Lễ
Cung Hiến Ðền Ðức Bà Cả
Sau khi được xây cất lần đầu tiên theo lệnh
của Ðức Giáo Hoàng Liberius vào giữa thế kỷ thứ tư, Ðền Liberius được Ðức Giáo
Hoàng Sixtus III cho xây cất lại vào năm 431 một ít lâu sau khi Công Ðồng
Êphêsô xác định danh xưng của Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Sau khi được tái cung
hiến cho Mẹ Thiên Chúa, Ðền Ðức Bà Cả là nhà thờ lớn nhất thế giới để vinh danh
Thiên Chúa qua Ðức Maria.
Tọa lạc trên một trong bảy ngọn đồi ở Rôma,
đền đã trải qua nhiều lần tu bổ mà vẫn giữ được đặc tính của một vương cung
thánh đường thời xa xưa. Bên trong vẫn chia làm ba gian được ngăn cách bởi các
cột lớn với đường nét trạm trổ thời hoàng đế Constantine. Những tấm khảm từ thế
kỷ thứ năm vẫn còn hiển hiện trên các bức tường là chứng tích cho sự cổ kính
của đền.
Ðền Ðức Bà Cả là một trong bốn thánh đường ở
Rôma nổi tiếng là các thánh đường chính được xây cất để kính nhớ các trung tâm
đầu tiên của Giáo Hội. Ðền Thánh Gioan Latêranô tượng trưng cho ngai toà Thánh
Phêrô, Toà Rôma; Ðền Thánh Phaolô Ngoại Thành, Toà Alexandria, nghe nói do
Thánh Máccô đứng đầu; Ðền Thánh Phêrô, Tòa Constantinople; và Ðền Ðức Bà Cả,
Tòa Antiôkia, là nơi người ta cho rằng Ðức Maria sống ở đây lâu nhất.
Một truyền thuyết có từ trước năm 1000, bây
giờ không còn giá trị, đã khiến ngày lễ này có một tên khác: Ðức Bà Sương
Tuyết. Theo truyền thuyết, một vợ chồng quý tộc người Rôma hứa dâng tặng tài
sản kếch sù cho Ðức Maria. Ðể xác nhận điều ấy, ngài làm phép lạ tuyết đổ giữa
mùa hè, và bảo họ xây một đền thờ ở chỗ ấy. Vào ngày 5 tháng Tám hàng năm,
truyền thuyết này thường được cử hành bằng cách thả hoa hồng trắng như tuyết
rơi từ vòm đền thờ xuống đất.
Lời Bàn
Cuộc tranh luận thần học về bản tính của Ðức
Kitô, vừa là Chúa vừa là người, đạt đến cực điểm trong đầu thế kỷ thứ năm, thời
Constantinople. Ðức Athanasius, giáo sĩ thuộc quyền Giám Mục Nestorius, phản
đối danh xưng Theotokos, "Mẹ Thiên Chúa," ngài cả quyết rằng
Ðức Trinh Nữ chỉ là mẹ của Ðức Giêsu về phương diện nhân tính. Ðức Giám Mục
Nestorius đồng ý và ra lệnh rằng, từ nay về sau trong giáo phận của ngài, Ðức
Maria được gọi là "Mẹ Ðức Kitô". Dân chúng thành Constantinople chính
thức nổi dậy phản đối sắc lệnh của đức giám mục. Khi Công Ðồng Êphêsô bác bỏ
quyết định của Ðức Nestorius, người tín hữu đã tuốn ra đường phố, phấn khởi hô
to, "Theotokos! Theotokos!"
Lời Trích
"Ngay từ thời tiên khởi, Ðức Trinh Nữ
đã được vinh danh với tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, và các tín hữu đã cầu khẩn và ẩn
náu dưới sự che chở của ngài trong lời cầu nguyện khi họ gặp gian nan khốn khó.
Vì vậy, sau Công Ðồng Êphêsô, Dân Chúa đã gia tăng lòng sùng kính Ðức Maria
cách lạ lùng, trong sự kính mến, trong sự cầu khẩn và noi gương..."
(Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, 66).
Trích từ NguoiTinHuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét