Sám hối và Giao hòa
Ðức cố Giám
Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Suy niệm
Mùa Chay thánh
mở đầu bằng lễ Tro, một biểu tượng mang đầy ý nghĩa. Các bài đọc sách thánh chu
kỳ B (Yo 2,12-18; 2C 5,20-6,2; Mt 6,1-6.16-18), kêu gọi chúng ta hoán cải tâm
hồn : trong tương quan nội tâm với Thiên Chúa và tương quan xã hội với loài
người.
1. Nhưng Vì
Sao Có Nghi Lễ Xức Tro?
Trong lúc phẩm
giá con người được đề cao: con người đầy sức sáng tạo, con người làm chủ trái
đất và vận mệnh mình... thì tại sao người ta lại bôi tro lên trán tôi và nói
với tôi: "Hãy nhớ rằng: ngươi là bụi tro và sẽ trở về bụi tro" (Kn
3,19)?
Ðó chính là lời
Thánh Kinh mà Giáo hội có phận sự công bố. Nhìn con người một cách toàn diện
nơi nguồn gốc, trong bản chất sâu xa và tại điểm chung kết của nó, Thánh Kinh
cho ta câu giải đáp về quá khứ, hiện tại và tương lai của ta. Những trang đầu
sách Khởi nguyên cho ta biết con người bởi đâu mà ra. - Bởi lời sáng tạo - đầy
quyền năng và yêu thương của Thiên Chúa, chứ không phải ngẫu nhiên mà có. Theo
ngôn ngữ tượng trưng của Thánh Kinh, bụi đất Thiên Chúa dùng để nặn nên thân
xác con người, biểu hiện cho thân phận yếu hèn, mỏng dòn và giới hạn của nhân
loại. Con người xuất hiện giữa vũ trụ do một hồng ân: tôi không tự tạo ra tôi
nhưng tôi đã được tạo thành. Sự sống cũng là một ân huệ tôi đón nhận để vun
trồng, phát triển, để làm vinh danh Chúa tôi, và như thế tôi cũng dự phần vinh
hạnh. Phẩm giá con người hệ tại chỗ: khi được dựng nên, nó cũng nhận được khả
năng sáng tạo tiềm tàng trong mình nó. Và ý Chúa muốn rằng: ai nhận được vốn là
phải sinh lợi, làm lợi cho xã hội loài người và cho Nước Trời. Chính khả năng
sáng tạo, làm chủ và phục vụ trong tinh thần liên đới cộng đoàn như thế là hình
ảnh Thiên Chúa trong ta, làm cho ta nên giống Người. Ta giống Chúa, nhưng không
phải là Chúa, vì chỉ mình Người là Ðấng Toàn Năng, có quyền tuyệt đối trên sự
sống, sự chết. Còn ta chỉ là thụ tạo và đời đời có giới hạn.
Nghi lễ xức tro
nhắc ta nhớ lại chân lý ấy.
2. Tội,
Ăn Năn Tội Và Ðền Tội
Mỗi người khi tự
nguyện chịu xức tro, không những thú nhận mình lệ thuộc vào Thiên Chúa quyền
năng và yêu thương, mà còn biểu thị tâm tình hoán cải, vì ý thức rằng mình đã
phản bội, đã hèn nhát, đã phạm tội. Tội lỗi là một thực tế thuộc kinh nghiệm
sống của mỗi người. Ai tự cho mình là vô tội là tự dối bản thân (1Yn 1,8) vì
mỗi người đều đầy dẫy ích kỷ và ham muốn. Ðó là những tội phạm đến con người và
phạm đến Thiên Chúa. Vì tội phát xuất tự lòng người, nên tiên tri Yôel kêu gọi
chúng ta: "Hãy xé lòng, đừng xé áo" (2,13), hãy phản đối lại chính
cái tà tâm trong ta bằng tâm tình sám hối, hoán cải, nghĩa là thay đổi kiểu
nhìn, thay đổi tư tưởng và ước muốn bên trong và hành động bên ngoài, cho phù
hợp với những đòi hỏi thánh thiện của Giao ước tình yêu do Thiên Chúa ban cho
dân Người.
Chúng ta là dân
Thiên Chúa, là một cộng đoàn, trong đó có các thành phần liên đới với nhau
trong điều phúc cũng như sự tội. Hoán cải phải xảy ra trong thâm tâm mỗi người.
Nhưng mỗi thành phần dân Chúa phải chứng tỏ sự quyết tâm đổi đời bằng những
hành vi cụ thể bên ngoài như ăn chay, hãm mình và từ bỏ, vì con người có một
thể xác và sống trong tương quan xã hội.
Tội lỗi còn tạo
ra sự chia rẽ, xa cách: con người không còn hiệp thông với Thiên Chúa là nguồn
gốc sự sống và tình yêu nữa, và như thế con người như bị dìm vào trong tình
trạng buồn thảm của sự chết. Vẻ tang chế mà tiên tri Yôel muốn trùm lên các tội
nhân biểu lộ tình trạng bi đát ấy, và tự nó, tình trạng đó đòi phải được cất đi
và thay thế bằng niềm vui của sự giải hòa, nối lại Giao ước tình yêu.
Quả thật quan hệ
giữa chúng ta và Thiên Chúa là quan hệ của những người con với Cha mình. Người
là người Cha nhân lành, lưu tâm đến từng tâm hồn con cái. Người nhìn vào đáy
lòng ta và thấy tất cả trong âm thầm kín đáo (Mt 6,1-6.16-18). Những lời cầu
nguyện chân thật nhất và đẹp lòng Người nhất là do thôi thúc của Chúa Thánh
Thần, Thần Trí của Chúa Kitô, mà Chúa Cha gửi vào lòng ta, làm cho ta có thể
kêu lên: "Abba, lạy Cha yêu dấu" (Yn 4,6; Rm 8,15). Tâm tình cầu
nguyện phát xuất từ trong thâm cung của tâm hồn như một căn phòng kín đáo và
yên tĩnh, như một nơi vắng lặng mà chính Chúa Kitô thích tìm đến để tâm sự với
Cha mình. Mọi hành động thiện hảo khác cũng do Thần Trí của Chúa Kitô tác động
trong tâm hồn ta mà sinh thành (Yn 5,22-26). Ðúng như lời Chúa Kitô đã nói:
"Không có Ta các ngươi không làm được gì"; và Chúa Cha ưa thích những
người thờ phượng Ngài trong Thần Trí và Sự Thật - Thần Trí của Chúa Kitô và của
ta - và từ đó chiếu giãi ra trong hành động xã hội, và nhờ đó Sự Thật sẽ giải
phóng loài người.
Chính Chúa Kitô
muốn rằng ta phải chia sẻ của cải với anh em đồng loại. Bát cơm, manh áo hay ly
nước lã ta trao cho người nghèo là như thể trao vào tay Chúa Kitô (Mt 25,35).
Sự hãm mình, ăn chay và kiêng thịt chắc chắn mang ý nghĩa đền tội, kiềm chế dục
vọng và tham dự vào mầu nhiệm thương khó của Chúa Cứu thế, nhưng nhất thiết
phải kết thúc bằng hành động chia sẻ. Truyền thống xa xưa trong Kinh Thánh cũng
như trong lịch sử Giáo Hội đều hiểu thế. Sau Công đồng Vatican II, Giáo Hội đặc
biệt nhấn mạnh khía cạnh chia sẻ. Thế nên, mùa Chay năm nay, trong hiện tình
kinh tế của đất nước và đồng bào, Chúa đang kêu gọi chúng ta làm những hành vi
cụ thể để xoa dịu đau khổ của Người trong những người anh em. Vì chúng ta thực
sự gặp Chúa trong anh em.
3. Tác Vụ
Giải Hòa
Chúng ta làm môi
giới cho nhau để gặp Chúa. Thánh Phaolô (2C 5,20-6,2) đặc biệt nói tới vai trò
của linh mục là những cộng sự viên, đại diện của Chúa Cứu thế. Linh mục tham dự
cách chính thức vào chức vụ môi giới của Ðấng đã giải hòa loài người với Chúa Cha
trong mầu nhiệm chết và sống lại. Linh mục nhân danh Ðức Kitô kêu gọi, khuyên
lơn loài người trở lại với Thiên Chúa. Cao quý và hệ trọng biết bao: lời giải
tội và bàn tay vẽ dấu Thánh giá trên hối nhân! Qua hành vi của một tôi tớ phàm
hèn, chính Thiên Chúa Ba Ngôi tha tội và ban sự bình an cho lương tâm hối nhân.
Bí tích Cáo giải là nơi gặp gỡ giữa hai mầu nhiệm trọng đại: mầu nhiệm tình yêu
thứ tha và mầu nhiệm tình yêu thống hối. Lòng thống hối đích thực và trọn hảo
phát xuất từ tình yêu. Ðó là tiếng kêu của đứa con hoang đàng hướng lòng về Cha
mình từ nơi xa xôi: "Lạy Cha, con đã làm phiền lòng Cha..." (Lc
15,21). Tình yêu có một sức mạnh bất khả kháng. Tình yêu trong lòng người con
thôi thúc nó lên đường trở về. Tình yêu trong lòng người Cha thu hút, lôi kéo
đứa con vào lòng mình để tha thứ và ban đầy hồng ân dư dật. Lời nói của linh
mục phải giống như lời nói của Chúa Kitô: bắc nhịp cầu cho tình yêu tha thứ của
Chúa Cha và tình yêu thống hối của tội nhân gặp nhau trong sự giải hòa, đem lại
bình an và niềm vui của Chúa Thánh Thần cho mọi tâm hồn. Ðó quả là một tác vụ
thánh. Chẳng những bí tích cáo giải là phương tiện thánh hóa con người, mà sâu
xa hơn nữa: bí tích ấy chạm tới đáy lòng Thiên Chúa và tâm hồn hối nhân trong
thực tại thánh thiện nhất là tình yêu. Tác vụ thánh đưa linh mục vào trong thâm
tâm của tâm hồn Thiên Chúa và tâm hồn loài người. Ðiều đó đòi phải có sự tín
nhiệm tuyệt đối từ phía Thiên Chúa và loài người và lòng khiêm cung kính cẩn từ
phía linh mục đối với mầu nhiệm.
Nhìn ở bề sâu
như thế, ta hiểu được vì sao tác vụ thánh có ưu thế trên cả mạng sống, và chu
toàn tác vụ thánh là một bổn phận hệ trọng của linh mục, đầy tớ của Thiên Chúa
và của loài người. Chính việc chu toàn tác vụ thánh ấy sẽ thánh hóa thừa tác
viên.
4. Người
Trở Thành Tội Vì Ta
"Ðức Kitô
không hề biết đến tội, nhưng Thiên Chúa Cha đã làm cho Người trở thành tội vì
ta" (2C 5,21).
Chúa Kitô không
có tội theo nghĩa chủ động, luân lý; nhưng Người đã gánh chịu hậu quả của tội,
nghĩa là gánh chịu sự vô phúc, bất hạnh do tội của ta gây nên. Thánh Phaolô còn
nói mạnh hơn nữa: "Chúa Kitô đã trở nên đồ chúc dữ vì ta" (Ga 3,13),
vì như Sách Thánh đã chép: "Kẻ nào bị treo trên cây gỗ thì đã bị chúc
dữ" (Tl 21,23). Tội đòi phải có sự đền tội. Chúa Kitô đã tự nguyện chấp
nhận trở thành tội, "trong thân phận xác thịt tội lỗi của ta, để đền tội
thay cho ta, va Người đã kết án tội ngay nơi thân xác Người" bị treo trên
Thập giá (Rm 8,3). Người đã hành động như thế vì yêu mến Chúa Cha và yêu mến
ta. Tình yêu ngược đời ấy có sức đảo ngược lại tình thế: Người tái lập được sự
công chính (Rm 8,4; 2C 5,21), nhận lại được phúc lành cho ta và làm sống lại sự
sống thiêng liêng bởi Thánh Linh trong ta (Yn 3,14; Rm 8,4).
Một trong những
khía cạnh của chức vụ tư tế là chuyển cầu và tế lễ đền tội cho Dân Chúa. Của lễ
sống động nhất chính là bản thân người linh mục kết hiệp với mầu nhiệm Thập giá
Chúa Kitô: trong lễ tế tạ ơn, trong sự cô quạnh của đời sống độc thân tận hiến,
trong lời cầu nguyện với Chúa Cha, trong việc chu toàn tác vụ thánh và trong
thái độ sẵn sàng trở thành tội nợ vì Dân Chúa và thí mạng sống cho đoàn chiên,
như Thầy Chí Thánh đã làm.
Giảng Lễ
Thánh lễ hôm nay
rất đặc biệt. Chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa, để biết đánh giá đúng mức phụng vụ
mà chúng ta đang cử hành, hầu lãnh nhận được ơn Thánh Chúa muốn trao ban cho ta
trong thánh lễ này.
Trước hết, bài
sách Yôel gợi lên cho ta cả một bầu khí trang trọng ở trong lịch sử Dân Chúa.
Con cái Israel bấy giờ đang lầm than khổ sở. Họ hao mòn kiệt sức. Họ
bất lực, không thể tự chỗi dậy. Chúa sai tiên tri Yôel đến, bảo họ hãy thống
hối ăn năn; hãy trở về với Chúa; hãy xin Ngài tha thứ và cứu độ. Ðó là đường
lối duy nhất để được cứu vãn. Thế nên, từ già đến trẻ, từ tư tế đến thứ dân, từ
cô dâu mới cưới đến người góa phụ khổ sở, toàn dân, cả nước hãy tuyên bố mở mùa
chay tịnh, ăn năn thống hối các lỗi lầm để được giải thoát và cứu độ.
Hôm nay, Giáo
hội cũng muốn mượn lời tiên tri trên để khai mạc mùa Chay Thánh. Giáo hội muốn
các linh mục, tu sĩ và toàn thể giáo dân, từ hôm nay, hãy chấp nhận một nếp sống
chay tịnh. Không phải vì Giáo hội đang ở trong một tình cảnh khổ sở đặc biệt
nào, nhưng vì lễ Phục Sinh sắp tới. Giáo hội nhớ: nếu muốn được sống lại với
Ðức Kitô, người ta phải chấp nhận đi vào con đường thánh giá của Người. Và con
đường thánh giá này, Người đã đi không phải vì tội lỗi riêng nào của Người,
nhưng chỉ vì để cứu nhân loại khỏi cảnh lầm than do tội lỗi gây nên, hầu đi tới
vinh quang hạnh phúc bất diệt. Vậy hôm nay, Giáo hội tuyên bố mùa Chay Thánh,
là Giáo hội nhớ tới trách nhiệm của mình đối với toàn thể nhân loại. Thánh Tông
đồ viết: "Toàn thể tạo vật đang rên siết, chờ đợi ngày con cái Chúa xuất
hiện". Tất cả vũ trụ và lịch sử nhân loại hiện nay đang chờ đợi cộng đoàn
Dân Chúa sống thánh thiện, để tất cả được thấm nhuần ơn thánh hầu đời sống trở
nên tốt đẹp hơn. Như vậy, chấp nhận đi vào mùa Chay Thánh, là tham dự vào ý chí
cứu nhân độ thế, vào chương trình cứu độ trần gian, vào đường lối đưa nhân loại
đạt tới hạnh phúc chân thật. Thế nên các việc đạo đức trong mùa Chay này không
phải chỉ có ý đền bù tội lỗi riêng của mỗi người, nhưng còn phải được hoàn
thành trong thiện ý muốn cộng tác vào việc cứu thế của Ðức Kitô, vào trách
nhiệm thánh hóa trần gian của Giáo hội.
Phải chăng các
việc đạo đức mà Phúc Âm hôm nay đề ra cho chúng ta làm trong mùa Chay này, xem
ra không tương xứng với mục đích và lý tưởng của mùa Chay mà chúng ta vừa gợi
lên? Bố thí, cầu nguyện, ăn chay, đâu phải là những việc duy nhất và công hiệu
hơn cả để thay đổi mặt đất này và làm cho đời sống con người thánh thiện và hạnh
phúc hơn? Thong thả, chúng ta còn có cả một mùa Chay Thánh trên dưới 40 ngày để
cô đọng lại lịch sử của Dân Chúa trong cuộc hành trình 40 năm tiến vào Ðất Hứa
và nhất là để kết hiệp với Ðức Kitô trong mầu nhiệm chay tịnh 40 đêm ngày trong
rừng vắng. Trong 40 ngày sắp tới, Giáo hội sẽ dần dần đề nghị cho ta những công
tác đạo đức để tu thân sửa mình đồng thời cũng để "bình thiên hạ",
tức là đem lại hạnh phúc cho nhiều người. Hôm nay chúng ta hãy bằng lòng với 3
công tác mà Phúc Âm đề ra. Ðó là 3 việc đạo đức mà mọi người Dothái tốt lành
xưa vẫn làm. Làm được 3 việc ấy, người biệt phái trong Phúc Âm Luca tưởng đã có
thể tăng công trước mặt Chúa. Ðức Kitô không phủ nhận những việc ấy. Ngài không
đến để xác định những việc nào có giá trị đạo đức một cách máy móc, nghĩa là cứ
làm xong là được rồi. Ngài đến để đặt nền tảng cho đời sống đạo chân thật. Ngài
tuyên bố ngay trong câu đầu và câu cuối của bài Phúc Âm hôm nay: đừng chỉ giữ
đạo trước mặt thế gian, một hãy cố gắng giữ đạo trước mặt Thiên Chúa Cha; đừng
chỉ giữ đạo vì thói quen, vì tập quán, một hãy xây dựng lòng đạo đức chân thật
ngay từ trong thâm cung lòng mình. Thế nên có lần Ngài lại nói: không phải
những kẻ cứ kêu "Lạy Chúa, lạy Chúa" sẽ được vào Nước Trời đâu, nhưng
chỉ những ai thi hành thánh ý Chúa Cha mới được hạnh phúc đó mà thôi.
Vậy trong mùa
Chay Thánh năm nay, chúng ta cũng hãy bắt đầu ý thức muốn sống đạo một cách
chân thực. Nghĩa là ta đừng quan niệm đạo đức là đọc kinh, xem lễ vì thói quen
nữa, nhưng phải cố gắng nội tâm hóa các việc đạo đức quen làm, tức là đưa các
việc đó vào trong tâm hồn, vì có vào trong tâm hồn, các việc ấy mới là các việc
đạo đức phát xuất từ tâm hồn chúng ta và mới trở thành các việc đạo đức đẹp
lòng Chúa. Người đi lễ trong mùa Chay này hãy để cho các bài Sách Thánh, các
bài kinh cầu nguyện, các bài ca phụng vụ, đi vào cho tới tận nơi thâm sâu của
tâm hồn, để từ đó các lời thánh thiện kia sẽ ảnh hưởng tới đời sống. Và khi
rước lễ rồi cũng vậy, ta hãy để cho Chúa Yêsu nói lên ở trong mình, hướng dẫn
cuộc đời ta, làm cho đời sống phù hợp với tâm tình mến Chúa, yêu người ở mọi
nơi. Một nếp sống đạo như thế, nhất định sẽ cải thiện cuộc đời của ta, canh tân
não trạng và thái độ của mình; và như vậy chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tốt cho xã
hội.
Thế nên, thánh
Phaolô trong bài đọc thứ hai viết: "Ðây là thời gian thuận lợi, thời gian
để Chúa cứu độ chúng ta". Ta hãy bắt chước con cái Israel ngày trước và
toàn dân Chúa ngày xưa, lấy tro rắc trên mình để công bố ý chí đi vào mùa Chay
Thánh, mà thống hối canh tân, để đem toàn dân Chúa và nhân loại đi vào con
đường tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Lễ nghi làm phép và nhận tro bây giờ có một ý
nghĩa sâu xa và quảng đại như thế. Ai tham dự cũng hãy cầu xin cho mình được
tinh thần cứu thê của Ðức Kitô, để nhận tro rồi, chúng ta được ơn thánh
lễ hỗ trợ, bắt đầu một nếp sống canh tân đời sống, chuyển lịch sử dân Chúa và
nhân loại sang một giai đoạn tốt đẹp và hạnh phúc hơn.
Chúng ta hãy sốt
sắng đứng lên cử hành nghi thức khai mạc mùa Chay với những tâm tình tốt đẹp
ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét