Thánh Anphong Liguori
(1696-1787)
(1696-1787)
Công Ðồng Vatican II xác
định rằng, thần học luân lý phải được nuôi dưỡng bởi Phúc Âm, và chứng tỏ được
sự cao quý của ơn gọi người Kitô Hữu, và nhiệm vụ của họ là trưng ra kết quả ấy
trong đời sống bác ái giữa trần gian. Vào năm 1950, Thánh Anphong được Ðức Piô
XII tuyên xưng là quan thầy của các thần học gia luân lý, ngài thật xứng với
danh hiệu ấy. Trong cuộc đời ngài, thánh nhân phải tranh đấu để giải thoát nền
thần học luân lý khỏi sự khắt khe của chủ thuyết Jansen. Thần học luân lý của
ngài, đã được tái bản 60 lần trong thế kỷ sau khi ngài từ trần, chú trọng đến
các vấn đề thực tiễn và cụ thể của các cha xứ và cha giải tội. Nếu có thói vụ
luật và giảm thiểu hóa luật lệ xen vào thần học luân lý, chắc chắn nó không
thuộc về mô hình thần học tiết độ và nhân từ của Thánh Anphong.
Vào năm 16 tuổi, ngài lấy
bằng tiến sĩ giáo luật và dân luật của Ðại Học Naples, nhưng sau đó đã bỏ nghề
luật sư để hoạt động tông đồ. Ngài được thụ phong linh mục và dồn mọi nỗ lực
trong việc tổ chức tuần đại phúc ở các giáo xứ, cũng như nghe xưng tội và thành
lập các đoàn thể Kitô Giáo.
Ngài sáng lập Dòng Chúa Cứu
Thế năm 1732. Ðó là một tổ chức của các linh mục và tu sĩ sống chung với nhau,
tận tụy theo gương Ðức Kitô và hoạt động chính yếu là tổ chức tuần đại phúc cho
nông dân ở thôn quê. Như một điềm báo cho điều sẽ xảy ra sau này, sau một thời
gian hoạt động, những người đồng hành với ngài ngay từ khi thành lập đã từ bỏ
tu hội và chỉ còn lại có một thầy trợ sĩ. Nhưng tu hội cố gắng sống còn và được
chính thức chấp nhận vào 17 năm sau, dù rằng khó khăn vẫn chưa hết.
Sự canh tân mục vụ lớn lao
của Thánh Anphong là cách giảng thuyết và giải tội -- ngài thay thế kiểu hùng
biện khoa trương, thùng rỗng kêu to, bằng sự giản dị dễ hiểu, và thay thế sự
khắc nghiệt của thuyết Jansen bằng sự nhân từ. Tài viết văn nổi tiếng của ngài
phần nào đã làm lu mờ công lao khó nhọc mà ngài đã ngang dọc vùng Naples trong
26 năm trường để tổ chức tuần đại phúc.
Ngài được tấn phong giám
mục khi 66 tuổi và ngay sau khi nhậm chức, ngài đã cải tổ toàn diện giáo phận.
Vào năm 71 tuổi, ngài bị
đau thấp khớp khủng khiếp. Ngài đau khổ trong 18 tháng sau cùng với "sự
tăm tối" vì sự do dự, sợ hãi, bị cám dỗ đủ mọi khía cạnh đức tin và mọi
đức tính.
Thánh Anphong nổi tiếng về
nền tảng thần học luân lý, nhưng ngài cũng sáng tác nhiều trong lãnh vực tâm
linh và thần học tín lý. Văn bản Các Vinh Dự của Ðức Maria là một trong những
công trình vĩ đại về chủ đề này, và cuốn Viếng Thánh Thể được tái bản đến 40
lần trong đời ngài, đã ảnh hưởng nhiều đến sự sùng kính Thánh Thể trong Giáo Hội.
Ngài được phong thánh năm
1831, và được tuyên xưng Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1871.
Lời Bàn
Trên hết tất cả, Thánh
Anphong nổi tiếng là một con người thực tế đối phó với các vấn đề cụ thể hơn là
trừu tượng. Cuộc đời ngài quả thật là một gương mẫu "thực tiễn" cho
Kitô Hữu ngày nay đang bị khó khăn để nhận chân giá trị của đời sống Kitô Giáo
giữa cơn lốc khó khăn, đau khổ, hiểu lầm và thất bại. Thánh Anphong đã trải qua
tất cả những đau khổ ấy. Ngài là thánh bởi vì ngài luôn duy trì sự liên hệ mật
thiết với Ðức Kitô thống khổ qua tất cả những thử thách cuộc đời.
Lời Trích
Khi Thánh Anphong làm giám
mục, một trong các linh mục của dòng có cuộc sống rất trần tục, và cưỡng lại
mọi biện pháp nhằm thay đổi lối sống ấy. Vị linh mục được Thánh Anphong mời
đến, và ngay ở lối vào phòng của ngài, thánh nhân cho đặt một tượng thánh giá
thật lớn. Khi vị linh mục do dự không dám bước qua, Thánh Anphong ôn tồn nói, "Hãy
bước vào đi, và nhớ đạp lên thánh giá. Ðây không phải lần đầu tiên mà cha đạp
Chúa dưới chân mình."
Trích từ NguoiTinHuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét