Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

THỨ NĂM 13/12/2012 TUẦN 2 MÙA VỌNG NĂM CTìm hiểu 8 Tập tục Giáng sinh (tiếp theo)


Tìm hiểu 8 Tập tục Giáng sinh



6. Ông già Noel (Nikolaus)
Hình ảnh quen thuộc nhất trong mùa Giáng Sinh là ông già Noel mà ai cũng biết. Ông mặc quần áo đỏ, đội mũ đỏ kiểu xứ lạnh, đi giầy đen, tóc bạc phơ và râu trắng như tuyết. Nikolaus có từ thế kỷ thứ 3 sau Chúa Giáng Sinh. Ông chào đời tại quận Patara thuộc phần đất của Turkey (Thổ), người ta biết đến ông chính là giám mục Nicola thương người nghèo.
Ông già Noel theo tiếng Pháp Père de Noel, tiếng anh Santa Claus, tiếng Hòa-Lan Sinterklass.
Theo tài liệu, Nicola là con nhà giầu có, nhưng khi cha mẹ chết, ông đã đem của cải riêng mình phân phát cho những người nghèo khổ và trẻ con. Ông biến những giấc mơ của họ thành sự thực, bằng cách mua quà bánh cho họ, đem lại cho họ niềm vui bất ngờ. 
Sau khi được phong thánh, Nikolaus trở thành người đỡ đầu của các thương nhân, thủy thủ và trẻ con. Ông qua đời vào ngày 6 tháng 12 không rõ năm. Ngày 6/12 hàng năm để tưởng nhớ thánh Nicola, người đạo đức, giàu lòng nhân từ bác ái . Hình ảnh người mặc áo màu đỏ của  Nikolaus đến từng nhà có trẻ con thăm viếng, chia bánh kẹo trong đêm Giáng Sinh.
Theo truyền thuyết ông già Noel trở lại trần gian, theo đường ống khói lò sưởi vào mỗi gia đình, để đồng tiền hay bánh kẹo vào trong chiếc vớ hay chiếc giày treo gần giường ngủ hay lò sưởi, đem lại giấc mơ đẹp cho tuổi thơ trong đêm Giáng Sinh.  Bởi thế Cha mẹ thường mua quà bỏ vào đôi vớ để cạnh lò sưởi, lúc trẻ con thức dậy vui mừng với món quà của ông già Noel tặng. Phong tục này khuyến khích trẻ em nên làm điều thiện để được ông già Noel tặng quà 
7. Bài ca Ðêm Thánh vô cùng (Silent Night

Có xuất xứ từ Ðức với tựa đề: "Stille Natch, Heiligo Natch". Khi cuộc chiến Ðức - Áo - Phổ vừa kết thúc, trưa ngày 24-12-1818, linh mục Joseph Mohr, phó xứ đạo Oberndorff (nước Austria- Áo), trở về nhà thờ của mình sau một thời gian di tản và gấp rút chuẩn bị đêm Giáng sinh. Thật không may, cây đàn phong cầm của nhà thờ đã bị hỏng, các tập bài hát đã bị thiêu rụi. Linh mục Joseph Mohr cấp tốc sáng tác một bài thơ bằng tiếng Ðức với tựa đề "Stille Natch, Heiligo Natch" (Ðêm yên tĩnh, đêm lành thánh, vì đã ngưng tiếng súng vào đêm Chúa giáng sinh).
Linh mục đem bài thơ đó đến nhờ ông giáo làng Franz Xaver Gruber (1787-1863), người vẫn chơi phong cầm cho nhà thờ, phổ nhạc. Hai người đã cùng hát bài thánh ca mới soạn lúc ban chiều vào đúng nửa đêm Giáng sinh 24-12-1818. Bài ca hay đến nỗi linh mục chánh xứ và giáo dân sững sờ. Sau lễ Giáng sinh, một thợ sửa đàn được mời về sửa cây đàn phong cầm. Khi thử đàn, thấy bản nhạc Stille Nacht quá hay, ông xin phép chép lại cho ban nhạc của các con ông tập. Các con ông đã soạn thành 4 bè tổng hợp. Và năm sau, tại Vienne (nước Austria), ban hợp xướng này đã đoạt giải nhất kỳ thi trình diễn thánh ca Giáng sinh với bài "Stille Nacht Heiligo Nacht".
Từ đó bài hát này được phổ biến rộng rãi khắp các nước. Sang tới Hoa Kỳ, John Freeman Young thuộc giáo phái Tin Lành Methodists đã dịch bài hát trên sang tiếng Anh "Silent Night, Holy Night". 20 năm sau, kể từ khi bài thánh ca ra đời, giáo phái Methodists cử người sang Oberndorff (nước Áo) để xin trả tiền tác quyền cho tác giả, nhưng linh mục Josept Mohr đã qua đời.
Bản Stille Nacht đã trở thành bất hủ và được dịch ra gần 100 thứ tiếng. Đây là tiếng Việt do nhạc sĩ Hùng Lân chuyển lời:
1.Đêm thánh vô cùng giây phút tưng bừng. Đất với trời xe chữ đồng; Đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ. Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa, ơn châu báu không bờ bến, Biết tìm kiếm của chi đền.
2. Ôi Chúa Thiên đàng cảm mến cơ hàn, nhấp chén phiền vương phong trần, Than ôi Chúa thương người đến quên mình. Bơ vơ chốn quê nhà lúc sinh thành. Ai ham sống trong lạc thú. Nhớ rằng Chúa đang đền bù. 

3. Tinh tú trên trời. Sông núi trên đời, với Thánh Thần mau kết lời, Cao rao Hóa công đã khéo an bài . Sai con hiến thân mong cứu nhân loài. Hang chiên máng rêu tạm trú bốn bề tuyết sương mịt mù. 
8. Phụng vụ Lễ Giáng sinh và Mùa Giáng sinh:
Lễ Giáng sinh: được cử hành trọng thể trong toàn Giáo hội, gồm lễ Vọng chiều 24, lễ Nửa đêm, lễ Sáng, lễ chiều.
- Trong khi hát kinh Tin kính, phải bái gối câu:"Người đã nhập thể trong lòng Trinh nữ Maria, và đã làm người", nếu đọc, chỉ cần cúi đầu. 
- Tiếp theo lễ Giáng sinh là một tuần 8 ngày (bát nhật) kéo dài lễ Giáng sinh, để tôn kính mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Thánh lễ trong tuần bát nhật có kinh Vinh Danh.

Mùa Giáng sinh: bắt đầu từ  chiều vọng lễ Giáng sinh (24/12) đến Chúa nhật lễ Chúa  chịu Phép Rửa. Trong mùa này có những lễ kính thánh Têphanô tử đạo tiên khởi, thánh Gioan Tông đồ, các thánh Hài nhi, lễ Thánh gia, lễ Mẹ Thiên Chúa, lễ Chúa Hiển linh (Chúa tỏ mình cho các đạo sĩ), kết thúc sau lễ Chúa Chịu Rửa.
- Trong mùa Giáng sinh,Chủ tế mặc áo lễ trắng, trừ lễ Thánh Têphanô và lễ các Thánh Hài nhi tử đạo (chủ tế mặc áo đỏ).
- Ca đoàn hát những bài vui theo tinh thần Giáng sinh.
- Được làm lễ cưới trọng thể.
- Trong mùa Giáng sinh ta tiếp tục "cầu nguyện, hy sinh, yêu mến" là ý nghĩa lễ vật 3 nhà đạo sĩ dâng kính Chúa Hài đồng.
1-Vàng tượng trưng cho đức mến (mến Chúa yêu người).
2-Nhũ hương tượng trưng lời cầu nguyện,
3- Mộc dược tượng trưng cho hy sinh, hãm mình;
- Mùa Giáng sinh kéo dài tâm tình cảm tạ Thiên Chúa giáng trần.
Lm. Đoàn Quang, CMC  12/ 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét