Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

THỨ SÁU 3/2/2012 THÁNH THỂ VÀ THÁNH TÂM .

Thánh Thể và Thánh Tâm
Lm. Vũ Xuân Hạnh
I. DIỄN TIẾN CỦA LỊCH SỬ LÒNG TÔN SÙNG THÁNH TÂM TRONG GIÁO HỘI
THẾ KỶ 17
  Có thể coi lịch sử lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa đối với con người, bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ 17 với công khởi xướng của thánh Gioan Eudes tại Pháp. Những lời giảng dạy và thánh lễ đầu tiên được thánh nhân cử hành ngày 20.10.1672.
   Năm 1673, chính Chúa Giêsu hiện ra với thánh nữ Maria Magarita Alacoque tại tu viện Thăm Viếng ở Parayle Monoal và trao cho chị việc truyền bá lòng tôn sùng Trái Tim Người. “Trái Tim đã yêu dấu loài người quá bội.”
   Mặc dù gặp nhiều khó khăn và chống đối của chị em trong tu viện. Nhưng thánh ý Chúa quan phòng. Vì thế năm 1686, tức gần 13 năm sau ngày chị thánh Magarita Alacoque được nhình thấy Thánh Tâm Chúa Giêsu, lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu lần đầu tiên được tổ chức tại tu viện Thăm Viếng theo nguyện vọng của chị.
THẾ KỶ 18
   Đầu thế kỷ 18, thánh Louis Marie Grignion de Monfort đã rao giảng, truyền bá lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu tại miền tây nước Pháp. Việc tôn sùng này, cùng với ảnh hưởng của thánh Louis Marie Grignion, dần dần lan ra khắp Giáo Hội.
   Năm 1765, Đức Thánh Cha Clémente XIII đã khích lệ phong trào sùng kính Thánh Tâm này.
THẾ KỶ 19
   Sang thế kỷ 19, lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu đã đi vào lòng người, đã nở rộ khắp nơi. Thế kỷ này được mệnh danh là thế kỷ của lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chính dưới triều Đức Piô IX, vào năm 1856, theo sự thỉnh cầu của các giám mục Pháp, ngài đã cổ võ lòng tôn sùng Thánh Tâm trên toàn thế giới.
Việc truyền bá lòng tôn sùng này được thuận lợi hơn khi các tu sĩ dòng Tên khởi xướng mạnh mẽ phong trào đạo đức mang tên “Tông đồ cầu nguyện.”
   Kinh cầu Thánh Tâm ra đời, số các tín hữu tham dự thứ Sáu đầu tháng gia tăng, nhiều dòng tu dưới cờ hiệu Trái Tim Chúa Giêsu xuất hiện tại Pháp, rồi tại các miền khác trên thế giới, đã minh chứng hùng hồn cho sự phát triển lòng tôn sùng này.
Những cuộc dâng hiến cho Thánh Tâm Chúa: con người, gia đình, hội dòng, giáo phận… được nhân lên. Sau đó, lòng tôn sùng này đi thêm một bước nữa, đó là dâng hiến cho Thánh Tâm quê hương xứ sở mình, mà Bỉ là nước đầu tiên thực hiện năm 1869, tiếp theo là Pháp năm 1873.
   Vào khoảng cuối thế kỷ, năm 1899, với thông điệp Annum Sacrum, thông điệp đầu tiên nói về lòng tôn sùng Thánh Thâm Chúa Giêsu, xác định những cơ sở thần học của tôn sùng này, Đức Leô XIII đã chính thức thiết lập lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu vào thứ sáu tuần thứ ba sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, (tức thứ Sáu sau lễ Mình và Chúa Kitô), đồng thời khích lệ, cổ võ việc rước lễ thứ sáu đầu tháng. Cũng vào cuối năm 1899, Đức Thánh Cha Lêô XIII long trọng hiến dâng vũ trụ cho Trái Tim Chúa Giêsu.
THẾ KỶ 20
   Tiếp nối truyền thống tốt đẹp trên đây, vào những năm đầu hậu báng thế kỷ 20, Công đồng Vatican II khuyên dạy: Phải cố gắng cổ võ các việc đạo đức đã được tập quán đáng kính của Giáo Hội khuyên là và Giáo Hội đã dành trọng tháng sáu hàng năm để tôn kính cách đặc biệt tình yêu thương của Thiên Chúa thể hiện nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu.
II. PHÉP LẠ THÁNH THỂ LIÊN QUAN ĐẾN THÁNH TÂM
   Cho đến bây giờ, trong Giáo Hội, người ta vẫn còn kể cho nhau nghe phép lạ nổi tiếng về bí tích Thánh Thể xảy ra vào năm 700 tại Lanciano, Ý. Trong một thánh lễ do một linh mục dòng Basiliô cử hành tại nhà thờ thánh Legozianô, do một chút nghi ngờ sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, vì thế, sau khi đọc lời truyền phép, sự lạ xảy ra ngay trong tay vị linh mục: Bánh trở nên thịt sống và Rượu trở nên máu tươi rồi đông đặc lại thành năm cục to nhỏ.
   Cho đến nay, dù 13 thế kỷ đã trôi qua, người ta vẫn còn nhìn thấy rõ miếng bánh đã biến thành thịt có màu hơi nâu. Nếu nhìn dưới ánh sáng, ta sẽ thấy có màu hồng hồng, được đặt trong một mặt nhật bằng thủy tinh. Còn năm cục máu đổi thành màu vàng nghệ, được đặt trong một chén thánh cũng bằng thủy tinh, trưng bày trong nhà thờ thánh Legozianô – Lanciano, để khách hành hương tự do kính viếng.
   Trong suốt thời gian qua, giáo quyền đã cho làm nhiều thử nghiệm để có thể kiểm chứng sự lạ này. Những cuộc giám nghiệm được tiến hành vào những năm 1574, 1637, 1770, 1886. Hai lần giám nghiệm mới đây nhất được tiến hành vào năm 1971 và 1981.
   Cuộc giám nghiệm 1971 được trao cho giáo sư Odoardo Linoli là giáo sư môn giải phẫu nhân hình, kiêm giáo sư mô học bệnh lý, hóa học và hiển vi học. Cùng cộng tác với ông là giáo sư Ruggero Bertelli, thuộc đại học Siena. Kết quả công bố trước các vị đại diện giáo quyền, chính quyền, giới khoa học, văn học và báo chí ngày 4.3.1971 như sau:
- Thịt và máu là thịt và máu thật, của một người thuộc nhóm máu AB.
- Thịt được lấy ra từ mô cơ tim (một phần thịt của trái tim) một cách khéo léo tuyệt vời như do một nhà phẫu thuật tài giỏi.
- Không tìm thấy bất cứ một chất ướp xác nào trong thịt và máu.
- Trong máu, người ta tìm thấy một số chất hóa học như: clorua, phốt pho, magnêsium, potassium, sodium và calcium.
   Điều lạ lùng không kém, đó là các di tích này vẫn không có một vết tích mai một nào, dù trải qua cả một thời dài 1.300 năm. Các di tích này cũng chịu ảnh hưởng bởi các xúc tác vật lý, không khí, sinh vật, nhưng vẫn giữ nguyên tình trạng cách lạ thường, khoa học không thể lý giải.
   Có một chi tiết trong câu chuyện phép lạ trên gây chú ý trong tôi. Chi tiết đó là, tấm bánh biến thành Thịt, lại là Thịt của tế bào tim. Trái tim là biểu tượng của tình yêu, là trung tâm của lòng yêu thương. Mình Máu Thánh Chúa hóa nên phép lạ nhãn tiền, để trước mắt mọi người không còn là tấm bánh nhưng là Thịt đích thực, thì chính nơi tấm Thịt đích thực ấy, lại là Thịt của Trái Tim Chúa Giêsu, Thịt của trung tâm tình yêu mà Thiên Chúa trao hiến cho con người. Đẹp biết bao nhiêu, khi ý nghĩa của Trái Tim Chúa Giêsu và Thánh Thể của Người lại được lồng trong nhau nơi hai cuộc lễ trọng thể này. Nhìn lên cái đẹp của Tình yêu Thiên Chúa được chất chứa nơi Trái Tim Thiên Chúa làm người như thế, chúng ta hạnh phúc quá đỗi, vì Thiên Chúa đã nhập cuộc với trần thế để hoá nên nguồn sống muôn đời cho người trần thế.
   Không biết đó có phải là lý do để Giáo Hội gắn kết lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu vào lễ Mình Máu Thánh Chúa? Vì hàng năm, cứ sau Chúa nhật lễ Mình – Máu Chúa Kitô, thì ngày thứ sáu liền sau đó sẽ là lễ Thánh Tâm. Dù sao thì hai lễ trọng này vẫn chỉ có một mục đích duy nhất mà Giáo Hội nhắm tới là tôn thờ tình yêu của Thiên Chúa, qua đó mời gọi con người khi đã lãnh nhận tình yêu ấy, hãy trao ban tình yêu cho nhau. Bởi dù là biểu tượng Thánh Tâm hay Thánh Thể, vẫn chỉ là hai khuôn mặt, hai cách diễn tả tuyệt vời, hai hình thức biểu lộ và mạc khải, để chỉ nói lên một nội dung duy nhất: Tình yêu vô cùng của Thiên Chúa dành cho loài người.
III. TỪ THỊ KIẾN CỦA TIÊN TRI ÊZÊKIEL (Ez 47, 1-12)
“Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ.” Đó là lời bài hát trong nghi thức phụng vụ thánh tẩy, chúng ta thuộc nằm lòng. Đó chính là lời Thánh Kinh trích trong sách tiên tri Êzêkiel. Nhà tiên tri đã nhìn thấy một thị kiến lạ thường: một dòng nước bắt nguồn từ bên phải đền thờ. Dòng nước cứ chảy, chảy mãi, chảy mãi. Dòng nước lạ lùng ấy càng chảy, thì mỗi lúc mỗi đi xa, cứ lớn lên thêm, phát triển và lan rộng vô cùng. Dòng nước này đổ ra biển Chết, làm cho nước biển hóa lành, đến nỗi mọi sinh vật trong biển, vốn chết đều hồi sinh và tràng đầy sức sống.
   Tiếp tục chảy, đi xa, và phát triển, dòng nước lớn thành một dòng sông lớn, đến nỗi không thể từ bờ bên này sang bờ bên kia. Trong dòng sông thị kiến ấy, có đầy cá tôm, sức sống hai bên bờ sông cũng đua nhau lớn lên và xanh tươi. Mọi cây cỏ mọc lên, trổ sinh hoa quả quanh năm suốt tháng. Nói tóm lại, dòng nước từ đền thờ đã làm cho khắp nơi được sống và sống mạnh mẽ.
   Ngày hôm nay, nhìn ngắm Thánh Tâm Chúa Giêsu, nơi phát sinh nguồn sống mãnh liệt, dẫn đưa con người vào sức sống thần linh ấy, Giáo Hội vô cùng sung sướng reo lên:
“Tôi đã thấy Nước
Từ bên phải đền thờ chảy ra,
Và nước ấy chảy đến những ai,
Thì tất cả đều được cứu rỗi và reo lên, Alleluia! Alleluia!”
   Đền thờ đó là thân xác Đấng chịu đóng đinh. Dòng nước là dòng Máu cứu chuộc mà chính Người đã trao ban đến giọt cuối cùng để làm cho trần gian, do tội, đã ngập trong biển chết, được hồi sinh và sống mãi.
   Trên Thánh Giá, nhân loại đã xé rách lồng ngực của Chúa Giêsu, để từ lồng ngực, nơi Trái Tim đã thương tích vì bị đâm thâu, dòng máu cứu độ, máu chứ không phải nước mà thôi, đã chảy mãi, chảy mãi trong trần gian.
   Như dòng sông thị kiến của Êzêkiel, ơn cứu độ phát sinh từ đền thờ là chính Chúa Giêsu, càng chảy đi xa, thì càng rộng lớn, càng phát triển không ngừng. Dòng Máu cứu độ của Chúa Giêsu đã thánh hóa và làm phát sinh sự sống khi chảy vào biển chết của cuộc đời này, và lan rộng khắp nơi từ đời này sang đời khác.
   Ngày nay dòng máu cứu độ của Chúa Giêsu vẫn chảy mãi không ngừng đến tận cùng trái đất, để bất cứ nơi nào, nếu có người tin vào Chúa, thì nơi ấy lại phát sinh ơn cứu độ, phát sinh sự sống mới, sự sống vĩnh cửu.
   Dòng Máu cứu độ và đền thờ là thân thể của Chúa Giêsu cũng chính là tấm bánh được trao ban cho ta. Nhờ dòng Máu và đền thờ ấy, bí tích cứu độ vẫn không ngừng thánh hóa nhân loại, làm cho nhân loại này, nếu tin tưởng sẽ ngày càng sống và sống mãnh liệt, sống đến vô cùng.
   Với chiều hướng suy nghĩ về Thánh Tâm Chúa Giêsu và bí tích Thánh Thể, ta càng nhận ra, Thánh Thể và Thánh Tâm có một một ý nghĩa lớn lao, gần gũi. Mối dây tương tác qua lại của cả hai biểu tượng Thánh Thể và Thánh Tâm bổ sung ý nghĩa cho nhau, làm cho khuôn mặt của Tình Yêu nơi Thiên Chúa càng chiếu tỏa, và sức nóng của Tình Yêu ấy càng ấm áp cho lòng người thế, một khi sống trọn đức tin và dám đặt đời mình cho lòng tin vào Tình yêu của Thiên Chúa.
   Và Giáo Hội, một khi mang nơi mình cả kho Tàng tình yêu vô cùng ấy của Thiên Chúa, trở nên phong phú, sức sống dồi dào. Từ đó, đời sống của Giáo Hội không thuộc về Giáo Hội, nhưng là nhờ chính Tình yêu của Chúa nuôi dưỡng và làm cho phát triển không ngừng. Giáo Hội thật diễm phúc vì đã có thể mang nơi mình chính mầu nhiệm tình yêu chính Bầu Tim của Thiên Chúa, còn hơn thế, mang nơi mình chính bí tích của Thân Thể Thánh của chính Đấng là Thiên Chúa làm người, để bất cứ ai đến với Giáo Hội, đều được Thiên Chúa trao ban chính sự sống sung mãn của Người cho họ.
IV. TRỞ VỀ VỚI TÌNH YÊU CỦA CHÚA
   Một buổi sáng, đi dạo trong khu vườn vắng của nhà xứ, vừa thể dục vừa thư giản. Bỗng một chú chim non đang tập chuyền cành rớt giữa đường bay. Thấy có người, dù bị ngã sóng xoài nhưng cố gượng dậy cất cánh bay lên. Vẫn chưa hoàn sức đầy đủ, vì thế chú bay lên lưng chừng, rồi lại rớt xuống. Lần này còn nặng hơn cú té lần trước. Đập cánh mãi, cố đứng dậy, nhưng đôi chân yếu ớt, chú chim non lại ngã lăng quay.
   Tôi tới gần, lại càng làm chú chim sợ hãi, cố hết sức vùng dậy để bay. Nhưng sự cố gắng lớn của chú chim chỉ có thể giúp chú nhảy vài bước tới phía trước tránh người lạ, rồi lại phải ngã mình nằm xuống. Tôi đưa chú chim non lên lòng bàn tay của mình, vuốt ve vài cái để chú yên tâm. Tôi tìm một chút nước rắc nhẹ lên mình chú chim để chú có thể mau hồi tỉnh. Tôi lại đặt chú lên một phiến đất khô để chú nằm nghỉ. Vài phút sau tôi trở lại thăm. Lần này, vừa mới nhát thấy bóng tôi, chú chim non vội vàng giương cánh bay lên cành cao. Chú chim non sợ tôi. nó không nhìn tôi với đôi mắt biết ơn. Nó cũng chẳng coi tôi là người giúp đỡ nó. Nó vẫn coi tôi là kẻ thù không hơn, không kém.
   Hôm nay và cả tháng Sáu này nữa, Giáo Hội tôn vinh Tình yêu của Thiên Chúa được cụ thể hóa nơi Trái Tim diệu hiền của Chúa Giêsu.
   Có dịp suy niệm lại Tình yêu của Chúa, tôi mới giật mình thảng thốt: hình như đã từ lâu lắm rồi, mình chỉ là một chú chim non đầy phản trắc, một chú chim non chưa bao giờ cảm nghiệm đầy đủ Tình Yêu của một Người Cha cao cả dành cho mình. Bởi thực tế, trong cuộc sống đời mình, tôi dễ dàng quên lời Thiên Chúa dạy: hãy yêu thương, hãy tha thứ, hãy hiến thân, hãy cho đi, hãy nhân từ, hãy hiền lành, hãy nghèo khó, hãy khiêm nhường.
   Tôi chẳng nhớ gì cả, chẳng giữ gì cả, lại nhớ rất rõ và chấp nhất rất nhiều bất cứ kẻ nào nặng lời với tôi, nói xấu tôi, xúc phạm tôi bằng bất cứ hình thức nào. Tôi chưa bao giờ bằng lòng với cái tôi của mình, và với những gì tôi đang có, ngược lại rất nhiều lần tìm kiếm những tiện nghi, sống nếp sống trưởng giả, đặt mình trên người khác để thỏa lòng kiêu ngạo của bản thân.
   Tôi không chỉ đã đi quá xa Tình yêu của Chúa, mà hình như khi không chấp nhận anh chị em, và chỉ lo tìm kiếm sự an thân vật chất cho mình, tôi đặt mình đối diện với Thiên Chúa, không đứng về phía Người, nhưng vô tình trở thành kẻ đối lập với Người.
   Thái độ ấy cho thấy tôi chưa tin tưởng vào Tình yêu của Chúa, nghi ngờ Chúa. Hậu quả thật khó lường: dần dà chính tôi đã tự đẩy mình ra khỏi Thiên Chúa.
   Tôi chỉ là một chú chim non rong ruổi trong cuộc đời. Tầm nhìn của chú chim non bé quá, chỉ thấy cái hiện tại và đuôi mù trước một thế giới bao la phía trước. Chú chim non cần lắm bàn tay Chúa dìu đưa để ngày một trung thành hơn trong lòng mến và trong tình yêu.
   Lễ Thánh Tâm và tháng Thánh Tâm, chúng ta ca tụng Chúa và tôn vinh Tình yêu của người là phải lẽõ. Nhưng trên hết mọi sự, có một điều cần thiết nhất, phải làm ngay, đó chính là hãy ý thức mình bé nhỏ, yếu đuối, non nớt, hay phản trắc… để thực tâm quay về với Tình yêu ấy.
   Để cụ thể hóa việc trở về ấy, điều ta cần làm hôm nay là: “Hãy kết hợp việc tôn sùng Thánh Tâm và tôn thờ Thánh Thể lại với nhau, vì qua bí tích Thánh Thể, tình yêu của Thánh Tâm Chúa rõ rệt hơn, và chúng ta cũng có phương tiện bày tỏ lòng tri ân cảm mến của chúng ta cách dễ dàng hơn.” (Thư mục vụ của Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, giáo phận Phú Cường).
   Vậy, trong những ngày này, bạn và tôi hãy đón nhận Mình Máu Chúa Kitô với tất cả tâm hồn thanh sạch, để qua đó, ta tôn thờ chính Tình yêu của Chúa và được chính Tình yêu của Người bồi dưỡng làm thăng hoa sự sống của bản thân, và tiến tới ơn gọi hoàn thiện là nên thánh trong tình yêu của Chúa.
***
178. Đừng để tháng ngày làm cho quả tim già nua. Hãy yêu thương với một tình yêu ngày càng mãnh liệt, mới mẻ, trong trắng hơn: tình yêu Chúa đổ vào quả tim con.
181. Con cảm thấy quả tim con yếu đuối. Các thánh cũng như con. Nhưng nhờ vậy họ mới làm thánh: nhờ ơn Chúa và ý chí.
ĐHY Nguyễn Văn Thuận – Đường Hy Vọng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét