Cuộc Trở Lại của Thánh
Phaolô
Bài đọc: Acts
22:3-16; Mc 16:15-18.
1/ Bài đọc I:
3 "Tôi là người Do-thái, sinh ở Tác-xô miền Ki-li-ki-a,
nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này; dưới chân ông Ga-ma-li-ên, tôi đã
được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt. Tôi cũng đã nhiệt thành
phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay.
4 Tôi đã bắt bớ Đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã
đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà,
5 như cả vị thượng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm
chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Đa-mát,
và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giê-ru-sa-lem trừng trị.
6 "Đang khi tôi đi đường và đến gần Đa-mát, thì vào
khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao
phủ lấy tôi.
7 Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: "Sa-un,
Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?
8 Tôi đáp: "Thưa Ngài, Ngài là ai? Người nói với tôi:
"Ta là Giê-su Na-da-rét mà ngươi đang bắt bớ.
9 Những người cùng đi với tôi trông thấy có ánh sáng, nhưng
không nghe thấy tiếng Đấng đang nói với tôi.
10 Tôi nói: "Lạy Chúa, con phải làm gì? Chúa bảo tôi:
"Hãy đứng dậy, đi vào Đa-mát, ở đó người ta sẽ nói cho anh biết tất cả
những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm.
11 Vì ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy
nữa, nên tôi đã được các bạn đồng hành cầm tay dắt vào Đa-mát.
12 "Ở đó, có ông Kha-na-ni-a, một người sùng đạo, sống
theo Lề Luật và được mọi người Do-thái ở Đa-mát chứng nhận là tốt.
13 Ông đến, đứng bên tôi và nói: "Anh Sa-un, anh thấy lại
đi! Ngay lúc đó, tôi thấy lại được và nhìn ông.
14 Ông nói: "Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh
để anh được biết ý muốn của Người, được thấy Đấng Công Chính và nghe tiếng từ
miệng Đấng ấy phán ra.
15 Quả vậy, anh sẽ làm chứng nhân cho Đấng ấy trước mặt mọi
người về các điều anh đã thấy và đã nghe.
16 Vậy bây giờ anh còn chần chừ gì nữa? Anh hãy đứng lên, chịu
phép rửa và thanh tẩy mình cho sạch tội lỗi, miệng kêu cầu danh Người.
2/ Phúc Âm:
15 Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương
thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.
16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin,
thì sẽ bị kết án.
17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân
danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.
18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng
chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được
mạnh khoẻ."
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Sự trở lại chứng minh sức
mạnh của ơn thánh.
Có rất nhiều cuộc trở lại trong lịch sử được
tường thuật như của Phêrô, Matthew, Mary Magdala, Augustine... , cũng như không
được tường thuật như của đa số con người; nhưng chỉ có một cuộc trở lại Giáo
Hội mừng kính là cuộc trở lại của thánh Phaolô. Cuộc trở lại của Phaolô được
tường thuật ít nhất là 3 lần trong Sách CVTĐ (9:1-19; 22:3-16; 26:12-18), và
rất nhiều lần được ám chỉ tới cách vắn gọn bởi chính Phaolô trong các Thư của
ngài.
Bài đọc I có thể coi là lời tự thú đầy đủ nhất
của Phaolô. Trong trình thuật này, một người có thể nhìn thấy động cơ chính của
cuộc trở lại là do ơn thánh của Thiên Chúa. Ngài thay đổi hoàn toàn lề lối suy
nghĩ và cách cư xử của ông bằng cách để ông ngã ngựa và bị mù, cho ông nghe
thấy tiếng của Đức Kitô để chứng tỏ Ngài vẫn sống, và truyền cho ông đến gặp
ông Hananiah để được chữa lành và nhận sứ vụ rao giảng Tin Mừng và làm chứng
nhân cho Dân Ngoại. Trong Phúc Âm, tuy không được liệt vào Nhóm Mười Hai, nhưng
Phaolô cũng được coi như một Tông-đồ, vì ông đã nhìn thấy Chúa Giêsu Phục Sinh
và được chính Ngài trao cho sứ vụ làm Tông-đồ Dân Ngoại.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự
trở lại của Phaolô chứng minh sức mạnh của ơn thánh.
1.1/ Cuộc đời của Phaolô trước khi trở lại:
Phaolô là người Do-thái lưu vong, sinh ra và lớn lên tại Tarsus, miền Cilicia,
vùng Asia Minor (Turkey bây giờ). Ông được giáo dục bởi thầy Gamaliel để giữ
Luật cha ông một cách nghiêm ngặt; và nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như bao
người Do-thái khác. Ông Gamaliel là một Pharisee có thế giá trong dân, tiến sĩ
về Luật, một thành viên của Thượng Hội Đồng, đã từng khuyên những người trong
Thượng Hội Đồng phải cẩn thận khi xét xử Phêrô và các Tông-đồ (x/c Acts 5:34-40).
Phaolô đã bắt bớ Đạo của Đức Kitô, không ngần
ngại giết ai theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà, như cả
vị thượng tế lẫn toàn thể Thượng Hội Đồng có thể làm chứng cho ông. Ông còn
được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Damascus, Syria, để ông đi bắt
trói những người ở đó, giải về Jerusalem trừng trị.
Một biến cố quan trọng đã xảy ra cho ông trên
đường đi Damascus để bắt bớ các Kitô hữu. Biến cố này đã thay đổi toàn bộ cuộc
đời của ông. Theo như lời ông tường thuật: "Đang khi tôi đi đường và đến
gần Damascus, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ
trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với
tôi: "Saul, Saul, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” Tôi đáp: "Thưa Ngài, Ngài
là ai? Người nói với tôi: "Ta là Giêsu Nazareth mà ngươi đang bắt bớ.
Những người cùng đi với tôi trông thấy có ánh sáng, nhưng không nghe thấy tiếng
Đấng đang nói với tôi. Tôi nói: "Lạy Chúa, con phải làm gì?” Chúa bảo tôi:
"Hãy đứng dậy, đi vào Damascus, ở đó người ta sẽ nói cho anh biết tất cả
những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm.”
1.2/ Cuộc đời của Phaolô sau khi trở lại: Một
chuỗi những biến cố xảy ra sau khi bị ngã xuống trên đường đi Damascus.
(1) Phaolô bị mù: Vì ánh sáng chói loà kia làm
cho ông không còn trông thấy nữa, nên ông đã được các bạn đồng hành cầm tay dắt
vào Damascus. Ở đó, Đức Kitô đã chuẩn bị cho ông Hananiah, một người sùng đạo,
sống theo Lề Luật và được mọi người Do-thái ở Đa-mát chứng nhận là tốt.
(2) Phaolô được nhìn thấy: Khi gặp Saul, ông
Hananiah đến, đứng bên ông và nói: "Anh Saul, anh thấy lại đi!” Ngay lúc
đó, ông thấy lại được.
(3) Phaolô được trao sứ vụ: Ông Hananiah nói:
"Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh để anh được biết ý muốn của
Người, được thấy Đấng Công Chính, và nghe tiếng từ miệng Đấng ấy phán ra. Quả
vậy, anh sẽ làm chứng nhân cho Đấng ấy trước mặt mọi người về các điều anh đã
thấy và đã nghe.”
(4) Phaolô được chịu bí-tích Rửa Tội: Hananiah
truyền cho Saul: “Anh hãy đứng lên, chịu phép rửa và thanh tẩy mình cho sạch
tội lỗi, miệng kêu cầu danh Người.”
1.3/ Ý nghĩa của cuộc trở lại của Phaolô: Có rất
nhiều ý nghĩa mà Phaolô đã thu nhận được từ biến cố này, và là nền tảng cho
những giáo huấn của ông sau này:
(1) Đức Kitô đã chết, nhưng Ngài đã sống lại, và
vẫn đang sống để phù trợ và bảo vệ các tín hữu. Tất cả mọi người phải tin nơi
Ngài và giữ những gì Ngài dạy để được cứu độ. Lề Luật không có sức mạnh để giải
thoát con người khỏi tội và ban ơn cứu độ.
(2) Tất cả là ơn thánh, con người không làm gì
xứng đáng để được hưởng ơn thánh. Thiên Chúa ban ơn thánh, thúc đẩy sự trở lại,
và cứu độ con người khi họ còn là tội nhân đáng phải chết. Trường hợp của ông
là một điển hình: lẽ ra ông xứng đáng phải chết hay bị mù suốt đời vì đang trên
đường đi tiêu diệt Hội Thánh của Chúa; nhưng Ngài đã cứu sống và cho ông được
thấy.
(3) Con người phải tìm ra và làm theo thánh ý
Chúa để được sống, làm ngược lại chỉ như “giơ chân đạp mũi nhọn.” Sứ vụ rao
giảng Tin Mừng là bổn phận phải làm vì được Đức Kitô sai đi. Người Kitô hữu
phải là nhân chứng cho Đức Kitô qua việc rao giảng và sống Tin Mừng.
2/ Phúc Âm: "Anh
em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.”
2.1/ Trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng: Chúa Giêsu
nói với các Tông-đồ: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin
Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai
không tin, thì sẽ bị kết án." Khi Chúa Giêsu phục sinh và lên trời, Ngài
đã hoàn tất sứ vụ mang lại ơn cứu độ cho con người. Giờ đây Ngài trao sứ vụ
loan báo Tin Mừng cho các môn đệ, để các ông mang ơn cứu độ này cho mọi người
sống trên trần thế. Để được hưởng ơn cứu độ, con người cần tin vào Đức Kitô và
chịu Phép Rửa.
2.2/ Ban uy quyền cho các môn đệ để khán giả tin
vào lời các ông rao giảng: Chúa hứa với các nhà rao giảng Tin Mừng: Đây là
những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ:
(1) Khai trừ quỷ: Phaolô truyền cho quỉ xuất
khỏi người đầy tớ tại Philippi (Acts 16:18).
(2) Nói được những tiếng mới lạ: Các Tông-đồ nói
các thứ tiếng của thổ dân trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Acts 2:1-11).
(3) Tránh được nguy hiểm: Phaolô đã vượt qua rất
nhiều nguy hiểm trong 3 chuyến truyền giáo như: ra khỏi tù do thiên thần hướng
dẫn, bị ném đá tưởng chết mà vẫn chỗi dậy để tiếp tục rao giảng, vượt qua bao
nhiêu những ghen tị và xúi giục của những đối phương Do-thái.
(4) Chữa lành: Điều này đã được làm bởi Phêrô,
Phaolô, và rất nhiều môn đệ.
Các Tông Đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa
cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các
ông rao giảng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tất cả là hồng ân của Thiên Chúa. Chúng ta
phải nhận ra bàn tay của Ngài luôn thương yêu ấp ủ, ân cần chỉ dẫn, và ban mọi
ơn cần thiết để chúng ta có thể sống như những môn đệ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét