tế ra khỏi Cung Thánh, thì có đám mây toả đầy Đền Thờ Đức
Chúa.
2.1/ Ngày khánh thành Đền Thờ của Thiên Chúa:
Ước ao có được một Đền Thờ để Hòm Bia Thiên Chúa được đặt vào có từ thời vua
David; nhưng Thiên Chúa không muốn David xây dựng Đền Thờ cho Ngài, vì tay
David đã vấy máu Uriah, người vô tội. Ngài dành đặc quyền này cho vua Solomon,
con của David. Tuy không được xây dựng Đền Thờ của Thiên Chúa, David cũng chuẩn
bị nhiều thứ vật liệu để Solomon có thể hoàn thành dự án đó.
Hôm nay là ngày khánh thành Đền Thờ, vua Solomon
triệu tập bên mình, tại Jerusalem, các kỳ mục Israel, gồm tất cả các người đứng
đầu các chi tộc cùng các trưởng tộc con cái Israel, để đưa Hòm Bia Giao Ước của
Đức Chúa lên, từ Thành vua David tức là Sion. Tất cả các kỳ mục Israel đều tới;
các tư tế thì khiêng Hòm Bia, và đưa Hòm Bia của Đức Chúa cũng như Lều Hội Ngộ
và tất cả các vật dụng thánh trong Lều lên. Các tư tế đưa Hòm Bia Giao Ước của
Đức Chúa vào nơi đã dành sẵn trong cung điện bên trong của Đền Thờ, tức là Nơi
Cực Thánh, dưới cánh các Cherubim. Trong Hòm Bia không có gì ngoài hai Bia đá
ông Moses đã đặt vào đó, trên núi Horeb, khi Đức Chúa lập Giao Ước với con cái
Israel vào thời họ ra khỏi đất Ai-cập.
2.2/ Thiên Chúa hiện diện trong Đền Thờ: Mục
đích của việc xây dựng Đền Thờ không phải cho Thiên Chúa, nhưng là cho lợi ích
của con người. Thiên Chúa hiện diện khắp nơi trong vũ trụ, vì tất cả là của
Ngài. Con người cần có một nơi để họ biết chắc chắn Thiên Chúa đang ở giữa họ,
để họ có thể đến cầu nguyện và cảm thấy được Thiên Chúa bảo vệ.
Trình thuật hôm nay xác nhận sự kiện Thiên Chúa
ở giữa dân, vì "khi các tư tế ra khỏi Cung Thánh, thì có đám mây toả đầy
Đền Thờ Đức Chúa." Cột mây là dấu chứng sự hiện diện của Thiên Chúa với
con cái Israel kể từ khi họ xuất hành ra khỏi Ai-cập và lang thang suốt 40 năm
trong sa mạc. Kể từ nay, vua Solomon và dân chúng có thể lui tới Đền Thờ để gặp
gỡ Thiên Chúa và làm các việc thờ phượng.
3/ Phúc Âm: Chúa
Giêsu chữa lành con người.
3.1/ Bệnh tật đe dọa sự sống con người: Tuy
Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt lành; nhưng những điều dữ luôn đe dọa con
người, một trong những điều dữ này là các bệnh tật. Bệnh tật có nhiều nguyên
do, một trong những nguyên do chính là sự ô nhiễm môi trường và tính vô trách
nhiệm của con người.
2.2/ Con người nhận ra tác giả của sự sống:
Trình thuật kể: “Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức
Giêsu. Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân
đến đó. Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta
cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm
đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.” Hai
điều kiện để được chữa lành bệnh: (1) Nhận ra mình mắc bệnh, và (2) Chạy đến
với Chúa Giêsu, tác giả của sự sống, để được chữa lành.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mọi vật hiện hữu là do Thiên Chúa tạo dựng.
Tuy trình thuật của Sách Sáng Thế Ký không mô tả chi tiết và lý do, nhưng đó là
sự thật về nguồn gốc và căn nguyên của sự vật.
- Thiên Chúa là tác giả của sự sống. Ngài tạo
dựng mọi sự: nước, đất, ánh sáng, hạt giống … để bảo vệ sự sống của muôn loài.
Không phải ngẫu nhiên có sự sống như nhiều người lầm tưởng.
- Thiên Chúa không chỉ tạo dựng, rồi để mặc cho
các tạo vật muốn ra sao thì ra như một số người lầm tưởng; nhưng Ngài luôn quan
phòng điều khiển mọi sự sao cho hòa hợp và phát triển. Ngài luôn hiện diện giữa
con người để dạy dỗ, chữa lành, và bảo vệ.
- Quan sát thiên nhiên và đọc trình thuật tạo
dựng giúp con người đặt niềm tin nơi Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo muôn loài muôn
vật.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
***************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét