Thứ Bảy Tuần IV MC B
Bài đọc: Jer 11:18-20; Jn 7:40-53.
1/ Bài đọc I: ĐỨC CHÚA đã báo cho tôi và tôi đã biết. Bấy giờ Người cho
tôi thấy âm mưu của chúng.
19 Phần con, con khác nào con chiên hiền lành bị đem đi làm
thịt, con đâu biết chúng đang mưu tính hại con. Chúng bảo nhau: "Cây đương
sức, nào ta chặt nó đi, loại nó ra khỏi đất dành cho kẻ sống, để không còn ai
nhớ đến tên tuổi nó nữa!"
20 Nhưng, lạy ĐỨC CHÚA các đạo binh,
Ngài công minh khi xét xử,
Ngài thấu suốt tâm can từng gang tấc,
con thấy Ngài trị tội chúng thật là đích đáng,
vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài.
Ngài công minh khi xét xử,
Ngài thấu suốt tâm can từng gang tấc,
con thấy Ngài trị tội chúng thật là đích đáng,
vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài.
2/ Phúc Âm: 40 Trong dân chúng, có những người nghe các
lời ấy thì nói: "Ông này thật là vị ngôn sứ."
41 Kẻ khác rằng: "Ông này là Đấng Ki-tô." Nhưng có kẻ
lại nói: "Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao?
42 Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng
dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao? "
43 Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ.
44 Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra
tay bắt.
45 Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ
liền hỏi chúng: "Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây? "
46 Các vệ binh trả lời: "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng
như người ấy! "
47 Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng: "Cả các anh nữa,
các anh cũng bị mê hoặc rồi sao?
48 Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai
tin vào tên ấy đâu?
49 Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là
quân bị nguyền rủa! "
50 Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô,
trước đây đã đến gặp Đức Giê-su; ông nói với họ:
51 "Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi
nghe người ấy và biết người ấy làm gì không? "
52 Họ đáp: "Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao?
Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê
cả."
53 Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải suy xét trước khi buộc tội người công
chính.
Khi một người hay một nhóm muốn buộc tội một người, họ sẽ tìm cho
được mọi lý do để có thể buộc tội người đó: gây mâu thuẫn cá nhân hay các nhóm,
tìm người làm chứng gian, cắt nghĩa sai luật lệ; nhưng không bao giờ tiết lộ lý
do chính của việc buộc tội.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc buộc tội các người công chính.
Trong Bài Đọc I, tiên-tri Jeremiah được Thiên Chúa cho thấy âm mưu của những
người định bắt và giết ông, vì họ không muốn nghe những lời ông tố cáo họ đã vi
phạm Lề Luật của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, các thượng tế và kinh sư thi hành
âm mưu bắt và giết Chúa Giêsu, vì họ sợ dân chúng sẽ bỏ họ mà theo Ngài. Một
mặt họ gởi các vệ binh đi bắt Chúa Giêsu, một mặt họ tìm cách chia rẽ để kéo
dân về phía họ
.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Âm mưu để giết tiên-tri
Jeremiah.
1.1/ Âm mưu của bọn ác nhân: Là ngôn sứ của Thiên Chúa, tiên tri
phải nói những gì Thiên Chúa truyền cho ông nói. Tiên tri tố cáo tội ác của nhà
Judah và hình phạt sắp xảy đến cho họ. Họ không những không muốn nghe, mà còn
phác họa một âm mưu để thủ tiêu Jeremiah. Họ bảo nhau: "Cây đương sức, nào
ta chặt nó đi, loại nó ra khỏi đất dành cho kẻ sống, để không còn ai nhớ đến
tên tuổi nó nữa!" Mục đích của họ là để khỏi phải nghe những lời tố cáo
của tiên tri, và phi tang nhân chứng để tiếp tục con đường gian ác của
họ.
1.2/ Uy quyền của Thiên Chúa: Nhưng kẻ thù của tiên tri Jeremiah
đã không biết uy quyền của Thiên Chúa, Đấng gởi tiên tri đi. Ngài không những
cho Jeremiah biết âm mưu của chúng, mà còn dùng Vua Babylon như cây roi để đánh
phạt họ và đem đi lưu đày.
Tiên tri Jeremiah tin tưởng vào uy quyền của Thiên Chúa, và cầu
xin: “Nhưng, lạy Đức Chúa các đạo binh, Ngài công minh khi xét xử, Ngài thấu
suốt tâm can từng gang tấc, con thấy Ngài trị tội chúng thật là đích đáng, vì
con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài.”
Con người phải rất cẩn thận khi tố cáo những người được Thiên Chúa
sai tới, vì máu của họ đổ ra sẽ kêu thấu đến trời, và Thiên Chúa sẽ xét xử phân
minh cho họ.
2/
Phúc Âm: Âm mưu giết Đức Kitô:
2.1/ Âm mưu giết Đức Kitô của các thượng tế và kinh-sư: Lý do
chính yếu họ muốn giết Đức Giêsu là vì quyền lợi. Họ sợ dân chúng theo Chúa
Giêsu và họ sẽ mất hết quyền lợi họ đang được hưởng, như thánh-sử Gioan tường
thuật: Khi thấy dân chúng đi đón Người, vì họ nghe biết Người đã làm dấu lạ đó.
Bấy giờ người Pharisees bảo nhau: "Các ông thấy chưa: các ông chẳng làm
nên trò trống gì cả! Kìa thiên hạ theo ông ấy hết!" (Jn 12:19).
2.2/ Các phản ứng khác nhau về Chúa Giêsu:
(1) Phản ứng của dân chúng: Họ không biết nhiều về Kinh Thánh, các
thượng tế và kinh sư dùng sự hiểu biết Kinh Thánh của họ để làm cho dân chúng
bị hoang mang và chia rẽ:
- Khi thấy trong dân chúng có những người cho Chúa Giêsu là một
ngôn-sứ. Họ dùng Kinh Thánh trả lời: “Không một ngôn sứ nào xuất thân từ
Galilee cả!”
- Khi thấy kẻ khác cho: "Ông này là Đấng Kitô." Họ lại
nói: "Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilee sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng
nói: Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua David và từ Bethlehem, làng của vua
David sao?" Sự thật Kinh Thánh có nói điều ấy để chỉ nơi sinh của Đức
Kitô, chứ không nói gì tới nơi trưởng thành của Ngài. Họ dùng những lời ấy để
từ chối Chúa Giêsu là Đức Kitô. Họ đạt được mục đích khi thánh-sử Gioan tường
thuật: “Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ.”
(2) Phản ứng của các vệ binh: Các vệ binh trở về với các thượng tế
và người Pharisees. Họ liền hỏi chúng: "Tại sao các anh không điệu ông ấy
về đây?" Các vệ binh trả lời: "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như
người ấy!" Đây là phản ứng có lẽ trung thực nhất vì những vệ binh không
biết nhiều về Lề Luật và Kinh Thánh; hơn nữa, họ còn là những người thuộc về
các thượng tế và kinh-sư. Họ có lẽ được nhìn thấy và nghe Chúa Giêsu lần đầu
tiên, nên chưa có thành kiến với Ngài.
(3) Phản ứng của Nicodemus: Ông là một người Pharisee, trước đây
ông đã đến gặp Đức Giêsu ban đêm và đàm đạo với Ngài. Ông nói với họ: "Lề
Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người
ấy làm gì không?" Nicodemus biết Lề Luật đòi sự công bằng cho mọi người
(Exo 23:1, Deut 1:16); vì thế, mọi người đều có quyền để biện hộ, và tòa án
không thể kết án họ khi chưa có bằng chứng rõ rệt. Các kinh-sư đã không theo
tiến trình này khi buộc tội Chúa Giêsu. Nhưng Nicodemus đã không có can đảm để
làm chứng cho Ngài, khi ông phải đối diện với sự tức giận của họ.
(4) Phản ứng của các kinh-sư: Họ không chỉ tức giận và tố cáo Chúa
Giêsu, nhưng còn giận dữ với tất cả những ai không theo phe nhóm họ để tố cáo
Ngài. Họ tức giận:
- Với các vệ binh: Họ mắng: "Cả các anh nữa, các anh cũng bị
mê hoặc rồi sao? Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisees, đã có một ai tin
vào tên ấy đâu?” Họ kiêu hãnh lấy địa vị của mình như tiêu chuẩn để bắt người
khác cũng phải hành động như họ.
- Với dân chúng: Họ khinh thường: “Còn bọn dân đen này, thứ người
không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!" Luật của các Rabbi có 6
điều ngăn cấm trong việc giao tiếp với “dân đen”: “Không làm chứng cho họ,
không tin vào lời chứng của họ, không nói điều bí mật cho họ nghe, không cho họ
làm cha nuôi của những trẻ mồ côi, không cho họ làm quản lý của các quĩ bác ái,
và không đi chung với họ trong cuộc hành trình.” Vì họ quan niệm “dân đen”
không biết Lề Luật, nên họ mặc sức giải thích theo cách thức để đạt được mục
đích của họ!
- Với Nicodemus: Họ đáp: "Cả ông nữa, ông cũng là người
Galilee sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ
Galilee cả."
- Có sự liên quan giữa điều răn thứ 5 và điều răn thứ 8: Chúng ta
thường để ý đến việc giết người bằng gươm giáo hay súng đạn, mà rất ít khi để ý
đến việc giết người bằng sự nói hành hay làm chứng gian.
- Thiên Chúa thấu suốt mọi sự trong tâm hồn con người, nên chúng
ta đừng bao giờ vào hùa với nhau để giết hại người công chính và vô tội; vì
chúng ta sẽ phải trả giá máu của họ đổ ra.
- Chúng ta phải có can đảm làm nói, sống, và làm chứng cho sự
thật; cho dù nhiều khi chúng ta phải trả giá đắt vì sự thật, nhưng chỉ có sự
thật mới giải thóat con người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét