Thánh Eusebius ở Vercelli
(283?-371)
Sinh ở đảo Sardinia, ngài là một thành viên của giáo sĩ Rôma và là giám mục đầu tiên của Vercelli thuộc Piedmont. Ngài cũng là người đầu tiên kết hợp đời sống đan viện với đời sống giáo sĩ, qua sự thành lập một cộng đoàn các tu sĩ trong giáo phận với sự tin tưởng rằng phương cách tốt nhất để thánh hóa giáo dân là để họ nhìn thấy các giáo sĩ được đào tạo trong một cộng đoàn nhân đức và sống động.
Ngài được Ðức Giáo Hoàng Liberius sai đến gặp hoàng đế Constantius để thuyết phục nhà vua triệu tập một công đồng nhằm giải quyết các khó khăn giữa Công Giáo và Arian. Khi công đồng được triệu tập ở Milan, vì cảm thấy khối Arian đang thắng thế, mặc dù người Công Giáo đông hơn nên Ðức Eusebius không đến tham dự, mãi cho đến khi chính nhà vua ép buộc.
Khi nhà vua yêu cầu mọi giám mục phải ký vào bản án để buộc tội Ðức Athanasius -- là người cương quyết chống với lạc thuyết Arian -- Ðức Eusebius đã từ chối; thay vào đó, ngài đặt Kinh Tin Kính lên bàn hội nghị và yêu cầu mọi người ký tên vào đó trước khi bàn đến các vấn đề khác. Nhà vua dùng áp lực với Ðức Eusebius, nhưng ngài quả quyết rằng Ðức Athanasius vô tội, và nhắc nhở hoàng đế rằng không thể dùng thế lực ngoài đời để ảnh hưởng đến các quyết định của Giáo Hội. Lúc đầu nhà vua đe dọa giết ngài, nhưng sau đó lưu đầy ngài đến Palestine. Ở đây, phe Arian kéo ngài lê lết trên đường phố và giam ngài trong một căn phòng nhỏ, và sau bốn ngày ngài tuyệt thực để phản đối họ mới thả ngài ra, nhưng được một ít lâu, họ lại tiếp tục hành hạ ngài.
Ðức Eusebius phải tiếp tục cuộc sống lưu đầy ở Tiểu Á và Ai Cập, cho đến khi tân hoàng đế cho phép ngài trở lại giáo phận ở Vercelli. Ngài tham dự Công Ðồng Alexandria với Ðức Athanasius và chấp thuận khoan hồng cho các giám mục trước đây theo phe Arian. Ngài còn cộng tác với Thánh Hilary ở Poitiers để chống với lạc giáo Arian.
Lời Trích
"Ðể việc chăm sóc các linh hồn có hiệu quả, các linh mục được yêu cầu sống chung trong một cộng đoàn, nhất là những ai sinh hoạt trong cùng một giáo xứ. Nếp sống này không những khích lệ giáo dân hoạt động tông đồ, mà còn là một gương mẫu của lòng bác ái và sự hiệp nhất cho người tín hữu" (Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của Giám Mục, 30).
Trích từ NguoiTinHuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét