Lời Chúa Mỗi Ngày
Dâng Con Trong Đền Thờ (Ngày 2 tháng 2)
Bài đọc: Mal
3:1-4; Heb 2:14-18; Lk 2:22-32.
1/ Bài đọc I:
1 Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng
nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị
sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, - ĐỨC CHÚA các đạo binh
phán.
2 Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất
hiện? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt.
3 Người sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc; Người sẽ thanh tẩy con
cái Lê-vi và tinh luyện chúng như vàng, như bạc. Bấy giờ, đối với ĐỨC CHÚA,
chúng sẽ là những kẻ đến dâng lễ vật, theo lẽ công chính.
4 Lễ vật của Giu-đa và của Giê-ru-sa-lem sẽ làm đẹp lòng ĐỨC
CHÚA như những ngày xa xưa, như những năm thuở trước.
2/ Bài đọc II:
14 Như thế, vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Đức
Giê-su đã cùng mang lấy huyết nhục đó. Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người
đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ,
15 và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong
tình trạng nô lệ.
16 Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các thiên thần,
mà là con cháu Áp-ra-ham.
17 Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương
diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng
Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân.
18 Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên
Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách.
3/ Phúc Âm:
22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê,
bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa,
23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu
lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa,"
24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi
chim gáy hay một cặp bồ câu non.
25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là
người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và
Thánh Thần hằng ngự trên ông.
26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không
thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa.
27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài
Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người,
28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa
rằng:
29 "Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để
tôi tớ này được an bình ra đi.
30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của
Ít-ra-en Dân Ngài."
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Chúa Giêsu vào Đền
Thờ để gặp gỡ dân Người.
Đền Thờ là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa
giữa con người: bắt đầu với Lều Hội Ngộ khi con cái Israel vẫn còn lang thang
suốt 40 năm trường trong sa mạc; sau khi ổn định trong Đất Hứa, vua Solomon đã
xây dựng một Đền Thờ và di chuyển Hòm Bia vào nơi Cực Thánh, để con người đến
cầu nguyện và dâng lễ hy sinh đền tội; khi Đền Thờ Jerusalem bị phá hủy toàn bộ
vào năm 70 AD, sự hiện diện của Thiên Chúa không chỉ còn giới hạn tại
Jerusalem, nhưng lan tràn mọi nơi, bất cứ nơi nào có nhà thờ, nơi đó có Chúa Giêsu
hiện diện với con người cho đến Ngày Tận Thế.
Các bài đọc hôm nay muốn nhấn mạnh đến sự hiện
diện của Thiên Chúa trong Đền Thờ để gặp gỡ dân Ngài. Trong bài đọc I, tiên-tri
được coi như cuối cùng của Cựu Ước, Malachi, nhìn thấy trước ngày Thiên Chúa
thân hành hiện đến thăm viếng dân Người để thanh tẩy họ khỏi mọi tội lỗi; một
sứ giả sẽ đi trước chuẩn bị đường cho Ngài. Trong bài đọc II, tác giả Thư
Do-thái mô tả cách thức hiện diện của Thiên Chúa: Ngài sẽ mặc lấy xác phàm của
con người để ở với con người, để con người có thể trông thấy Ngài bằng xương
thịt. Ngài sẽ trải qua tất cả những đau khổ của kiếp người để cảm thông, để trợ
giúp, và để xóa sạch tất cả tội lỗi của con người. Trong Phúc Âm Lucas, cụ già
Simeon là người đầu tiên được xem thấy Chúa khi cha mẹ mang Ngài đến để gặp gỡ
dân Người. Simeon sẵn sàng nhắm mắt ra đi, vì ông đã được nhìn thấy ơn cứu độ
bằng xương thịt như lời các tiên tri loan báo.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Kìa,
vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến.
Sách tiên-tri Malachi được viết sau Thời Lưu
Đày, khoảng 515 BC. Cũng như nhiều các tiên-tri khác, tiên-tri Malachi tin
triều đại của Đấng Thiên Sai đã gần đến: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn
đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm
kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước
mà các ngươi đợi trông đang đến, Đức Chúa các đạo binh phán.” Theo lời tiên-tri
Malachi, một Sứ-giả sẽ đến trước để dọn đường trước khi Đấng Thiên Sai tới; và
khi đã dọn đường xong, Đấng Thiên Sai sẽ đến bất cứ lúc nào.
1.1/ Vai trò của Sứ-giả: Truyền thống Do-thái
tin Ngày Đấng Thiên Sai tới sẽ là ngày kinh hoàng của kẻ dữ, nhưng sẽ mang hy
vọng cho những người Israel còn sót. Tiên-tri Malachi nói về Ngày này như sau:
“Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện? Quả thật, Người
như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt. Người sẽ ngồi để luyện
kim tẩy bạc; Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi và tinh luyện chúng như vàng, như
bạc.”
Hai nhiệm vụ chính của Sứ-giả dọn đường cho Đấng
Thiên Sai là thanh tẩy và tinh luyện tâm hồn dân chúng để họ sẵn sàng cho Ngày
của Thiên Chúa. Hai chất liệu được dùng là lửa của người luyện kim và thuốc tẩy
của người thợ giặt. Lửa được dùng để thử cho biết vàng nào là vàng thực và tinh
luyện nó khỏi mọi vết dơ bẩn. Thuốc tẩy được dùng để tẩy sạch những vết dơ bám
vào trong quần áo. Điều Sứ-giả cần thanh tẩy và tinh luyện chính là tâm hồn con
người, sao cho xứng đáng để có thể đứng vững trong Ngày của Đức Chúa.
Tiên-tri Malachi lên án những lỗi lầm của hàng
tư tế vì họ lười biếng và khinh thường Thiên Chúa trong việc thờ phượng. Đó là
lý do tại sao Thiên Chúa không nhận lễ vật của họ, Ngài sẽ chọn lễ vật trong
sạch hơn (Mal 1:1-2:17). Vì thế, đối tượng chính mà tác giả nhắm tới là hàng tư
tế Levi và tâm hồn của họ: “Bấy giờ, đối với Đức Chúa, chúng sẽ là những kẻ đến
dâng lễ vật, theo lẽ công chính. Lễ vật của Judah và của Jerusalem sẽ làm đẹp
lòng Đức Chúa như những ngày xa xưa, như những năm thuở trước.”
1.2/ Tiên-tri Elijah là Sứ-giả dọn đường cho
Đấng Cứu Thế: “Này Ta sai ngôn-sứ Elijah đến với các ngươi, trước khi Ngày của
Đức Chúa đến, Ngày trọng đại và kinh hoàng. Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại
với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ
đánh phạt xứ sở đã bị án tru diệt.”
Song song bổn phận của con người đối với Thiên
Chúa là bổn phận của con người đối với tha nhân; nhất là những người trong gia
đình. Một khi mối liên hệ chiều dọc với Thiên Chúa bị lơ là thì mối liên hệ
chiều ngang với tha nhân cũng bị thiệt hại. Sứ-giả dọn đường cho Thiên Chúa
cũng phải chú trọng đến sứ vụ hòa giải giữa con người với con người, trong gia
đình cũng như ngòai xã hội.
2/ Bài đọc II: Người
đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện.
Khi Kitô Giáo lan tràn vào
thế giới La-Hy, hai vấn nạn khó khăn Giáo Hội
phải đương đầu với là phải giải thích cho người Hy-lạp biết:
(1) Tại sao Thiên Chúa phải nhập thể: Đối với
người Hy-lạp, Thiên Chúa hòan tòan là Thần Khí, nơi Ngài không có một chút vật
chất nào cả. Để được giải thóat và kết hợp với Thiên Chúa, con người phải cố
gắng làm sao để thóat khỏi ngục tù thân xác đang giam hãm linh hồn con người,
để chỉ còn thần khí mà thôi. Kitô Giáo đi ngược lại, Con Thiên Chúa phải nhập
thể để cứu chuộc con người!
(2) Tại sao Thiên Chúa phải chịu đau khổ: Người
Hy-lạp và người Do-thái không tin Thiên Chúa phải chịu đau khổ; chỉ có con
người mới phải chịu đau khổ mà thôi. Một Thiên Chúa phải chịu đau khổ không còn
là Thiên Chúa nữa. Họ lý luận: Nếu Thiên Chúa không có uy quyền để vượt thóat
đau khổ, làm sao Ngài có thể giúp người khác vượt qua đau khổ được? Kitô Giáo
cũng đi ngược lại, không thể có Ơn Cứu Độ nếu con Thiên Chúa không chịu chết
trên Thập Giá!
Tác giả Thư Do-thái cố gắng trả lời hai vấn nạn
này như sau:
2.1/ Chúa Giêsu phải nhập thể để mang lấy thân
phận con người: Để có thể tiêu diệt tội lỗi và sự chết, Chúa Giêsu phải mang
lấy thân xác con người để có thể chịu chết và đền tội cho con người. Nếu không
có thân xác, làm sao chết? “Vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Đức
Giêsu đã cùng mang lấy huyết nhục đó. Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã
tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những
ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ. Vì những kẻ được Người
giúp đỡ không phải là các thiên thần, mà là con cháu Abraham.” Dĩ nhiên, Chúa
Giêsu không chết muôn đời; Ngài đã sống lại vinh quang, và trở nên hoa quả đầu
tiên của những người từ trong cõi chết sống lại. Ngài là “người tiên phong” đi
mở đường, để tất cả các anh em của Ngài cũng được đi con đường đó.
2.2/ Chúa Giêsu phải trở nên con người về mọi
phương diện: Tác giả Thư Do-thái nhận ra sự cần thiết của việc Chúa Giêsu phải
trở nên con người về mọi phương diện, ngọai trừ tội lỗi: “Bởi thế, Người đã
phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế
nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân.”
Mục đích của việc “hòan toàn trở nên con người” là để:
(1) Ngài có thể thực sự được coi là một con
người: Đã là con người, ai cũng phải chịu đựng đau khổ và ngang qua cái chết.
(2) Ngài có thể thông cảm và đồng cảm với thân
phận con người: Nếu một người không ngang qua những kinh nghiệm đau khổ và sự
chết, người đó sẽ không thể hòan tòan hiểu và thông cảm những ai bị ở trong
hòan cảnh đó.
(3) Ngòai ra, Ngài có thể giúp đỡ một cách hiệu
quả cho những ai ở trong hòan cảnh đó: “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách
và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách.”
Nói tóm, Thiên Chúa có uy quyền trên cả sự sống
và sự chết. Ngài có thể cho Con của Ngài nhập thể, chịu đau khổ, ngang qua sự
chết, và phục sinh vinh hiển. Chẳng có gì là không thể đối với Thiên Chúa;
chúng ta đừng áp dụng cách thức suy nghĩ của con người cho Thiên Chúa.
3/ Phúc Âm: Các
mẫu gương của những người sống theo đường lối của Thiên Chúa.
3.1/ Gia Đình Thánh tuân giữ Lề Luật của Thiên
Chúa: Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Moses, bà Maria và
ông Giuse đem con lên Jerusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật
Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho
Chúa," và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy
hay một cặp bồ câu non.
3.2/ Ông Simeon tin vào Lời Thiên Chúa hứa và sự
thúc đẩy của Thánh Thần.
(1) Ông Simeon là người công chính và sùng đạo,
ông những mong chờ niềm an ủi của Israel, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông
đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi
được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. Được Thánh Thần thúc đẩy, ông lên Đền Thờ.
(2) Lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới, ông ẵm
lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: "Muôn lạy Chúa, giờ
đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt
con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường
cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài."
3.3/ Ông Simeon nói tiên tri:
(1) Về con trẻ: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này
làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng dậy. Cháu còn là mục
tiêu cho người đời chống đối; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người
sẽ lộ ra.” Nhiều người bị ngã xuống hay được đứng dậy là hòan tòan tùy thuộc
vào phản ứng của họ đối với Đức Kitô. Trong cuộc đời của Chúa, người bị ngã
xuống là phần đông là các Kinh-sư và Biệt-phái, vì họ từ chối không tin và luôn
tìm cách bắt bẻ và tiêu diệt Ngài. Những người được đứng dậy là các người thu
thuế, gái điếm, và dân ngọai; tuy bị coi là tội lỗi, nhưng khi được Chúa tỏ
lòng thương xót, họ đã ăn năn và tin vào Ngài.
(2) Về Mẹ Maria: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ
đâm thâu tâm hồn bà." Cuộc đời của Chúa Giêsu là cuộc đời của Mẹ; đau khổ
của Con là của Mẹ. Mẹ Maria đã đồng hành với con từ lúc sinh ra trong máng cỏ
cho tới lúc sinh thì tên Thập Giá.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Nhà thờ là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa để
bàn chuyện, để được hướng dẫn, và để lãnh nhận những ơn thánh cần thiết cho
cuộc sống con người.
- Chúng ta cần phải chuẩn bị tâm hồn mỗi khi đến
nhà thờ để gặp gỡ Thiên Chúa. Nếu chúng ta đến nhà thờ với một tâm hồn khô
khan, vội vã và bất kính, chúng ta sẽ không thể gặp gỡ Thiên Chúa và lãnh nhận
những hồng ân của Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
***************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét