Chủ Nhật II Phục Sinh, Năm B
Bài đọc: Acts
4:32-35; I Jn 5:1-6; Jn 20:19-31.
1/ Bài đọc I:
32 Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý.
Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự
đều là của chung.
33 Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng
Chúa Giê-su đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng. 34 Trong
cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà
cửa, đều bán đi, lấy tiền, 35 đem đặt dưới chân các Tông
Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.
2/ Bài đọc II:
1 Phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, kẻ ấy đã được
Thiên Chúa sinh ra.
Và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra.2 Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa:
đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người.
Và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra.2 Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa:
đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người.
3 Quả thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của
Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu, 4 vì
mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian. Và điều làm cho
chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta.
5 Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin
rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa?
6 Chính Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu;
không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần
Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật.
3/ Phúc Âm:
19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ
ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa
các ông và nói: "Bình an cho anh em!"
20 Nói xong, Người
cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.
21 Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như
Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." 22 Nói
xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ
ai, thì người ấy bị cầm giữ."
24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là
Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các
môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma
đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay
vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." 26 Tám
ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với
các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói:
"Bình an cho anh em." 27 Rồi Người bảo ông
Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt
vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." 28 Ông
Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!"
29 Đức Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc
thay những người không thấy mà tin! "
30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn
đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn
những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô,
Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Hậu quả của niềm tin vào Chúa sống lại.
Tin thế nào sống thế ấy: Nếu không tin vào sự sống lại, con người sẽ chỉ biết
sống theo những giá trị đời này; nhưng nếu tin vào sự sống lại của Đức Kitô,
con người sẽ sống theo những giá trị mà Ngài răn dạy. Niềm tin vào sự sống lại
không những giúp con người vượt qua những đau khổ của cuộc sống, mà còn biết
giúp con người biết tuân giữ những gì Chúa dạy.
Các Bài Đọc hôm nay cho thấy sự quan trọng của niềm tin vào sự sống lại của Đức
Kitô. Trong Bài Đọc I, niềm tin vào Chúa phục sinh giúp các tín hữu đầu tiên
biết yêu thương nhau; họ bỏ mọi sự làm của chung, để không ai phải thiếu thốn
gì cả. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Gioan I, xác nhận: Ai yêu mến Thiên Chúa,
cũng yêu mến Đức Kitô, Con Thiên Chúa; và nếu ai yêu mến Thiên Chúa, cũng thắng
thế gian, vì thế gian từ chối không nhận biết Ngài. Trong Phúc Âm, tác giả
tường thuật hai lần Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ: Lần đầu không có sự hiện
diện của Thomas, Chúa ban bình an và sai các ông đi rao giảng Tin Mừng cho mọi
người. Lần thứ hai, Chúa hiện đến với các tông đồ và có sự hiện diện của
Thomas. Ngài thách thức ông hãy xỏ ngón tay ông vào các lỗ đinh đóng của Ngài,
để ông tin Chúa vẫn sống.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sức mạnh của niềm tin vào Chúa sống lại
1.1/ Các tín hữu bỏ mọi sự làm của chung: Chủ nghĩa cộng sản mơ ước có được một
mô hình lý tưởng này; nhưng họ đã thất vọng ê chề, vì con người có thói quen vơ
vét. Họ dám lấy ngay cả của chung để làm của riêng. Mấy chục năm qua, người
cộng sản chẳng những đã không thực hiện được mơ ước “thiên đàng trần gian;” mà
còn làm cho những bất công xã hội ra nặng nề hơn.
Trình thuật của Sách TĐCV đề cập tới mô hình lý tưởng của cộng đòan các tín hữu
đầu tiên: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không
một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là
của chung.” Để làm được điều này, các tín hữu phải có niềm tin vững mạnh nơi sự
quan phòng của Thiên Chúa và nhất là niềm tin vào Đức Kitô sống lại. Nếu Thiên
Chúa đã quan phòng mọi sự, tại sao phải lo lắng đến ngày mai? Nếu Đức Kitô đã
chinh phục sự chết, còn uy quyền nào lớn hơn uy quyền của Thiên Chúa? Nhờ quyền
năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên
Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.
1.2/ Mọi người đều có đủ dùng: “Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì
tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới
chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.” Lý
do chính giúp các tín hữu đầu tiên có thể làm được chuyện này là niềm tin vào
sự sống lại. Truyền thống Do-thái tin hạnh phúc có được là chỉ ở đời này. Gần
thời của Chúa, niềm tin vào đời sau bắt đầu được đề cập đến, nhưng chưa rõ ràng
lắm (Sách Daniel và Macabbees). Khi Chúa Giêsu đến, Ngài làm sáng tỏ quan niệm
này bằng dạy dỗ (Jn 6:39-40) và chứng minh bằng cái chết và sự phục sinh của
Ngài. Nếu các tín hữu tin có sự sống lại, họ sẽ không quyến luyến quá nhiều vào
của cải vật chất nữa, nhưng biết sống làm sao để đạt hạnh phúc đời sau.
Trong xã hội con người, bất công xã hội thường xảy ra: Người giầu có, có quá
nhiều, đến chỗ dư thừa; người nghèo khó, thiếu quá nhiều, đến nỗi hóa bần cùng.
Cả hai hạng người đều có lý do để biện minh cho mình. Người giầu đưa lý do: tôi
làm ăn lương thiện, không ăn cắp của ai, và xứng đáng được hưởng những gì do
tay tôi làm ra. Người nghèo trả lời: “Ở đời muôn sự của chung.” Tất cả là của
Thiên Chúa ban cho con người, và mọi người đều là con cái Thiên Chúa. Con người
không phải là chủ nhân, nhưng chỉ là quản lý của những của cải. Chúng tôi
nghèo, không phải vì chúng tôi lười biếng, nhưng vì không có cơ hội để làm ăn.
Hãy cho chúng tôi cơ hội, chưa chắc chúng tôi đã túng nghèo như vậy. Thực ra,
để giải quyết bất công xã hội và cho mọi người có cơ hội đồng đều, Thiên Chúa
đã thiết lập năm Jubilee, xảy ra mỗi 50 năm (x/c Lev 25). Trong năm này, mọi
ruộng đất tài sản phải được trả về cho chủ nhân cũ, vì quá túng nghèo mà phải
bán đi. Mục đích của năm này là để mọi người đều có cơ hội làm lại cuộc đời.
2/ Bài đọc II: Yêu
mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người.
2.1/ Ai yêu mến Thiên Chúa, cũng yêu mến Đức Kitô: Có một sự hợp lý tòan vẹn
trong đạo lý của Đức Kitô: Ai yêu Thiên Chúa, người đó cũng phải yêu những kẻ
được Đấng ấy sinh ra, các con Thiên Chúa; cách riêng: Đức Giêsu Kitô. Vì thế,
khi người nào nói mình yêu Thiên Chúa, người ấy cũng phải yêu Đức Kitô và tha
nhân. Chúa Giêsu đã từng tranh luận với người Do-thái về điểm này khi Ngài nói:
“Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát
xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà
đến, nhưng chính Người đã sai tôi” (Jn 8:42).
Yêu Thiên Chúa không chỉ bằng lời nói, nhưng phải biểu tỏ bằng việc làm. Thánh
Gioan khuyên nhủ các tín hữu: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được mình yêu
thương con cái Thiên Chúa: đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các
điều răn của Người. Quả thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của
Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu.”
2.2/ Ai tin vào Đức Kitô là thắng thế gian: Để hiểu điều này, chúng ta cần phải
phân biệt các ý nghĩa khác nhau khi Gioan nói về thế gian (ko,smoj): (1)
thế gian là trái đất, nơi con người sinh sống; (2) tất cả con người, nhất là
những người chống lại Thiên Chúa; (3) cách sống hay tiêu chuẩn giá trị của thế
gian, nhất là những tiêu chuẩn đối nghịch với Thiên Chúa; và (4) đồ trang sức
(1 Pe 3.3). Theo văn mạch, tác giả có lẽ ám chỉ theo nghĩa (3) của thế gian ở
đây: “Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giêsu
là Con Thiên Chúa? Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không
phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là
chứng nhân, và Thần Khí là sự thật.” Những người chống Thiên Chúa là những
người không tin Đức Kitô được Thiên Chúa sai đến, hay những người chỉ tin vào
thiên tính, hay vào nhân tính của Người. Hơn nữa, Gioan còn nhấn mạnh: “Và điều
làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta.”
3/ Phúc Âm: Phúc
thay những người không thấy mà tin.
3.1/ Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ, lúc không có Thomas.
(1) Bình an của Chúa Giêsu: Sự lo lắng và sợ sệt làm con người bất an, như
trình thuật kể tâm trạng của các tông đồ vào những ngày sau khi Chúa chết: “Vào
chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng
kín, vì các ông sợ người Do-thái.” Đang khi các ông hoảng hốt lo sợ như thế,
Đức Giêsu biết rõ các ông cần điều gì nhất. Ngài đến, đứng giữa các ông và nói:
"Bình an cho anh em! Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các
môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.”
Bình an các ông có được là nhờ tin Đức Kitô sống lại. Các ông tưởng sẽ không
bao giờ còn được nhìn thấy Ngài nữa, và còn đang bị khủng hoảng bởi những việc
mới xảy ra; nhưng giờ đây các ông vui mừng vì được thấy Ngài bằng xương bằng
thịt. Hơn nữa, Ngài còn chứng minh cho các ông biết tất cả những gì Ngài đã nói
với các ông là sự thật, tất cả những gì Ngài tiên báo về Cuộc Khổ Nạn của Ngài
đều hiện thực. Sự hiện diện của Đức Kitô mang lại cho các ông sự bình an đích
thực trong tâm hồn, vì Ngài bảo đảm cho các ông uy quyền và tình yêu của Thiên
Chúa, được biểu lộ qua Đức Kitô.
(2) Lệnh được sai đi: Khi Đức Kitô chọn các tông đồ, Ngài muốn các ông tiếp tục
thi hành sứ vụ Ngài đã khởi sự; nên Người lại nói với các ông: “"Bình an
cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong,
Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em
tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm
giữ."” Sự bình an các tông đồ có được, không phải chỉ do sự hiện diện của
Đức Kitô, nhưng còn do sự hiện diện và quyền năng của Thánh Thần, mà Đức Kitô
đã thổi hơi vào các tông đồ. Với sự bình an và quyền năng của Thánh Thần, Ngài
sai các ông đi rao giảng Tin Mừng. Trước đây, sự lo lắng và sợ hãi làm cho các
ông không dám sống và làm chứng cho sự thật; nhưng giờ đây, sau khi đã cảm nhận
được sự bình an qua niềm tin vào Chúa sống lại và sức mạnh của Thánh Thần; các
tông đồ mở tung cửa đi vào thế giới và làm chứng cho Đức Kitô. Các ông biết nếu
Đức Kitô đã chinh phục kẻ thù ghê gớm nhất là sự chết, còn gì phải sợ nữa.
3.2/ Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ, có cả Thomas.
(1) Sự cứng lòng của Thomas: “Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Thomas,
cũng gọi là Didymus, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. Các môn đệ khác nói
với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Thomas đáp: "Nếu tôi
không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không
đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin."
Chúng ta đừng vội trách Thomas, vì các
tông đồ khác cũng từng cứng lòng như ông khi họ chưa nhìn thấy Chúa. Tuy nhiên,
cách thức “khi nhìn thấy mới tin” chỉ là một trong nhiều cách thức con người
dùng để tin một điều là sự thật.
(2) Phản ứng của Thomas khi nhìn thấy Chúa: "Tám ngày sau, các môn đệ của
Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Thomas ở đó với các ông. Các cửa đều
đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh
em." Rồi Người bảo ông Thomas: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem
tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy
tin."
Ông Thomas thưa Người: "Lạy Chúa của con,
lạy Thiên Chúa của con!" Đức Giêsu bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh
tin. " Lời thưa của Thomas không đơn thuần chỉ là niềm tin vào Chúa sống
lại; nhưng là lời tuyên xưng Đức Kitô là Thầy và là Thiên Chúa của ông. Tin khi
đã thấy là cách thức thấp nhất con người dùng khi muốn tin điều gì là thật;
nhưng Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến những cách thức cao hơn, khi Ngài nói:
“Phúc thay những người không thấy mà tin!” Con người có thể tin Thiên Chúa qua
các việc Ngài làm trong vũ trụ, hay qua Kinh Thánh, hay qua lời chứng của các
chứng nhân. Lề Luật Do-thái chỉ đòi lời của 2 chứng nhân có thế giá. Chúng ta
đã có hàng triệu chứng nhân đã làm chứng cho sự phục sinh của Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tin thế nào, sống như vậy. Nếu chúng ta tin vào Đức Kitô, hãy sống những gì
Ngài dạy; đừng sống như những người chỉ tin vào cuộc sống đời này.
- Niềm tin vào sự phục sinh của Đức Kitô phải giúp chúng ta vượt qua những lo
lắng, buồn phiền, và sợ sệt của cuộc sống. Nếu một Thiên Chúa yêu thương chúng
ta đến độ ban cho chúng ta Người Con Một của Ngài, còn gì quí giá hơn có thể
ban mà Ngài từ chối không ban cho chúng ta. Nếu một Thiên Chúa uy quyền đến độ
chinh phục được kẻ thù ghê gớm nhất của con người là sự chết, chúng ta còn phải
sợ hãi gì nữa?
- Hãy đặt niềm tin hoàn toàn nơi Thiên Chúa, chúng ta mới có được sự bình an
đích thực của Ngài. Sự bình an này sẽ giúp chúng ta biết sống và làm chứng cho
Đức Kitô phục sinh.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét