Thánh Jeanne d'Arc
(1412 - 1431)
Thánh Jeanne d'Arc sinh trong một gia đình nông dân đạo đức người Pháp ở ngôi làng hẻo lánh Domremy, gần tỉnh Lorraine. Cô Jeanne không biết đọc và biết viết. Khi lên 13 hoặc 14 tuổi, cô được các cảm nghiệm siêu nhiên là nghe các tiếng nói mà cô nhận ra là của Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Thánh Catarina ở Siena, và Thánh Margaret.
Lúc đầu việc thị kiến chỉ có tính cách riêng tư và tổng quát. Sau đó, vào tháng Năm 1428, các tiếng nói ấy bảo cô Jeanne đến với vua nước Pháp và giúp ông ta tái chiếm lại quốc gia. Vào lúc ấy, vua nước Anh đang tìm cách xâm chiếm nước Pháp, và Công Tước ở Burgundy, là đối thủ chính của vua Pháp cũng đứng về phe Anh để nuốt dần nước Pháp.
Sau khi trải qua các chống đối từ hàng giáo sĩ và các quan trong triều, người thiếu nữ mười bảy tuổi đã được giao cho một đạo quân mà cờ hiệu của cô có hàng chữ "Giêsu-Maria" và dấu hiệu Thiên Chúa Ba Ngôi với hai thiên thần cầm hoa huệ hai bên. Trong bộ giáp trắng và với tinh thần hăng say, cô đã khích động tinh thần yêu nước của dân Pháp và đã giải thoát thành Orleans ngày 8 tháng Năm 1429. Sau đó là một chuỗi chiến thắng mà vua Pháp có thể tiến vào Rheims để đăng quang với sự hiện diện của cô ở bên cạnh.
Vào tháng Năm 1430, khi cố gắng giải vây Compiegne, cô bị người Burgundi bắt và bán cho Anh, trong khi đó vua Charles và nước Pháp đã bỏ mặc cô trong tay quân địch. Sau nhiều tháng tù đầy, cô bị đưa ra tòa ở Rouen dưới quyền xét xử của Peter Cauchon, Ðức Giám Mục ở Beauvais, mà ông hy vọng rằng người Anh sẽ giúp ông lên chức tổng giám mục ở Rouen. Cô bị gạn hỏi về "các tiếng nói", về đức tin và tại sao cô lại mặc y phục đàn ông.
Không ai có thể chối bỏ sứ mạng và sự hy sinh của cô nên tòa tìm cách bôi nhọ tên tuổi của cô với các lời cáo buộc về tội lạc giáo và việc sử dụng ma thuật. Tuy nhiên, các câu trả lời thông minh và chân thật của cô chứng tỏ một đức tin vững mạnh và một tâm hồn thanh khiết đã khiến mọi người sửng sốt.
Sau cùng, khi cô không chịu rút lại lời khẳng định rằng chính các thánh của Thiên Chúa đã ra lệnh cho cô phải thi hành những gì trong quá khứ, cô đã bị kết án tử hình về tội lạc giáo, tội sử dụng ma thuật và bị thiêu sống ngày 30 tháng Năm 1431, và hài cốt của cô bị quăng xuống sông Seine. Lúc ấy, cô mới mười chín tuổi.
Vào năm 1456, người mẹ và hai em của cô kháng án xin mở lại hồ sơ, mà Ðức Giáo Hoàng Callistus III đã chấp thuận. Sau cuộc điều tra của giáo hội, cô được tuyên bố là vô tội đối với các lời cáo buộc trước đây. Cô được Ðức Giáo Hoàng Bênêđíc XV phong thánh năm 1920, và được tuyên xưng là quan thầy của nước Pháp năm 1922.
Lời Bàn
Cuộc đời Thánh Jeanne d'Arc tiêu biểu cho sự tương phản giữa tinh tuyền và thối nát quyền lực. Không giống như các thánh cổ điển, thánh nữ không dùng sự đạo đức để phục vụ giáo hội, nhưng để giải thoát quốc gia. Thánh nữ tượng trưng cho sự đạo đức chính trị, và sự can đảm của ngài khi đáp ứng "các tiếng mời gọi" là một gương mẫu thúc giục chúng ta lắng nghe tiếng gọi của lương tâm để hy sinh tranh đấu cho các nguyện vọng chính đáng.
Lời Trích
Trong một phiên toà, Thánh Jeanne d'Arc tuyên bố, "Về Ðức Kitô và Giáo Hội, tôi chỉ biết đó là một, và chúng ta đừng làm vấn đề thêm phức tạp."
*****************************************
Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô VII
(1020-1085)
Thế kỷ thứ 10 và tiền bán thế kỷ 11 là những ngày u tối cho Giáo Hội, một phần là vì giáo triều chỉ là con cờ của một vài gia tộc ở Rôma. Vào năm 1049, mọi sự bắt đầu thay đổi khi Ðức Giáo Hoàng Lêô IX, một nhà cải cách, được bầu làm giáo hoàng. Ngài đem theo một đan sĩ trẻ tuổi tên là Hilderbrand đến Rôma làm cố vấn và đại diện đặc biệt cho ngài trong các sứ vụ quan trọng. Sau này, đan sĩ ấy trở thành Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô VII.
Thời ấy, ba tai họa quấy rối Giáo Hội là nạn buôn thần bán thánh (mua bán các chức vụ cũng như đồ vật thiêng liêng), nạn giáo sĩ kết hôn bất hợp pháp và nạn giáo dân tấn phong giáo sĩ (vua và các nhà quý tộc kiểm soát việc bài sai các viên chức Giáo Hội). Ðức Hildebrand đã trực tiếp chống đối các tệ đoan này qua lời khuyên nhủ đức giáo hoàng tiền nhiệm, cũng như trong thời ngài làm giáo hoàng (1073-1085).
Các tông thư của Ðức Grêgôriô nhấn mạnh đến vai trò của vị Giám Mục Rôma là Ðại Diện Ðức Kitô, và là điểm hợp nhất hữu hình của Giáo Hội. Ngài nổi tiếng về cuộc tranh luận lâu dài với Thánh Ðế Rôma Henry IV về vấn đề ai là người kiểm soát việc tuyển chọn các giám mục và tu viện trưởng.
Ðức Grêgôriô hăng hái chống trả mọi tấn công vào sự tự do của Giáo Hội. Vì lý do đó ngài phải đau khổ và sau cùng bị chết trong khi lưu đầy. Ngài nói, "Tôi yêu quý công bằng và ghét bỏ sự bất công; do đó tôi chết trong cảnh lưu đầy." Ba mươi năm sau, Giáo Hội mới thắng được cuộc chiến đấu chống với nạn giáo dân tấn phong giáo sĩ.
Lời Bàn
Cuộc Canh Tân Grêgôriô, một sự kiện quan trọng trong lịch sử Giáo Hội, được mang tên của một người đã cố gắng giải thoát giáo triều và toàn thể Giáo Hội khỏi sự kiểm soát của nhà cầm quyền thế tục. Chống với loại chủ nghĩa dân tộc không lành mạnh ở một số vùng, Ðức Grêgôriô đã tái khẳng định sự hiệp nhất của toàn thể Giáo Hội dựa trên Ðức Kitô và được diễn đạt qua Ðức Giám Mục Rôma, đấng kế vị Thánh Phêrô.
Lời Trích
Ðức Grêgôriô như đã nói với thời đại chúng ta mà trong đó nhà cầm quyền dân sự hay tôn giáo trong nước đang có những đòi hỏi ngấm ngầm: "Trong bất cứ quốc gia nào, ngay cả người phụ nữ nghèo hèn nhất cũng được kết hôn một cách hợp pháp theo luật lệ quốc gia và theo sự lựa chọn của họ; nhưng, qua những khát vọng và thói tục xấu xa của người độc ác, Giáo Hội Thánh Thiện, là nàng dâu của Thiên Chúa và là mẹ của tất cả chúng ta, không được phép bám víu lấy người hôn phu ở trái đất này theo như luật lệ của Thiên Chúa và ý muốn của Giáo Hội" (Lời Kêu Gọi Tín Hữu).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét