Thứ Sáu Tuần I TN2
Bài đọc: I Sam 8:4-7, 10-22a; Mk 2:1-12.
1/ Bài đọc I (năm chẵn):
4 Toàn thể các kỳ mục tập hợp lại và đến với
ông Sa-mu-en ở Ra-ma.
5 Họ nói với ông: "Ông coi, ông già
rồi, và các con ông lại không đi theo đường lối của ông. Vậy bây giờ, xin ông
lập cho chúng tôi một vua để vua xét xử chúng tôi, như trong tất cả các dân
tộc."
6 Ông Sa-mu-en bực mình vì lời họ nói:
"Xin ông cho chúng tôi một vua để xét xử chúng tôi." Và ông Sa-mu-en
đã cầu nguyện với Đức Chúa. 7 Đức Chúa phán với ông
Sa-mu-en: "Ngươi cứ nghe theo tiếng của dân trong mọi điều chúng nói với
ngươi, vì không phải chúng gạt bỏ ngươi, mà là chúng gạt bỏ Ta, không chịu để
Ta làm vua của chúng.'' 10 Ông Sa-mu-en nói lại mọi lời
của Đức Chúa cho dân bấy giờ đang xin ông một vua. 11 Ông
nói: "Đây là quyền hành của nhà vua sẽ cai trị anh em. Các con trai anh
em, ông sẽ bắt mà cắt đặt vào việc trông coi xe và ngựa của ông, và chúng sẽ chạy
đàng trước xe của ông. 12 Ông sẽ đặt chúng làm người chỉ
huy một ngàn và chỉ huy năm mươi, sẽ bắt chúng cày đất cho ông, gặt lúa cho
ông, chế tạo vũ khí cho ông và dụng cụ cho xe của ông. 13 Các
con gái anh em, ông sẽ bắt vào làm thợ chế nước hoa, nấu ăn và làm bánh.
14 Đồng ruộng, vườn nho, vườn cây ô-liu tốt
nhất của anh em, ông sẽ lấy mà cho bề tôi của ông.
15 Lúa thóc và vườn nho của anh em, ông sẽ
đánh thuế thập phân mà cho các thái giám và bề tôi của ông. 16 Các
tôi tớ nam nữ, các người trai tráng khá nhất của anh em, các con lừa của anh
em, ông sẽ bắt mà dùng vào việc của ông. 17 Chiên dê của
anh em, ông sẽ đánh thuế thập phân. Còn chính anh em sẽ làm nô lệ cho ông. 18 Ngày
ấy, anh em sẽ kêu than vì vua của anh em mà anh em đã chọn cho mình, nhưng ngày
ấy Đức Chúa sẽ không đáp lời anh em."
19 Nhưng dân không chịu nghe theo tiếng ông
Sa-mu-en. Họ nói: "Không! Phải có một vua cai trị chúng tôi! 20 Cả
chúng tôi cũng sẽ giống như mọi dân tộc. Vua chúng tôi sẽ xét xử chúng tôi, sẽ
dẫn đầu chúng tôi và sẽ lãnh đạo các cuộc chiến của chúng tôi." 21 Ông
Sa-mu-en nghe tất cả những lời của dân và nói lại những lời ấy cho Đức Chúa
nghe. 22 Đức Chúa phán với ông Sa-mu-en: "Hãy nghe
theo tiếng chúng, và hãy đặt một vua cai trị chúng."
2/ Phúc Âm:
1 Vài ngày sau, Đức Giê-su trở lại thành
Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà,
2 dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong
nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ.
3 Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su
một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. 4 Nhưng vì dân chúng
quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay
trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên
chõng xuống.
5 Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo
người bại liệt: "Này con, con đã được tha tội rồi."
6 Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ
thầm trong bụng rằng: 7 "Sao ông này lại dám nói như
vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên
Chúa?"
8 Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang
thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: "Sao trong bụng các ông lại nghĩ
những điều ấy? 9 Trong hai điều: một là bảo người bại
liệt: "Con đã được tha tội rồi", hai là bảo: "Đứng dậy, vác lấy
chõng của con mà đi," điều nào dễ hơn?
10 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con
Người có quyền tha tội, Đức Giê-su bảo người bại liệt, 11 Ta
truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!"
12 Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác
chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên
Chúa. Họ bảo nhau: "Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!"
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Phải lắng nghe, hiểu thấu, và thực hành Lời Chúa.
Thiên Chúa luôn dạy dỗ
và hướng dẫn con người trong mọi sự, ngày xưa cũng như thời nay; nhưng rất ít
người chịu lắng nghe, tìm hiểu, và mang ra thực hành. Vì thế, không lạ gì mà
con người vẫn tiếp tục cuộc sống triền miên đau khổ trong tội lỗi của mình.
Các Bài Đọc hôm nay tập
trung trong việc con người cần lắng nghe và đáp trả Lời Chúa. Trong Bài Đọc I,
năm lẻ, tác-giả Thư Do-Thái nhấn mạnh đến việc: nếu con người không chịu tuân
giữ Lời Chúa dạy, họ sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Người. Trong Bài Đọc
I, năm chẵn, con cái Israel xin ngôn-sứ Samuel chọn cho họ một vị vua như bao
quốc gia khác để cai trị họ, vì họ đã mất tin tưởng nơi ông, và không còn muốn
nghe lời hướng dẫn của Thiên Chúa qua ông nữa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng
uy quyền chữa lành để chứng minh Ngài có quyền tha tội; và như một hậu quả,
Ngài đến từ Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm chẵn): "Hãy nghe theo tiếng chúng, và hãy đặt một vua cai
trị chúng."
1.1/ Con người không
thấu hiểu điều mình xin: "Đứng núi này trông núi kia" luôn là ảo
tưởng của con người. Họ thường không bao giờ bằng lòng với hoàn cảnh hiện tại
và cảm nhận được hạnh phúc trong những gì họ đang có; nhưng luôn mong muốn, tìm
tòi, và cầu xin cho được những gì họ nghĩ phải có thì mới hạnh phúc. Kết quả là
họ chẳng bao giờ có được bình an và hạnh phúc như lòng mong muốn. Trình thuật
hôm nay là một ví dụ điển hình.
(1) Dân chúng không muốn
nghe lời ông Samuel, ngôn sứ của Thiên Chúa: Toàn thể các kỳ mục tập hợp lại và
đến với ông Samuel ở Ramah. Họ nói với ông: "Ông coi, ông già rồi, và các
con ông lại không đi theo đường lối của ông. Vậy bây giờ, xin ông lập cho chúng
tôi một vua để vua xét xử chúng tôi, như trong tất cả các dân tộc."
(2) Dân chúng không muốn
Thiên Chúa làm vua cai trị họ: Ông Samuel rất bực mình với lời yêu cầu và ông
cầu nguyện với Đức Chúa cho biết phải giải quyết cách nào. Đức Chúa phán với
ông Samuel: "Ngươi cứ nghe theo tiếng của dân trong mọi điều chúng nói với
ngươi, vì không phải chúng gạt bỏ ngươi, mà là chúng gạt bỏ Ta, không chịu để
Ta làm vua của chúng.''
1.2/ Con người phải lãnh
nhận hậu quả của những gì mình mong muốn.
(1) Thiên Chúa báo trước
hậu quả: Dân chúng không đủ khôn ngoan để tiên liệu trước những gì sẽ xảy ra do
việc có vua cai trị; vì thế, Thiên Chúa phải báo trước những hậu quả do việc có
vua: "Đây là quyền hành của nhà vua sẽ cai trị anh em: Các con trai anh
em, ông sẽ bắt mà cắt đặt vào việc trông coi xe và ngựa của ông, và chúng sẽ
chạy đàng trước xe của ông... Các con gái anh em, ông sẽ bắt vào làm thợ chế
nước hoa, nấu ăn và làm bánh. Đồng ruộng, vườn nho, vườn cây ô-liu tốt nhất của
anh em, ông sẽ lấy mà cho bề tôi của ông... Các tôi tớ nam nữ, các người trai
tráng khá nhất của anh em, các con lừa của anh em, ông sẽ bắt mà dùng vào việc
của ông. Chiên dê của anh em, ông sẽ đánh thuế thập phân. Còn chính anh em sẽ
làm nô lệ cho ông. Ngày ấy, anh em sẽ kêu than vì vua của anh em mà anh em đã
chọn cho mình, nhưng ngày ấy Đức Chúa sẽ không đáp lời anh em."
(2) Dân chúng chấp nhận
hậu quả: Nếu những người có khôn ngoan đủ, họ sẽ nhận ra điều các kỳ mục xin là
rồ dại, vì những lý do sau: Thứ nhất, làm sao kiếm được một vị vua nào cai trị
dân khôn ngoan hơn Thiên Chúa? Thứ hai, họ được tự do khi Thiên Chúa cai trị;
nhưng họ và con cháu họ phải làm nô lệ khi có vua. Thứ ba, họ phải đóng đủ mọi
thứ thuế để có tiền trang trải cho những nhu cầu của nhà vua. Sau cùng, nếu họ
đã lựa chọn có vua, họ sẽ phải lãnh nhận mọi hậu quả; lúc đó, họ có kêu trách,
cũng đã quá muộn.
Nhưng dân vẫn cứng đầu,
không chịu nghe theo những lời cắt nghĩa của ông Samuel. Họ nói: "Không!
Phải có một vua cai trị chúng tôi! Cả chúng tôi cũng sẽ giống như mọi dân tộc.
Vua chúng tôi sẽ xét xử chúng tôi, sẽ dẫn đầu chúng tôi và sẽ lãnh đạo các cuộc
chiến của chúng tôi." Ông Samuel nghe tất cả những lời của dân và nói lại
những lời ấy cho Đức Chúa nghe. Đức Chúa phán với ông Samuel: "Hãy nghe
theo tiếng chúng, và hãy đặt một vua cai trị chúng."
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu là Thiên Chúa vì Ngài làm được những việc Thiên Chúa làm.
2.1/ Chúa Giêsu có uy
quyền chữa bệnh: Trình thuật kể: “Đang khi Người giảng dạy cho họ, người ta đem
đến cho Đức Giêsu một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. Nhưng vì dân chúng quá
đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên
chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng
xuống.” Mái nhà của người Do-Thái không xuôi ra hai bên như mái nhà chúng ta,
mà phẳng như hình chữ nhật để người ta có thể dùng làm sân thượng để hóng mát.
Vì thế, việc dỡ mái nhà xuống cũng đơn giản và ít gây thiệt hại. Khi thấy cách
biểu lộ niềm tin của họ, Chúa Giêsu bảo người bại liệt: "Này con, con đã
được tha tội rồi." Tội này có thể là tội dỡ mái nhà hay tội của người bại
liệt.
2.2/ Chúa Giêsu có quyền
tha tội:
(1) Tội lỗi và hình
phạt: Theo truyền thống Do-Thái, hình phạt là hậu quả của tội lỗi: có thể của
cá nhân hay của cha mẹ (Job 4:7, Jn 9:2). Các Rabbi có câu: “Không người bệnh
nào được lành bệnh cho tới khi tất cả tội lỗi của anh được tha thứ.”
(2) Lý luận của Chúa
Giêsu: Khi Ta tha hình phạt qua việc chữa lành, là Ta tha tội, nguyên nhân của
hình phạt.
(3) Lý luận của các
Kinh-sư: Trong đám đông, có nhiều các Kinh-sư đến không phải để nghe Thiên Chúa
giảng, nhưng để bới lá tìm sâu để có thể kết án Chúa, và họ nghĩ họ đã tìm ra
lý do để kết án Chúa phạm thượng: " Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông
ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?"
(4) Chúa Giêsu dùng lý
luận của các Kinh-sư và việc chữa lành để chứng minh cho họ biết Ngài là Thiên
Chúa: “Tâm trí Đức Giêsu thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới
bảo họ: "Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy? Trong hai điều:
một là bảo người bại liệt: "Con đã được tha tội rồi," hai là bảo:
"Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi," điều nào dễ hơn?” Dĩ nhiên
điều dễ làm hơn là bảo “Con đã được tha tội rồi;” vì không ai có thể kiểm chứng
được, còn điều khó làm là bảo "Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà
đi;" phải là người có uy quyền mới làm được và mọi người đều kiểm chứng.
“Vậy, để các ông biết: ở
dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, Đức Giêsu bảo người bại liệt, Ta
truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!" Người
bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy
đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: "Chúng ta chưa thấy vậy
bao giờ!"
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Nghe giảng là để dẫn
tới đức tin hay làm cho đức tin tăng trưởng hơn, chứ không phải nghe cho qua
lần chiếu lệ. Cả người rao giảng lẫn các tín hữu, chúng ta phải tôn trọng lúc
lắng nghe và chia sẻ Lời Chúa.
- Nếu chúng ta khinh
thường hay không chịu chuẩn bị, chúng ta đã hoang phí thời giờ của người rao
giảng cũng như người nghe; và nhất là không đạt được mục đích của cuộc đời:
được sống với Thiên Chúa muôn đời.
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên OP
****************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét