TÌM HIỂU LUYỆN NGỤC
IV. NHỮNG CÁCH TRÁNH LUYỆN NGỤC LÂU DÀI
4. VÂNG THEO Ý CHÚA ĐÌNH ĐOẠT MỌI SỰ, KỂ CẢ SỰ CHẾT(tiếp theo)
(Theo G.B. Saint-Jure, S.J. Tin Cậy Chúa Quan Phòng trang 70-73).
Chúng ta còn phải đem sự tuân theo Thánh Ý Chúa vào việc nhận lấy cái chết của chúng ta nữa. Chúng ta sẽ chết, đó là một quyết định không có thể kháng cự được. Chúng ta sẽ chết vào ngày giờ và bằng thứ chết mà Chúa sẽ muốn. Chính cái chết đó Người đã định cho ta phải vui nhận, bởi đó là cái chết Chúa đã xét là hợp với sự vinh quang của Người nhất. Một hôm bà thánh Gertruđê trèo đồi, trượt chân, lăn xuống một thung lịng. Chỗi dậy an lành, bà lại trèo đồi và nói: "Lạy Chúa đáng mến, thực là một phúc lớn cho con, nếu cái ngã vừa rồi đã giúp con một phương tiện tiến đến Chúa sớm hơn". Các chị em đứng chung quanh hỏi: "Lúc đó bà không sợ chết mà không được chịu các phép sau hết sao?". "Ồ, bà thánh trả lời, thực tôi ao ước hết lòng được chịu các Bí tích trong giờ sau hết nhưng tôi còn yêu mến thánh Ý Chúa hơn. Tôi tin chắc rằng sự dọn mình chết tốt nhất và chắc chắn nhất để chết lành là tuân phục Ý Chúa muốn. Cho nên cái chết Chúa muốn cho tôi qua để về cùng Ngài là cái chết tôi mong ước và tôi tin rằng: được sửa soạn như thế, thì dù chết cách nào, sự thương xót của Chúa cũng đến giúp tôi".
Hơn nữa, nhiều nhà tu đạo học nổi danh đã cùng thánh Louis de Blois dạy rằng: Ai trong lúc sắp chết làm một việc tuân theo Ý Chúa hoàn toàn, thì sẽ được giải thoát không những khỏi Hỏa ngục, mà còn khỏi cả Luyện ngục nữa, dù một mình người đó đã phạm hết mọt tội của cả thế gian. Lý do là bởi- thánh Anphongsô nói thêm- kẻ nhận lấy cái chết một cách nhìn nhục hoàn toàn, thì được công nghiệp giống như công nghiệp các thánh tử đạo là những vị đã tự hiến mạng sống mình bởi Đức Chúa Giêsu. Hơn nữa, người đó chết vui vẻ và thỏa mãn, dù ở giữa những đau đớn mãnh liệt nhất.
5. THỰC THI ĐỨC BÁC ÁI
* Thánh Phêrô Đamianô đã thuật lại trong sách của người truyện này: Ở thành Rôma có một ông chúa tên là Gioan Patrixi đã qua đời. Cuộc sống của ông, tuy là một người Công giáo, được coi như một người giầu có, khác xa với Thầy Chí Thánh là Chúa Kitô nghèo khó, đau khổ, đội mạo gai, chịu đánh đòn. Tuy nhiên ông ta rất có lòng bác ái thương người nghèo, có khi ông cho cả áo choàng của mình để che thân họ. Ít ngày sau khi ông qua đời, một linh mục thánh thiện, khi đang cầu nguyện, được ơn ngất trí, thấy mình được đưa đến đại thánh đường thánh nữ Cecilia, một trong những thánh đường nổi tiếng ở Rôma. Linh mục thánh thiện này trông thấy vô số thánh nữ đồng trinh từ trời xuống, thánh Cecilia, thánh Anê, thánh Agata và các vị thánh khác vây quanh cỗ kiệu lộng lẫy Đức Nữ Đồng Trinh Maria đang ngự, có các thiên thần và linh hồn hạnh phúc bao quanh.
Vào lúc đó, một người phụ nữ nghèo khó, mặc áo rách rưới, nhưng lại khoác áo choàng lông đắt giá trên vai bà. Bà nghèo này qùi khiêm tốn trước nhan thánh Đức Mẹ, tay chắp, mắt tràn đầy dòng lệ, thân thưa với niềm vui: "Lạy Mẹ Tình thương, nhân danh lòng tốt lành vô biên của Mẹ, con xin Mẹ thương xót người bất hạnh là Gioan Patrixi vừa mới chết, và bây giờ đang chịu cực hình Luyện ngục". Ba lần, người phụ nữ nghèo đều cầu nguyện một lời như nhau, mỗi lần một sốt sắng hơn, nhưng vẫn không được Đức Mẹ trả lời. Bà ta lại van xin: "Lạy Mẹ là Nữ vương rất hay thương xót, Mẹ quá biết, con là kẻ ăn xin ngồi ở cửa đền thánh, xin của bố thí vào mùa đông rét buốt, con không có áo che thân, mà chỉ có manh dẻ rách. Con run rẩy bởi giá lạnh. Thế nhưng khi con xin ông Gioan nhân Danh Mẹ, ông đã đưa áo choàng lông đắt giá đang mặc cho con, không kể gì đến bản thân mình. Ông đã làm việc bác ái anh hùng đó, lại không đáng được Mẹ, Ôi Maria, ban cho chút ân xá sao?". Nghe thế, Đức Nữ vương động lòng thương xót, âu yếm cúi xuống trên người phụ nữ đáng thương đang kêu van nói rằng: "Người mà con đang cầu xin cho đã phải luận phạt một thời gian lâu, với những đau khổ dữ dằn để đền những tội vô số của ông ta, nhưng bởi ông ta có hai nhân đức nổi bật là lòng thương kẻ nghèo khó và lòng tôn sùng các bàn thờ Mẹ, Mẹ sẽ xuống cứu vớt ông ta". Sau những lời này, cả đoàn thánh nhân lộ vẻ vui mừng biết ơn Mẹ Tình Thương. Ông Patrixi được dẫn đến: thân hình xanh xao, hình thù ghê gớm, mang đầy xiềng xích, nhiều vết thương sâu hoắm. Đức Nữ Vương nhìn ông ta một lúc với dạ cảm thương, rồi Người ra lệnh tháo xiềng, mặc cho ông áo vinh quang, cho ông được tham dự vào đám đông đang vây quanh Mẹ. Lệnh được thi hành lập tức và chấm dứt cuộc ngất trí.
Vị linh mục thánh thiện này từ đó đã không ngớt ca tụng Tình Thương Vô biên của Mẹ Maria là Nữ Vương Thương xót. đối với các linh hồn khốn khổ trong Luyện ngục, nhất là những linh hồn đã chân thành tôn kính phụng sự Người, và những ai đã biết thương xót bác ái với những người nghèo khó (Purgatory p. 379-381).
6. KÍNH MẾN ĐỨC MẸ (LẦN HẠT MÂN CÔI, ĐEO ÁO ĐỨC MẸ...)
Truyện sau đây lưu ý ta về lời khuyên của thánh Gioan Vianey xứ Ars bên Pháp, về lòng sùng kính Đức Mẹ và việc lành cầu cho các linh hồn:
* Một linh mục dòng giảng truyền giáo cho các quí bà ở thành Nancy. Trong số các bà, có một bà vẻ mặt âu sầu, mình mặc áo tang đến với cha dòng nói rằng: "Thưa cha, cha khuyên chúng con tin cậy cầu khẩn cho các linh hồn, những gì mới xảy đến cho con minh chứng điều đó. Con có người chồng rất tử tế và dễ thương, dù đời sống của chồng con không có điều gì tội lỗi, nhưng anh ấy lơ là việc sống đạo. Con đã cầu nguyện và khuyên nhủ nhưng không kết quả gì. Trong tháng Năm, tháng Hoa Đức Mẹ, trước khi nhà con qua đời, theo thói quen, con làm một bàn thờ nhỏ trong phòng con và trang hoàng hoa nến để kính Đức Mẹ. Chồng con cứ ngày Chúa nhật là về miền quê, nhưng khi trở lại nhà, anh thường đem về cho con một bó hoa chính anh đã hái, con dùng những bông hoa ấy trang hoàng bàn thờ Đức Mẹ. Anh có biết điều đó hay không? Anh tặng hoa cho vui lòng con? Anh có lòng kính mến Đức Mẹ? Con không biết, chỉ biết rằng anh luôn mang hoa về cho con.
Vào tháng sau, nhà con qua đời, không kịp lãnh các Bí tích cuối cùng trong đạo. Con đau đớn vô ngần, bởi những hy vọng đưa anh về với Chúa đã tiêu tan. Trong nỗi chán chường như vậy, con đâm ra yếu đau, xuống tinh thần rõ rệt. Gia đình con khuyên con nên đi nghỉ ngơi ở miền Nam một thời gian. Khi con đi qua thành Lyon, con muốn qua thăm cha sở xứ Ars, nên con viết thư xin được gặp người, và xin người cầu cho chồng con đã chết bất ngờ, ngoài ra con không nói thêm gì nữa.
Đi tới xứ Ars, vào gặp cha Sở. Con thật hãi hùng khi nghe người nói với con những lời này: "Thưa bà, bà đang lo buồn, bà đã quên những bó hoa chồng bà đã đem về cho bà các ngày Chúa nhật trong tháng Năm phải không?". Thật không thể giấu được nỗi ngạc nhiên khi nghe những lời cha Gioan Vianey vừa nói, người nhắc cho con điều con đã không hề nói với ai, như vậy người chỉ có thể biết nhờ ơn Chúa tỏ ra. Người nói thêm: "Thiên Chúa tỏ lòng thương xót cho những ai tôn kính Mẹ Thánh Người. Vào lúc chết, chồng bà đã thống hối, linh hồn ông đang ở trong Luyện ngục, lời cầu nguyện và việc lành của chúng ta sẽ giải thoát ông khỏi chốn này" (Purgatory p. 274- 275).
* Thánh nữ Brigitta cho biết Đức Mẹ đã nói với bà rằng: " Mẹ là Mẹ các linh hồn Luyện ngục, Mẹ hằng giúp đỡ, giảm bớt những hình khổ cho chúng". Điều này rất thích hợp, bởi Mẹ trần gian khi thấy con mình rơi vào đống lửa sẽ cứu ra ngay lập tức, Đức Mẹ là Mẹ nhân từ bội phần lẽ nào thấy con mình rơi vào lửa Luyện ngục cực khốn khổ, sao lại không cứu giúp. Mẹ thúc giục những con cái còn sống dâng lời cầu nguyện và những việc lành cầu cho các linh hồn, hoặc Đức Mẹ xin Chúa cho các linh hồn Luyện ngục về thế gian xin người sống cứu giúp. Đức Mẹ cũng xuống Luyện ngục để an ủi, giảm bớt hình phạt cho các linh hồn, nhất là những linh hồn mồ côi. Nhiều thánh nhân dạy rằng: Trong các ngày lễ, Đức Mẹ xuống Luyện ngục, và khi Người từ Luyện ngục về trời, Người đem theo nhiều linh hồn về Thiên đàng với Người.
Những người con yêu của Đức Mẹ khi sống siêng năng và sốt sắng đọc kinh Mân côi tôn kính Mẹ, khi chết Mẹ sẽ cứu khỏi Luyện ngục rất sớm.
Những người có lòng tin kính sùng mộ đeo Áo Đức Mẹ (mảnh trước ngực mảnh sau lưng, sau một thời gian có thể đeo ảnh vảy Áo Đức Mẹ thay thế, theo ơn Đức Giáo hoàng Piô 10 ban năm 1910) còn được hứa ban ơn thoát khỏi Luyện ngục sớm hơn nữa. Đức Mẹ đã hứa cùng thánh Simon Stock Bề trên dòng Carmelô ngày 16 tháng 7 năm 1251 rằng: "Những ai sùng kính đeo Áo này sẽ được cứu thoát khỏi Hỏa ngục. Đây là dấu cứu rỗi, gìn giữ khỏi bị tiêu diệt, là sự hứa ban bình an và che chở đặc biệt tới mãn đời".
Sau khi thánh Simon qua đời được 15 năm, một buổi sáng kia, khi Đức Giáo hoàng Gioan 22 đang cầu nguyện, Đức Mẹ hiện ra mang Áo Đức Mẹ Carmelô và phán: "Nếu những ai là tu sĩ dòng hoặc là người vào hội Áo, bởi tội lỗi mình phải vào Luyện ngục, Mẹ sẽ xuống, như người Mẹ nhân lành vào ngày thứ Bảy sau khi chúng qua đời để cứu vớt chúng và đem chúng về hưởng phúc muôn đời". Những lời vừa qua được công bố trong Tông thư "Sabbatine Bull" công bố ngày 3 tháng 3 năm 1322. Theo Tông thư này, muốn hưởng đặc ân trên phải giữ 3 điều kiện:
1. Ghi tên vào sổ nơi giáo xứ mình và đeo Áo Đức Mẹ,
2. Giữ đức trinh khiết theo bậc mình, và
3. Đọc kinh Tiểu nhật khóa Đức Mẹ hằng ngày,
(hoặc kiêng thịt các thứ Tư và Thứ Bảy bù lại, hoặc đọc 7 kinh Lạy Cha, 7 kinh Kính mừng, 7 kinh Sáng Danh mỗi ngày bù lại). (còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét