Thánh Biển Ðức Người Phi Châu
(1526 - 1589)
Thánh Biển Ðức giữ một chức vụ quan trọng
trong Dòng Phanxicô và khi mãn nhiệm kỳ ngài thật vui vẻ để hòa mình vào một
công việc khác.
Cha mẹ ngài là những nô lệ được đem từ Phi
Châu sang Messina, Sicily. Ðược tự do vào năm 18 tuổi, Biển Ðức làm công trong
một nông trại và không bao lâu ngài đã có đủ tiền để tậu một đôi bò và ngài rất
hãnh diện về cặp bò này. Lúc ấy ngài tham gia vào một nhóm ẩn tu sống gần
Palermo và sau đó được bầu làm người thủ lãnh. Vì những vị ẩn tu này sống theo
Quy Luật của Thánh Phanxicô nên Ðức Giáo Hoàng Piô IV đã ra lệnh họ gia nhập
dòng Nhất.
Sau đó Thầy Biển Ðức được giao cho công việc
giám đốc đệ tử viện và tiếp đó là bề trên nhà dòng ở Palermo. Ðó là một chức vụ
ít khi được giao cho một thầy. Thật vậy, thầy bị ép buộc phải nhận chức bề
trên. Và khi mãn nhiệm kỳ, thầy vui vẻ trở về với công việc của một trợ sĩ
trong nhà bếp.
Khi làm bề trên, Thầy Biển Ðức khiển trách
các tu sĩ với sự khiêm tốn và bác ái. Có lần thầy khiển trách một đệ tử và giao
cho việc đền tội nhưng ngay lúc ấy ngài mới biết đệ tử này không có lỗi lầm gì.
Ngay lập tức, ngài quỳ xuống và xin người đệ tử này tha lỗi cho mình.
Trong quãng đời còn lại, Thầy Biển Ðức không
giữ vật gì làm của riêng cho mình. Ngài không bao giờ gọi đồ vật đó là
"của tôi" nhưng luôn luôn gọi là "của chúng ta." Ngài được
ơn soi dẫn các linh hồn và do đó, toàn thể Sicily ai ai cũng biết đến sự thánh
thiện của ngài. Theo gương Thánh Phanxicô, Thầy Biển Ðức giữ 40 ngày chay tịnh
trong suốt một năm; thầy cũng ngủ rất ít, chỉ một vài giờ mỗi đêm.
Sau khi thầy từ trần, vua Philip III của Tây
Ban Nha đã cho xây một ngôi mộ thật đặc biệt để kính nhớ người tu sĩ thánh
thiện này. Ðược phong thánh năm 1807, Thánh Biển Ðức được đặt làm quan thầy của
người Phi Châu ở Mỹ Châu.
Lời Bàn
Trong dòng Phanxicô, chức vụ lãnh đạo thì có
giới hạn. Khi mãn nhiệm kỳ, người cựu lãnh đạo đôi khi gặp khó khăn khi phải
đảm nhận một chức vụ mới. Giáo Hội cần những người có khả năng để hoạt động
trong vai trò lãnh đạo, nhưng họ cũng là người sẵn sàng đảm trách công việc
khác khi thời hạn lãnh đạo đã mãn.
Lời Trích
"Ðức Kitô đã nói: 'Tôi không đến để được
phục vụ nhưng để phục vụ' (x. Mt. 20:28). Những ai được đặt trên người khác
phải coi vinh dự đó cũng như khi họ được giao cho công việc rửa chân anh em. Và
khi mất chức vụ lãnh đạo, nếu họ càng bực mình bao nhiêu, so với việc rửa chân,
thì họ càng hủy hoại linh hồn mình bấy nhiêu (x. Gioan 12:6)" (Lời Nhắn
Nhủ IV của Thánh Phanxicô Assisi).
******************************************
Thánh Richard ở Chichester
(1197-1253)
Thánh
Richard sinh ở Anh quốc năm 1197. Khi còn nhỏ, ngài và người anh đã phải mồ
côi. Anh của ngài làm chủ một số nông trại. Richard đã phải bỏ dở việc học để
giúp anh quản trị cơ sở khỏi bị lụn bại. Thấy Richard chăm chỉ làm việc, người
anh muốn tặng cho ngài các nông trại ấy, nhưng ngài không nhận. Ngài cũng không
muốn lập gia đình vì muốn đi học trước đã.
Richard vào Ðại Học Oxford và với sự chăm chỉ
học hành, không lâu ngài đã có được một địa vị quan trọng trong trường. Sau đó,
Thánh Edmund, lúc ấy và tổng giám mục của Canterbury, đã trao cho Richard trách
nhiệm trông coi giáo phận. Khi Thánh Edmund từ trần, Richard gia nhập dòng Ða
Minh ở Pháp. Sau khi được thụ phong linh mục, ngài được tấn phong làm giám mục
của Chichester, nước Anh.
Vua Henry III không muốn Richard làm giám mục
ở đây. Nhà vua có một người bạn, nhưng lại không đủ tư cách nên vua từ chối
không để ÐGM Richard sử dụng vương cung thánh đường. Nhà vua còn đe dọa dân
chúng ở Chichester không được tiếp rước Ðức Richard. Cho đến khi đức giáo hoàng
dọa ra vạ tuyệt thông nhà vua thì lúc ấy ÐGM Richard mới được yên.
Ðức giám mục Richard rất nhân từ với người
dân nhưng ngài kiên quyết đương đầu với các giáo dân xấu mà không biết hối lỗi.
Người ta kể rằng khi Ðức Richard lâm bệnh
nặng, ngài đã được Chúa cho biết trước ngày giờ và nơi chết. Ngài từ trần năm
1253, khi năm mươi năm tuổi. Vào năm 1262, Ðức Giáo Hoàng Urbanô IV đã phong
thánh cho ngài.
Trích từ NguoiTinHuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét