Chủ Nhật Phục Sinh, Năm ABC
Bài đọc: Acts
10:34, 37-43; Col 3:1-4; Jn 20:1-9.
1/ Bài đọc I:
34 Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng nói: "Quả thật, tôi biết
rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào.
37 Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt
đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng.
38 Quý vị biết rõ: Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên
Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là
Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì
Thiên Chúa ở với Người.
39 Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm
trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây
gỗ mà giết đi.
40 Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho
Người xuất hiện tỏ tường,
41 không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng
nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn
cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.
42 Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long
trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét
xử kẻ sống và kẻ chết.
43 Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm
ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội."
2/ Bài đọc II:
Nguyên lý của đời sống mới: kết hợp với Đức Ki-tô
phục sinh
1 Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm
những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.
2 Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ
đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.
3 Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện
đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa.
4 Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ
được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.
3/ Phúc Âm:
1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà
Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2Bà
liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà
nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người
ở đâu." 3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4 Cả
hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ
trước. 5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở
đó, nhưng không vào. 6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến
nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7 và
khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn
lại, xếp riêng ra một nơi. 8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ
đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. 9 Thật
vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi
dậy từ cõi chết.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: C
Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết.
Để hiểu niềm vui của Tin Mừng Phục Sinh, chúng
ta cần so sánh hai thái độ của các tông đồ: nỗi thất vọng của các ông khi phải
đối diện với Cuộc Thương Khó và cái chết của Chúa Giêsu; các ông đã sợ hãi và
bỏ trốn hết vì sợ liên lụy: Chúa chết hết truyện. Nhưng nỗi thất vọng của các
ông được bừng lên thành niềm hy vọng của Ngày Phục Sinh: vì Chúa sống lại, mọi
biến cố của quá khứ cùng sống lại, được nhìn và mang ý nghĩa với Chúa Phục
Sinh,
Các Bài Đọc hôm nay tập trung vào các nhân chứng
của Mầu Nhiệm Phục Sinh và Tin Mừng họ làm chứng và rao giảng. Trong Bài Đọc I,
Phêrô, từ một con người chối từ Chúa 3 lần trong Cuộc Thương Khó của Ngài, giờ
can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt mọi người. Điều đã cải biến ông là
Tin Mừng Phục Sinh: Nếu Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại, quyền lực thế gian
đã không thắng nổi quyền lực Thiên Chúa, chẳng còn gì để sợ hãi nữa. Trong Bài
Đọc II, tác giả Thư Côlossê nhắc nhở cho các tín hữu biết hậu quả của Mầu Nhiệm
Phục Sinh mang lại: Họ mang trong mình mầm sống của Đức Kitô Phục Sinh; mầm
sống này đòi hỏi họ phải luôn biết tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu của Nước
Trời, đừng chỉ bằng lòng với những giá trị của hạ giới là của thế gian này. Họ
phải sống làm sao để có ngày được cùng sống lại với Chúa Kitô phục sinh. Trong
Phúc Âm, Bà Maria Magdala ra thăm mộ Chúa từ sáng sớm khi trời còn tối; Bà
không tìm thấy xác Chúa nên vội chạy về báo cho các môn đệ biết. Phêrô và
Gioan, khi biết được, đã vội vã chạy đến mộ. Các ông thấy và các ông đã tin
những gì Chúa tiên báo trước khi Ngài chịu chết.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tin
Mừng về Chúa Giêsu.
Trình thuật của Sách Tông Đồ Công Vụ chỉ tập
trung trong những biến cố chính của cuộc đời Chúa Giêsu; một phần có lẽ vì rao
giảng cho thế hệ cùng thời với Chúa, một phần vì bản tính đơn sơ, chất phác của
Phêrô.
1.1/ Ông Phêrô làm chứng cho Chúa Giêsu.
(1) Về cuộc đời của Ngài: Ông Phêrô nhắc lại
những gì khán giả biết về Chúa Giêsu:
- Gioan Tẩy Giả là Tiền Hô của Thiên Chúa: “Quý
vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Judah, bắt đầu từ miền Galilee, sau
phép rửa mà ông Gioan rao giảng.” Phêrô chỉ nhắc lại cuộc đời công khai rao
giảng của Chúa.
- Phêrô muốn nhắc lại cho khán giả cuộc đời Chúa
Giêsu cách tổng quát: lai lịch, biến cố Rửa Tội tại sông Jordan, các phép lạ
chứng tỏ uy quyền của Ngài. “Quý vị biết rõ: Đức Giêsu xuất thân từ Nazareth,
Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới
đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế,
bởi vì Thiên Chúa ở với Người.”
(2) Về cái chết và sự sống lại của Ngài:
- Phêrô làm chứng cho sự chết của Đức Kitô trên
Thập Giá: “Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả
vùng dân Do-thái và tại chính Jerusalem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết
đi.”
- Phêrô làm chứng cho sự phục sinh của Đức Kitô:
“Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ
tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên
Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống
với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.”
1.2/ Bổn phận của các Tông-đồ: Chúa chọn các ông
là cho một sứ vụ; giờ đây đã đến lúc các ông phải thay Ngài để rao truyền Tin
Mừng cho muôn dân. Hai bổn phận chính của các Tông-đồ:
(1) Phải rao giảng: “Người truyền cho chúng tôi
phải rao giảng cho dân.”
(2) Phải long trọng làm chứng hai điều:
- Chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm
phán để xét xử kẻ sống và kẻ chết.
- Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai mà các tiên tri
đã loan báo: “Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin
vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội." Lời của tiên tri
Isaiah trong các Bài ca về Người Tôi Trung của Thiên Chúa mà chúng ta nghe
trong Tuần Thánh là căn bản của lời chứng này.
2/ Bài đọc II: Nguyên
lý của đời sống mới: kết hợp với Đức Kitô phục sinh.
2.1/ Thượng giới và hạ giới: “Anh em đã được
trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi
Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì
thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.”
- Thượng giới là Thiên Đàng nơi Đức Kitô đang
sống với Thiên Chúa; hạ giới là trần gian nơi con người chúng ta đang sinh
sống. Chúa Giêsu cũng đã đề cập đến sự cách biệt này khi tranh luận với người
Do-thái: "Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc
về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã nói với các
ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là
Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết."
- Vấn đề của con người hiện đại là đang quá chú
tâm đến hạ giới: nhà cửa sang trọng, xe cộ mắc tiền, hưởng thụ các thú vui vật
chất … Dĩ nhiên, con người cần phải chú tâm đến các vấn đề ăn, uống, ở … nhưng
không đến nỗi gạt bỏ hay không chút quan tâm đến các giá trị của thượng giới.
2.2/ Sự sống mới của Đức Kitô đang tiềm tàng nơi
các tín hữu: “Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang
tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta
xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh
quang.”
Làm sao biết có sự sống mới này đang tiềm tàng
nơi con người? Thứ nhất, qua tấm áo trắng của Bí-tích Rửa Tội, người Kitô hữu
được “mặc lấy” toàn thể Đức Kitô: cả sự chết lẫn sự phục sinh của Ngài. Thứ
đến, qua Bí-tích Thánh Thể, người Kitô hữu được tháp nhập vào thân thể của
Ngài. Vì có sự sống mới này trong người, các Kitô hữu phải từ bỏ nếp sống cũ
với các tội lỗi của nó, để sống đời sống mới, đời sống ân sủng và nhân đức như
Đức Kitô. Khi con người sống kết hợp với Đức Kitô, họ có thể thốt lên như thánh
Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn là tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi.”
3/ Phúc Âm: Ngôi
mộ trống
3.1/ Sức mạnh của tình yêu: Tác giả Sách Diễm Ca
ca tụng tình yêu: “Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào
vùi lấp. Ai đem hết gia tài sự nghiệp mà đổi lấy tình yêu, ắt sẽ bị người đời
khinh dể.”
(1) Chúa Giêsu yêu Mary Magdala: Bà là người
được Chúa Giêsu chữa cho khỏi bảy quỉ. Đối với con người, chẳng có gì là đáng
yêu trong người đàn bà này; nhưng đối với Thiên Chúa, Ngài thương con cái mình
bị ma quỉ xiềng xích. Từ lúc được lành bệnh, Bà luôn theo Chúa Giêsu, và đứng
dưới chân Thập Giá khi Ngài hấp hối.
(2) Bà Mary Magdala yêu Chúa Giêsu: Bà là người
đã khóc công khai để lấy nước mắt rửa chân, lấy tóc lau chân, và lấy dầu đắt
tiền xức chân Chúa. Ngay cả cái chết cũng không dập tắt nổi tình yêu của Bà
Mary Magdala dành cho Chúa Giêsu. Một người có thể nói Bà là người sống tình
yêu với Chúa hơn ai hết qua sự kiện Bà chỉ chờ khi bắt đầu ngày mới (3-6 giờ
sáng), là người đầu tiên lên đường ra mộ tìm Chúa. Tình yêu dành cho Chúa Giêsu
làm Bà vượt qua nhiều sự sợ hãi: quân lính Rôma, người Do-thái, bóng tối, ma
quỉ, lạnh lẽo, lười biếng …
Khi đến nơi và thấy tảng đá lớn đã lăn khỏi mộ.
Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà
nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người
ở đâu."
3.2/ Hai ông Phêrô và Gioan ra thăm mộ: Các môn
đệ không dám xuất hiện trước công chúng vì họ sợ sẽ bị truy tố như Thầy mình.
Các ông chắc cũng thất vọng vì Chúa Giêsu không hoàn thành ước mơ của các ông.
Khi được Mary Magdala cho biết tin ngôi mộ trống, ông Phêrô và môn đệ kia liền
đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã
tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không
vào.
(1) Ngôi mộ trống: Ông Simon Phêrô theo sau cũng
đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu
Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra
một nơi. Hai câu hỏi được nêu ra từ trình thuật này:
- Tại sao người môn đệ chạy tới trước không vào
lại chờ cho Phêrô tới và vào trước? Phải chăng vì ông sợ? Phải chăng vì ông
muốn tôn trọng quyền bính của Phêrô? Tuy Phêrô đã chối Chúa ba lần, nhưng ông
luôn là người đứng đầu Nhóm Mười Hai. Chính Chúa Giêsu đã đặt Phêrô vào địa vị
này.
- Vì các ông không ngờ là Chúa đã sống lại, nên
chỉ còn giả thuyết là người ta đã đánh cắp xác Chúa; nhưng điều làm các ông
ngạc nhiên là tại sao lấy xác mà không lấy khăn niệm, lại còn cuộn lại cẩn thận
và xếp gọn lại một nơi!
(2) Ông đã thấy và ông đã tin: “Bấy giờ người
môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy,
trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ
cõi chết.” Bản dịch của NPVCGK dịch không chính xác, phải dịch: “Ông đã thấy và
đã tin; dù chưa hiểu theo Kinh Thánh Đức Giêsu phải sống lại từ cõi chết.”
Thánh sử Gioan muốn phân biệt hai niềm tin:
- Thấy và tin: Đây là niềm tin thực nghiệm.
- Theo Kinh Thánh: Đức Giêsu phải trỗi dậy từ
cõi chết. Đây là niềm tin dựa vào uy thế của Sách Thánh.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Biến cố Chúa Giêsu phục sinh chứng tỏ rõ ràng
cho chúng ta một điều quan trọng: chết không hết. Chúa Giêsu đi trước để dọn
đường, và Ngài sẽ kéo mọi người chúng ta lên với Ngài. Vì thế, chúng ta không
được sống như không có đời sau.
- Chúa Giêsu đã gánh chịu mọi đau khổ để đền
thay tội lỗi của chúng ta, và Ngài đã phục sinh vinh hiển để chuẩn bị cho chúng
ta cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Còn ai yêu thương và lo lắng cho chúng ta hơn
Chúa Giêsu? Hãy dành trọn vẹn tình yêu cho Ngài.
- Hãy làm hết sức cho có được tình yêu với Chúa
Giêsu như Mary Magdala. Một khi có được tình yêu như thế, chúng ta sẽ vượt qua
mọi trở ngại để trung thành với Thiên Chúa và làm chứng cho Thiên Chúa bằng
cách yêu thương mọi người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét