Chủ Nhật II Thường Niên, Năm B
Bài đọc: I
Sam 3:3-10, 19; I Cor 6:13-15, 17-20; Jn 1:35-42.
1/ Bài đọc I:
3 Đèn của Thiên Chúa chưa tắt và Sa-mu-en đang ngủ trong đền
thờ ĐỨC CHÚA, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. 4 ĐỨC CHÚA
gọi Sa-mu-en. Cậu thưa: "Dạ, con đây! "5 Rồi chạy lại
với ông Ê-li và thưa: "Dạ, con đây, thầy gọi con." Ông bảo:
"Thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi." Cậu bèn đi ngủ.6 ĐỨC
CHÚA lại gọi Sa-mu-en lần nữa. Sa-mu-en dậy, đến với ông Ê-li và thưa:
"Dạ, con đây, thầy gọi con." Ông bảo: "Thầy không gọi con đâu,
con ạ. Con về ngủ đi."7 Bấy giờ Sa-mu-en chưa biết ĐỨC
CHÚA, và lời ĐỨC CHÚA chưa được mặc khải cho cậu.8 ĐỨC CHÚA lại
gọi Sa-mu-en lần thứ ba. Cậu dậy, đến với ông Ê-li và thưa: "Dạ, con đây,
thầy gọi con." Bấy giờ ông Ê-li hiểu là ĐỨC CHÚA gọi cậu bé.
9 Ông Ê-li nói với Sa-mu-en: "Con về ngủ đi, và hễ có ai
gọi con thì con thưa: "Lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang
lắng nghe." Sa-mu-en về ngủ ở chỗ của mình.
10 ĐỨC CHÚA đến, đứng đó và gọi như những lần trước:
"Sa-mu-en! Sa-mu-en! " Sa-mu-en thưa: "Xin Ngài phán, vì tôi tớ
Ngài đang lắng nghe."
19 Samuen lớn lên. Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một
lời nào của Người ra vô hiệu.
2/ Bài đọc II:
13 Thức ăn dành cho bụng, và bụng dành cho thức ăn. Thiên Chúa
sẽ huỷ diệt cả cái này lẫn cái kia. Nhưng thân xác con người không phải để gian
dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác. 14 Thiên
Chúa đã làm cho Chúa Ki-tô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình
mà làm cho chúng ta sống lại.15 Nào anh em chẳng biết rằng thân
xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao? Tôi lại lấy phần thân thể của
Đức Ki-tô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao? Không đời nào!17 Ai
đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người.
18 Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều
ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình.
19 Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ
của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính
Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, 20 vì
Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên
Chúa nơi thân xác anh em.
3/ Phúc Âm:
35 Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm
môn đệ của ông. 36 Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên
tiếng nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa." 37 Hai môn
đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. 38 Đức Giê-su
quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: "Các anh tìm gì thế? "
Họ đáp: "Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu? " 39 Người
bảo họ: "Đến mà xem." Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người
ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.40 Ông An-rê, anh
ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức
Giê-su. 41 Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và
nói: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a" (nghĩa là Đấng Ki-tô). 42 Rồi
ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói:
"Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha" (tức là
Phê-rô).
CHỦ ĐỀ:
Nhận ra thánh ý Thiên Chúa
Thiên Chúa có thể mặc khải trực tiếp cho một người hay qua trung gian của người
khác.Để nhận ra ý định của Thiên Chúa, nhiều khi con người cần cả ba: Thiên
Chúa, người trung gian, và chính đương sự. Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta
thấy những trường hợp con người có thể nhận ra ý định của Thiên Chúa.
Trong Bài đọc I, Thiên Chúa gọi con trẻ Samuel 3 lần giữa đêm tối trong Đền
Thờ, và Samuel đã nhận ra tiếng của Thiên Chúa qua sự giúp đỡ của Thầy Cả Eli.
Trong Bài Đọc II, qua sự dạy dỗ của Thánh Phaolô, chúng ta nhận ra phẩm giá của
thân xác và phải biết quí trọng nó, vì thân xác chúng ta là một phần chi thể
của Đức Kitô, và là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả
chỉ đường cho hai môn đệ thân tín của mình theo Chúa Giêsu. Anrê, sau khi đã
gặp được Chúa, dẫn em mình là Phêrô đến gặp Chúa Giêsu.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Con
trẻ Samuel được Thầy Cả Êli hướng dẫn để nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa.
Cuộc đời con trẻ Samuel đặc biệt từ khi chưa ra đời. Mẹ của Samuel là Bà Hanna,
Bà son sẻ và chịu sự khinh bỉ của người đời vì không có con một thời gian lâu
dài. Bà khấn hứa với Thiên Chúa: nếu Ngài ban cho Bà một đứa con, Bà sẽ dâng
con trẻ lại cho Thiên Chúa để nó phục vụ trong Đền Thờ luôn. Thiên Chúa đã nhận
lời cầu xin của Bà và cho Bà có con trai. Tên Bà đặt cho con trẻ, Samuel, có
nghĩa là “quà tặng của Thiên Chúa.” Giữ lời đã hứa với Thiên Chúa, khi con trẻ
dứt sữa, Bà mang con và lễ vật hy sinh đến dâng cho Thầy Cả Êli trong Đền Thờ
Thiên Chúa tại Shiloh. Sau khi từ giã mẹ, con trẻ Samuel ở luôn trong Đền Thờ
từ ngày đó, cho đến khi xảy ra biến cố “Chúa gọi Samuel” hôm nay.
(1) Thiên Chúa gọi Samuel ba lần: Trình thuật kể: “Đèn của Thiên Chúa chưa tắt
và Samuel đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Đức
Chúa gọi Samuel. Cậu thưa: "Dạ, con đây!" Rồi chạy lại với ông Êli và
thưa: "Dạ, con đây, thầy gọi con." Ông bảo: "Thầy không gọi con
đâu. Con về ngủ đi." Cậu bèn đi ngủ. Đức Chúa lại gọi Samuel lần nữa.
Samuel dậy, đến với ông Êli và thưa: "Dạ, con đây, thầy gọi con." Ông
bảo: "Thầy không gọi con đâu, con ạ. Con về ngủ đi." Bấy giờ Samuel
chưa biết Đức Chúa, và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu. Đức Chúa lại
gọi Samuel lần thứ ba. Cậu dậy, đến với ông Êli và thưa: "Dạ, con đây,
thầy gọi con." Thiên Chúa gọi con người nhiều lần, nhưng con người có biết
lắng nghe để nhận ra tiếng Chúa gọi hay không là chuyện khác. Sự ồn ào của thế
gian và sự mải mê chạy theo những tiếng gọi khác là những lý do ngăn cản không
cho con người nhận ra tiếng Chúa gọi.
(2) Thầy Cả Êli giúp Samuel nhận ra và đáp lại tiếng Chúa: Bấy giờ ông Êli hiểu
là Đức Chúa gọi cậu bé. Ông Êli nói với Samuel: "Con về ngủ đi, và hễ có
ai gọi con thì con thưa: "Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang
lắng nghe."
(3) Samuel đáp trả tiếng Chúa gọi: Được sự hướng dẫn của Thầy, nên khi nghe
Thiên Chúa gọi lần thứ ba, Samuel mau mắn thưa: "Xin Ngài phán, vì tôi tớ
Ngài đang lắng nghe." Kể từ khi nhận ra tiếng Chúa, Samuel tiếp tục đàm
đạo với Chúa nhiều lần. Samuel lớn lên, Đức Chúa ở với ông và Người không để
cho một lời nào của Người ra vô hiệu.
Mấy điều chúng ta có thể học nơi con trẻ Samuel: (1) Đền Thờ là nơi dễ nhận ra
tiếng Thiên Chúa gọi, vì là nơi tĩnh mịch và xa cách những ồn ào của thế gian.
Samuel phục vụ nơi Thánh Điện và ngủ trong Đền Thờ tại Shiloh; (2) Mỗi lần nghe
tiếng gọi là mỗi lần mau mắn đáp trả, dù chưa nhận ra là tiếng của Thiên Chúa.
Mỗi biến cố quan trọng xảy ra trong cuộc đời mỗi người là Thiên Chúa đang muốn
nói gì với cá nhân đó. Để nhận ra, đương sự cần có thời giờ suy nghĩ và cầu
nguyện; (3) Bàn hỏi với vị linh hướng và theo sự chỉ bảo của ngài. Samuel chạy
đến với Thầy mình, để xin sự hướng dẫn, và Samuel thực hành những gì Thầy dạy.
2/ Bài đọc II: Thân xác con người quan trọng và cần thiết để làm việc
cho Thiên Chúa.
Chúng ta biết hầu hết các Thư viết bởi Phaolô là để trả lời cho những vấn nạn
đang xảy ra trong những cộng đòan do Ngài thiết lập. Vấn nạn hôm nay là việc
gian dâm, mà có một số người trong cộng đòan Côrintô không cho là tội. Theo một
số các triết gia Hy-Lạp, thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn. Vì thế, có 2
lối sống là hệ quả của quan niệm này: (1) khổ chế: hành hạ thân xác bằng ăn
chay nghiệm nhặt và đánh đập thân xác để chế ngự nó; và (2) buông thả: vì thân
xác không quan trọng trong việc giải thóat con người, nên cứ việc tự do hưởng
thụ khóai lạc. Thánh Phaolô phải đương đầu với lối sống thứ hai này; ngài
khuyên các tín hữu Corintô phải tránh xa tội gian dâm vì 2 phẩm giá của thân
xác.
2.1/ Thân xác anh em là một phần thân thể của Đức Kitô: Thần học về thân thể Đức
Kitô là một trong những chủ đề chính của Thư Phaolô. Theo thần học này, các
Kitô hữu là những chi thể của thân thể Đức Kitô; vì thế, tất cả các tín hữu đều
có bổn phận phải bảo vệ thân thể cho nguyên vẹn, vì một chi thể đau là tòan
thân đều cảm thấy đau lây. Dựa vào nguyên lý này, Phaolô kết luận, thân xác con
người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa. Ngài hướng dẫn họ:
- Thân xác con người sẽ bị hủy diệt: “Thức ăn dành cho bụng, và bụng dành cho
thức ăn. Thiên Chúa sẽ huỷ diệt cả cái này lẫn cái kia. Nhưng thân xác con
người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác.”
- Thân xác con người sẽ được Thiên Chúa cho sống lại: “Thiên Chúa đã làm cho
Chúa Kitô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho
chúng ta sống lại. Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể
của Đức Kitô sao? Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Kitô mà làm phần thân thể
của người kỹ nữ sao? Không đời nào! Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh
thần với Người.” Chuyện kết hợp với ai là nên một thân xác với người ấy; điều
này chỉ cho phép trong liên hệ vợ chồng. Khi chuyện này xảy ra ngòai liên hệ vợ
chồng, kẻ làm chuyện ấy tự tách mình ra khỏi thân thể của Đức Kitô, vì tội lỗi
không thể ở chung với sự thánh thiện trong thân thể của Chúa.
2.2/ Thân
xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần: “Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác
anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là
Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về
mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn
vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.” Qua Bí-tích Rửa Tội và Thêm Sức, các tín
hữu đã có Chúa Thánh Thần qua việc xức dầu; và Chúa Thánh Thần là Đấng rất mực
thánh thiện vì Ngài là Thiên Chúa. Con người chúng ta không thể sống cho chính
chúng ta nữa, vì chúng ta đã được Thiên Chúa cứu chuộc qua cái chết của Đức
Kitô. Do đó, chúng ta phải sống cho Thiên Chúa và làm vinh quang Ngài qua thân
xác chúng ta.
3/ Phúc Âm: Người bảo họ: "Đến mà xem!”
3.1/ Gioan giới thiệu Đức Kitô cho 2 môn đệ của ông: “Hôm sau, ông Gioan lại
đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua,
ông lên tiếng nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa." Khi một người giới
thiệu môn đệ của mình với một Thầy hay hơn mình là chấp nhận mất môn đệ. Gioan
không giữ môn đệ cho mình, ông chỉ cho hai môn đệ đi theo Thầy tốt hơn; vì ông
quan tâm đến lợi ích cho môn đệ chứ không giữ lợi ích cho mình. Mấy ai trong
chúng ta có được thái độ như của Gioan? Chúng ta đã đề cập đến nguồn gốc lịch
sử của câu “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Chúa Giêsu chính là Con Chiên, lễ vật hy
sinh để đền tội cho con người.
3.2/ Phản
ứng của hai môn đệ: Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Hai môn đệ
của Gioan có lẽ ngượng ngùng không biết mở lời làm sao, nên cứ tiếp tục theo
đàng sau Chúa Giêsu. Để dễ dàng cho họ phản ứng, Chúa Giêsu mở lời trước:
"Các anh tìm gì thế?" Họ đáp: "Thưa Rabbi (nghĩa là thưa Thầy),
Thầy ở đâu?"
- Chúng ta có thể nhận ra cả 3 yếu tố quan trọng đều có ở đây: (1) Gioan, người
trung gian chỉ đường cho hai ông đến với Chúa; (2) chính hai ông phải vượt qua
xấu hổ, ngượng ngùng để đi theo Ngài; và (3), Chúa Giêsu mở lời trước để đánh
tan ngượng ngùng lúc ban đầu, và mời gọi hai ông đến và xem.
- Câu hỏi Chúa đặt cho hai ông: “Các anh tìm gì thế?” là câu hỏi nền tảng nhất
trong đời sống con người. Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ giúp chúng ta nhận ra
tại sao chúng ta đi tìm hay không đi tìm Thiên Chúa. Nếu câu trả lời là đi tìm
của cải, danh vọng, chức quyền; chúng ta đừng đến với Chúa, vì Ngài sẽ không
thỏa mãn khát vọng của ta. Nếu câu trả lời như của người thanh niên trẻ: “Tôi
phải làm gì để đạt được cuộc sống đời đời?” Hảy đến với Chúa, Ngài sẽ giúp
chúng ta tìm ra câu trả lời.
3.3/ Lời mời gọi của Đức Kitô: Người bảo họ: "Đến mà xem." Họ đã đến
xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ
mười.
- Người khác có thể nói về Chúa cho chúng ta nghe, hay giới thiệu chúng ta đến
với Chúa; nhưng để nhận ra Chúa là ai, chúng ta cần kinh nghiệm của cá nhân
chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta có được kinh nghiệm cá nhân biết Chúa, lúc đó
Chúa mới thực sự thuyết phục chúng ta.
- Các môn đệ đáp trả lời mời của Chúa Giêsu; họ đến và ở với Ngài suốt ngày hôm
đó. Giờ thứ mười của Do-Thái là khỏang 4 giờ chiều của chúng ta.
3.4/ Người
nhận ra tiếng gọi theo Chúa trở thành người mời gọi: “Ông Anrê, anh ông Simon
Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Trước
hết, ông gặp em mình là ông Simon và nói: "Chúng tôi đã gặp Đấng
Messiah" (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Đức
Giêsu nhìn ông Simon và nói: "Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi
là Kêpha" (tức là Phêrô).”
- Yêu ai thực sự là muốn điều tốt nhất cho người ấy. Anrê đã gặp Đấng Thiên
Sai, và đây là Tin Mừng quan trọng nhất cho những người Do-Thái. Thương em,
Anrê dắt em mình tới giới thiệu với Đức Kitô.
- Phản ứng của Chúa Giêsu khi gặp Phêrô: Vừa gặp lần đầu, Chúa Giêsu đã biết rõ
con người Phêrô là ai, và Ngài đã có sẵn cho ông một sứ vụ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần lắng nghe và nhìn xem để nhận ra thánh ý của Thiên Chúa.
- Chúng ta cần cả ba: tiếng Thiên Chúa gọi, người trung gian, và chính bản thân
để nhận ra thánh ý của Thiên Chúa. Nếu chúng ta không cố gắng, chúng ta sẽ
không bao giờ nhận ra thánh ý của Thiên Chúa.
- Một khi đã nhận ra thánh ý của Thiên Chúa, chúng ta có bổn phận phải thi hành
những gì Thiên Chúa dạy.
- Ngòai ra, chúng ta còn phải hướng dẫn và đưa mọi người đến với Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét