Thánh Anrê Kim Taegon, Phaolô Chong Hasang và Các
Bạn
Anrê Kim Taegon là linh mục
Ðại Hàn đầu tiên và là con của một người trở lại đạo. Cha của ngài, ông
Ignatius Kim, được tử đạo trong thời cấm đạo năm 1839 và được phong thánh năm
1925. Sau khi được rửa tội vào lúc 15 tuổi, Anrê phải trải qua một hành trình dài
1,300 dặm để gia nhập chủng viện ở Macao, Trung Cộng. Sáu năm sau, ngài xoay sở
để trở về quê hương qua ngả Mãn Châu. Cùng năm ấy ngài vượt qua eo biển Hoàng
Sa đến Thượng Hải và thụ phong linh mục. Khi trở về quê, ngài có nhiệm vụ thu
xếp cho các vị thừa sai vào Ðại Hàn qua ngã đường biển, nhằm tránh né sự kiểm
soát biên phòng. Ngài bị bắt, bị tra tấn và sau cùng bị chặt đầu ở sông Han gần
thủ đô Hán Thành.
Thánh Phaolô Chong
Hasang là một chủng sinh, 45 tuổi.
Kitô Giáo được du nhập vào
Ðại Hàn khi Nhật xâm lăng quốc gia này vào năm 1592, lúc ấy có một số người Ðại
Hàn được rửa tội, có lẽ bởi các binh sĩ Công Giáo người Nhật. Việc truyền giáo
rất khó khăn vì Ðại Hàn chủ trương bế quan tỏa cảng, ngoại trừ những hành trình
đến Bắc Kinh để trả thuế. Một trong những chuyến đi này, khoảng năm 1777, sách
vở tài liệu Công Giáo của các cha dòng Tên ở Trung Cộng được lén lút đem về để
dạy bảo người tín hữu Kitô Ðại Hàn. Giáo Hội tại gia bắt đầu thành hình. Khoảng
mười năm sau đó, khi một linh mục Trung Hoa lén lút đến Ðại Hàn, ngài thấy có
đến 4,000 người Công Giáo mà chưa có ai được gặp một vị linh mục. Bảy năm sau,
số người Công Giáo ấy lên đến khoảng 10,000 người. Sau cùng, tự do tôn giáo
được ban hành vào năm 1883.
Khi Ðức Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II đến Nam Hàn năm 1984 để phong thánh, ngoài Thánh Anrê và
Phaolô, còn 98 người Ðại Hàn và ba vị thừa sai người Pháp, tất cả đều tử đạo
trong khoảng 1839 và 1867. Trong số đó có các giám mục và linh mục, nhưng hầu
hết là giáo dân: 47 phụ nữ, 45 quý ông.
Trong những người tử đạo
năm 1839 là Columba Kim, một phụ nữ 26 tuổi. Ngài bị cầm tù, bị tra tấn bằng
vật dụng bằng sắt nung nóng và than. Ngài và người em là Agnes bị lột quần áo
và bị giam chung với những tù nhân hình sự, nhưng họ không bị làm nhục. Sau khi
Columba phàn nàn về sự sỉ nhục này, từ đó về sau không một phụ nữ nào bị nhục
nhã như vậy nữa. Hai người bị chém đầu. Một em trai 13 tuổi, Phêrô Ryou, bị tra
tấn dã man đến độ em có thể lấy da thịt của mình mà ném vào quan toà. Em bị
xiết cổ cho đến chết. Protase Chong, một người quý tộc 41 tuổi, sau khi bị tra
tấn ông đã chối đạo và được thả tự do. Sau đó, ông trở lại, tuyên xưng đức tin
và bị tra tấn cho đến chết.
Lời Bàn
Chúng ta bàng hoàng khi
thấy sau khi được thành lập, Giáo Hội Ðại Hàn hoàn toàn là một Giáo Hội của
giáo dân khoảng hơn một chục năm. Làm thế nào mà giáo hội ấy sống còn khi không
có bí tích Thánh Thể? Ðiều này cho thấy, không phải các bí tích không có giá
trị, nhưng phải có một đức tin sống động trước khi thực sự được hưởng ơn ích
của bí tích Thánh Thể. Bí tích là dấu chỉ của sự hoạt động và đáp ứng của Thiên
Chúa đối với đức tin sẵn có. Bí tích làm gia tăng ơn sủng và đức tin, nhưng chỉ
khi nào sẵn có một điều gì đó để được gia tăng.
Lời Trích
"Giáo Hội Ðại Hàn thì
độc đáo vì được thành lập hoàn toàn bởi giáo dân. Giáo Hội còn non yếu, thật
trẻ trung nhưng thật vững mạnh trong đức tin, và đã đứng vững sau những đợt
sóng bách hại mãnh liệt. Do đó, chỉ trong vòng một thế kỷ, Giáo Hội đã kiêu
hãnh với 10,000 vị tử đạo. Cái chết của các vị tử đạo này trở thành men cho
Giáo Hội và đưa đến sự triển nở huy hoàng của Giáo Hội Ðại Hàn ngày nay. Ngay
cả bây giờ, tinh thần bất khuất ấy vẫn còn trợ giúp cho người tín hữu của Giáo
Hội thầm lặng ở miền bắc bên kia vĩ tuyến" (ÐGH Gioan Phaolô II, bài
giảng trong lễ phong thánh).
Trích NguoiTinHuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét